- Thanh Đình -
24 năm đủ để một thế hệ lớn lên, trưởng thành và hiện thực hóa giấc mơ của những người đi trước. Đó là câu chuyện về thầy trò Trần Minh Chiến và Hà Đức Chinh, một người viết ra giấc mơ và một người hoàn thành giấc mơ.
24 năm là khoảng thời gian dài, nhưng khoảnh khắc tại bán kết SEA Games 1995 sẽ không bao giờ bị lãng quên. Đó là khi Trần Minh Chiến tung cú vô-lê cháy lưới Myanmar giúp Việt Nam lần đầu tiên lọt vào chung kết.
“Xử lý bóng trong không gian hẹp là bản năng mà ơn trên đã ban tặng cho tôi”, sau này Minh Chiến chia sẻ. Bóng từ chân Hồng Sơn vọt qua đầu Huỳnh Đức và rơi xuống đúng vị trí của Minh Chiến. Không cần một giây suy nghĩ, anh chờ quả bóng nảy lên rồi dứt điểm ngay.
Chàng tiền đạo 22 tuổi với nụ cười rạng rỡ chạy đi trong cảm xúc vỡ òa trước khi rơi vào vòng tay đồng đội. Ở một nơi cách Chiang Mai hơn một ngàn cây số, là Việt Nam, cũng rung chuyển. Một cảm giác dâng trào hạnh phúc mà chưa một người hâm mộ nào trên mảnh đất hình chữ S từng nếm trải. Không ai có thể ngủ nổi đêm hôm đó. Tất cả đổ ra đường nhảy múa, reo hò… để khái niệm “đi bão” bắt đầu hình thành.
Theo cách nói của bình luận viên Vũ Quang Huy, thì “hình ảnh chạy và ăn mừng bàn thắng của Minh Chiến cho thấy khát vọng chiến thắng, vươn lên của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế”.
Thật tiếc là năm đó chúng ta không thể vô địch bởi đối thủ ở chung kết là Thái Lan. Mà Thái Lan thì, chính Minh Chiến sau này bộc bạch, thời bấy giờ chúng ta làm gì có cửa đấu tay đôi với họ. Người Thái ở đẳng cấp cao hơn hẳn, khiến mỗi khi đối đầu với họ, các cầu thủ của chúng ta luôn tim đập chân run.
Nhưng thất bại tại Chiang Mai không phải điều tồi tệ nhất với Minh Chiến. Anh đã không thể tỏa sáng theo cách tương tự thêm lần nữa, bởi chỉ 1 năm sau đã phải từ giã sân cỏ vì chấn thương. Anh lỡ hẹn với tấm Huy chương Vàng, mãi mãi.
Như Minh Chiến nói, tất cả cũng vì “ham đá quá”. Tại SEA Games 1995, tiền đạo của Công an Thành phố Hồ Chí Minh bị chấn thương ngay từ vòng bảng nhưng vẫn cố xin ban huấn luyện để góp mặt ở trận bán kết, nơi anh sẽ làm nên lịch sử.
“Em thấy khỏe lắm, đá được thầy ơi...”, Minh Chiến nói với trợ lý HLV Dương Vũ Lâm mỗi khi được hỏi về tình trạng đầu gối. Và buổi sáng trước trận bán kết, anh đã chích thuốc giảm đau.
Chính bởi khao khát ấy, Minh Chiến phải trả giá bằng cái đầu gối không thể chữa lành.
Trong nỗi thất vọng tột cùng, đã có lúc chân sút từng được đánh giá là sắc bén nhất Việt Nam chỉ biết tìm quên trong ly rượu. Sau này, tình yêu cháy bỏng với trái bóng của Minh Chiến dần nguôi ngoai bằng công việc huấn luyện. Nhưng niềm tiếc nuối tấm Huy chương Vàng thì vẫn còn đó.
