- Đăng Huỳnh -
Sau hơn 2 năm làm việc ở Việt Nam, HLV Park Hang-seo đã đóng góp những thành công lớn cho bóng đá nước nhà. Phía sau mỗi mốc son ấy chính là câu chuyện về tầm nhìn phát triển bóng đá Việt Nam.
Dấu ấn của thầy Park
HLV Park Hang-seo chính thức ra mắt bóng đá Việt Nam ngày 10/11/2017. Trận đấu đầu tiên mà ông dẫn dắt đội tuyển Việt Nam là cuộc đối đầu với Afghanistan trên sân Mỹ Đình vào ngày 14/11/2017. Trận đấu đó, chúng ta được 1 điểm sau trận hòa 0-0 và chính thức giành vé dự Asian Cup 2019. Nhiều người đã nói vui rằng, ông Park may mắn khi mới trận đầu cầm quân đã có thành tích. Cũng vì thế mà ông luôn “son” khi bước vào những giải đấu quan trọng cùng U23 và đội tuyển quốc gia.
Giải đấu chính thức đầu tiên mà ông Park cầm quân là Vòng chung kết U23 châu Á 2018. Đó là giải đấu mà ngay ở lễ nhậm chức, ông Park đã tuyên bố sẽ giúp U23 Việt Nam tạo kỳ tích. Thế nhưng, đó là phát ngôn ở thời điểm mà ai cũng nghĩ ông chỉ “nói cho vui”. Bởi U23 Việt Nam vừa thất bại ê chề tại SEA Games 2017 cùng hàng loạt những vấn đề lùm xùm ở thượng tầng VFF.
Nhưng sau đó, ông Park đã cùng U23 Việt Nam tạo ra cơn địa chấn ở Thường Châu với việc giành ngôi Á quân giải U23 châu Á 2018. Đó là chiến tích mở ra một kỷ nguyên thành công. Sau đó, ông giúp U23 Việt Nam tiếp tục giành hạng tư ASIAD 18, đội tuyển Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup 2018 và lọt vào tứ kết Asian Cup 2019. Sau 2 năm nhìn lại, HLV Park Hang-seo đang là người thành công nhất trong số các HLV ngoại từng làm việc tại Việt Nam.
Cho đến cuối năm 2019, đội tuyển Việt Nam đã trải qua 5 trận đấu ở Vòng loại World Cup 2022, hiện có 11 điểm và đang xếp thứ nhất. Thầy trò HLV Park Hang-seo còn 3 trận đấu nữa để quyết định tấm vé đi tiếp vào vòng loại cuối cùng. Đó là cơ hội để bóng đá Việt Nam tiến gần hơn với giấc mơ World Cup. Đặc biệt, chúng ta đã không còn coi Thái Lan như một đối trọng nữa. Nói đúng hơn thì việc lựa chọn đối thủ cũng đã ở một tầm khác cao hơn.
Nhìn lại hành trình của đội tuyển Việt Nam tại Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, chúng ta đã trình diễn một diện mạo hoàn toàn mới. Đấy là điều để chúng ta hy vọng, bóng đá Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội mới ở sân chơi số 1 thế giới.
Điểm nhấn đáng chú ý nhất là việc ông Park đã giúp cho bóng đá Việt Nam giành được tấm Huy chương Vàng SEA Games lần đầu tiên trong lịch sử. Đấy là chức vô địch mà ông đã từng nói rằng, trong sự nghiệp chưa trải qua một giải đấu nào khắc nghiệt như vậy.
Tuy nhiên, cuộc phiêu lưu chưa kết thúc. Trả lời tờ Yonhap News (Hàn Quốc) sau đó, HLV Park Hang-seo nói rằng: “Ở Đông Nam Á, chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu đề ra cả ở cấp độ U23 và tuyển quốc gia, nhưng điều quan trọng đối với chúng tôi là phải duy trì được ngôi vị số một của mình.
Chúng tôi có AFF Cup sẽ diễn ra vào năm sau và một kỳ SEA Games nữa trong năm 2021. Việc chúng tôi là nhà vô địch Đông Nam Á không có nghĩa là có thể tham gia vào các đấu trường thế giới chỉ sau vài năm. Chúng tôi cần có kế hoạch dài hạn để tham gia Olympic và World Cup. Tôi nghĩ điều này không hề dễ dàng.”
Câu chuyện tầm nhìn
HLV Park Hang-seo không chỉ mang đến những thành tích cho bóng đá Việt Nam ở các giải đấu cụ thể, điều lớn lao hơn chính là ông đã thay đổi tư duy và tầm nhìn của cả nền bóng đá qua từng giải đấu. Tất cả đều biết HLV Park Hang-seo đến Việt Nam trong vai trò là “coach” (tức là một HLV đơn thuần) dẫn dắt U23 và đội tuyển Việt Nam. Ông trực tiếp cầm quân ở các giải đấu lớn như bao HLV khác.
