1
Hồi phục sức khỏe nhờ… “giả dược”
Khi cảm thấy không được khỏe, chúng ta thường đi gặp bác sĩ để được khám bệnh, chẩn đoán về tình trạng của mình, rồi được kê toa thuốc, kèm theo những lời dặn dò nên làm gì. Đây là một quy trình cần thiết nhằm giúp ta hồi phục sức khỏe. Trong khi đó, còn có một quy trình phục hồi khác lại thường hay bị bỏ bê, chính là sức mạnh của suy nghĩ và mường tượng.
Đã có rất nhiều nghiên cứu cung cấp vô số bằng chứng nói lên tầm quan trọng của suy nghĩ và mường tượng trong tiến trình chữa lành, cũng như trong việc phòng chống bệnh tật. Chẳng hạn như, “giả dược” có thể cải thiện sức khỏe một cách hiệu quả, dễ dàng nhận thấy mà không cần phải thông qua điều trị. “Giả dược” thường là những viên đường hoặc viên tinh bột trông giống như viên thuốc thật, được cấp phát cho bệnh nhân và họ cứ đinh ninh rằng đấy là thuốc uống thật.
Ý tưởng về một liều “giả dược” mạnh bắt nguồn từ H. K. Beecher, người đã thực hiện 24 nghiên cứu có liên quan và tính toán thấy rằng 1/3 trường hợp cải thiện được tình trạng sức khỏe là nhờ tác động của “giả dược”. Những nghiên cứu khác cũng nhận thấy “giả dược” thường cho tỉ lệ thành công trên 50%, nghĩa là bệnh nhân bình phục trở lại chỉ bằng cách uống những viên đường mà cứ tưởng mình đang uống thuốc thật. Sau đó, nghiên cứu cho thấy “giả dược” còn hiệu quả hơn khi bệnh nhân đặt trọn niềm tin vào vị bác sĩ kê toa thuốc có “giả dược” cho họ.
Vậy hiệu quả của “giả dược” đang minh chứng cho điều gì? Đó là sức mạnh của suy nghĩ trong tiến trình chữa lành. Bệnh nhân hồi phục sức khỏe nhờ vào “giả dược”, nhưng không phải do viên đường “vô bổ, vô hại” kia mà là do niềm tin và sức mạnh từ suy nghĩ tích cực của người bệnh.
Khi chúng ta bị bệnh, nếu có thực hành suy nghĩ tích cực một cách thiết thực, chúng ta có thể giảm thiểu đau đớn bằng cách hướng nhận thức của mình thoát ra khỏi bệnh tật, đồng thời gửi trao những làn sóng suy nghĩ tích cực cho căn bệnh. Sức mạnh của suy nghĩ tích cực cũng sản sinh ra hợp chất endorphin giúp giảm đau và serotonin làm cho chúng ta cảm thấy thư thái, vui vẻ, hạnh phúc hơn.
Những người có thái độ sống tích cực, biết tìm ra những điểm tốt ở bản thân, ở người khác và tình huống, rồi tập trung vào đó thì có thể sống lâu hơn 7,5 - 8,5 năm so với những ai mang suy nghĩ tiêu cực và hay phê bình, chỉ trích.
Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Sức khỏe Tinh thần ở Hà Lan đã theo dõi 464 người đàn ông lớn tuổi trong suốt 20 năm. Những người suy nghĩ tích cực có tỉ lệ tử vong do bệnh tim thấp hơn 55%.
Các chuyên gia nghiên cứu ở khoa Y, thuộc trường Đại học Pittsburgh, cho biết những người suy nghĩ tích cực có sức đề kháng đối với bệnh cảm lạnh cao hơn, người tích cực nhất ít có nguy cơ bị cảm đến 2,9 lần.
Nghiên cứu do trường Đại học Miami thực hiện về HIV/AIDS đã cho thấy mối liên hệ giữa việc suy nghĩ tích cực và sức khỏe tốt.
Trong khi đó, trường Đại học Ben Gurion ở Israel nhận thấy những người phụ nữ có tinh thần lạc quan thì có nguy cơ bị ung thư thấp hơn 25%.
