- An Nhiên -
Năm 2019 là một năm “có lộc về quan tước” của bóng đá Việt Nam, khi rất nhiều quan chức của VFF được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng trong Liên đoàn bóng đá châu Á AFC. Và điều này đương nhiên mang lại lợi ích lớn cho bóng đá Việt. “Một người làm quan cả họ được nhờ” mà.
Hồi tháng 3 năm nay, ông Phó Chủ tịch Thường trực VFF Trần Quốc Tuấn đã được chính thức bổ nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban Thi đấu AFC tại Liên đoàn bóng đá châu Á. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử có một quan chức của VFF nắm giữ chức vụ tại Ủy ban Thi đấu AFC. Điều này có thể cho thấy sức ảnh hưởng của bóng đá Việt Nam càng ngày càng lớn và sự tín nhiệm của AFC dành cho những quan chức VFF ngày càng tăng cao. Tất nhiên, đó là một tin mừng, bởi có người làm “quan” cấp châu lục đâu phải chuyện đùa!
Khi ấy, đích thân Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á, ông Sheikh Salman bin Ebrahim Al Khalifa đã lên tiếng chúc mừng Phó Chủ tịch VFF sau khi đắc cử. Về phần mình, ông Tuấn chia sẻ: “Đây là vinh dự không chỉ của cá nhân tôi mà là của bóng đá Việt Nam trước những thành tích đáng tự hào trong thời gian qua. Nhiệm vụ sắp tới của tôi sẽ có thử thách rất lớn vì Ủy ban Thi đấu là một trong những ủy ban quan trọng nhất của AFC và có nhiều thách thức, áp lực trong điều hành công việc. Tôi phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ, đáp lại sự tín nhiệm của AFC cũng như Chủ tịch Sheikh Salman bin Ebrahim Al Khalifa đã tin tưởng giao trọng trách cho mình.”
Trước đó, ông Trần Quốc Tuấn đang giữ chức vụ Ủy viên Ban thường vụ của AFC. Ông được Liên đoàn bóng đá châu Á đánh giá rất cao và có được những đóng góp chiến lược cho sự phát triển của nền bóng đá Đông Nam Á. Gần 15 năm gắn bó với công tác quản lý bóng đá, ông Tuấn đã giúp bóng đá Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới hơn bao giờ hết.
Ít ai biết ông Tuấn là “con nhà nòi”, sinh ra trong một gia đình có truyền thống về thể thao. Cha ông là ông Trần Vĩnh Lộc (Chín Lộc), nguyên Giám đốc Sở Thể dục Thể thao tỉnh Phú Khánh (cũ), nguyên Phó Chủ tịch VFF nhiệm kỳ đầu tiên. Ông Trần Quốc Tuấn học rất giỏi và có suất du học tại Nga vào năm 1990. 8 năm sau, khi mới 28 tuổi, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học chuyên ngành Thể dục thể thao.
Trở về Việt Nam với bằng cấp thuộc lại “oách”, ông Tuấn lập tức được đề nghị làm việc tại VFF. Nhưng ông lại dành 2 năm ở tại Viện Khoa học Thể dục Thể thao theo lời khuyên của gia đình, một công việc đúng với chuyên môn. Năm 2000, ông Trần Quốc Tuấn mới bắt đầu gắn bó cùng bóng đá Việt Nam trên cương vị Giám sát trận đấu ở giải Vô địch quốc gia, sau đó làm Phó ban Tổ chức Thi đấu VFF.
Năm 2005, ông Tuấn trở thành Viện phó Viện Khoa học Thể dục Thể thao, rồi trúng cử Tổng Thư ký VFF. Cho đến nay, ông Tuấn vẫn là Tổng Thư ký trẻ nhất trong lịch sử VFF khi nhậm chức ở tuổi 35. Ông Tuấn ngồi vào ghế Tổng Thư ký khi bóng đá Việt Nam bắt đầu hội nhập sâu rộng với bóng đá khu vực và thế giới. Ngoài vốn tiếng Nga có sẵn, ông còn tự học thêm tiếng Anh để có thể giao tiếp.