Và rồi sau 24 năm, chàng tiền đạo năm xưa cũng được thỏa khao khát ấy, theo một cách rất đặc biệt. Người hùng của U22 Việt Nam trong chiến dịch lấy Vàng SEA Games 30 chính là cậu học trò mà Minh Chiến phát hiện và kèm cặp: tiền đạo Hà Đức Chinh.
* * *
… Vào một ngày đầu hè 2017, các tuyển thủ U20 Việt Nam rèn luyện thể lực dưới trời nắng gắt thủ đô. Sau chuyến tập huấn tại Nha Trang, họ sẽ tiếp tục có đợt tập huấn khác ở Đức để chuẩn bị cho Vòng chung kết World Cup U20. Trong quãng thời gian chờ đợi, các cầu thủ phải nuốt khối lượng giáo án cực nặng để nâng cao thể trạng. Nhiều người tỏ ra oải, cảm tưởng như không thể tiếp tục.
Ở một góc, Đức Chinh đang nhăn nhó. Và phía sau, HLV Trần Minh Chiến vừa giữ để giúp Chinh thực hiện động tác khó, vừa động viên như một người cha cổ vũ con trai của mình: “Cố lên con! Tại sao tập bao nhiêu lần rồi mà vẫn thế?” Nghe thầy, Chinh lại cố, và vượt qua.
Với Đức Chinh, cầu thủ sinh ra trong một gia đình thuần nông người dân tộc Mường, bóng đá luôn… rất mệt. Như anh kể với báo chí, tuổi thơ của anh là những ngày quần thảo với trái bóng rơm trên triền sông nắng cháy. Và mỗi khi bóng vọt xuống sông, Chinh và chúng bạn lại bơi xuống để mang nó lên, mồ hôi hòa vào làn nước. “Vui lắm, nhưng cũng mệt bở hơi tai”, Chinh nói, “có điều càng mệt, đam mê trong em lại càng lớn.”
Có lẽ đam mê ấy chính là sợi dây kết nối Đức Chinh với Minh Chiến. Ở tuổi 15, Chinh tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2012 tại Cần Thơ. Mặc dù Chinh đã quá tuổi, nhưng HLV Minh Chiến vẫn nhất quyết đưa anh vào Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ PVF.
Trong một lần chia sẻ với báo chí, cựu tiền đạo hàng đầu Việt Nam nói: “Chinh rất nỗ lực và tiến bộ từng ngày để trong một thời gian ngắn đã thu hẹp khoảng cách với các đồng đội. Cộng thêm thể hình nổi trội, sức bật và kỹ năng tốt, tôi rất hy vọng Chinh sẽ là truyền nhân của mình trong tương lai.”
Tuy nhiên, xét về phong cách, Đức Chinh rất khác Minh Chiến, thậm chí hơi tương phản để trở thành truyền nhân đúng nghĩa. Nếu như ông thầy nổi tiếng với sự khéo léo, linh hoạt và khả năng dứt điểm miễn chê thì cậu học trò lại mạnh về càn lướt, không ngại va chạm, còn sút bóng thì… năm ăn năm thua. Chẳng thế mà Chinh phải khoác lên mình biệt danh Chinh “gỗ”, hay Chinh “đen”, bởi chỉ toàn mang đến vận đen cho đội nhà.
Liên tục bỏ lỡ cơ hội ngon ăn và hiệu suất ghi bàn giảm sút (chỉ ghi 2 bàn ở V-League 2019), Đức Chinh không những phải hứng chịu nhiều chỉ trích, mà còn dần dần mất chỗ đứng ở câu lạc bộ Đà Nẵng và cả Đội tuyển Quốc gia.
Như vậy, chẳng lẽ Đức Chinh là sản phẩm thất bại của Minh Chiến? Không. Minh Chiến từng nói: “Cậu bé này rất nỗ lực để tiến bộ hằng ngày”, anh tin mình không bao giờ nhìn sai.
Với các tiền đạo, đôi khi vấn đề không phải ở kỹ năng, mà là sự nhẫn nại để không ngừng cố gắng, đồng thời có niềm tin vào năng lực bản thân. Đến một lúc nào đó, các bàn thắng sẽ tự nhiên đến.