Sau câu chuyện thành công của bóng đá Việt Nam, VFF cần nhìn nhận Park Hang-seo ở một vai trò khác: có thể biến ông thành một “manager” - được hiểu là người quản lý, điều hành và định hướng chiến lược, đường lối phát triển của cả nền bóng đá. Bởi suốt 2 năm qua, ông Park không chỉ huấn luyện mà còn đóng vai trò là người định hướng cho bóng đá Việt.
Đầu tiên là câu chuyện “phá dớp” Thái Lan, HLV Park Hang-seo đã làm công tác tâm lý rất tốt cho chính các cầu thủ của mình trước, trong và sau những cuộc đối đầu. Ông muốn cả truyền thông, dư luận cũng phải ý thức được rằng “không việc gì phải sợ Thái Lan”.
Sau mỗi giải đấu mà bóng đá Việt Nam có được thành công, điều ông muốn tất cả nghĩ đến là những đối thủ tầm cao như Hàn Quốc, Nhật Bản… thay vì Thái Lan. Bởi theo quan điểm của ông, người Thái cũng chỉ nên được xếp bằng phân ở khu vực, chúng ta cần chọn đối thủ đẳng cấp hơn làm động lực phấn đấu, phát triển. Cũng vì thế mà cho đến thời điểm này, HLV Park Hang-seo bất bại trước Thái Lan ở mọi giải đấu, mọi cấp độ. Đó cũng là tư duy cần thay đổi từ chính những người quản lý trong định hướng mục tiêu.
Chúng ta nhắc đến World Cup như một mục tiêu lớn. Thế nhưng ông Park lại nhìn vào thực tế hơn, đó là Việt Nam chưa sẵn sàng cho mục tiêu này. Ông chỉ ra những vấn đề cụ thể, từ những hạn chế của hệ thống bóng đá Việt Nam. Câu chuyện World Cup không chỉ là mục tiêu của riêng VFF mà của cả ngành thể thao và toàn xã hội. Vấn đề này chính là ở câu chuyện tầm nhìn và chiến lược mà chúng ta dành cho bóng đá chưa đủ để sẵn sàng cho mục tiêu World Cup.
Chúng ta cần hành động với những chiến lược, kế hoạch cụ thể thay vì chỉ giương cao khẩu hiệu. Sau những phân tích, ông Park chốt vấn đề: “Hãy quan tâm tới lứa U10, U12, U15, bởi họ sẽ quyết định tương lai chúng ta có được dự Olympic hay World Cup hay không.”
Hãy nhớ lại câu chuyện trước thềm ASIAD 18, khi ông Park tập trung quân tại PVF và từng nói rằng, Việt Nam từ trước đến nay thiếu bộ phận ghi chép các thông số về cầu thủ, điều này khiến các HLV đi sau rất khó nắm bắt. Ông sẽ bắt đầu trực tiếp thực hiện công việc này. Cũng vì thế mà dưới thời Park Hang-seo mới có câu chuyện về “danh sách sơ bộ” có khi lên đến cả trăm cầu thủ.
Ông Park đã nói rằng: “Để đánh giá tình hình các cầu thủ, chúng ta phải có số liệu - điều hiện nay đang thiếu. Cụ thể về tình hình thể lực từng cầu thủ, chấn thương và tiền sử chấn thương của cầu thủ đó. Chúng ta cũng thiếu những ghi chép về lịch sử những vị trí mà các cầu thủ từng thi đấu...
Nếu không ghi chép lại thì những HLV làm việc sau đó sẽ phải làm lại từ đầu. Họ không biết các thông số về cầu thủ như thế nào. Trong thời gian làm việc ở đây, tôi sẽ cố gắng hoàn thiện vấn đề này, cố gắng có đầy đủ số liệu về tình hình chấn thương, sức khỏe và thể lực cầu thủ. Từ dữ liệu đó sẽ có phương án riêng cho từng người cũng như kế hoạch tập luyện cụ thể...”
Hay như câu chuyện về V-League, vấn đề lớn nhất mà ông chỉ ra là việc các câu lạc bộ vì quyền lợi thường ưu tiên cầu thủ ngoại cho các vị trí quan trọng, triệt tiêu cơ hội của cầu thủ Việt Nam, gây bất lợi cho đội tuyển quốc gia trong tương lai. Ông dẫn ra rằng, bóng đá Việt Nam chưa đạt đến tầm phát triển như châu Âu để có thể áp dụng mô hình hay so sánh. Đó là câu chuyện mang tính tầm nhìn và định hướng phát triển.
