- Hồng Nam -
Bóng đá là câu chuyện của những chữ “nếu”. Mỗi thành công, dù lớn hay nhỏ, đều có thể cắt nghĩa bởi hàng loạt biến cố, sự kiện được nối với nhau bằng một dây xích, mà sự thiếu vắng của bất cứ mắt xích nào cũng có thể khiến hệ quả cuối cùng không diễn ra...
Nếu tấm Huy chương Vàng SEA Games của U22 Việt Nam là một trái cam, cầm dao bổ dọc, ta thấy lát cắt nào trong đó được tạo bởi những chữ “nếu”? Nếu Evan Dimas của U22 Indonesia không phải rời sân sớm vì chấn thương, liệu U22 Việt Nam có thể lấy lại thế trận và hạ gục đối thủ hay không? Nếu Văn Hậu không chơi xuất thần với cú đúp, U22 Việt Nam chắc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Nếu người dẫn dắt U22 Việt Nam không phải Park Hang-seo, thì đội bóng liệu có thể kinh qua hàng loạt khó khăn, để ngược dòng trước U22 Indonesia ở vòng bảng hay gỡ hòa đầy quả cảm với U22 Thái Lan, để có mặt ở Rizal Memorial trong trận chung kết?
Cắt nghĩa thành công của U22 Việt Nam với tấm Huy chương Vàng lịch sử để thấy: bóng đá Việt Nam may mắn có một thế hệ cầu thủ tài năng, vị thuyền trưởng tài năng, đội ngũ hậu cần, trợ lý mẫn cán... Tất cả xuất hiện cùng thời điểm, mang lại sự tổng hòa vô cùng hợp lý giúp tập thể do HLV Park Hang-seo dẫn dắt tiến thẳng lên đỉnh vinh quang, vô địch một cách thuyết phục. Phải nhấn mạnh, đó là chức vô địch thực sự thuyết phục, không dựa vào may mắn hay vận hội nào.
Và chiến quả ấy được xây dựng, hình thành nhờ căn cơ, nền tảng rất bền vững. Nó không dựa vào một trận đấu cụ thể, hay một lứa cầu thủ cụ thể. Những Quang Hải, Văn Hậu, Thành Chung, Tiến Linh, Đức Chinh, Tấn Sinh... cộng với thế hệ đàn anh (Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Duy Mạnh...) có thể coi là của hiếm, là thế hệ bóng đá Việt Nam “trăm năm có một”. Song, nền bóng đá ấy không ngồi yên đợi chiến quả.
Chúng ta gặt quả nhờ những hạt mầm của 10 năm trước. Thành công hôm nay, được hình tượng hóa với tấm Huy chương Vàng và bản quốc ca kiêu hãnh cất lên sau trận chung kết, là thành tựu của chiến lược đầu tư dài hơi, bài bản.
Ngọn cờ tiên phong của bầu Đức
Cách đây chẵn 12 năm, nhiều nghi ngại, ngờ vực xuất hiện khi ông chủ Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) phá rừng cao su để xây dựng Học viện Bóng đá HAGL - Arsenal JMG trên đỉnh Hàm Rồng. HAGL khi ấy vẫn đang đứng ở nhóm đầu V-League, nhưng bầu Đức vẫn có bước đi táo bạo: đào tạo nền móng cho thế hệ trẻ. So với việc vung tiền mua sao hay đầu tư mang về thành tích ngắn hạn, đào tạo trẻ là công cuộc tốn kém, dài hơi và không có “bảo hiểm nhân thọ” cho khả năng thành công.
Trước ngày HAGL - Arsenal JMG “mở mắt” và tuyển quân rầm rộ trên các kênh sóng, hầu hết các “lò” đào tạo ở Việt Nam được vận hành bằng tâm huyết và kinh nghiệm. Nhưng bầu Đức lại nghĩ khác. Chuyến đi Anh cùng lời khuyên của Arsene Wenger khiến ông chủ HAGL thay đổi quan điểm. Phải đào tạo bằng công nghệ quốc tế dựa trên nền tảng khoa học thể thao chặt chẽ, bài bản mới có hy vọng sản sinh ra lứa cầu thủ mang đến sự đột phá, về cả tư duy chơi bóng lẫn đạo đức trong và ngoài sân cỏ. 6 năm sau ngày bầu Đức ươm mầm, quả ngọt ra đời.
