24
Nhận diện lòng quý trọng bản thân
Không biết từ bao giờ chúng ta đã bị tiêm nhiễm thói quen nhìn vào người khác. Không chỉ nhìn, mà trong chớp nhoáng chúng ta còn đặt tên, dán nhãn, phán xét, kết án và trừng phạt họ bên trong tâm trí mình. Thói quen này dường như đã trở thành một đặc điểm trong giao tiếp ứng xử ở những nền văn hóa được gọi là phát triển.
Và những gì chúng ta nhìn thấy là những gì chúng ta trở thành – ít nhất tại khoảnh khắc chúng ta nhìn. Chẳng có gì sai khi bạn đẹp về ngoại hình, thông minh, tài năng, xuất thân từ một gia đình cao quý, có địa vị, sở hữu nhiều thứ, là người da đen, da trắng hay người nước này nước nọ. Vấn đề ở chỗ bạn lại dùng những thứ ấy để đo lường bản thân và người khác, trong khi lòng quý trọng bản thân chính là cách bạn nhìn và cảm nhận về con người mình, từ đó dẫn đến cách hành động, ứng xử.
Ví dụ như, khi bạn nhìn mình qua vai trò của một nhà hùng biện, bạn cảm thấy thế nào nếu không ai đến hoặc chỉ một người đến nghe bạn diễn thuyết? Còn bây giờ, bạn hãy hình dung bạn có lòng quý trọng bản thân cao và trong thâm tâm bạn biết mình thật tuyệt vời. Bạn cảm thấy thế nào? Hoàn cảnh có làm trạng thái bạn thay đổi không?
Sau đây là các biểu hiện của lòng quý trọng bản thân. Hãy đọc chậm và tự chấm điểm – trong đó, 10 điểm là cho lòng quý trọng bản thân cao, 1 điểm cho lòng quý trọng bản thân thấp và 5 điểm cho lòng quý trọng bản thân ở mức trung bình.
Phân loại lòng quý trọng bản thân
Hãy đánh dấu những ô mô tả đúng về bạn nhất (bạn có thể chọn nhiều hơn một cột cho những tình huống khác nhau).
Những lựa chọn ở cột bên trái hoặc ở giữa cho thấy bạn đã phát triển những thói quen hoặc những mẫu hình hành vi sai lệch. Bạn có muốn thay đổi không? Hãy đọc tiếp phần sau nhé!
25
Cảm xúc tiêu cực, làm gì đây?
Tất cả chúng ta ai cũng có những lần đau đớn. Đó có thể là sự nghi ngờ, nỗi sợ hãi, xấu hổ, tổn thương hay buồn chán... Vào những lúc như thế, chúng ta thường hay phóng chiếu lên một đối tượng (có thể là con người hay sự việc) nào đó, hoặc phủ nhận những cảm xúc tiêu cực của bản thân.
Hình dung bạn chính là bậc cha mẹ của những “đứa trẻ - cảm xúc” bên trong bạn. Có đứa mới chỉ 3 tuổi, có đứa lớn hơn... nhưng nhìn chung những “đứa trẻ” ấy đều chưa trưởng thành. Mỗi đứa có một cách phản ứng riêng – đứa cứ mãi ca cẩm, đứa nổi cơn cuồng nộ, đứa hờn dỗi, đứa cảm thấy không được yêu thương, đứa muốn rút lui... Và ai trong chúng ta cũng có những phần nhạy cảm như thế.
Khi ta buồn chán, “đứa trẻ” nổi loạn trong tâm trí ta. Lý trí thường cố tranh cãi và thuyết phục nó không được cảm thấy như thế bằng giọng nói của bậc cha mẹ ưa chỉ trích “Không nên cảm thấy như thế, hành động ngu quá, chẳng bao giờ làm được gì ra hồn”, hoặc của bậc cha mẹ xem mình là nạn nhân “Trời ơi, có khổ tôi không! Tại họ nên mới ra nông nỗi này”, hoặc của bậc cha mẹ hay đòi hỏi “Mày không được phép nghĩ đến người ta nữa. Họ có cần mày đâu! Phải lý trí chứ!”.
