6
Nhận diện ảo tưởng stress
"Vì sao bạn bị stress?”
Những người ở độ tuổi 60 cho rằng nguyên nhân khiến họ bị stress là nỗi sợ tuổi già, sợ cô đơn, sợ bệnh, sợ chết; stress của những người ở độ tuổi 50 là nỗi lo về con cái, bệnh tật; độ tuổi 40 là địa vị, gia đình, con cái; độ tuổi 30 là mối bận tâm về ngoại hình, công việc, hôn nhân; độ tuổi 20 là áp lực học hành, công việc, tình yêu, thành công, nghi ngờ bản thân hoặc chán nản; còn stress đối với trẻ nhỏ là áp lực học hành, hoặc nỗi sợ bị từ chối.
Có vẻ như mỗi ngày chúng ta đều có những khoảnh khắc lo lắng, dưới hình thức này hay hình thức khác. Chúng ta có xu hướng chấp nhận đấy như là một phần vốn có của cuộc sống. Và khi những khoảnh khắc tưởng như bình thường ấy dồn tích lại, đến một lúc nào đó, đột nhiên chúng ta cảm thấy quá tải và chán sống! Dường như tất cả đều bắt nguồn từ việc hiểu sai về stress.
Những quan niệm sai lầm về stress
1. Stress là một điều tự nhiên và tích cực trong cuộc sống hiện đại
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi bộ não trong trạng thái “đánh thức cảm xúc tích cực”, thì lượng endorphin (hóa chất “hạnh phúc”) sẽ được phóng thích vào các tế bào não; khi đó chúng ta có cảm giác tích cực, tự tin và yêu thích những việc mình đang làm, vì thế đem lại hiệu quả cao.
Stress là một phản xạ của cơ chế sợ hãi, bắt nguồn từ trong tâm trí. Nỗi sợ kích thích não bò sát “chiến đấu” hoặc “bỏ chạy”. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có nhiều lựa chọn khác từ não tư duy rằng mình có thể đứng yên, mỉm cười hoặc nhảy múa...!
Lý do khiến ta không thể tìm ra những lựa chọn khôn ngoan khi phải đối mặt với những tình huống thách thức là nỗi sợ hãi. Nỗi sợ làm tê liệt khả năng đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của mỗi lựa chọn, khiến ta không thể tìm ra giải pháp đúng đắn nhất.
2. Stress là do tình huống và hành vi của người khác
Giả sử bạn bất cẩn ngồi vào một cái ghế không thăng bằng. Nó đổ và bạn ngã bị thương. Bạn sẽ làm gì trong trường hợp này? Lẽ dĩ nhiên là bạn sẽ tìm cách để băng bó vết thương cho mình.
Nhưng cùng một cái ghế ấy, ngay lúc bạn ngồi xuống, ai đó đi qua và đụng vào. Nó cũng đổ và bạn cũng bị thương. Bạn sẽ nghĩ gì trong trường hợp này? Cách xử sự của bạn có khác trước không?
Nhiều người cho rằng họ sẽ xử sự khác đi ở trường hợp thứ hai. Họ sẽ kết tội người đụng vào cái ghế khiến nó bị đổ. Tương tự như vậy, ta thường có khuynh hướng kết tội ai đó hay sự việc nào đó khiến mình bị stress. Nó giống như ảo tưởng rằng người khác phải chịu trách nhiệm cho những gì mà tôi đang phải chịu đựng và vì thế họ phải làm gì đó để giải tỏa stress này của tôi. Đây chính là cơ sở cho việc chê bai, chỉ trích, là căn nguyên gây ra mâu thuẫn, phí phạm thời gian, năng lượng, tiền bạc và hạnh phúc.
3. Stress là do công việc quá nhiều
Hầu như lúc nào chúng ta cũng bị khủng hoảng trước việc thiếu thời gian và phải chạy đua cho kịp thời hạn. Chúng ta muốn có được nhiều thứ hơn cùng một lúc, hoặc cứ mải nghĩ về quá khứ hay tương lai. Có vẻ chúng ta đang biến những điều không quan trọng thành quan trọng để né tránh những điều thật sự quan trọng, vì thế chúng ta phải hành động vội vã để cảm thấy mình quan trọng.
