- Dương Đỗ Hoàng -
Chưa bao giờ “Tinh thần Việt Nam” lại hiện ra rõ ràng đến thế, cảm giác như có thể sờ thấy được. Trong suốt chiến dịch săn Vàng SEA Games trên đất Philippines, các chiến binh U22 Việt Nam đã cho thấy sự dũng cảm, ý chí quật cường và khát khao chiến thắng tột cùng để vượt qua hết thảy mọi khó khăn, nghịch cảnh…
“Chiến dịch săn Vàng SEA Games” dài 19 ngày trên đất Philippines - tại Binan và Manila, chứng kiến một đội tuyển U22 Việt Nam với chỉ có 20 con người[1] nhưng lại phải liên tục căng sức với lịch thi đấu mật độ quá dày, từ 2 đến 3 ngày/trận - kiểu lịch thi đấu quái dị mà theo nhiều người miêu tả, chỉ có “những giải đấu ao làng mới có thể thức giống… như vậy”.
[1] U22 Việt Nam mang sang Philippines 21 cầu thủ, nhưng thủ môn Phan Văn Biểu, hiện đang thi đấu cho SHB Đà Nẵng, chỉ sắm vai thủ môn dự phòng, nên không được đăng ký trong danh sách thi đấu. Dù vậy, trong đêm chung kết, anh vẫn được nhận Huy chương Vàng.
U22 Việt Nam trải qua 7 trận đấu bất khả chiến bại, trong đó có đến 6 trận thắng và chỉ hòa 1 trận duy nhất trước “kẻ thù truyền kiếp” Thái Lan với tỷ số 2-2, ghi được 24 bàn và chỉ để lọt lưới 4 bàn. Các học trò của Park Hang-seo cho thấy, họ đã quyết tâm và nỗ lực nhiều đến như thế nào, trong tình thế nhân sự luôn bị thiếu hụt vì chấn thương. Thầy Park phải luân phiên xoay vòng cầu thủ để giảm tải áp lực cho các vị trí trụ cột, dù điều đó đã ảnh hưởng không ít thì nhiều đến thành tích trên sân đấu, thậm chí ảnh hưởng đến cả mối an nguy thành bại của từng trận đấu, của cả giải đấu. Tuy vậy, xuyên suốt SEA Games 2019, “Tinh thần Việt Nam” của các chiến binh cờ đỏ sao vàng đã được kết thành sức mạnh vững chắc, không thể lay chuyển.
Đó là “Tinh thần Việt Nam” của Hà Đức Chinh. Gã trai yếu đuối ngày nào từng sống trong trạng thái “e sợ dư luận” sau khi bỏ lỡ quá nhiều cơ hội ghi bàn cho tuyển Việt Nam ở chung kết lượt đi AFF Cup 2018, thậm chí còn “ủy mị” đến độ nhắn tin hỏi người quản lý của mình rằng: “Mọi người nói gì về em đấy chị?” Sống trong áp lực của dư luận suốt một thời gian dài, Chinh không thể nổ súng trong các trận đấu chính thức thuộc các cấp độ đội tuyển Việt Nam kể từ tháng 3 năm 2019 cho đến trước trận đấu với U22 Brunei.
Gã trai ấy, giờ đây đã hồi sinh ngoạn mục, cháy lửa khát khao mỗi khi được thầy Park tung ra sân. Với cú poker trong trận đấu mở màn góp phần vào chiến thắng 6-0 trước U22 Brunei, Đức Chinh càng chơi càng hay, càng chơi càng tự tin, xứng đáng là một trong số những chiến binh làm nên lịch sử cho “chiến dịch săn Vàng SEA Games”. Dù chơi ở vị trí nào, trung phong duy nhất trên hàng công, hay tiền đạo cánh chịu trách nhiệm tổ chức tấn công từ mép biên, chàng trai trẻ quê Phú Thọ, đang thi đấu cho SHB Đà Nẵng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Anh ghi được “bàn thắng bạc” trong chiến thắng với tỷ số tối thiểu trước U22 Singapore, kết quả giúp Việt Nam tràn đầy tự tin khi bước vào trận đấu cuối cùng gặp “đại kình địch” Thái Lan. Anh cũng là người tỏa sáng rực rỡ trong chiến thắng 4-0 của U22 Việt Nam trước U22 Campuchia ở vòng bán kết: kiến tạo cho Nguyễn Tiến Linh ghi bàn thắng mở tỷ số, đánh vỡ thế trận “cực rát” của người Campuchia, rồi sau đó tự lập hat-trick cho riêng mình. Và rồi, anh ăn mừng đầy tự tin bên đường biên ngang, bằng cách lấy tay che mắt phải của mình. Với 8 bàn thắng ghi được trong suốt giải đấu, Đức Chinh thực sự đã hồi sinh, đây chính là “phiên bản hiện đại nhất của Chinh đen” - giờ là “Chinh đỏ”, vốn được nâng cấp lên từ chính thứ “Tinh thần Việt Nam” mà thầy Park đã nhắc đến rất nhiều lần trong các buổi họp báo ở SEA Games 2019.