Một số người có thể nghĩ rằng mình cần trở thành những bậc cha mẹ kể trên. Họ lo sợ họ sẽ trở nên yếu đuối nếu họ chấp nhận những cảm xúc tiêu cực ấy ở bản thân.
Giả sử bạn là một trong những “đứa trẻ” ấy. Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi cha mẹ bạn luôn đối xử với bạn một cách thậm tệ và mắng bạn là đồ ngu?
Khi “đứa trẻ” cảm thấy bị tổn thương, cảm giác ấy thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn bởi phản ứng tự chê trách của nó. Đôi khi nó cũng im lặng được một lúc, nhưng lại cảm thấy buồn và chán ghét bản thân vì năng lượng cảm xúc tiêu cực bị ức chế ấy trỗi dậy với một áp lực mãnh liệt. Một thời gian sau đó, người này có thể sẽ cảm thấy bị trầm uất mà không rõ nguyên nhân.
Bên trong chúng ta có rất nhiều thành phần – những đứa trẻ, bậc cha mẹ và một người trưởng thành. Tất cả đều sống chung dưới “mái nhà” nội tâm.
Chúng ta dễ nhận thấy con người lúc này thường xuyên rơi vào trạng thái trầm cảm, phản ứng nóng vội, cáu gắt và đau khổ, nhưng ít ai chịu nhìn nhận mình cần phải thay đổi bằng cách chấp nhận với tình yêu thương đối với những “đứa trẻ” bên trong ta.
Hãy cùng thí nghiệm – yêu cầu bậc cha mẹ ưa chỉ trích dừng phê phán và cho phép sự thông thái bên trong bạn hành động như một bậc cha mẹ minh triết và giao tiếp với con. Khi “đứa trẻ” cảm thấy được nuôi dưỡng, trân trọng và được lắng nghe, nó sẽ trưởng thành hơn. Sau đó nó sẽ giúp bạn tỉnh táo trước những điều cần sự chú ý và để cho phần tích cực trong bạn hành động, sáng tạo.
Tình huống
“Đứa trẻ” cảm thấy nản chí vì đã xin việc ở rất nhiều nơi, nhưng đều thất bại.
“Đứa trẻ”: Mình thật là vô dụng và xui xẻo. Chẳng nơi nào chịu nhận mình vào làm việc.
Giọng nói lắng nghe: Bạn sợ mình sẽ không xin được việc và sẽ không có tiền để làm điều mình muốn.
“Đứa trẻ”: Mình là kẻ thất bại.
Giọng nói lắng nghe: Cũng có lúc bạn cảm thấy thật sự tồi tệ và lo sợ giống như một người thất bại.
“Đứa trẻ”: Đúng vậy!
Giọng nói thông thái: Mình nghĩ bạn đang hoảng loạn. Đôi lúc cuộc sống thật hà khắc. Nhưng bạn cũng cần phải nhìn vào những điều tốt đẹp bạn đã làm được. Bạn là người am hiểu và bạn chỉ cần một công việc thôi.
“Đứa trẻ”: Cảm ơn!
Giọng nói làm mạnh: Suy nghĩ tích cực và để mình tràn đầy năng lượng yêu thương là cách phục hồi năng lượng. Chúng ta cùng tập trung vào ngày hôm nay nhé. Thời gian duy nhất mà chúng ta có thể cảm thấy mạnh mẽ là lúc này. Mình cùng làm như thế được không?
“Đứa trẻ”: Được! Nói lại câu đó đi.
Một tình huống khác, sếp yêu cầu bạn làm thêm giờ vào cuối tuần. Nếu bạn làm với một sự trách móc, ở bên trong bạn là một “đứa trẻ” nạn nhân và giọng nói của bậc cha mẹ minh triết sẽ tìm ra những lý do có lợi để bạn bắt tay vào làm việc với cảm giác thoải mái nhất, nghĩa là bạn đang hành động theo sự lựa chọn của mình. Bạn có thể dựa vào bảng sau để thay đổi cách nói từ tiêu cực trở nên tích cực hơn.