Giống như Minh Chiến, Đức Chinh luôn rất lạc quan với nụ cười thường trực trên môi. Và cũng tương tự người thầy, anh luôn đầy ham muốn ra sân và tỏa sáng. Động lực không bao giờ mất đi trong con người chàng trai Phú Thọ. Anh nỗ lực tập luyện, âm thầm chờ đợi khoảnh khắc của mình.
Cuối cùng thì ngày đó đã tới, chính tại đấu trường SEA Games, nơi lưu giữ khoảng thời gian vàng son của Minh Chiến.
Như cựu danh thủ một thời chia sẻ, ngoài việc truyền lửa đam mê cho đám trẻ, điều anh thích nhất ở công việc huấn luyện là được chứng kiến những cậu học trò thể hiện dấu ấn của mình, kiểu thầy nào trò nấy.
Trong khi các đồng đội liên tục bỏ lỡ cơ hội ở trận ra quân gặp Brunei, Chinh bỗng nhiên chính xác đến lạ kỳ. Với 4 cú dứt điểm, anh ghi 4 bàn. Không hoa mỹ như người thầy đầu tiên, nhưng sự hiệu quả thì tương tự.
Sự xuất sắc của Chinh khiến HLV Park Hang-seo có thêm giải pháp mới cho hàng công U22 Việt Nam. Thay vì sử dụng luân phiên, ông quyết định kết hợp cả hai tiền đạo có trong tay, Đức Chinh và Tiến Linh. Phép cộng này đã cho ra kết quả vượt xa mọi kỳ vọng.
Với riêng Chinh, khi sự tự tin được gây dựng, anh rũ bỏ hình ảnh tội đồ và vụt sáng trở thành người hùng, gánh vác giấc mơ Huy chương Vàng của đội tuyển. Anh giải cứu Việt Nam khỏi nỗi sợ hãi trước Singapore bằng bàn thắng ở phút 85, sau đó kiến tạo để Tiến Linh phá vỡ sự bế tắc trong trận bán kết gặp Campuchia. Trong khoảng thời gian còn lại, Chinh tự mình lập cú hat-trick, bao gồm cú chạm bóng đầy tinh tế ấn định tỷ số 4-0.
8 bàn để trở thành Vua phá lưới, chưa bao giờ một tiền đạo Việt Nam sung mãn đến thế ở đấu trường SEA Games. Để đạt được thành tích ấy, Chinh chỉ cần 14 pha dứt điểm, đạt tỷ lệ chuyển đổi cơ hội thành bàn lên tới 57,1%. Trong phút chốc, người ta bỗng thấy hình ảnh hào hoa ngày nào của Minh Chiến trong cái dáng chắc nịch của Đức Chinh, dứt điểm ngọt lịm và cứ ra chân là có bàn thắng.
Chinh đã chính thức trưởng thành. Bên cạnh phong cách chơi bóng tận tụy, chạy không ngừng để gây áp lực lên đối thủ và mở ra không gian cho đồng đội, anh còn có được sự chính xác, điềm tĩnh khi dứt điểm, cũng như bản lĩnh trong nghịch cảnh và luôn có khả năng tỏa sáng mỗi khi đội bóng cần.
Nếu như 24 năm trước, màn ăn mừng của Minh Chiến là biểu tượng của khát vọng vươn lên, thì bây giờ, cánh tay dang rộng của Đức Chinh sau mỗi bàn thắng giống như lời khẳng định tầm vóc và vị thế của “Những chiến binh áo đỏ”.
Từ quê nhà, người thầy của anh hẳn đã có thể mỉm cười. Cậu học trò ngày nào nay đã lớn, và ghi những bàn thắng quan trọng mà tay săn bàn cự phách của thập niên 1990 muốn thấy. Chưa hết, anh còn hoàn thành tâm nguyện mà người thầy vẫn luôn tiếc nuối. Về một ngày có quyền kiêu ngạo trước người Thái. Và về một ngày sở hữu tấm Huy chương Vàng SEA Games.