- Nhân Văn -
Nếu muốn hiểu HLV Park Hang-seo, hãy đến phòng họp báo. Ở đó ta sẽ thấy một Park Hang-seo khi thì giận dữ, khi thì điềm đạm, lúc giống như đang “âm mưu” một cái gì đó, lúc chỉ đơn giản là truyền cảm hứng. Nhưng tất cả đều có mục đích, thậm chí một chiến lược hoàn chỉnh để phục vụ mục tiêu chiến thắng.
Ở bất cứ đâu HLV Park Hang-seo cũng trở thành tâm điểm. Ngoài sân cỏ, các ống kính luôn theo sát ông để cố gắng không bỏ qua bất cứ hành động nào. Còn trong phòng họp báo, nhất cử nhất động và các tuyên bố của ông đều được tất cả cẩn trọng ghi lại. Ở đó, ông hiện ra là một cá tính hấp dẫn, chủ động và có khả năng điều khiển diễn biến theo ý mình.
SEA Games 2019, HLV Park Hang Seo tham gia tổng cộng 9 cuộc họp báo trước và sau trận đấu ở Binan hay Rizal Memorial.
Ngày 24/11, HLV Park Hang-seo cùng 4 HLV của U22 Lào, U22 Indonesia, U22 Brunei và U22 Singapore có mặt đầy đủ chuẩn bị cho cuộc họp báo trước ngày môn bóng đá nam SEA Games khởi tranh. Vậy HLV Akira Nishino của U22 Thái Lan đâu?
“Tôi xin lỗi vì đến muộn do kẹt xe, trước đó tôi có cuộc họp quan trọng với cả đội”, HLV người Nhật Bản phân trần khi các HLV khác đã bắt đầu nói về sự chuẩn bị của đội nhà.
11h15 (giờ Việt Nam), cuộc họp bắt đầu. 11h20, ông Nishino mới đến. Ban tổ chức có ý chờ đợi. HLV Park Hang-seo thì không muốn thế, ông quay sang nói với ban tổ chức rằng cứ cho tiến hành cùng vẻ mặt tương đối khó chịu. Câu chuyện trở nên đáng chú ý hơn khi nhân vật chính là thuyền trưởng của Việt Nam và Thái Lan.
9 ngày trước họ còn đối đầu với nhau tại sân vận động Mỹ Đình, khi hai đội tuyển quốc gia chạm trán tại Vòng loại World Cup 2022. Chưa ai quên mâu thuẫn giữa ông Park và HLV thủ môn Sasa Todic bên phía Thái Lan quanh chuyện có hay không một sự “miệt thị ngoại hình”, còn giờ là một chút khó chịu với HLV trưởng Akira Nishino về vấn đề giờ giấc.
Sau cuộc họp, HLV Akira Nishino đã gặp riêng ông Park, thay mặt trợ lý Sasa để nói lời xin lỗi. Ông Park nhận lấy thịnh tình và từ trước đó đến sau này ông đều khẳng định: “Tôi với ông Nishino quen nhau lâu rồi, chúng tôi là bạn.”
Nhưng chưa hết, cuộc họp báo trước giải còn xuất hiện một chi tiết khác để chứng minh sự chủ động kiểm soát của HLV người Hàn Quốc.
Do có tới 6 HLV và thời gian họp báo có hạn nên mỗi HLV chỉ trả lời 1 đến 2 câu hỏi là thời gian đã hết, ban tổ chức tuyên bố kết thúc. HLV Park Hang-seo giành lấy micro mà nói: “Thật không công bằng khi các HLV khác được nói, còn tôi thì không. Ban tổ chức nên kiểm soát số câu hỏi, cũng như thời gian bởi chúng tôi rất bận, không thể đến đây chỉ để nói một hai câu, chụp ảnh rồi ra về.”
Ban tổ chức đành nhượng bộ, dù sau đó, khoảng thời gian có thêm cũng không đủ để bổ sung những thông tin đặc sắc.
Sự kiểm soát ấy còn được thể hiện trước trận gặp U22 Campuchia tại bán kết. Thầy Park nói: “U22 Việt Nam cạn thể lực rồi, chỉ còn đá bằng tinh thần thôi.” Một câu nói tưởng như chân thật nhưng có lẽ đã khiến đối thủ ảo tưởng với sức mạnh của mình, để rồi nhận lấy thất bại 0-4. Ngày hôm ấy, các tuyển thủ U22 Việt Nam thắng nhàn hạ, chẳng hề có dấu hiệu của cạn thể lực, còn tinh thần thì thoải mái hơn cả trận đấu gặp Indonesia hay Thái Lan.