Nhiều người chia sẻ rằng họ không thể ngồi yên nghỉ ngơi. Họ lúc nào cũng phải hoạt động, dù đó là gọi điện cho bạn bè, đọc báo, xem phim... Thậm chí có người phải mở ti-vi để âm thanh ấy đưa họ vào giấc ngủ! Và rồi họ than vãn rằng mình không có đủ thời gian?!
Chúng ta không thể kiểm soát được cái “gấp gáp”, nhưng có thể quyết định và lựa chọn đầu tư thời gian để thực hiện những việc quan trọng.
Gỡ bỏ ảo tưởng
Một bạn sinh viên chia sẻ rằng em đang sống trong nỗi thất vọng triền miên. Em cho chúng tôi xem hai cánh tay chi chít những vết cắt của những lần tự vẫn không thành. Em nghĩ mình đang trong tình trạng không thể cứu vãn được vì mất ngủ, căng thẳng đến nỗi em không thể làm việc hay học hành gì. Sau vài buổi học tại Trung tâm Inner Space, em chia sẻ “Sau một vài buổi học ở đây, em nhận ra rằng em không hề có vấn đề gì. Nguyên nhân khiến em tuyệt vọng là thái độ tự xem mình ở vị trí nạn nhân của hoàn cảnh và những người khác”.
Chú ý một chút, bạn sẽ nhận ra hầu hết những rắc rối xuất hiện trong cuộc đời bạn đều là do bạn đang cố gắng kiểm soát những điều vốn không thể kiểm soát. Một phương pháp đơn giản để bạn có thể làm chủ bản thân đó là:
1. Ý thức rõ rằng bạn không thể kiểm soát bất cứ điều gì bên ngoài bạn. Bạn chỉ có thể ảnh hưởng đến nó.
2. Xác định những điều bạn có thể kiểm soát – như suy nghĩ, thái độ, cảm xúc và hành vi của mình.
3. Nhìn nhận điều bạn có thể ảnh hưởng và hồi đáp dựa trên những lựa chọn ở thế chủ động.
Nên nhớ: Bạn không thể kiểm soát những điều diễn ra bên ngoài nếu bạn chưa kiểm soát được điều diễn ra bên trong mình.
7
Nhận diện các mức độ stress
“Chào bạn!”
“Dạo này thế nào rồi?”
“Căng thẳng quá!”
“Mình cũng thế! Có quá nhiều chuyện xảy ra với mình...”
Đây là những câu chào hỏi thông thường ở quán cà phê, ngoài đường phố, ở nhà... Có vẻ như chúng ta luôn có những điều không hài lòng trong cuộc sống. Và khi bị căng thẳng, hầu hết chúng ta chỉ chú ý giải quyết phần ÁP LỰC trong công thức:
Stress = Áp lực/Nội lực
Càng thúc đẩy mình thì ta lại càng trở nên căng thẳng hơn! Dường như căng thẳng không bao giờ kết thúc và rồi đột nhiên ta cảm thấy kiệt sức, mất hết động lực và niềm vui trong cuộc sống.
Hiệu quả cá nhân được phát huy khi ta ở trong trạng thái tinh thần minh mẫn, có thái độ và mục đích sống rõ ràng. Khả năng này bị mất đi khi ta cảm thấy đau đớn về mặt cảm xúc hay tinh thần. Bất kỳ cơn đau nào cũng là dấu hiệu báo động cho ta biết có điều gì đó không ổn và đòi hỏi ta phải thay đổi. Giống như khi bạn ăn gì đó và bị đau bụng, thì cảm giác khó chịu ấy báo cho bạn biết món ăn này không hợp với cơ thể của bạn.
Tương tự, stress cũng là một hình thức đau đớn, được trải nghiệm ở ba mức độ – cảm xúc, tinh thần và thể chất.
1. Mức độ thể chất
Trước một tình huống nguy cấp thật sự như sự tấn công của một con chó dữ, thì stress là phản ứng tự nhiên của cơ thể, với những triệu chứng thể lý như suy nghĩ nhanh, tim đập mạnh, huyết áp tăng, tất cả các cơ căng lên, thở gấp, đổ mồ hôi tay, lượng đường trong máu tăng và axít tiêu hóa tiết ra trong dạ dày để sẵn sàng đưa chúng ta vào hành động. Sau đó, chúng ta có cảm giác choáng váng, kiệt sức.
