34
Giảm “xóc”… hành trình cuộc đời
Mỗi ngày như mọi ngày, bạn bon bon chạy xe đi làm. Chiếc xe của bạn chạy êm ru trên đường. Vậy, cái gì đã giúp cho chuyến đi thật an toàn, thoải mái? Chính là bộ phận giảm xóc. Bộ phận này làm nhẹ lực tác động để chúng ta không cảm thấy đau hay khó chịu bởi những cú dằn xóc trên đường.
Tôi còn nhớ lúc tôi 15 tuổi, bạn tôi tậu được chiếc Humber “cổ” 50 tuổi với giá 100 đô-la. Thế là chúng tôi quyết định lái chiếc “xế” cổ này chu du khắp New Zealand, nhưng điều mà tôi không biết – khi chuyến hành trình đã bắt đầu – là chiếc Humber không có bộ phận giảm xóc! Thay vì đây sẽ là một chuyến đi chơi vui vẻ thì nó lại trở thành chuyến xe “bão táp” nhất cuộc đời tôi, khi mà cứ mỗi phút thì chiếc xe lại xóc nảy lên khỏi mặt đường một lần!
Tương tự như vậy trên hành trình cuộc đời, ta cũng cần trang bị cho mình “bộ phận giảm xóc” để làm nhẹ những cú va chạm giữa ta với đồng nghiệp, với các mối quan hệ và với những tình huống khó khăn mà ta đối mặt. Vậy, “bộ phận giảm xóc” – cái giúp ta vẫn giữ được điềm tĩnh trước những thử thách của cuộc sống, giúp ta hồi đáp hiệu quả khi tình huống không diễn ra suôn sẻ, và quản lý được cảm xúc của mình khi mọi người xung quanh đang tỏ ra tiêu cực – đó là gì?
“Thiết bị giảm xóc” cho ta chính là sức mạnh nội tâm. Những sức mạnh này đều có sẵn trong ta với mức độ khác nhau. Tuy nhiên, khi các sức mạnh này đều được củng cố và khơi trào mạnh mẽ, chúng sẽ là “thiết bị giảm xóc” tuyệt vời, để rồi dù cho ai đó – ở nơi làm việc hay trong gia đình – có đang gây khó dễ cho ta, hoặc ta có bị bủa vây bởi nhiều tình huống cấp bách, thì ta chỉ cảm thấy bị tác động rất ít và có thể ứng phó hiệu quả mà không hề căng thẳng.
Dấu hiệu ở người có đầy đủ sức mạnh nội tâm?
Bạn nhận thấy có sự khác biệt nào giữa hai câu nói này?
a. Chuyện gì đang xảy ra quanh tôi và tôi cảm thấy thế nào về những điều ấy?
b. Tôi muốn cảm thấy thế nào trong ngày hôm nay và chuyện gì đang diễn ra quanh tôi?
Ở câu a, tôi bị kiểm soát bởi tình huống, và tình huống đang tạo nên cảm xúc, cũng như trạng thái tâm trí tôi. Vì vậy, một ngày của tôi có “tốt đẹp” hay “tệ hại” đều HOÀN TOÀN do tình huống quyết định. Nghĩa là nếu tôi gặp nhiều thử thách trong một khoảng thời gian nhất định, nó sẽ để lại tác động hết sức tiêu cực cho tôi – đó là lý do mà hiện tượng “cháy sạch(*)” ngày càng trở nên phổ biến. Như vậy, tôi là gì và tình huống là gì? Giữa tôi và tình huống có mối liên hệ như thế nào? Tôi là nô lệ, còn tình huống trở thành ông chủ bởi nó đang kiểm soát cảm xúc của tôi!
(*) Hội chứng “cháy sạch” – tạm dịch từ từ “burnout” – là cháy sạch năng lượng dự trữ, khiến cho cơ thể bỗng nhiên trở nên mệt mỏi dù chưa làm việc bao nhiêu; chợt trở nên chán chường mà không rõ lý do, thậm chí không thể tập trung tư tưởng, giống như là người mất hồn.
