10
Lo lắng ư, làm gì đi!
Gần đây tôi có đọc một tài liệu nói về cô Fiona Harold, chuyên viên cố vấn cuộc đời hàng đầu tại Anh Quốc. Hồi 20 tuổi, cô từng sống chung với nhóm bạn trong một căn hộ chung cư ở London. Họ thường tụ tập bàn chuyện tiêu cực về thế giới. Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, Fiona nhận thấy bầu không khí trong phòng trở nên quá ngột ngạt. Bản thân cô cũng bắt đầu có những suy nghĩ chán sống, thậm chí là ghét đời. Không riêng gì cô mà các bạn của cô cũng đều rơi vào trạng thái trầm cảm.
Vào ngày nọ, Fiona thức dậy, đột nhiên cô cảm thấy mình cần làm gì đó để thay đổi tình trạng trầm uất này. Cô ngồi lại và nghiệm ra chính thái độ sống bất mãn đối với thế giới đã làm cuộc sống của họ trở nên khốn khổ. Thêm vào đó, căn hộ của cô thường xuyên bị mất trộm, các bạn cũng hay cãi vã với nhau… Cô đã quyết định tạo ra sự thay đổi trước khi mọi chuyện trở nên quá tệ. Cô nhận ra rằng nếu thế giới đang trong tình trạng tiêu cực, hẳn có phần đóng góp của mỗi con người ở trong thế giới đó.
Fiona đã cùng các bạn chuyển hướng sinh hoạt của mình. Họ tập trung vào những điều mình có thể làm được, mang lại lợi ích cho bản thân và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
Bí quyết đầu tiên mang đến sự thay đổi ở họ là: dùng điều tiêu cực để xóa bỏ điều tiêu cực sẽ chẳng bao giờ mang lại điều tích cực. Muốn có kết quả khả quan, họ phải có những phản hồi tích cực.
Bí quyết thứ hai là: trở thành điều mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới.
Nếu bạn nghĩ thế giới này nên có nhiều tình yêu thương hơn, thì trước hết bản thân bạn hãy trở nên ĐÁNG YÊU hơn. Nếu bạn muốn nhìn thấy thế giới này trở nên yên bình hơn, trước hết bản thân bạn phải trở nên bình yên và sống hòa thuận hơn với những người xung quanh. Thay vì than phiền về một điều gì đó, hãy trở thành điều mà bạn muốn nhìn thấy!
Nếu bạn quan tâm đến việc tạo dựng một thế giới tốt đẹp, không xung đột và chiến tranh, hãy tập trung gieo trồng các giá trị vốn là gốc rễ giải quyết mọi vấn đề. Đâu là những giá trị giúp hàn gắn các mối quan hệ trên thế giới? Phải chăng đó là lòng khoan dung, sự hiểu biết, chấp nhận và tôn trọng. Và bây giờ, bạn hãy gieo những hạt giống ấy vào cuộc sống hằng ngày.
Nếu toàn bộ khoảng thời gian dành cho than vãn được dùng vào việc tìm ra giải pháp, chắc chắn một thế giới tốt đẹp hơn sẽ không còn là điều xa vời.
Diane Tillman, tác giả của bộ sách Những Giá trị Sống, từng đến tham quan một đất nước nghèo nọ. Chị đã chứng kiến cảnh một em bé chừng 5 tuổi quặn mình trên đường phố vì đau đớn. Lúc đó, chị chẳng thể tự mình giúp em được, nhưng hình ảnh ấy luôn là động lực khiến chị dành nhiều thời gian cho công tác từ thiện giúp đỡ các em nhỏ.
Với tôi cũng vậy, mỗi một hoàn cảnh, mỗi một câu chuyện đều trở thành một động lực cho tôi vận dụng bí quyết thứ ba, đó là biết đóng góp như thế nào là tốt nhất, rồi bắt tay thực hiện ngay bằng những câu hỏi như sau:
1. Tôi có thể tự tay giúp đỡ con vật này hoặc người này không? Nếu có, thì đâu là cách giúp đỡ hiệu quả nhất? Sau đó, HÀNH ĐỘNG.
2. Nếu không, tôi có thể giúp đỡ những người khác hay những con vật khác có cùng hoàn cảnh không? Nếu có, cách giúp đỡ nào hiệu quả nhất? Sau đó, HÀNH ĐỘNG.
