Hiểu rõ thời kỳ quá độ để giúp trẻ trưởng thành
Trẻ ngoan luôn nghe lời bố mẹ?
Đối với ba đứa con của mình, khi chúng còn rất nhỏ, tôi đã được tặng cuốn sách viết về sự phát triển hành vi của trẻ em mang tên Từ 0 đến 6 tuổi của nhà tâm lý học người Mỹ Gesell. Nhờ đó, mỗi khi định la mắng con, tôi đều giở sách này ra đọc. Thường thì những gì con làm đều trùng với những mốc phát triển của trẻ nhỏ được nêu trong sách, vì thế không ít lần tôi cảm thấy thật may mắn vì mình chưa la mắng con.
Cách nghĩ của Gesell về sự phát triển chính là lệch về bên phải, rồi lại lệch về bên trái… Tuy có giai đoạn trẻ không chịu nghe lời, làm bố mẹ khó xử nhưng sau đó sẽ là giai đoạn trẻ khá vâng lời bố mẹ, tiếp đến lại là giai đoạn trẻ không nghe lời bố mẹ… Cho nên, những đứa trẻ luôn luôn ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ chắc chắn có vấn đề.
Điểm nổi bật ở những đứa trẻ như vậy là chúng thiếu sự hăng hái, hay nói cách khác là tinh thần tích cực hành động. Đối với nhiều bố mẹ, thiếu tinh thần tích cực hành động chẳng phải là một việc khiến họ gặp khó khăn, ngược lại là một đứa bé dễ dạy nên rất nhiều người làm bố, làm mẹ thường lầm tưởng đó là những đứa trẻ ngoan. Trong khi đó, thực tế, những đứa trẻ cư xử như người lớn, ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ, hành động chín chắn là những đứa trẻ chậm phát triển về tính chủ động, thiếu sự hăng hái.
Những đứa trẻ đó nghe lời bố mẹ vì chúng không dám làm trái ý bố mẹ, dù đó là những việc chúng không muốn làm. Chúng không hiểu vì sao chúng phải làm điều mà bố mẹ yêu cầu và các ông bố, bà mẹ cũng không giải thích vì sao chúng phải làm điều đó. Chúng chỉ tiếp nhận yêu cầu hoặc mệnh lệnh từ người lớn một cách thụ động. Đối với những ông bố bà mẹ quá nóng tính, chúng càng không dám phản kháng hay chất vấn ý muốn của người lớn. Tất cả những điều này dần dần khiến trẻ đi vào nề nếp, trở thành những đứa trẻ ngoan.
Như tôi đã đề cập ở trên, có những đứa trẻ ngoan khi đi trại hè lại có những hành động ngỗ nghịch, chọc phá, đơn giản vì chúng muốn phát tiết những điều chúng không được phép làm khi có bố mẹ ở bên cạnh.
Ở phương diện ngược lại, những đứa trẻ hăng hái, có tinh thần tích cực hành động lại thường có nhiều trò phá phách, hay phản kháng, thường đùa giỡn, trêu ghẹo, thỉnh thoảng đánh nhau với bạn bè nên đối với nhiều người bố, người mẹ, đó là những đứa trẻ khó dạy. Và các ông bố, bà mẹ trở nên hoang mang, trăn trở không biết phải làm sao cho đúng. Có thể nói, những đứa trẻ làm bố mẹ hoang mang, trăn trở lại là những đứa trẻ ngoan. Bố mẹ hoang mang như thế là vì chưa tìm hiểu về sự phát triển của trẻ nhỏ. Nếu họ tìm hiểu kỹ về sự phát triển của con thì sẽ ít hoang mang, trăn trở, từ đó biết cách hướng sự phá phách đó của trẻ thành sự phá phách tích cực, có lợi cho sự phát triển tinh thần tích cực hành động, tính chủ động, cũng như óc sáng tạo của trẻ.
Trẻ 2 – 2,5 tuổi
a) Cảm xúc và tính xã hội
(1) Vẫn chưa thể điềm tĩnh
• Trẻ vẫn hoạt động rất nhiều giống như trước đây. Trẻ chơi hết trò chơi này đến trò chơi khác, di chuyển liên tục từ bên này sang bên khác. Rất ít khi trẻ chịu ngồi yên một chỗ. Có thể gọi trẻ là hiếu động.
• Vừa mới thấy chúng say mê với những loại xe đồ chơi thì thoắt cái đã không còn thích nữa, chuyển sang thích leo trèo lên ghế, rút sách tranh từ trên kệ xuống, làm căn phòng bừa bộn lên. Dù có muốn, bố mẹ cũng không thể dọn dẹp xuể.
Nói chung, trẻ dồn hết sự hăng hái cho các hoạt động thể chất. Khi được cho phép chơi những trò thể chất đó, trẻ rất mừng rỡ. Chẳng cần thiết phải lo lắng liệu con mình có phải là đứa trẻ không điềm tĩnh hay không. Nếu quan sát kỹ, chắc chắn bố mẹ sẽ nhận ra những lúc con ngồi chơi rất tập trung.
Ngược lại, chính những đứa trẻ ngoan ngoãn, chẳng hoạt động gì, lúc nào cũng ngồi yên một chỗ mới đáng lo lắng. Vì ở độ tuổi này, trẻ không thể nào luôn yên tĩnh. Thậm chí, trẻ quá yên tĩnh, luôn phản ứng thụ động với môi trường xung quanh, không muốn phá phách, không tò mò có thể là những dấu hiệu ban đầu của bệnh lý.
(2) Biết đắc ý, biết tự hào
• Khi chơi đồ chơi, nếu trẻ làm được một điều gì đó liền tỏ vẻ đắc ý, gọi mọi người “Xem con này” và trông chờ mọi người khen ngợi.
• Khi được mặc đồ mới, đội mũ hoặc mang vớ, trẻ cảm thấy tự hào và đi khoe khắp nơi, mong được mọi người khen.
Cảm xúc của trẻ sẽ bắt đầu phát triển như thế. Tóm lại, chúng ta thấy rằng, cảm xúc đắc ý ở trẻ đã được thể hiện. Thấy con mình như vậy, nhiều mẹ lo lắng không biết đó có phải là tự cao tự đại hay không nhưng đó chỉ là một mốc phát triển của trẻ mà thôi. Bố mẹ thậm chí có thể hướng dẫn trẻ tự chăm sóc bản thân (như cho trẻ tự mang vớ, mặc quần áo) để khuyến khích tính tự lập nơi trẻ và cần khen ngợi trẻ khi trẻ làm tốt. Vì ở độ tuổi này, trẻ có nhu cầu được khen ngợi và việc khen khi trẻ làm việc tốt cho người khác (như lấy sẵn giày cho bố mẹ khi bố mẹ chuẩn bị đi làm) hoặc tự chăm sóc bản thân (như tự mang vớ cho mình, đội nón cho mình khi ra ngoài) càng là chuyện đáng khích lệ.
(3) Vẫn bướng bỉnh như trước đây
• Trẻ vẫn thường xuyên nói năng bướng bỉnh khi ở nhà.
• Trẻ thích sờ vào đồ của người lớn, hay đòi ăn bánh kẹo, muốn làm theo ý mình. Một khi đã lấy được thứ gì, bố mẹ rất khó lấy lại.
Nếu được giải thích tử tế, trẻ vẫn có thể chấp nhận một đồ vật thay thế. Chúng ta thấy rằng khả năng kiềm chế ham muốn của bản thân sẽ ngày một tốt lên ở trẻ. Nhưng trong đại đa số trường hợp, trẻ vẫn sẽ la lối đòi “Cho con, cho con”. Cần lưu ý là đối với những đòi hỏi vô lý của con, cần kiên quyết không chiều chuộng theo ý trẻ nhưng phải giải thích để trẻ hiểu vì sao bố mẹ không chiều theo.
(4) Biết trân trọng những thứ mình mong chờ
• Trẻ rất quý những đồ vật của mình (như đồ chơi). Dù món đồ đó có bẩn thì trẻ vẫn giữ gìn nó y như trước.
• Trẻ không chịu cho người khác mượn hoặc chia sẻ đồ của mình. Khi có trẻ khác đồng trang lứa đến nhà chơi, trẻ sẽ ôm khư khư đồ của mình, không chịu rời xa. Hoặc trẻ sẽ đem giấu ở một nơi nào đó. Thỉnh thoảng, trẻ cũng cho người khác mượn nhưng luôn miệng nói “Cái đó là của con” một cách lo lắng.
Chớ nên nghĩ trẻ là một kẻ keo kiệt khi thấy những hành động như thế. Đó là biểu hiện chứng tỏ ý thức về sự sở hữu đang hình thành ngày một rõ ràng. Mong rằng các bố mẹ sẽ xem trọng điều này và giúp trẻ lớn lên.
(5) Chần chừ thay quần áo
• Trẻ muốn tự mình ăn uống, thay quần áo nhưng hết sức chần chừ.
• Cho dù được mẹ hoặc người khác giúp đỡ nhưng đang thay đồ thì lại có hứng thú với việc khác nên mãi vẫn chưa thay đồ xong.
Bị mất quá nhiều thời gian nên thường các bà mẹ sẽ vừa ra tay giúp vừa mắng trẻ.
Mặc dù đang rất chần chừ thay quần áo nhưng nếu mẹ nói cho trẻ nghe về hoạt động kế tiếp (ví dụ, “Nhanh lên, đến giờ đi chơi rồi”, hay “Tới giờ ăn nhẹ rồi”) thì trẻ sẽ nhanh chóng hoàn thành việc thay quần áo.
• Khi đang thay quần áo, nếu mẹ bảo “Đợi một chút nhé” thì trẻ có thể đứng đợi tại chỗ miễn là đừng quá lâu.
• Dù bảo trẻ “Con hãy dọn dẹp đi”, trẻ vẫn cứ chần chừ không chịu dọn.
Những lúc như thế, thay vì bảo con “Mình dẹp đồ chơi đi nhé” thì nên nói những câu như “Bạn gấu về nhà ngủ thôi”, trẻ sẽ vui vẻ làm theo.
(6) Giảm mút tay
• Trẻ giảm đáng kể việc mút tay. Ban ngày, khi trẻ vui chơi, chúng ta hầu như không thấy trẻ mút tay nữa. Trẻ chỉ mút tay những lúc đói, mệt mỏi hoặc những khi thất vọng, phấn khích.
• Những lúc chơi chán, trẻ sẽ mút tay hoặc khóc để được bố mẹ dỗ dành. Cũng không ít trẻ vẫn mút tay lúc ngủ y như trước đây.
Như vậy, đặc trưng của giai đoạn này là trẻ sẽ giảm đáng kể việc mút tay vào ban ngày. Vì thế, nếu thấy trẻ vẫn mút tay nhiều như trước kia thì bố mẹ cần phải xét lại xem hoạt động của con có đang gặp trở ngại gì hay không. Ví dụ, việc chơi ngoài trời là cần thiết, bố mẹ cần tìm hiểu xem phải chăng trẻ đang bị ngăn cản các hoạt động này, hoặc phải chăng trẻ bị mẹ cự tuyệt nên không thể nhõng nhẽo với mẹ.
(7) Hiểu trẻ ngoan - trẻ hư
• Trong các hoạt động hằng ngày, bố mẹ vẫn thường hay nói “Ngoan quá” mỗi khi trẻ đi vệ sinh đúng nơi, thay quần áo nhanh chóng, v.v…
• Khi trẻ làm hỏng gì đó, hoặc khi trẻ không nghe lời, làm bố mẹ khó xử, bố mẹ vẫn thường hay nói “Hư quá”.
