14
Bạo lực học đường… có phải đang trở nên nghiêm trọng?
Đâu đâu mọi người cũng bàn về chuyện bạo lực học đường. Có người bực tức, chửi bới; có người tặc lưỡi thể hiện sự bất mãn về giới trẻ ngày nay; có người hoang mang rằng xã hội rồi sẽ ra sao; và cũng có nhiều người đi tìm giải pháp xử lý vấn nạn này.
Bạn có đang tham gia bàn luận không? Có thể không qua ngôn từ mà qua suy nghĩ của bạn?
Đó là những suy nghĩ dạng nào? Tiêu cực hay tích cực?
Hãy thử nghiệm nhé! Chỉ cần bạn dừng lại vài phút để nhận ra sự khác biệt trong cảm xúc của mình khi bạn có những suy nghĩ tiêu cực và tích cực. Sự khác biệt ấy là gì?
Suy nghĩ tiêu cực chẳng khác nào thuốc độc. Chỉ cần một giọt cũng đủ làm hỏng cả một ly nước sạch. Do vậy, bạn hãy quan sát suy nghĩ tiêu cực gây ảnh hưởng như thế nào đối với cơ thể bạn? Và đầu độc tâm trí bạn như thế nào? Phải chăng đó chính là những cảm xúc lo sợ, tức giận, nghi ngờ, trách cứ…?
Những giọt “thuốc độc” suy nghĩ tiêu cực của bạn sẽ ảnh hưởng thế nào đến cộng đồng và đến các em sinh viên, học sinh? Nếu mỗi em đều tiếp nhận những thông tin tiêu cực với cảm giác lo sợ, bất mãn, nghi ngờ, trách cứ… như chúng ta, hẳn thông tin này sẽ trở thành ngọn lửa thiêu rụi tinh thần các em và mối quan hệ giữa các em với nhau!
Vậy, chúng ta nên làm gì với những thông tin này? Không lẽ làm ngơ… Chẳng phải bạn vừa thử nghiệm với lối suy nghĩ tích cực của bạn hay sao? Bạn đã cảm thấy thế nào? Và khi bạn cảm thấy như thế, thì bạn có thể nghĩ ra giải pháp nào? Có phải khi ta tiếp nhận thông tin với ý nghĩ tiêu cực, ta muốn làm cho ra lẽ, muốn trừng phạt…? Còn khi ta tiếp nhận thông tin với ý nghĩ tích cực, nó sẽ trở thành dòng nước mát lành xoa dịu nỗi bức bối trong ta, giúp ta dễ dàng nhìn ra giải pháp? Theo đó, ta có thể dễ dàng chuyển đổi mọi tình huống.
Chuyện đã rồi! Vai trò của tôi là gì?
Đừng nghĩ mình sẽ làm gì với những sai lầm của các em, hãy tìm cách đưa các em vào môi trường giáo dục mà trong đó không chỉ có bài giảng lý thuyết, các em còn có thể nghiệm ra sự khác biệt giữa suy nghĩ, hành động tiêu cực với suy nghĩ, hành động tích cực. Khuyến khích các em nhìn vào mặt tốt đẹp trong tâm hồn các em.
Giờ bạn hãy thử nghiệm với chính mình nhé. Chỉ đơn giản nhận thức về những giá trị tốt đẹp của bạn...
Suy nghĩ đúng và tích cực sẽ tạo ra sự ổn định trong cảm xúc, từ đó tràn vào hành động và các mối quan hệ của chúng ta. Tất nhiên chúng ta vẫn phải đối mặt với những trở ngại và khó khăn trong cuộc đời mình, nhưng bằng suy nghĩ đúng đắn, hướng vào điều có thể, thì đảm bảo chúng ta sẽ giải quyết ổn thỏa mọi chuyện xảy ra đối với mình, với xã hội và trở nên thành công.
15
Tại sao trẻ chọn gây hấn?
Tình trạng bạo lực ở giới trẻ gây không ít quan ngại cho các bậc phụ huynh và cộng đồng. Những vụ việc ức hiếp bạn đồng trang lứa diễn ra ngày càng nhiều và hình thức gây hấn cũng càng lúc càng thô bạo hơn.
Chúng ta cần nhìn vào nguyên nhân nằm sau những hành vi bạo lực ấy để thấy rõ những cảm xúc của các em và vì sao các em lại chọn bạo lực để thể hiện những cảm xúc của mình. Là cha mẹ và thầy cô, nếu biết khích lệ, chúng ta có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đảo ngược tình thế, giúp các em có những lựa chọn biết tôn trọng thay vì khinh khi, khoan dung thay vì bạo lực.
Những thăng trầm cảm xúc
Tuổi trẻ là tuổi của sự háo hức, ham học hỏi và ước mơ, nhưng cũng là lứa tuổi đan xen nhiều dạng cảm xúc: buồn, vui, giận hờn, lo âu, sợ hãi, ganh ghét…
Và có ba cách để các em bộc lộ những cảm xúc ấy của mình.
1. Các em không dám thể hiện, mà che giấu cảm xúc của mình. Trong trường hợp này, các em thường chọn cách im lặng, dè dặt trong giao tiếp và không tìm cách giải tỏa, nhưng lại cảm thấy bứt rứt khó chịu trong lòng;
2. Các em la lối, tranh cãi, đàm tiếu, phàn nàn hoặc gây gổ;
3. Các em biết chuyển hóa cảm xúc tiêu cực thành tích cực bằng cách luôn giữ thái độ lạc quan, tự tin và thấu hiểu dựa trên các giá trị và kỹ năng sống tích cực.
Cảm xúc tiêu cực khi bị ức chế sẽ gây tổn hại cho bản thân – cả về thể chất (như đau đầu, tiêu hóa kém, gặp các vấn đề về tim mạch, dạ dày) và tinh thần (như mất cân bằng, căng thẳng, rối loạn lo âu và trầm cảm).
Sự bùng phát những cảm xúc tiêu cực cũng gây hại cho người khác vì cản trở khả năng ứng xử khôn ngoan, dẫn đến những lời nói và hành động không đúng mực. Nếu thường xuyên phản ứng giận dữ, đầy thù ghét, thì thói quen và tính cách tiêu cực sẽ hình thành.
Để hóa giải cảm xúc tiêu cực, các em phải biết sử dụng sức mạnh nội tại, sự hiểu biết và chọn cách hồi đáp khoan hòa, chấp nhận đối với người lớn hay bạn bè dù đôi lúc các em có bất đồng hoặc không thật sự thích quan điểm của họ.
Các em đang sống trong một xã hội với nạn bạo hành ngày càng gia tăng. Tuy vậy, nếu nhận thức rõ, các em vẫn có thể nói “Không” với nó và chọn cách ứng xử hiểu biết, khoan hòa.
Ba yếu tố quyết định sự lựa chọn của các em, đó là:
1. Môi trường thơ ấu;
2. Môi trường xã hội và bạn bè đồng trang lứa;
3. Môi trường “bên trong” do chính các em tạo ra.
Môi trường thơ ấu
Nhớ lại một cậu học sinh “cá biệt” trong trường nơi tôi dạy học nhiều năm trước. Cậu bé này bị buộc phải chuyển lớp do đã có những hành vi bắt nạt một bạn học sinh khác. Qua tìm hiểu, tôi được biết cha em là người có kiểu hành xử “giang hồ”. Ông thường nổi giận và hành hung mọi người. Mỗi khi tức giận, em cũng dùng bạo lực để đòi lại công bằng cho mình. Bài học mà cậu bé học được từ cha là dùng vũ lực để giải tỏa cơn tức giận của bản thân.
Và hành vi ấy đã được vun trồng mãnh liệt hơn khi em bước vào môi trường học tập không an toàn, trong đó em bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt và không được tôn trọng. Khi được chuyển vào lớp tôi, em đã cảm nhận sự khác biệt trong lối hành xử ôn hòa và thân ái giữa các bạn trong lớp.
Tôi đã ý thức rèn luyện các em để cùng xây dựng một “môi trường học tập dựa trên nền tảng các giá trị” mà trong đó tất cả các em đều cảm thấy an toàn, được tôn trọng và được yêu thương. Chỉ vài hôm, em đã trở nên thân thiện và bắt đầu tham gia các hoạt động của lớp. Sau vài tuần, em trở nên thân thuộc, thoải mái và thậm chí còn năng nổ trong nhiều hoạt động khác nữa.