Tuy nhiên, trong câu b, tôi đang tạo nên trạng thái tâm trí (trạng thái nội tâm) của mình và chủ động ứng phó với tình huống. Tôi làm chủ cảm xúc của mình và biết cách ứng phó hiệu quả với con người, với tình huống.
Đây là lúc cần hoàn thiện các sức mạnh
Khoảng 5 năm trước, tôi có tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề dành cho giới doanh nhân, trong đó có cả những doanh nhân nước ngoài. Họ chia sẻ với tôi rằng mỗi ngày trôi qua họ càng gặp nhiều thách thức hơn, không chỉ trong công việc mà trong cả đời sống cá nhân. Đa số mọi người, giới doanh nhân cũng như những ai đang tham gia các ngành nghề khác, đều sẽ đồng ý với tôi rằng mỗi năm qua đi, thách thức mỗi lúc một khốc liệt hơn. Nếu thách thức cứ gia tăng mà tôi lại không đủ mạnh mẽ, thì tôi sẽ cảm thấy mỗi thách thức giống như là “cú nảy” gây căng thẳng, khó chịu; và về lâu dài điều này có thể làm ta suy kiệt cả về thể chất, tinh thần và cảm xúc.
Các nhà nghiên cứu về thần kinh cho biết xét trong ngắn hạn, khi não bộ “nếm trải” những cảm xúc như giận dữ, sợ hãi hay căng thẳng, các chất dẫn truyền thần kinh – làm nhiệm vụ “tải” thông tin từ tiềm thức đến tâm trí – sẽ bị ách tắc, nghĩa là thông tin không được lưu chuyển thông suốt. Ví dụ minh họa điển hình cho tình trạng này đó là một trải nghiệm mà nhiều người chúng ta từng gặp phải – lần đầu nói chuyện trước đám đông! Dù đã chuẩn bị trước đó hàng giờ, thậm chí học thuộc làu làu cả bài nói chuyện, nhưng khi đứng trước khán giả, tay chân ta vẫn run lẩy bẩy và không thể nhớ nổi một từ.
Tôi cũng từng tiếp xúc với giới đầu tư chứng khoán vào thời điểm khủng hoảng kinh tế. Nhiều người bị stress nặng đến nỗi trí nhớ – nơi lưu giữ những kỹ năng đã học hỏi, tích lũy được và cách phản ứng thích hợp – hoàn toàn tắc nghẽn. Thế là biết bao tiền của, công sức học tập lại hóa thành công cốc.
Như vậy, làm sao chúng ta có thể bảo rằng chúng ta không có thời gian để “đầu tư” cho các sức mạnh! Nhà kinh doanh với cái nhìn sắc sảo sẽ đánh giá, phân tích và nhận ra “lợi nhuận” ròng của việc đầu tư vào sức mạnh nội tâm trong cả nghề nghiệp chuyên môn và cho cuộc sống cá nhân.
35
Đặt “dấu chấm hết” cho quá khứ
Hãy nhớ lại một ngày nào đó cách đây không lâu, khi bạn đưa ra nhiều quyết định hiệu quả và hồi đáp tích cực trong mối quan hệ, chẳng hạn như 80 lần, tuy nhiên gần cuối ngày thì bạn mắc phải một sai lầm. Trên đường về nhà, bạn sẽ nghĩ gì?
Thường thì ta cứ cắn đắng mãi lỗi lầm mình gây ra… nghĩ đến nó suốt buổi tối ở nhà… Nó có thể khiến ta phát cáu và sau cùng là tỏ ra nóng nảy, thiếu kiên nhẫn với con trẻ. Đến lúc đi ngủ, lỗi lầm ấy lại lởn vởn trong đầu, không để ta có được giấc ngủ ngon.