Giải vô địch U19 Đông Nam Á 2013 là lần đầu tiên, cũng là hiếm hoi trong lịch sử, người hâm mộ Việt Nam “phát cuồng” vì lứa cầu thủ trẻ, với đại đa số trưởng thành giữa núi rừng cao su mà năm xưa bầu Đức từng hứng chịu “gạch đá” để chăm sóc, bảo vệ. Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn, Xuân Trường, Hồng Duy, Văn Sơn, Đông Triều... trình diễn đúng thứ bóng đá người hâm mộ luôn chờ đợi: tận hiến, sạch sẽ, trong trẻo và phảng phất hơi thở hiện đại của bóng đá châu Âu.
Sự trưởng thành của dàn trẻ HAGL khiến bầu Đức đưa ra quyết định táo bạo thứ hai: đưa lứa trẻ lên “thử lửa” tại V-League, thay thế hoàn toàn đội 1 HAGL trước đó. 5 năm qua, đội bóng phố núi chưa từng có thứ hạng cao, thậm chí có 4 mùa chật vật đua trụ hạng và xếp hạng 10 trở xuống. Tuy nhiên, những năm tháng thi đấu tại V-League giúp Văn Toàn, Văn Thanh, Tuấn Anh... vẫn giữ được đà tiến bộ. Lứa trẻ ăn tập ở học viện HAGL năm nào, giờ vẫn còn ít nhất 3, 4 cái tên trên đội tuyển quốc gia - con số cho thấy bầu Đức đã “lãi” với quyết định táo bạo năm xưa.
Tình yêu của người hâm mộ như mảnh đất cằn cỗi, được tưới tắm bởi làn gió trẻ lớn lên dưới bàn tay bao bọc, chở che của bầu Đức trong giai đoạn khủng hoảng, hồng hoang thời hậu AFF Cup 2012. Sự ghi nhận của giới mộ điệu cho những đóng góp, có lẽ quan trọng hơn bất cứ lời lãi tiền bạc nào.
Bầu Đức thiếu đâu, bầu Hiển sửa đấy
Chia sẻ về câu chuyện so sánh bầu Đức và bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch tập đoàn T&T), bình luận viên Quang Huy cho rằng mỗi người đều có sứ mệnh, vai trò lịch sử riêng. Lịch sử bóng đá Việt Nam như một dòng chảy mà ở đó, sự xuất hiện và cống hiến của mỗi cá nhân đều có ý nghĩa nhất định.
Nếu bầu Đức, với sự táo bạo và hội nhập rất sớm với bóng đá quốc tế, nhìn thấy tiềm năng và tầm quan trọng để phất lá cờ tiên phong trong đào tạo trẻ, thì bầu Hiển lại có sự tỉnh táo, điềm tĩnh và tâm huyết để nhìn ra hạn chế của thế hệ đi trước, qua đó đề ra phương án và hướng đi cho lứa cầu thủ được ông chăm bẵm, nuôi dưỡng với tâm huyết không kém cạnh các ông chủ khác.
Tiêu biểu như cách bầu Hiển đưa lứa cầu thủ Quang Hải, Đức Huy, Duy Mạnh, Đình Trọng... lên chơi tại V-League bằng sự đan cài hợp lý với các cầu thủ giàu kinh nghiệm như Văn Quyết, Thành Lương. Không phải trả giá bằng thành tích như HAGL, ngược lại, câu lạc bộ Hà Nội còn mạnh mẽ, giàu quyết tâm và năng lượng hơn nhờ dòng máu trẻ.