Căng thẳng này sẽ nhanh chóng qua đi, và chúng ta cảm thấy bình thường trở lại ngay sau đó. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, những tình huống nguy cấp thật sự hiếm khi xảy ra. Hầu hết những nguy cấp ấy chỉ là sự tưởng tượng trong tâm trí ta mà thôi.
2. Mức độ tinh thần
Mike George, một diễn giả người Anh, đã nói trong chủ đề “Tự do, Bình an và Hạnh phúc” của mình rằng “Các bác sĩ đã công nhận có tới 75% đến 95% các ca bệnh do họ chữa trị bắt nguồn từ căng thẳng tinh thần. Một trong những ví dụ điển hình chính là chứng đau đầu. Ước chừng có khoảng 98% các ca đau đầu là hệ quả trực tiếp từ stress hoặc áp lực. Khi chúng ta cảm thấy mình đang phải chịu nhiều áp lực, vùng mắt và các cơ xung quanh đầu căng lên, bộ não phải làm việc quá tải vì suy nghĩ nhiều và nhanh, nên chúng ta cảm thấy đau đầu”.
Ước tính trung bình con người có khoảng 30.000 đến 50.000 suy nghĩ mỗi ngày. Phần lớn những suy nghĩ này là về quá khứ hoặc những lo lắng về tương lai. Khi bị stress, chúng ta có tới 80.000 suy nghĩ mỗi ngày. Suy nghĩ quá nhiều và nhanh khiến chúng ta cạn kiệt năng lượng.
Suy nghĩ ⇒ Cảm xúc ⇒ Ý định ⇒ Lời nói/hành động ⇒ Kho ký ức ⇒ Suy nghĩ
Khi suy nghĩ là tiêu cực, nó sẽ dẫn đến cảm xúc, ý định và hành động tiêu cực, sau đó trải nghiệm về nó được lưu vào kho ký ức, từ đó lại tạo ra suy nghĩ tiêu cực.
3. Mức độ cảm xúc
Suy nghĩ ám ảnh về một điều gì đó khiến ta cho rằng nó là nguyên nhân gây ra áp lực cho mình. Sau đó, chúng ta cảm thấy căng thẳng và nặng nề, kèm theo cảm giác đau khổ hoặc trào dâng dưới dạng một cơn cáu giận, khó chịu, lo lắng, trầm uất. Những cảm xúc tiêu cực này xảy ra hàng ngày và trở thành mãn tính, khiến ta luôn sống trong vội vã, hoảng hốt và rối loạn. Một tình huống căng thẳng trong khoảng thời gian dài như mối quan hệ không hạnh phúc... có thể dẫn đến trầm cảm.
Một số dạng stress mãn tính xuất phát từ tổn thương tâm lý và những trải nghiệm đau buồn thời thơ ấu. Nó ảnh hưởng đến nhân cách và tạo ra lối sống “co lại” của người bệnh. Họ luôn có cảm giác một điều gì đó khủng khiếp sắp xảy đến với mình. Triệu chứng của stress mãn tính có thể dẫn đến các bệnh như rối loạn hệ miễn dịch, đau đầu kinh niên, đau nửa đầu, đau ngực và đau tim.
Đánh thức sự sáng suốt
Hãy nghĩ đến điều có ý nghĩa nhất trong cuộc đời bạn... Bạn cảm thấy thế nào? Có phải bạn đang thấy mình như được tiếp thêm năng lượng?
Công cụ để thay đổi trạng thái tinh thần là suy nghĩ. Luồng chảy suy nghĩ trong tâm trí chúng ta giống như những dòng xe chạy trên đường. Hệ thống đèn báo hiệu ĐỎ - VÀNG - XANH giúp chúng ta chạy an toàn. Tương tự, chúng ta có thể sử dụng hệ thống đèn báo hiệu này đối với luồng “giao thông” SUY NGHĨ của mình trước mỗi tình huống, bằng cách:
DỪNG: Suy nghĩ hay hành động mà bạn đang có.
HÍT THỞ: Chú ý vào hơi thở của bạn. Hít thở chậm và sâu.
NGHĨ: Điều gì đang xảy ra?
Có đáng để mình bận tâm không?
Có cách giải quyết nào khác không?
8
Sống không stress
Hãy đọc thật nhanh và trả lời câu đố sau:
Có những quả chuối trên một cây dừa cao. Con khỉ, con sóc, con hươu cao cổ và con gà - con nào hái được chuối?