Với sức mạnh đóng gói, ta có thể chấp nhận sai lầm của mình, học hỏi từ đó và tiếp tục tiến bước – chứ không đăm đăm nghĩ về nó rồi cảm thấy hối tiếc, ân hận, dằn vặt…
Nghiên cứu về trí não cho thấy trung bình 80% suy nghĩ của chúng ta thường là về quá khứ, điều này chắc chắn sẽ làm giảm năng lực của chúng ta trong hiện tại! Với sức mạnh đóng gói, chúng ta đặt “dấu chấm hết” cho những suy nghĩ quá khứ, vốn kém hiệu quả, và hướng tâm trí mình về hiện tại. Cần có sự kiên nhẫn trong quá trình này. Và “quả trái” của sự kiên nhẫn đó là việc thực hành tập trung vào hiện tại sẽ sớm trở thành thói quen, sẽ tự động diễn ra mà không đòi hỏi ta phải gắng sức.
Vì vậy, trước khi rời khỏi nơi làm việc để về nhà, chúng ta hãy dành ra 5 phút ngồi tĩnh lặng và ngẫm lại một ngày đã qua, nhận ra bài học, trân trọng những gì đã diễn ra tốt đẹp… khép lại từng “tập hồ sơ - sự kiện”, gác lại những suy nghĩ về công việc. Rồi trên đường về nhà, chúng ta sẽ điềm tĩnh, thanh thản và tập trung hơn, sẵn sàng chơi đùa với con trong vai trò kế tiếp – là cha mẹ.
Khía cạnh cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng đó là sức mạnh đóng gói, còn là khả năng dọn sạch ký ức và buông bỏ những oán giận, hờn trách – những điều liên tục lôi kéo ta về quá khứ và ta sẽ khó mà hạnh phúc khi cứ ôm giữ chúng.
Tôi nhớ có một người phụ nữ bất hạnh sống cùng nhà với cô em gái của mình, nhưng suốt 20 năm trời họ chẳng hề nói chuyện với nhau. Sau khi học về sức mạnh đóng gói, chị liền về nhà nấu bữa cơm tối mời người em ăn, thế là mối quan hệ chị em được hàn gắn và họ lại sống vui vẻ bên nhau.
Chúng ta đều biết nỗi oán giận sẽ sinh ra suy nghĩ tiêu cực, mà suy nghĩ tiêu cực thì vốn không hề tốt – làm suy yếu hệ miễn dịch và thui chột khả năng sáng tạo của ta. Đôi khi ta biện minh rằng bỏ qua cho họ chẳng khác nào nhắm mắt làm ngơ, để họ cứ chứng nào tật nấy. Tuy nhiên, nếu hiểu cặn kẽ thì ai là người đầu tiên phải gánh chịu hệ quả của những việc mình gây ra, thật ra ai sẽ gánh chịu nhiều nhất nếu cứ ôm giữ lấy những oán giận đó? Chính TA! Hãy hiểu một điều quan trọng là ai gieo gì, họ sẽ gặt quả ấy. Điều này cũng ứng nghiệm với bản thân tôi. Nếu tôi gieo những suy nghĩ tức giận và tiêu cực, sớm thì có thể tôi sẽ bị đau đầu; còn nếu cách nghĩ tiêu cực, giận dữ đã trở nên “mãn tính”, có thể tôi sẽ bị viêm loét dạ dày! Họ gieo gì là việc của họ; tuy nhiên, khi tôi gieo nỗi oán giận, tôi đang vấy bẩn câu chuyện đời mình và sẽ phải gặt “quả” xấu, không sớm thì muộn.
Buông bỏ oán giận chỉ mới là một bước. Sau khi buông bỏ, hãy ngẫm xem tôi sẽ tương giao với người kia như thế nào. Khi đã bình tĩnh lại, tôi có thể xác định tôi nên duy trì mối quan hệ với họ theo hướng nào.