Ngoài ra, nhờ vào hỗ trợ mạnh mẽ của lối suy nghĩ hiệu quả, nghiên cứu của trường Đại học Yale cho biết những người già (đã được phỏng vấn từ 23 năm trước cho đến nay) có nhận thức tích cực hơn về tuổi tác thì sống thọ hơn 7,5 năm so với những người mang suy nghĩ tiêu cực về tuổi tác. Cũng theo nghiên cứu của trường Đại học Helsinki, Phần Lan, người suy nghĩ tích cực có huyết áp thấp hơn người suy nghĩ tiêu cực.
Một trong những lý giải đơn giản nhất cho việc suy nghĩ tích cực mang lại những lợi ích to lớn về mặt sức khỏe đó là các nhà nghiên cứu tin rằng suy nghĩ tích cực giúp gia tăng sản sinh những hormone lành mạnh, có lợi và giảm sản sinh những hormone có hại. Ít nhất 75% chứng bệnh căng thẳng thần kinh là do suy nghĩ tiêu cực sinh ra. Chúng ta nhận thấy được tầm quan trọng của việc tập trung vào điều tích cực, đó như là một sự đầu tư để ngăn ngừa bệnh tật.
Giáo sư Emoto, người Nhật, đã dành ra nhiều năm chứng minh tác động của suy nghĩ đối với nước – suy nghĩ tích cực làm cho cấu trúc tinh thể nước trở nên rất đẹp, cân đối; trong khi suy nghĩ tiêu cực làm cho cấu trúc tinh thể nước không rõ ràng, mờ và xấu. Nghiên cứu này có ý nghĩa vô cùng lớn đối với chúng ta vì cơ thể con người được cấu thành từ nước, chiếm đến 75%.
Vào năm 1980, nhà tâm lý học Alberto Villoldo thuộc trường Đại học San Francisco cho biết việc thiền định thường xuyên (thiền định – nghệ thuật sử dụng suy nghĩ tích cực) kết hợp với mường tượng tự chữa lành cho bản thân đã cải thiện khả năng đáp ứng bạch cầu và tính hiệu quả của đáp ứng hormone khi thực hiện thí nghiệm về stress – nhúng một bàn tay vào nước đá. Các đối tượng nghiên cứu có thực hành thiền đã chống chọi lại với cơn đau trong quá trình thí nghiệm tốt hơn những người không thực hành thiền; 2/3 trong tổng số đối tượng nghiên cứu có thể làm máu ngừng chảy ngay tức thì sau khi thử máu bằng cách tập trung tâm trí vào tĩnh mạch trong khi rút kim ra.
Kể từ thập niên 1980, đã có rất nhiều nghiên cứu về tác động của suy nghĩ trong tiến trình chữa lành bệnh như ung thư, bệnh tim mạch và tiểu đường. Hiệu quả đã được chứng minh của việc mường tượng chữa bệnh có hai ý nghĩa quan trọng. Trước hết, nó củng cố vững chắc thêm rằng suy nghĩ có thể chữa lành. Thứ hai, mường tượng là phương pháp đơn giản mà ai cũng có thể sử dụng. Mường tượng bao gồm cả việc suy nghĩ, nhìn và cảm nhận những gì bạn muốn xảy ra.
Một khi đã hiểu suy nghĩ của chúng ta có tác động lớn ra sao đến diễn tiến của bệnh, chúng ta có thể thực hành bài tập mường tượng tích cực đơn giản như bài tập sau vào buổi sáng và buổi tối, mỗi lần từ 5 đến 10 phút.
Để giữ mình trong trạng thái tích cực suốt cả ngày, chúng ta có thể chơi “trò” tìm kiếm điều tích cực ở những người làm việc cùng mình, ở bản thân và ở tình huống ta đối mặt càng nhiều càng tốt.
2
Tầm ảnh hưởng của suy nghĩ
Có khi nào bạn dừng lại và tự hỏi mình đang nghĩ gì hay không? Nó là tiêu cực hay tích cực? Nó ảnh hưởng thế nào đến bản thân bạn và người khác?
Tìm kiếm sự yên ổn, an toàn, hạnh phúc và thành công luôn là động cơ chính của mỗi người. Thế nhưng, chúng ta lại dành rất nhiều thời gian phàn nàn về hoàn cảnh, về người khác và về chính mình. Chúng ta dễ dàng chụp mũ “Tại người này, tại hoàn cảnh này... nên tôi mới thế”.