Rõ ràng là môi trường xung quanh đã ảnh hưởng không nhỏ đến hành vi của các em. Đa phần những em ngỗ nghịch, thích dùng bạo lực để giải quyết vấn đề đều cảm thấy không an toàn, bị đe dọa và do vậy rất cần một môi trường giáo dục an toàn, tích cực để các em học được cách tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau.
Môi trường xã hội và bạn bè đồng trang lứa
Theo bà Diane Tillman, một nhà tâm lý giáo dục và là tác giả của bộ sách Những Giá trị Sống, cho rằng “Thách thức trong việc giáo dục lứa tuổi thanh thiếu niên ngày nay không còn đơn giản như trước kia, khi mà có những hình mẫu tốt và những câu chuyện giáo dục sống động. Còn tuổi trẻ bây giờ đã bị vây bủa bởi ‘cơn lốc’ phim ảnh và trò chơi bạo lực. Các em cứ như bị hút hồn vào những trò kích động, do đó cũng ‘động tay động chân’ ngoài thực tế”.
Như người lớn chúng ta, các em cũng muốn được chấp nhận và được tôn trọng. Sống trong một môi trường bị vây bủa bởi quá nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ bạn đồng trang lứa, các em cho rằng mình sẽ được bạn bè nhìn nhận khi có những hành động “hung hăng” và ra oai. Đó là cách để các em giành lấy sự nể trọng từ bạn bè.
Thường xuyên có những hành động bạo lực và chứng kiến nhiều cảnh bạo lực khiến các em thích được tham gia hoặc ủng hộ những hành vi gây hấn.
Môi trường “bên trong” do chính các em tạo ra
Câu nói “ăn gì thành nấy” nhấn mạnh thức ăn ảnh hưởng nhiều như thế nào đối với sức khỏe thể chất. Tương tự, “nghĩ gì thành nấy” cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cách hồi đáp của các em trước tình huống.
Nếu thường xuyên suy nghĩ tiêu cực về bản thân, người khác hoặc phàn nàn và công kích, các em sẽ có nguy cơ lựa chọn những hành vi tiêu cực trong cách hành xử của mình. Những thanh thiếu niên suy nghĩ tích cực và có lòng tự trọng sẽ KHÔNG bao giờ gây tổn thương cho bạn bè.
Cha mẹ và thầy cô đóng vai trò như thế nào trong việc hướng dẫn các em hành xử tích cực?
Nhiều bậc cha mẹ và thầy cô chỉ chú trọng đến chuyện học hành của con em mình mà quên mất việc giáo dục trẻ cách hành xử tử tế, đúng mực và có những hành vi mang tính xây dựng, thuận hòa giữa các trẻ với nhau.
Giáo dục như thế nào ở trường?
Nhà văn Ian McEwan đã phát biểu rằng “Hình dung bản thân là một người nào đó khác với mình chính là cốt chất của con người. Nó là cốt lõi của lòng trắc ẩn và là khởi đầu của luân thường đạo lý”.
Trong chương trình Giáo dục những Giá trị Sống (www.giatricuocsong.org) có những hoạt động mà các giáo viên có thể vận dụng như là hoạt động ngoại khóa hàng tuần nhằm giúp học sinh hình dung về một thế giới lý tưởng và cảm nhận của các em về thế giới ấy, chẳng hạn như:
a. Các em muốn sống trong một thế giới như thế nào?
b. Con người ở thế giới đó sẽ cư xử với nhau dựa trên những giá trị nào?
c. Những giá trị này ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ giữa các em với nhau và với những người lớn khác?
d. Cho các em lập Bản đồ Tư duy (Mind Map) để nhận thức những tác động trái ngược của giá trị tiêu cực so với tích cực, chẳng hạn như thiếu tôn trọng so với tôn trọng.
Giáo dục như thế nào ở gia đình?
Nhiều cha mẹ cảm thấy bất lực khi giáo dục con, nhất là khi cha mẹ không có nhiều thời gian dành cho con. Do vậy, cha mẹ cũng thường xuyên cáu gắt, thậm chí đánh đập con. Thế nhưng, thay vì xem phim một mình hay tự làm việc gì đó, cha mẹ có thể cùng xem phim với con, đọc những cuốn sách mang tính giáo dục hoặc cùng làm việc gì đó, rồi luận đàm cùng con – chẳng hạn như, “Con nghĩ sao về bộ phim này? Chúng ta có thể áp dụng điều gì từ bộ phim này trong thực tế? Mối quan hệ giữa nhân vật A và B bị đổ vỡ là do đâu? Nếu con là A, con sẽ cư xử thế nào?”…
Chia sẻ cùng con, lắng nghe và thấu cảm là việc làm hết sức quan trọng trong việc ngăn ngừa bạo lực trường học. Ở một số trường hợp, cha mẹ có thể cùng con tìm hiểu những giá trị tiêu cực ẩn sau một hành động bạo lực, và những giá trị tích cực nào giúp ngăn chặn tình trạng này để các em có thể nhìn ra tác động của các giá trị trong các tình huống.
Hãy là sự thay đổi mà bạn muốn thấy ở con trẻ
Thỉnh thoảng, bạn hãy nghiệm lại để xem lối hành xử và lối sống của mình có là bài học tốt cho con hay không. Có thể con không thường xuyên lắng nghe bạn, nhưng trẻ nào cũng để ý quan sát xem cha mẹ xử trí thế nào trong một tình huống. Đó chính là những viên gạch xây nên nhân cách của con. Hãy là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy ở con, chứ không đơn thuần bảo rằng trẻ phải thay đổi điều gì đó!
Phòng bệnh hơn chữa bệnh! “Hạt giống” nảy sinh mỗi quyết định của chúng ta là một giá trị – đó có thể là một giá trị tích cực hoặc tiêu cực. Chú tâm nuôi dưỡng và sống với các giá trị tích cực, chúng ta sẽ tạo nên cuộc đời tốt đẹp hơn cho mình và tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho con cái chúng ta. Đây là khoảng thời gian quan trọng hơn bao giờ hết để chúng ta chú tâm vào các giá trị.
Hành vi chính là “quả trái”, còn các giá trị tiêu cực hay tích cực là những “hạt giống”. Vấn đề bạo lực học đường chỉ là “quả trái” của những “hạt giống” giá trị tiêu cực. Nếu muốn thu được quả trái khác, chính chúng ta, những người lớn cần phải giúp trẻ gieo trồng những “hạt giống” tốt.
16
“Cột mốc” giá trị gia đình
Không phải ngẫu nhiên mà Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố năm 1994 là năm Quốc tế Gia đình với chủ đề “Gia đình là nguồn lực và trách nhiệm cho một thế giới thay đổi”. Một thực tế không thể phủ nhận đó là gia đình là trái tim của xã hội và là cái nôi cho các thế hệ mai sau, do đó điều gì xảy ra trong gia đình sẽ có tác động không nhỏ đến xã hội.
Tuy nhiên, cấu trúc gia đình đang bị đe dọa và thường bị phá vỡ. Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy có sự xói mòn về các giá trị trong gia đình, điều tối cần thiết để liên kết, hỗ trợ và hàn gắn các thành viên lại với nhau.
Hãy dừng lại và nghĩ xem BẠN MUỐN GIA ĐÌNH MÌNH NHƯ THẾ NÀO? Đấy không phải là kiểu suy nghĩ GIÁ MÀ, hoặc người này nên thế này, thế kia... Chắc chắn điều bạn mong muốn sẽ là các GIÁ TRỊ, chẳng hạn như sự chấp nhận, tình yêu thương, tôn trọng, sự tử tế...
Một giá trị tiêu cực phổ biến ngày nay ở hầu hết các gia đình là nỗi sợ hãi. Một cách vô thức, chúng ta đã để cho giá trị tiêu cực này định đoạt cuộc sống của mình, trong khi môi trường gia đình lý tưởng phải là nơi để chúng ta trau dồi, phát triển và dám thử những điều mới một cách an toàn.
Trên thực tế, không có thất bại mà đấy chỉ là sự phản hồi. Bất kể một thí nghiệm khoa học nào cũng được xem xét tới và thông tin luôn được phản hồi lại cho người tiến hành thí nghiệm. Chúng ta có xu hướng đánh giá kết quả của mình dựa trên điều gì hiệu quả và điều gì chưa hiệu quả. Nếu điểm số của con tôi thấp hơn điểm chuẩn mà tôi đặt ra, thì tôi xem đó là sự thất bại. Thật không công bằng bởi vì mọi thứ đều có thể được cải thiện vào lần sau, có thể lần sau tôi sẽ thành công. Nhìn nhận tất cả đều là sự phản hồi (chứ không phải thất bại!) tạo cho ta cơ hội để sống cuộc đời mình với sự thích thú học hỏi, hơn là lo sợ thất bại. Sự phản hồi mang lại ánh sáng hy vọng cho tương lai, với sự mới mẻ và xuất sắc.