Rất nhiều trường hợp trẻ làm giống hệt những đánh giá “trẻ ngoan - trẻ hư” mà bố mẹ thường dành cho trẻ hằng ngày. Chính vì vậy, trước khi đánh giá “ngoan” hay “hư”, bố mẹ cần suy nghĩ thận trọng, để không đánh giá tùy tiện. Cần phải hiểu rằng trẻ đang xem những lời nói, đánh giá của bố mẹ cũng như ông bà như là thước đo đúng sai cho các hành vi của mình.
Gia đình cũng cần chú ý việc thống nhất một chuẩn đánh giá chung, tránh tình trạng bà khen “ngoan”, mẹ chê “hư”, khiến trẻ bị nhiễu thông tin.
(8) Ngày càng thân thiết với bố mẹ
• Trẻ tất nhiên rất thân thiết với mẹ, bám sát mẹ và thích ngồi trên đùi mẹ.
Những lúc như thế, vừa ngồi lên đùi mẹ vừa được nghe mẹ kể chuyện là một niềm vui hết sức to lớn đối với một đứa trẻ. Hoặc trẻ sẽ tự mình kể cho mẹ nghe những việc mình đã nhìn thấy hoặc nghe được.
• Bất cứ việc gì trẻ cũng muốn mẹ làm cho, bám chặt lấy tay mẹ. Đặc biệt những lúc khó khăn, những khi mệt mỏi thì trẻ luôn gọi mẹ.
Những lúc như thế, nếu mẹ đang nói chuyện với khách đến nhà chơi hoặc mẹ đang nói chuyện với bố thì trẻ sẽ làm mọi cách để chen ngang và thu hút sự chú ý của mẹ. Ví dụ, trẻ sẽ gọi mẹ hoặc tới nói nhỏ với mẹ điều gì đó. Hiện tượng này thể hiện rõ mối quan hệ mật thiết giữa mẹ và con. Mẹ cần phải cảm thông cho cảm xúc này của con, cố gắng nói cho con hiểu và chấp nhận chờ mẹ thêm một chút nữa. Mẹ không nên xem con là đứa trẻ phiền nhiễu mà đối xử lạnh lùng hoặc la rầy. Việc đó sẽ tổn thương đến tình cảm của trẻ.
• Trẻ chơi với bố ngày càng nhiều. Trẻ xem việc chơi với bố vui hơn hết thảy những điều khác.
Bất cứ lúc nào ở cạnh bố, trẻ cũng đến rủ “Chơi với con”, đúng không nào? Bố sẽ cảm thấy rất phiền, đặc biệt vào những lúc bản thân đang mệt mỏi, nhưng đừng quên rằng đây là thời kỳ rất tốt để phát triển mối quan hệ giữa bố và con, bố nhé!
Đây là thời kỳ trẻ rất thích nhõng nhẽo với mẹ và chơi với bố. Nhưng bố mẹ nên hiểu là trẻ không thể cùng lúc chơi với cả bố và mẹ.
(9) Ít quan tâm đến anh chị em
• Thỉnh thoảng, chúng ta cũng thấy trẻ chen vào chơi chung với anh chị, nhưng vì trẻ chưa thể đảm nhận vai gì trong trò chơi của anh chị mình, nên rốt cuộc vẫn là trò của ai người nấy chơi. Bản thân trẻ cũng chẳng mặn mà gì với trò của anh chị.
• Đối với em bé (sơ sinh), trẻ có quan tâm đến những đồ vật dùng cho em bé (quần áo, bình sữa, phấn rôm, v.v…), trẻ thường nhìn ngó và sờ vào những đồ vật ấy. Tuy nhiên, trẻ rất ít quan tâm đến bản thân em bé.
Nếu bố mẹ la mắng trẻ mỗi khi trẻ chạm vào đồ của em bé thì trẻ sẽ ghét em bé, càng nhõng nhẽo với mẹ và có nhiều phản ứng khác để tranh giành tình cảm của bố mẹ với em bé. Bố mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu tình thương bố mẹ có đủ cho tất cả, cho cả trẻ và em bé, và đứa con nào cũng là độc nhất vô nhị đối với bố mẹ. Bố mẹ cần phải nghĩ phương án cho trẻ dự phần vào những đồ vật của em và tham gia vào việc nuôi dưỡng em bé. Như vậy, sẽ khiến cho trẻ cảm thấy mình “người lớn” trước em mình và sẽ nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm của người làm anh/làm chị.
(10) Nhìn chằm chằm hành động của các bạn
• Khác với trước đây, ở độ tuổi này, khi gặp bạn đồng trang lứa, trẻ sẽ nhìn chằm chằm vào từng hành động của bạn. Tức là ở trẻ đã bắt đầu xuất hiện mối quan tâm đến bạn bè.
• Mặc dù chơi riêng nhưng trẻ vẫn ý thức về sự có mặt của bạn bè. Bạn di chuyển sang chỗ khác thì trẻ cũng di chuyển theo.
• Chạy đến ôm cho dù đó là bạn quen hay không quen.
• Sau khi trải qua giai đoạn này, trẻ sẽ cùng với bạn chơi chung một trò chơi.
Ví dụ, trẻ thấy bạn vọc cát thì cũng vọc cát theo. Ngoài ra, chúng ta có thể thấy trẻ bám theo bạn chạy lòng vòng, chạy sang bên này rồi lại chạy sang bên kia rất vui vẻ. Khi ở trong nhà, trẻ cũng có thể cùng bạn chơi tô màu trên cùng một mảnh giấy.
• Tuy nhiên, trẻ luôn giữ riêng đồ đạc, đặc biệt là đồ chơi. Trẻ không chịu cho bạn mượn đồ của mình. Nếu bạn định dùng đồ của trẻ, trẻ sẽ dang hai tay để ngăn cản. Nếu bạn vẫn tiến tới thì trẻ sẽ đánh nhau với bạn, cấu véo, cắn, v.v... Ở trẻ vẫn còn tâm lý giữ khư khư đồ của mình không cho ai mượn nhưng lại muốn giật đồ của bạn khác. Những cuộc đánh nhau giành đồ chơi diễn ra liên tục.
Những lúc đánh nhau như thế, dù bạn hiền hơn nên phải nhường đồ cho mình, trẻ cũng chẳng cảm thấy điều gì bất công ở đây cả. Tức là, dù bạn có khóc thì trẻ vẫn cứ thản nhiên giật đồ chơi và cầm chạy vòng vòng. Khi đó, mẹ của đứa bé giành được đồ sẽ cảm thấy có lỗi nên liền quay sang mắng con mình, đúng không nào? Và có lẽ mẹ của đứa bé bị giành mất đồ sẽ cảm thấy đứa bé kia thật không ngoan. Nhưng cả hai người mẹ đều đã nghĩ ngợi quá nhiều rồi. Sau khi trải qua giai đoạn này, khi trẻ khoảng ba tuổi, chúng sẽ học được cách chơi hòa đồng với bạn.
(11) Rất khó làm quen với người xa lạ
Trẻ vẫn rất khó làm quen với người xa lạ như trước đây. Khi ai đó bắt chuyện “Mời con vào”, bé sẽ ngậm tay hoặc nấp phía sau mẹ. Đó không phải là trẻ có tính rụt rè.
• Dù là người mới gặp lần đầu nhưng nếu trẻ quen với người đó thêm một chút thì trẻ vẫn có thể cho người đó mượn đồ chơi.
• Khi bố mẹ bảo “Chào tạm biệt đi con”, thì trẻ sẽ nói “Tạm biệt”. Đang chơi ở chỗ khác nhưng trẻ vẫn có thể chạy ào đến chỉ để nói “Tạm biệt”. Trong số đó, có những đứa trẻ rất tích cực, rất thích việc vừa nói lời tạm biệt, vừa giơ tay chào.
• Khi đã thân quen với một người, trẻ sẽ cảm thấy thân quen với nơi người đó ở.
Dù là phòng khám hay tiệm cắt tóc, nếu bác sĩ hay thợ cắt tóc chịu làm bạn với trẻ thì trẻ sẽ yêu mến họ. Khi đã thân với họ, trẻ sẽ không phản đối mỗi khi phải đến những nơi đó. Nếu đó là một bác sĩ mà trẻ con yêu thích thì mỗi khi cảm thấy không khỏe, trẻ sẽ nói “Con muốn đến chỗ bác sĩ”. Qua đó, chúng ta thấy được mối quan hệ dựa trên tình cảm quan trọng như thế nào đối với trẻ.
(12) Chơi đùa trở thành một phần tất yếu của cuộc sống
• Trẻ có thể tự chơi một mình trong thời gian khá dài. Trẻ có thể chơi một mình suốt hơn một giờ đồng hồ.
• Những trò chơi một mình như vậy thường là những trò có liên quan đến việc nhà, nuôi con (ví dụ, chơi đồ chơi nội trợ, cho búp bê hoặc thú bông ăn, đi vệ sinh, ủi đồ, giặt giũ v.v…).
Các bé gái thường chơi những trò ấy, nhưng các bé trai cũng thích việc cho búp bê và thú bông ăn không kém.
• Các bé trai vô cùng thích các loại xe đồ chơi. Thích xếp hàng các loại xe, thích chạy xe. Nhiều bé phát triển trò chơi của mình bằng cách chạy từ phòng này sang các phòng khác. Có trẻ nhanh chóng phân biệt được các loại xe và có thể nhớ rất lâu (như xe tải, xe buýt, xe đạp, xe lửa, xe cứu hỏa,...).
• Trẻ thường hát theo, có khi nhảy múa theo giai điệu bài hát. Khi trẻ hát, cao độ âm thanh chưa được chính xác.
Cứ như thế, những điều trẻ học được trong cuộc sống hằng ngày sẽ được triển khai trong cách chơi của trẻ. Khi xem trẻ chơi trò nội trợ, chúng ta sẽ nhận ra rằng trẻ đã quan sát kỹ và bắt chước những động tác của mẹ giống đến mức nào. Qua đó, cảm nhận được tầm quan trọng của môi trường sống quanh trẻ.
Ngoài ra, những lúc trẻ đang chơi những trò mình thích (như chơi các loại xe) là một cơ hội để bố mẹ cùng chơi với con, chỉ cho con tên các loại xe và cách sử dụng các đồ vật, vì khi đó trẻ sẽ nhớ rất nhanh với sự thích thú.
(13) Thích đi dạo, nhưng không quen đến chỗ mới
• Khi ra ngoài đi dạo, trẻ thường nắm tay người lớn.
• Ở bên ngoài, trẻ rụt rè và ngoan hơn. Nhưng trẻ rất thích đi trên những phần hẹp (như mép đường, bờ đê, v.v...). Ngoài ra, trẻ còn thích sờ vào những thứ ven đường như (cột điện, thùng rác v.v…).
• Nếu dắt trẻ đi theo hướng khác, không giống với con đường thường ngày vẫn đi thì trẻ sẽ sợ hãi và không chịu đi.
Khi dắt trẻ vào một nơi mới, trẻ chưa quen nơi này nên sẽ khóc lóc đòi về nhà. Thế nhưng, nếu có điều gì đó tạo hứng thú cho trẻ thì trẻ sẽ ngưng khóc và nhìn chằm chằm về hướng đó.