Trong thời gian đảm nhiệm vị trí Vụ trưởng đặc trách môn bóng đá của Tổng cục Thể dục Thể thao, ông Trần Quốc Tuấn vẫn đại diện cho bóng đá Việt Nam tham dự những cuộc họp của FIFA, AFC và AFF. Đây chính là giai đoạn mà ông bắt đầu xây dựng những mối quan hệ của mình. Nếu như dưới thời Tổng Thư ký Phạm Ngọc Viễn, VFF đã bắt đầu nhận được sự ủng hộ của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) với các dự án, chương trình như GOAL (chương trình mục tiêu), FAP (chương trình hỗ trợ tài chính) hay Liên đoàn bóng đá châu Á AFC (chương trình “tầm nhìn châu Á”), thì tới thời Tổng Thư ký Trần Quốc Tuấn, VFF đã tiếp tục được hỗ trợ nhiều hơn, với những khoản kinh phí lớn hơn.
Ông Tuấn cũng “tận dụng” triệt để quan hệ thân tình với lãnh đạo các Liên đoàn bóng đá quốc gia, đặc biệt là các nền bóng đá lớn ở châu Á để đưa các đội tuyển bóng đá quốc gia của Việt Nam sang tập huấn với kinh phí ưu đãi, thậm chí có chuyến gần như miễn phí hoàn toàn.
Đơn cử như chuyến tập huấn của đội tuyển Việt Nam tại Qatar trước khi sang UAE đá Asian Cup 2019. Nhờ các mối quan hệ của ông Tuấn “tổng”, mà cụ thể là với Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Qatar Hamad Bin Khalifa Bin Ahmed Al-Thani - người coi ông Tuấn như bạn tâm giao, mà thầy Park cùng các tuyển thủ có hơn 10 ngày tập luyện với điều kiện tốt nhất cùng mức chi phí “như cho không”.
Trước đó, ông Tuấn cũng là người móc nối để giúp đội U20 Việt Nam có chuyến tập huấn tại Đức trước khi dự U20 World Cup 2017. Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn có 2 tuần luyện tập ở trung tâm huấn luyện hiện đại Sportschule Wedau và được đá giao hữu với các quân xanh chất lượng như đội U23 Borussia M’Gladbach hay U19 Fortuna Dusseldorf. Chi phí của chuyến tập huấn này cũng hoàn toàn… “free”.
Năm 2017, ông Tuấn đắc cử Ủy viên Ban chấp hành AFC. Bằng tư duy sắc sảo và khả năng chuyên môn, vị Phó Chủ tịch VFF đã để lại dấu ấn đặc biệt trong các cuộc họp quan trọng của AFC. Vài năm qua, bên cạnh nguồn kinh phí được rót về tăng lên đáng kể, Việt Nam cũng được ưu tiên đăng cai những giải đấu lớn tầm cỡ châu lục và khu vực. Đó là những thành tố cơ bản giúp một nền bóng đá phát triển vượt bậc bên cạnh những thành tích trực quan trên sân cỏ.
Khi làm Ủy viên Ban chấp hành AFC, chính ông Trần Quốc Tuấn là một trong những người vận động Asian Cup 2019 mở rộng từ 16 đội lên 24 đội. Sự thay đổi đó đã giúp đội tuyển Việt Nam lần thứ hai được góp mặt tại Asian Cup và thậm chí còn lọt tới vòng tứ kết. Nhưng thay vì nhận công trạng về mình khi bóng đá nước nhà có thành quả tốt, ông Tuấn vẫn thâm trầm, điềm đạm như thường lệ. Tưởng như chẳng có gì tác động được đến người đàn ông đầy bản lĩnh này, kể cả những lời ca tụng lẫn những lời chỉ trích.
