- Việt Cường -
Sau chiến thắng đăng quang ở AFF 2018, HLV Park Hang-seo tiếp tục đưa bóng đá Việt Nam lên đỉnh Đông Nam Á một lần nữa với tấm Huy chương Vàng SEA Games 30. Có thể khẳng định, ở thời điểm hiện tại, bóng đá khu vực đang hoàn toàn bất lực với vị huấn luyện viên người Hàn Quốc.
Khách quan mà nói, SEA Games 30 là giải đấu không hề dễ dàng với đội tuyển U22 Việt Nam nói chung và HLV Park Hang-seo nói riêng. Vì nhiều lẽ...
Thứ nhất, so với đội tuyển quốc gia, lực lượng của đội U22 tất nhiên không chất lượng bằng. Ngoài vấn đề về trình độ và kinh nghiệm, các cầu thủ trẻ sẽ mất nhiều thời gian hơn để thích nghi với hệ thống 3 trung vệ của HLV Park Hang-seo, vốn không được nhiều câu lạc bộ ở V-League sử dụng. Đây cũng từng là vấn đề với các đàn anh ở tuyển, nhưng sau 2 năm được ông Park rèn giũa, những Quế Ngọc Hải, Duy Mạnh, Tiến Dũng... đã không còn bỡ ngỡ khi đứng chung trong một hệ thống mới. Với các cầu thủ trẻ như Thành Chung, Tấn Sinh hay Thanh Thịnh, Tấn Tài, thời gian là thứ mà họ vẫn còn thiếu.
Thứ hai, trong hành trình đến với trận đấu cuối cùng, U22 Việt Nam đã gặp phải không ít vấn đề ngoài khả năng dự liệu của ông Park. Đầu tiên là vấn đề ở vị trí thủ môn. Bùi Tiến Dũng sai lầm trong trận đấu với Indonesia ở vòng bảng, bị thay bằng Văn Toản, để rồi chính Văn Toản lại mắc lỗi ở trận gặp Thái Lan. Bầu không khí trong đội vì thế cũng trở nên căng thẳng hơn. Khó khăn chất chồng thêm, U22 Việt Nam mất đi đội trưởng Quang Hải do dính chấn thương khi vòng bảng còn chưa kết thúc. Đây là lần đầu tiên sau hai năm, ông Park không thể đưa ra sân ngôi sao sáng nhất của mình vào một trận đấu quan trọng. Quang Hải có vai trò như thế nào với đội tuyển Việt Nam thì ai cũng biết, nên mất anh là tổn thất lớn thế nào hẳn không cần nói thêm.
Thứ ba, và cũng quan trọng không kém, chúng ta cần phải thừa nhận rằng sơ đồ 3 trung vệ ưa thích của HLV Park Hang-seo đã không còn là cái gì đó quá lạ lẫm với các đối thủ trong khu vực. Ở SEA Games 30, những đội bóng đồng cân đồng hạng, từ Singapore tới Indonesia rồi Thái Lan, đều đã gây ra khá nhiều khó khăn cho chúng ta, bởi vì họ biết hệ thống của chúng ta vận hành như thế nào, đâu là điểm mạnh cần đối phó, đâu là điểm yếu cần khai thác. Đó cũng là lý do HLV Park Hang-seo, sau trận hòa nhọc nhằn 2-2 với Thái Lan ở lượt cuối vòng bảng, đã yêu cầu báo chí ngừng đưa tin về đội hình xuất phát (dự kiến) của đội U22. Ông không muốn “tạo điều kiện” để công việc của những HLV đối thủ trở nên dễ dàng hơn.
“Lửa thử vàng”, đây cũng là lúc chúng ta nhìn thấy được bản lĩnh và tài năng của HLV Park Hang-seo. Ở những giải đấu trước do ông dẫn dắt, các đội tuyển của chúng ta thường chiếm được lợi thế nhờ sự chuẩn bị tốt hơn so với đối thủ. Nhưng ở SEA Games 30, đặc biệt là ở vòng bảng, gần như mọi phương án A của chúng ta đều bị phá sản. Có thể là vì đối phương đã có sự chuẩn bị tốt. Cũng có thể là vì chúng ta đã tự làm khó mình bằng những sai lầm cá nhân. Tuy nhiên, với bản lĩnh đã được trui rèn, và trên hết là với những điều chỉnh đầy hợp lý và kịp thời của HLV, Việt Nam luôn có thể lật ngược thế cờ để đạt được kết quả như mong muốn.
