- An Nhiên -
Những thành công của bóng đá Việt Nam dưới triều đại HLV Park Hang-seo có sự đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng của các nhân vật đứng sau hậu trường. Họ thường không được nhắc đến và cũng không góp mặt trên bục nhận huy chương, nhưng nếu thiếu đi những người đàn ông này, có lẽ chặng đường đã qua của thầy Park cùng các học trò đã không trải đầy hoa hồng như thế.
Từ ông trưởng phòng mẫn cán…
Với các cầu thủ Đội tuyển Quốc gia và U22, họ quen gọi ông Đoàn Anh Tuấn là “anh Tuấn” một cách thân mật hơn là nhắc đến chức danh Trưởng phòng các Đội tuyển Quốc gia của ông.
Sự thân mật giữa “anh Tuấn” và các cầu thủ là điều dễ hiểu, bởi ông Tuấn luôn là người lo từng miếng ăn giấc ngủ cho họ. Còn nhớ một trận đấu tại Mỹ Đình hồi đầu năm nay vào thời điểm tiết trời Hà Nội rất lạnh, các cầu thủ hết trận còn nán lại sân cỏ để chụp hình và giao lưu với người hâm mộ. Ông Tuấn đã phải nhắc nhở, “Thôi anh em tạm thế đã, vào phòng thay đồ đi kẻo lạnh rồi ốm ra đấy.” Khi các cầu thủ rời sân, người đàn ông này còn kiểm tra lại cabin huấn luyện đội nhà để xem có ai để quên đồ hay không rồi mới vào trong. Đó là hình ảnh đã trở nên quen thuộc của ông Tuấn, một người tỉ mỉ, chu toàn và rất trách nhiệm.
Ông Đoàn Anh Tuấn được xem là “sếp hậu cần” trong mỗi chuyến thi đấu xa nhà của các đội tuyển Việt Nam. Chức danh “trưởng phòng các đội tuyển” nghe thì rất oách nhưng công việc thường xuyên mà ông Tuấn vẫn làm là thông dịch cho các cầu thủ sau mỗi trận đấu, xuống tận bếp ăn khách sạn yêu cầu các món ăn phù hợp cho đội nhà, hay cả việc ôm cả 30 cuốn hộ chiếu ra sân bay sớm để làm thủ tục... Cái cách ông quán xuyến công việc chẳng khác nào một “tổng quản”.
Ông Tuấn cũng thường xuyên giữ vai trò trưởng đoàn tiền trạm cho các đội tuyển trước các giải đấu lớn. Dưới thời HLV Park Hang-seo, ông luôn là người đến tìm hiểu kỹ lưỡng các địa điểm thi đấu. Từ AFF Cup 2018, Asian Cup 2019 đến ASIAD, ông Tuấn đều là người “đi trước về sau”, chuẩn bị kỹ lưỡng các khâu hậu cần để giúp thầy trò ông Park có được điều kiện ăn ở, tập luyện tốt nhất.
Thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Hoa, tốt nghiệp đại học Ngoại thương rồi sang học tiếp tại Quế Lâm, Trung Quốc, ông Tuấn từng là trợ lý ngôn ngữ của cựu HLV trưởng tuyển nữ quốc gia Trần Vân Phát. Ông Tuấn làm việc tại Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ Việt Nam trước khi sang giữ chức Phó phòng rồi Trưởng phòng các Đội tuyển của VFF.
Không chỉ làm công việc hậu trường, mỗi trận đấu, ông Đoàn Anh Tuấn còn kiêm thêm nhiệm vụ như trợ lý ngôn ngữ thứ 2 cho HLV Park Hang-seo. Trong trận đấu ra quân SEA Games 30 với U22 Brunei, khi phát hiện cầu thủ Faiq Bolkiah của đội bạn vẫn vào sân dù không được đăng ký, người đầu tiên mà thầy Park phản ánh chính là ông Tuấn.
… đến vị trưởng đoàn may mắn…
Nếu nhắc đến một vị trưởng đoàn bóng đá may mắn bậc nhất của bóng đá Việt Nam, hẳn nhiều người sẽ nhắc đến ông Lưu Quang Điện Biên, vị Trưởng phòng Bóng đá Phong trào, Đào tạo và Tổ chức các thành viên VFF.
Tốt nghiệp chuyên ngành Thể thao ở Nga, ông Lưu Quang Điện Biên được biết đến như vị một vị trưởng đoàn mát tay chuyên đưa các đội tuyển trẻ đi thi đấu và thường xuyên mang về những thành công cho bóng đá Việt Nam. Từ đội U16, U18, U19 đến U22, ông Biên không chỉ giữ vai trò “tổng chỉ huy” mà còn trực tiếp xắn tay vào các vấn đề nhỏ từ nơi ăn chốn ở, chỗ tập luyện đến chất lượng sân bãi.
Năm 2016, ông Lưu Quang Điện Biên được biết đến khi làm trưởng đoàn U16 Việt Nam giành ngôi Á quân Đông Nam Á.