Ví dụ, bạn dán nhãn mình là “đồ ngu”, thì câu nói mà bạn có thể thay thế là “Thỉnh thoảng tôi có thể làm những chuyện ngu ngốc, nhưng thế không có nghĩa là tôi ngu”. Tìm ra một câu nói thay thế mang tính tích cực có thể không dễ. Bạn có thể kiểm chứng những câu nói tiêu cực của mình bằng cách tự hỏi:
- Suy nghĩ này về bản thân mình có thật không? (nếu câu trả lời là “Có” thì…)
- Tôi có thể biết chắc rằng nó luôn đúng không? (không)
- Vậy sao tôi lại làm nó trở nên quan trọng như thế trong tâm trí mình? (vì = phóng chiếu...)
Nếu có những suy nghĩ tiêu cực như thế về bản thân, nó sẽ làm tôi cảm thấy thế nào?
- Thay thế: Nếu tôi có thể nghĩ đến sự kiện đó mà không có những suy nghĩ tiêu cực như thế, tôi sẽ cảm thấy thế nào? (chắc chắn tốt hơn rất nhiều)
Thông thường, những suy nghĩ tiêu cực về bản thân bắt nguồn từ sự đánh giá của những người quan trọng đối với chúng ta khi chúng ta còn nhỏ. Thực tế những lời đánh giá ấy là vô nghĩa vì nó không diễn đạt tổng thể con người của bạn. Nếu bạn không biết nấu ăn, thế không có nghĩa bạn là người vô dụng. Không có các kỹ năng xã hội sắc sảo cũng không có nghĩa bạn là người khó ưa...
Là con người, chúng ta thay đổi hàng ngày bởi mỗi ngày bạn lại từng trải hơn, có nhiều hiểu biết hơn. Bạn có thể thay đổi theo bất cứ cách nào bạn muốn.
26
Con voi cũng phải đối phó với những con kiến!
Vừa xong việc, Vân lấy ngay điện thoại gọi đến văn phòng của chồng sắp cưới. Cô muốn anh bất ngờ vì cô đã tìm ra một nơi lý tưởng để tổ chức đám cưới cho hai người.
“Chào anh yêu!”.
Bất chợt cô im bặt và cúp máy vì nghe tiếng anh trả lời “Vâng, ai đấy ạ?”.
“Sao anh ta dám giả vờ với mình?... Lễ đính hôn thế là xong… chẳng cưới xin gì nữa… mẹ mình chắc phát điên lên mất... phải nói sao với họ hàng… Trời ơi, mình điên mất…”.
Hàng loạt suy nghĩ giả định đang quay cuồng trong tâm trí cô. Chắc hẳn bạn đã đoán ra chuyện tiếp theo sẽ là gì.
Thực tế, anh chồng sắp cưới của Vân đã làm rơi điện thoại khi nhấc ống nghe. Anh đã không nghe được câu nói ban đầu của cô.
Chúng ta thường cho rằng sự việc khiến chúng ta cảm thấy như thế. Ít ai nhận ra giữa SỰ VIỆC và CẢM XÚC còn có một bộ lọc trung gian khác, đó là SỰ DIỄN GIẢI – tác nhân tạo ra cảm xúc. Chẳng hạn như, sáng nay bạn bước vào phòng và thấy sếp có vẻ rất bực bội. Bộ lọc diễn giải của bạn có thể là “Hình như cô ấy đang bực bội với mình!”, do đó bạn cảm thấy lo lắng và lục tìm xem mình có làm gì sai không... Bạn đã để hết tâm trí mình vào chuyện làm sao sếp lại bực bội và rơi vào đường xoắn ốc của những suy nghĩ tiêu cực từ lúc nào mà bạn không hay. Bạn có thể mất cả ngày làm việc trong lo lắng và hồi hộp. Này bạn, hãy dừng lại và tự hỏi “Tôi có muốn một ngày của mình diễn ra như thế không?”. Bộ lọc trung gian thường là một niềm tin sai lệch nào đó mà chúng ta đã tiếp nhận và lưu vào tiềm thức. Sau đây là một số niềm tin sai lệch để bạn tham khảo:
- Mọi người phải thích tôi thì tôi mới cảm thấy ổn.
- Nếu ai đó không đồng ý với tôi, điều đó có nghĩa là họ không thích tôi.
- Tôi chỉ cảm thấy tốt khi mọi người đều đồng ý với tôi.
- Tôi là người xấu nếu tôi phạm phải sai lầm.