Nhưng tham vọng thì ông Tuấn luôn có. Trong đại hội khóa VIII VFF diễn ra cuối năm ngoái, ông Tuấn không giấu tham vọng nâng tầm bóng đá Việt Nam sánh ngang với các cường quốc bóng đá châu Á. Không chỉ có thế, ông còn nhắm đến cơ hội đưa Việt Nam lọt vào World Cup 2026 khi giải đấu nâng lên 48 đội. Đã mơ thì phải mơ lớn, ngại gì!
Ngay sau khi Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Thi đấu AFC, một cái tên mới nữa của Việt Nam đã được bổ nhiệm vào Liên đoàn bóng đá châu Á là ông Trần Anh Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) - đơn vị điều hành giải vô địch quốc gia V-League.
Ông Tú sẽ giữ cương vị Ủy viên Ban Futsal và Bóng đá bãi biển - hồi năm 2014, ông Tú cũng đã từng giữ chức vụ này và được AFC đánh giá là đem lại những hiệu quả nhất định. Ở trong nước, ông Tú từ lâu cũng đã là cái tên rất quen thuộc với người hâm mộ bóng đá Việt Nam; đây chính là ông bầu của đội bóng Futsal nổi tiếng Thái Sơn Nam - đội bóng từng gây tiếng vang lớn với thành tích đoạt ngôi Á quân châu Á năm 2018.
Ngoài ông Trần Anh Tú, AFC cũng bổ nhiệm một số thành viên VFF khác như ông Lê Hoài Anh - Tổng Thư ký Liên đoàn bóng đá Việt Nam làm Ủy viên Ban Báo chí & Truyền thông; tái bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Phú làm Ủy viên Ban Y học và bà Nguyễn Thanh Hà làm Ủy viên Ban Bóng đá nữ AFC.
Nhờ có “đội ngũ quan chức” này mà VFF có uy tín hơn hẳn trong mắt AFC. Hồi đầu tháng 11, 4 câu lạc bộ Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa và Sông Lam Nghệ An đã bị AFC “tuýt còi” vì không đáp ứng những tiêu chí liên quan đến cơ sở vật chất. Trong trường hợp xấu nhất, cả 4 đội bóng giàu truyền thống này sẽ bị cấm thi đấu tại V-League mùa 2020.
May cho họ và cả V-League là sau khi VFF có ý kiến và đứng ra bảo lãnh với AFC, 4 đội bóng này đã được xét ngoại lệ để tham dự V-League mùa tới. Rõ ràng, nếu như không có một đội ngũ các quan chức “nằm vùng” ở AFC, rất khó để VFF có được tiếng nói trọng lượng như thế.
Trong tương lai gần, các quan chức của VFF có mặt trong bộ máy lãnh đạo của AFC sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của bóng đá Việt Nam nói riêng và cả khu vực nói chung.
Một kế hoạch diễn ra ngay trong năm tới, với sự đóng góp không nhỏ của ông Trần Quốc Tuấn trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Thi đấu của AFC, là sự ra đời của ACC (ASEAN Club Championship) - giải Vô địch các câu lạc bộ Đông Nam Á.
ACC là giải đấu có sự tham gia của 12 câu lạc bộ hàng đầu đến từ các quốc gia thành viên của AFF. Chủ tịch FIFA - Gianni Ifnantino và Chủ tịch AFC - Shaikh Salman bin Ebrahim Al Khalifa đều khẳng định ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ cho ACC. AFF nhận định ACC sẽ góp phần phát triển và nâng tầm chuyên môn của các đội tuyển cũng như các câu lạc bộ trong khu vực. “ACC sẽ giúp các câu lạc bộ gia tăng tiềm lực tài chính, thu hút khách du lịch và nâng cao trải nghiệm của hơn 650 nghìn cổ động viên trong khu vực.” Tất nhiên, VFF, đội tuyển quốc gia cùng các câu lạc bộ Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ kế hoạch này.
Và vì vậy, trước mặt bóng đá Việt Nam là tương lai đầy hứa hẹn.