29
Cách phát triển sự tự tin
Bạn có né tránh điều gì không? Đâu là lý do chính đáng cho sự trốn chạy đó của bạn? Bạn có sợ tỏa sáng không?
Né tránh là khi chúng ta sợ bị từ chối, phán xét, bị phê bình hoặc sợ phải nổi bật giữa đám đông. Né tránh dần trở thành thói quen và ngăn cản chúng ta bộc lộ khả năng thật sự của bản thân.
Làm gì khi ý nghĩ né tránh xuất hiện?
1. Dành thời gian tìm hiểu bản thân, giống như bạn làm quen với một người bạn mới. Bắt đầu để ý xem bạn thường né tránh điều gì và như thế nào.
2. Bước ra khỏi “vùng thoải mái” của bạn và bắt đầu nhận diện tiềm năng của bản thân. Nếu không, chúng ta sẽ mãi tìm kiếm những thứ khác để che đậy nỗi sợ hãi của mình.
Nhận ra các thói quen
- Hãy nhận ra sự né tránh từ trong suy nghĩ của bạn để kịp can thiệp trước khi nó đi vào hành động.
- Bắt quả tang: hãy nói với sự né tránh rằng “Lại bạn nữa à! Tôi biết bạn”.
- Sau đó, thay thế nó bằng câu nói khẳng định tích cực, chẳng hạn như “Tôi làm được”, “Tôi có khả năng”, “Không có gì phải sợ”…
- Và hành động với sự quyết tâm.
Cơ hội hay số phận?
Nếu bạn nhìn vào nơi bạn đang ở, phải chăng bạn sẽ nói rằng: về tổng thể, chính sự lựa chọn và quyết định của bạn đã đưa bạn tới đây? Có phải cơ hội đã dẫn bạn đi trên con đường của mình? Hay định mệnh?
Dành ra 1 phút để suy ngẫm!
Nếu cách tôi nghĩ và hành động đã tạo ra “ngày hôm nay” của tôi, thì suy nghĩ và hành động của “ngày hôm nay” sẽ quyết định tương lai tôi. Do đó, tôi cần tận dụng mọi cơ hội để “ngày hôm nay” của mình trở nên tốt nhất. Tuy nhiên, những thói quen cũ vẫn chực chờ để xuất hiện và ngăn cản chúng ta tiếp cận cơ hội bằng một nụ cười lạc quan.
Thay đổi thói quen:
1. Hãy nhớ rằng tất cả bắt đầu bằng một sự lựa chọn – để chịu trách nhiệm cho bản thân và cho cuộc sống của mình.
“Vấn đề vào lúc này ư? Có hề chi! Điều bạn làm hôm nay có khả năng thay đổi cho tương lai của bạn.”
2. Thiết lập ý định của bạn. Bạn nhìn thấy gì cho tương lai của mình? Ước mơ của bạn là gì? Đó là một tương lai hạnh phúc hay ảm đạm?
3. Hầu hết chúng ta đều biết mình muốn gì cho cuộc đời mình, nhưng lại không chịu nghĩ mình cần phải làm gì để đạt được điều mình muốn. Vì vậy, bạn hãy dừng lại, nghĩ về mình lúc này và nhận ra điều mình cần thay đổi để đạt được mong ước của bạn. Chỉ cần bạn không vướng vào thói quen suy nghĩ quá nhiều.
Cho phép tâm trí trở nên yên lặng. Một tâm trí tĩnh tại là cần thiết để có sự rõ ràng. Hãy thử bắt đầu và kết thúc một ngày bằng thiền định, đó là một công cụ để trấn tĩnh và làm dịu tâm trí.
Chúng ta thường bỏ lỡ các cơ hội bởi vì chúng ta tập trung quá mức vào các vấn đề. Chúng ta sợ quyết định sai, ngần ngại hoặc từ bỏ quá sớm. Tuy nhiên, để tiến lên phía trước, bạn phải nắm bắt cơ hội. Cuộc sống là lúc này và thời gian là lúc này. Hãy tập trung vào những khả năng tích cực và bạn sẽ không bị bỏ lại bởi vì ngay cả khi bạn không giải quyết được một vấn đề nào đó, bạn vẫn thấy mình đã học được điều gì đó có giá trị.