Nhiều bố mẹ bảo rằng muốn cho con vui nên mới dắt đến nơi đó chơi, nhưng con lại khóc lóc ầm ĩ. Có khi bố mẹ còn cảm thấy hết sức tức giận. Những lúc như thế, trước khi la mắng con mình, bố mẹ cần phải xem xét lại phải chăng bản thân đã chọn nhầm chỗ cho con. Đối với những địa điểm trẻ chưa từng đến (như sở thú), bố mẹ cần giải thích cho trẻ những thứ mà trẻ sẽ thấy ở nơi sắp đến, những trò thú vị mà trẻ sẽ chơi, những người bạn mới mà trẻ sẽ gặp. Như vậy, sẽ kích thích óc tò mò, sự trông đợi nơi trẻ, giảm bớt nỗi lo lắng của trẻ đối với những nơi lạ lẫm. Trẻ sẽ cảm thấy những nơi lạ lẫm không đáng sợ như trẻ vẫn nghĩ, mà ngược lại chứa đựng những điều thú vị và bất ngờ. Đây cũng là một cách nuôi dưỡng thói quen không sợ cái lạ, thích khám phá nơi trẻ, rất hữu ích cho quá trình lớn lên của trẻ.
b) Thói quen sinh hoạt
(1) Ngủ
Ngủ trưa:
• Có hôm trẻ ngủ trưa, có hôm thì không, có hôm trẻ ngủ trưa hẳn hai đến ba giờ đồng hồ. Vì thế, nhiều bố mẹ cố gắng luyện con ngủ trưa mỗi ngày nhưng đã thất bại.
Có trẻ mãi chơi không cần ngủ, cũng có trẻ phải ngủ trưa mới chịu được. Bố mẹ có thể xem đây là sự khác biệt về nhu cầu ngủ của từng trẻ.
• Ngủ trưa dậy, trẻ cứ nằm lăn lộn, mãi cũng không chịu ngồi dậy. Cũng có khi trẻ giả vờ sắp ngủ và chui vào trong chăn.
Ngủ đêm:
• Nếu ban ngày trẻ tham gia nhiều hoạt động thì tối đến, trẻ sẽ cảm thấy buồn ngủ từ khoảng bảy giờ rưỡi và trẻ có thể vào giấc một cách khá dễ dàng. Có trẻ nói “Con buồn ngủ”, cũng có những trẻ vừa ăn tối vừa ngủ.
Chúng ta có thể thấy rằng để trẻ đi ngủ sớm, những hoạt động vận động ban ngày là rất cần thiết. Những đứa trẻ ít chơi, ít vận động thì sẽ thức rất khuya. Những đứa trẻ ngủ ngày quá nhiều thì ban đêm cũng khó vào giấc. Cho nên, có những trường hợp bố mẹ nên đặt ra giới hạn thời gian ngủ ngày cho con mình. Cũng nên nghiên cứu để quy định thời gian ngủ trưa trên lớp phù hợp với tình trạng giấc ngủ của trẻ tại nhà.
• Khi đi ngủ, trẻ thích đem đồ chơi, sách tranh vào chỗ ngủ. Đó là niềm vui của trẻ. Trẻ rất thích xem sách tranh, nếu được mẹ đọc cho nghe, trẻ sẽ càng sung sướng.
• Trẻ sợ nằm ngủ trong bóng tối, nhiều trẻ yêu cầu bố mẹ để nguyên đèn sáng để ngủ.
Nếu phòng sáng quá thì sẽ rất khó ngủ, nhưng nếu bố mẹ lắp bóng đèn ngủ có ánh sáng yếu thì trẻ sẽ an tâm hơn. Và khi trẻ buồn ngủ, bố mẹ hãy đắp lại chăn cho trẻ, dém kỹ chăn để phần vai trẻ không bị lạnh, làm như thế, đa số trẻ sẽ yên tâm chìm vào giấc ngủ. Nhiều đứa trẻ lăn qua lăn lại rất lâu trước khi vào giấc.
• Có những trẻ ngủ một mạch đến sáng, không thức dậy lần nào, nhưng cũng có những trẻ đêm dậy mấy lần đòi đi tè. Cũng có những đứa trẻ vừa ngủ vừa đi tè nên cần phải mặc bỉm.
Ở giai đoạn này, sự khác biệt cá nhân giữa những đứa trẻ là rất lớn. Nếu con bạn chưa thể bỏ bỉm thì chẳng cần phải lo lắng. Cũng chẳng cần phải sốt ruột. Ngoài ra, cũng có những bé dễ dàng thức giấc bởi những tiếng động rất nhỏ.
Buổi sáng:
• Rất nhiều bé thức dậy trong khoảng thời gian từ sáu giờ rưỡi đến bảy giờ rưỡi sáng. Và sau đó, trẻ chơi một mình cho đến giờ ăn sáng.
Thời gian ngủ của trẻ như trình bày ở trên được tuân thủ khá tốt ở phương Tây. Bởi lẽ, trẻ em có phòng ngủ riêng và các gia đình đều cùng tuân thủ giờ giấc nên cũng rất dễ tuân thủ giờ đi ngủ và giờ thức dậy của trẻ. Ở Nhật Bản, có một số ngành nghề (nhất là thương mại) kết thúc công việc trong ngày rất muộn, người bố đi làm về muộn nên giờ đi ngủ của trẻ cũng muộn theo, ảnh hưởng đến giờ thức dậy của trẻ.
(2) Ăn
• Răng sữa của trẻ hầu như mọc đủ, trẻ có thể dùng lưỡi và cằm để nhai, nuốt thức ăn thành thạo.
• Trẻ thích ăn riêng từng loại thức ăn chứ không thích trộn chung.
• Trẻ nhớ tên gọi món ăn mình yêu thích và nói “Con muốn ăn…”. Hoặc trẻ sẽ nói “Không thích” để từ chối những món mình không muốn ăn.
Đừng ép buộc trẻ ăn những món trẻ không thích vì về lâu dài, sẽ khiến trẻ sợ mỗi khi đến bữa ăn. Một cách làm là hãy thỏa hiệp với trẻ để trẻ chịu ăn một ít món trẻ không thích, đổi lại trẻ sẽ được ăn một ít món mà trẻ thích. Bởi thực tế là không phải món ăn nào trẻ thích cũng bổ dưỡng (như mì gói), nhưng nếu ăn một ít và lâu lâu mới ăn thì cũng không vấn đề gì. Quan trọng là tạo cảm giác vui vẻ khi ăn.
• Trẻ ăn ngon miệng nhất vào bữa trưa. Vì thế, đừng mong trẻ có thể ăn ngon miệng ở tất cả các bữa ăn trong ngày.
Cũng có những lúc trẻ không khỏe trong người, hoặc chơi quá nhiều và mệt, trẻ có thể sẽ ăn ít hơn thường ngày. Đó là chuyện bình thường vì ngay cả người lớn cũng vậy, sẽ không có cảm giác muốn ăn khi trong người không khỏe. Do đó, bố mẹ không cần phải khăng khăng buộc trẻ phải ăn hết khẩu phần ăn mỗi ngày, cần tránh tạo áp lực khi ăn cho trẻ. Các bác sĩ dinh dưỡng cũng khuyên rằng nên cho ăn theo nhu cầu của trẻ.
• Có những bé có thể tự xúc ăn mà không rơi vãi, nhưng đa số các bé vẫn làm rơi vãi thức ăn. Ngoài ra, có những bé thấy thức ăn bị rơi vãi liền không ăn nữa. Những lúc như thế, nếu đút cho trẻ thì trẻ sẽ ăn tiếp.
• Trẻ dùng muỗng thành thạo hơn, biết dùng ngón cái và ngón trỏ để cầm muỗng và đưa đồ ăn vào miệng mà không bị rơi vãi.
• Trẻ thường cầm ly hoặc tách bằng một tay, tay kia giữ thăng bằng. Trẻ có thể uống nước trong ly và nhả ly ra. Lúc đó, nước cũng ít bị đổ ra từ hai bên khóe miệng.
Tuy nhiên, nhiều bé muốn tự mình ăn nên bảo mẹ đi sang chỗ khác. Sau khi ăn xong, trẻ sẽ gọi mẹ tới.
Các bà mẹ nên khuyến khích trẻ tự ăn, dù sau khi trẻ ăn xong là cả một bãi chiến trường phải dọn dẹp, nhưng sẽ rất tốt cho việc phát triển tính chủ động và tự chăm sóc bản thân của trẻ.
• Trẻ rất thích ăn nhẹ. Nếu muốn thêm, trẻ sẽ xin “Cho con”, nhưng nếu bố mẹ bảo “Hết rồi” thì trẻ sẽ hiểu.
Ở độ tuổi này, nếu trẻ vẫn cứ đòi “Cho con thêm” một cách dữ dội thì bố mẹ cần xem lại phải chăng từ trước đến giờ luôn chiều theo mọi yêu cầu của con. Và bố mẹ cần định ra một giới hạn và hướng dẫn để con hiểu.
• Trẻ có thể hào hứng chờ mẹ dọn thức ăn lên, cũng có khi đến bưng giúp mẹ.
Cho phép trẻ giúp đỡ những việc vừa sức cũng rất quan trọng.
(3) Tiểu tiện - Đại tiện
Đại tiện:
Hầu như luôn thành công, trẻ biết gọi báo “Con ị”. Nhưng thỉnh thoảng cũng có những lần thất bại, đó thường là những trường hợp không đại tiện sau bữa ăn.
Vì thế, ở độ tuổi này, nếu trẻ hoàn toàn không gọi báo cho bố mẹ hoặc lén mẹ chui vào chỗ khuất rồi đại tiện trong quần là những trường hợp bất bình thường. Nguyên nhân thường là vì ở những giai đoạn trước, bố mẹ nôn nóng rèn con quá sớm, khi thất bại lại đánh con. Người lớn cần chuẩn bị tâm lý để tự con thực hiện việc này.
• Thường trẻ nhờ mẹ cởi quần nhưng bé cũng có thể tự cởi.
Sau khi được mẹ cởi quần giúp, trẻ thường muốn tự mình ngồi lên bồn cầu nên bảo mẹ “Ra ngoài”, nhưng khi đại tiện xong, trẻ gọi “Vào đi” để mẹ vào giúp mình. Để trẻ cởi truồng hoàn toàn thì sẽ dễ đại tiện hơn. Một số trẻ còn đòi cởi cả áo.
Tiểu tiện:
• Có thể dạy trẻ phân biệt “đi ị” và “đi tè”.
• Trẻ có thể báo khi mắc tiểu và nhịn cho đến khi mẹ chuẩn bị xong.
• Nếu bảo trẻ “Đi tè nhé” vào một thời gian cố định trong buổi sáng, hoặc buổi chiều, hoặc trước khi đi ngủ, trẻ sẽ làm theo. Thế nên rất ít khi thất bại.
• Tuy nhiên, có khi trẻ đang mải chơi, mắc tiểu nhưng lại tập trung hết vào trò chơi nên không kịp đi. Dù trẻ tự mình cởi quần nhưng vẫn không kịp. Hoặc trẻ thất bại một lần thì sẽ thất bại liên tục nhiều lần sau đó.
Sau khi tè dầm, rất khó di chuyển nên có trẻ ngồi khóc, có trẻ lại tự mình dọn dẹp chiếc quần ướt. Thậm chí có trẻ nghịch ngợm lấy tay trây vũng nước vừa mới đi tè xong. Vì thế, người lớn cần chú ý không đổ lỗi, la mắng hoặc trêu chọc mỗi khi trẻ tè dầm.
Tiểu đêm:
• Có những trường hợp đánh thức trẻ trong đêm nên trẻ không tè dầm, nhưng cũng có trường hợp đến sáng trẻ mới tè dầm, song đa số trường hợp là hoàn toàn chưa thể bỏ bỉm vào ban đêm.
