Hãy cùng đọc phần này để tìm hiểu kỹ hơn vấn đề quan trọng của quá trình dậy thì này nhé.
NHỮNG CẢM NHẬN CỦA BẠN
Não bộ và những hormone do não giải phóng ra sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả những thay đổi xảy ra trong cơ thể của bạn. Khi bạn lớn lên và trở thành một người tự lập hơn, bạn và não bộ cần phải cố gắng phối hợp với nhau để hiểu được những gì đang xảy ra và tìm những giải pháp tốt nhất để giải quyết. Mỗi người mỗi khác, nghĩa là cách bạn cảm nhận sẽ khác hoàn toàn với những người khác. Nếu bạn muốn hiểu biết rõ về con người mình thì cách tốt nhất là phải nhận thức được bạn đang cảm thấy thế nào và tại sao lại như thế.
✔ Thông tin thực tế
Con người lúc nào cũng đầy tâm trạng. Đặc biệt là các bạn tuổi dậy thì (không tin thì bạn cứ hỏi bố mẹ mà xem!). Một số người cảm thấy như vậy là do các hormone, một số là do những thay đổi trong cuộc sống và một số khác thì do cả hai yếu tố trên hợp thành. Có nghĩa là bạn đang bắt đầu trải nghiệm những cảm xúc bạn chưa bao giờ có trước đây. Và đôi khi, bạn lại cảm thấy mình giống như một “chiếc tàu lượn cảm xúc siêu tốc”, lúc lên lúc xuống thất thường, ngoài ý muốn. Hãy nhớ rằng, có thể bạn không kiểm soát được cảm xúc, nhưng vẫn có thể kiểm soát được những gì bạn làm.
Dưới đây là một số những cảm xúc mà có thể bạn đang trải qua vào lúc này:
• Cô đơn
Các bạn tuổi dậy thì thường cảm thấy cực kỳ cô đơn, vì những mối quan hệ với thế giới và với mọi người chung quanh đang bắt đầu thay đổi. Nhưng bạn ơi, hãy nhớ rằng đã là con người thì ai cũng phải có lần cảm thấy cô đơn thôi. Cảm giác đó là hoàn toàn bình thường.
• Giận dữ
Trong cuộc sống, ai cũng có khi nổi giận, và việc học được cách kiểm soát cơn giận quả thật không dễ gì, bạn nhỉ? Nhưng bạn cũng đừng nên cố gắng kìm nén cơn giận, mà hãy giải tỏa nó một cách an toàn, không hại đến người khác, điều đó sẽ có lợi cho sức khỏe của chính bạn.
• Ghen tị
Ghen tị không tốt chút nào, nhưng mọi người ai cũng có lúc cảm thấy ghen tị với người khác. Thế nhưng, bạn có thể chuyển hóa cảm xúc tiêu cực này theo một cách tích cực hơn. Ví dụ, bạn cảm thấy thầm ghen tị khi cô bạn thân của mình sao có thể nói chuyện với mọi người vui vẻ và được nhiều người yêu mến đến thế, thì thay vì quay ra trách móc bản thân mình và cảm thấy buồn thì hãy nghĩ đến những thế mạnh khác của mình. Mỗi người chúng ta đều có những phẩm chất tốt đẹp nào đó. Bạn không nên lãng phí thời gian mong muốn những cái người khác đang có mà hãy học cách biến chuyển mọi thứ theo hướng tích cực hơn.
• Đau khổ
Khi một người bạn quen biết qua đời, bạn cảm thấy mình bị ảnh hưởng khủng khiếp. Bạn sẽ bắt đầu cảm thấy buồn bã, mất mát, giận dữ, tội lỗi hoặc đôi lúc cảm thấy lo lắng cho sức khỏe của chính mình.