Tối đa hóa bản thân
Có câu nói rằng “Nếu tôi luôn làm điều tôi đã luôn làm, thì tôi sẽ luôn có được điều tôi đã có”.
Đầu tiên, hãy tạo một tầm nhìn về người mà bạn muốn trở thành. Mường tượng người mà bạn muốn trở thành và cuộc đời mà bạn muốn sống. Nên chắc chắn cho điều bạn muốn đạt được – bạn có thể làm được.
Thứ hai, hãy có một cái nhìn trung thực về bản thân, không phán xét. Chấp nhận bản thân chính xác như bạn là thế vào lúc này.
Thứ ba, chọn ra một điều nhỏ mà bạn muốn thay đổi và điều ấy sẽ mang bạn đến gần “bạn” – người mà bạn mong muốn trở thành.
Thứ tư, thu thập cho sự tiến bộ của bạn. Ở mỗi giây phút, chúng ta đều có thể cảm thấy khác đi một chút. Nhìn vào sự thay đổi ở bạn từ hôm qua, tuần trước, một năm trước. Khi chúng ta thay đổi và thừa nhận một sự thay đổi tích cực, chúng ta sẽ gia tăng sức mạnh nội tâm và năng lượng tích cực được phóng thích để thúc đẩy chúng ta tiến bước.
Thói quen!
Những thói quen cũ! Chúng sẽ cố níu kéo chúng ta. Một số người đã có những thói quen nào đó từ lâu và chúng đã trở nên quen thuộc như những người bạn cũ, khiến họ cảm thấy thoải mái với chúng, rồi họ trì hoãn và ngần ngại bước đến mục tiêu của mình.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần cảnh giác trước sự lười biếng! Nó hay thuyết phục chúng ta ngủ lâu hơn một chút và thời gian một khi đã qua đi thì không thể lấy lại được nữa. Hãy hành động ngay bây giờ!
30
Giành thế chủ động trong xử lý vấn đề khó
Một điều mà ai cũng phải đối mặt là những khó khăn và thử thách, tuy nhiên điều làm cho họ trở nên THẬT khác biệt là cách phản hồi của họ trước mỗi tình huống. Cách phản hồi như thế nào thì tính hiệu quả và chất lượng sống sẽ như thế ấy.
Khi gặp những vấn đề khó, mỗi người đều có hai sự lựa chọn – hoặc là chấp nhận và tìm cách hồi đáp hiệu quả, hoặc là chối bỏ và ca cẩm về nó.
Cách lựa chọn phổ biến nhất là gì? Dẫu biết rằng thách thức đã xảy ra với mình, nhưng chúng ta vẫn hay có thói quen chối bỏ và vướng vào những ý nghĩ như “Tại sao nó lại xảy ra với tôi?”, hoặc đổ thừa tại người khác nên mình mới gặp phải thử thách này. Vì vậy, chúng ta tự làm mất thời gian và năng lượng quý báu của bản thân, đồng thời còn mất đi niềm hạnh phúc và sự bình an tâm trí.
Một điều mà chúng ta phải công nhận là thử thách xảy ra như một phần tất yếu của cuộc sống. Nếu tôi chấp nhận nó, tôi sẽ không còn thắc mắc, trách cứ nữa mà tập trung vào tìm kiếm giải pháp và đơn giản hóa vấn đề. Có rất nhiều khía cạnh của thử thách mà tôi không thể kiểm soát được. Tôi chỉ có thể kiểm soát cách hồi đáp của mình đối với tình huống. Tôi tự hỏi “Cách hồi đáp tốt nhất trong trường hợp này là gì?”, rồi HÀNH ĐỘNG.
Gần đây, tôi có trò chuyện với một học viên. Cô ấy than vãn rằng mình đang phải làm việc cho một ông sếp rất chuyên quyền. Cô luôn cảm thấy bất mãn với thái độ hay giận dữ của sếp. Sau khi thực tập chấp nhận mình không thể kiểm soát được hành vi của người khác, cô đã tập trung chú ý đến cách HỒI ĐÁP trước tình huống. Cô tự nhắc mình không phàn nàn và phê phán sếp nữa, mà hãy có những suy nghĩ tốt đẹp về công việc và về điều cô có thể làm.