Hầu như chúng ta không ngó ngàng gì đến suy nghĩ của mình. Ví dụ, con gái bạn bỏ học để đi làm phục vụ bàn cho nhà hàng, bạn sẽ nghĩ gì? Có phải bạn sẽ hét toáng lên trong suy nghĩ của mình rằng “Lại nổi loạn nữa ư! Muốn chọc tức tôi chắc? Sao lại không hiểu tôi đã phải vất vả thế nào vì nó cơ chứ!...”. Rồi sản phẩm “lời nói và hành động” được hình thành từ suy nghĩ ấy sẽ là gì? Chắc chắn là sẽ không mấy tốt đẹp.
Bây giờ, bạn hãy dừng lại và nhìn vào màn hình tâm trí để đánh giá xem bạn đang suy nghĩ gì? Chúng thuộc loại nào trong 4 loại suy nghĩ chính sau đây:
1. Suy nghĩ cần thiết:
Là những suy nghĩ liên quan đến những nhu cầu cơ bản, suy nghĩ về nhiệm vụ cần hoàn thành hay có những thay đổi nào đó ở các tình huống xung quanh... Chúng ta không thể tránh khỏi những ý nghĩ này, nhưng nếu lập kế hoạch để ít phải ghi nhớ thì sẽ tiết kiệm được năng lượng và thời gian.
2. Suy nghĩ lãng phí:
Là những suy nghĩ liên quan đến điều không thể kiểm soát (như quá khứ hoặc tương lai), gây mất thời gian và năng lượng của chúng ta. Những suy nghĩ này thường bắt đầu bằng “Nếu... Giá mà... Đáng lẽ... Ước gì... Mong sao...”.
3. Suy nghĩ tích cực:
Là kết quả của việc tự lựa chọn cách phản hồi trước mỗi tình huống. Loại suy nghĩ này thường có ý nghĩa, có chủ đích, hiệu quả và hữu ích. Ta tập trung vào điều ta có thể kiểm soát và thay đổi được, do vậy ta luôn cảm thấy nhiệt tình, hợp tác và hạnh phúc.
4. Suy nghĩ tiêu cực:
Là loại suy nghĩ bắt nguồn từ nỗi đau, tổn thương trong quá khứ, sợ hãi, đố kỵ hoặc thù ghét... Loại suy nghĩ này không những gây tổn hại cho sức khỏe tinh thần, thể chất, mà còn ảnh hưởng đến môi trường và người khác nữa.
Ảnh hưởng của suy nghĩ
Hình dung bạn bước vào bếp, mở tủ lạnh và lấy ra một trái xoài xanh, gọt vỏ, cắt lát vừa ăn. Bạn cầm một miếng và bỏ vào miệng. Bạn cảm thấy thế nào? Cảm thấy chua, phải không? Rõ ràng là trên thực tế bạn không hề thực hiện hành động ấy, nhưng hình ảnh bạn vẽ ra trong tâm trí (cũng là một dạng suy nghĩ) đã tạo sức hấp dẫn mạnh mẽ và trực tiếp đối với các giác quan của bạn.
Nghiên cứu cho thấy mỗi một suy nghĩ có ảnh hưởng đến 57 nghìn tỷ tế bào của cơ thể. Suy nghĩ lãng phí, tiêu cực cũng sẽ gây bệnh. Bác sĩ Prem Masand, một chuyên gia tư vấn về sức khỏe của các Trung tâm Inner Space tại Ấn Độ đã nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng: cảm giác trống trải, không lối thoát có thể gây ra bệnh ung thư; cảm giác giận dữ, hối hận gây ra các bệnh về gan; căng thẳng, chống đối và thiếu khoan dung gây ra bệnh căng cơ; lo lắng, phàn nàn, cáu gắt gây ra các bệnh liên quan đến dạ dày...
Thực hành suy nghĩ tích cực
Nhận thức: Hàng ngày bạn hãy tập nhận diện những suy nghĩ bằng việc theo dõi cảm xúc của mình, bởi vì khoảng 80% suy nghĩ của chúng ta bắt nguồn từ kho tiềm thức (những ký ức) mà không hề được nhận thức hay được lựa chọn có ý thức, và thường không được chú ý cho đến khi những hệ quả của chúng bắt đầu lộ diện. Do đó, để tránh rắc rối, chúng ta cần ý thức hơn về những suy nghĩ của mình, nghĩa là kiểm soát chúng hơn nữa.
