- Hồng Nam -
Nhiều năm sau, khi bóng đá Việt Nam giành được vô số chiến tích khác, to lớn và vĩ đại hơn, tin rằng tất cả vẫn không thể quên được khoảnh khắc ngày 10/12/2019. Đêm ấy, bóng đá Việt Nam là vua SEA Games.
HLV Park Hang-seo bước ra từ đường hầm. Mồ hôi túa đầy trên gương mặt vị chiến lược gia 60 tuổi, một phần vì sức nóng của trận chung kết, một phần vì cơn giận sau khi bị trọng tài truất quyền chỉ đạo bằng một tấm thẻ đỏ. Trên sân, U22 Việt Nam chơi thăng hoa, đè bẹp U22 Indonesia 3 bàn không gỡ. Ngoài sân, Park Hang-seo không được thưởng thức những phút giây cuối cùng của trận chung kết, của khoảnh khắc lịch sử mà ông cùng các học trò tạo nên sau 15 ngày vắt kiệt sức lực ở Manila.
Dù vậy, Park Hang-seo vẫn biết cách tận hưởng cảm giác chiến thắng theo cách của riêng ông. “Ngài ngủ gật” rút ra lá cờ Việt Nam đỏ chói, giương cao và hướng về phía hàng nghìn cổ động viên cất công tới sân Rizal Memorial. Park Hang-seo nhảy cẫng lên như một đứa trẻ. Ông đập tay lên ngực, chỉ vào lá cờ Việt Nam kiêu hãnh thêu trên áo.
Sau đó, vị HLV người Hàn Quốc dẫn học trò đi một vòng cảm ơn khán giả. Lần này, Park Hang-seo không còn ngẩng cao đầu như lúc trước, mà khẽ cúi xuống đầy tôn kính trước khán giả và đại kỳ Việt Nam. Khoảnh khắc ấy, Park Hang-seo và Việt Nam như trở thành một. Không có bất cứ ranh giới nào giữa hai “thực thể” này.
Đêm ấy, U22 Việt Nam vô địch SEA Games.
Từ lý luận giản đơn của Park Hang-seo…
Rất nhiều tranh cãi nổ ra trước ngày thầy trò Park Hang-seo lên đường. Không phải là U22 Việt Nam có đủ sức vô địch hay không, mà là cả đội có nhất thiết phải vô địch hay không.
Ở thời điểm đàm phán hợp đồng với bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang-seo từng có ý muốn tập trung cho đội tuyển quốc gia, để lại đội U22 cho trợ lý dẫn dắt. Park Hang-seo khao khát dồn sức cho Vòng loại World Cup. Không chỉ vì thành tích của đội tuyển quốc gia mới là thước đo chân thực cho một nền bóng đá, mà còn vì ở cấp độ Đông Nam Á, Việt Nam cũng không cần thiết chứng tỏ thêm điều gì.
Vô địch AFF Cup, vào tứ kết Asian Cup, đứng đầu bảng Vòng loại World Cup, vào chung kết U23 châu Á, đứng hạng tư ASIAD... đó là thành tích chưa nền bóng đá Đông Nam Á nào từng có trong lịch sử, ấy vậy mà Park Hang-seo đã giúp bóng đá Việt Nam đạt được chỉ trong vòng 2 năm.
Từ sau “chén đắng” đong đầy nước mắt của những Công Phượng, Minh Long, Quang Hải... tại Kuala Lumpur 2 năm trước, bóng đá Việt Nam vươn mình với tốc độ không ai dự đoán nổi. Các cầu thủ phát triển nhanh đến mức ở kỳ SEA Games này, đại hội thể thao khu vực dường như không còn vừa vặn với tầm vóc của nền bóng đá. Chúng ta đã giong buồm ra biển lớn 2 năm nay, liệu có còn nhất thiết phải quay đầu lại, mò mẫm ở giải đấu mỗi năm một luật, không theo khuôn khổ chuyên nghiệp nào?
Nhưng, HLV Park Hang-seo đã thay đổi suy nghĩ. Một trợ lý của đội tuyển quốc gia từng nói rằng, ông Park khá bảo thủ, đôi khi cứng nhắc. Đứng trên cương vị đỉnh cao thành công, Park Hang-seo hoàn toàn có quyền đòi hỏi, ra điều kiện với Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Dù vậy, cuối cùng chiến lược gia người Hàn Quốc đã từ bỏ ý định giao đội U22 cho trợ lý. Ông trực tiếp nắm đội U22, “vừa xay lúa, vừa bế em”, chăm lo cho cả hai đội tuyển, không một giây ngơi nghỉ.