Cô quan sát thấy từ khi cô thay đổi suy nghĩ và thái độ của mình, sự bực bội của sếp không còn ảnh hưởng nhiều đến cô. Cô còn cảm thấy bình tĩnh và rõ ràng hơn khi làm việc cùng sếp. Sau vài tuần, người sếp cũng bắt đầu thay đổi và đối xử với cô đúng mực hơn.
Lúc trước, cô chối bỏ tình huống bằng thái độ bất mãn và tức giận, nó khắc ghi vào trong ký ức của cô một cảm giác bực bội về ông sếp chuyên quyền. Sau đó, ký ức này tự động chảy vào suy nghĩ và hành vi của cô mỗi khi gặp sếp. Tôi lại hỏi cô ấy có bao giờ cảm thấy ai đó không thích mình, và rồi người ấy đã có những hành động y như cảm nhận của cô không? Cô khẳng định là CÓ. Chính sự bất mãn từ cô đã kích hoạt sự bực bội ở sếp.
Sếp có trách nhiệm cho sự lựa chọn của sếp, còn cô có trách nhiệm cho sự lựa chọn của cô. Tôi đã yêu cầu cô ấy thử nghiệm với hai từ trong tâm trí là “Xin lỗi” vì tôi đã có những suy nghĩ tiêu cực về ông và “Cám ơn” vì tôi đã rút ra được bài học từ sự việc này. Sau vài ngày thử nghiệm, cô ấy chia sẻ rằng cô có nhiều suy nghĩ tốt đẹp dành cho sếp và đã hiểu sếp hơn. Sếp của cô cũng bắt đầu thay đổi và trân trọng cô.
Một số phương pháp trợ giúp khi chạm trán với những khó khăn, thử thách:
Có tầm nhìn tích cực về tương lai
Mọi thứ luôn biến đổi, đến rồi đi. Tất cả đều hoạt động theo một vòng tuần hoàn. Sau đêm đông, mùa xuân sẽ đến. Bạn hãy nhìn xuyên qua “bóng tối” của thách thức để thấy rõ “bình minh” của bài học trưởng thành.
Nhìn sự việc với sự thông thái
Hãy luôn nhận thức rằng mọi thứ đều có liên hệ với nhau. Tình trạng hiện tại của chúng ta và của thế giới được kết nối với những hành động và những lựa chọn ưu tiên của chúng ta trước đó. Chúng ta không cần phải tuyệt vọng hoặc phàn nàn về nó. Thay vào đó, hãy biết rằng hành động của chúng ta sẽ tạo ra sự khác biệt. Nếu chúng ta có những hành động tốt đẹp vào lúc này, chúng ta sẽ tạo nên sự thay đổi tốt đẹp cho mình và cho thế giới.
Nói những lời nâng đỡ
Ca cẩm về khó khăn, thách thức chỉ làm vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, đồng thời còn tạo ra bầu không khí nặng nề. Khi nói chuyện với những người khác, hãy phát triển thói quen đưa ra ý kiến tích cực, mang tính xây dựng và thảo luận về các chủ đề làm nhẹ bầu không khí.
Lắng nghe lương tâm của bạn
Tất cả mọi người đều phải đối mặt với những lựa chọn đạo đức trong đời và rất dễ phớt lờ tiếng nói thì thầm mách bảo ta làm điều đúng. Làm theo tiếng nói lương tâm là cách để phát triển sức mạnh nội tâm.
31
Khám phá tâm trí
Gần đây, trong khi trò chuyện với một doanh nhân thành đạt ở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã hỏi anh ấy “Nếu phải làm mọi hoạt động trong công ty, từ chăm sóc khách hàng đến mua nguyên vật liệu, chế biến, tính toán ngân sách... anh có thể tự làm một mình cho từng ấy nhà hàng không?”. Anh liền trả lời “Không thể! Chết mất!”.
Theo cách tương tự, chúng ta có thể nhìn cuộc đời mình với nhiều vai trò, hay còn gọi là các phòng ban khác nhau. Với con cái thì tôi là cha mẹ, với cha mẹ thì tôi là con cái, với công việc thì tôi là nhân viên, đồng nghiệp hoặc sếp, ở trường học thì tôi là học trò hoặc thầy cô... Trong nhiều năm, chúng ta đã và đang đóng vô số các vai trò. Với mỗi phần vai, chúng ta lại tạo ra những suy nghĩ, lời nói và hành động riêng, từ đó tạo nên chất lượng cuộc sống tương ứng.