Đó là “Tinh thần Việt Nam” của Nguyễn Tiến Linh. Chàng trai từng bị hoài nghi về năng lực do dính chấn thương và “kiểu công năng kỳ dị” - thích ghi những bàn thắng khó, bàn thắng đẹp, nhưng hay bỏ lỡ những cơ hội rõ ràng. Cũng chính chàng trai ấy, đã tự mình chứng minh rằng, tương lai của anh là vị trí trung phong cắm trên hàng công của tuyển Việt Nam, mẫu tiền đạo có thể thừa kế “di sản” của những tiền bối, đàn anh trứ danh trong quá khứ như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Việt Thắng, hay gần đây nhất là Nguyễn Anh Đức…
Chàng trai ấy, đã ghi cú hat-trick trong trận U22 Việt Nam thắng U22 Lào 6-1. Chàng trai ấy, là người châm mồi lửa cho trận ngược dòng vĩ đại nhất của lịch sử bóng đá Việt Nam, từ chỗ bị U22 Thái Lan dẫn trước 2 bàn, cuối cùng gỡ hòa một cách ngoạn mục. Với cú băng cắt đánh đầu rút ngắn tỷ số xuống còn 1-2 cho U22 Việt Nam ở phút thứ 15 của trận đấu, Tiến Linh đã giúp các đồng đội khôi phục sự bình tĩnh và tự tin, sau đó chính anh “chốt hạ” bằng cú dứt điểm lạnh lùng trên chấm 11 mét ở phút thứ 72, kết quả là giúp chúng ta vững ngôi đầu bảng và tiễn đưa người Thái về nước sớm.
Cũng chính là chàng trai ấy, đã ghi bàn thắng mở màn ở trận bán kết với U22 Campuchia, phá tan thế trận tự tin và chơi bóng “cực rát” của đối thủ, hướng U22 Việt Nam đến một cục diện cởi mở và dễ dàng hơn rất nhiều. Chàng trai ấy, dường như có chút vùng vằng khi bị thầy Park thay ra sân, dù ở thời điểm đó, anh đã bị đau và thầy Park chỉ muốn đưa anh ra nghỉ để chuẩn bị thể lực cho trận đấu chung kết. Nhưng với tinh thần của một chiến binh, Tiến Linh vốn không muốn phải sớm rời sân như thế.
Và rồi, anh vẫn nghiến răng xuất hiện trong trận chung kết, đá chính cùng với Đức Chinh, duy trì hai mũi nhọn tấn công khiến người Indonesia phải dè chừng, và tạo khoảng trống cho những đồng đội từ tuyến sau băng lên ghi bàn ở những thời điểm then chốt nhất. Tiến Linh - chàng trai trẻ từng khiến cả Việt Nam xao động với cú siêu phẩm vào lưới tuyển UAE ở Vòng loại World Cup - nhưng đến SEA Games này, mới thật sự trưởng thành, để trở thành một minh chứng cho “Tinh thần Việt Nam”.
Đó là “Tinh thần Việt Nam” của “người không phổi phiên bản Việt” - Nguyễn Trọng Hoàng. Khi vừa đặt chân đến sân bay Philippines, trên trang Facebook của mình, Trọng Hoàng đã đăng tấm hình với dòng status đầy ý nghĩa: “Tôi 22 tuổi, bồi hồi dự SEA Games lần cuối.” Trong tấm hình đó, Trọng Hoàng trông cũng trẻ trung như các đàn em U22, dù anh đã “30 cái xuân xanh”.
Không phải tự nhiên mà Nguyễn Trọng Hoàng và Đỗ Hùng Dũng là 2 cầu thủ quá tuổi được thầy Park triệu tập tăng cường cho đội U22 tham dự SEA Games 2019. Cả hai đều có kinh nghiệm, được ưu ái gọi là “những cận vệ già”, vì đã sát cánh bên cạnh thành công của bóng đá Việt Nam suốt 2 năm vừa qua. Riêng với Trọng Hoàng, anh bổ sung thêm chất “thép”, để gia cố cho sự chắc chắn của U22 Việt Nam trong cuộc chạy marathon đến tấm Huy chương Vàng của Đại hội Thể thao Đông Nam Á.