Các giá trị
Chúng ta cần phải hiểu điều gì là quan trọng đối với cá nhân mình, với gia đình và khám phá điều chúng ta quan tâm nhất. Một khi các giá trị cốt lõi được thiết lập trong gia đình, thì các giá trị này sẽ trở thành “cột mốc” chỉ đường cho tất cả các thành viên cùng đi về một hướng – hoàn toàn không có sự ép buộc, mà mọi người sẽ cùng tiến với sự đồng lòng, nhất trí.
Các giá trị chung sẽ dễ dàng đưa mọi người đến những quyết định chung. Các thành viên có thể ngồi lại với nhau và cùng chọn ra các giá trị mà tất cả đều cho là cần thiết đối với gia đình. Chẳng hạn như khi mọi người đều chọn giá trị YÊU THƯƠNG là quan trọng, thì giá trị này sẽ hướng dẫn họ cách sống để có tình yêu thương với bản thân, với người khác và với gia đình.
Giao tiếp
Mỗi gia đình nên tìm ra thời gian chung để cùng nhau chia sẻ và lắng nghe trong một môi trường tôn trọng, an toàn. Họp mặt gia đình sẽ giúp cho mỗi thành viên đều cảm thấy mình là một phần trong tiến trình đưa ra những quyết định của gia đình, sau đó họ nhận thấy mình có khả năng giải quyết các vấn đề chung.
Được tham gia sẽ giúp họ cảm thấy bản thân cũng có trách nhiệm và thân thuộc. Nên chọn khoảng thời gian cố định để mọi người đều có thể tham gia trao đổi và đánh giá các quyết định, chia sẻ những thành công, những kế hoạch, những sự kiện vui và đây cũng là những cơ hội để giúp đỡ lẫn nhau...
Các mối quan hệ
Rất nhiều vấn đề nảy sinh trong thế giới ngày nay đều bắt nguồn từ các mối quan hệ trong gia đình. Chúng ta thường thấy mình bị làm phiền bởi hành vi của người khác, đặc biệt là những người trong gia đình.
Thật quan trọng khi phân biệt rõ: hành vi của họ làm phiền tôi, chứ không phải bản thân họ. Chúng ta không thể thay đổi người khác, nhưng có thể thay đổi cách chúng ta hồi đáp đối với lối hành xử của họ, và dần dà tạo cảm hứng cho họ thay đổi. Nhưng bản thân ta phải là người thay đổi đầu tiên.
Môi trường
Gia đình có bầu không khí, lớp học có bầu không khí, thành thị và nông thôn có bầu không khí... khắp nơi đều có bầu không khí. Mỗi nơi đều có bầu không khí đặc thù. Tuy nhiên, mọi bầu không khí đều có một điểm chung là yếu tố CON NGƯỜI. Chính suy nghĩ và cảm xúc của con người tạo nên sự khác biệt trong bầu không khí.
Trong gia đình, chúng ta cần nhận ra bầu không khí được hình thành từ những suy nghĩ mà mình có. Một bầu không khí an toàn, cởi mở và khuyến khích học hỏi sẽ gia tăng lòng tự tin, cũng như cho phép sai lầm được xảy ra. Nó thúc đẩy tinh thần trách nhiệm khi tất cả mọi người đều cảm nhận được các giá trị chung của gia đình. Nó khuyến khích lòng nhiệt tình khi mỗi người đều cảm thấy được hỗ trợ. Sống chính là quá trình học hỏi, và gia đình là nơi cung cấp môi trường học tập cơ bản nhất cho mỗi người.
17
Ươm mầm các giá trị
Bạn muốn các con mình trở thành người như thế nào khi các cháu trưởng thành? Chúng nên có những giá trị nào? Và rồi chúng sẽ truyền lại cho các con của mình những giá trị nào?
Các bậc cha mẹ tham gia buổi học Những Giá trị Sống trong Giáo dục Con trẻ đều bật cười với sự ngỡ ngàng vì phát hiện ra tất cả những gì họ muốn các con họ thừa hưởng đều là các giá trị, chẳng hạn như tính trách nhiệm, trung thực, hợp tác, tử tế, tôn trọng...
Dù vô thức hay hữu thức thì họ cũng đang có ý ươm mầm các giá trị cho con của mình. Nhưng đôi lúc họ thấy thất vọng và không tìm ra lý do vì sao con lại không chịu nghe lời họ!
Trò chơi Làm theo lời tôi nói, không làm theo điều tôi làm thường khiến các bậc cha mẹ bị mắc bẫy! Tôi bảo họ chạm tay vào mũi, nhưng tôi lại để tay mình lên cằm. Hầu như tất cả mọi người tham dự đều để tay chạm lên cằm... và rồi bật cười khi nhận ra mình đã mắc bẫy.
Từ trò chơi đó, tôi mới lái sang việc dạy cho con các giá trị. Hôm nay bạn dạy con một tiếng đồng hồ về tầm quan trọng của giá trị trung thực. Ngày hôm sau, bạn đi mua sắm cùng con, cô nhân viên bán hàng đã thối tiền nhiều hơn so với số tiền cần được trả lại. Bạn đã trả lại số tiền dư mà chẳng cần suy tính gì. Hành động này chỉ mất có 20 giây. Chắc chắn bạn cũng nhận ra hành động 20 giây đó có tác động lớn như thế nào đối với con.
Nếu bạn muốn con làm gì hay trở thành một người thế nào, bạn chỉ đơn thuần làm gương về điều đó... rồi con sẽ nhìn mà làm theo!
Làm gương cho trẻ không phải là điều dễ dàng trong thời đại hiện nay. Bản thân các bậc phụ huynh đều thấy khó giữ được các giá trị trong một thế giới ngày càng nhiều áp lực. Trẻ nào cũng “được” trang bị để đạt thành tích cao. Cha mẹ luôn đặt áp lực lên con, khiến con ngó lơ giá trị trung thực.
Một người mẹ mong muốn con trai mình đạt được điểm 10 trong kỳ thi, và nói với cậu bé rằng con trở về nhà với điểm 10 thì cô ấy sẽ rất hạnh phúc. Một ngày nọ, cậu bé trở về nhà với bài kiểm tra 10 điểm trong tay. Cô cảm thấy rất hài lòng với điểm số của con. Nhưng khi nhìn kỹ hơn, cô phát hiện con trai mình đã tự viết số điểm 10. Ở lứa tuổi nhỏ như vậy mà cậu bé đã bắt đầu tỏ ra thiếu trung thực, xuất phát từ mong muốn làm cho mẹ mình vui.
Câu chuyện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cẩn thận với những kỳ vọng chúng ta đặt ra cho con trẻ, và cách đánh giá cao, cách khen ngợi con. Nếu cha mẹ khen ngợi hành vi hợp tác, lòng tốt và sự trung thực của con thì con trẻ sẽ biết rằng giá trị mới là điều quan trọng đối với cha mẹ. Nếu như cha mẹ chỉ khen ngợi con khi con đạt được thành tích cao, mà chẳng bao giờ khen ngợi con đã biết chia sẻ với người khác, hợp tác với người khác, hoặc thể hiện sự trung thực, thì con trẻ sẽ học được điều gì? Rằng các kỳ thi mới là ưu tiên số một. Trong trường hợp trẻ không thể đạt được thành tích học tập tốt, trẻ có thể trở nên thiếu tự tin, trầm cảm, hoặc đánh mất các giá trị.
Trước mỗi kỳ thi, chúng ta có thể giúp con em mình có thái độ học tập tốt. Nếu điểm số đạt được thấp hơn so với mong muốn, các em hãy suy nghĩ mình học được gì sau kỳ thi này – như phát triển thêm một kỹ năng nào đó chẳng hạn. Nếu các em đã nỗ lực hết sức mà kết quả vẫn không như ý, tốt nhất nên khen ngợi để khuyến khích các em trau dồi thêm, khám phá thêm tiềm năng của mình, bởi vì hiểu biết của mỗi người là khác nhau, có thời điểm chín muồi khác nhau.