Nếu chỉ nghe thông tin về lớp thể dục thẩm mỹ, liệu tôi có thể thành thạo các động tác không? KHÔNG! Tôi cần chăm chỉ luyện tập và chỉ như thế tôi mới trở nên thành thục, tương tự như vậy với các sức mạnh nội tâm. Tuy nhiên, không giống với việc tập thể dục thẩm mỹ kia, điều kỳ diệu ở đây là chúng ta không cần trả học phí cho ai – thật ra chúng ta có thể học miễn phí và người thầy GIỎI NHẤT của ta chính là những con người, những sự kiện gây nhiều khó khăn cho ta nhất trong cuộc đời này! Họ đã trao cho ta cơ hội tốt nhất để thực hành các sức mạnh.
Ta thường hay nhớ những điều nên quên, và lại quên những điều nên nhớ!
36
Năng lực kỳ diệu của sức mạnh rút lui
Gần đây, tôi có gặp một người bạn. Nhìn chị có vẻ lo lắng và mệt mỏi nên tôi hỏi xem có chuyện gì đã xảy ra với chị và được chị cho hay rằng chị đã bị mất ngủ cả tuần nay rồi. Mỗi ngày chị chỉ chợp mắt không quá một tiếng vì quá lo lắng về việc chi tiêu trong gia đình và tiền học phí cho cô con gái. Biết rõ gia cảnh của chị nên tôi không khỏi kinh ngạc khi thấy chị ở trong tình trạng như vậy. Tôi hiểu chị có đủ điều kiện để làm tròn mọi trách nhiệm. Do vậy, tôi đề nghị chị ngồi xuống, tập trung vào hơi thở và làm lắng dịu tâm trí mình. Tôi bảo chị hãy nghĩ đến các khoản chi và thu trong tháng. Chị bỗng mỉm cười và nói rằng “Thực ra, tôi chẳng túng thiếu đến mức phải lo lắng thái quá như thế”. Thế thì, đâu là nguyên nhân khiến chị lo lắng?
Chả là, bạn tôi đang giao dịch với những khách hàng từ thị trường chứng khoán. Khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và số cổ phiếu giảm mạnh trong tuần qua đã khiến họ đứng ngồi không yên và bạn tôi cũng bị “lây nhiễm” chứng lo lắng ấy từ họ. Chỉ trong tích tắc, khi bạn tôi tách suy nghĩ và cảm xúc của mình khỏi những xáo trộn bên ngoài và tập trung chú ý vào nội tâm, chị ấy đã có thể lấy lại bình tĩnh và nhìn nhận tình huống rõ ràng hơn. Nếu không có khoảng thời gian tạm dừng này, hẳn chị ấy đã bị ngập chìm trong nỗi lo túng thiếu và về lâu dài, hệ quả đương nhiên sẽ là trầm cảm.
Hầu hết chúng ta không trở nên xáo động vì bản thân mình mà vì cách nhìn nhận tình huống và để mình bị “lây nhiễm” bởi những người xung quanh. Vấn đề xảy ra bên ngoài không phải lúc nào cũng quá nghiêm trọng hay quá tệ hại, nhưng ta lại để chúng làm hỏng trạng thái và những quyết định của mình, do đó khó có thể đóng góp đúng mực.
Có khi nào bạn thấy mình khát khao có được đôi giày như của ai đó và tìm đủ mọi cách để tậu được nó không? Đó chỉ là một sự ảnh hưởng nhỏ. Còn những ảnh hưởng nghiêm trọng làm tiêu tan cả một đời người như bị cám dỗ sử dụng ma túy thì sao? Nhiều thanh niên sợ bạn bè tẩy chay mà vướng vào con đường nghiện ngập. Nhớ lại khoảng thời gian làm việc với các thanh niên trong Trung tâm Cai nghiện Ma túy. Tôi thường hỏi các em vì sao các em lại rơi vào con đường nghiện ngập, thì hầu hết các em đều trả lời “Do bạn bè rủ rê”.
Chúng ta dễ dàng bị lôi kéo bởi tình huống và những người xung quanh bởi vì ta đã không nhận ra khả năng rút lui của mình. Tất cả những gì ta cần phải làm vào những lúc như thế là “rút” vào bên trong, tựa như con rùa thụt đầu vào lớp mai cứng trước tình huống không rõ ràng, do vậy nó luôn được bảo vệ.