Để xoa dịu nỗi đau đó bạn cần phải có thời gian, năng lượng và sự kiên nhẫn. Mỗi người sẽ có một cách riêng và cần một khoảng thời gian riêng để vượt qua nỗi đau của mình. Nhưng, tâm sự với người mà bạn tin tưởng luôn là một cách hay. Và hãy luôn nhớ rằng, dù lúc này bạn có thấy đau khổ đến thế nào đi nữa thì dần dần cảm giác đó cũng sẽ phai nhạt theo thời gian thôi.
Không phải lúc nào có người chết thì bạn mới thấy đau khổ đâu nhé. Bạn cũng có thể thấy cực kỳ đau khổ khi một tình bạn bị tan vỡ, khi chấm dứt một mối quan hệ, hoặc chuyển nhà đến một nơi khác.
• Lo lắng
Đây là một trạng thái khó chịu, bứt rứt về những việc có thể xảy ra trong tương lai gần hoặc xa. Khi gặp tình trạng đó, bạn nên tìm cách thư giãn. Còn nếu bạn quá lo lắng đến mức không thể làm những việc thường ngày thì hãy tìm ai đó để chia sẻ nhé.
• Tâm tính thất thường
Tâm trạng lên xuống thất thường luôn song hành với bạn trong độ tuổi dậy thì. Có những khi đang buồn bã, bạn lại cảm thấy giận dữ, rồi đột nhiên chuyển sang hạnh phúc trong tích tắc, điều đó có thể khiến bạn cảm thấy như thể mình đã đánh mất quyền kiểm soát tâm trạng. Đôi lúc, tâm trạng thất thường này là do hội chứng tiền kinh nguyệt hoặc các hormone, nhưng cũng có khi là do môi trường xung quanh. Nếu bạn cảm thấy không kiểm soát được cảm xúc của mình và không thể làm gì để chấm dứt tình trạng này, thì hãy tìm ngay một người để chia sẻ, bạn nhé.
• Tự ti
Có thể bỗng nhiên bạn cảm thấy thất vọng về bản thân mình, tự cảm thấy mình yếu kém, chẳng bằng ai. Cảm giác này luôn khiến chúng ta cảm thấy buồn về bản thân mình.
Hãy tự hỏi mình xem điều gì khiến bạn cảm thấy như vậy, điều gì khiến bạn không còn tự tin vào bản thân nữa, rồi hãy tập trung đạt được những gì mình mong muốn. Đừng để những suy nghĩ tiêu cực cản trở bạn tận hưởng cuộc sống tươi đẹp này bạn nhé. Bạn nên dành thời gian cho bản thân để nhận ra thế mạnh của mình và trân trọng những thế mạnh đó.
Mẹo hữu ích
Bất cứ khi nào cảm xúc vượt quá tầm kiểm soát của bạn thì hãy nhờ ai đó giúp đỡ và cố gắng tìm hiểu cho tận tường ngọn nguồn những gì đang diễn ra.
TỚ CÓ THỂ TÂM SỰ VỚI AI?
Nếu bạn cảm thấy không chịu đựng nổi mọi việc nữa thì hãy tìm kiếm sự giúp đỡ. Tìm ai để giúp không quan trọng - đó có thể là bạn bè, anh chị em, thầy cô giáo hay ba mẹ. Điều quan trọng là bạn phải tin tưởng người đó.
Ở thời điểm này, bạn đang phải tìm hiểu rất nhiều điều về bản thân mình, về việc bạn là ai và bạn muốn có một cuộc sống như thế nào. Không chỉ cơ thể bạn mới thay đổi trong thời gian dậy thì, mà cả tâm trí bạn cũng vậy. Một số quan hệ tình cảm bạn bè trở nên thân thiết hơn, một số thì nhạt dần và kết thúc. Cả những mối quan hệ bền vững với những người thân thiết, gần gũi như bố mẹ của bạn cũng bắt đầu thay đổi. Bởi đây là thời điểm bạn đang dần định hình cá tính và sở thích riêng của mình để trở thành một cô gái trưởng thành độc lập và tự chủ.