Ông Park chia sẻ: “Tôi xin nói một vấn đề. Các trung vệ, tiền đạo ở các câu lạc bộ, 70-80% là cầu thủ ngoại. Sắp tới chúng ta nếu đi đá World Cup, Olympic thì không biết lấy nguồn đâu ra cho các vị trí này. Các câu lạc bộ có lý do của họ, đó là vì thành tích. Vấn đề này các câu lạc bộ, VFF và Chính phủ phải tìm ra hướng giải quyết. Một vài đội có tới 3 ngoại binh, thêm 1 cầu thủ nhập tịch là 4.
Tôi từng nói vấn đề này và nhận được sự phản bác rằng các giải châu Âu còn nhiều cầu thủ ngoại hơn thế. Nhưng các bạn phải hiểu rằng, các giải bóng đá đó thuộc khối EU. Ngay như Hàn Quốc và Nhật Bản có nhiều cầu thủ thi đấu ở nước ngoài, trong số 23 cầu thủ chính của Nhật Bản, chỉ 4 người đá ở trong nước, còn lại đá ở nước ngoài hết. Như Việt Nam, nếu có nhiều cầu thủ ra nước ngoài thi đấu thì đó là nguồn lực lớn nhưng chúng ta chỉ có 3 người thôi (chủ yếu dự bị - PV). Tôi lo sắp tới tiền đạo cũng như trung vệ, không có cơ hội phát triển. Phải có cơ hội cho họ...”
Còn cầu thủ Việt kiều thì sao? Theo chia sẻ của HLV Park Hang-seo, ông gặp khá nhiều vấn đề khi tìm hiểu những cái tên nằm trong diện theo dõi. Ông nói: “Tôi vẫn trao đổi thường xuyên với VFF về các cầu thủ Việt kiều. Họ có thực sự mong muốn mang quốc tịch Việt Nam không? Họ cần thời gian hoàn thiện. Sau khi đi Na Uy về, tôi có suy nghĩ như sau: các cầu thủ Việt kiều không nói được tiếng Việt dù có bố hoặc mẹ người Việt. Các cầu thủ đó sinh ra ở nước ngoài, không hiểu văn hóa Việt Nam, tuy có dòng máu Việt Nam nhưng suy nghĩ, thói quen là của công dân nước ngoài.
Vì cách tư duy, suy nghĩ không phải của người Việt Nam, nên tôi cũng hơi nghi ngờ. Nếu ngôn ngữ bất đồng, tư duy khác biệt thì hòa nhập thế nào? Và vấn đề quan trọng ở đây là nếu họ thực sự tài năng, vượt trội hơn cầu thủ Việt Nam thì đã đành, nhưng nếu trình độ chỉ ngang ngang thì chúng ta cần suy nghĩ thấu đáo.”
Dù sao chiến lược gia người Hàn Quốc vẫn còn nhiều thời gian để cân nhắc, bởi bản hợp đồng gia hạn mới ký hồi đầu tháng 11 sẽ giữ ông ở lại Việt Nam thêm 3 năm nữa. Nhân nhắc đến chuyện hợp đồng, trong quá trình đàm phán gia hạn hợp đồng với VFF, ông Park không trực tiếp tham gia mà ủy quyền cho người đại diện. Đó là cách hành xử chuyên nghiệp, việc của ông là làm chuyên môn thay vì đi thương lượng. Bởi như ông chia sẻ, “tiền không phải tất cả.”
Theo HLV Park Hang-seo, điều mà ông mong muốn chính là bản hợp đồng mới sẽ đưa ra được cam kết về một kế hoạch tương lai cụ thể với bóng đá Việt Nam. Giá trị cốt lõi chính là chiến lược của VFF có phù hợp với tư tưởng, tham vọng của ông hay không. Bởi với HLV Park Hang-seo, thì những gì ông đã làm được trong 2 năm qua còn giá trị hơn nhiều tiền bạc. Và với một người chuyên nghiệp, có tham vọng như ông Park, điều mà ông muốn nhìn thấy là cơ hội phát triển nghề để nâng tầm bản thân.
Đấy là những vấn đề VFF cần có sự tính toán nhất định để khai thác “nguồn tài nguyên mang tên Park Hang-seo”. Ông Park rồi cũng sẽ đến một thời điểm phải chia tay cương vị HLV trưởng. Chắc chắn sẽ không có chuyện đập đi, xây lại đội tuyển như trước đây, mà phải là một sự kế thừa và phát triển.