Đừng quên rằng con trẻ học hỏi rất nhiều từ cách hành xử của cha mẹ. Vì vậy, mỗi sáng hãy dành ra 10 phút để quan sát: tôi thức dậy vào buổi sáng, chuẩn bị sẵn sàng cho cả ngày, lái xe đi làm, làm việc suốt cả ngày rồi trở về nhà vào buổi chiều. Hãy mô tả những giá trị mà bạn đã thể hiện trong ngày. Bạn mô tả về mình thế nào? Tôn trọng, kiên nhẫn, khoan dung…? Bạn sẽ điều chỉnh hành vi nào mà bạn không muốn con của bạn bị tập nhiễm? Bằng cách này, cha mẹ có thể nhận ra và trân trọng giá trị tích cực của mình, xác định giá trị nào mà họ muốn củng cố hoặc hành vi nào họ muốn điều chỉnh. Bên cạnh việc khuyến khích con trẻ học thật tốt, chúng ta cũng nên khuyến khích trẻ phát triển các giá trị sống tốt đẹp, khen ngợi trẻ để các giá trị này được thể hiện trong thực tế cuộc sống.
18
Lòng biết ơn
Vào Ngày của Cha vừa rồi, thay vì tặng quà và thiệp chúc mừng cha như mọi người, tôi gọi điện và báo với cha rằng tôi sẽ gửi cho cha một bức email vì nếu gửi qua đường bưu điện thì phải mất một tuần mới tới.
Ngạc nhiên thay, những dòng chữ đầy lòng biết ơn của tôi về những bài học mà tôi học được từ cha cứ tự nhiên tuôn trào. Không ngờ tôi lại học được nhiều điều tích cực và đẹp đẽ từ cha đến thế. Ngay cả tình yêu dành cho công việc thiện nguyện hiện tại của tôi cũng là do cha truyền cảm hứng.
Đã 47 tuổi đời, tôi chưa từng nghĩ đến những điều tốt đẹp mà cha dành cho mình và như một lẽ tự nhiên, là con, tôi cũng chẳng màng tới chuyện viết ra những điều tốt đẹp về cha.
Bố kính mến!
Gửi bố tình yêu thương và sự kính trọng nhân Ngày của Cha.
Con muốn nói với bố về những điều tích cực mà con đã học được từ bố. Rất nhiều điều con trân trọng và sử dụng trong cuộc sống của con cho đến giờ.
1. Từ bố, con đã học được lòng can đảm, không ngại thử làm những điều mới hoặc làm khác đi. Bố đã luôn đổi mới trong công việc và không cho phép bản thân mắc kẹt vào một nghề nào đó hoặc giới hạn ước mơ của bố. Phẩm chất này ở bố đã giúp con tự tin làm mọi việc có thể. Cảm ơn bố!
2. Từ bố, con đã học cách có mối quan hệ tích cực với tiền bạc. Nhiều người lo sợ, hay muộn phiền về tiền bạc - nhưng con chưa từng thấy bố như thế bao giờ. Bố đã cho con bài học về việc sử dụng và tận hưởng, nhưng không lo sợ hay muộn phiền gì về nó. Thật là bài học đáng giá - dù con không có nhiều tiền trong ngân hàng, nhưng con luôn cảm thấy đủ tiền để làm những gì mình muốn và hưởng thụ nó.
3. Từ bố, con đã học cách giúp đỡ những người nghèo. Con vẫn nhớ như in những lần họ không trả tiền thuê nhà cho bố, nhưng bố vẫn ân cần giúp đỡ và hỗ trợ họ. Con chắc chắn rằng cuộc sống của họ sẽ hạnh phúc hơn và giàu có hơn vì bố. Con vẫn nhớ bố đã mời một vài người trong số họ đến dự tiệc Giáng sinh hoặc ra tiệm ăn khi mẹ vắng nhà. Những kỷ niệm và ký ức này đã dạy con thật nhiều và con cảm ơn bố vì điều đó.
4. Từ bố, con đã học cách chăm sóc cho động vật và tôn trọng chúng. Các vật nuôi trong nhà của chúng ta luôn được an toàn, được chăm sóc chu đáo.
5. Từ bố, con đã học cách cư xử tử tế với những người con không quen biết, trò chuyện và giúp đỡ họ. Cảm ơn bố rất nhiều vì bài học này.
6. Từ bố, con đã học cách làm việc chăm chỉ, nhưng vẫn nhẹ nhàng và tận hưởng. Con nhớ những việc nặng nhọc mà bố đã làm để đảm bảo thu nhập cho cả gia đình, nhưng vẫn tạo ra những buổi dã ngoại và nghỉ mát tuyệt vời ở Picton cho chúng con. Con rất thích những lần được đi chơi như thế.
7. Từ bố, con đã học cách không bị ấn tượng bởi người khác – không bao giờ cảm thấy mình thấp kém hay nhỏ bé – và tự tin theo đuổi điều mình tin tưởng. Bố luôn khuyến khích các phương tiện truyền thông quảng bá cho những câu lạc bộ và cho công việc từ thiện của bố. Bố luôn quyết đoán và tìm cách đưa tin các sự kiện từ thiện trên báo chí và đài phát thanh.
8. Từ bố, con đã học cách làm thiện nguyện để giúp người khác bằng việc hỗ trợ các tổ chức và các câu lạc bộ mà bố tin cậy. Hồi nhỏ, con thấy bố luôn sẵn sàng tình nguyện, giúp nhà thờ, trường học, câu lạc bộ và các tổ chức xã hội. Bố cống hiến thời gian và tài năng của mình. Bố đã đóng góp cho câu lạc bộ bóng chày Celtic xây dựng phòng nghỉ đầu tiên của họ, để những thanh thiếu niên có nơi tập trung luyện tập. Sau đó, bố còn tham gia đóng góp xây dựng Tòa án Squash Celtic. Con biết việc làm thiện nguyện của bố đã truyền cảm hứng cho các con của bố, trong đó có con, tham gia giúp đỡ cộng đồng. Cảm ơn bố thật nhiều vì đã có thể nhìn ra những việc làm có giá trị và dành thời gian, tiền bạc, cũng như công sức của bố cho cộng đồng.
Thú thật, con đã học được rất nhiều điều tích cực và tốt đẹp từ bố. Cảm ơn bố và con luôn yêu bố.
Con mong cả bố và mẹ có thể sống thanh thản và tận hưởng thời gian bên nhau, biết rằng bố đã nuôi dạy cả 6 đứa con tuyệt vời của bố nên người.
Con yêu bố!
Trish
Tôi đã gửi cha những dòng biết ơn như thế. Mẹ tôi kể lại rằng cha đã rất xúc động khi nhận được lá thư của tôi, rằng ông đã khóc. Thậm chí ông đã phải dừng đọc giữa chừng để khóc, sau đó đọc lại nó nhiều lần nữa. Ông bảo mẹ “Tôi không ngờ con gái lại học được nhiều thứ từ tôi đến thế. Có những việc làm tưởng như vô tình, nhưng lại là bài học đáng giá cho con trẻ”. Chị gái tôi, sau đó cũng bảo với cha rằng “Em đã viết những điều mà tất cả 5 anh em chúng con đều cảm nhận được từ bố!”. Do vậy, cả 6 người con đã có cơ hội để cảm ơn cha.
Khi đó, sức khỏe ông vẫn còn ổn định dù có một vài bệnh mãn tính. Ngày của Cha là vào tháng 8, sau đó ông đột nhiên trở bệnh nặng vào đầu tháng 10 và ông mãi ra đi vào Chủ nhật ngày 11 tháng 10.
Lá thư ấy đã giúp ông có thể ra đi đầy tự hào và thanh thản, còn những người thân ở lại cũng hết sức nhẹ nhõm và ấm áp trong lòng. Tôi thật sự biết ơn vì mình đã viết ra được những lời biết ơn cha tôi như thế.
Nhiều người chúng ta thường hay hối hận vì đã không làm hoặc không nói ra những gì mình trân trọng ở người thân yêu của mình. Cho đến khi họ ra đi, chúng ta mới ân hận, thì đã muộn màng.
Tôi còn nhớ một chương trình truyền hình, Quà tặng Cuộc sống, có chủ đề là Tập Buông bỏ và Tha thứ. Một anh quay phim đã chia sẻ sau chương trình rằng: “Giá tôi biết đến chương trình này 40 năm trước. Hồi đó, tôi và một người bạn trong quân ngũ của tôi, đã cãi nhau vì một chuyện chẳng đáng gì, nhưng không ai chịu nhường ai cả. Chúng tôi đã giận nhau và mất liên lạc với nhau… Và một thời gian sau đó, tôi được tin anh ấy đã hy sinh. Tôi còn sống sót trở về, nhưng trong lòng vẫn hối hận không yên về chuyện đó”.