Về mặt lý tưởng, gia đình luôn là nơi trao cho bạn tình yêu thương vô điều kiện, luôn cho bạn sự nâng đỡ và an ủi êm dịu nhất. Nhưng ngược lại, gia đình cũng có thể gây ra những tổn thương, đau đớn, thất vọng và giận dữ. Đối với hầu hết chúng ta, gia đình ít nhiều luôn có cả hai mặt này.
Điều tốt nhất bạn có thể làm là luôn cố gắng trò chuyện với ba mẹ. Hãy kể cho ba mẹ nghe những chuyện thường ngày, về trường lớp, bạn bè, thầy cô của bạn. Đó là cách hiệu quả để duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Điều này không có nghĩa là bạn phải nói tất cả mọi thứ với ba mẹ. Nhưng nếu bạn tiết lộ cho ba mẹ biết về cuộc sống của bạn càng nhiều, dù là những việc hết sức bình thường như hôm nay tiết học toán trên lớp của bạn thế nào, thì ba mẹ sẽ càng ít dò hỏi bạn hơn. Ngoài ra, đây cũng là cách thể hiện cho ba mẹ biết bạn đã trưởng thành và đủ chín chắn để có thể tự mình quyết định mọi việc thật đúng đắn.
Mẹo hữu ích
Hãy viết ra những cảm xúc, bạn sẽ hiểu rõ chúng hơn. Khi trải lòng ra bằng những câu chữ, bạn có thể đặt mình ở một vị trí khác, nhìn lại những hỗn loạn trong lòng mình và tìm ra cách giải quyết chúng. Viết nhật ký là một cách hiệu quả, vì mỗi khi đọc lại những cảm xúc đã qua, bạn sẽ tìm ra điều gì làm bạn cảm thấy như vậy và tại sao.
TRÌNH BÀY Ý KIẾN
Nói chuyện về những chủ đề nhạy cảm có thể rất khó khăn. Tốt hơn hết bạn nên chuẩn bị trước những điều bạn muốn nói, hoặc viết hẳn ra giấy ba điều quan trọng nhất bạn đang muốn chia sẻ. Bạn cũng nên nghĩ trước phản ứng của người nghe và làm sao để đối phó với phản ứng ấy. Điều quan trọng là làm sao để người nghe tập trung chú ý vào những gì bạn muốn chia sẻ. Chắc chắn họ sẽ chú ý và chuẩn bị tinh thần nếu bạn nói: “Này, mình có một chuyện quan trọng muốn nói!”. Bạn có thể thử xem!
Ngoài ra, hãy tiếp cận “đối tượng” khi họ ít bận rộn nhất. Bạn có thể xin họ dành cho bạn chút thời gian để nói chuyện, để đảm bảo rằng câu chuyện của bạn được tập trung chú ý nhiều nhất.
Mẹo hữu ích
Có những bạn gái cảm thấy dễ dàng hơn khi viết hết những ý kiến của mình ra giấy. Sau đó, gửi cho “đối tượng” (ví dụ như ba mẹ) để họ đọc trước rồi mới thảo luận với họ.
Anh chị em tớ cứ thế nào ấy!
Mối quan hệ giữa anh chị em với nhau đôi khi rất thú vị, vui vẻ, nhưng đôi lúc cũng lắm bực bội, phiền toái.
Nhưng hãy thử suy nghĩ xem, liệu bạn có đối xử với anh chị em của bạn tốt bằng một nửa cách bạn đối xử với bạn bè không? Nếu câu trả lời là không, thì rất có thể đó là lý do vì sao anh chị em của bạn chưa đối xử dễ thương với bạn đấy. Rất khó mà hòa thuận được với một người luôn chiếm phòng tắm, giành tivi, giữ rịt máy tính, hay tìm cách “lấy lòng” ba mẹ nhỉ. Thế nên, cãi nhau là không thể tránh khỏi, đúng không? Tất nhiên cách tốt nhất là bạn và anh chị em mình có thể thẳng thắn nói chuyện với nhau để tìm ra cách giải quyết vấn đề. Nhưng nếu mọi chuyện trở nên căng thẳng thì nên cho ba mẹ bạn biết nhé!