Hãy hình dung cấu trúc “công ty” bên trong bạn với những phòng ban như sau:
Nhìn vào hình trên, chắc hẳn bạn sẽ thắc mắc đâu là ban điều hành? Một công ty mà ai cũng có thể nắm quyền sớm muộn gì cũng đổ vỡ và xảy ra nhiều rắc rối. Các công ty “một thành viên” của mỗi người lúc này đang trong tình trạng “rắn không đầu” như thế. Chúng ta cứ liên tục nhảy từ gia đình, đến bạn bè, công việc, đến học tập... và nhiều thứ khác, sau đó lại quay về gia đình, bạn bè, công việc... mà không bao giờ trở về trụ sở của các phòng ban, hay còn gọi là ban điều hành.
Bất kỳ ai cố làm mọi điều mà không có lấy một khoảng không gian bình yên cho riêng mình, thì người đó không thể tránh khỏi tình trạng kiệt quệ vào một ngày nào đó. Một nhà điều hành giỏi là khi anh ta biết ngồi vào đúng chỗ của mình để có thể nhìn tổng thể và có những chiến lược, quyết định chính xác.
Tạo khoảng không cho riêng mình
Gia đình, công việc và học tập... tất cả đều là những thành tố thường ngày của mỗi người. Tuy vậy, hầu hết chúng ta lại tìm ra không biết bao nhiêu lý do để không phải bước vào “phòng điều khiển”, nghĩa là tìm hiểu bản thân mình. Một trong những lý do phổ biến nhất vẫn là “Tôi vội lắm, chẳng còn thời giờ để khám phá và phát triển bản thân”...
Vấn đề không phải chúng ta thiếu thời gian, mà chúng ta quá nhập tâm vào các vai trò đến mức quên cả bản thân, từ đó thấy khó có thể kiểm soát cuộc đời mình. Chỉ cần bạn dừng lại và tự hỏi “Tôi thật sự đang ở đâu?” là bạn có thể ngồi vào chính giữa như ở hình sau. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt khi ban điều hành ở trung tâm. Đây mới là sự điều hành tự nhiên.
Giành lấy quyền làm chủ
Ai cũng có một tâm trí, nhưng chẳng ai biết hình thù của nó là gì. Bản thân bạn cũng không nhìn thấy tâm trí mình, nhưng đôi lúc bạn lại nói “Điều gì đó đang diễn ra trong tâm trí tôi” hoặc “Tôi không thể gạt bỏ điều này ra khỏi tâm trí mình”, và đôi lúc tâm trí bạn lại trở nên trống rỗng.
Tâm trí con người lạ lùng đến thế, nhưng hạt giống từ nó lại đầy triển vọng. Bất cứ điều gì diễn ra trong tâm trí sẽ được chuyển thành lời nói hoặc hành động. Suy nghĩ xuất hiện như thế nào? Bằng lời nói, hình ảnh, cảm xúc, cảm nhận và thậm chí là bằng sự tưởng tượng. Nếu bạn muốn sáng tạo một điều gì đó, nó bắt đầu trong tâm trí bạn trước tiên. Thậm chí chiến tranh giữa quốc gia này với quốc gia khác cũng bắt đầu từ trong tâm trí con người. Sự hòa thuận trong các mối quan hệ cũng bắt đầu từ tâm trí.
Thật hữu ích khi bạn tìm hiểu về tâm trí. Tuy nhiên, tâm trí chỉ là một bộ phận trong ban điều hành. Cùng với nó còn có cả trí tuệ và tiềm thức. Đây là ba bộ phận chính trong “công ty - ý thức” của mỗi người.
32
Để cuộc đời trở nên tốt đẹp hơn!
Sau buổi học đầu tiên về nhận thức bản thân, một học viên lớn tuổi đã yêu cầu tôi chỉ cho ông phương pháp cai nghiện thuốc lá. Ông nói rằng ông đã thử bỏ thuốc lá rất nhiều lần nhưng không thành công. Tôi hỏi ông ấy:
– Mỗi ngày bác hút bao nhiêu điếu?