Có những chuyện rất nhỏ nhưng không được giải quyết khiến chúng ta ăn năn mà không thể tận hưởng những kỷ niệm của tình đồng chí như người đàn ông này.
Dư âm của nó vẫn cứ âm ỉ trong lòng như vết thương mãi sưng tấy tới tận nhiều năm sau như thế.
Bạn có thể viết ra những lời biết ơn đối với bất kỳ mối quan hệ nào – kể cả những mối quan hệ thân tình hoặc mối quan hệ đầy thách thức và mâu thuẫn. Một học viên nữ đã chia sẻ với tôi về mối quan hệ đau khổ giữa cô với cha mẹ trong nhiều năm. Từ buổi học, cô ấy đã viết ra những lời biết ơn cha mẹ mình và gửi cho họ. Sau đó, mối quan hệ của họ trở nên khác hẳn – hiểu nhau và chấp nhận nhau hơn.
Trong một số trường hợp, có thể bạn không muốn gửi cho người nhận – chỉ muốn viết ra. Một khi chúng ta có thiện chí viết, thì thiện chí ấy đã có thể làm thay đổi mối quan hệ. Bản thân bạn cảm thấy nhẹ nhàng trong tinh thần và dễ chịu hơn trước người đó.
Có đến ngàn lẻ một lý do để trở nên tiêu cực trong thế giới ngày nay. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể đưa mình vượt lên năng lượng tiêu cực đó và bắt đầu tiếp cận tình huống bằng năng lượng tích cực, tìm kiếm những điều tốt đẹp, nhìn nhận và đánh giá cao, sau đó chúng ta sẽ chuyển dịch toàn bộ năng lượng của mối quan hệ ấy. Và khi chúng ta lan tỏa dòng năng lượng biết ơn, nó sẽ làm cho mọi thứ thay đổi và chúng ta sẽ nhận lại sự phản hồi tích cực.
Chúng ta có thể cảm thấy mối quan hệ nào đó của mình bị đổ vỡ bởi chúng ta đang góp nhặt sự tiêu cực – nhìn vào những nhược điểm và điều tiêu cực, thì năng lượng nhận lại cũng là tiêu cực và có khi ở mức độ tệ hại hơn, theo đó liên tục tích điểm trừ cho mối quan hệ. Có lúc chúng ta trở nên ảo tưởng, mong đợi có nhiều “số dư” trong tài khoản mối quan hệ trong khi cứ liên tục “rút ra” hoặc sử dụng sai nó.
Khi bạn tương tác tích cực với những người khác, đó là lúc bạn cộng điểm vào tài khoản của bạn với mối quan hệ đó. Nhưng sau đó nếu bạn nhìn vào mặt yếu kém hoặc tập trung vào điểm tiêu cực của họ và phê phán họ, thì đấy là lúc bạn đang rút ra từ tài khoản của mối quan hệ ấy. Mỗi mối quan hệ như có một tài khoản riêng. Ngay khi tôi nghĩ “Tôi ghét bạn”, tôi đang gửi vào tài khoản mối quan hệ này một điểm trừ. Rốt cuộc, bạn là gì thì đó là nhân cách của bạn. Cách hồi đáp của tôi mới quyết định cho tài khoản mối quan hệ giữa tôi với bạn. Điều kỳ diệu là năng lượng biết ơn là miễn phí và có sẵn cho tất cả chúng ta.
Mỗi người đều là một thiên tài.
Nhưng nếu ta xét đoán một con cá qua khả năng leo cây của nó, nó sẽ tưởng mình là một con cá vô dụng.
- Einstein
19
Giáo dục, cần lắm những giá trị!
“Bạn muốn con em mình sống trong một thế giới như thế nào?”.
Đó là câu hỏi mở đầu chúng tôi thường đưa ra trong các lớp Những Giá trị Sống trong Giáo dục Con trẻ. Và điều thú vị là các câu trả lời đều liên quan đến giá trị. Cha mẹ nào cũng mong muốn con em mình được sống trong một thế giới hòa bình, hạnh phúc, yêu thương, trách nhiệm, trung thực, đoàn kết... Nhưng thế giới như thế có vẻ là phi thực tế bởi những công dân tương lai của nó lại không được trang bị những điều kiện cần có!
Giá trị hôm nay, thế giới ngày mai! Nếu nhìn vào các vấn đề nan giải mà cả thế giới đang phải đối mặt, như tình trạng biến đổi khí hậu, chúng ta rất dễ ngộ nhận và cho rằng đó là những hành động ích kỷ của các cá nhân và tập thể. Song, trên thực tế, ẩn sau mỗi hành động là một quyết định, sau mỗi quyết định là một suy nghĩ, và sau mỗi suy nghĩ là một giá trị. Đấy có thể là giá trị tích cực (như tôn trọng, trách nhiệm, khoan dung…) và cũng có thể là giá trị tiêu cực (như ích kỷ, thiếu tôn trọng, vô trách nhiệm…). Giá trị chính là gốc rễ của mọi điều.
Chẳng hạn, bạn thấy ai đó đánh rơi chiếc đồng hồ đắt tiền trên phố. Giá trị bên trong bạn – trung thực hoặc không trung thực – sẽ quyết định thái độ của bạn, từ đó dẫn đến suy nghĩ: hoặc là nhặt lên, trả lại cho người kia (trung thực), hoặc là giữ lấy cho riêng mình (không trung thực). Chắc chắn bạn cũng biết điều tiếp theo sẽ là gì!
Ai từng trồng trọt đều biết rằng cải tạo đất, chăm bón cho hạt mầm là khâu quan trọng để cây tăng trưởng mạnh mẽ, đơm hoa, kết quả... nhưng ít ai hiểu rằng giáo dục con người cũng cần lắm những giá trị.
Hiện nay các em được cho học rất nhiều bộ môn, kỹ năng… nhưng tại sao trẻ càng lúc càng thích đua đòi, trốn học, bắt nạt bạn bè, bỏ học, trộm cắp, nản chí...
Mỗi khi tập huấn cho các giáo dục viên trong trung tâm Cai nghiện Ma túy, họ thường tâm sự rằng “Giá như chương trình này được đưa vào giáo dục trong các trường học thì tốt biết mấy!”. Chúng tôi hiểu những thách thức mà các giáo dục viên đang phải đối mặt trong việc chăm sóc cho những người nghiện và mong ước của họ sau bốn ngày họ tự mình trải nghiệm các giá trị sống. Đúng là nếu những thanh niên này được tiếp cận các giá trị sống trước đó, ắt hẳn họ đã biết cách tự bảo vệ bản thân trước những bầu bạn xấu và hội nhập xã hội với sự tôn trọng, tự tin và có mục đích.
Bạn có biết nguyên nhân nào dẫn đến khủng hoảng kinh tế không? Không phải do những người thiếu kỹ năng hay tài năng gây ra, mà do lòng tham, sự vô trách nhiệm, thiếu trung thực... sinh ra. Nếu không có các giá trị tích cực làm nền tảng, thì những kỹ năng dù ưu việt đến mấy cũng sẽ trở nên vô ích, thậm chí có thể trở thành mối nguy hại cho xã hội.
Những gì các em học được sẽ dệt nên xã hội mai sau. Chú tâm nuôi dưỡng và sống đúng với các giá trị tích cực, chúng ta sẽ tạo nên cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính mình và cho thế hệ sau này.
Trẻ cần được biết rằng bản thân chúng vốn là quý giá và không ai có thể thay thế chúng được.
20
Giáo dục, cần lắm một bầu không khí an toàn và tôn trọng!
Mỗi người đều biết quan tâm đến các giá trị sống, có khả năng sáng tạo, cũng như học tập khi có cơ hội. Đây là một trong ba tiền đề cơ bản của chương trình Giáo dục các Giá trị Sống.
Cách đây nhiều năm, tôi có dạy cho một nhóm phạm nhân nữ tại một trại giam ở New Zealand. Tất cả đều tỏ vẻ khinh miệt khi tôi giới thiệu lối suy nghĩ dựa trên các giá trị tích cực. Một chị phạm nhân còn thẳng thừng tuyên bố: “Chỉ toàn những lời rác rưởi. Chị nói sao mà chả được. Chị có sống trong tù như chúng tôi đâu...”. Với thái độ bình tĩnh, tôi đã hỏi lại: “Vâng, các chị đang ở trong tù, nhưng ai mới là người kiểm soát tâm trí và thái độ của các chị?”. Câu hỏi bất ngờ làm các chị im bặt và suy nghĩ. Chỉ sau vài phút, nhiều chị đã nhận ra mình từng phạm tội, nhưng không phải là nạn nhân. Các chị có thể thay đổi cuộc đời mình ở bất cứ nơi đâu.