- Chỉ khi tôi bận làm việc liên tục, tôi mới là người tốt.
- Tôi cần có công việc để mọi người tôn trọng tôi.
Một con voi mạnh mẽ không hề sợ cọp mà lại khổ sở vì một con kiến nhỏ bé ở trong tai của nó. Con kiến này giống như những suy nghĩ tiêu cực tự phát trong chúng ta – ANT (CON KIẾN) = Automatic Negative Thoughts (suy nghĩ tiêu cực tự phát). Nó khiến chúng ta vội vàng dán nhãn cho tình huống hoặc người có liên quan.
Bây giờ, bạn hãy nghĩ đến một tình huống khơi gợi cảm xúc tiêu cực ở bạn và điền vào bảng sau:
Bạn cần một “cái thắng” đủ mạnh để có thể ngăn “con kiến” đầu tiên chui sâu hơn vào trong “cái tai - nhận thức” của bạn. Tuy vậy, bạn phải biết “cái thắng - phẩm chất” ấy nằm ở chỗ nào để lập tức có thể nhấn dừng. “Cái thắng - Mình có trách nhiệm” trong trường hợp trên cho thấy bạn đã không dựa vào tình huống để khẳng định lòng quý trọng bản thân.
Đôi lúc chúng ta thấy khó tìm ra bộ lọc của niềm tin sai lệch trong một tình huống nào đó. Chẳng hạn, bạn cảm thấy bực bội vì cái xe đời mới của mình bị người khác tông vào và làm nó trầy xước. Niềm tin sai lệch trong trường hợp này có thể là sự gắn kết của bạn với hình ảnh “Tôi giàu có” và mọi người sẽ phải nể trọng tôi, thèm muốn được như tôi... Ở đây bạn cần phải nhấn “cái thắng - giá trị của bản thân là quan trọng”.
Khi bạn đã nhận diện “cái thắng - phẩm chất” của mình, hãy thực tập câu nói này nhiều lần và cảm nhận về nó. Sau đó, bạn hãy hình dung nó được áp dụng trong một tình huống cụ thể, từ đó cái thắng của bạn có thể nhanh nhạy trong thực tế. Nếu không, “con kiến” thứ nhất sẽ kéo thêm “con kiến” thứ hai, thứ ba... và nhiều con khác. Cuối cùng là cả một “đàn kiến” bu lấy “cái tai - nhận thức” của bạn, cắn bạn đau điếng đến mức bạn có thể bất tỉnh về mặt nhận thức. Do đó, bạn phải sử dụng “cái thắng” của mình ngay khi “con kiến” đầu tiên xuất hiện.
Bạn đã biết cách tìm ra “cái thắng” để dừng “con kiến” đầu tiên. Nhưng tại sao chúng ta lại không phòng ngừa để “con kiến” đầu tiên đừng đến, giống như người xưa có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”?.
27
Rửa sạch bộ lọc những niềm tin sai lệch
Đôi khi chúng ta thức dậy với một tâm trạng tuyệt vời như thể chúng ta đang sống trong thiên đường; và đột nhiên có chuyện không vui nào đó xảy ra, cuốn phăng chúng ta vào một đường hầm tối mịt của những cảm giác tồi tệ.
Thực tế, ai trong chúng ta cũng đã làm ít nhất vài điều trong cuộc đời mình, những việc mà chúng ta cứ ước “Giá tôi đừng làm”, chẳng hạn như chúng ta đã tức giận với một ai đó. Dù quá khứ đã là quá khứ, chúng ta vẫn sử dụng nó như một bộ lọc cho những cảm giác của mình ở hiện tại.
Một sự việc quan trọng xảy ra, chúng ta liền dùng bộ lọc bám đầy những thứ cổ lỗ sĩ để phán xét – được, mất; tốt, xấu. Lẽ dĩ nhiên sản phẩm từ đó sẽ là cảm giác buồn nản, dẫn đến bỏ bê bản thân, hay còn gọi là tạm coi thường bản thân. Ví dụ, bạn đã từng bị đuổi việc (do bộ lọc gọi tên, nhưng thực chất công việc đó đã trở nên lỗi thời đối với bạn và bạn cần phải tìm một công việc khác phù hợp hơn). “Bị đuổi việc” chắc chắn là buồn, là cảm thấy tệ hại vào lúc đấy. Còn bây giờ, ở thời điểm này, bạn đang ngồi trong phòng chờ tới lượt được phỏng vấn ở một công ty khác...