Thầy Park còn gọi riêng các phóng viên Việt Nam ra mà thắc mắc tại sao danh sách mà ông và các thành viên ban huấn luyện vừa chốt xong đã ngay lập tức xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ông lo có người trong đội tuồn thông tin ra ngoài, nhưng vì đang trong giải nên không muốn làm rùm beng. Thế rồi, ông tạm dừng thắc mắc mà chuyển sang đề nghị các phóng viên “đừng đăng danh sách đội hình U22 Việt Nam quá sớm.” Ông nhấn mạnh vào tinh thần dân tộc, vào thứ gọi là Huy chương Vàng SEA Games - một mục tiêu chung của nhiều người để gia tăng sức nặng cho lời đề nghị.
Câu nói ấy tưởng chừng đơn giản và hợp lý nhưng cũng đầy tranh cãi. Người thì bảo rằng nhiệm vụ của báo chí là “săn tin”, còn thầy Park nên giải quyết từ nội bộ. Thế nhưng, đấy chỉ là thiểu số. Phần đông ủng hộ HLV người Hàn Quốc, và ông khiến chính các cơ quan báo chí truyền thông Việt Nam rơi vào trạng thái khó xử, đẩy áp lực trước trận bán kết sang một khía cạnh khác.
Dẫn cứ này thể hiện khả năng ứng biến đặc biệt của HLV Park Hang-seo, khiến ông trở nên sống động và khác biệt rất nhiều so với những đời HLV trưởng các đội tuyển Việt Nam trước đây và toàn bộ những nhà cầm quân ở Đông Nam Á hiện tại. Những sự kiểm soát chưa từng có trong tiền lệ.
Một ngày sau (25/11), HLV Park Hang-seo bước vào phòng họp báo ở sân vận động Binan sau khi U22 Việt Nam hạ U22 Brunei với tỷ số của 1 set tennis (6-0). Việt Nam quá mạnh nhưng HLV người Hàn Quốc thì nghĩ khác: “Chúng tôi may mắn thôi.”
Ông nói tiếp: “Đây mới là trận ra quân. Tôi chưa thể hài lòng hay vui mừng điều gì. Các học trò của tôi cũng vậy. Còn nhiều trận đấu ở phía trước, chặng đường SEA Games còn dài lắm.”
Bài học chiến thắng vẫn còn nguyên cách đây 2 năm, tưng bừng 3 trận đầu để rồi ngậm đắng rời giải ngay sau vòng bảng. Trong niềm hân hoan, HLV Park Hang-seo vẫn bình thản vì những nước đi đã được ông tính toán từ trước đó cả tháng trời. Mục tiêu của U22 Việt Nam là Huy chương Vàng, và cần 6 trận đấu nữa mới đi đến đích. Cất giữ niềm vui nho nhỏ để có niềm vui to lớn hơn là điều xứng đáng.
Ngày 28/11, U22 Việt Nam tiếp tục hạ gục U22 Lào 6-1. Không có gì đáng nói ngoại trừ bàn thua ở phút 60 sau một tình huống cố định. “Chúng tôi đã tập luyện rất kỹ các tình huống tương tự nhưng không hiểu sao vẫn để lọt lưới. Tôi sẽ phải gặp các cầu thủ, hỏi họ và xem lại bàn thua này”, ông nói.
Đây là lần hiếm hoi HLV Park Hang-seo để lộ một hành động của sự chất vấn dành cho các học trò sau hàng chục trận đã qua, nhưng từ đó, U22 Việt Nam nhận ra vị thế của mình, chí ít là trước những đối thủ bị đánh giá thấp hơn là Lào hay Brunei. Trước những đối thủ lớn hơn, không có chỗ cho sai lầm kiểu như vậy.
Đến ngày 1/12, U22 Việt Nam thắng kịch tính U22 Indonesia 2-1, nhưng sai lầm của Bùi Tiến Dũng được đưa ra mổ xẻ. HLV Park Hang-seo không thể lảng tránh những câu hỏi liên quan đến thủ môn từng là người hùng ở Vòng chung kết U23 châu Á 2018 trên đất Trung Quốc. Bằng kinh nghiệm của mình, HLV 60 tuổi bảo vệ học trò và tự biến mình thành nhân vật chính.