Khi bị đánh thức trong đêm, có trẻ chịu làm theo nhưng cũng có không ít trẻ rất ghét bị đánh thức và phải vào nhà xí trong đêm. Trong nhiều trường hợp, bố mẹ nên đặt một cái bô trong phòng thay vì bắt trẻ vào nhà xí, một phần để tránh làm trẻ mất giấc ngủ.
(4) Thay quần áo
• Trẻ cố gắng tự mình mặc quần áo đơn giản, đội mũ và đeo găng tay loại không xỏ ngón.
• Kết quả là trẻ xỏ hai chân vào cùng một ống quần, đội ngược nón từ trước ra sau. Nhưng trẻ không bận tâm điều đó.
Ngoài ra, khi mẹ sắp mặc cho trẻ những bộ đồ phức tạp, trẻ liền áp áo vào ngực mình, giơ quần lên, vừa được mẹ mặc quần áo cho, trẻ vừa thể hiện thái độ muốn tự mình mặc. Bố mẹ cần trân trọng và vun đắp thái độ này. Bố mẹ không nên thấy trẻ mặc không đúng mà la rầy, rồi tự mình thay quần áo cho trẻ, vì như vậy bố mẹ không chỉ tước đi cơ hội học hỏi để trưởng thành của trẻ mà còn khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương. Thay vào đó, hãy hướng dẫn trẻ cách mặc đúng và khen ngợi nếu trẻ làm tốt.
• Trẻ có thể tự mình cởi vớ cao cổ và quần. Ngoài ra, những lúc sắp ra ngoài, trẻ sẽ lấy áo khoác và mũ.
Bố mẹ cần để những vật dụng nêu trên trong tầm tay trẻ để dễ dàng cho trẻ khi tự chăm sóc bản thân.
(5) Đi tắm
• Không khó chịu mỗi khi đi tắm sau giờ chơi, giờ cơm tối.
• Khi đang được bố mẹ kỳ cọ, trẻ có khuynh hướng muốn tự mình làm (ví dụ, chà xà bông, cầm khăn tay cọ rửa cơ thể, v.v…).
Tất nhiên là trẻ chưa làm thành thạo. Nhưng bố mẹ hãy cố gắng để trẻ tự làm nhiều nhất có thể.
(6) Thói quen vệ sinh
• Mỗi sáng thức dậy, trẻ rất thích đến bên chậu rửa mặt, cùng bố mẹ đứng chải răng và rửa mặt.
Những lúc như thế, tôi muốn các bố mẹ hãy rèn luyện thói quen vệ sinh cho trẻ thông qua hoạt động mà trẻ yêu thích.
• Sau khi chơi xong, trẻ chịu để bố mẹ dắt đi rửa tay.
Những lúc như thế, trẻ rất hào hứng nghịch nước.
c) Di chuyển - Vận động - Cảm xúc
(1) Vận động
• Trẻ có thể chạy rất giỏi mà không bị ngã. Khi chạy, cơ thể trẻ có thể rướn về phía trước, cảm giác rất vững chắc.
• Khi đi, khuỷu chân và khuỷu tay của trẻ hơi gập lại, vai hơi dô lên, đánh hông rõ rệt.
• Khi nhặt đồ vật dưới sàn, khớp hông và khớp gối gập lại cùng lúc. Và khi đứng lên, đầu tiên, trẻ rướn người về phía trước, nâng hông lên, sau đó mới nâng đầu lên.
Hầu như các cử động đều giống người lớn.
• Khi nhảy, đầu gối sẽ gập lại.
Nhìn chung, trẻ sử dụng các khớp khéo léo hơn nên các cử động cũng tăng lên.
• Khi muốn ngồi lên ghế cao, trẻ sẽ đu ghế trèo lên hoặc là quay lưng lại ghế và trèo ngược lên, đặt mông lên ghế và cuối cùng cũng ngồi được đàng hoàng trên ghế.
• Khi lên xuống cầu thang, trẻ có thể tự mình leo cầu thang theo kiểu hai chân dừng lại ở từng bậc thang.
Khi đến độ tuổi này, nếu bố mẹ chú ý quan sát thì sẽ thấy có rất nhiều hoạt động bố mẹ không cần giúp đỡ trẻ nữa.
• Có thể tự mình đá banh.
• Bắt chước cầu thủ bóng chày, hai tay có thể huơ vòng vòng, trẻ còn có thể xoay tay vòng vòng từ trước ra sau. Ngoài ra, nếu cho trẻ xem các hoạt động tập thể dục thì trẻ có thể tập theo y như vậy.
• Trẻ thích chơi xích đu nhưng vẫn phải nhờ bố mẹ đặt lên, trẻ chưa thể tự mình ngồi lên và cũng chưa thể lắc mình đung đưa xích đu được.
• Trẻ có thể thực hiện các động tác có giai điệu, hoặc chạy nhảy theo nhạc, theo bài hát mà trẻ tự hát.
Vì thế, tôi mong các bố mẹ có thể cho trẻ đủ cơ hội được chạy nhảy vui đùa trong âm nhạc. Ở độ tuổi này, nếu đóng cửa nhốt trẻ suốt ngày trong nhà, hoặc bế cõng quá nhiều, không cho trẻ đủ cơ hội để vận động thì có nhiều khả năng là về sau, năng lực vận động của trẻ bị phát triển chậm.
• Nhãn cầu của trẻ có thể tự do vận động. Trẻ có thể trợn lên và liếc ngang.
Như thế, vận động mắt của trẻ đã phát triển hơn.
(2) Cảm xúc và vận động tay
• Mắt và tay trẻ phối hợp khá tốt, mắt thấy và với tay ra gần như đồng thời.
• Rất hứng thú với trò xếp gỗ. Có khi trẻ ném các khối gỗ, có khi xếp hai khối gỗ trở lên theo chiều ngang, tạo thành các loại xe và chơi với chúng.
• Biết chất sáu, bảy khối gỗ lên nhau tạo thành tháp. Nếu cho trẻ thả các khối gỗ vào trong ly thì trẻ chỉ chọn những khối gỗ lọt vừa ly để thả vào.
• Nếu nhặt được những đồ vật nhỏ, trẻ sẽ nắm chặt trong tay và chơi với chúng. Vì vậy, trẻ rất quý những viên đá, hạt thủy tinh, luôn cầm chơi bên mình hoặc là cất giữ chúng.
• Khi xem sách, trẻ có thể lật từng trang một.
Trẻ trở nên khéo léo hơn. Nói cách khác, khả năng vận động của đầu ngón tay đã phát triển thêm.
• Khả năng vẽ tranh phát triển thêm một bước.
Nét vẽ phong phú hơn. Trẻ có thể bắt chước vẽ hình tứ giác, hình tròn và vẽ điểm. Những lúc ấy, cổ tay trẻ cố định chắc. Một số trẻ còn vẽ sáp màu bằng hai tay một lúc. Nhưng nhìn chung, trẻ không quan tâm đến màu sắc, đa số trẻ chỉ dùng mỗi một màu để vẽ. Và trẻ chọn màu cũng rất ngẫu nhiên. Trẻ vẽ tranh không tập trung, đang vẽ thì đứng dậy một chút, sau đó lại quay về vẽ tiếp. Trẻ có thể ngồi bàn để vẽ, có trẻ lại nằm bệt dưới đất để vẽ.
• Trẻ bắt đầu biết dùng đất sét nên bố mẹ có thể mua đất sét cho con.
Tuy nhiên, đối với toàn bộ số đất sét nhận được, trẻ chỉ biết vỗ, vo tròn hoặc bóp bằng cả hai tay. Cũng có trẻ cắt nhỏ cục đất sét và vo tròn.
• Trẻ tỏ ra rất thích bãi cát. Trẻ có thể xúc cát cho vào xô, đổ nước vào và úp tất cả ra, tạo hình cát thành những chiếc bánh nếp. Có những trẻ có thể chơi trò này hơn một giờ đồng hồ.
• Trẻ rất thích nhét đồ vật này để vào trong đồ vật khác.
Ví dụ, nhét bánh khoai tây nghiền hoặc giấy vào miệng chai. Hễ thấy có lỗ hở nào trẻ đều dùng giấy hoặc bùn để nhét đầy vào, không ít lần làm mẹ nổi giận. Ở độ tuổi này, trẻ tỏ ra có hứng thú với trò chơi ghép hình đơn giản. Bố mẹ có thể cho trẻ chơi bộ xếp hình đơn giản.
d) Ngôn ngữ
• Lượng từ mà trẻ nói được tăng lên nhanh chóng, trẻ có thể nói được năm trăm từ trở lên.
• Vừa xem sách tranh, trẻ vừa gọi tên những gì xuất hiện trong sách, trẻ rất vui khi được hỏi về những bức tranh trong sách.
• Trẻ biết nói từ có ba âm tiết trở lên, bắt đầu biết nói thành câu hoàn chỉnh.
Cần lưu ý khả năng ngôn ngữ của mỗi bé mỗi khác nhau. Có những bé mới một tuổi chín tháng đã nói được từ có ba âm tiết; nhưng ở độ tuổi đó, cũng có những bé mới nói được từ có một âm tiết mà thôi. Sự phát triển ngôn ngữ nhanh hay chậm này có trường hợp liên quan đến sự phát triển trí năng, nhưng cũng có nhiều trường hợp chẳng hề liên quan, vì thế không thể tùy tiện phán đoán.
Tuy nhiên, có những trường hợp lại là lỗi của người lớn khi làm cho trẻ không có… nhu cầu nói. Chẳng hạn như, khi trẻ muốn uống nước, trẻ chỉ cần phát ra âm thanh “Ư, ư”, hay chỉ trỏ vào bình nước là bố mẹ hoặc ông bà đã vội chạy đi lấy nước cho trẻ uống. Ở trường hợp này, trẻ chưa hề nói từ “nước” mà bố mẹ đã lấy cốc nước cho trẻ rồi. Hành động đó khiến cho trẻ không có nhu cầu diễn đạt điều mình muốn nói bằng ngôn ngữ. Đó cũng là lý do khiến trẻ chậm nói. Vì thế, cần dạy trẻ nói từ “nước” khi trẻ muốn uống nước.
• Nói chuyện một mình là đặc trưng của giai đoạn này.
Trẻ vừa chơi vừa nói chuyện một mình và việc này cứ lặp đi lặp lại, hoặc một mình nói về những trải nghiệm của bản thân. Trẻ rất thích ở một mình trong phòng. Dường như trẻ đang luyện ngôn ngữ vậy.
• Trẻ tự gọi tên mình và xưng tên mình với người khác.
Ví dụ, khi bị lấy đồ chơi, trẻ sẽ nói “Cái đó của Acchan”, “Acchan đang đọc sách”. Ngoài ra, đối với anh chị hoặc bạn bè, trẻ sẽ gọi bằng tên. Tức là trẻ đã bắt đầu biết gọi tên - danh từ riêng.
• Trẻ biết nói “Cho con” để bày tỏ nhu cầu bản thân bằng lời.
Và khi một cái chưa đủ thỏa mãn thì trẻ sẽ xin thêm bằng cách sử dụng ngôn ngữ như “Cái nữa” hoặc là “Lần nữa”. Những câu nói của trẻ rất đáng yêu nên bố mẹ thường không nỡ từ chối.
• Trẻ biết cách dùng trợ từ chính xác hơn.
Trẻ biết dùng trợ từ chỉ nơi chốn “trong đó”, “bên kia” v.v…, biết dùng trợ từ chỉ thời gian “chút nữa”, “sắp” v.v… Trẻ bắt đầu biết thể hiện rõ ý của mình.
• Khi ta nói những từ chỉ thời gian như “bây giờ”, “hôm nay”, trẻ đều có thể hiểu được. Và trẻ cũng dùng những từ đó để nói chuyện.