Quan sát: Nếu bạn thấy mình đang hướng đến suy nghĩ tiêu cực (buồn chán, giận dữ) thì hãy đổi hướng... Đọc một cuốn sách, đi dạo, nghe nhạc hoặc làm bất cứ điều gì để nâng đỡ tinh thần, để cảm thấy vơi nhẹ và được khơi gợi cảm hứng mới.
Càng để ý kiểm tra suy nghĩ của mình, bạn sẽ càng có khả năng nhận ra những suy nghĩ tiêu cực/lãng phí khi chúng vừa mới manh nha. Suy nghĩ tiêu cực/lãng phí thường trồi lên từ kho tiềm thức (những trải nghiệm quá khứ). Một điều may mắn là mỗi lúc chúng ta chỉ có một suy nghĩ. Bạn không thể vừa có ý nghĩ vui và buồn đồng thời, vì vậy bạn hãy kiên quyết thay thế suy nghĩ tiêu cực/lãng phí bằng suy nghĩ khác hiệu quả hơn ngay khi nó xuất hiện.
3
Năng lượng của suy nghĩ
"Làm sao tôi có thể dừng suy nghĩ của mình?”
Tâm trí con người giống như là màn hình – những suy nghĩ, hình ảnh và cảm xúc liên tục được phóng chiếu lên đó. Suy nghĩ được tạo ra dựa vào nguồn thông tin từ bên ngoài, được tiếp nhận qua các giác quan hoặc trồi lên từ kho tiềm thức (trải nghiệm) bên trong ký ức.
Khi suy nghĩ chạy qua màn hình tâm trí, tâm trạng được hình thành, từ đó chuyển thành làn sóng rung động. Do vậy nó có thể được phóng đi thật xa và những trải nghiệm, cảm xúc quá khứ được hồi tưởng, thậm chí tương lai có thể được dự đoán.
Chẳng hạn như, bạn gặp một ai đó mà theo trực giác bạn không thích người ấy bởi họ gợi nhắc bạn về một người đã đối xử “thậm tệ” hoặc “không công bằng” với bạn trong quá khứ. Phản ứng đầu tiên của bạn là suy nghĩ “Mình không thích người này”, và bạn bắt đầu hồi tưởng lại tất cả những tình huống tương tự đã xảy ra với mình trước kia.
Bạn không chỉ nhớ ra mà còn lo sợ rằng bạn sẽ có thể bị đối xử y như thế một lần nữa. Thái độ phòng thủ xuất hiện và bức thông điệp “Mình đã ‘thấy’ kẻ thù tiềm năng và mình đang chuẩn bị tấn công”. Họ bắt được bức thông điệp này từ bạn, do đó họ cũng phòng thủ và sẵn sàng có những hành vi gây hấn. Phản hồi từ suy nghĩ ban đầu của bạn là gì? Chắc chắn sẽ đúng y như những gì bạn đã nghĩ, và rồi bạn càng có thêm bằng chứng thuyết phục để khẳng định “Thấy chưa! Họ đáng ghét mà”.
Quy trình sáng tạo từ bên trong – Suy nghĩ ⇒ cảm xúc ⇒ ý định ⇒ hành động ⇒ tác động – diễn ra nhanh đến nỗi chúng ta chỉ nhận thức được những gì xảy ra bên trong chúng ta khi nó đã ở chặng cuối cùng, đó là khi lời nói đã được nói ra, hành động đã được tiến hành. Thế đã là quá muộn!
Nếu bạn nhìn vào phản ứng dây chuyền (từ suy nghĩ đến hành động) này, chắc chắn bạn sẽ đi đến kết luận rằng vấn đề rắc rối mà mỗi người gặp phải đều là hệ quả của những suy nghĩ tiêu cực, lãng phí. Giống như Earl Nightingale đã giải thích về bí mật của cuộc sống bằng sáu từ: Bạn trở thành điều bạn nghĩ.
Nếu tôi suy nghĩ tiêu cực về bản thân, tôi cũng sẽ nhìn thấy những điều tiêu cực ở người khác và hoàn cảnh. Do vậy, không cần hỏi làm thế nào để dừng lại suy nghĩ, mà hãy hỏi “Tạo ra suy nghĩ tích cực bằng cách nào?”. Nếu vậy, bạn phải trở thành một chuyên viên kiểm tra chất lượng sản phẩm (KCS) trước khi biến suy nghĩ thành lời nói, hay hành động.