Trọng Hoàng đã xuất hiện xuyên suốt chuyến hành trình của U22 Việt Nam, ở những điểm nóng nhất, máu lửa nhất. Trong trận đấu mà chúng ta bị U22 Thái Lan dẫn trước 2 bàn từ rất sớm, nhận thấy cánh phải có nguy cơ bị “toang”, thầy Park đã có điều chỉnh cực kỳ hợp lý, đó là thay Hồ Tấn Tài, kéo Trọng Hoàng - đang thi đấu trên hàng công - lùi xuống sắm vai hậu vệ cánh phải. Trọng Hoàng đã không phụ lòng HLV người Hàn Quốc, khi chơi quyết liệt và mạnh mẽ, dẹp yên hoàn toàn các đợt lên bóng tấn công của người Thái ở khu vực mình phụ trách. Từ đó, thế trận đã trở nên cân bằng hơn, và U22 Việt Nam thừa thế xông lên, lội ngược dòng để gỡ hòa ngoạn mục.
Trọng Hoàng, với tầm vóc khiêm tốn (cao 1m72, trong khi hơn một nửa đội hình chính thức ở giải đấu năm nay của U22 Việt Nam cao trên 1m80), nhưng dũng khí can trường ngút tận mây xanh, chính là biểu trưng cho thứ “Tinh thần Việt Nam” mà thầy Park nói đến. Anh lăn xả trong tầm chân các cầu thủ đối phương, không ngại va chạm, trượt dài trên mặt sân cỏ nhân tạo sắc bén như… dao, sẵn sàng đổ máu, chỉ để đánh đổi chiến thắng, tấm Huy chương Vàng danh giá về cho bóng đá nước nhà.
Chung kết SEA Games 2009, Trọng Hoàng là chứng nhân cay đắng cho một trận cầu kỳ lạ khi Việt Nam đánh mất tấm Huy chương Vàng vào tay Malaysia. Sống trong cảm giác day dứt suốt 10 năm, giờ đây, Trọng Hoàng đã có thể trả đủ “món nợ ân tình” với người hâm mộ và quê hương, bằng cách phát tiết “Tinh thần Việt Nam” một cách mạnh mẽ nhất.
Chàng chiến binh lớn tuổi nhất của U22 Việt Nam đã viết dòng status đầy cảm xúc sau trận chung kết hôm 10/12/2019: “Cuộc đời này có được mấy lần mười năm. Thứ mà ta học được nhiều nhất là cách xin lỗi và cảm ơn. Mười năm trước Hoàng đã phải ngậm ngùi xin lỗi. Ngày hôm nay mình đã có thể sung sướng gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người. Cảm ơn thật nhiều.” Nhưng, chính những người hâm mộ cũng muốn nói với anh: “Cảm ơn anh, Trọng Hoàng!”
Đó là “Tinh thần Việt Nam” của Đỗ Hùng Dũng. Chàng trai 26 tuổi quê ở Gia Lâm, với sở thích rất “trẻ con” - thích uống sữa hơn uống… bia - kể từ khi tiếp quản chiếc băng đội trưởng của Nguyễn Quang Hải (do Hải dính chấn thương, phải ngồi trên băng ghế dự bị ở các trận đấu loại trực tiếp), đã cho thấy anh là “người lớn” thật sự trong một tập thể U22 giàu khát vọng. Không cần biết đối thủ mạnh đến mức nào, đá rát ra sao, kể cả những đợt lên bóng tấn công cuồn cuộn như sóng biển, Hùng Dũng vẫn bình tĩnh giữ nhịp, cầm trịch tuyến giữa của U22 Việt Nam - như một người thuyền trưởng can trường nhưng khéo léo, lèo lái con thuyền Việt Nam vươn trên đầu ngọn sóng, sóng càng cao thì thuyền vượt lên càng cao…
Đó còn là “Tinh thần Việt Nam” của thủ môn Nguyễn Văn Toản, người vượt qua áp lực vì sai lầm trong trận hòa U22 Thái Lan, để rồi càng bắt càng hay, trở thành một chốt chặn cực kỳ đáng tin cậy. Đó còn là “Tinh thần Việt Nam” của Đoàn Văn Hậu, mẫu cầu thủ tiệm cận đẳng cấp thế giới: cao to, có lối đá hiện đại, không ngại va chạm… để toàn đội hướng đến mục tiêu chung nhất là giành được chiến thắng. Đó là “Tinh thần Việt Nam” của cả những chàng trai không đóng góp được quá nhiều cho đội, vì chấn thương, như Quang Hải, Trọng Hùng, nhưng vẫn hết lòng cổ vũ từ bên ngoài đường biên…
“Tinh thần Việt Nam”, đã giúp Park Hang-seo có trong tay 20 chiến binh thật sự, để làm nên chiến tích mà hàng trăm năm sau vẫn còn vang danh: tấm Huy chương Vàng SEA Games 30.