Các học viên ở lớp học Sống không stress thường trả lời rất nhanh là con khỉ, vì theo họ con khỉ thích ăn chuối và lại nhanh nhẹn. Còn câu trả lời của bạn là gì?
Có vẻ chúng ta đang sống vội vã hơn, muốn có được nhiều thứ hơn. Ngôn ngữ phổ biến ở công sở, trong trường học, ngoài đường phố và thậm chí ở cả trẻ nhỏ là “Tôi bận lắm”. Rõ ràng chúng ta đang trong tình trạng không đủ thời gian để nghỉ ngơi vì hầu như lúc nào tâm trí cũng bận rộn với quá nhiều suy nghĩ, do đó thiếu tập trung, có cảm giác bất ổn và mất dần khả năng sống hòa thuận, hạnh phúc. Sau đó, chúng ta đổ thừa và trách cứ hoàn cảnh hay người khác vì đã không thấu hiểu những vấn đề mà chúng ta đang phải chịu đựng.
Khi cảm thấy stress, hầu như mọi người đều nghĩ đến việc thay đổi hoàn cảnh bên ngoài, như đi nghỉ mát, uống rượu, mua sắm, thay đổi công việc, mối quan hệ, đi spa, giải trí hoặc làm việc nhiều hơn, đạt được nhiều thứ hơn... Khi những thay đổi này suôn sẻ, chúng ta cũng giải tỏa được phần nào sự nặng nề của mình.
Stress = Áp lực/Nội lực
Stress là nhận thức của chúng ta về mức độ áp lực (mối nguy) lớn hơn khả năng hồi đáp (sức mạnh nội tâm) của mình. Vấn đề không nằm ở sự việc bên ngoài hay người khác, mà ở sức mạnh nội tâm. Khi tôi mạnh mẽ và đứng ở thế chủ động, thì không điều gì có thể là áp lực đối với tôi. Nhìn nhận sự việc theo hướng tiêu cực và nóng vội luôn là nguyên nhân dẫn đến lo sợ. Khoa học đã chỉ ra rằng bộ não con người được tạo thành bởi 3 phần khác nhau:
Não cảm xúc có vai trò phân tích trạng thái cảm xúc. Nó hoạt động như một tổng đài điện thoại, tiếp nhận dữ liệu từ tâm trí và phân loại. Nếu dữ liệu được nhận diện là nguy cơ, nó sẽ chặn đường vào não tư duy và chuyển nhanh sang não bò sát để hành động. Nếu dữ liệu được nhận diện là cơ hội, nó sẽ truyền sang não tư duy để có chiến thuật hành động khách quan.
Não bò sát với bản năng “chiến đấu” hoặc “bỏ chạy”. Với thông điệp là “nguy cơ” được báo từ não cảm xúc, mọi nguồn lực từ bên trong cơ thể được huy động: suy nghĩ nhanh, tim đập nhanh hơn để bơm máu khắp cơ thể, huyết áp tăng, hơi thở dồn dập và các cơ căng lên để có thể chuyển động nhanh, hiệu quả trong việc sống còn.
Não tư duy có khả năng tư duy logic, sáng tạo, khách quan và thấu hiểu.
Trong nguy hiểm, ai cũng đều tìm cách sống sót. Đó là bản năng. Nạn nhân cảm thấy hoảng loạn đến quên cả ý thức thông thường và chỉ hành động theo bản năng (phản xạ) để sống sót. Đấy là một chiến thuật tốt để cứu mạng mình.
Nhưng trên thực tế, các nguy cơ hầu như chỉ mang tính tưởng tượng – ví dụ, cảm thấy lo lắng khi bị muộn giờ, bực bội khi bị kẹt xe, lo sợ không hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn, lo con cái bị hư hỏng, lo nghèo đói... Nguồn năng lượng này bị ứ đọng trong cơ thể, dẫn đến nhiều bệnh về thể lý và tinh thần như đau đầu, huyết áp cao, tim đập nhanh và có cảm giác hồi hộp, dễ bực bội, cáu gắt, hay chỉ trích, hoảng sợ dẫn đến rối loạn tiêu hóa và loét dạ dày...
Stress là một phản xạ của cơ chế sợ hãi, bắt nguồn từ trong tâm trí. Quản lý stress thường đơn giản là thay đổi cách suy nghĩ của mình.
