- Cẩm Chi -
Khoảng 2-3 năm trước, chẳng mấy ai biết đến cái tên Đỗ Hùng Dũng. Mỗi khi được gọi lên tuyển, anh luôn có mặt nhưng cũng thường bị... gạch tên rất nhanh. Mọi chuyện chỉ bắt đầu khác đi kể từ chiến dịch ASIAD 2018. Ở tuổi 26, Hùng Dũng đã chứng minh một ngôi sao không phải lúc nào cũng cần có xuất phát điểm ấn tượng.
Một năm qua là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong đời Hùng Dũng, bởi có quá nhiều lần đầu tiên với anh. Lần đầu tiên vô địch AFF cùng đội tuyển. Lần đầu tiên thi đấu với những đối thủ đẳng cấp tham dự World Cup. Và lần đầu tiên được quàng lên cổ tấm Huy chương Vàng SEA Games - điều mà rất nhiều thế hệ cầu thủ trước đây chỉ có thể mơ ước.
Dĩ nhiên, phải nói thêm cả chuyện anh lên xe hoa, để rồi lần đầu làm cha của một cậu bé kháu khỉnh. Tiếc rằng giữa lúc gia đình bộn bề công việc như thế, anh lại không thể dành nhiều thời gian bên vợ con. Không phải Hùng Dũng không muốn, mà đơn giản, anh phải tiếp tục lên đường thực hiện nghĩa vụ quốc gia.
Sau chiến dịch ASIAD 2018, một lần nữa Hùng Dũng được tin cậy trở thành viện binh cho các cậu em tại sân chơi SEA Games. Như anh chia sẻ, “sau trận Vòng loại World Cup 2022, thầy Park gọi tôi lên phòng riêng, nắm chặt tay và nói lời xin lỗi, xin lỗi vì mới có con nhỏ mà bị triệu tập đi đá Sea Games”. “Nhưng thầy cũng nói, đây không phải tôi gọi mà là quốc gia gọi, Việt Nam gọi”, Dũng kể. Thế là lên đường thôi.
Trong thời gian tập trung cùng đội U22 Việt Nam, Hùng Dũng không đăng một bài viết nào trên trang Facebook cá nhân của mình vì sợ bị mạng xã hội làm phân tâm trước khi giành Huy chương Vàng. Lúc nào anh cũng nghiêm túc, khắt khe với bản thân như thế. Bởi cá nhân Hùng Dũng biết mình không phải mẫu người có tư chất thiên bẩm để thành ngôi sao. Anh phải bù đắp bằng sự chuyên cần và luôn nghiêm khắc với bản thân.
Nếu đối chiếu thành công hiện tại với quá khứ của Hùng Dũng, nhiều người cho rằng đó là sự tổng hòa của những nhân tố may mắn. Thật ra không phải.
Không giống như nhiều đồng đội trưởng thành từ lò đào tạo Hà Nội T&T, Hùng Dũng vốn học bóng đá ở đội trẻ thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội. Sau nhiều năm bôn ba, phải đến lúc 23 tuổi, Hùng Dũng mới bắt đầu thi đấu ở đội 1, thời điểm mà những đàn em như Quang Hải, Duy Mạnh đã khẳng định tên tuổi từ lâu.
Có nhiều lý do khiến Hùng Dũng thuộc mẫu cầu thủ “chậm lớn”. Ở những năm đầu sự nghiệp, anh được đánh giá là không có điểm gì nổi trội hơn bạn bè đồng trang lứa, thậm chí còn có phần thua kém đàn em. Nhưng càng đến tuổi phải chín, Hùng Dũng lại càng chơi tốt. Một năm qua, anh gần như không vắng mặt một phút nào trong những trận đấu quan trọng của đội tuyển Việt Nam. Với những giải đấu có thể chọn cầu thủ quá tuổi, Hùng Dũng luôn là lựa chọn hàng đầu của HLV Park Hang-seo.
Nhiều người có thể bất ngờ với sự tiến bộ của Hùng Dũng, nhưng các cầu thủ ở câu lạc bộ Hà Nội thì không. HLV Chu Đình Nghiêm từ 3 năm trước đã nói ông không hiểu vì sao Hùng Dũng lại không có suất ở tuyển với những gì anh đã thể hiện. Vượt qua cả những nhân tố về mặt chuyên môn, Hùng Dũng gây ấn tượng mạnh bởi phong cách thi đấu điềm đạm, bình tĩnh. Anh không dùng sức quá nhiều, nhưng luôn đạt hiệu quả tối đa để chơi bền bỉ suốt 90 phút. Lối đá khôn ngoan đó dường như xuất phát từ tính cách già trước tuổi của anh.