Tớ và chị gái cãi nhau suốt ngày. Giờ tớ phải làm sao đây?
Nếu tình hình này cứ tiếp diễn mà không có dấu hiệu “giảm nhiệt” thì hãy cố gắng tìm cách “đình chiến”. Chị ấy thích ăn vặt món gì nhỉ? Hãy chuẩn bị món đó, rồi hai chị em cùng ngồi nhâm nhi nói chuyện với nhau. Bạn hãy dành thời gian tìm hiểu nhau nhiều hơn để hóa giải mọi khúc mắc đang gặp phải.
Cũng có thể bạn đang cảm thấy ghen tị với chị gái. Trong trường hợp này, hãy chia sẻ với chị. Có khi bạn sẽ phát hiện ra rằng chính chị ấy cũng đang ghen tị với bạn đấy.
Cố gắng đừng để những suy nghĩ nhỏ nhen đó xâm chiếm tâm hồn bạn nhé - Cuộc sống này ngắn ngủi lắm, nên hãy sống thật vui, thật hòa thuận với anh chị em của mình nhé!
ÔI! ĐÁM BẠN CỦA TỚ!
Càng lớn, bạn bè càng trở nên quan trọng với chúng ta. Đối với phe con gái thì không gì vui thích hơn là được tụ tập bạn bè. Bạn bè sẽ giúp ta tự tin hơn, hiểu rõ bản thân mình hơn. Bạn bè giúp ta biết được những điều quan trọng trong cuộc sống - dù đó là niềm vui, sự tận tụy hay sự chân thành.
Bạn càng trở nên độc lập, bạn bè càng đóng một vai trò quan trọng với bạn trong cuộc sống. Khi trường lớp và các hoạt động bên ngoài thường xuyên kéo bạn ra khỏi nhà, thì phần lớn thời gian bạn sẽ ở bên cạnh bạn bè hơn là bên cạnh ba mẹ như trước đây.
Câu chuyện độc giả
Năm tớ mười ba tuổi, cô bạn thân của tớ có bạn mới và tớ cảm thấy mình giống như bị cho ra rìa vậy. Tớ nói với bạn ấy về điều đó, nhưng bạn ấy lại bảo rằng tớ ích kỷ. Vì thế, tớ quyết định chơi chung với nhóm khác. Nhóm chúng tôi có 4 người, nên lúc nào cũng có người để cùng đi chơi.
Anna, Chicago
Mối quan hệ bạn bè có thể trở nên cực kỳ phức tạp khi chúng ta chơi chung với một nhóm nhiều người. Bởi vì khi đó, đôi lúc bạn sẽ khó xác định được mình thật sự muốn gì, cũng như không thể hiểu được các bạn ấy thực sự nghĩ gì hoặc muốn gì. Khi chơi chung một nhóm nhiều người như vậy, áp lực phải làm theo những gì ai đó trong nhóm đang làm sẽ rất lớn. Có thể đó chỉ là việc cả nhóm cùng mặc một kiểu quần áo nào đó, nhưng nếu bạn bị lôi kéo phải uống rượu, bia hay hút thuốc lá thì đó lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Mẹo hữu ích
Hãy cư xử tốt với tất cả mọi người, chứ đừng đợi họ đối xử tốt với mình trước.
Nếu bạn không biết phải nói gì, thì tốt nhất là hãy lắng nghe.
Nhớ rằng mọi người đều thích nói về bản thân mình, nên hãy đặt câu hỏi về bản thân họ để họ có thể dễ dàng trải lòng với bạn hơn.
LÀM SAO GIẢI QUYẾT CHUYỆN KHÓ NÓI NÀY ĐÂY?