3. Liệu tôi có thể hỗ trợ họ bằng tinh thần thông qua suy nghĩ và thái độ nâng đỡ không? Nếu có, hãy HÀNH ĐỘNG ngay.
4. Dù hỗ trợ bằng hành động cụ thể hoặc bằng thái độ, suy nghĩ, tôi vẫn có thể dùng những sự việc này như là động lực để đánh thức sự tương thân, tương ái ở bản thân dành cho gia đình nhân loại hàng ngày đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Ai cũng có thể góp phần làm cho thế giới này trở nên giàu đẹp hơn nếu họ muốn. Chẳng hạn như, khi tôi nhìn thấy những hình ảnh hạn hán ở châu Phi hay ở những quốc gia khác, dĩ nhiên tôi không thể gửi nước đến cho họ, nhưng tôi sẽ ý thức hơn về lượng nước mà tôi đang sử dụng, đồng thời khuyến khích những người xung quanh sử dụng nước tiết kiệm đến mức có thể. Một ví dụ thực tế là chúng tôi sử dụng nước mưa cho một số sinh hoạt tại Trung tâm Inner Space; trong những buổi hội thảo, chúng tôi thường khuyến khích đơn vị tổ chức không sử dụng nước đóng chai... Một số công ty và trường học đã bỏ hẳn việc sử dụng nước đóng chai cho các chương trình đào tạo của họ. Một số bạn nhỏ, tham gia chương trình bảo vệ môi trường, cũng đã sử dụng bình đựng nước cá nhân thay cho nước uống đóng chai, và được các bạn cùng trang lứa hưởng ứng. Ngoài ra, chúng ta còn có thể tham gia làm giảm lượng khí thải nhà kính bằng việc hạn chế sử dụng máy lạnh trong sinh hoạt gia đình. Đó chính là bí quyết thứ tư, sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý và làm giảm ô nhiễm.
Trong chương trình Quà tặng Cuộc sống trên kênh VTV2, chúng tôi đã cho các em học sinh thí nghiệm sức mạnh suy nghĩ tập thể của mình. Ở vòng thứ nhất, các em được yêu cầu có cùng một suy nghĩ tích cực và nâng đỡ, sau đó chúng tôi cho mời một người bên ngoài bước vào. Người này hoàn toàn không biết về điều các em đang làm. Họ được yêu cầu gồng tay. Ở vòng thứ hai, người này “bị” các em gửi cho làn sóng suy nghĩ tức giận, phán xét. Kết quả thật đáng kinh ngạc! Ở vòng đầu tiên, cánh tay của người này rất mạnh, và họ cũng chia sẻ rằng họ cảm thấy tự tin, được khích lệ, trong khi ở vòng thứ hai họ lại cảm thấy ngượng ngùng, yếu đuối.
Điều này cũng được áp dụng đối với những người ở cách xa chúng ta đến cả ngàn dặm. Có bao giờ bạn nghĩ đến ai đó thì đột nhiên họ gọi điện hỏi thăm bạn? Bạn có từng cảm thấy ai đó nhớ thương hay oán hận bạn, và ngay sau đó họ đã làm y như vậy với bạn? Đây chính là sức mạnh của suy nghĩ. Chúng ta có thể dùng sức mạnh này để nâng đỡ người khác trong những hoàn cảnh khó khăn.
Bí quyết thứ năm là nhận thức rằng vấn đề nảy sinh từ tâm trí và giải pháp cũng xuất hiện từ tâm trí. Mỗi người đều có thể lựa chọn tập trung hoặc vào vấn đề, hoặc vào giải pháp. Đôi lúc, nhìn ra bên ngoài, chúng ta thấy có quá nhiều vấn nạn và thách thức. Cuộc đời khi đó tựa như màn đêm buông xuống trước mắt, nhưng đừng vội nản chí, khi đêm xuống và trở nên đen tối nhất thì đấy lại là lúc gần hơn với bình minh.
Hãy là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy ở thế giới.
- Mahatma Gandhi
11
Bí quyết xóa tan sợ hãi
Sợ hãi! Hầu hết mọi người đều thừa nhận mình mắc “bệnh”... sợ. Có người sợ “đủ thứ”, chẳng hạn như sợ người lạ, sợ bóng tối, sợ côn trùng, sợ thất nghiệp, sợ đám đông... và nỗi sợ chung nhất vẫn là sợ những điều mình không biết.