Ở câu lạc bộ Hà Nội (trước đây là Hà Nội T&T), Hùng Dũng là một trong những người sau cùng được thăng lên đội 1, nhưng lại là cầu thủ đầu tiên sắm ô tô. Chiếc xe trị giá 300 triệu đồng mua cách đây 8 năm, cho đến nay vẫn được anh hào hứng kể lại như một trong những dấu mốc quan trọng nhất của cuộc đời. Không tự hào sao được, bởi lương của Hùng Dũng ở đội trẻ khi ấy chỉ có 500 ngàn đồng một tháng. Ấy vậy mà anh vẫn hùn vào hẳn 100 triệu để tậu xế hộp trước cả những người đàn anh.
“Số tiền lớn đó tôi có được nhờ chức vô địch U19 quốc gia cùng đồng đội ở Hà Nội T&T”, Dũng tâm sự. “Lần đầu trong đời cầm một số tiền lớn như thế, tôi đem về đưa cho bố mẹ ngay. Bố mẹ khuyên tôi có tiền thì nên mua cái xe để đi lại cho tiện. Hồi đó 100 triệu là mua được xe máy SH rồi, cũng đang là mốt của nhiều người Hà Nội. Nhưng sau khi cân nhắc, tôi thống nhất với cả nhà là sẽ góp thêm tiền mua ô tô. Tôi không thích phô trương, nên không muốn mua SH, nó dù sao cũng chỉ là cái xe máy đẹp mà thôi. Ô tô thì khác, mình lái xe đi lại che nắng che mưa, đỡ vất vả.”
Chưa đầy 20 tuổi, Hùng Dũng trở thành cầu thủ “oách” nhất đội trẻ Hà Nội T&T hồi ấy vì có ô tô đi. Dù vậy, chiếc xe chỉ là một phần rất nhỏ nói lên con người chu toàn, ưa chậm mà chắc của anh. Giai đoạn mới bén duyên với bóng đá trẻ, Hùng Dũng vẫn chuyên tâm học tập. Chẳng bao giờ anh đòi bố mẹ cho phép mình chơi sau giờ đá bóng như những cậu bé khác, bởi anh biết bóng đá là đam mê, nhưng lỡ mai này không thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp thì sao. Vì vậy, trước khi trở thành cầu thủ giỏi, ít ra cũng phải là… học sinh giỏi trước đã.
Không chỉ là trò giỏi, Hùng Dũng còn là con ngoan. Mỗi khi về nhà, không bao giờ có chuyện anh được nằm khểnh chơi. Nhà có người giúp việc, nhưng bố vẫn yêu cầu anh làm việc nhà để “không hư”. Từ rửa bát, quét nhà đến pha chè cho bố, việc gì anh cũng thạo.
Khi những người bạn đồng trang lứa, rồi những cậu em đồng loạt thể hiện bản thân ở cấp độ đội tuyển, Hùng Dũng vẫn cần mẫn chơi ở câu lạc bộ và chờ đợi cơ hội. Nhưng khi cờ đến tay, anh đã nắm lấy rất nhanh. Trong hành trình chinh phục chức vô địch AFF Cup 2018 của đội tuyển Việt Nam, Hùng Dũng luôn là con bài tẩy được tung vào ở những trận cầu khốc liệt nhất. Khả năng quán xuyến khu vực trung lộ của anh khiến đối thủ phải chào thua.
Trận bán kết lượt đi trên sân khách gặp đối thủ Philippines là một trong những màn trình diễn xuất sắc nhất trong sự nghiệp của Hùng Dũng. Phải đối đầu với những cầu thủ châu Âu nhập tịch được dẫn dắt bởi “phù thủy” Sven Goran-Eriksson, anh không hề nao núng, thậm chí còn khiến đối phương mệt bở hơi tai suốt 90 phút. Đến trận chung kết lượt về trên sân Mỹ Đình, Hùng Dũng lại được tung vào sân ngay từ đầu để đảm bảo thắng lợi cho đội nhà.