Một khi ta học được cách “rút lui” từ trong tinh thần trước những thách thức và căng thẳng, ta có thể đưa vào cuộc sống nhiều quyền lựa chọn và có những quyết định sáng suốt hơn. Một cách tuyệt vời để bắt đầu kích hoạt sức mạnh này là hãy tập trung vào những suy nghĩ của bạn và làm dịu chúng bằng những suy nghĩ về bình tĩnh, thiện chí… Khi đã kiểm soát được suy nghĩ, bạn có thể tách mình khỏi bị lún vào dòng xoáy của những suy nghĩ tiêu cực từ môi trường bên ngoài. Sau đó, bạn sẽ thực sự có ý thức phân biệt đâu là ý nghĩ của mình và đâu là điều mình đã thu nhặt từ môi trường xung quanh.
Một lần nọ, tôi tập huấn cho các nhà quản lý thuộc Hội đồng Chính phủ tại New Zealand. Trong giờ giải lao, một nhà quản lý đã đến gặp tôi và chia sẻ “Sáng nay khi nhìn vào trong gương, tôi chẳng thấy có cảm giác gì. Đầu óc tôi cứ trống rỗng như người vô hồn vậy!”.
Qua tìm hiểu, tôi được biết anh chàng này đã phải trải qua một khoảng thời gian khá dài trong căng thẳng vì công việc, đến độ trở nên lệ thuộc vào môi trường bên ngoài. Tôi đề nghị anh ấy dành chút ít thời gian mỗi ngày, vào buổi sáng và buổi tối, tập hít thở sâu và vận dụng sức mạnh rút lui. Sau đó, tự ngẫm nghĩ xem điều gì là quan trọng đối với anh ấy, chẳng hạn như gia đình và mục đích sống. Đến buổi học vào tuần sau, anh ấy đã vui vẻ chia sẻ rằng anh đã có thể khơi nguồn cảm hứng cho những cảm nhận và những suy nghĩ mới về bản thân.
Thực hành sức mạnh rút lui
- Như một chú rùa có thể dễ dàng rút vào lớp mai cứng cáp, hãy thường xuyên tập nhìn vào trong, rồi bạn sẽ trở nên bình tĩnh và sáng suốt.
- Trong những tình huống đầy căng thẳng, giận dữ, hãy tập trung vào việc hít thở đều và sâu, sau đó rút ý thức vào trong và kiểm tra suy nghĩ của bạn. Tách bạn khỏi những suy nghĩ tiêu cực liên quan đến môi trường xung quanh.
- Khi rời văn phòng làm việc, ai cũng nhận thức rằng mình đã xong việc và trở về nhà. Nhưng mấy ai hoàn toàn dứt bỏ công việc ra khỏi đầu óc mình. Phần lớn chúng ta vẫn “tha” công việc về nhà trong tâm tưởng mình. Do đó, thời gian mà ta dành cho gia đình thường không trọn vẹn. Sức mạnh rút lui sẽ rất có ích để bạn “đóng gói” công việc, gửi lại văn phòng và để tâm trí rảnh rang cho vai trò “người thân” đúng nghĩa ở nhà.
37
Dở khóc dở cười do điều chỉnh kém!
Điều duy nhất KHÔNG ĐỔI là SỰ THAY ĐỔI! Cảm giác đầu tiên của bạn sẽ là gì trước SỰ THAY ĐỔI? Hẳn cảm giác chung của nhiều người sẽ là CO LẠI, dẫu chỉ một chút xíu trong tinh thần!
Chỉ hơn 200 năm qua, tốc độ thay đổi về công nghệ, giao thông vận tải, cơ cấu việc làm, thông tin liên lạc… đã gia tăng đáng kể và mức độ thay đổi tăng đến chóng mặt chỉ khoảng gần 20 năm qua. Cách thích ứng duy nhất trước thay đổi nhanh như vũ bão là khả năng điều chỉnh. Bằng không, chúng ta sẽ rất dễ rơi vào trạng thái tụt hậu và bế tắc.