Sau bài tập hình dung về nỗi sợ, hầu hết các học viên đều nhận xét dường như nỗi sợ của họ không đến nỗi đáng sợ như họ tưởng. Một bạn trẻ đã mô tả nỗi sợ nói chuyện trước đám đông của mình giống như bay trên quả khinh khí cầu. Nó đưa bạn ấy lên thật cao, sau đó ném bạn ấy xuống một nơi với những khuôn mặt trông như quỷ dữ, làm bạn ấy khiếp sợ đến mức cả người như tê cứng lại.
Tuy vậy, ít ai trong chúng ta nhận ra rằng không ai ép buộc mình phải bám vào quả khinh khí cầu ấy. Dù nó có bay lơ lửng trước mắt, nhưng bạn vẫn có thể chọn ngắm nhìn nó bay lên theo cách nó thích và để nó thể hiện vẻ đáng sợ của nó. Ví dụ, bạn bị mất việc, thì quả khinh khí cầu trong trường hợp này sẽ đến với ý nghĩ đầu tiên “Rồi mình sẽ làm gì?”. Nếu không tỉnh táo, bạn sẽ bị kéo lên không trung với hàng ngàn ý nghĩ vẩn vơ rằng “Mình sẽ đói, sẽ phải ăn bám, sẽ bị coi thường...”.
F.E.A.R. (sợ hãi) = F (Fantasy - tưởng tượng) + E (Expectations - kỳ vọng/mang hình ảnh tưởng tượng về nó) + A (Appearing - xuất hiện) + R (Real - thật)
Nỗi sợ chỉ là sự tưởng tượng từ trong tâm trí rồi trở nên sống động như thật, nhưng để lại biết bao hệ quả, như: cảm giác hồi hộp, bất an, đổ mồ hôi tay, miệng khô, nói lắp, mất khả năng sáng tạo...
Nỗi sợ cũng có nhiều mức độ – từ bối rối, hồi hộp, lo lắng, dè dặt cho đến khiếp sợ, tê liệt. Điều gì tạo ra nỗi sợ của chúng ta? Tình huống hay suy nghĩ của chúng ta về tình huống?
Hãy hình dung ra một khung cảnh như sau, chiếu chậm từng cảnh quay trong tâm trí bạn:
Tôi thấy một con hổ ngay trước mặt... Hình ảnh con hổ (là thật)... nhảy bổ vào tôi... vồ lấy tôi... xé tôi ra từng mảnh... Thế là tôi bị thương hoặc bị giết chết (tưởng tượng)... hãi hùng quá... bỏ chạy hoặc cứng đờ người...
Xem lại những cảnh này, bạn nghĩ mình có thể phản ứng tốt nhất như thế nào và ở chặng nào?
Bây giờ, nếu là đứa trẻ sơ sinh, những cảnh quay trong tâm trí sẽ là gì? Phản ứng của đứa trẻ trong tình huống này?
Chưa đầy 2 phút thảo luận với nhau, các học viên đã đưa ra những thước phim tuyệt vời về sự thân thiện giữa con hổ và đứa trẻ. Nếu như những thước phim ấy cũng được trình chiếu trong tâm trí chúng ta khi phải đối mặt với những tình huống khó khăn – không phải để chúng ta ngây ngô như một đứa trẻ mà để chúng ta giữ bình tĩnh – thì cuộc sống chắc hẳn sẽ hạnh phúc và mãn nguyện lắm!
Trên thực tế, 90% những điều chúng ta lo lắng là chưa bao giờ xảy ra, chỉ 10% có thể xảy ra. Chúng ta thật sự đang dành thời gian và năng lượng của mình cho những điều mà chúng ta lo sợ có thể xảy ra. Theo hiệu ứng Pygmalion, hay còn gọi là Lời tiên đoán tự trở thành hiện thực, chúng ta vô tình mời gọi những tình huống đáng sợ đến với mình!
Ngay ở giai đoạn tưởng tượng những điều tồi tệ, bạn hãy nhắc nhở bản thân rằng nếu mình lo sợ điều này, mình đang gia tăng khả năng xảy ra của nó. Thay vào đó, bạn hãy tưởng tượng ra những kết quả tích cực, bắt đầu đánh giá cao hơn và tìm kiếm điều bạn có thể học hỏi từ quá khứ.