Dù bạn có chọn bạn cẩn thận hay khôn ngoan thế nào đi nữa, thì cũng có lúc bạn thấy mình lâm vào tình trạng bị bạn bè gây áp lực nặng nề. Khi một việc nào đó làm bạn cảm thấy khó chịu thì tức là nó không thích hợp với bạn đâu. Hãy làm theo cảm giác của chính mình mách bảo, vì đây là cách giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân và khiến bạn trở thành một cô gái mạnh mẽ, độc lập.
Bạn bè tốt thì không nên giận hờn khi bạn không làm theo ý mình. Nhưng không phải ai cũng nghĩ được như vậy. Hãy chuẩn bị sẵn một vài lý do để phòng khi bạn phải từ chối không tham gia một “phi vụ” nào đó.
Nếu bạn đang bị bắt nạt thì đừng cố chịu đựng một mình. Hãy nói chuyện với người lớn nào mà bạn tin tưởng. Người đó có thể cho bạn lời khuyên nên làm gì, hoặc sẽ giúp bạn chấm dứt tình trạng này. Và hãy nhớ rằng, đó không phải là lỗi của bạn - không ai đáng phải chịu cảnh bị bắt nạt như vậy cả.
Làm thế nào để thay đổi bạn ấy nhỉ?
Đây có lẽ là điều khó khăn nhất chúng ta phải đối mặt, nhưng đôi khi bạn nhận ra rằng tình bạn mình đang có không tốt đẹp gì, nhất là khi nó gây cho bạn quá nhiều tổn thương, lo lắng hay bực bội. Trong hoàn cảnh đó, hãy thành thật với bản thân mình và với người bạn ấy (nghĩa là hãy nói chuyện thẳng thắn với bạn ấy, chứ đừng đi than phiền với một người nào khác) để tình bạn của các bạn có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Còn nếu bạn cảm thấy không còn hứng thú gì với người bạn đó nữa thì đây là tín hiệu để bạn tạm dừng mối quan hệ này. Hãy rút kinh nghiệm từ tình bạn này cho những mối quan hệ tiếp theo và hãy nhớ rằng dù bạn chọn ai để xây dựng một tình bạn đẹp, thì người ấy cũng nên đáp trả với một tấm chân tình tương tự.
Mẹo hữu ích
Nhớ rằng nếu bạn có thể lên tiếng bảo vệ bạn mình khi bạn ấy phải chịu áp lực từ người khác thì bạn ấy cũng sẽ như vậy với bạn.
Chỉ cần một người đứng về phía bạn khi bạn phải đối mặt với áp lực bạn bè, mọi chuyện dễ dàng hơn rất nhiều.
BÂY GIỜ ĐẾN NHỮNG CHUYỆN TÌNH CẢM LÃNG MẠN NHÉ
Phe con gái chúng mình đâu nhất thiết phải có bạn trai đâu, dù có thể bạn phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài lẫn bên trong rằng bạn nhất định phải có một mối tình vắt vai. Bạn nghĩ xem, được thoải mái vô tư một mình cũng tuyệt đấy chứ. Bạn sẽ được tận hưởng cảm giác tự do, thoải mái, không phụ thuộc vào ai.
Tại sao hai người nào đó lại hấp dẫn nhau nhỉ? Điều đó đôi khi khá dễ hiểu, nhưng đôi khi lại cực kỳ bí ẩn. Vì vậy, nếu bỗng nhiên một ngày, cô bạn thân của bạn “ngã gục” trước một anh chàng mà bạn không sao hiểu nổi lý do, thì cũng đừng cười nhạo cô ấy, thay vào đó hãy tự nhắc mình rằng ngoại hình không phải là tất cả. Đó là sự diệu kỳ của tình yêu, nó hoàn toàn không theo một quy luật nào cả. Cá tính riêng, những sở thích chung, hay sự hài hước, thông minh đều có thể là khởi nguồn cho một tình cảm lãng mạn nảy nở. Mỗi người chúng ta bị thu hút bởi những điều rất khác nhau.