Một bài tập hữu ích là hãy luôn tự hỏi “Suy nghĩ này gợi nhắc cho tôi điều gì? Nếu tôi đưa nó vào hành động, nó có mang lại lợi ích cho tôi và cho người khác không? Liệu tôi có thể cư xử khác đi? Khác ở chỗ nào? Nếu làm khác đi, tôi sẽ cảm thấy thế nào?”. Chẳng hạn ở tình huống trên, thay vì để mình bị dẫn dắt bởi trải nghiệm quá khứ, bạn hãy tập trung vào điều bạn mong muốn, như “Để mình tìm hiểu xem người này có gì hay...”, rồi bạn sẽ thấy bạn chỉ chú ý vào việc tìm hiểu, chia sẻ và học hỏi, do vậy chủ động hơn trong giao tiếp.
Trải nghiệm quá khứ giống như tấm bản đồ chỉ đường. Chúng có thể rất hữu ích, nhưng KHÔNG phải là thực tại vì bối cảnh lúc này đã khác với bối cảnh trước kia. Giống hệt như khi bạn cầm trên tay tấm bản đồ mới nhất về nước Úc, nhưng sẽ là vô dụng nếu bạn dùng nó để dò đường khi đang ở nước Anh. Để thành công trong cuộc đời, bạn phải luôn cầm trong tay tấm bản đồ chính xác, thực sự thể hiện đúng thực tại và ăn khớp với mục tiêu, mong ước của mình.
4
Sử dụng năng lượng theo hướng tích cực
Đã bao giờ bạn cảm thấy mình không “đầy đủ” – không “đủ” thời gian, tiền bạc, cơ hội, nguồn lực...? Nếu vậy, bằng cách nào chúng ta có thể đi từ “thiếu thốn” đến “đủ”, thậm chí là “dư dả”?
Bí quyết nằm ở việc sử dụng năng lượng theo hướng tích cực. Cảm giác “không đủ” khiến ta tập trung vào sự “thiếu thốn”, nghĩa là ta đang vô tình chăm bón cho cái “không đủ” lớn hơn, và rồi ta hướng ra bên ngoài để tìm kiếm nhiều thứ mà ta tưởng có thể bù đắp cho cái “thiếu thốn” kia trong khi điều ta cần lại là cảm giác đầy đủ và dư dả.
Khi còn nhỏ, Abdul Kalam – tổng thống tiền nhiệm của Ấn Độ – rất thích leo trèo. Một hôm, Kalam chơi cùng cô em họ Tammy. Cả hai cùng trèo lên những cành cây thật cao phía sau nhà. Một cơn gió mạnh đột ngột ập đến khu làng của họ. Vừa lúc đó, cha cậu bé hét toáng lên “Bart, bám chặt vào”, và cậu đã làm theo. Cũng trong lúc ấy, cậu nghe có tiếng thét ở bên dưới. Tammy đã ngã xuống đất và bị gãy chân. Khi Kalam trèo xuống, cha cậu liền hỏi “Con biết tại sao em ngã mà con lại an toàn không?”. Cha Kalam giải thích “Lúc nãy mẹ Tammy cũng hét toáng lên với cô con gái của mình rằng ‘Tammy, đừng ngã!’, thế là Tammy đã ngã”.
Trên thực tế, tâm trí con người gặp khó khăn trong việc xử lý hình ảnh tiêu cực. Bộ não của cô bé Tammy 9 tuổi đã hình dung ra cảnh tượng “ngã” trước, sau đó mới cố gắng liên tưởng đến “đừng”. Hình ảnh “ngã” đã hiện ra trước trong bộ não của cô bé khiến cô bé buông tay.
Khái niệm này đặc biệt hữu ích khi bạn đang cố gắng phá bỏ một thói quen, hoặc thiết lập một mục tiêu. Bạn không thể hình dung không làm điều gì đó, mà cách duy nhất để hình dung đúng đó là hãy tìm một từ tích cực, khả quan cho những gì bạn mong muốn và nghĩ về nó.
Thế nào là “đủ”?