Tuy nhiên, thường trẻ sẽ dùng sai những trợ từ trong thì quá khứ.
Trẻ 2,5 – 3 tuổi
a) Cảm xúc và tính xã hội
(1) Thường có những hành động khó điều khiển
• Có thể gọi đây là thời kỳ bão tố. Cứ tưởng con sẽ nghe lời nhưng đột nhiên lại trở nên phá bĩnh, có khi bướng bỉnh đến mức không thể làm gì được.
Đang nghe theo lời bố mẹ, nhưng đồng thời làm ngược lại một cách thản nhiên. Khi bố mẹ rủ “Chơi xếp gỗ nhé”, trẻ đồng ý “Cùng chơi nào” nhưng ngay lập tức bảo rằng “Không chơi”. Dưới mắt nhìn của người lớn, trẻ có rất nhiều hành động kỳ cục.
• Nhìn chung, trẻ có nhiều yêu cầu bướng bỉnh. Trẻ có thái độ tự cao tự đại, nhiều lúc rất bướng bỉnh, bị nói gì cũng dễ nổi nóng và không phục tùng.
• Khi hành động của mình bị ngăn cản, hoặc khi bị người khác động vào đồ của mình, trẻ sẽ vô cùng giận dữ. Khi giận dữ, trẻ sẽ trở nên hỗn hào, gào khóc. Hoặc trẻ sẽ xé rách cửa shouji, cửa fusuma, kéo ngã ghế.
Những lúc như thế, dù bố mẹ có dỗ dành hay la mắng cứng rắn thì vẫn không hề có tác dụng. Tuy nhiên, những lúc trẻ nói năng bướng bỉnh, nếu bố mẹ nói chuyện một cách hài hước thì trẻ sẽ dịu lại.
Tại sao trẻ lại có những cảm xúc mãnh liệt như thế? Người ta thường gọi chung đây là thời kỳ phản kháng, nhưng không nhất thiết chỉ có toàn những hành động phản kháng. Đôi khi, ở trẻ còn có khuynh hướng tự chống đối bản thân.
Mỗi khi trẻ nổi nóng hoặc giận dữ, không còn cách nào tốt hơn là yên lặng và không làm gì cả. Và làm như thế trẻ cũng sẽ nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Nếu bố mẹ bắt chuyện với trẻ ngay lúc đó, trẻ sẽ lại bắt đầu một cơn nóng giận mới. Nếu cho trẻ đủ thời gian, trạng thái cuồng nộ này sẽ dần được giải tỏa. Nếu luôn luôn chiều theo những gì trẻ đòi hỏi thì sẽ dễ hình thành tính bướng bỉnh.
Kinh nghiệm của một số người làm cha, làm mẹ cho thấy, đối với một trận đòi khóc ầm ĩ của trẻ, bố mẹ chỉ cần để trẻ… khóc cho đã thì một lúc sau trẻ sẽ không còn khóc nữa. Khi trẻ thấy mình khóc mà vẫn không gây sự chú ý của bố mẹ hoặc không có được cái mình muốn, trẻ sẽ thôi khóc. Dần dần trẻ sẽ hiểu được rằng những yêu cầu vô lý sẽ không được đáp ứng dù có làm nũng, nhõng nhẽo,… Cần lưu ý, bố mẹ cũng như những người thân trong gia đình phải kiên quyết trong việc không nuông chiều trẻ vô lối. Tránh trường hợp bố mẹ không chiều con nhưng ông bà lại chiều cháu thì phương pháp nói trên không có mấy tác dụng.
(2) Giảm mút tay
• Trẻ chỉ bú tay những lúc đói hoặc buồn ngủ mà thôi.
Nếu trong giai đoạn này mà trẻ vẫn mút tay nhiều, bố mẹ cần nghĩ lại xem liệu trẻ có nhu cầu gì đó vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ hay không. Ví dụ, phải chăng trẻ đang bị ngăn cản chơi những trò chơi ban ngày, phải chăng trẻ ít chơi một mình, phải chăng trẻ bị bỏ mặc vì mẹ sinh thêm em bé,…
• Có những trẻ luôn mang theo bên mình món đồ yêu thích (như thú bông hoặc khăn tắm v.v…).
Đặc biệt, điều này dễ thấy ở những trẻ bị bất an vì một điều gì đó. Bố mẹ cần phải nghiên cứu kỹ môi trường sống của con để tìm ra những điều khiến trẻ bất an. Đó cũng là nguyên nhân khiến trẻ mút tay nhiều.
(3) Sợ những thứ khác với trước đây
• Ở những giai đoạn trước, trẻ thường rất sợ bóng tối, nhưng khi bước vào giai đoạn này, trẻ lại trở nên sợ hãi những điều mà trẻ nhìn thấy. Ví dụ, người có màu da khác với trẻ, người có nhiều nếp nhăn, người trông có vẻ đáng sợ, v.v…
• Khi bố mẹ kể cho trẻ nghe những câu chuyện có các nhân vật ức hiếp người khác, ức hiếp động vật thì trẻ sẽ lộ rõ vẻ sợ hãi đối với những nhân vật ấy.
Như thế, bố mẹ cần hiểu rằng cùng với sự phát triển của hệ thần kinh, đối tượng làm cho trẻ sợ hãi cũng thay đổi, trở nên phức tạp hơn. Thậm chí trẻ tỏ ra sợ hãi đối với một số người mà trước giờ vẫn thân thiết với trẻ, làm bố mẹ ngạc nhiên, lo lắng.
• Trẻ sợ bố mẹ ra khỏi nhà vào ban đêm, khóc rất dữ dội.
Đáng tiếc, một số ông bà, cha mẹ lại thường đem những nhân vật đáng sợ ra để hù dọa cho trẻ ăn cơm hoặc để trẻ trở nên ngoan hơn mà không hiểu rằng điều đó sẽ khiến trẻ thêm bất an, lo sợ vô cớ. Ví dụ, bố mẹ chỉ nên giải thích vì sao trẻ phải ăn cơm chứ không nên dùng “ông kẹ”, “bà kẹ” nào đó để dọa trẻ.
(4) Không cho mượn đồ chơi
• Người lớn nhìn vào thì thấy trẻ có vẻ rất keo kiệt. Trẻ cho người khác xem món đồ chơi yêu thích của mình nhưng lại không chịu cho ai mượn. Ngoài ra, trẻ cũng biết dọn dẹp cẩn thận đồ chơi của mình. Trẻ luôn dõi mắt trông chừng để không ai có thể động vào đồ chơi của mình.
• Vậy mà có khi trẻ lại giật đồ chơi trong tay bạn khác. Tuy nhiên, không phải lúc nào trẻ cũng chơi món đồ mà mình giật được.
Nhìn thấy hình ảnh những đứa trẻ như thế, nếu ai không hiểu về các giai đoạn phát triển của trẻ thì sẽ cho rằng trẻ thật keo kiệt, bủn xỉn. Hoặc họ sẽ nghĩ rằng đứa trẻ ấy thật tham lam. Thế nhưng, đây lại là một nét đặc trưng của lứa tuổi này. Đây là một hiện tượng sinh ra từ việc trẻ đã biết nhận thức mạnh mẽ về sự sở hữu cá nhân. Khi bước vào giai đoạn kế tiếp, trẻ sẽ biết cho bạn mượn đồ chơi của mình.
Điều cha mẹ cần làm trong giai đoạn này là dạy trẻ biết chia sẻ khi trẻ có dấu hiệu chiếm hữu quá mạnh, chứ không khuyến khích cho tính chiếm hữu ngày càng mạnh lên. Nhiều bố mẹ còn tự hào nói “Thằng bé mới nhỏ mà biết giữ của rồi đấy, thật giỏi”. Điều đó sẽ khiến tính chiếm hữu của trẻ càng mạnh. Trẻ hình thành tính sở hữu là chuyện bình thường nhưng đừng để tính sở hữu ấy biến thành tính chiếm hữu quá mạnh.
(5) Tỏ vẻ kiêu căng, tự mãn
• Trẻ vô cùng tự mãn. Khi trẻ xếp được các khối gỗ, hoặc khi tô sáp màu dù màu sắc loang lổ nhưng trẻ vẫn rất mãn nguyện, gọi bố mẹ “Xem con này! Xem này!” và tỏ vẻ đắc ý “Giỏi lắm đúng không!?”.
• Thích lấy đồ của bố mẹ (như mắt kính, tẩu thuốc, sổ tay, đồng hồ, dụng cụ trang điểm, v.v…) và tự ý chơi với chúng. Trẻ còn bắt chước bố, bỏ tiền vào túi, thỉnh thoảng còn cho người khác xem và tỏ vẻ tự hào.
Trẻ làm thế chỉ vì trẻ thích khoe với người khác những thứ mình đang có, đa số trẻ không biết cách sử dụng.
• Trẻ thích mặc những quần áo mà trước giờ vẫn mặc, không thích mặc quần áo mới.
(6) Thay đổi thái độ với bố mẹ
• Trẻ thích tập trung sự quan tâm từ cả gia đình nên thường xuyên đến bắt chuyện và nói rất nhiều, cực kỳ nhõng nhẽo với bố mẹ, có khi nổi nóng, tuy nhiên không còn bám mẹ và dựa dẫm mẹ nhiều như trước đây.
• Khi mẹ định làm gì đó chăm sóc trẻ, có khi trẻ sẽ cự tuyệt bảo rằng muốn tự làm.
Nhưng khi đến giờ ngủ hoặc khi đến gia đình khác, trẻ muốn có bố hoặc mẹ ở bên, có người bên cạnh thì trẻ sẽ an tâm hơn.
• Có một điều thú vị là trong những gia đình mà bố mẹ hòa thuận, con cái có biểu hiện e dè đối với bố.
Ví dụ, lúc đi ngủ hoặc lúc chợt thức giấc lúc nửa đêm, mặc dù trẻ muốn mẹ vào với mình nhưng lại e dè bố nên bảo rằng “Mẹ không vào cũng được”. Bên cạnh đó, mặc dù trẻ nói rõ ràng “Con yêu bố”, “Con yêu mẹ” nhưng suy nghĩ đó của trẻ thay đổi theo từng thời kỳ, có khi trẻ nói điều ngược với suy nghĩ.
Chúng ta thấy rằng trẻ bắt đầu hiểu vai trò của từng thành viên trong gia đình. Vì thế, tôi mong các thành viên trong gia đình hãy làm tròn vai trò vốn dĩ của mình.
Mặc dù đây là thời kỳ khó khăn nhưng nhờ có thời kỳ này mà chúng ta biết rằng trẻ đã có một bước phát triển vượt bậc về mặt tinh thần. Ở giai đoạn này, bố mẹ và người thân trong gia đình cần đặc biệt chú ý đến sự phát triển tinh thần của trẻ, cần hành xử tế nhị và khôn khéo với trẻ để trẻ phát triển một cách thuận lợi nhất.
(7) Hay ganh tỵ với em
• Trẻ thường xuyên ganh tỵ đối với em nhỏ.
Mặc dù trẻ có những hành động âu yếm em bé nhưng đó là để được khen, được công nhận, ít khi xuất phát từ tình cảm thật sự.
• Khi mẹ tất bật chăm sóc em thì trẻ lại hành động như thể mình là một bé sơ sinh.
Ví dụ, trẻ bò, thích bú bình, khóc lên, ọ ẹ như bé sơ sinh. Ngoài ra, những lúc chơi một mình, trẻ hay đóng vai em bé sơ sinh.