Cảm giác tồi tệ của “hồi đó” được lôi ra từ ngân hàng lưu trữ ký ức. Nó được hâm nóng lại và làm bạn cảm thấy run rẩy vì công lực gấp đôi của nó – quá khứ cộng với bối cảnh lúc này, nghĩa là đã “bị đuổi việc” và “phòng chờ xin việc”. Sức ép kép này bắt đầu tự lảm nhảm một số những câu nói tiêu cực, hoặc vô thức hoặc ý thức. Nhờ đó bộ lọc được hình thành. Sự tồi tệ nối tiếp sự tồi tệ, làm bạn càng khinh cái con người vô dụng ở trong bạn. Sự coi thường ấy rút cạn năng lượng tinh thần vốn tích cực trong tâm hồn. Bạn cảm thấy yếu đuối, trống rỗng và vì vậy bạn hướng ra bên ngoài để tìm kiếm nơi nương tựa (phụ thuộc và đồng phụ thuộc).
Phụ thuộc
Khi tâm hồn suy yếu, nó dễ bị tổn thương trước hành vi phụ thuộc. Sự yếu đuối tạo ra lỗ hổng nội tâm mà tâm hồn luôn cảm thấy cần được lấp đầy. Do đó nó hướng ra bên ngoài, tìm kiếm và muốn thử những cảm giác mới lạ – chẳng hạn như từ chất kích thích, chất gây nghiện, công việc, thực phẩm, các mối quan hệ, mua sắm và từ những hành vi tiêu cực (như giận dữ, tham lam, ham muốn, cái tôi giả tạo và gắn kết). Sự phụ thuộc này làm nó cảm thấy tạm thời được nâng đỡ, thăng hoa. Tuy nhiên, nó biết rõ phụ thuộc là một sự yếu đuối, nên nó thường cảm thấy tệ hại và coi thường bản thân. Càng phụ thuộc, nó lại càng cảm thấy chán ghét mình và lại càng phụ thuộc hơn để tìm lại cảm giác thăng hoa ảo hay cảm thấy tốt tạm thời về bản thân.
Bạn hãy dừng lại và tự hỏi “Tôi đang tìm niềm vui sướng từ những gì? Liệu tôi có thể nhận lấy niềm vui sướng từ những thứ khác lành mạnh hơn vào lúc này không?”.
Đồng phụ thuộc
Sau đây là một số ví dụ về hành vi đồng phụ thuộc:
- Nhận sự chăm sóc, chịu trách nhiệm cho những người khác. Cố sửa chữa và thay đổi người khác.
- Giá trị bản thân thấp
- Ức chế cảm xúc của bản thân – không chịu trách nhiệm cho các nhu cầu hay cảm xúc của mình
- Hành vi ám ảnh
- Kiểm soát
- Phủ nhận
- Phụ thuộc vào ý kiến của người khác để cảm thấy tốt
- Giao tiếp không rõ ràng – với người khác hoặc bản thân
- Có những ranh giới mờ nhạt
- Không tin tưởng
- Hay tức giận
- Không tự chủ trong cuộc sống và không hạnh phúc
- Trở nên đồng phụ thuộc nhiều hơn
Một ví dụ điển hình về sự đồng phụ thuộc giữa người bình thường và người nghiện. Khi một người có người yêu nghiện rượu hay ma túy, họ thường có hành vi đồng lõa với sự nghiện ngập của người nghiện. Người đồng phụ thuộc thường cảm thấy không xứng đáng được yêu thương và vì vậy họ chấp thuận hành vi nghiện ngập của người yêu để cảm thấy được cần đến.
Chăm sóc cơ thể: Nếu bạn đang phải trải qua thời gian khó khăn về mặt cảm xúc, hãy dành thời gian nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ. Cắt giảm lượng đường trong khẩu phần ăn và đi bộ mỗi ngày. Đường chính là kẻ cắp vitamin B trong cơ thể, vì vậy hệ thống cơ thể của bạn sẽ làm việc tốt hơn khi bạn ăn ít đường lại. Đi bộ giúp phục hồi sự cân bằng dẫn truyền thần kinh trong não. Chính suy nghĩ tiêu cực và những ký ức đau buồn làm suy giảm các chất dẫn truyền thần kinh, yếu tố làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc.