Giống như khi bạn nhấn một cái nút ở trên máy tính, thì có sự phản hồi tự động, nghĩa là bạn đã cài đặt một chương trình cho nó. Nếu không thích sự phản hồi tự động này, bạn có thể cài đặt lại bằng cách:
1. Thừa nhận rằng nỗi sợ là sự sáng tạo của bạn. Chính những suy nghĩ của bạn về tình huống tạo ra cảm giác sợ hãi, không phải tình huống khiến bạn sợ.
2. Phản hồi khác đi. Từ những tình huống nhỏ, bạn hãy tập có những cách phản hồi mới. Như trong trường hợp mất việc, bạn có thể xem đó là cơ hội để đổi nghề hoặc theo đuổi ước mơ của mình.
3. Chậm một chút! Hãy sống một ngày trong “chế độ chậm” và nhận ra bạn đang suy nghĩ gì trước mỗi tình huống. Chỉ cần bạn quyết tâm sống như vậy cho dù điều gì xảy ra vào ngày hôm đó thì bạn sẽ dễ dàng nhận ra cách phản hồi của mình, từ đó có thể thay đổi hoặc điều chỉnh để trở nên tốt hơn.
Mọi sức mạnh đều nằm trong tay bạn!
12
Hạ hỏa cơn thịnh nộ
Mới sáng sớm, bạn vừa đẩy xe ra khỏi nhà. Đột nhiên ai đó chạy xe gắn máy chạy cắt ngang đầu xe của bạn, khiến cả bạn và chiếc xe ngã sõng soài trên đường... Anh ta vẫn cắm đầu chạy, còn bạn thì bực bội. Bạn nghĩ “Đồ điên... đồ ngạo mạn... đồ...!”.
Chị hàng xóm quét đường gần đó vội chạy đến đỡ xe giúp bạn. Chị cho hay rằng người thanh niên chạy xe ẩu ấy là anh A, nhà ở cuối đường. Vợ anh ta vừa bị tai nạn trên đường đến công ty, và đang được cấp cứu ở bệnh viện. Chỉ một giây, cơn giận trong bạn tan biến. Nó chuyển từ bực tức đến thấu hiểu và cảm thông. Bạn điềm tĩnh lại và gửi những suy nghĩ đầy hy vọng cho vợ anh A.
Giải mã cơn giận
Chỉ một thông tin ngắn thôi cũng có khả năng làm thay đổi hướng suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Có thể bạn cho rằng đó là “sức mạnh của thông tin”, nhưng không phải thế. Đấy chính là sức mạnh của suy nghĩ – được giải mã và hồi đáp từ trong tâm trí bạn.
Sự kiện/thông tin ⇒ Suy nghĩ ⇒ Giải mã ⇒ Thái độ (Hồi đáp qua cơ thể/tinh thần, cảm giác & động cơ) ⇒ Hành động ⇒ Kết quả ⇒ Bằng chứng (củng cố thêm cho cách nghĩ ấy)
Mặc dù hầu hết chúng ta đều tin chắc rằng những gì chúng ta nhìn thấy ở “bên ngoài” là thật, nhưng thực tế là chúng ta không nhìn thấy hết thực tại, mà chỉ nhìn thấy một hình ảnh về thực tại đã được thiết lập trong tâm trí chúng ta. Hình ảnh “bên ngoài” là người kia đã đụng vào bạn, nhưng hình ảnh ấy lại được giải mã bằng kinh nghiệm, niềm tin, trạng thái, ý định và cả kỳ vọng của bạn rằng họ phải dừng lại để xin lỗi, để giúp bạn, thậm chí là phải bồi thường... cho bạn. Tuy nhiên hình ảnh “bên ngoài” ấy lại không diễn ra như mong đợi của bạn, do đó bạn nổi giận.
Quy trình suy nghĩ, giải mã và hồi đáp diễn ra nhanh đến nỗi chúng ta có cảm giác như mình không còn cách nào khác ngoài việc phản ứng theo sự kích động trong tâm trí. Chúng ta cần phải làm chậm quy trình này, thậm chí phải nhìn nhận lại và có sự lựa chọn khác đi ngay từ cấp độ suy nghĩ.
Sau đây lại là một tình huống khác:
Đứa con gái của bạn thường đi học về lúc 7 giờ tối. Mâm cơm đã được dọn sẵn. Bạn ngồi xuống và chờ nó về là ăn. Song, đã 7 giờ rưỡi mà nó vẫn chưa về. Bạn cảm thấy thế nào? Lo lắng, sợ hãi. Đến 8 giờ nó vẫn chưa về? Bạn hoảng sợ. 11 giờ nó vẫn chưa về? Bạn hoảng loạn. Mãi đến 11 giờ rưỡi nó mới mò về. Bây giờ, bạn cảm thấy thế nào? Nó hớn hở chào tạm biệt đám bạn của nó, chạy vào nhà, ôm chầm lấy bạn và còn hôn lên má bạn nữa. Bạn cảm thấy thế nào?... Tức giận!