Bố mẹ không thể đòi hỏi trẻ hành động ra dáng một người anh, người chị ở độ tuổi này được. Ngược lại, bố mẹ cần thấu hiểu và chăm sóc trẻ, khi trẻ đòi bú bình thì bố mẹ nên đáp ứng, sẽ khiến tâm lý trẻ ổn định hơn. Nếu bố mẹ đối xử hà khắc hoặc làm cho trẻ xấu hổ, thì thời kỳ nhút nhát của trẻ sẽ kéo dài hơn.
Tuy nhiên, đây là thời kỳ trẻ đối xử với búp bê như một em bé và chăm sóc khá thành thục, ví dụ như cho ngồi lên đùi, đút sữa, v.v…
Khi trẻ tỵ nạnh với em, bố mẹ cần khéo léo giải thích cho trẻ hiểu em bé là để cả nhà cùng yêu thương và trẻ cũng có một vai trò quan trọng trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng em.
(8) Bắt đầu muốn kết bạn
• Trẻ rất vui khi được dắt đến những nơi như công viên. Nếu nơi đó đông trẻ nhỏ, trẻ sẽ rất phấn khích. Nhưng thường là trẻ chưa thể kết thân với những bạn khác.
• Dần dà, trẻ sẽ chạy theo các bạn, bắt chước hành động của những đứa trẻ khác.
Nhìn chung, thường là trẻ chơi song song nhau nhưng cũng có khi chơi chung với bạn một cách thân thiện. Hoặc khi muốn đồ chơi của bạn, có khi trẻ sẽ đem đồ chơi của mình ra cho bạn mượn và mình thì mượn đồ chơi của bạn. Và khi bạn đưa đồ chơi, trẻ sẽ đón lấy, nhìn ngắm và chơi với món đồ chơi ấy. Như vậy, ta thấy ý thức về bạn bè đang phát triển từng chút một ở trẻ. So với chơi ở trong nhà thì khi chơi ngoài trời, trẻ có thể chơi với bạn lâu và tốt hơn.
Khuynh hướng trên có thể được nhận thấy trong giai đoạn này, song đa số trẻ không muốn cho mượn đồ chơi của mình. Rất khó thuyết phục trẻ chia bánh của mình cho bạn. Ngoài ra, trẻ cũng chưa biết lần lượt thay phiên nhau chơi, thường giành chơi trước, đánh nhau, gây gổ.
• Có thể nói đây là độ tuổi trẻ thường gây gổ đánh nhau nhất. Đặc biệt, trẻ rất hay giành giật đồ chơi với nhau.
Trong giai đoạn này, trẻ cũng đã biết cãi nhau bằng lời nhưng đa phần vẫn là đánh nhau. Kết quả là bên yếu hơn sẽ chịu thua và khóc. Một khi nhận ra mình yếu hơn, chỉ cần đứa trẻ mạnh đến gần là đứa trẻ yếu liền khóc lên. Đứa trẻ mạnh nhận ra điều đó thì lại càng tỏ ra ngạo mạn.
Những ai hiểu về vấn đề này thì sẽ không can thiệp vào. Họ sẽ luôn dõi theo quan sát, chỉ vào can thiệp tách hai đứa trẻ ra khi chúng có những hành động gây nguy hiểm mà thôi. Nếu bố mẹ thường xuyên dùng lời can thiệp, phán đoán tốt xấu một cách khinh suất rồi la mắng trẻ, đứa trẻ bị la mắng có thể sẽ xem đứa trẻ kia là kẻ thù.
Mặt khác, những đứa trẻ không có bạn, dù chỉ tưởng tượng ra một người bạn và chơi một mình đi nữa thì trẻ cũng đang học cách đối xử với người bạn ấy. Vì thế, cho dù các bạn nhỏ có đánh nhau, bố mẹ cũng cần phải để cho con luyện dần cách kết bạn.
(9) Chơi một mình thường xuyên hơn
• Trẻ thường xuyên chơi một mình hơn, ví dụ như ngoan ngoãn ngồi đọc sách tranh một mình, xếp các món đồ chơi của mình thành hàng,…
Giống như trước đây, trẻ đang chơi món đồ chơi này thì lại chuyển sang món đồ chơi khác. Tuy nhiên, trẻ thường quay lại với món đồ chơi ban đầu chứ không bỏ luôn món đồ chơi ấy. Như vậy, đây là bước đầu báo hiệu trẻ đã có thể cùng mẹ dọn dẹp các món đồ chơi vương vãi khắp phòng.
• Trẻ có thể hát từng đoạn rời rạc, thậm chí là trọn vẹn một bài hát.
(10) Thích tự đi khi đi dạo
• Khi được dắt đi dạo, trẻ đi nhanh về phía trước, đi lùi ra sau, chạy tới hoặc là đi thật chậm, cố tìm cách tránh bàn tay bố mẹ.
• Trẻ nhớ rõ con đường vẫn thường cùng bố mẹ đi qua, khi đi trên con đường đó, trẻ có thể reo lên đúng tên nơi mà con đường ấy dẫn đến.
• Khi cùng bố mẹ đi mua sắm, trẻ có thể giúp cầm và chuyển đồ ở cự ly ngắn, cho dù đó là những món đồ dễ vỡ.
(11) Bắt đầu nhận thức về sự khác biệt giới tính
• Bé trai bắt đầu biết rằng mình thuộc phái nam, giống bố, không giống mẹ và các bé gái. Bé gái thì bắt đầu biết điều ngược lại.
Đối với những câu hỏi như “Cháu là con trai phải không?”, “Cháu là con gái phải không?”, đầu tiên, bé trai sẽ trả lời “Cháu không phải con gái”, bé gái thì sẽ trả lời “Cháu không phải con trai”, tức là các bé dùng cách nói phủ định khi được hỏi về giới tính của mình.
• Trẻ bắt đầu hiểu rằng bé trai và bố có cơ quan sinh dục đặc biệt, đứng khi đi tiểu, còn bé gái và mẹ thì không như thế. Ngoài ra, các bé còn cảm thấy rất kỳ lạ khi ngực của mẹ lại to như thế, có khi bé sẽ hỏi vì sao lại thế.
• Khi thay quần áo, trẻ sẽ chú ý đến cơ quan sinh dục của bản thân, đôi khi thử chạm vào.
• Có những bé trai tỏ ra thích thú với những món đồ chơi dành cho con gái.
Nếu hiểu về tình trạng này, bố mẹ không cần phải lo lắng dù cho con nhìn chằm chằm vào một bộ phận nào đó trên cơ thể mình để học hỏi sự khác biệt giữa nam và nữ. Ngoài ra, khi con tự chạm vào bộ phận sinh dục những lúc con không mặc quần áo, bố mẹ đừng nên cảm thấy có ý nghĩa đặc biệt gì ở đây. Chỉ cần bảo con thế này là được: “Chỗ đó rất quan trọng, tay bẩn lắm đừng chạm vào đó”. Nếu như bố mẹ nghĩ đây là một hành động mang tính giới tính, la mắng con thì trái tim đứa trẻ sẽ bị tổn thương.
b) Thói quen sinh hoạt
(1) Ngủ
Ngủ trưa:
• Có những trẻ tự mình đi ngủ trưa. Dù vậy, trẻ cũng nằm chơi một lúc trong chăn rồi mới chịu ngủ.
• Đa số trẻ sẽ ngủ trưa trong khoảng một giờ đồng hồ. Khi thức dậy, có trẻ cảm thấy khó chịu, khóc lóc. Hoặc có những bé đi ngủ lúc hoàng hôn, đến mười giờ tối lại thức dậy, thường thì giấc ngủ trưa của trẻ bị chi phối bởi các hoạt động trong ngày.
Nếu trẻ ngủ trưa nhiều, buổi tối sẽ đi ngủ muộn. Chính vì vậy, cần phải tính toán thời gian ngủ trưa của trẻ thật hợp lý. Tất nhiên, cũng có những bé không hề ngủ trưa.
Ngủ đêm:
• Khi đi ngủ, trẻ thường cầm theo đồ chơi hoặc sách tranh vào chăn cùng với mình. Rồi trẻ nhờ bố mẹ đọc sách cho nghe, có bé ca hát hoặc nói chuyện một mình.
• Trẻ rất xem trọng trình tự các việc phải làm trước khi đi ngủ, nếu không có món đồ chơi thường lệ, trẻ sẽ chạy đi tìm.
• Đa số trẻ ngủ mười hai tiếng đồng hồ, nhưng sự khác biệt ở mỗi trẻ là khá lớn.
Nửa đêm:
• Có trẻ thức dậy đòi đi tè, có trẻ thức dậy đòi uống nước, hoặc khóc lóc.
Buổi sáng:
• Đa số trẻ thức dậy lúc tám giờ rưỡi đến chín giờ, nhưng điều này phụ thuộc vào nếp sống ở từng gia đình.
• Dù thức dậy sớm nhưng nếu cả nhà vẫn chưa thức dậy thì trẻ vẫn ngoan ngoãn chơi một mình.
(2) Ăn
• Sự thèm ăn của trẻ không ổn định. Ngoài ra, trẻ thích ăn vặt hơn là ăn bữa chính, thường thích ăn các loại bánh kẹo.
Nếu cứ chiều theo ý trẻ, cho nhiều bánh kẹo thì dần dần, trẻ sẽ ngày càng chán ăn. Lượng thức ăn chính mà trẻ ăn tỷ lệ nghịch với lượng bánh kẹo. Vì thế, bố mẹ cần tính toán cân bằng thời gian ăn bữa chính với ăn vặt, tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc về thời gian và cho trẻ ăn vặt đúng với quy tắc đó. Ở Nhật Bản, quy tắc này rất dễ bị xáo trộn.
• Trẻ thích kết hợp các món trong bữa ăn như người lớn. Tuy nhiên, thường là trẻ sẽ ăn món mình thích trước, nhiều trẻ ghét ăn rau, có trẻ lại ghét ăn cá, hoặc ghét thịt và sẽ cố chừa lại món mà mình ghét.
• Đột nhiên ghét những dụng cụ ăn uống hoặc những cách nấu ăn mà trước đây trẻ từng rất thích. Nếu là dụng cụ ăn uống mà trẻ thích, trẻ sẽ tự mình ăn, nhưng nếu đó là món trẻ không thích lắm, trẻ sẽ để người lớn đút ăn. Nếu là món mà trẻ ghét, trẻ sẽ quay mặt đi, dù có nói thế nào trẻ cũng không chịu ăn.
Những lúc như thế, tùy vào thái độ của bố mẹ như thế nào mà sự ăn uống mất cân bằng của trẻ sẽ tăng lên hay giảm dần. Vì thế, người lớn cần phải tạo cảm giác cho trẻ thấy rằng ăn uống là chuyện rất thú vị, tuyệt đối không ép trẻ ăn vì sẽ khiến trẻ chán ăn, thậm chí sợ ăn. Ngoài ra, không khí buổi ăn trong gia đình cần phải ấm áp và kích thích ăn uống ở trẻ. Nếu như mọi người trong gia đình ăn một cách ngon lành, múc muỗng đầy đưa vào miệng và để trẻ nhìn thấy, dần dà, không biết tự khi nào trẻ cũng sẽ thích món ăn đó. Nếu trong gia đình có thành viên nào đó luôn thể hiện rõ sự ưa thích và ghét đối với từng món ăn, hoặc là có thành viên nào đó chiều theo ý thích ăn uống của trẻ, sự ăn uống mất cân bằng của trẻ sẽ ngày một trầm trọng thêm. Đây chính là thời kỳ khá quan trọng hình thành thói quen ăn uống mất cân bằng của một đứa trẻ.
• Nếu để một mình trẻ ăn thì trẻ sẽ tự ăn từ đầu đến cuối bữa, nhưng nếu có mặt thành viên nào đó trong gia đình, trẻ sẽ đòi đút ăn.