“Say nắng”
“Say nắng” một người có thể là một trải nghiệm ngọt ngào, nhưng cũng có thể khiến bạn cực kỳ đau khổ. Mức độ “say” có thể trải dài từ nhẹ nhàng đến vô cùng mãnh liệt. Say nắng ai đó (đặc biệt là khi người đó thậm chí còn chẳng biết là bạn đang tồn tại) đôi khi khiến bạn cảm thấy như bị hạ gục đến xây xẩm mặt mày. Thì cũng đúng thôi, đâu phải ngẫu nhiên mà người ta gọi nó là “cơn say” chứ, phải không nào? Từ “cơn say” ban đầu, bạn có thể muốn tiến tới với người đó hoặc không.
Thế đó có phải là yêu không?
Khi bạn “say nắng” một ai đó, thật khó mà biết người đó đang nghĩ gì, đúng không? Và cảm giác của bạn cũng có thể thay đổi từng giây từng phút. Có khi chỉ một phút trước, bạn cảm thấy hạnh phúc tột cùng, nhưng ngay sau đó lại cảm thấy buồn khổ sụt sùi. Đây là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm, thú vị và rất khó phân loại.
Thật chẳng dễ gì để chuyển từ trạng thái say nắng hay tình cảm bạn bè thành tình yêu lãng mạn và điều đó cũng gây ra cho người trong cuộc lắm bối rối. Cũng có khi những gì bạn cảm thấy rất giống… yêu, nhưng thật ra thì chưa phải. Bởi lẽ, tình yêu cần thời gian để sự gần gũi nảy nở giữa hai tâm hồn.
NGƯỢNG QUÁ ĐI THÔI
Có một điều chắc chắn là không ai trong chúng ta có thể bước qua giai đoạn dậy thì mà không đôi lần ngượng đỏ cả mặt.
Sao mặt mình lại đỏ thế này?
Đây hoàn toàn là cơ chế sinh học thôi. Khi chúng ta trải qua những tình huống ngượng ngùng, cơ thể ta sẽ bối rối không biết nên dừng lại để giải quyết vấn đề hay “bỏ của chạy lấy người”. Đầu óc ta thì muốn đứng lên và rời khỏi đó thật nhanh, nhưng đôi chân thì lại không chịu nhúc nhích. Để cố gắng “thúc” cơ thể di chuyển, bộ não đẩy dòng máu chảy xuống các cơ nhằm làm chúng nhanh hơn và mạnh hơn. Một phần lượng máu này sẽ chuyển đến mặt và khiến mặt ta ửng đỏ lên.
Mẹo hữu ích
Cười lớn lên.
Nhún vai và cười xòa như thể bạn đang muốn làm mình có vẻ “ngây ngây ngô ngô” để chọc mọi người cười thôi.
Mặt ơi đừng đỏ nữa!
Đáng tiếc là chẳng có phép màu giúp bạn giải quyết tình trạng này cả, nhưng có một số điều bạn có thể làm để bớt ngượng đấy.
• Đừng nghĩ gì về nó. Lần sau khi nào bạn cảm thấy hai má mình nóng lên và bắt đầu ửng đỏ thì hãy cố nghĩ về chuyện khác. Ví dụ như cố nhớ về một ngày tháng nào đó trong môn lịch sử, hoặc nghĩ cách giải một bài toán. Điều này sẽ giúp cơn ngượng ngùng đỏ mặt của bạn qua đi nhanh chóng.
• “Đánh trống lảng”: “lái” cuộc nói chuyện sang một chủ đề khác. Nếu bạn tỏ ra không mấy quan tâm đến việc vừa xảy ra, mọi người cũng sẽ cảm thấy như vậy.