Nếu dành thời gian để tự suy ngẫm và nhận thức về bản thân, bạn sẽ dễ dàng nhận ra cơn giận của mình bắt nguồn từ đâu và nó ảnh hưởng như thế nào đến trạng thái tinh thần, sức khỏe và các mối quan hệ của bạn.
Mike George, tác giả của quyển sách “Từ giận dữ đến bình an”, cho rằng “Khi tức giận, chúng ta phạm phải ít nhất là ba điều tồi tệ. Thứ nhất, chúng ta đã mất khả năng kiểm soát bản thân – vì đã để cho cảm xúc chi phối lấy mình. Thứ hai, chúng ta hoàn toàn mất lý trí khi để cho cảm xúc giết chết khả năng suy nghĩ logic và tích cực. Thứ ba, chúng ta đang cố gắng để làm cái điều mà nắm chắc sẽ thất bại, nghĩa là thay đổi điều không thể thay đổi – đó là quá khứ và người khác”.
Tức giận kích hoạt phản ứng “chiến đấu” hoặc “bỏ chạy” cho cơ thể và có thể gây ra cao huyết áp, bệnh mạch vành, chứng đau nửa đầu, đau đầu, trầm cảm, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, cơ bắp co thắt, bệnh về da, thậm chí còn dẫn đến bệnh ung thư... Nó còn trở nên tệ hại hơn nếu nỗi tức giận của người lớn hướng tới trẻ nhỏ vì khả năng tự vệ của trẻ rất hạn chế. Trẻ em dễ bị tổn thương và mất đi lòng tự trọng của mình do những hành vi, lời nói cay nghiệt từ người lớn.
Một doanh nhân thành đạt ở Thành phố Hồ Chí Minh đã đến nhờ chúng tôi giúp đỡ. Anh luôn cho rằng mình phải “hơn mọi người” dù đã rất giàu, có vợ và hai con. Cảm giác “hơn người” ấy khiến anh trở thành một người nghiện rượu và trở nên độc đoán với vợ con. Khi được hỏi suy nghĩ này bắt đầu từ đâu, anh cho rằng hồi nhỏ cha anh đã phải làm lụng vất vả để nuôi cả gia đình. Ông rất hay tức giận và mắng chửi anh khi anh phạm sai lầm “Đồ vô dụng... Tại sao tao lại sinh ra một đứa con vô dụng như mày?...”. Những lời nói ấy đã khắc ghi trong trí não non nớt của anh, khiến anh luôn chứng tỏ bản thân phải giỏi hơn mọi người.
Làm gì khi cái nút “tức giận” trong ta bị nhấn?
Mỗi khi cái nút “tức giận” bị nhấn, tôi có thể nhấn nút TẠM DỪNG để tự hỏi xem tôi có đang làm cho cuộc sống của mình trở nên quá nghiêm trọng không? Liệu tôi có nên nhìn sự việc một cách nhẹ nhàng hơn không?
Đôi lúc chúng ta cần phải TẠM DỪNG tới 5 phút, 5 ngày hoặc lâu hơn. Nếu cần, chúng ta có thể nói trong trạng thái bình tĩnh rằng “Mình sẽ quay lại chuyện này sau”.
Nuôi dưỡng sự hài lòng
Không ai có thể vừa biết ơn lại vừa tức giận, do đó bạn hãy tập trân quý, đong đếm những điều tốt đẹp xảy ra với mình và nhận ra những điểm tốt ở mọi người.
Chuẩn bị trạng thái cho cả ngày
Sáng sớm
Mỗi buổi sáng bạn hãy ưu tiên soạn một bản nhạc nền cho những suy nghĩ mà bạn muốn bật lên trong chiếc “đài” tâm trí mình cả ngày, chẳng hạn như lòng nhiệt tình, niềm vui, hạnh phúc, khoan dung, hài lòng... và nhiều bản nhạc khác nữa.