Về việc này, gia đình cần phải dụng công sao cho vừa tiếp nhận sự nhõng nhẽo vừa giúp trẻ tự lập. Ngoài ra, có những đứa trẻ chỉ muốn cố định đúng một cách bày chén bát hoặc đúng một chỗ ngồi ăn mà thôi. Có thể bố mẹ cảm thấy trẻ rất rộn chuyện, nhưng thật ra, điều này chứng tỏ bản thân trẻ đã phát triển thêm một bước.
(3) Tiểu tiện - Đại tiện
Đại tiện:
• Có trẻ ngày đi đại tiện một lần. Cũng có trẻ bị táo bón, khoảng hai ngày mới đi một lần.
• Hầu như không còn trường hợp đại tiện trong quần.
• Nếu bảo trẻ “Ráng nhịn một xíu nha” thì trẻ có thể chịu đựng thêm một khoảng thời gian ngắn.
• Trẻ thích tự mình vào nhà vệ sinh.
Tiểu tiện:
• Hầu như trẻ có thể tự mình cởi quần, tự mình đi tiểu. Những lúc như thế, có trẻ đến báo với mẹ rằng “Con tè rồi”. Tuy nhiên, trẻ rất khó đi tiểu ở một nơi xa lạ, không phải là nhà mình.
Ví dụ, khi đến nhà vệ sinh tại nhà ga, hoặc nhà vệ sinh tại trung tâm thương mại, dù đã đến giờ trẻ đi tiểu và dù trẻ đã kêu mắc tè nhưng mãi vẫn không tiểu tiện được. Trẻ khó tiểu và làm thế nào cũng không giúp trẻ tiểu tiện được. Những lúc như thế, nếu làm trẻ hoảng lên, trẻ lại càng không thể đi tiểu, kết quả là có khi trẻ sẽ đi tiểu trong quần. Trừ những trường hợp như thế, hầu như trẻ không còn tè dầm trong lúc ngủ trưa nữa.
• Nhiều trẻ đòi thay quần ngay lập tức khi quần vừa bẩn.
Tuy nhiên, có những bé tiểu són khiến quần luôn ướt. Những trường hợp như thế, bố mẹ cần tìm hiểu xem con mình có phải thiếu cảm giác cơ thể không, hoặc có phải đang bị ức chế vì việc gì không.
• Khi đi tiểu, trẻ thể hiện rõ hứng thú đối với việc bé trai, bé gái đi tiểu khác nhau, thấy ai đi tiểu là chạy đến bên cạnh nhìn chăm chăm. Những lúc như thế, bố mẹ cần tế nhị dạy con những vấn đề liên quan đến sự khác biệt giữa bé trai và bé gái.
(4) Thay quần áo
• Trẻ để quần áo đúng chỗ quy định. Ban đêm, trẻ sẽ để quần áo ở đầu giường. Ban ngày, trẻ sẽ cho quần áo vào giỏ đã quy định hoặc cho vào tủ. Ngoài ra, trẻ còn tự mình mặc quần áo.
• Trẻ có thể tự mình mặc quần áo theo đúng trình tự: quần, áo, áo khoác, tất. Chính vì thế, bố mẹ cần chuẩn bị đầy đủ chỗ và giỏ đựng quần áo cho trẻ. Để nuôi dưỡng tính tự lập cho trẻ, bố mẹ cũng cần phải đè nén ý muốn làm thay cho trẻ, sợ trẻ thao tác chậm rồi nhiễm lạnh,... Hãy để cho trẻ được tự mình thực hiện.
Ở độ tuổi này, những đứa trẻ có bố mẹ làm giúp mọi việc sẽ luôn ỷ lại vào người lớn, sau này, dù bố mẹ có muốn để trẻ tự làm, trẻ cũng sẽ không tự giác làm gì cả. Những đứa trẻ như thế thường xuất hiện ở những gia đình có người lớn tuổi hoặc đông người lớn. Tâm lý chung là ông bà thường hay xót cháu nên luôn làm sẵn mọi việc cho cháu. Điều này sẽ không có lợi cho quá trình lớn lên của trẻ. Vì thế, bố mẹ cần thống nhất quy tắc dạy con với những người lớn tuổi trong gia đình (như ông bà) để trẻ có thể tự chăm sóc bản thân, và thậm chí có thể phụ giúp ông bà và bố mẹ những việc vừa sức mình.
• Ở độ tuổi này, trẻ rất thích thú với việc cởi quần áo, loại quần áo nào trẻ cũng cởi ra được.
Ở điểm này, bố mẹ cũng đừng nên can thiệp vào. Hãy để trẻ thỏa mãn óc tò mò vì suy cho cùng cũng không có hại gì, đúng không nào?
• Tuy nhiên, có khi trẻ tự mình làm được, nhưng có mặt người lớn, trẻ lại muốn nhờ người lớn giúp.
Bố mẹ có thể giúp trẻ một tay vì cảm thấy đáng yêu, nhưng vì đây là khoảng thời gian quý báu nuôi dưỡng khả năng tự mình thực hiện nên bố mẹ hãy bảo với trẻ rằng “Con tự làm được rồi kia mà” và dùng những lời lẽ công nhận khả năng của trẻ.
(5) Thói quen vệ sinh
• Trẻ khá thích tắm. Có những bé thích chơi đồ chơi trong khi tắm nhưng khuynh hướng chung là trẻ thích tự mình kỳ cọ cơ thể. Tất nhiên trẻ làm chưa thạo.
• Khi rửa tay, trẻ có thể chắp hai tay lại chà chà nhưng chưa thể rửa mu bàn tay. Vì thế, thường là trẻ không thể rửa sạch tay hoàn toàn. Tuy trẻ rửa chưa sạch, bố mẹ cũng đừng vì thế mà mắng trẻ, chỉ cần chỉ cho trẻ thấy chỗ còn bẩn và dạy trẻ cách rửa sạch là được.
• Trẻ vừa rửa tay vừa bắt đầu nghịch nước. Trẻ rất quan tâm đến vòi nước hoặc các bộ phận khác của đường ống nước, cứ xem hết bên này đến bên kia. Vì thế, nước vương vãi, làm bẩn ống tay áo, làm ướt cả vạt áo phía trước.
Đây là hiện tượng thường thấy trong độ tuổi này. Bố mẹ nên để con chơi thỏa thích, thậm chí bố mẹ có thể chơi nước cùng con để nuôi dưỡng tình cảm.
Quan trọng là hãy để con học cách tự chăm sóc bản thân. Đừng vì con tắm quá lâu, quá bẩn mà la rầy hoặc tự tắm cho con, như vậy con trẻ sẽ cảm thấy bị tổn thương và không khuyến khích tinh thần chủ động của trẻ. Kỹ năng tắm rửa của con sẽ tốt lên qua thời gian, nếu người lớn chỉ dẫn con tắm đúng cách.
c) Di chuyển - Vận động - Cảm xúc
(1) Vận động
• Trẻ có thể đi chậm, có thể chạy lon ton và cũng có thể kết hợp xen kẽ cả hai.
• Trẻ cũng có thể đi nhón chân (cố để gót chân không chạm sàn).
• Cố gắng đứng bằng một chân nhưng loạng choạng ngay lập tức.
• Trẻ có thể nhảy về phía trước bằng hai chân.
• Chạy, nhảy múa, lắc lư theo điệu nhạc.
(2) Cảm xúc và vận động tay
• Rất hay chơi xếp gỗ. Những lúc ấy, trẻ rất thích tưởng tượng những khối gỗ là đầu máy xe lửa hoặc tàu điện.
Trẻ xếp ngang những khối gỗ để tạo thành đầu máy xe lửa và đầu máy xe lửa ấy có ống khói.
• Trẻ có thể dùng các khối gỗ xếp thành vật có hình đối xứng. Khi xây tháp, trẻ chỉ dùng khoảng sáu khối gỗ xếp chồng lên nhau là xong. Ngoài ra, trẻ rất thích dùng những khối gỗ nhiều màu sắc và các khối gỗ to.
• Trẻ bắt đầu chơi xếp các khối gỗ có màu lại với nhau.
Bố mẹ nên hiểu rằng các khối gỗ chính là món đồ chơi được các bạn nhỏ chơi nhiều nhất, có thể nói là chơi mãi không chán. Sẽ rất tuyệt nếu bố mẹ chuẩn bị cho trẻ thật nhiều khối gỗ lớn bé khác nhau.
• Trẻ có thể dùng các đầu ngón tay cầm bút sáp màu để vẽ. Các bé bắt chước người lớn vẽ nét ngang hoặc vẽ hình chữ thập.
• Ngoài ra, khi có mục tiêu để vẽ, trẻ sẽ nói tên đối tượng trước khi vẽ, ví dụ như “Vẽ xe đạp nào”, “Vẽ bố nào”… và trẻ sẽ tô màu, chìm đắm vào không gian đó, nhưng đôi khi trẻ lại rời khỏi trang giấy và vẽ dây bẩn khắp bàn ghế…
• Trẻ đặc biệt thích những quyển sách có hình động vật và phương tiện đi lại, đôi khi trẻ cố tóm lấy vật được vẽ trong sách và giả vờ lôi ra.
• Trẻ biết dùng đất sét để chơi nặn bánh nếp. Trẻ cũng có thể thổi bong bóng xà phòng.
Ở độ tuổi này, trẻ rất thích vận động và say mê khám phá thế giới xung quanh. Vì thế, cho dù trẻ có vẽ dây ra tường hay bàn ghế, bố mẹ cũng đừng la rầy con mà hãy để con được thỏa mãn trí tò mò và phát huy óc sáng tạo. Đối với những trẻ thích vẽ vời, thích trang trí, có thể bố mẹ làm riêng cho con một căn phòng “sáng tạo”, ở nơi đó trẻ có thể tự do “sáng tác” theo ý thích. Bố mẹ có lẽ sẽ bất ngờ với những “tác phẩm nghệ thuật” của con đấy.
d) Ngôn ngữ
• Lượng từ vựng của trẻ gia tăng nhanh chóng. Trẻ nói chuyện khá lưu loát, có thể nói chuyện một mình thật lâu, vừa chơi vừa nói chuyện không ngớt. Trẻ cũng thường lặp đi lặp lại khi nói chuyện.
Có thể thấy rằng trẻ rèn luyện ngôn ngữ không ngừng nghỉ.
• Nghe mãi không chán những câu chuyện yêu thích trong sách tranh hoặc những câu chuyện cổ tích mẹ kể.
Cho dù là kể mãi cùng một câu chuyện, trẻ vẫn không hề phản đối. Người lớn thường cảm thấy nhàm chán đối với cùng một câu chuyện kể nhưng đối với trẻ con, kể đi kể lại một câu chuyện, trẻ vẫn không cảm thấy phiền lòng. Kể chuyện bé nghe ở thời kỳ này là một việc làm vô cùng quan trọng. Đứa trẻ sẽ ghi nhớ những gì được kể và tập nói. Tuy nhiên, vẫn có những bé chưa thấy hứng thú đối với sách tranh.
• Trẻ có thể tự nói họ và tên mình. Trẻ hiểu tên đó gắn với bản thân.
• Có thể phân biệt giới tính của những người xung quanh. Đối với người lớn, trẻ phân biệt được “nam” và “nữ”; đối với trẻ con, trẻ phân biệt được “bé trai” và “bé gái”.
• Xuất hiện những từ vựng chỉ số đếm. Nếu người lớn đọc hai con số, trẻ sẽ bắt chước và nói theo.