Đến sân tập của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, không ai lạ lẫm trước hình ảnh Park Hang-seo di chuyển như con thoi giữa hai khoảng sân. Một bên là đội tuyển quốc gia, một bên là đội U22. Báo Hàn Quốc gọi Park Hang-seo là “HLV bận rộn nhất thế giới”. Ông Park dẫn dắt đội này, vẫn ngoái sang hàng rào theo dõi đội kia. Ở tuổi 60, ông chấp nhận cường độ làm việc khủng khiếp, khi cả hai đội tuyển đều có sứ mệnh cao cả.
Tại sao Park Hang-seo đồng ý nắm đội U22, mặc dù như phân tích ở trên, bóng đá Việt Nam không còn cần SEA Games để chứng tỏ điều gì?
“Để nói về trận chung kết, tôi từng huấn luyện cấp câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia, từng đi qua nhiều giải đấu, nhưng khi dẫn dắt Việt Nam, tôi nhận thấy đây là trận chung kết rất đặc biệt. Tôi yêu Việt Nam rất nhiều, nhận được sự ủng hộ từ rất đông cổ động viên và phải có trách nhiệm giúp Việt Nam vô địch.”
Người cha già lặng lẽ chia sẻ trước trận chung kết, chỉ 1 ngày trước khi U22 Việt Nam đè bẹp U22 Indonesia để kiến tạo lịch sử. Lý luận của Park Hang-seo thật giản đơn: ông yêu Việt Nam, mà nhân dân Việt Nam mong mỏi Huy chương Vàng SEA Games, nên ông có nghĩa vụ phải giành danh hiệu ấy cho bằng được.
Park Hang-seo nhắc lại con số 60 năm, tính từ thời điểm 1959, khi đội tuyển miền Nam Việt Nam vô địch đại hội thể thao còn mang tên SEAP Games. 60 năm, bằng số tuổi của Park Hang-seo, cũng xấp xỉ một đời người. 60 năm, là khoảng thời gian người ta khắc khoải chờ đợi để lá cờ Việt Nam được kéo lên cao hơn hai lá cờ khác, được cử hành quốc ca sau khi trận chung kết khép lại.
13 kỳ SEA Games sau hội nhập, gần 400 cầu thủ, biết bao thế hệ đến và đi, Huy chương Vàng khu vực là “bóng ma” ám ảnh, còn lớn hơn cả AFF Cup. 5 trận chung kết đong đầy nước mắt, nỗi đau, đào sâu hố đen ký ức mà mỗi khi nhớ về, người ta lại vừa tiếc, vừa nhớ, vừa giận, vừa thương.
Từ Chiang Mai với nụ cười gượng gạo của Trần Minh Chiến; Mỹ Đình với giọt nước mắt đắng cay của “thế hệ vàng” Văn Quyến, Quốc Vượng; Bacolod với những ánh mắt thẫn thờ nơi vành móng ngựa vì đại án bán độ; hay Vientiane với cái bóp cổ đầy nghi hoặc mà HLV Henrique Calisto dành cho thủ thành Bùi Tấn Trường… người hâm mộ Việt Nam đã phải chịu đựng quá lâu. HLV Park Hang-seo muốn bù đắp nỗi đau ấy, vì ông yêu con người và đất nước này.
… đến cái đầu gối đầy máu của Trọng Hoàng
Song, nếu vô địch chỉ để bù đắp nỗi đau thế hệ đi trước để lại, U22 Việt Nam chưa chắc có được động lực toàn vẹn để vượt qua cả núi khó khăn, từ lịch thi đấu, việc di chuyển, mặt sân đến sự suy giảm thể lực của cầu thủ. HLV Park Hang-seo nói chính ông cũng ngạc nhiên trước khả năng khắc phục khó khăn của cầu thủ.
Ông có một thế hệ giỏi, chắc chắn là giỏi nhất lịch sử, bởi họ là những người luôn vươn thẳng, vượt lên nghịch cảnh của nền bóng đá đang buổi xế chiều. Những chiến binh được đào luyện trong lửa, từng trải qua rất nhiều thất bại, chắc chắn hiểu cần phải nỗ lực đến nhường nào mới được nếm dư vị thành công.
Trong 20 cầu thủ Park Hang-seo mang đến SEA Games 30, có một người hiểu rõ nhất cảm giác “gục ngã trước cửa thiên đường”. Đó là Nguyễn Trọng Hoàng.
Ở kỳ đại hội lần thứ 25 trên đất Lào, Trọng Hoàng cùng lứa cầu thủ tài năng dưới sự chỉ đạo của “phù thủy” Calisto tiến thẳng một mạch tới trận chung kết, tái ngộ U23 Malaysia - đối thủ từng thua U23 Việt Nam tới 1-3 ở vòng bảng, mà chính Trọng Hoàng là người ghi bàn quyết định. U23 Việt Nam khi ấy ngùn ngụt khí thế vô địch, không chỉ bởi U23 Thái Lan đã văng khỏi cuộc chơi, mà còn vì lứa cầu thủ ngày ấy của Calisto quá đẹp, quá đồng đều.