Trong ngày
Thỉnh thoảng bạn hãy dừng lại giữa những lần gặp gỡ, những lần điện thoại, những lần dùng internet, thậm chí cả những lần đi vệ sinh... để kiểm tra xem bạn có thể làm khác đi không. Không phải làm tốt hơn mà làm khác đi!
Nếu nhận thấy có điều gì đó mà bạn không thích, hãy dừng lại và tự hỏi “Tôi có thể làm gì nếu tôi là họ?”. Có thể bạn không hiểu rõ toàn bộ câu chuyện, mà chỉ có một ý niệm mơ hồ nào đó. Cách làm này định hướng lại cho tâm trí bạn để ngăn nó “bắt cầu” nối từ ác cảm đến tức giận, và mở rộng sự hiểu biết của mình. Bạn không đè nén, mà là đang phong tỏa “hạt giống” tức giận trước khi nó nẩy mầm. Để lấy lại trạng thái, bạn hãy mở lại bản nhạc ĐỊNH HƯỚNG hồi sáng và tập trung suy nghĩ của mình vào đó.
Vào cuối ngày
Hãy tự kiểm tra bằng hai câu hỏi:
1. Tôi có thể làm gì khác đi?
2. Tôi đã học được gì hôm nay?
Hai câu hỏi này sẽ thể hiện phép mầu nhiệm của nó trong việc giữ cho bạn hòa điệu với bản nhạc mà bạn đã thiết lập lúc sáng. Nó giúp bạn bộc lộ những điều tốt đẹp nhất ở bản thân và chuyển hóa những điều mà bạn không còn muốn nữa.
Tức giận có thể biến nỗi bực dọc thành cơn thịnh nộ, đến mức rất khó kiểm soát hành vi. Lúc này, tức giận có thể gây hại cho bản thân và người khác. Sau đây là những phương pháp đơn giản giúp kiểm soát cảm xúc nóng giận, được trích từ buổi nói chuyện của Mike George.
1. Bực bội
Bạn bực bội khi con người hay sự việc nào đó diễn ra không theo ý muốn. Chẳng hạn, khi chiếc máy tính của bạn bị treo, chiếc xe ở đằng trước chạy hơi chậm cản trở bạn, hoặc ai đó đang gõ lóc cóc ngón tay trong phòng làm mất sự tĩnh lặng.
Giải pháp: Hãy nuôi dưỡng lòng kiên nhẫn, tập giữ bình tĩnh dù bất kỳ chuyện gì đang diễn ra. Chấp nhận với thái độ chân thành rằng mọi sự vật và con người đều tồn tại theo quy luật riêng. Nếu bạn bị ai đó quấy nhiễu, bạn có thể yêu cầu họ ngưng lại hoặc phớt lờ họ đi.
2. Thất vọng
Bạn thất vọng khi sự việc diễn ra không đúng với kỳ vọng và dự tính của bạn.
Giải pháp: Hãy chấp nhận cách mọi việc đang diễn ra và học hỏi từ quá khứ. Học cách sống trọn vẹn với hiện tại.
3. Oán giận
Bạn oán giận những người mà bạn nghĩ rằng họ đã lăng mạ hay xúc phạm đến bạn.
Giải pháp: Không phải lời nói của người khác làm tổn thương bạn, mà do cách bạn phản ứng và suy diễn đối với những lời nói ấy gây nên. Đừng bận tâm đến những lời người khác bàn tán về bạn nếu như chúng không đúng sự thật.
4. Khinh thường
Từ sự phán xét của mình, bạn tỏ ra khinh thường ai đó và có thái độ không tán thành, chê trách những hành động của họ.
Giải pháp: Bản chất của con người và hành động của họ là hai mặt khác nhau. Mỗi người đều hành động theo những niềm tin của riêng mình. Có thể niềm tin của bạn không giống với người khác, nhưng không phải vì vậy mà bạn có quyền phán xét. Hãy quan sát và rút kinh nghiệm cho bản thân nếu chúng ta nhận thấy người khác đang mang niềm tin sai lầm.
5. Thịnh nộ
Cơn thịnh nộ bùng phát dựa trên thói quen phản ứng tức giận trước hành động của người khác, những hành động mà bạn cho rằng chúng cản trở bạn.
Giải pháp: Tham gia một khóa học thư giãn, hoặc tìm đến một chuyên gia trị liệu để được giúp đỡ.
13
“Át chủ bài” EQ
Nhớ lại lần gần đây nhất khi bạn bất hòa với một ai đó. Thường thì nguyên nhân gây ra bất hòa là do sự yếu kém trong cách quản lý cảm xúc của bạn hoặc của cả hai.