• Tự nhủ rằng ai cũng có thể gặp chuyện này mà. Tình huống ngượng ngùng có thể xảy ra với bất cứ ai, kể cả những ngôi sao nổi tiếng. Vì thế hãy ngẩng cao đầu như thể đây là điều hết sức bình thường.
• Giữ bình tĩnh: hít thở sâu thật đều và cố gắng đừng căng thẳng. Chuyện ấy chẳng nghiêm trọng như bạn tưởng đâu.
PHẢI LÀM SAO VỚI MẤY “VỤ” NÀY ĐÂY?
Bạn thử trả lời những câu trắc nghiệm dưới đây nhé:
1. Mẹ bạn giăng băng-rôn “Chúc mừng con trở thành phụ nữ!” trước cửa nhà để chúc mừng chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên của bạn. Bạn sẽ nói gì?
a. Khoanh tay trước ngực, mặt giận dữ và gằn giọng: “Mẹ, sao mẹ lại có thể làm vậy?”.
b. “Mẹ ơi, con có kinh nguyệt từ tận năm ngoái cơ mà!”
c. “Mẹ, mẹ, đợi đến sinh nhật 40 tuổi của mẹ nhé. Con sẽ ‘phục thù’ cho xem!”
2. Bạn chuyển sang một trường học mới và có vài cô bạn đến bắt chuyện. Bạn phản ứng như thế nào?
a. Bạn không nói được gì hết, chỉ há hốc mồm nhìn họ thôi.
b. Bạn thốt lên: “Ồ, các cậu thích chơi với tớ thật không? Chúng ta đi ăn trưa nhé, rồi sau đó đến nhà tớ chơi. Ngày mai, chúng ta có thể cùng đến trường!”.
c. Bạn nói “xin chào” và tỏ ra thân thiện.
3. Trong khi bạn bè bạn đang tụ tập trước cửa nhà, mẹ bạn chợt khen chiếc áo ngực của bạn trông rất xinh, thế là ai nấy đều nghe thấy. Bạn sẽ làm gì?
a. Thét lên giận dữ: “Mẹ kỳ cục quá, con ghét mẹ!” rồi hầm hầm bỏ đi.
b. Bạn tạo dáng như người mẫu đang trình diễn thời trang.
c. Bạn nói “Dạ con cám ơn mẹ, con cũng rất thích nó!”.
4. Bạn lỡ tay làm rơi túi xách khi đang ở trường và oái oăm thay miếng tampon lăn ra ngoài trước mặt bao nhiêu người ở đó. Bạn sẽ phản ứng như thế nào?
a. Bỏ chạy một mạch về nhà.
b. Ai nấy bắt đầu cười lớn. Và bạn cũng tham gia vào trò vui đó.
c. Bạn nói tỉnh rụi: “Úi, may quá nó không phải là cái đã dùng rồi!”. Sau đó đến nhặt miếng tampon lên và hành động như thể chẳng có gì xảy ra.
5. Ba bạn cứ khăng khăng bắt bạn phải hát trước mặt tất cả bạn bè của bạn. Bạn sẽ…
a. Đứng bất động, co rúm người lại và ngượng đến nỗi không thể di chuyển hay nói được lời nào.
b. Bạn la lên, “Thấy ba tớ tuyệt không nào!”.
c. Nói: “Đừng lo ba ơi, con đã tập luyện thật hoàn hảo rồi!”.
Hãy lật sang trang bên để xem kết quả nhé.
Nếu câu trả lời của bạn
Hầu hết là a
Hãy cố gắng thư giãn hơn nhé. Nhớ rằng chạy trốn có thể mang lại hiệu quả tức thời nhưng đó không phải là cách hay và cũng chẳng giải quyết được gì cả. Có thể mọi việc không đến mức ngượng ngùng và đáng sợ như bạn nghĩ đâu.