– 30.
– Bác đã hút như vậy bao lâu rồi?
– 30 năm.
Tính nhẩm thì người đàn ông ấy đã hút tới hơn ba trăm ngàn điếu thuốc trong cuộc đời mình! Tất cả mọi người giật mình, kinh ngạc với số thuốc mà ông đã tiêu thụ. Điều gì đã hình thành trong con người này sau khi lặp lại một hành động hút thuốc tới hơn ba trăm ngàn lần như thế? Chắc chắn nó là THÓI QUEN!
Nguồn gốc của suy nghĩ
Khi người đàn ông ấy lần đầu nhìn thấy điếu thuốc, tâm trí ông ý thức, cảm nhận, tưởng tượng và hình thành suy nghĩ. Tất cả đều có thể bị nhuốm màu bởi một sự hồi tưởng từ tiềm thức rằng ai đó trông thật lãng tử với điếu thuốc trên tay... Một trạng thái tinh thần được tạo ra từ ký ức này, mang đến cho ông cảm giác tự tin. Thái độ muốn thử xuất hiện, cuốn hút tầm nhìn từ trong trí tuệ. Tương ứng với mức độ thấu hiểu và nhận thức, trí tuệ xử lý, phán xét, đánh giá tầm nhìn và quyết định: hoặc đưa vào hành động qua cơ thể, hoặc từ chối.
Trí tuệ của người đàn ông này đã quyết định hành động (hút thuốc). Nó truyền mệnh lệnh vào bộ não, từ đó truyền đến hệ thần kinh trung ương, điều khiển các giác quan hành động. Sau mỗi lần hút thuốc, trí tuệ nhận lại một sự phản hồi để chuyển vào kho ký ức trong tiềm thức. Một hành động hút thuốc đã được lặp lại rất nhiều lần ở người đàn ông này khiến trí tuệ ông ta không còn khả năng xử lý và phán xét chính xác nữa, mà nó biến thành một cơ chế tự động – cần thuốc để hút.
Đây mới chỉ là một hành động được lặp lại nhiều lần – hút thuốc. Bạn hãy tưởng tượng một người lặp lại quy trình tức giận, ghen tị, hận thù, nói dối... Quy trình này cũng xảy ra đối với cách bạn suy nghĩ về bản thân.
Gần đây, chúng tôi có một buổi nói chuyện về khám phá bản thân với các em sinh viên. Với câu hỏi “Các em thường suy nghĩ tích cực hay tiêu cực về bản thân?”. Hầu hết các em đều trả lời rằng các em thường có những suy nghĩ tiêu cực, tự ti. Quy trình này là dấu hiệu báo trước cho một tương lai sẽ ngày càng tệ hại với nhiều bạo lực và tệ nạn nếu bây giờ mỗi người không bắt đầu ý thức và tự sửa đổi.
Một nhà tâm lý học đã khẳng định: Xã hội loài người lúc này là một xã hội nghiện ngập. Chúng ta nghiện thuốc lá, trà, cà phê, sô-cô-la, rượu, ma túy, thực phẩm, ti-vi, âm nhạc, tiếng ồn, công việc, con người, internet, vi tính, bạo lực, tình dục và vô số những thứ khác.
Mất quyền tự chủ là cánh cửa để mở cho các thói quen tiêu cực đi vào. Những thói quen ấy trở thành cái được gọi là sự khiếm khuyết trong nhân cách con người.
Lấy lại quyền tự chủ
Khiếm khuyết nằm trong kho tiềm thức, nhưng yếu kém lại thuộc về trí tuệ. Nếu bạn muốn thay đổi một thói quen tiêu cực nào đó thành tích cực, bạn cần mài giũa tính năng trí tuệ – phân định, kiểm tra chất lượng suy nghĩ từ hai đầu vào, đó là từ bên ngoài (qua năm giác quan) và từ bên trong (kho tiềm thức), từ đó quyết định không đưa vào hành động đối với những suy nghĩ tạo ra dấu ấn tiêu cực.
Một câu hỏi khởi đầu cho tiến trình thay đổi là “Tôi có thể chấm dứt những suy nghĩ miên man về ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai bằng cách nào để cảm nhận sự bình yên?”.