Thế rồi, pha đá phản lưới nhà của Mai Xuân Hợp và cú đổ người quá chậm của Tấn Trường khiến giấc mộng tan vỡ. Trọng Hoàng, khi ấy mới 20 tuổi, ngồi chết lặng sau tiếng còi mãn cuộc.
10 năm sau, Trọng Hoàng được HLV Park Hang-seo trao cho “cuộc đời thứ hai” ở SEA Games. Chủ nhà Philippines chủ ý cho phép mỗi đội sử dụng 2 cầu thủ quá tuổi để bù đắp cho lứa trẻ yếu kém của bóng đá nước này, nhưng đấy cũng là thời cơ để ông Park gọi thêm trụ cột ở đội tuyển quốc gia. Trọng Hoàng có cơ hội níu lại thanh xuân, và với chứng nhân cho lần gần nhất lọt vào chung kết SEA Games trong đội hình, HLV Park Hang-seo như muốn nhắn nhủ học trò: chẳng thành công nào không phải trả giá bằng máu và nước mắt.
Với “cuộc đời thứ hai” ấy, Trọng Hoàng đã đổ máu thật. Đầu gối của cầu thủ mang áo số 8 đầy máu sau pha va chạm với cầu thủ U22 Campuchia ở trận bán kết. Bị phạm lỗi, bị triệt hạ, Trọng Hoàng vẫn đứng dậy, tiếp tục đi bóng, cứ ngã xuống, rồi lại đứng dậy. Hành trình 10 năm của chàng trai xứ Nghệ là vô vàn những lần đứng lên từ thất bại như thế. Để rồi ở tuổi 30, khi rất nhiều đồng niên đã giải nghệ hoặc ở bên kia sườn dốc, Trọng Hoàng đang được sống những ngày đẹp nhất sự nghiệp, sau những chương hồi chỉ toàn tiếc nuối, đớn đau.
Nụ cười thoảng qua của Trọng Hoàng trong trận chung kết SEA Games sau nhiều lần bị cầu thủ U22 Indonesia đốn ngã, trông thật nhẹ nhõm, thoải mái. Trọng Hoàng mỉm cười, bởi cứ vấp ngã đi, anh sẽ lại đứng dậy. Cả một rừng cây của Park Hang-seo đều như vậy. Sóng gió SEA Games này dẫu có lớn, cũng chẳng hề hấn gì đâu, khi những bàn tay siết chặt vào nhau và chúng ta là một đội.
U22 Việt Nam không coi nhẹ giải đấu nào, bởi mỗi trải nghiệm, mỗi thách thức lại là cơ hội để toàn đội trui rèn bản lĩnh, giống như từng nấc thang vươn đến đỉnh cao. Đó là tinh thần Việt Nam, không từ bỏ và phải chiến đấu đến cùng. Trước mặt là đối thủ, nhưng sau lưng là Tổ quốc và nhân dân. Tinh thần ấy lớn lao và đáng tự hào đến mức Park Hang-seo có thể hãnh diện nói với phóng viên Tân Hoa Xã rằng đó là điều cầu thủ Việt Nam có, còn cầu thủ Trung Quốc thì không.
Thất bại ở SEA Games 29 giúp các cầu thủ tích lũy đủ nỗi đau, để rồi bùng cháy như ngọn lửa vĩnh hằng giữa mùa tuyết lạnh trên đất Thường Châu. Rồi nỗi đau ở Thường Châu năm ấy kết tinh lại, đưa tuyển Việt Nam tiến xa hơn nữa với chức vô địch AFF Cup và tứ kết Asian Cup. Thất bại đánh gục ý chí của thế hệ trước nhưng tôi luyện ý chí của thế hệ này thêm sắt đá, kiên cường.
Chức vô địch quá thuyết phục, là minh chứng cho đẳng cấp và sức mạnh tuyệt đối, chứ không dựa dẫm vào vận may hay thời cơ nào. U22 Việt Nam thắng nốt sân chơi khu vực, để từ nay, ta chẳng còn bận lòng, vấn vương gì về nỗi ám ảnh mang tên SEA Games nữa.
Phải cảm ơn những thất bại đã giúp các cầu thủ chân cứng, đá mềm. Giải quyết “ân oán” với quá khứ rồi, giờ ta giong buồm ra biển lớn thôi, hỡi Park Hang-seo cùng các cầu thủ! Toàn thể nhân dân Việt Nam đang chờ đợi điều đó.
Đêm ấy, chúng ta vô địch SEA Games. Ngày mai, gió sẽ lồng lộng thổi, đưa con tàu bóng đá Việt Nam tiến thẳng châu lục với cái đầu ngẩng cao, không phải ngoái lại tiếc nuối điều gì.