Thủ thuật W.W.W. (CHỜ, QUAN SÁT, KHÔN NGOAN) cho não cảm xúc một cảm nhận an toàn để kích hoạt phản hồi từ não tư duy. Chờ nghĩa là chúng ta không cần phải đưa mình vào áp lực về mặt thời gian. Phản ứng vội có thể giải quyết được vấn đề, nhưng lại làm tổn thương đến cảm xúc của người khác và có thể gây thêm rắc rối. Do vậy, suy nghĩ kỹ rồi mới hành động luôn là cách an toàn. Quan sát cho bạn thế đứng khách quan để có thể điều chỉnh cách phản hồi của mình tốt hơn. Thủ thuật này tạo khoảng cách vừa đủ để ta nhận thức rõ ràng hơn về những giá trị cốt lõi của mình. Ta nhận dạng rõ những nhân tố ảnh hưởng đến trạng thái tâm trí của mình.
Với thủ thuật W.W.W. này, bạn sẽ tư duy logic cho câu đố trên là: cây dừa thì không thể nào mọc ra quả chuối, vì thế không con vật nào có thể hái được chuối!
9
Nghệ thuật thư giãn
Hàng ngày chúng ta đón nhận rất nhiều thông tin quảng cáo hứa hẹn mang đến cho chúng ta sự bình tĩnh, thư giãn... chẳng hạn như ghế massage, chính sách bảo hiểm, máy pha cà phê... Chúng ta tin rằng sự thoải mái có ở ngoài đó, bên ngoài chúng ta và chúng ta cứ mãi bị lừa! Bởi stress vẫn đang gia tăng ở khắp nơi.
Ở Việt Nam chưa có con số thống kê chính xác về số người bị stress, nhưng ở Mỹ thì stress và lo âu đang được báo động nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hơn 40 triệu người. Vì vậy, hơn lúc nào khác, chúng ta cần phải tìm cách để quay trở về trạng thái bình tâm, thư thái.
Điều đáng mừng là ta có thể quay trở về trạng thái thư thái bởi nó nằm ngay trong ta. Ta KHÔNG cần dùng tiền để mua nó. Thực tế nếu bạn cố mua cho được sự thư giãn, bạn có khả năng bị stress trầm trọng hơn!
Tại sao trạng thái thư giãn lại là trạng thái tự nhiên của con người? Hãy nhớ lại khoảnh khắc bạn cảm thấy thư giãn, bạn sẽ thấy tim đập chậm, máu huyết lưu thông dễ dàng, tâm trí sáng suốt, suy nghĩ của bạn là tích cực và trong tầm kiểm soát... Trong khi đó, stress có thể dẫn dến tử vong, tim bị dồn nén, tâm trí ngập tràn những suy nghĩ lãng phí và ngoài kiểm soát…
Do vậy, ta chỉ cần loại bỏ những gì trái với tự nhiên, đó là stress và căng thẳng để quay về trạng thái tự nhiên, đó là thư giãn và bình yên. Sau đây là 5 công cụ đơn giản mà bạn có thể áp dụng hàng ngày.
Công cụ 1: Bắt đầu một ngày mới
Bao nhiêu người trong chúng ta thức dậy với ý nghĩ “Ồ, tôi muốn ngủ tiếp” hoặc “Hôm nay mình có quá nhiều việc phải làm!”. Giống như bữa ăn sáng được xem là bữa chính trong ngày, thì những suy nghĩ đầu tiên trong ngày cũng là nền tảng cho trạng thái, suy nghĩ và cảm nhận của chúng ta. Dành 5 đến 10 phút mỗi buổi sáng để dạo bộ và tập những bài thư giãn. Bạn có thể tham khảo lời dẫn thư giãn sau:
Ngồi thoải mái, thả lỏng các cơ ở đôi bàn chân, cơ bụng, ngực, cổ, đầu... hít vào một hơi thật sâu và thở ra…
Hãy hình dung một luồng ánh sáng bình an màu hồng đi vào bạn từ lòng bàn chân, đến cẳng chân, bụng, ngực… tràn ra hai cánh tay, bàn tay… lan tỏa lên cổ, đầu và khắp gương mặt…
Toàn thân bạn lắng dịu… thư giãn và bình an… Bây giờ, giữ lấy cảm nhận về bình an và đưa sự chú ý của bạn quay về căn phòng nơi bạn đang ngồi…
Công cụ 2: Quản lý thời gian
Hoạch tính thời gian vừa đủ để bạn hoàn thành những việc cần làm, chẳng hạn như lái xe đi làm mà không vội vã. Nếu đi làm sớm hơn 5 đến 10 phút, bạn có thể lái xe thong thả. Cho dù bị kẹt xe thì bạn vẫn có thể bình tĩnh và chấp nhận tình huống xảy ra. Bạn có thể vừa đi, vừa chiêm nghiệm một suy nghĩ tích cực nào đó. Đấy có thể là một phẩm chất hoặc một trạng thái mà bạn muốn củng cố.