Trước khi vẽ nên cầu vồng tuyết trên đất Thường Châu, Quang Hải chưa từng xuất ngoại. Trước khi là trung vệ ấn tượng bậc nhất Đông Nam Á ở AFF Cup 2018, kinh nghiệm của Đình Trọng không vượt quá tầm V-League. Sự đầu tư hợp lý, bài bản và chấp nhận rủi ro của bầu Hiển giúp bóng đá Việt Nam có một lứa cầu thủ tuyệt hay trải dài ở nhiều độ tuổi mà từ đó, thành tích 2 năm qua có sự tiếp nối, duy trì.
Đội hình vô địch SEA Games của U22 Việt Nam vừa qua in đậm dấu ấn của những Văn Hậu, Thành Chung, Hùng Dũng hay có sự góp mặt của Quang Hải, Thái Quý... là minh chứng cho những trái ngọt mà không phải ai cũng muốn, và cũng dám bỏ công ra trồng.
Hướng đến tương lai…
Bóng đá Việt Nam đã ở rất xa cái thời “xây nhà từ nóc” như lời của cựu HLV Alfred Riedl. Thành công của những bầu Đức, bầu Hiển giúp những người làm bóng đá hiểu rằng: không có con đường nào thành công, bền vững và chắc chắn hơn đầu tư cho tương lai. Từ sự mở đường này, những con người tâm huyết khác với bóng đá Việt bắt đầu chung tay dựng xây nền móng.
Sẽ không có lứa U22 cùng đội tuyển Việt Nam hiên ngang ở châu lục và thống trị ở khu vực như hôm nay nếu không có sự táo bạo, “chịu chơi” của những ông bầu. Sẽ không có đội bóng giàu sức trẻ và giải cơn khát Vàng SEA Games hôm nay nếu bóng đá Việt Nam cứ mãi xây mái trước xây móng. Móng nhà dù xấu, nhưng phải có móng, thành công mới bền vững, có căn cơ.
Như một vòng tròn khép kín: nỗ lực mang lại thành công, thành công cổ vũ ngược lại cho nỗ lực, chiến quả hôm nay của bóng đá Việt Nam là trái ngọt cho những người gieo hạt suốt 10 năm trời. Nhờ thành công của các cấp độ đội tuyển, công tác đào tạo trẻ sẽ lại được đầu tư, chăm bẵm nhiều hơn nhờ các nguồn lực xã hội.
Các giải đấu trẻ được tổ chức từ cấp địa phương đến trung ương, các đội bóng trẻ từ cấp thiếu nhi đến thiếu niên được đầu tư quy mô, dàn trải là một minh chứng. Rất nhiều cầu thủ vô địch SEA Games 30 như Hoàng Đức, Quang Hải, Đức Chinh, Đức Chiến, Tiến Linh, Hùng Dũng... đều có những trải nghiệm đầu đời nơi các giải thiếu niên nhi đồng để từ đó xác lập những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp cầu thủ.
Công cuộc “xã hội hóa bóng đá”, dù mới ở những bước đầu tiên và còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng hãy nhớ về ngày bầu Đức đặt những viên gạch đầu tiên cho HAGL - Arsenal JMG hay bầu Hiển đầu tư cho câu lạc bộ Hà Nội: đi, chưa chắc thành đường, nhưng muốn thành đường thì cứ phải đi.
Thành công của U22 Việt Nam ở Philippines vừa qua và chức vô địch AFF Cup 2018 cho thấy cảm giác rất khác nếu nhìn lại những vinh quang quá khứ. Thành công của bóng đá Việt Nam giờ đây không khó cắt nghĩa, không khó dự đoán. Người hâm mộ được chứng kiến từng bước quá trình “xây nhà”, “gieo hạt” để gặt trái ngọt, chứ không phải trông cậy vào điều bất ngờ như trước đây.
Cảm xúc từ những trận chung kết với U22 Indonesia ở SEA Games hay Malaysia ở AFF Cup 2018, dẫu không quá bùng nổ, vỡ òa - bởi ta thắng như điều hiển nhiên - thì bóng đá không thể cứ mãi là cuộc chơi của cảm xúc. Những chiến thắng lý trí, khô khan suy cho cùng cũng có những dư vị cảm xúc của riêng nó. Đó là chiến thắng của sự khoa học, hợp lý và sức mạnh không thể phủ nhận. Bóng đá Việt Nam đã ở vị thế mới, nơi vinh quang khu vực chẳng còn là điều gì lạ lẫm nữa.