Rất đơn giản! Bạn chỉ cần ý thức tạo ra những suy nghĩ tích cực liên quan đến trạng thái tự nhiên trong tâm hồn bạn. Mỗi lúc chúng ta chỉ có thể có một suy nghĩ. Chúng ta không nhận ra quy luật này bởi do thói quen suy nghĩ quá nhanh.
Nếu bạn thật sự muốn cuộc đời mình trở nên tốt đẹp hơn, hãy trở thành một nhà quản lý thông thái, sẵn sàng tìm ra chiến lược cải tổ cơ cấu hoạt động trong “công ty” con người bạn. Ngay bây giờ bạn hãy ngồi xuống, liệt kê ra tất cả những suy nghĩ tiêu cực mà bạn muốn thay đổi, đồng thời phân tích hệ quả của chúng theo sơ đồ:
Sau đó, thay đổi quy trình trên bằng một quy trình mới:
Và mang quy trình mới này vào thực hành theo các bước sau:
- CHUẨN BỊ DỪNG: chọn một điểm mạnh của bạn – ví dụ, “Tôi tự tin” (nói trong suy nghĩ của mình 2 lần)
- THƯ GIÃN & BUÔNG TRÔI: hít thở sâu (3 lần) – tưởng tượng mọi tiêu cực tan biến
- TẬP TRUNG: hình ảnh gợi lên sự mạnh mẽ
- TRẢI NGHIỆM: hoàn toàn và để mình cảm nhận
33
“Trục xuất” bệnh ảo tưởng
Dù bạn có đang thức, nhưng thực tế bạn vẫn đang mơ màng. Đây không phải là giấc mơ, ước mơ (theo ý nghĩa là hoài bão) mà là trạng thái mơ màng, ảo tưởng. Do mơ màng nên hầu hết chúng ta mất đi quyền tự chủ đối với những suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mình.
Có vẻ như chúng ta dễ rơi vào kiểu mơ tưởng này. Lúc ở nhà, ta nổi cáu vì ai đó không làm theo ý ta; khi ra đường, ta phản ứng vì ai đó va chạm vào ta; đến công sở, ta căng thẳng vì phải làm quá nhiều việc hoặc vì mâu thuẫn với đồng nghiệp; lúc đi chơi, ta cự mạnh vì chất lượng phục vụ tồi... Bạn thầm nhủ “Mình đâu đến nỗi tồi tệ như thế!”. Nhưng bạn có chắc bạn không mất tự chủ ở một lĩnh vực nào đó và đổ lỗi cho hoàn cảnh?
Tất cả chúng ta đều đang mơ tưởng, không ở mức độ này cũng ở mức độ khác, do vậy suy nghĩ, lời nói và hành động đều nằm ngoài tầm kiểm soát. Những dấu hiệu sau cho biết bạn vẫn còn mơ tưởng trong cuộc sống hàng ngày như thế nào.
1. Phóng chiếu căng thẳng
Bạn vẫn đang ảo tưởng nếu đổ lỗi cho người khác, tình huống hay một sự kiện nào đó vì cảm giác căng thẳng ở bạn. Căng thẳng là một sự khó chịu, nó xuất hiện để cảnh báo bạn rằng có điều gì đó bạn cần thay đổi ở bản thân, chứ không phải ở đối tượng bên ngoài.
Mỗi khi bạn đổ lỗi cho người khác về trạng thái tinh thần của mình, nghĩa là bạn đang ảo tưởng rằng: bạn căng thẳng là do tình huống. Trong khi đó, người tỉnh táo sẽ chịu trách nhiệm cho những suy nghĩ, cảm xúc, thái độ và hành động của mình ở mọi lúc, mọi nơi.
2. So sánh
Bạn vẫn đang mơ tưởng khi so sánh mình với ai đó. Điều này có nghĩa bạn không nhận ra điều độc đáo và giá trị riêng của bản thân, như thể bạn đang nói rằng “Tôi muốn trở thành ai đó”, mà điều này là không thể. Hoặc bạn đang nghĩ một cách vô thức rằng “Tôi chẳng ra gì! Tôi ít giá trị hơn họ”. Điều này cũng không đúng!