“Tôi quan niệm mọi thứ xảy ra trên sân thì HLV luôn là người chịu trách nhiệm. Tôi không muốn nói về sai lầm của một cá nhân ở đây”, ông nói.
Thế nhưng, từ đó đến cuối giải, Bùi Tiến Dũng đã mất vị trí. Văn Toản được lựa chọn là thủ thành số 1, dù cũng mắc sai sót trong trận hòa 2-2 trước người Thái. Đó có thể là kết quả từ sai lầm của Tiến Dũng, cũng được xem là câu trả lời thật sự của thầy Park thay vì điều ông nói ra ở cuộc họp báo sau trận, để một lần nữa chứng minh, không ai là không thể thay thế trong đội hình của vị HLV người Hàn Quốc.
Cũng chính từ trận đấu này, U22 Việt Nam trải qua thêm 2 trận đấu “khó thở” khác trước U22 Singapore và U22 Thái Lan. Ngày 3/12, Hà Đức Chinh ghi bàn thắng duy nhất để hạ một U22 Singapore đầy khó chịu. 2 ngày sau, U22 Việt Nam ngược dòng hòa Thái Lan sau khi bị dẫn trước hai bàn.
HLV Park Hang-seo thừa nhận trận hòa U22 Thái Lan là “một trận đấu khó khăn, có lẽ là khó nhất tại vòng bảng SEA Games”. Cuối cùng, ông nhấn mạnh vào tinh thần chiến đấu: “Một lần nữa các cầu thủ của tôi đã cho thấy tinh thần chiến đấu bất khuất, không từ bỏ, không đầu hàng trước nghịch cảnh.”
Nhìn lại toàn bộ SEA Games 30, 3 trận đấu cuối vòng bảng được xem là khó khăn nhất với U22 Việt Nam. 3 lần vượt qua gian nguy, 3 lần suýt hòa và thua để rồi vẫn bất bại. Từ những trận đấu đó, niềm tin dâng trào từ cầu thủ đến người hâm mộ. Khi những kẻ mạnh nhất cũng không thể hạ gục U22 Việt Nam, thì chẳng còn gì ngăn cản được tập thể này ngoài chính họ. Vượt qua kỳ phùng địch thủ Thái Lan, cửa giành Huy chương Vàng đã hiện rõ với thầy trò HLV Park Hang-seo.
Cách khích lệ tinh thần dân tộc của HLV Park Hang-seo là điều không còn lạ lẫm nữa. Ông khôn ngoan và luôn đánh trúng tâm lý yêu nước, tự tôn dân tộc của người Việt Nam. Với ông, không có mục tiêu riêng, chỉ có những thứ chung nhất, đánh động vào trí não của nhiều người mới là điều lớn lao cần hướng tới.
Trước trận chung kết, HLV Park Hang-seo đã nói: “Tôi muốn bay về Hà Nội cùng tuyển nữ Việt Nam với tấm Huy chương Vàng trên ngực”, và “Vì giấc mơ Huy chương Vàng 60 năm qua, tôi và các cầu thủ sẽ cố gắng hết mình để đánh bại Indonesia.” Sau chiến thắng 3-0, ông sẻ chia: “Tôi xin dành vinh quang này cho người dân Việt Nam.”
Từ những lời ấy, người dân Việt Nam sẽ lại nhớ những câu nói đã trở thành kinh điển: “Tại sao chúng ta phải cúi đầu?” sau trận chung kết U23 châu Á 2018, hay “Tôi luôn nói với các cầu thủ rằng họ phải có trách nhiệm khi đang thi đấu nhờ tiền thuế của người dân Việt Nam.”
Sau chức vô địch AFF Cup 2018, HLV Park Hang-seo có thêm một danh hiệu lớn cùng bóng đá Việt Nam. Không chỉ là danh hiệu, ông còn khai mở một thác nước mát lành cho cơn khát Huy chương Vàng của người dân đất Việt tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á.
Cũng từ những thành quả ấy, tính cách của HLV Park Hang-seo được hiện rõ. Ông thông minh và khéo léo nhưng cũng đầy điên cuồng, cũng có khi thiếu tỉnh táo ở một vài thời khắc - như cách ông phải nhận thẻ đỏ trong trận chung kết SEA Games. Hơn hết thảy, ông cho thấy tình yêu thật sự với dải đất hình chữ S, một mối quan hệ vừa vặn cho đôi bên, hợp nhau đến lạ kỳ.