Kể từ nay, người hâm mộ có quyền hy vọng về những lứa cầu thủ mới còn tài năng, bản lĩnh hơn, về những lứa măng non, dù lứa cầu thủ hiện nay còn chưa kịp già. Giấc mơ về Olympic, World Cup, dẫu chưa trở thành hiện thực, thì cũng không còn quá xa xôi, viển vông như câu chuyện cười “Việt Nam dự World Cup thì Chúa cũng băng hà rồi” từng được chia sẻ trước đây.
Có thể bóng đá Việt Nam phải 10, 20 năm nữa mới mơ World Cup, có thể tuyên bố đi World Cup 2030 của bộ đôi Ryan Giggs - Paul Scholes chỉ mang tính “xã giao” trong ngày khánh thành trung tâm PVF, nhưng ít nhất, chúng ta đã có lộ trình, hướng đi cụ thể, mà chỉ cần kiên định và không ngừng học hỏi, bóng đá Việt Nam sẽ tới đích.
… nhưng không bỏ quên quá khứ
Nếu 21 năm trước, cái lưng của Sasi Kumar không khiến cả sân Hàng Đẫy “chết lặng” trong trận chung kết Tiger Cup, chưa chắc bóng đá Việt Nam đã bị ám ảnh bởi thể hình và quyết xây dựng bằng được chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý, để ngày nay U22 Việt Nam đánh bại U22 Indonesia bằng đội hình có tới 7 cầu thủ cao trên 1m80.
Nếu bóng đá Việt Nam không liên tiếp “ngã ngựa” ở SEA Games và AFF Cup, HLV Alfred Rield đã không có câu nói “xây nhà từ nóc” nổi tiếng, khiến bóng đá nước nhà gạt bỏ tự ái để nhìn lại mình.
Nếu U23 Việt Nam không thua cay đắng ở chung kết SEA Games 2009, chưa chắc chúng ta đã dám nhìn thẳng vào thực tế: cầu thủ Việt Nam trước đây bản lĩnh yếu, thường “tim đập chân run” và không biết xoay xở trước biến cố trận đấu, nhất là ở những trận quan trọng.
Nếu U22 Việt Nam không thua cay đắng ở SEA Games, HLV Park Hang-seo chưa chắc đã nên duyên cùng bóng đá Việt Nam.
Sau trận chung kết SEA Games 30, Park Hang-seo gửi lời cảm ơn đến người tiền nhiệm và những thế hệ đi trước. “Chiến thắng này có công lao của những người đi trước, của bậc đàn anh, các HLV, cầu thủ đi trước tích lũy đến hôm nay.” Mỗi thất bại đều có sứ mệnh, giá trị rất riêng và khi nhìn lại, người ta phải cảm ơn nó vì đấy là “người thầy” tâm huyết nhất mà bóng đá Việt Nam từng có.
HLV Park Hang-seo, các cầu thủ từ U22 đến đội tuyển quốc gia, hay chính nền bóng đá Việt Nam, đều trưởng thành, đi lên từ nỗi đau, nên càng trân trọng khoảnh khắc thành công hiện tại và luôn phải vận động không ngừng để giữ vững vị thế của mình, bởi càng ở trên cao, gió càng mạnh, áp lực càng lớn. Khi thành công rồi, người ta càng phải nghĩ cách làm sao để tiếp nối thành công ấy. Đó là tính liên tục trong quá trình vận động của mỗi nền bóng đá.
Hãy đặt chiến tích hôm nay trong một tiến trình chung, đó là thành quả của quá khứ, và là cơ sở để hướng tới tương lai đầy lạc quan và hứa hẹn.
Bình minh mới cho một thời đại mới đã mở ra.