- Dũng Phan -
SEA Games 30 đã kết thúc với tấm Huy chương Vàng xứng đáng dành cho U22 Việt Nam. Đó không đơn thuần là một chiến công, một giấc mơ thành hiện thực, một món nợ “ao làng” giờ mới trả được, mà còn mang tới niềm lạc quan về một tương lai mới.
Trong bóng đá, người ta thường dùng cụm từ Thế hệ Vàng để mô tả một nhóm cầu thủ mà tài năng của họ đưa người hâm mộ vào những giấc mơ ngông cuồng nhất.
Hầu hết các quốc gia đều sở hữu một Thế hệ Vàng. Tuy nhiên, vì cuộc sống vốn không hào phóng, rất nhiều Thế hệ Vàng kết thúc trong tiếc nuối. Ví dụ như lứa cầu thủ Anh trong những năm 2000, Hà Lan của thập niên 1970 hay Bồ Đào Nha với dàn hảo thủ Luis Figo, Rui Costa và Deco.
Việt Nam cũng có một Thế hệ Vàng của mình, với Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Minh Chiến, Công Minh, Đỗ Khải… Nhưng tài năng của họ không được xác tín bằng một chức vô địch, hay tấm Huy chương Vàng.
Đôi khi để giành chiến thắng, tài năng thôi chưa đủ. Một thế hệ vô địch cần phải hội tụ rất nhiều yếu tố, từ kỹ - chiến thuật, kỷ luật, đến tinh thần, chiến lược và cả sự may mắn.
Bây giờ, chúng ta đang có một thế hệ như thế. Đó là tập hợp những chàng trai với các phẩm chất ưu tú, lại đầy khao khát để chiến đấu với ngọn lửa trong tim. Dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, họ luôn có một kế hoạch chi tiết để giành chiến thắng. Kể cả khi rơi vào nghịch cảnh, họ vẫn kiên định theo đuổi mục tiêu và không bao giờ bỏ cuộc. Đôi khi may mắn xảy ra, nhưng xuất phát từ nỗ lực không ngừng và cả sự khôn ngoan của họ.
Với các chiến tích huy hoàng nối dài từ đầu năm 2018 đến cuối 2019, không nghi ngờ gì nữa, Quang Hải, Văn Hậu, Hùng Dũng, Tiến Linh cùng các đồng đội ở Đội tuyển Quốc gia và U22 chính là Thế hệ Vàng. Một thế hệ chiến thắng.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi lứa cầu thủ này già đi? Liệu thời đại hoàng kim mà chúng ta đang tận hưởng sẽ kết thúc, và bóng đá Việt Nam trở lại những ngày buồn chán?
Đừng lo lắng về điều đó, bởi Thế hệ Vàng này không được sinh ra một cách tình cờ, khi các cầu thủ xuất chúng ngẫu nhiên xuất hiện cùng nhau và giành chiến thắng trong một giai đoạn ngẫu nhiên.
Câu chuyện bắt đầu từ bầu Đức, tức Đoàn Nguyên Đức, người 4 lần thi trượt đại học nhưng luôn nỗ lực vươn lên để khẳng định giá trị của riêng mình.
Trong một thời gian dài bầu Đức đã cố gắng để nâng tầm bóng đá Việt, từ việc đưa “Zico Thái” Kiatisak về Hoàng Anh Gia Lai, thực hiện các bản hợp đồng bom tấn với Lee Nguyễn, Thonglao, cho đến việc khuếch trương bộ mặt bóng đá Việt Nam thông qua các biển quảng cáo tại giải Ngoại hạng Anh.
Tiếc rằng, trong giai đoạn mù mịt tăm khơi ấy, nỗ lực nhỏ lẻ của một cá nhân không đủ để cứu rỗi mọi thứ. Chán nản trước người lớn, bầu Đức dồn hết trái tim và tâm huyết của mình cho những đứa trẻ. Năm 2007, trong một đợt tuyển quân quy mô lớn, Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG đã ra đời.
Những gì ông làm được rồi đây sẽ trở thành lịch sử của bóng đá Việt Nam. Khi những đứa trẻ của ông, như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, 7 năm sau đã đưa khán giả Việt Nam quay lại với tình yêu bóng đá. Rồi cũng là những đứa trẻ ấy - Văn Thanh, Xuân Trường - đã trở thành trụ cột mới của đội tuyển U23 ở Thường Châu. Ngày nay, Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Toàn là những cái tên không thể thiếu ở đội tuyển quốc gia.
Cách làm của bầu Đức đã vô tình tạo nên sự cạnh tranh đối với các ông bầu khác, trong đó có bầu Hiển. Nhận những mầm ươm được để lại, bầu Hiển cũng tạo nên những lứa cầu thủ chất lượng không kém, thể lực đặc biệt sung mãn và tính khí lì lợm hơn những đứa trẻ của bầu Đức, đấy là Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng, hay Duy Mạnh…
Và rồi, những lứa trẻ này gặp nhau, kết hợp với nhau, bổ sung thêm những nhân tài khác từ các lò của FLC, Viettel… và được đặt dưới bàn tay nhào nặn của HLV Park Hang-seo. Tất cả tập hợp thành Thế hệ Vàng tạo nên vinh quang năm 2018, 2019 này. Năm 2014, U19 Việt Nam thua U19 Nhật Bản - đó là cuộc đấu giữa một học viện và một đất nước có cả trăm học viện như thế. Ngày nay, U23 Việt Nam giành chiến thắng tại AFC Cup, ASIAD 2018, và mới nhất là SEA Games 30, đó là chiến thắng của hàng chục học viện tinh hoa có chung một ngôi sao vàng trên ngực áo.