Công cụ 3: Buông điện thoại, máy tính, iPad và ti-vi
Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự “kết nối” điện tử diễn ra ngày càng mạnh, do vậy cần phải tỉnh táo để sự “kết nối” ấy không làm chủ và gây hại đến trạng thái tinh thần của chúng ta.
Giám đốc Whybrow, đồng thời là một bác sĩ tâm thần ở Viện Nghiên cứu Sức khỏe Tâm thần ở Mỹ cho rằng “Máy tính đang là một dạng cocaine điện tử đối với nhiều người. Bộ não con người tìm kiếm phần thưởng ngay lập tức”, và nó nằm ở internet, điện thoại… mọi thứ đang bủa vây chúng ta với nhiều căng thẳng, lo lắng.
Đảm bảo rằng mỗi ngày bạn dành ra vài giờ KHÔNG ở cùng với những “người bạn” kim loại này. Chúng KHÔNG nhất thiết cùng bạn đi khắp nơi như thế. Buông chúng ra, rồi bạn lại có thể hòa nhập với thế giới xung quanh, có thể thư giãn và giao tiếp, có thể nhìn vào bản chất thật sự của những người bạn đang sống cùng. Bữa ăn tối không ti-vi cũng là khoảng thời gian quý báu để trò chuyện thân mật giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Gia đình có thể chia sẻ một giá trị mà cả nhà cùng thực hiện trong ngày hoặc những điều tốt đẹp đã đến với mình...
Công cụ 4: Trong ngày
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy stress manh nha xuất hiện, bạn có thể thực tập bài thư giãn để phục hồi sự điềm tĩnh nội tâm.
Ngồi thoải mái… buông những suy nghĩ về công việc trong chốc lát… Nghĩ đến một phẩm chất mà bạn muốn phát triển... Cảm nhận về phẩm chất này... Lúc đó, bạn có những loại suy nghĩ nào… cách bạn giao tiếp với mọi người... Đi sâu vào cảm nhận về phẩm chất… và đưa suy nghĩ của bạn quay trở về với công việc bạn đang làm...
Công cụ 5: Cho qua đi một ngày
Lúc này, cho dù đã làm xong công việc, thì mọi người vẫn không thể dừng dòng chảy suy nghĩ về công việc và những thách thức đã xảy ra trong ngày. Họ thường mang cả mọi thứ về nhà vào buổi tối.
Do đó, bạn hãy dành ra 5 phút để gói ghém mọi thứ trước khi ra khỏi văn phòng. Ghi nhận những điều tốt đẹp, chấp nhận những thách thức và rút ra bài học từ bất cứ sai lầm nào. Sau đó, bạn mới có thể về nhà với một tâm trí nhẹ nhàng và hoàn toàn “có mặt” đối với gia đình của mình.
Tâm trí có thể là người bạn tốt nhất nếu chúng ta học cách trò chuyện với nó và định hướng đúng cho nó. Những suy nghĩ về quá khứ và những lo lắng về tương lai không giúp tạo ra cuộc trò chuyện tốt. Thay vào đó, hãy học cách nói chuyện với tâm trí mình như thể nó là một đứa trẻ. Nói với nó bằng tình yêu thương và dẫn dắt nó đi theo hướng đúng.
Nếu bạn cứ cố ép đứa bé ngồi xuống, nó sẽ không chịu làm theo ý bạn. Tâm trí của bạn cũng thế. Do vậy, hãy trở thành người mẹ tốt đối với tâm trí, cho nó ăn những suy nghĩ tích cực, mang tính xây dựng để khi bạn bảo nó ngồi yên, nó sẽ vâng lời…