Người tỉnh táo thì biết rõ giá trị bản thân và có thể khẳng định chân giá trị của mình. Họ không bao giờ khao khát trở thành một ai đó khác với họ. Họ dám đối mặt với những thử thách để khám phá và khai thác tiềm năng của mình.
3. Hành vi kiểm soát
Bạn vẫn đang mơ tưởng khi cố kiểm soát, hay thao túng người khác. Bạn đang ảo tưởng rằng người khác nên làm theo mệnh lệnh của bạn. Có thể một lúc nào đó họ làm theo ý bạn, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Sự thật là mỗi người đều có lựa chọn và quyết định riêng đối với hành động và cách giao tiếp của bản thân.
Nếu bạn là người mộng tưởng lanh lợi, bạn có thể tìm ra điểm yếu của người khác và lợi dụng họ trong hết quãng đường đời của bạn. Nhưng điều đó chỉ vây hãm bạn trong chuyến hành trình của sự giả dối, từ đó rút cạn sức mạnh nội tâm của bạn. Lương tâm bạn hiểu rõ bạn đang lợi dụng và hành động trái với “hạt giống” của mối quan hệ đúng đắn. Một người tỉnh táo sẽ không bao giờ lợi dụng người mộng tưởng nào. Họ biết vai trò của mình là đánh thức, chứ không phải lợi dụng người đang mơ tưởng.
4. Khuấy động cảm giác
Bạn vẫn đang mộng tưởng khi đắm vào những cảm xúc hoặc tìm kiếm sự kích thích để có được trạng thái tinh thần nào đó. Có thể bạn thích cãi cọ để một ngày của bạn trở nên sống động hơn.
Nếu bạn ca cẩm về những điều không vừa ý, về những điều đã qua, bạn tự đắm mình trong sự hối tiếc và bất hạnh. Hoặc nếu bạn cứ mải nghĩ về tương lai với sự lo âu và xáo trộn, bạn sẽ bị nghiện cảm giác sợ hãi. Người tỉnh táo tự chọn và tạo ra cảm nhận của mình trong mỗi giây phút.
5. Mua bán hạnh phúc
Bạn vẫn đang mơ tưởng nếu bạn còn tìm cách “mua” hay “bán” hạnh phúc, nghĩa là bạn vẫn đang cố hoàn thiện mình bằng một điều gì đó khác với bản thân. Bạn vẫn đang cố lấp đầy mình bằng những thứ mà bạn có được. Một người tỉnh táo biết mình có thể tìm thấy hạnh phúc ngay trong chính bản thân họ.
6. Người gây rắc rối
Bạn vẫn đang mơ tưởng nếu tin rằng “Người khác là vấn đề rắc rối của tôi”. Bạn vẫn chưa nhận ra không phải những gì người khác nói hay làm mà cách phản ứng của bạn mới gây ra rắc rối cho bạn. Người tỉnh táo hiểu rằng người khác không bao giờ là rắc rối của mình.
7. Những kỳ vọng tách bạch
Bạn vẫn đang mơ tưởng nếu niềm hạnh phúc của bạn lệ thuộc vào điều bạn kỳ vọng mà được đáp ứng. Có thể bạn vẫn chưa nhận ra kỳ vọng thực chất là dạng ngụy trang khác của ham muốn. Nếu nó không được đáp ứng, bạn sẽ chán nản và hạnh phúc của bạn cũng tan biến. Một người tỉnh táo vẫn có những kỳ vọng, nhưng vì họ tách bạch nó với niềm hạnh phúc của họ, vì thế họ không thấy phiền hà khi những kỳ vọng này không được đáp ứng.
Câu hỏi: Nhìn vào danh sách những ảo tưởng trên. Bạn hãy chọn ra một ảo tưởng mà bạn muốn loại bỏ.
Hành động:
1. Hít sâu vào và thở ra, buông bỏ những nhận thức và quan điểm lệch lạc của bạn về những ảo tưởng này.
2. Lắng nghe giọng nói bên trong tâm hồn bạn xem nó mách bảo bạn nên làm gì để thức tỉnh đối với những ảo tưởng trên?
3. Tỉnh táo làm theo lời mách bảo của trái tim mình trong ngày hôm nay.
Lưu ý: Bạn có thể chọn loại bỏ 7 ảo tưởng trên trong 7 ngày theo quy trình trên.