Từ lớp học đó mà các phạm nhân đã biết hợp tác, ứng xử tử tế và cải hóa bản thân. Các chị không còn cộc cằn và phản ứng thô lỗ với các quản ngục nữa, mà đã chủ động tham gia các lớp học chữ và học nghề dành cho phạm nhân. Sau này, nhiều chị đã có thể tái hòa nhập cộng đồng, thậm chí có chị còn thành công trong thương trường nữa.
Ở buổi học Nhận diện các giá trị tại trung tâm Cai nghiện Ma túy Nhị Xuân, tôi đã hỏi những thanh niên cai nghiện rằng: “Anh hùng của bạn là ai?”. Một cậu thanh niên đã không ngần ngại trả lời: “Hitler”. Rõ ràng đấy không phải là câu trả lời mà tôi mong đợi. Tuy nhiên, tôi vẫn chấp nhận quan điểm lúc đó của cậu ấy và hỏi: “Thế Hitler có những giá trị nào?”. Cậu ấy lập tức đưa ra rất nhiều giá trị mà Hitler có. Nào là quyết đoán, can đảm, nhanh trí... Chính câu hỏi này đã đưa cậu quay về với các giá trị cốt lõi của con người. Sau này khi ra khỏi trung tâm, cậu ấy đã đến tìm tôi để xin làm tình nguyện viên cho một số chương trình.
Học sinh sẽ có cơ hội phát huy tối đa tiềm năng của mình trong một môi trường học tập có sự khuyến khích, ủng hộ, quan tâm và sáng tạo. Mọi hình thức kiểm soát bằng cách đe dọa, trừng phạt, gây sợ hãi, xấu hổ chỉ khiến học sinh cảm thấy không phù hợp, tổn thương, ngượng ngùng và bất an. Từ đó, học sinh có cảm giác như mình là “người thừa” và không còn thích thú học nữa.
Nhớ lại trường hợp của cậu học trò Wiari khi tôi còn dạy ở New Zealand. Trong giờ giải lao, chúng tôi, những giáo viên thường tập trung tại phòng nghỉ dành cho các giáo viên để tán gẫu với nhau. Một đồng nghiệp kể lại rằng thầy hiệu trưởng đang gặp một cậu học sinh của chị ấy. Cậu này có tên là Wiari, đã dọa mang súng của bố vào lớp để bắn những bạn đã cười nhạo mình. Các giáo viên khác cứ đoán già đoán non rằng cậu sẽ bị đuổi học... bởi đó là quy định của nhà trường.
Hết giờ giải lao, tôi quay trở lại lớp học và bất ngờ thấy một cậu học sinh mới đang ngồi trong lớp của tôi với vẻ mặt thất thần. Cậu bé này có vẻ đang bị tổn thương rất nặng nề. Từ câu trả lời lí nhí của cậu ấy mà tôi biết đó chính là Wiari mà các đồng nghiệp vừa nhắc tới.
Tôi không hiểu vì sao thầy hiệu trưởng lại đưa cậu ấy vào lớp của tôi mà không báo trước. Thế nhưng tôi vẫn bắt đầu cho các em tập đọc như thường lệ. Đến lượt Wiari, cậu bé trả lời cộc lốc: “Không biết đọc!”. Tôi đã không ép cậu ấy mà để ý thấy cậu ấy đang len lén theo dõi phản ứng của tôi và các học sinh khác. Bất chợt tôi thấy ánh mắt cậu ánh lên niềm tin khi thấy một bạn khác đọc bài một cách ngượng nghịu nhưng vẫn được các bạn khác khuyến khích và chấp nhận. Tới lần kế tiếp, Wiari không từ chối nữa mà đọc liền một mạch.
Vài ngày hôm sau tôi mới được thầy hiệu trưởng cho biết rằng ông muốn Wiari có thêm một cơ hội nữa trong lớp của tôi. Ông không muốn tôi có những suy nghĩ ác cảm đối với cậu bé và ông cũng cho rằng Wiari có thể sẽ được cải thiện trong một môi trường học tập dựa trên các giá trị như lớp của tôi... và ông ấy đã đúng! Kể từ ngày hôm đó, Wiari đã thay đổi hoàn toàn và tiến bộ ở nhiều môn. Cậu còn trở thành học sinh giỏi vào cuối năm học đó.
Bầu không khí dựa trên các giá trị tích cực là thành tố chính trong môi trường giáo dục trẻ, đặc biệt đối với trẻ có những hành vi tiêu cực.
Như Einstein từng nói: “Chưa phạm lỗi lần nào là chưa dám thử bất cứ việc gì”. Tôi cho rằng tất cả chúng ta đều từng trải qua một giai đoạn tiêu cực nào đó trong cuộc đời mình và những biên độ tiêu cực ấy dao động ở nhiều mức khác nhau, từ nhẹ đến nghiêm trọng. Tôi cũng từng phản ứng tiêu cực và rất may là những người thân quanh tôi đều chấp nhận và nhìn vào ưu điểm của tôi. Vì lẽ đó mà tôi đã vượt qua những giai đoạn tiêu cực của mình và kết nối lại với những giá trị tốt đẹp ở trong tôi.
Giống như khi bạn bước vào căn phòng tối, bạn không thắc mắc hay khiển trách gì mà chỉ bật đèn sáng lên. Tương tự như vậy, khi ai đó đang ở trong “căn phòng tối” tiêu cực của họ, bạn cũng đừng thắc mắc hay quát nạt gì mà hãy giúp họ bật sáng “ngọn đèn” giá trị tích cực ở họ bằng chính ánh sáng từ “ngọn đèn” giá trị tích cực ở bạn. Đấy mới là cách để giúp họ tìm lại ánh sáng cuộc đời họ.
21
Sức mạnh của lời nói đối với sự phát triển của con trẻ
Trong một khóa học Những Giá trị Sống trong Giáo dục Con trẻ, tôi đã mở đầu bằng câu hỏi “Các anh chị có nghĩ mình chỉ đơn thuần là cha mẹ hay còn kiêm nhiệm nhiều vai trò khác nữa đối với các con của mình?”. Sau một lúc chia sẻ, mọi người mới ngỡ ngàng vì nhận ra mình đã đảm nhiệm quá nhiều vai trò kể từ khi có con, chẳng hạn như giáo viên, bác sĩ, người tham vấn...
Xét về mặt chuyên môn, một sinh viên phải được đào tạo ít nhất 4 năm ở trường và qua nhiều năm làm việc mới có thể trở thành chuyên gia. Trong khi đó, chúng ta hầu như “thất học” trong lĩnh vực làm cha mẹ, nghĩa vụ được cho là thiêng liêng nhất cuộc đời. Chúng ta cứ “tự nhiên” trở thành cha mẹ, có khi qua thực hành thực tế và có khi do đời trước truyền dạy cho đời sau... Đây là lý do vì sao nhiều cha mẹ đã kêu than rằng làm cha mẹ thời nay sao khó quá!
Bất cứ hình thức tự học nào cũng đòi hỏi bạn phải chú ý mọi lúc, mọi nơi. Vai trò làm cha mẹ cũng đòi hỏi bạn có sự chú tâm như thế, mặc dù có thể bạn đã có nhiều kinh nghiệm nuôi con. Một trong những đòi hỏi ấy là sự chú ý của bạn vào LỜI NÓI trước các con.
Khuyến khích đúng sẽ giúp trẻ tập trung vào mục tiêu tích cực, còn khuyến khích sai sẽ khiến trẻ mải nghĩ đến điều không mong muốn trong tâm trí mình.
Hẳn bạn còn nhớ câu chuyện về thời thơ ấu của Tổng thống Ấn Độ Abdul Kalam. “Bám chặt vào” là bài học vừa đơn giản, vừa hiệu nghiệm trong việc giáo dục con trẻ nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết cách. Theo thống kê ở nước Anh nhiều năm trước, trong việc giáo dục con, cha mẹ nói những câu tiêu cực/phủ định nhiều hơn tích cực/khẳng định. Mỗi ngày, trẻ 2 tuổi nghe trung bình khoảng 14 lời tiêu cực/phủ định và 1 lời tích cực/khẳng định, chẳng hạn như “Rơi cái ly bây giờ, đừng đánh chị, đừng mút tay, đừng chạm vào đồ vật ấy...”. Một nghiên cứu tiếp theo đó cũng chỉ ra rằng để các em có thể phục hồi lòng quý trọng bản thân, sự tự tin và linh hoạt, phải cần tới 17 câu nói tích cực/khẳng định để xóa bỏ một câu nói tiêu cực/phủ định.