Tháng 2/2019, ông Biên là trưởng đoàn dẫn dắt U22 Việt Nam dự giải U22 Đông Nam Á. Một lần nữa ông lại cho thấy cái duyên đặc biệt của mình khi đội bóng của HLV Nguyễn Quốc Tuấn giành được vị trí thứ 3. Nên nhớ rằng đội U22 dự giải Đông Nam Á không phải với lực lượng tốt nhất. Trong đội hình hồi đầu năm, chỉ có 2 cái tên được lựa chọn vào đội hình dự SEA Games 30 là Phan Thanh Sơn và Bùi Tiến Dụng, những người cũng không có được vị trí chính thức trong đội hình của HLV Park Hang-seo. Mặc dù vậy qua giải đấu này, ê-kíp của thầy Park đã có được cái nhìn sơ bộ về các đối thủ tại SEA Games.
Đến cuối năm, ông Lưu Quang Điện Biên lại là trưởng đoàn U19 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của “phù thủy trắng” Philippe Troussier dự Vòng loại U19 châu Á. U19 Việt Nam đã kết thúc vòng loại với thành tích nhì bảng J với 7 điểm, cùng hiệu số +6. Thành tích này giúp U19 Việt Nam đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng các đội nhì bảng xuất sắc nhất (sau U19 Lào) và chính thức giành vé lọt vào Vòng chung kết U19 Châu Á 2020.
Một nhân vật nữa cũng không thể không nhắc đến là ông Mai Anh Hoàng - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Bóng đá Phong trào & Các tổ chức thành viên VFF. Ông Mai Anh Hoàng xuất thân là dân IT và chỉ bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực bóng đá ở vai trò tình nguyện viên. Ông hiện đang là giám sát viên của AFC và thường xuyên giữ vai trò giám sát ở các giải đấu quốc tế.
Ông Mai Anh Hoàng cùng ông Đoàn Anh Tuấn chính là những người được VFF cử đến Philippines để tiền trạm cho hai đội bóng đá nam và nữ trước khi tham dự SEA Games. Dù còn một vài vấn đề xuất phát từ công tác tổ chức thiếu chuyên nghiệp của chủ nhà Philippines nhưng hai cán bộ tiền trạm của VFF đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, giúp đội U22 của thầy Park có được sự chuẩn bị tốt nhất. Bên cạnh đó, họ cũng đã lên tiếng kịp thời với ban tổ chức để đội tuyển nữ có được bữa ăn chất lượng hơn so với những ngày đầu đến Philippines.
Sự đóng góp của các nhân vật này ít khi được nhắc đến trên mặt báo, nhưng tầm quan trọng của họ là không thể phủ nhận. Trong thành công của HLV Park Hang-seo cùng bóng đá Việt Nam còn rất nhiều người như thế. Họ cần mẫn và thầm lặng hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất để góp phần vào thành quả chung.
… và các “vị tướng hậu cần”
Khoảng 1 tháng trước khi thầy trò HLV Park Hang-seo di chuyển sang Philippines, VFF đã chủ động kết nối với ban tổ chức nước chủ nhà để tìm hiểu về điều kiện ăn ở, đi lại và cử cán bộ sang tiền trạm, kiểm tra điều kiện thực tế các sân thi đấu, sân tập, cũng như tính toán khoảng cách từ khách sạn tới các địa điểm thi đấu, tập luyện nhằm xây dựng lịch hoạt động hợp lý nhất cho đội tuyển.
Ông Đoàn Anh Tuấn và Mai Anh Hoàng cũng đã có mặt tại Manila trước hai đội tuyển hai ngày để đảm bảo mọi công tác hậu cần cho hai đội diễn ra thuận lợi nhất. Cả ông Tuấn và ông Hoàng hiện đều là giám sát của AFC nên có kinh nghiệm, mối quan hệ cũng như hiểu rất rõ những yêu cầu cần thiết cho các đội cũng như những vấn đề ban tổ chức địa phương phải đáp ứng theo quy định quốc tế.
Do các đội tuyển tham dự SEA Games không được lựa chọn khách sạn mà phải theo sự sắp xếp của nước chủ nhà, nên bộ phận hậu cần của VFF, đứng đầu là trưởng phòng Đoàn Anh Tuấn, đã chủ động trực tiếp sang Manila trước 2 ngày để làm việc với khách sạn nơi đội U22 sẽ đóng quân, hoàn tất các thủ tục check-in để đảm bảo thầy trò HLV Park Hang-seo vừa tới nơi là nhận chìa khóa lên phòng nghỉ ngơi ngay, không phải lãng phí thêm thời gian chờ đợi, đồng thời đảm bảo toàn bộ các cầu thủ và ban huấn luyện được ở cùng một tầng tại khách sạn nhằm tạo sự thuận tiện trong sinh hoạt, giao tiếp.
Bóng đá không phải chỉ là những người xuất hiện trên sân cỏ và những gì chúng ta thấy trên ti-vi. Những người hùng thầm lặng phía sau, lo lắng từng bữa ăn giấc ngủ cho những cầu thủ của đội tuyển… cũng rất xứng đáng được nhận lời tri ân.