Với những gì đã thể hiện tại AFF Cup, Hùng Dũng tiếp tục chắc suất lên tuyển ở những giải đấu lớn tiếp theo. Trong chiến dịch Asian Cup 2019, anh là một trong số ít những cầu thủ đá chính cả 5 trận cho đội tuyển Việt Nam. Ở một giải đấu mà sự chắc chắn được đặt lên hàng đầu, Hùng Dũng luôn là tiền vệ số một trong mắt thầy Park. Ngay cả lúc được giao trọng trách đá phạt đền ở loạt đấu cân não với Jordan, Hùng Dũng cũng xuất sắc hoàn thành.
Chính HLV Park Hang-seo cũng từng thừa nhận, “chưa bao giờ nghĩ rằng Hùng Dũng lại quan trọng đến thế”. Nhưng rồi các phẩm chất ưu việt, chính là “thể lực tốt để lên xuống không biết mệt, khả năng phòng ngự từ xa và hỗ trợ tấn công, lại rất hiểu những đồng đội xung quanh” như ông Park nói, khiến Hùng Dũng trở thành nhân tố không thể thiếu. Và hơn thế, còn quyết định thành công.
Tại SEA Games 30, Dũng có 2 bàn thắng, bao gồm 1 pha lập công ở trận chung kết, 3 kiến tạo và 13 đường chuyền quyết định, nhiều hơn mọi đồng đội khác.
Thành công của Hùng Dũng hoàn toàn không đến nhờ may mắn. Có xuất phát điểm thấp hơn nhiều ngay cả khi so sánh với những cầu thủ đàn em, thế nên anh quyết tâm bù lại bằng thái độ tập luyện chuyên cần, khoa học. Ở câu lạc bộ Hà Nội, ngay cả các ngoại binh cũng phải thán phục ý thức chăm chỉ của Hùng Dũng. Ngoài ra, anh còn nghiêm túc đến từng bữa ăn, giấc ngủ hằng ngày. Hùng Dũng là một trong số ít những cầu thủ cố tập ăn theo chế độ của cầu thủ chuyên nghiệp bao gồm mì Ý, cháo cá hồi và nước ép táo. Anh cũng uống rất nhiều sữa, dù thú nhận sữa dành cho cầu thủ rất đặc và khó uống.
Sự hy sinh của Hùng Dũng đã được đền đáp nhờ những thành công trên sân cỏ, nhưng vinh quang cũng lấy đi của anh nhiều thứ. Mới chính thức làm bố chỉ hơn 1 tháng trước khi SEA Games bắt đầu, nhưng anh hiếm khi có dịp giúp vợ chăm sóc bé Gia Bảo. Những cuộc nói chuyện giữa đôi vợ chồng trẻ chủ yếu thông qua điện thoại, và trong những lần đó, Hùng Dũng cũng thường chỉ nói về… bóng đá.
Nhưng những hy sinh đó cũng thật đáng giá, khi anh hoàn thành tốt vai trò thủ lĩnh trong bối cảnh Quang Hải chấn thương, trở thành động lực ở tuyến giữa và truyền cảm hứng cho những đồng đội trẻ mỗi khi lâm vào nghịch cảnh. Cuối cùng, một kết quả hoàn toàn xứng đáng, anh ngẩng cao đầu bước lên bục vinh quang với tấm băng đội trưởng để nhận chiếc Huy chương Vàng lấp lánh.
“Khi Gia Bảo lớn lên, nhất định tôi sẽ kể lại câu chuyện ngày hôm nay cho bé nghe”, Hùng Dũng chia sẻ sau trận chung kết đầy cảm xúc.
Câu chuyện ấy, chắc chắn không chỉ về thành công của đội tuyển, mà còn về hành trình để khẳng định bản thân của chính anh.
Hùng Dũng đã đi qua chặng đường rất dài, từ một cầu thủ luôn bị lãng quên để rồi trở thành trụ cột quan trọng bậc nhất của đội tuyển quốc gia. Hành trình đó có thể mất nhiều thời gian hơn những ngôi sao khác, nhưng càng cho thấy tầm quan trọng của sự nỗ lực trong bóng đá. Hùng Dũng đang là tấm gương cho những cầu thủ trẻ khác: không cần tài năng thiên bẩm, họ vẫn có thể vươn lên nhờ vào sự chăm chỉ, cần mẫn. Chậm, nhưng chắc, chính là bí quyết để thành công.
Và trong một sự liên tưởng, đây có thể là hình ảnh khái quát hành trình chinh phục SEA Games của bóng đá Việt Nam. Tuy chậm, vì chúng ta phải chờ tới 60 năm, nhưng chắc chắn, để có thể kiến tạo một kỷ nguyên vàng tiếp theo.