Trao tình yêu thương cho “đứa trẻ” nội tâm: Thường lúc cảm thấy tồi tệ, chúng ta lại hay để mình lặn ngụp trong đó. Nhiều người còn phớt lờ, ức chế hoặc thậm chí còn áp chế những cảm xúc của mình. Những người khác lại tức giận với “đứa trẻ” nội tâm này. Chúng ta đã biết tầm quan trọng của việc làm cho nó trưởng thành. Khi bạn chú ý chữa lành cho “đứa trẻ” này, bạn sẽ có ít thời gian hơn để đắm mình vào trạng thái tổn thương, hay sợ hãi.
Có khi chúng ta quá đau đớn đến mức quên hẳn rằng đau đớn chỉ có trong tâm trí (trong suy nghĩ) của mình. Cách chữa lành là hãy trao tình thương yêu cho cái phần tổn thương ấy qua sự mường tượng. Hãy nhắc nhớ “đứa trẻ” rằng nó vốn đáng yêu và bình yên đến thế nào.
Chúng ta có thể gây ảnh hưởng đến những người khác, nhưng người duy nhất mà chúng ta có thể thay đổi là chính bản thân mình.
28
Sức mạnh tích cực của tâm hồn
Hãy tưởng tượng tất cả chúng ta chỉ dùng chuối và bắp cải để làm thức ăn hàng ngày. Bạn có thể nấu, chiên, luộc... cho bữa sáng, trưa và tối. Lúc này bạn đang ngồi trước bàn ăn thịnh soạn, đủ các món được chế biến từ chuối và bắp cải. Chắc chắn bạn đang hạnh phúc vô cùng bởi vì không có thức ăn nào khác để bạn đối chiếu và so sánh. Bạn cảm thấy tự nhiên giống như bạn đang hít thở vậy, rồi một ngày nọ có ai đó đã đến và cùng ăn với bạn. Họ kể ra những thức ăn khác như gà rán, khoai tây chiên... Có phải tâm trí bạn đang mơ tưởng đến những món ăn mới lạ ấy và bạn bắt đầu có cảm giác chán ngấy chuối và bắp cải?
Vấn đề không phải chuối và bắp cải làm bạn khốn khổ, mà sự so sánh của bạn. Nỗi đau khổ xuất hiện ngay khi bạn có ý so sánh mình với một người nào đó khác.
Bây giờ bạn hãy tưởng tượng bạn đang sống trong một gia đình, một thế giới hạnh phúc và bình yên. Có sự so sánh trong thế giới đó không?
Tất cả chúng ta đều xứng đáng được tôn trọng, được đối xử công bằng. Chúng ta coi thường bản thân hay người khác bởi những niềm tin sai lệch, từ đó làm mất đi các sức mạnh tích cực của bản thân. Hãy nhìn vào mối liên hệ ở biểu đồ sau:
Chúng ta đã disconnect (mất liên lạc) với những phẩm chất, giá trị tích cực bên trong tâm hồn mình và trở nên yếu đuối đến mức phải phụ thuộc và đồng phụ thuộc với những thứ bên ngoài. Thiền là cách để chúng ta reconnect (liên lạc lại) với con người cốt lõi của mình. Tâm hồn ta tự nhiên cảm thấy tốt về bản thân khi ta có những suy nghĩ, hành động tích cực và trong sáng.
Khi lòng quý trọng bản thân gia tăng, khả năng của tâm hồn cũng gia tăng và khi đó chúng ta dễ dàng có những hành động và suy nghĩ hướng thiện, chính xác.
Còn khi chúng ta làm gì đó “không đúng”, nguồn sức mạnh nội tâm trong ta như một vòi nước bị hở. Có một cơ chế tự động trong tâm hồn hồi đáp với những suy nghĩ và những hành động yếu đuối. Sức mạnh tinh thần bị rút cạn và không còn đủ sức tự chủ nữa, thì những thói quen tiêu cực nắm quyền và lèo lái cuộc đời ta theo hướng tiêu cực.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi bạn cảm thấy không vui sau vài giờ suy nghĩ hoặc hành động lãng phí và tiêu cực.