Có lần tôi đã hỏi nhóm khoảng 40 nhà quản lý cấp cao ở một hội thảo rằng nếu có giám đốc điều hành vừa trẻ, vừa có tài năng vào làm tại công ty mình, họ sẽ cảm thấy thế nào? Câu trả lời chân thật của hầu hết các vị quản lý ấy là cảm thấy bị đe dọa. Tôi hỏi tiếp “Rồi các anh chị sẽ làm gì?”. “Tìm cách cản trở người ấy phát huy tài năng thôi!”, đó là câu trả lời của nhiều người hôm đó. Hiển nhiên, thiệt hại sẽ thuộc về tất cả, kể cả đương sự lẫn công ty! Sức mạnh điều chỉnh quả không hề dễ đối với họ trong trường hợp này.
Điều chỉnh trong các vai trò
Một người mẹ nọ đã quá “nhập vai” làm mẹ. Dù đứa con trai duy nhất của bà đã đến tuổi trưởng thành nhưng bà vẫn xem cậu ấy còn quá nhỏ. Bà cảm thấy hạnh phúc với vai trò này. Rồi ngày nọ, cậu con dẫn về một cô bạn gái với lời tuyên bố rằng cậu sẽ lấy cô gái ấy làm vợ. Thử hình dung xem nếu bạn là người mẹ ấy và rơi vào tình cảnh này, bạn sẽ phản ứng như thế nào? Bất ngờ, tổn thương, bực bội và cuối cùng là cấm cản? Vai trò của bạn đang bị đe dọa.“Nó sẽ tuột khỏi vòng tay mình”, “Cô này sẽ thay thế mình”, “Mình sẽ là gì đối với nó”… Bạn sẽ đùng đùng phản đối vì sợ… mất “vai”! Không điều chỉnh kịp trong hoàn cảnh này khiến đứa con yêu quý của bạn lâm vào cảnh khó xử… giữa bên tình, bên hiếu. Sau đó, nỗi lòng “biết tỏ cùng ai” này ngấm ngầm phá hoại không những tinh thần cậu ấy mà cả nghề nghiệp của cậu nữa.
Vài năm trước, trong khoảng thời gian tập huấn tại Quảng Châu, Trung Quốc, tôi được một nhà quản lý cấp cao hướng dẫn tham quan công ty. Khi bước vào văn phòng, anh ta chỉ vào một cậu thanh niên trẻ và giới thiệu rằng “Trước kia cậu này làm khá lắm. Cậu ấy từng xếp hạng sao về mặt quản lý trong công ty chúng tôi cho đến khi… cậu ấy lấy vợ!”. Tôi thấy chẳng ăn nhập gì, nên hỏi lại “Lấy vợ thì sao?”. Vị quản lý ấy bật cười “Cậu ấy bị đè bẹp giữa mẹ và vợ. Chẳng bên nào chịu nhường bên nào đã làm cậu ấy căng thẳng… đến dại cả người, chẳng còn chú tâm vào công việc nữa. Cô xem có cách nào giúp cậu ấy không?”.
Nếu như các bà mẹ nhận ra rằng vai trò làm mẹ của mình thiêng liêng thật, nhưng cũng cần được điều chỉnh theo thời gian, hẳn họ sẽ hãnh diện biết bao khi con mình trưởng thành và sẽ vui vì có thêm một cô con gái.
Gia tăng sức mạnh điều chỉnh
Mỗi khi quan sát dòng xe chạy trên đường phố Sài Gòn, tôi lại liên tưởng đến sức mạnh điều chỉnh. Thiết nghĩ, chẳng có nơi nào trên thế giới lại có sức mạnh điều chỉnh ăn khớp giữa những người điều khiển xe như ở đây. Mọi người đều hoan hỉ chấp nhận và hỗ trợ những người đồng hành của mình. Rất hiếm có vụ nổi cơn thịnh nộ trên đường phố do chen lấn nhau. Người điều khiển xe cũng rất tỉnh táo để có thể thích ứng kịp thời với những người rẽ ngang mà không bật đèn xi nhan báo trước! Hầu như tất cả mọi người đều vui vẻ và có quyền tự điều chỉnh hướng đi cho mình ở những chỗ kẹt xe.