Vào năm 1950, một nghiên cứu tại Mỹ đã công bố rằng Chỉ số Thông minh (IQ) ở con người tăng nhẹ trong khi Chỉ số Cảm xúc (EQ) đã dần giảm xuống và giảm mạnh vào những năm gần đây. Mức độ căng thẳng, gây gổ ngoài đường phố hay những cơn nóng giận thiếu kiểm soát chính là hệ lụy của việc thiếu quản lý cảm xúc ở con người.
Hơn bao giờ hết, EQ đang cần được chú ý và thực tập để tạo ra một cuộc sống tốt đẹp ở xã hội đương đại.
Sự ra đời của các Chỉ số
Vào năm 1910, thí nghiệm đầu tiên về Chỉ số Lý trí (RI) hoặc chỉ số IQ đã được phát triển, trở thành thước đo cho sự tiến bộ ở các trường học và là công cụ đánh giá nghề nghiệp tương lai của học sinh. Kể từ đó, nó được trọng dụng rộng rãi đến hơn 80 năm sau.
Năm 1920, người ta cũng đã nói đến khả năng nhận biết cảm xúc của bản thân, của người khác và cách xử lý những thử thách một cách hiệu quả, nhưng EQ chỉ thật sự được biết đến qua cuốn sách nổi tiếng của Daniel Goleman vào năm 1995.
Đến năm 2003, một dạng trí thông minh khác cũng được khám phá và phát triển là SQ (Trí tuệ Tâm hồn), đó là nhận thức về nhân dạng đích thực, nhận ra ý nghĩa, nhận ra các giá trị cốt lõi của bản thân và có cảm nhận rõ ràng về mục đích sống. Chỉ số này đã và đang được xem là quan trọng.
So với 227 giám đốc điều hành thành công khắp châu Mỹ La tinh với 23 người thất bại, tôi nhận thấy những người thất bại gần như luôn đề cao khả năng chuyên môn và chỉ số IQ. Ở mọi trường hợp, điểm yếu chết người của họ nằm ở trí tuệ cảm xúc EQ – kiêu ngạo, quá lệ thuộc vào trí tuệ, nhưng lại không có khả năng thích ứng với những thay đổi, đôi khi bị mất phương hướng ở một số lĩnh vực và có thái độ khinh khi đối với sự hợp tác của cả nhóm.
– Daniel Goleman
Sử dụng các dạng trí thông minh đúng lúc
Cả ba dạng chỉ số đều quan trọng, tuy vậy chúng ta cần biết sử dụng đúng lúc và đúng chỗ, nếu không chúng ta sẽ tự tạo ra những hạn chế đối với đời sống cá nhân và nghề nghiệp của mình. Chẳng hạn, bạn có IQ cao, nhưng khả năng quản lý cảm xúc kém thì ý tưởng của bạn có triển vọng thế nào cũng bị hạn chế khi đưa vào thực hiện.
Theo thống kê, nhân viên sẽ làm việc tận tụy hơn cho các nhà quản lý biết cảm thông và thấu hiểu họ. Một nhà quản lý có sự quân bình tốt giữa IQ và EQ sẽ có thể đưa ra những ý tưởng tuyệt vời, đồng thời truyền cảm hứng cho những người hỗ trợ và hoàn thành nhiệm vụ.
IQ quan trọng khi giải quyết tình huống, trong khi EQ giúp ta hành xử đúng mực với những người liên quan. Cả hai chỉ số này vẫn chưa đủ để giúp chúng ta sống trong một thế giới với quá nhiều thay đổi như hiện nay. Điều chúng ta cần vào lúc này là một trạng thái ổn định và có mục đích sống rõ ràng.
Chỉ số Tâm hồn (SQ) sẽ cho ta cảm nhận an toàn, vì biết rằng ta không phải là công việc hay nhãn mác mà ta có. Khi cảm thấy an toàn với bản thân, chúng ta sẽ ít bị vướng vào những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, sợ hãi hay ganh tị; theo đó EQ cũng được củng cố mạnh hơn.
Tự chấm điểm EQ
Sau đây là 9 câu nhận định về EQ của bạn. Hãy đọc chậm từng câu và tự chấm điểm – điểm 1 cho câu trả lời “Có” và điểm 0 cho câu trả lời “Không”.