Các trận đấu với Singapore và Indonesia là những ví dụ điển hình cho tinh thần và trí tuệ Park Hang-seo. Đó đều là những trận đấu mà Việt Nam đã gặp vô vàn khó khăn, nhất là trong thời gian đầu trận. Cách bố trí quen thuộc của ông Park, 5-4-1 khi phòng ngự và 3-4-3 khi tấn công, không phát huy được hiệu quả mong muốn trước lối chơi áp sát đầy khó chịu của đối thủ. Chúng ta bế tắc hoàn toàn trong cả hai hiệp 1 đó, thậm chí còn để Indonesia vượt lên dẫn trước. Nhưng sang hiệp 2, thế trận đã thay đổi hoàn toàn. Bằng việc tung thêm tiền đạo vào sân để đá với hai tiền đạo, điều chỉnh ở hai vị trí wing-back - hướng tấn công quan trọng của đội - và đẩy đội hình lên cao, chúng ta đã kiểm soát tốt trận đấu, để rồi có được bàn ấn định chiến thắng ở những phút cuối cùng.
Với tất cả sự tôn trọng dành cho các HLV nội, vẫn phải công nhận rằng nếu ngồi trên băng ghế huấn luyện không phải là ông Park mà là một HLV nào đó người Việt Nam, thì đội U22 sẽ không thể tạo nên những cú lật ngược thế cờ ngoạn mục như thế. Trong quá khứ, đã có không biết bao nhiêu lần các đội tuyển của chúng ta gục ngã và không gượng dậy nổi sau những sai lầm như của Văn Toản hay Tiến Dũng. Ngoài vấn đề về tâm lý, ông Park còn hơn những người đồng nghiệp Việt Nam ở khả năng ứng biến, và trên hết là sự chuẩn bị. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, U22 Việt Nam sẽ không thể nào xoay chuyển liên tục cả về nhân sự và đội hình mà vẫn giữ được sự mượt mà, thậm chí còn mượt mà hơn, như thế.
Và cuối cùng, chúng ta có thể khẳng định một điều: các HLV ở Đông Nam Á hiện nay vẫn chưa thể tìm ra cách hóa giải chiến thuật phòng ngự của Park Hang-seo. Đa phần các bàn thua của U22 Việt Nam ở SEA Games 30 đều xuất phát từ những sai lầm cá nhân, chứ không phải lỗi hệ thống. Trong sơ đồ 5-4-1 khi phòng ngự của U22 Việt Nam, khoảng trống để các đối thủ khai thác gần như là không có. Tấn công trung lộ thì cũng như đâm đầu vào đá, khi phía trước khung thành của U22 Việt Nam là hai tuyến phòng ngự chặt chẽ và linh hoạt, với mỗi người trong đó đều biết khi nào cần giữ vị trí, khi nào cần phải dâng lên để gây sức ép. Nếu định tấn công biên, họ sẽ vấp phải sức ép quyết liệt từ các cầu thủ chơi ở cánh. Trong thế trận ổn định, U22 luôn tạo được sự vượt trội về quân số so với 2 cầu thủ chạy cánh của đối phương, khi người chơi ở vị trí wing-back luôn có được sự hỗ trợ của ít nhất ba đồng đội, là trung vệ lệch, tiền vệ cánh và tiền vệ trung tâm lệch cánh.
Để có thể hóa giải được hệ thống của ông Park, các đội bóng hoặc là phải vượt trội về mặt trình độ, như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay Iran; hoặc là, nếu trình độ tương đương, thì phải tổ chức được những pha tấn công đủ nhanh, đủ phức tạp. Chỉ khi đó, hệ thống phòng ngự của chúng ta mới có nguy cơ bị rối loạn, và khoảng trống mới xuất hiện. Tuy nhiên, ở đẳng cấp các đội bóng Đông Nam Á hiện tại, đó là điều gần như không tưởng. Đội tuyển Thái Lan, ở Vòng loại World Cup 2022 vừa rồi, là đội bóng Đông Nam Á tiến gần nhất tới mục tiêu đánh bại Việt Nam. Nhưng ngay cả khi đã vượt qua được hệ thống của chúng ta rồi, thì họ lại không đủ sự lạnh lùng, đúng hơn là chất lượng, để tung ra đòn dứt điểm.
Ông Park hoàn toàn ý thức được rằng trong thời gian tới, thách thức từ các đồng nghiệp ở Đông Nam Á chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều. Trong bài trả lời phỏng vấn cho tờ Chosun của Hàn Quốc sau trận đấu cuối cùng của đội tuyển Việt Nam trong năm 2019, ông cũng đã nhắc tới chuyện Việt Nam cần phải làm mới mình, khi mà “chiến thuật của đội đã lộ rõ”. Một trong những biện pháp làm mới, theo tiết lộ của ông, là sử dụng sơ đồ có hai tiền đạo, điều mà ông đã làm ở SEA Games 30 và mang lại những kết quả tích cực. Ông Park, rõ ràng, không đứng yên khi xung quanh đều đang vận động để chống lại ông.
Và cứ theo cái đà này, HLV Park Hang-seo sẽ tiếp tục là thách thức, thậm chí là nỗi ám ảnh, với phần còn lại của Đông Nam Á.