Hầu hết là b
Khi cố gắng thoát khỏi tình huống bối rối, bạn lại cư xử như một kẻ ngốc vậy. Bạn muốn biến mọi thứ thành trò cười. Hài hước là một giải pháp tuyệt vời để thoát khỏi mọi tình huống, nhưng không nên quá lố khiến người khác thấy ngượng nhé.
Hầu hết là c
Tuyệt! Bạn thật sự biết cách giải quyết những trường hợp tồi tệ xảy ra trong cuộc sống. Bạn có thể chẳng cần đọc chương này nữa, nhưng đọc thì cũng đâu mất gì nhỉ. Bạn có thể lượm lặt thêm những mẹo nhỏ để bổ sung cho vốn sống của mình.
Làm sao để bớt ngượng đây?
Mỗi người đều có những mối lo sợ và bất an riêng, dù họ không bao giờ thể hiện điều đó ra bên ngoài.
Khi càng quen với những tình huống khó xử xảy ra trong cuộc sống, bạn sẽ càng dễ giữ được bình tĩnh mọi lúc mọi nơi. Và dù chuyện có tệ đến thế nào đi nữa, thì chắc chắn không chỉ có mỗi mình bạn từng gặp phải chuyện ngượng như vậy đâu.
Ba quy tắc để luôn giữ hình tượng “bình tĩnh siêu hạng”:
Quy tắc thứ nhất: Vấn đề không phải là những gì bạn làm, mà là cách làm.
Quy tắc thứ hai: Nhanh chóng lấy lại sự bình tĩnh.
Quy tắc thứ ba: Đừng cố gây ấn tượng. Bạn có nguy cơ biến mình thành trò lố đấy!
Mẹo hữu ích
“Mình ngốc thật! Ghét bản thân mình quá đi. Giờ chắc mọi người đều cho mình là con ngốc!” là cách nghĩ sai lầm nếu bạn gặp phải một sự cố ngượng ngùng nào đó.
Cách nghĩ đúng đắn phải là: “Ừm, dù gì thì chuyện cũng chẳng có gì. Chẳng ai nhớ mãi về nó đâu!”. Hãy luôn suy nghĩ như vậy, bạn sẽ vượt qua được mọi khó khăn.
Dưới đây là một số mẹo nhỏ để giúp bạn cảm thấy bớt ngượng hơn:
• Sẵn sàng là người mở đầu xu hướng mới: Hãy thử tình huống sau: Bạn đến chơi nhà cô bạn cùng lớp, và cô ấy phá ra cười khi mở cửa cho bạn: “Ôi trời, áo đẹp chưa kìa!”. Nhìn lại mình, bạn phát hiện ra mình chưa gài hết hàng nút áo, khiến chiếc áo ngực lộ ra rõ mồn một. Trong tình huống này, cách xử lý hay nhất là mỉm cười: “Mốt mới đấy, cũng tuyệt chứ hả?”. Tự tin ngay cả khi bối rối sẽ là cách giúp bạn vượt qua mọi vấn đề.
• Làm trò để bớt căng: Đừng ngại làm trò để thoát khỏi tình huống bối rối. Ví dụ một ngày, bạn bước vào lớp và nhận thấy mọi người đang cười khúc khích trước chiếc giày vô tình mang theo khúc giấy vệ sinh của bạn. Hãy đá lông nheo và cười lại với mọi người. Điều này sẽ cho thấy bạn chẳng xem đó là điều nghiêm trọng.
• Yêu thương bản thân mình: Đôi khi rất khó tránh được cảm giác xấu hổ. Nhưng lần tới nếu bạn phải đi dự tiệc với một cái mụn khá to ở trên mũi thì đừng có chui vào góc trốn mọi người nhé. Thay vào đó, hãy cứ tận hưởng bữa tối và viết những điều tích cực vào nhật ký. Mỗi khi bạn được ai khen hay làm gì tốt đẹp, hãy viết lại vào nhật ký nhé. Khi nào đó, bạn có thể giở ra xem để nhắc nhở bản thân rằng mình cũng rất tuyệt vời.