Thành công từ lò đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam đã dạy chúng ta cách nghĩ lớn, làm lớn, và dẫu chông gai, khó nhọc đến mấy thì cũng phải bắt đầu từ nền tảng vững chắc. Cây tre 3 năm đầu tiên chỉ cao lên vài centimet, nhưng những năm tiếp theo cao lên vài chục mét. Lý do là 3 năm đầu tiên, cây tre chỉ tập trung phát triển bộ rễ.
Tương lai tươi sáng sẽ chờ đón bóng đá Việt Nam nếu như chúng ta biết “phát triển bộ rễ” khỏe mạnh, vững vàng. Vì thế, hãy sử dụng sức bật chiến thắng của lứa cầu thủ này, để tập trung phát triển đào tạo đội trẻ và tạo nên sự kế thừa liên tục. Có như vậy, nền bóng đá Việt Nam mới vươn tầm được.
Chúng ta đã tự hào với những Hùng Dũng, Trọng Hoàng, Quế Ngọc Hải, Công Phượng... và lo lắng về việc ai sẽ kế thừa họ? Bây giờ chúng ta đã có câu trả lời với những chàng trai vô địch SEA Games 30. Đây chính là tương lai đầy hứa hẹn của nền bóng đá nước nhà.
Những Quang Hải, Văn Hậu, Tiến Linh, Bùi Tiến Dũng, Hà Đức Chinh... đều là các cầu thủ ở đội tuyển quốc gia với kinh nghiệm chinh chiến dày dạn. Điều này giúp cho họ sở hữu bản lĩnh vượt khó cao hơn hẳn bạn bè đồng trang lứa ở kỳ Đại hội này.
Tất cả họ đều có tuổi đời rất trẻ, cá biệt là Văn Hậu - người đã ghi 2 bàn trong trận chung kết SEA Games 30 - còn có thể đá thêm một kỳ SEA Games nữa. Những cầu thủ như Thành Chung, Hoàng Đức, Tấn Sinh, Văn Toản... đều là những “hạt giống” tài năng để sẵn sàng bổ sung lên tuyển.
Bên cạnh đó, lứa U22 này còn sở hữu chiều cao vượt trội, với 6 cầu thủ trên 1m80, và quả ngọt là chúng ta có tới 9 bàn thắng từ tình huống cố định - điều mà chúng ta trước nay chưa bao giờ có được. Tài năng, kinh nghiệm, tuổi trẻ, tư cách đạo đức, thể chất vượt trội… không quá khi nói rằng đây là thế hệ “cực phẩm” của bóng đá Việt Nam từ xưa tới nay.
Chức vô địch SEA Games 30 đã cho thấy bóng đá Việt Nam lúc này “Tre chưa già, măng đã mọc”, tương lai bóng đá Việt hoàn toàn có cái để yên tâm nếu đi theo đúng lộ trình này. “Hậu SEA Games 30”, thậm chí “Hậu Thế hệ Vàng”, chúng ta sẽ có những Huy chương Vàng SEA Games khác, với những Thế hệ Vàng khác. Tiếp tục đầu tư vào thế hệ trẻ, bóng đá Việt Nam sẽ là cỗ máy sản xuất tài năng không có điểm dừng.
Một điều khá đặc biệt nữa, đấy là cái cách mà thế hệ này đi vào trong trái tim người hâm mộ. Bạn hãy để ý mà xem, họ đã đến bằng niềm vui, nụ cười, và nhân cách rất sáng. Những gì mà Quang Hải, Tiến Dũng, Duy Mạnh, Xuân Trường... nhận được, đó là sự mến mộ, tin yêu, cùng với những hợp đồng quảng cáo - chứng tỏ tầm ảnh hưởng lớn của họ. Tất cả đã nhắn nhủ cho thế hệ sau một thông điệp rất rõ ràng: hãy cống hiến, hãy chơi bóng bằng đam mê, sự quả cảm, tinh thần không vụ lợi, và các bạn sẽ được đền đáp. “Lịch sử là bài học của tiền nhân”, hãy học từ những tấm gương như Quang Hải, Công Vinh, các cầu thủ trẻ sẽ tìm được điều viên mãn.
Cuối cùng là một điều mang ý nghĩa cao đẹp và to lớn mà bóng đá, hay cụ thể hơn, là thế hệ Park Hang-seo đã và đang viết nên. Câu chuyện có tính lịch sử, mang trong mình hồn dân tộc. Câu chuyện bắt đầu từ năm 1959, tại Bangkok, Thái Lan, khi Đại hội Thể thao Đông Nam Á (hồi đó gọi là SEAP Games) lần đầu tiên được tổ chức. Đại diện của Việt Nam đã giành được tấm Huy chương Vàng môn bóng đá nam.
Tiếc thay, đấy là tấm Huy chương Vàng đầu tiên và cũng là duy nhất của bóng đá Việt Nam cho đến thời điểm trước SEA Games 30. 60 năm sau, tròn một vòng hoa giáp, ta có đội tuyển của một đất nước thống nhất, non sông liền một dải. Cả Bắc Nam chung một màu áo, các cầu thủ từ Nam chí Bắc cùng sát cánh vì mục tiêu đem vinh quang về cho Tổ quốc.
Chiếc Huy chương Vàng SEA Games 30 vì thế giống như biểu tượng của sự hòa hợp dân tộc, biểu trưng của sự thống nhất, giống như... chức vô địch EURO 1996 của nước Đức[2]. Đó là chức vô địch của sự hòa hợp.
[2] EURO 1996, Đức vô địch sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Sammer, cầu thủ Đông Đức là libero cuối cùng đoạt Quả bóng vàng 1996.
Tôi tin đó là điều đẹp đẽ nhất mà bóng đá của thế hệ này và HLV Park Hang-seo cùng nhau mang lại.