Rõ ràng là chúng ta đang hướng trẻ tập trung vào thất bại và những điều ta không muốn, thay vì tập trung vào những điều ta muốn trẻ làm hoặc trở thành. Kết quả là nhiều em có thể rất giỏi ở trường, nhưng lại rất e dè và thiếu quyết đoán khi đối mặt với thực tế.
Trong một buổi chuyên đề, tất cả 200 em sinh viên khoa Cơ khí của một trường đại học lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh đều giơ tay đồng ý rằng các em thường nghĩ theo hướng ngược lại với điều mình mong muốn, chẳng hạn như “Mình sẽ thi trượt, mình sẽ không xin được việc làm”… Tôi hỏi các em có thường nghe cha mẹ nói những câu như vậy với các em không, thì các em đều trả lời “Rất thường xuyên”. Cha mẹ hay dặn dò con cái “Ráng học, đừng để trượt nha con!”. Từ nào trong câu nói này sẽ đọng lại trong tâm trí các em? TRƯỢT! Nỗi lo “trượt” khiến các em hồi hộp và mất bình tĩnh trong phòng thi.
Chúng ta nên nói thế nào cho hiệu quả và giúp ích cho con trẻ? Ví dụ, bạn có thể nói “Cầm chặt cái ly”, “Học chăm chỉ, con sẽ tự tin trong môn học này và sẽ thi đậu”, “Con là người tốt và dịu dàng với chị”...
Ngôn từ không lời cũng ảnh hưởng nhiều đối với trẻ nhỏ. Nhớ lại hồi 4 tuổi, tôi từng ca hát rất tự nhiên ở nhà. Bố mẹ tôi thường để tôi tự do ca hát như thế cho đến khi tôi bước vào lớp một. Hôm đó, trong giờ học hát, tôi đã cất giọng to hơn so với các bạn khác. Cô giáo nhìn tôi, tỏ vẻ khó chịu, và ra dấu cho biết rằng tôi đang hát sai. Kể từ ngày hôm đó, tôi đã không dám hát trước đám đông nữa. Tôi đã hình thành niềm tin mình không hát được. Hơn nữa, niềm tin này còn giới hạn tôi trong nhiều lĩnh vực khác.
Có thể người giáo viên kia chỉ vô tình, không cố ý làm tôi xấu hổ. Ngẫm lại, tôi nghĩ mình sẽ không làm như thế đối với một cô bé đang tự nhiên ca hát bằng cả trái tim. Tôi sẽ nhẹ nhàng chỉ dẫn các em hát sao cho đúng nhịp.
Bạn có thể dành ra một ngày để kiểm tra xem những lời nói của bạn thường nghiêng về hướng tiêu cực/phủ định hay tích cực/khẳng định và chú ý điều chỉnh sao cho tốt nhất.
Chúc bạn thành công!
Nghĩ hai lần trước khi nói vì lời nói của bạn có thể mang lại thành công hoặc thất bại trong tâm trí người khác.
- Napoleon Hill
22
Thúc đẩy con học tốt mà không cần so sánh
Ngày nay, các bậc cha mẹ thường hay bận tâm tìm kiếm trường học tốt nhất cho con khi trẻ đến tuổi đi học, rồi lại đau đầu tìm kiếm trường trung học “xịn” lúc con chuẩn bị bước vào đại học. Nhưng theo thống kê, mối lo lắng thường xuyên và lớn hơn cả là việc thúc đẩy con học tốt. Họ thường than phiền rằng “Nó chẳng chịu học hành gì cả, ngày nào cũng phải thúc nó học bài. Tôi phát điên lên vì nó. Nó cứ mải chơi điện tử và xem truyền hình...”.
Nhiều cha mẹ thường dùng biện pháp so sánh với ý nghĩ con trẻ sẽ lấy đó mà làm gương. Họ so sánh các con với nhau, so sánh con với con nhà hàng xóm, hoặc so sánh với những bạn học giỏi ở trường. Họ nói “Hôm nay anh hai được điểm 10, còn con thì..., chỉ cần con học như bạn Tin thôi. Cha mẹ cực khổ cũng vì con, vậy mà con lại học hành chẳng ra gì. Nhìn con nhà hàng xóm mà phát ham...”.
Như mọi hành vi khác, so sánh có thể trở thành một thói quen khó kiểm soát. Mọi ý định của cha mẹ trong việc thúc đẩy con cái đều xuất phát từ tình thương yêu dành cho con. Họ muốn con chăm chỉ, ngoan ngoãn và giỏi giang hơn. Nhưng họ không hiểu ngay lúc bị đem ra so sánh, trẻ đã xem mình là thua kém và thiếu động lực. Thái độ tiêu cực như thế khiến trẻ rơi vào vòng xoáy của yếu kém, thậm chí rơi vào trạng thái trầm cảm và có những hành vi tiêu cực (như nghiện ngập).
So sánh giữa các anh chị em với nhau, dù không nhằm mục đích làm trẻ tổn thương, nhưng bạn đã thử đặt mình vào hoàn cảnh của con để xem con đang được thúc đẩy hay bị hạ nhục? Ví dụ, một ai đó nhận xét rằng “Nhìn bạn không đẹp bằng cô em gái”, “Sao hai anh em mà lại khác nhau đến thế. Anh thì quá giỏi, còn em thì quá tệ”, “Mẹ đẹp thế mà con lại xấu xí!”... Nhìn xem chuyện gì đang diễn ra bên trong bạn khi người khác lấy bạn ra để so sánh?
Có thể lý trí bạn cho rằng “Mình phải vui khi người thân của mình giỏi giang như thế”, nhưng tôi chắc chắn một điều rằng bạn đang cảm thấy buồn, bực tức, chán nản... Rõ ràng là những lời nhận xét như vậy không làm cho người “được” nhận xét cảm thấy được nâng đỡ.
Không may là rất nhiều cha mẹ vẫn tin rằng so sánh là cách tốt để con lấy đó mà làm gương. Hãy xem lại phương pháp giáo dục con hiện tại của bạn. Đấy có phải là cách hiệu quả, giúp con cảm thoải mái, vui vẻ và được thúc đẩy không? Nếu câu trả lời là “Không” thì đây là lúc bạn cần phải thay đổi. Sau đây là một gợi ý:
Bước 1: Khen ngợi
Bước 2: Khuyến khích, hoặc khích lệ
Dù con đang ở cấp độ nào, bạn vẫn có thể khen ngợi, chẳng hạn như “Tốt lắm! Con đã học chăm chỉ ở môn tiếng Anh và điểm số tháng này đã rất khá. Nếu con chú ý vào môn toán nữa, mẹ tin chắc con sẽ đạt được điểm tốt vào tháng sau”. Trong trường hợp tất cả các môn học đều yếu, bạn cần tìm ra việc nào mà con đang làm tốt hoặc một điều tích cực nào đó ở con để tập trung nhấn mạnh.
Nhìn vào điều trẻ làm được và nhấn mạnh điều ấy sẽ làm trẻ tin rằng mình có khả năng. Đó là động lực khiến trẻ chú ý và thay đổi.
Chê bai tức là hướng trẻ tập trung vào những yếu kém của bản thân, từ đó đánh cắp sự tự tin và năng lực của trẻ. Chẳng hạn, bạn đã cố gắng làm việc hết mình ở công ty và cuối tháng sếp lại phán “Tôi thật sự không hài lòng về cách làm việc của anh”. Bạn sẽ như thế nào sau đó? Nỗ lực hơn ư? Có thể không!
Nếu trong trường hợp này sếp nói rằng “Anh đã tạo ra được môi trường làm việc hợp tác trong công ty và thành thạo trong việc chăm sóc khách hàng. Bây giờ, tôi muốn anh phát triển thêm kỹ năng tổ chức văn phòng nữa”. Bạn cảm thấy thế nào sau lời nhận xét ấy? Bạn có thấy mình được công nhận, khích lệ và muốn cải thiện không?
Trẻ nhỏ cần được khen ngợi, giống như cây cần có nước vậy. Hãy khen ngợi trẻ ở mức của trẻ vào lúc này (bước 1), sau đó thúc đẩy hoặc khích lệ trẻ tiến lên một mức độ cao hơn (bước 2) – “Tốt lắm, bài văn của con rất súc tích ở chỗ... Nếu cứ tập viết, mẹ tin rằng con sẽ đạt được điểm tốt vào lần tới”.