Hành trình là một tiến trình, không phải một sự kiện. Do đó, phục hồi lòng quý trọng bản thân cũng là một tiến trình. Cho dù mức độ thay đổi của bạn bao nhiêu cũng là điều đáng được khích lệ. Để trở thành chuyên gia ở bất kỳ lĩnh vực nào, cũng đòi hỏi bạn dành nhiều thời gian tập luyện. Tương tự như thế đối với quá trình thay đổi bản thân.
Thời gian lý tưởng cho sự tiến bộ của bản thân là buổi sáng khi bạn thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Bạn có thể dùng lời dẫn thiền sau, cùng nhạc nhẹ làm nền, cho khoảng thời gian riêng ấy của bạn:
Tôi để cho cơ thể mình thư giãn. . . Rất nhẹ nhàng, tôi quan sát những suy nghĩ của tôi... cho phép chúng dần chậm lại và trở nên ít đòi hỏi hơn... Những suy nghĩ vẫn còn đó... nhưng tôi nói với tâm trí mình... hãy để sau!... vì lúc này là khoảng thời gian yên tĩnh của tôi… và tôi buông thả chúng... để tập trung vào hơi thở của mình...
Hít thở trong ánh sáng của bình yên… để cơ thể thư giãn... Tôi cảm thấy một sự yên bình nội tại chảy vào tâm trí như một làn sương nhẹ… Cơ thể thư giãn... Tôi trở nên tĩnh tại… cảm thấy bình yên… Tôi hiểu sự bình yên không cần phải suy nghĩ quá nhiều... không cần phải lo lắng...
Tôi bắt đầu nghĩ cách mà tôi đã sống cuộc đời mình cho đến ngày hôm nay... Tôi đã cho phép những suy nghĩ và trạng thái của mình bị chi phối bởi hoàn cảnh và những người khác... Tôi tự hỏi “Ai mới là người nên điều khiển những suy nghĩ của tôi?”... Chắc chắn tôi phải là người sáng tạo và quản lý những suy nghĩ của mình... Do đó, tôi thích nghĩ thế nào về bản thân?... Hãy để tôi thử một thực tế rằng tôi vốn đã ổn, vốn đã đẹp và đã tốt…
Thói quen tiêu cực cũ do tôi tự tạo ra với mục đích ngây thơ rằng tôi sẽ được đánh giá cao... Bây giờ tôi hiểu tôi thật sự là tốt... là bình yên... là yêu thương... Chỉ cần tôi nhận ra mình vốn thật sự là thế... Tôi đã cảm thấy tự tin và mạnh mẽ... Tôi đâu cần chờ đợi ai đó… hay dựa vào một điều gì khác để cảm thấy tốt về bản thân...
Đây là thực tế... là sự thật.
Tôi ổn... Tôi tốt...
Tôi cảm thấy mình có sức mạnh để quyết định chất lượng suy nghĩ của mình... Tôi đang học để làm chủ suy nghĩ...
Tôi ổn… Tôi bình yên và yêu thương…
Tôi thích suy nghĩ này... Tôi ổn... Tôi tự nhiên là đẹp... tự nhiên là tốt...
Bài luyện tập hàng ngày
1. Tiếp tục đọc danh sách các phẩm chất tích cực mỗi ngày và nói lời khẳng định về bản thân ít nhất 20 lần trong ngày.
2. Chấp chận những cảm xúc của bạn với tình yêu thương. Đối thoại với những “đứa trẻ” nội tâm nếu có bất cứ cảm xúc tiêu cực nào như đau khổ, sợ hãi... Viết xuống cuộc hội thoại giữa đứa trẻ và bản thể thông thái.
3. Sử dụng những câu nói tích cực với bạn thân, tiếp tục nhận thức và giảm đi những câu nói tiêu cực.
4. Sử dụng bảng LOẠI BỎ “CON KIẾN” nếu có cái tôi và giận dữ trỗi dậy.
5. Tiếp tục thiền định mỗi ngày.
Chúc bạn thành công!