“Đủ” là cảm giác mãn nguyện, trân quý và vui hưởng cuộc sống. Đấy không có nghĩa là ta phải sở hữu nhiều thứ, mà là cảm nhận tràn đầy và dư dả trong tinh thần. Cảm nhận này sẽ cho phép ta nhìn ra khả năng và cơ hội mà ta có thể đã bỏ lỡ trước đó.
Làm sao để cảm thấy “đủ”?
1. Nhận ra rằng “đủ” (dư dả) không phải ở bên ngoài chúng ta. Cảm giác “đủ” có được khi chúng ta trải nghiệm và thể hiện những phẩm chất vốn có của mình. Của cải thật sự của chúng ta là sự bình yên, tình yêu thương và niềm hạnh phúc.
Bây giờ, bạn hãy dành ra vài phút. Bỏ qua ý tưởng “đủ” là cái gì đó mà bạn phải kiếm được và đi vào yên lặng. Liên lạc trở lại với những phẩm chất và của cải nội tâm. Chọn ra một phẩm chất và cảm nhận sâu về nó, chẳng hạn như sự bình yên.
2. Áp dụng những phẩm chất này trong mối tương giao hàng ngày của bạn. Của cải tinh thần sẽ gia tăng khi nó được cho đi. Hãy nắm bắt cơ hội để chia sẻ, ví dụ như giúp đỡ ai đó, nói ra những lời tử tế, chia sẻ điều bạn biết, có ánh nhìn rộng lượng cho người khác hoặc giữ được bình tĩnh trong tình huống trái ngang.
3. Lòng biết ơn làm cho chúng ta cảm thấy dư dả ở cuộc sống xung quanh, từ đó mở rộng trái tim và tạo cảm giác đầy đủ. Hãy tìm ra ít nhất một điều gì đó để bạn cảm thấy biết ơn hàng giờ, ví dụ như một món ăn ngon, một nghĩa cử đẹp, một bông hoa tươi hoặc một người bạn mới.
4. Hãy để quá khứ là quá khứ. Khi bị vướng vào quá khứ, chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội hiện tại để bộc lộ sự đầy đủ của mình và trân trọng sự đầy đủ xung quanh. Sống ở hiện tại làm chúng ta cảm thấy đầy đủ.
Như với bất kỳ thói quen nào, ta thường cố thay đổi bằng mọi cách. Tương tự với những phẩm chất, dù là vốn có, nhưng ta vẫn phải nhắc nhở mình và áp dụng chúng thường xuyên. Bạn có thể ghi ra những lời nhắc nhở cho bản thân và dán chúng lên bàn làm việc, trong phòng ăn, phòng vệ sinh hoặc trong phòng ngủ. Ngoài ra, bạn hãy làm quen với những người cũng đang có mục tiêu thay đổi bản thân họ theo hướng tích cực.
5
Học cách sống tích cực
Tưởng tượng bạn đang đứng ở tâm của một vòng tròn – vòng tròn cuộc đời. Quan sát xem có bao nhiêu thứ ở vòng tròn ấy ảnh hưởng đến bạn, chẳng hạn như trách nhiệm, công việc, kẹt xe, một người nhường chỗ cho bạn trên xe buýt, một lời nhận xét tiêu cực từ ai đó, một cái liếc nhìn của người đi đường, một tin nhắn trên điện thoại… Câu phản hồi của bạn là gì? Bạn có đang thật sự ở trung tâm không?
Trò tung hứng...
Hầu hết các học viên tại Trung tâm Inner Space đều ngạc nhiên với hoạt động quan sát này. Họ phản hồi rằng hầu như họ không ở tâm điểm, mà luôn bị cuốn vào trò tung hứng – hết tình huống này đến tình huống khác, hết trách nhiệm này đến trách nhiệm khác... đến nỗi họ không còn nhận ra mình là gì trong trò chơi ấy nữa.
Thực ra, bạn sống trong hai thế giới cùng một lúc: thế giới bên trong và thế giới bên ngoài. Mọi thứ diễn ra bên ngoài đều được tiếp nhận qua mắt, mũi, tai và xúc giác, sau đó được chuyển vào mô hình tâm trí để giải mã và phản hồi. Mô hình tâm trí còn được gọi là TEAM (T – Suy nghĩ; E – Cảm xúc; A – Thái độ và M – Ký ức).