Bạn có thể thách đố trẻ tùy theo khả năng của trẻ. Tuy vậy, hãy công nhận những gì trẻ đã làm được và thúc đẩy chúng tiến lên mức cao hơn.
23
Khoảng dừng dành cho cha mẹ
Khi các bậc cha mẹ được hỏi vào những thời điểm nào họ dễ cáu giận nhất, cũng như dễ đi quá đà trong việc trừng phạt con cái khi chúng phạm lỗi, hay nói ra những lời khiến họ phải hối tiếc về sau, câu trả lời thường gặp đó là vào những lúc họ đang bận rộn, căng thẳng, những khi về nhà mệt nhoài sau một ngày làm việc vất vả. Vào những thời điểm đó, cha mẹ thường có sức chịu đựng kém, chỉ cần một lỗi nhỏ của con cái cũng khiến họ bộc phát những phản ứng quá mức so với bình thường.
Cũng cần phải thông cảm cho các bậc cha mẹ, họ thường phải đột ngột thay đổi từ vai trò trong công việc sang vai trò làm cha mẹ mà không có lấy một khoảng dừng nào giữa hai vai trò này. Bản thân họ cũng không nhận ra rằng mình cần dẹp bỏ vai trò trong công việc trước khi nhập vào vai tiếp theo.
Lần nọ, tôi có tập huấn về giá trị sống cho một nhóm giáo viên, cũng là những bậc cha mẹ. Một trong những nội dung tập huấn là để cho các giáo viên có một khoảng lặng mỗi ngày để thư giãn và suy nghĩ về bầu không khí của gia đình mình, từ đó tìm ra những giá trị họ cần củng cố để cải thiện bầu không khí.
Sau đây là một số chia sẻ của các giáo viên. Một người nhận xét rằng trong mắt của các học sinh và đồng nghiệp, cô luôn là một giáo viên kiên nhẫn, vậy mà mỗi khi trên đường từ trường về nhà, trong đầu cô luôn thấy cảnh con mình quậy phá ở trường, không chịu làm bài tập hay không dọn dẹp phòng ốc gọn gàng, thế là nỗi tức giận trong cô cứ thế mỗi lúc một tăng. Lúc về đến nhà cũng là lúc cô cảm thấy căng thẳng, mất bình tĩnh. Chỉ cần một lỗi nhỏ của bọn trẻ cũng khiến cô nổi cáu.
Bước tiếp theo của tiến trình suy ngẫm, cô nghĩ đến bầu không khí ở nhà vào các buổi tối mà theo cô là căng thẳng và kém vui, cả hai vợ chồng đều phản ứng tức thời ngay cả với những lỗi lầm nhỏ của con cái. Cô quyết định sẽ củng cố hai giá trị, bình an và khoan dung, mỗi khi trên đường về nhà và tìm hiểu xem hai giá trị này có thể cải thiện bầu không khí trong gia đình ra sao.
Ngày hôm sau, cô kể lại với mọi người rằng gia đình cô đã có một bầu không khí hoàn toàn mới mẻ và tích cực suốt tối qua, cả nhà đều vui vẻ chia sẻ và lắng nghe những câu chuyện của nhau. Sau đó cả nhà cùng chơi vui đến nỗi không ai nghĩ đến việc mở ti-vi. Thật hiếm khi gia đình có được một buổi tối như vậy.
Một bà mẹ khác kể rằng cô đã suy nghĩ về hình ảnh mình hối hả chạy xe về nhà mỗi chiều, và ngay lập tức nấu bữa ăn tối cho gia đình. Đứa con gái ba tuổi của cô thường chạy vào bếp níu áo mẹ trong lúc đó. Vì vội nấu nướng, cô thường bắt con đi ra chỗ khác, la mắng nó, đôi lúc còn phát cho đứa bé một cái để buộc bé ra khỏi bếp. Mường tượng lại cảnh này từ góc nhìn của một người quan sát, người mẹ chia sẻ rằng cô đã hiểu ra tại sao con gái cứ hay nũng nịu mình mỗi tối. Đó là bởi vì đứa bé yêu mẹ, muốn gần gũi với mẹ, nó nhớ mẹ vì cô phải đi làm cả ngày. Đứa con gái bé bỏng muốn mẹ ôm mình và nghe mình líu lo về những việc đã diễn ra trong ngày.
Sau khi suy ngẫm về điều này, người mẹ quyết định mỗi ngày sẽ dành ra 10 – 15 phút để chơi với con gái mỗi khi đi làm về. Cô sẽ hỏi han và lắng nghe con. Đứa bé được mẹ chú ý sẽ thấy mình được yêu thương và cảm thấy thỏa mãn, còn bà mẹ sau đó có thể yên lòng đi nấu bữa tối. Nếu đứa trẻ vẫn muốn vào bếp cùng mẹ, cô có thể giao cho con làm giúp mình một công việc đơn giản và điều đó sẽ khiến cả hai mẹ con đều thấy vui. Với sự thay đổi nhỏ này, người mẹ có thể thấy bầu không khí trong gia đình mình thay đổi ra sao và cảm thấy hào hứng để thực hiện. Tiến trình học hỏi này thật sự rất đơn giản: chỉ bằng cách lùi lại (từ trong tâm trí) để làm người quan sát các tình huống trong cuộc sống, theo dõi và rút ra bài học từ những thói quen hiện tại, tìm cách để cải thiện nó.
Chúng ta ngày càng bận rộn hơn trong cuộc sống. Các bậc cha mẹ thường phải vội vã chuyển từ vai trò này sang một vai trò khác mà không có lấy một khoảng dừng. Là con người, chúng ta không đơn thuần chỉ cần nạp năng lượng từ thức ăn mà thôi! Chúng ta còn cần có những khoảng lặng cho riêng mình để suy ngẫm, thư giãn và để “sống”. Không nhất thiết phải đi nghỉ mát hay “giấu mình” ở một nơi hẻo lánh nào đó; ta chỉ cần dành vài phút trong ngày để bước lùi lại, suy ngẫm, hít thở sâu và thư giãn.
Hãy dành ra vài phút mỗi buổi sáng khi thức dậy để hình dung về một hình ảnh tích cực, hoặc có một vài suy nghĩ tích cực. Bạn cũng có thể tìm đọc một vài điều tạo cảm hứng, khích lệ trong giờ trưa để tâm trí trở nên tươi mới và có thêm năng lượng, thay vì chỉ nạp thức ăn cho cơ thể.
Một thời điểm quan trọng khác để thực hiện việc này là khi bạn đang trên đường về nhà. Trước tiên hãy dành ra 5 – 10 phút trong tĩnh lặng tại bàn làm việc, hoặc một nơi gần đấy. Ngồi thoải mái, hít thở vài hơi thật sâu, để cho toàn thân thư giãn và trở nên tĩnh lặng. Nhìn vào tâm trí giống như khi bạn đang xem một cuốn phim, một cuốn phim về ngày bạn vừa mới trải qua... những tình huống… những lần giao tiếp trong ngày… Mỗi khi gặp cảnh nào mà bạn cảm thấy không được thoải mái, hãy chấp nhận nó và tìm ra bài học hoặc kinh nghiệm… rồi cho qua đi để bạn có thể tiếp tục xem những cảnh còn lại trong ngày. Hãy đóng tất cả những sự kiện trong suốt một ngày làm việc của bạn… thư giãn và tĩnh lặng, rồi về nhà trong trạng thái bình an, để bạn có thể tươi mới và tỏa sáng trong vai trò tiếp theo, vai trò là một người cha, người mẹ, người vợ, người chồng…
Cũng giống như một chiếc máy vi tính, nếu cùng một lúc ta mở ra quá nhiều tập tin và chương trình thì điều gì sẽ xảy ra? Hoặc là máy chạy chậm, hoặc đứng hẳn mọi hoạt động. Con người cũng y như vậy, nếu cùng một lúc mở ra quá nhiều tập tin về những gì đã xảy ra với ta trong ngày, chuyện của ngày hôm qua, suy nghĩ về buổi chiều, lo lắng cho ngày hôm sau... chúng ta cũng sẽ không thể nào làm việc tốt.
Vậy, các bậc cha mẹ hãy nhớ rằng mỗi khi cảm thấy choáng ngợp vì quá nhiều việc và căng thẳng, tốt nhất hãy dành ra vài phút, một khoảng dừng cho mình để đóng lại mọi “tập tin”, mọi sự kiện trong ngày trước khi chuyển sang vai trò tiếp theo.