Nếu như tất cả chúng ta đều biết vận dụng sức mạnh điều chỉnh trên đường phố vào từng lĩnh vực của cuộc sống – đó là tỉnh táo, biết chấp nhận và chuẩn bị sẵn sàng để thích ứng với mọi thay đổi, dù bất ngờ – thì chắc hẳn chúng ta sẽ không còn bất cứ vấn đề nào nữa. Ta sẽ chỉ dồn năng lượng vào việc tìm đường, nghĩa là tập trung tìm ra giải pháp.
Thái độ nhẹ nhàng rất cần trong điều chỉnh
Cuối mỗi năm học, Trung tâm Inner Space chúng tôi lại đón thêm nhiều bậc cha mẹ và các con của họ đến học, không phải vì các em đã có thời gian rảnh mà vì các em rơi vào trạng thái căng thẳng và trầm cảm hơn. Cuối năm, thứ hạng của các em đã không được như cha mẹ mong đợi. Họ không chấp nhận khi con em họ chỉ đạt thứ hạng khá hoặc trung bình, thậm chí giỏi. Ở khóa học gần đây, có một em học sinh trong tình trạng đau khổ và trầm cảm. Em liên tục bị cha chì chiết vì đã không đạt được thứ hạng xuất sắc như anh mình.
Sức mạnh điều chỉnh cũng giống như dòng sông, có khả năng uốn lượn theo đôi bờ để chảy ra biển. Dù phải chảy qua nhiều khúc quanh với nhiều ghềnh đá và mang theo rác rưởi, nhưng dòng sông vẫn không ngừng chảy và vẫn làm màu mỡ cho đôi bờ. Nếu như người cha biết điều chỉnh để chấp nhận kết quả của con, ông sẽ có cách giúp cậu bé học tốt hơn vào năm sau.
Để củng cố sức mạnh điều chỉnh, mỗi buổi sáng, ngay khi vừa thức dậy, bạn hãy dành ra khoảng 10 phút cho riêng mình. Ngồi im lặng và chiêm nghiệm về tính hiển nhiên của thay đổi. Hình dung bạn hồi đáp với những thay đổi bằng một cảm giác nhẹ nhàng, hạnh phúc và bình tĩnh.
Inner Space (Chương trình Làm giàu Thế Giới Nội Tâm) là nơi cung cấp những cơ hội giúp người học khám phá tiềm năng của bản thân, học các kỹ năng suy ngẫm, thư giãn, làm chủ bản thân… để trải nghiệm sự điềm tĩnh nội tâm, từ đó có được niềm hạnh phúc và lòng nhiệt tình trong cuộc sống.
Tất cả các khóa học tại Inner Space đều không tính phí. Tuy nhiên, Inner Space sẵn sàng nhận sự đóng góp tự nguyện từ các cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để phát triển và mở rộng mô hình này ra cộng đồng.
Trung tâm Inner Space
TP. Hồ Chí Minh
Trung tâm chính:
Số 30, Đường số 7, Khu phố 1, Quốc lộ 13, P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức
ĐT: (08) 62 83 96 09 - Website: www.innerspace.vn
Chi nhánh:
75/2 – 4, Lý Thánh Tông, P. Tân Thới Hòa, Q. Tân Phú
ĐT: 08. 62 64 05 35
Website: www.innerspace.vn
Email: [email protected]
TP. Hà Nội
Số 18, ngõ 76, Tô Ngọc Vân, P. Quảng An, Q. Tây Hồ
ĐT: (04) 35 37 65 10 - Website: www.innerspacehn.vn