Chúng ta thường bị bó hẹp bởi mô hình TEAM của những trải nghiệm quá khứ, của lối mòn nhìn nhận tình huống thiếu khách quan. Khóa học Sống tích cực tại Trung tâm Inner Space thường được mở đầu bằng câu chuyện sau:
Vào một đêm trăng sáng nọ, John Smith đang nằm trên giường. Một tên trộm nhảy vào phòng qua cửa sổ. Hắn đi ngang qua giường John Smith. Tên trộm nhìn John Smith và John Smith nhìn tên trộm. Hắn đến bên cái tủ ở gần đầu giường, mở tủ và lấy hết vàng bạc, rồi lại đi ngang qua giường John Smith, cuối cùng là nhảy ra ngoài qua cửa sổ. Tại sao John Smith không làm gì?
Các câu trả lời thường là “John Smith sợ”, “John Smith bị mù”, “John Smith nghĩ ‘của đi thay người’”... và cả lớp luôn bật cười một cách thích thú với đáp án sau cùng: “John Smith chỉ là một đứa trẻ 4 tháng tuổi!”.
Cái tên John Smith đã bẫy họ vào mô hình TEAM với SUY NGHĨ mặc định: John Smith phải là một người trưởng thành. Rồi mỗi người tự tạo ra một câu chuyện riêng theo giả định của mình, từ đó dẫn đến cách hành xử và cách nhìn nhận cuộc đời khác nhau.
Trở thành trung tâm
Mọi điều thuộc về thế giới bên ngoài không ngừng thay đổi và mang đến nhiều thử thách cho sự cân bằng của thế giới nội tâm. Nếu ta cứ để mình bị ném vào những thứ hay thay đổi bên ngoài kia, ta sẽ mất đi nhận thức về bản thân và cảm nhận về thế giới bên trong, vốn cho ta thời gian để quan sát và suy nghĩ trước khi đưa ra quyết định.
Bài tập quan sát bản thân một cách khách quan sẽ giúp bạn nhận ra rằng bạn khác với công việc, khác với gia đình và những mối bận tâm. Một nhà nghiên cứu xã hội người Úc đã mô tả thời đại của chúng ta là “thời đại của stress”. Cuộc đời chúng ta sẽ thay đổi hoàn toàn khi ta bắt đầu trở thành trung tâm, nhìn vào bên trong và nhận biết mọi thứ diễn ra ở bên ngoài đều được phản ảnh từ mô hình TEAM do ta tạo ra.
Tham gia mà vẫn tách rời
Tách rời luôn là biểu hiện của những nhà tư tưởng lớn, bởi vì chỉ khi chúng ta nhìn tình huống như là một người quan sát khách quan, ta mới có thể nhận ra đâu là sự thật.
Giống như khi một ai đó gặp rắc rối hoặc bế tắc và họ đến nhờ bạn giúp đỡ, bạn có thể dễ dàng đưa ra những giải pháp tối ưu cho họ. Điều đó không có nghĩa là bạn giỏi hay thông thái hơn họ mà bạn đang đứng ở tư thế tách rời và quan sát, nhờ vậy bạn có thể mở rộng nhận thức của mình về sự việc.
Tham gia mà vẫn tách rời là một trạng thái tồn tại, nghĩa là bạn nhận thức tôi đang hiện diện trong tình huống này, đối với con người này.
Sau đây là công thức SOS để bạn thay đổi TEAM tiêu cực, thiếu khách quan thành TEAM tích cực, khách quan:
S – Stand back (Lùi lại) để bạn không đồng nhất mình với những điều đang xảy ra ở thế giới bên ngoài; để bạn ở trung tâm, có khoảng cách vừa tầm với tình huống và theo đó bạn không bị chi phối bởi tình huống.
O – Observe (Quan sát) để bạn tách thực tế ra khỏi các giả định, quan điểm và lối suy nghĩ lệch lạc, nhờ vậy có thể đưa ra những đánh giá khách quan.
S – Steer (Lèo lái) để xác định điều bạn muốn thực thi nhằm mang lại kết quả tích cực.
Thay đổi TEAM là quy trình cần thiết cho một cuộc sống cân bằng và bạn có thể làm được nhờ vào công cụ SOS. Chúc bạn thành công!