1. Tôi quản lý tốt cảm xúc bốc đồng và đau buồn của mình.
2. Tôi có thể ổn định, tích cực và sáng tạo trong cả những thời điểm khó khăn nhất.
3. Tôi suy nghĩ rõ ràng và tập trung tốt dưới áp lực.
4. Tôi hoàn thành các cam kết và giữ lời hứa của mình.
5. Tôi nhận thức rõ cảm nhận của mình và nguyên nhân khiến tôi cảm thấy như thế.
6. Tôi nhận thức mối liên hệ giữa cảm xúc của tôi với điều tôi nghĩ, nói và làm.
7. Tôi tập trung vào những ưu điểm của người khác và không bị chi phối bởi nhược điểm của họ.
8. Tôi chịu trách nhiệm cho những hành động của mình và không đổ vấy cho người khác.
9. Tôi có thể nói xin lỗi khi phạm sai lầm.
Nhìn lại những câu có điểm số là 1, bạn hãy trân trọng và đánh giá cao điều mình đã làm được. Còn những câu có điểm số 0 là những mặt bạn cần chú ý.
Theo nghiên cứu, IQ dường như là bẩm sinh và ít có khả năng thay đổi. Tuy nhiên chúng ta có thể thay đổi EQ của mình. Giống như tập thể dục để làm săn chắc cơ bắp, thì bạn cũng có thể thực tập để gia tăng EQ bằng cách vận dụng chúng thường xuyên trong các tình huống.
Trí tuệ Cảm xúc là tiền đề cho tất cả các khóa đào tạo quản lý của chúng tôi.
– Linda Keegan, Ngân hàng Citibank
Có rất nhiều phương pháp gia tăng EQ, nhưng theo tôi vẫn là thấu hiểu, đúng lúc sẽ chuyển thành sự thông thái.
Để hiểu biết thật sự, trước hết tôi cần hít thở sâu và bước lùi lại (bên trong tinh thần) trước tình huống và những người liên quan. Tôi cần tách mình ra khỏi sự vật và hiện tượng xung quanh. Khi tôi học cách quan sát và tách bạch mình với những gì đang xảy ra, tôi sẽ có thể nhìn rõ hành vi của những người liên quan và cơ chế vận hành của sự việc, thay vì để mình bị cuốn vào.
Quy trình này cũng được áp dụng tương tự cho bản thân. Nghĩa là ta cần có khả năng quan sát bản thân và những cảm xúc của mình. Ta bắt đầu nhận diện chúng bắt nguồn từ đâu, từ đó biết cách chuyển hóa chúng trước khi chúng được đưa vào lời nói, hành động. Chính sự quan sát và nhìn tận gốc rễ của những cảm xúc tiêu cực khiến ta có thể giữ được sự bình tĩnh, sáng suốt, nhờ vậy ta có thể xử trí hiệu quả trong mọi tình huống.
Cách đây vài năm, tôi có làm việc với một cô nhân viên. Cô này luôn làm mất trạng thái và hấp tấp trong công việc của mình. Lúc đầu, tôi có hơi thất vọng và cho rằng cô ấy hoàn toàn không có khả năng làm việc. Sau đó, tôi tập quan sát và được biết rằng cô ấy đã có một tuổi thơ vô cùng bất hạnh. Ký ức tuổi thơ cứ liên tục hiện về khiến cô ấy khó kiểm soát hành vi của mình.
Với nhận thức này, tôi đã thay đổi cách nhìn của mình về cô ấy. Tôi kiên nhẫn hơn và thành tâm giúp đỡ cô ấy. Chỉ sau một thời gian ngắn, cô ấy đã có thể kiểm soát tốt cảm xúc và hành vi của mình.
Bất cứ một tiến trình nào cũng cần có thời gian để hoàn thành. Chúng ta không thể kỳ vọng mình sẽ trở nên hoàn hảo sau một đêm. Tuy nhiên, bạn hãy tự đánh giá cao bản thân khi có thể xử trí một tình huống nào đó khác đi so với trước đây. Dấu hiệu cho thấy sự phát triển EQ của bạn là trạng thái bình tĩnh khi xử lý tình huống. Chính trạng thái này sẽ truyền cảm hứng cho người khác cùng chung tay hoàn thành nhiệm vụ.
Một chiếc áo có thể được vá lại khi đã rách, nhưng một lời nói cay nghiệt có thể làm thâm tím trái tim của trẻ thơ.
- Henry Wadsworth Longfellow