• Trẻ sẽ đếm “một cái”, “hai cái”, “nhiều cái”.
Tuy nhiên, đó chỉ là sự phát triển về từ vựng, bản thân trẻ chưa hiểu ý nghĩa của các con số. Tóm lại, điều này chỉ mang ý nghĩa: trẻ đã biết trên đời có những từ vựng chỉ số đếm.
• Trẻ nói khá nhiều trạng từ chỉ thời gian.
Khi bố mẹ nói “Sau khi làm xong thì mình chơi nhé” hoặc “Đã hết giờ rồi con ạ” thì trẻ đều hiểu được, trẻ còn dùng các từ vựng “hôm nay”, “buổi sáng”, “ăn trưa”. Thậm chí, có trẻ còn dùng những từ chỉ tương lai như “lúc nào đó”, “ngày mai”, “sau này”. Trẻ cũng biết dùng những từ chỉ quá khứ như “đêm qua”.
• Trẻ nhớ được một chút về các ngày thứ trong tuần nhưng chưa biết sử dụng đúng từ.
• Về không gian, trẻ biết dùng những từ chỉ địa điểm như “bên dưới”, “xung quanh”. Ngoài ra, khi được hỏi “Mẹ con đâu?”, trẻ biết trả lời “Ở nhà”; hỏi “Bố con đâu?”, trẻ trả lời “Công ty”.
• Trẻ biết nói những câu chào hỏi như “Xin chào”, “Tạm biệt”, “Cảm ơn”.
Trong thời kỳ này, trẻ sẽ học cách sử dụng từ “Cảm ơn” trong trường hợp nào khi nghe người lớn nói chuyện với nhau. Có một vấn đề là người lớn ở Nhật Bản rất ít nói lời cảm ơn so với ở các nước phương Tây.
Điều khiến tôi chú ý về ngôn ngữ của trẻ chính là một số trẻ vẫn dùng ngôn ngữ trẻ sơ sinh và một số trẻ nói lắp. Trẻ thường dùng ngôn ngữ trẻ sơ sinh cũng không có gì phải lo lắng, còn việc nói lắp thường chỉ là hiện tượng nhất thời. Bố mẹ không cần phải sốt ruột chỉnh sửa lời nói của trẻ làm gì, chỉ cần chú ý theo dõi quá trình để điều chỉnh một cách nhẹ nhàng. Trẻ sẽ không sửa ngay được nhưng dần dần với sự kiên trì, trẻ sẽ phát âm đúng. Điều quan trọng là người lớn cần phải nói đúng từ, phát âm chính xác thì trẻ mới học phát âm đúng được.
Một số người lớn tự nói sai vì cảm thấy cách nói như vậy dễ thương, thể hiện sự cưng chiều với trẻ, nhưng điều đó sẽ không tốt cho quá trình học ngôn ngữ của trẻ. Ví dụ, có những bà mẹ hay nói “Mẹ xương, mẹ xương” thay vì nói “Mẹ thương, mẹ thương”, vô tình khiến trẻ học cách… nói đớt vì trẻ sẽ bắt chước giống mẹ. Thực tế cho thấy có những đứa trẻ nói đớt quá nhiều, đến tuổi đi học mẫu giáo, hoặc tiểu học, các thầy cô rất khó khăn khi sửa lại phát âm đúng cho trẻ.
Ngoài ra, có những bé vốn đã có thể nói chuyện rành rọt bỗng thích dùng ngôn ngữ trẻ sơ sinh. Thường trường hợp này xảy ra khi mẹ mới sinh em bé hoặc khi các em giành hết sự quan tâm của bố mẹ. Khi ấy, bố mẹ cần ôm ấp, tiếp xúc với trẻ nhiều hơn để trẻ cảm thấy an tâm rằng mình vẫn quan trọng đối với bố mẹ, rằng em bé không phải là “mối đe dọa” lấy mất tình thương của bố mẹ. Ngược lại, bố mẹ có thể dạy con cách thương yêu và chăm sóc em.
Trên đây là quá trình phát triển của một đứa trẻ từ hai tuổi đến ba tuổi. Sau khi đọc xong phần này, bố mẹ cảm thấy như thế nào? Trên đây chính là sự phát triển suôn sẻ của tính tự phát, là hình ảnh của một đứa trẻ ngoan biểu hiện đầy đủ sự hăng hái, hay tinh thần tích cực hành động. Vì thế, phải chăng bố mẹ cũng nên nhìn lại xem mình đã suy nghĩ chưa đúng ở những điểm nào? Các ông bố bà mẹ đang có con ở lứa tuổi này, sau khi đọc xong hẳn là có thể an tâm rằng cứ ngỡ con là trẻ hư nhưng thật ra lại là trẻ ngoan, đúng không nào?
Trẻ 3 – 3,5 tuổi
a) Cảm xúc và tính xã hội
(1) Đã điềm tĩnh lại
• Những cảm xúc tựa cơn gió của thời kỳ từ hai đến ba tuổi sẽ thay đổi từng chút một. Càng lớn, trẻ sẽ càng điềm tĩnh hơn. Sẽ rất ít khi con khóc nhè, cáu kỉnh.
Tất nhiên, nếu bị can thiệp vào việc trẻ định làm, hoặc bị can thiệp đối với những đồ vật của mình, trẻ sẽ nổi giận. Tuy nhiên, trẻ sẽ ít khi cáu kỉnh, dù cho trẻ có nói những lời bướng bỉnh, chỉ cần dùng lời lẽ để giải thích, đa số trẻ đều chấp nhận. Nhưng bố mẹ cần phải cố gắng dùng lời lẽ dịu dàng khi giải thích cho con.
• Đa số trẻ sẽ ngoan ngoãn làm theo khi được sai bảo. Khi được bảo “Con hãy dọn dẹp đi”, trẻ sẽ dọn dẹp lại đồ chơi của mình.
Hẳn là bố mẹ sẽ cảm thấy con mình đột nhiên trở nên dễ dạy, cảm thấy con đã lớn và hăng hái hơn, đúng không nào?
• Trẻ hăng hái làm những việc khiến người khác vui lòng.
Chiều tối, khi người lớn kéo cửa chớp lại thì trẻ đột nhiên lao đến giúp. Hoặc khi mẹ làm việc nhà, trẻ cũng đòi phụ giúp. Nếu người lớn tỏ ra vui vẻ, cảm kích thì sẽ trở thành niềm khích lệ đối với trẻ, trẻ sẽ càng nhiệt tình phụ giúp hơn. Tuy nhiên, thao tác của trẻ chưa thành thạo nên không phải lúc nào kết quả phụ giúp cũng tốt đẹp. Những lúc ấy, điều quan trọng là bố mẹ không được trách mắng, hãy khuyến khích để trẻ ngày một thành thạo hơn. Hãy để trẻ từ chỗ biết học cách tự chăm sóc bản thân cũng biết học cách phụ giúp người khác, nhất là người lớn tuổi. Quan trọng là trẻ cảm thấy vui vẻ khi được giúp người khác, được khen ngợi vì mình làm được việc có ích. Bố mẹ cần khích lệ trẻ nhiều hơn để trẻ thấy mình là “người lớn”, cũng có vai trò nhất định trong gia đình.
(2) Nắm rõ các thói quen sinh hoạt hằng ngày
• Vì trẻ đã biết làm đúng những gì bố mẹ bảo nên cũng nắm được các tập quán sinh hoạt. Trẻ tuân theo các tập quán ấy và biết làm theo lời đã hứa. Ví dụ, khi bố mẹ bảo “Chơi với bạn xong thì sẽ dọn dẹp”, hoặc “Khi ai đó cho mình vật gì hay làm giúp mình điều gì thì mình phải cảm ơn”. Nếu đã hứa, trẻ sẽ cố gắng giữ lời.
Tuy nhiên, nếu bố mẹ nóng vội bắt trẻ thực hiện lời hứa, trách mắng trẻ khi trẻ không giữ lời thì trẻ sẽ trở nên ghét điều đã hứa. Bố mẹ cần phải chú ý điểm này. Cần từng bước, từng bước một hướng dẫn cho trẻ một cách nhẫn nại. Cần cho trẻ hiểu rằng một khi đã hứa mà không làm thì sẽ không ai tin mình nữa. Bố mẹ có thể kể cho trẻ nghe những câu chuyện ngụ ngôn, truyện cổ tích về hậu quả của những kẻ hay thất hứa.
Quan trọng là bố mẹ và những người lớn trong nhà cần phải biết giữ uy tín, một khi đã hứa với con trẻ thì phải giữ lời. Đối với trẻ, khi bố mẹ hứa điều gì, cần đưa ra thời hạn thực hiện lời hứa và nghiêm túc thực hiện. Bởi vì trẻ có khả năng nhớ vanh vách những gì bố mẹ hứa với trẻ mà không làm được và khi trẻ thất hứa, bị bố mẹ la mắng, trẻ sẽ nói ngược lại rằng: “Lúc trước bố mẹ hứa với con thế mà có làm đâu?”. Như vậy, sẽ phản tác dụng trong việc dạy con giữ lời hứa. Lưu ý là không chỉ bố mẹ phải để tâm giữ lời hứa với con, mà còn phải giữ lời hứa với những người xung quanh vì trẻ có óc quan sát rất tốt đấy!
Hơn nữa, khi trẻ đã hứa việc gì, phải cho trẻ ý thức được lời hứa là rất quan trọng, để trẻ suy nghĩ xem mình có thể thực hiện lời hứa hay không vì có những việc vượt ngoài khả năng của con trẻ. Điều này là nhằm dạy con tính nghiêm túc, chứ không phải hứa cho có. Con có thể học điều này qua tấm gương của bố mẹ. Ví dụ, trẻ muốn được bố mẹ đưa đi du lịch, nhưng khả năng đi được vào ngày đó không cao, bố mẹ có thể nói: “Bố mẹ chưa thể hứa vào ngày đó cả nhà có thể đi du lịch, nhưng bố mẹ sẽ cố gắng sắp xếp, con nhé!”. Trẻ sẽ hiểu rằng bố mẹ rất nghiêm túc mỗi khi thực hiện một lời hứa. Trẻ sẽ học được cách không hứa một cách dễ dãi.
Ở lứa tuổi này, trẻ cũng rất nhạy cảm với việc được khen và bị chê. Vì thế, bố mẹ cần suy nghĩ thật kỹ xem khi nào nên khen, khi nào nên chê và thực hiện theo. Cần nhớ rằng khen chê phải đúng chỗ, đúng cách, đừng khen quá dễ dãi và cũng đừng chê vô tội vạ.
(3) Giảm mút tay
• Trẻ chỉ mút tay khi buồn ngủ. Dù trẻ có mút tay lúc mới lên giường, nhưng khi trẻ đã ngủ say, kéo ngón tay ra khỏi miệng, trẻ vẫn có thể tiếp tục ngủ ngon.
Có trẻ ngủ một mạch đến sáng, cũng có trẻ thức dậy lúc nửa đêm và lại cho tay vào miệng lần nữa.
Bố mẹ đừng quá sốt ruột trước những cử chỉ này, hay lấy việc trẻ mút tay ban đêm để ghẹo trẻ khi có mặt những người khác – như “Thằng bé nhà tôi lớn thế mà vẫn còn mút tay đấy các cô ạ”. Nhiều bà mẹ hay kể tật xấu của con khi gặp gỡ các bà mẹ khác mà không hiểu rằng trẻ rất để ý hình tượng của mình, nhất là khi có các bạn nhỏ khác chơi xung quanh. Trẻ biết mắc cỡ sớm đấy, các mẹ ạ!
(4) Biết quan tâm để ý
• Ví dụ, khi nhìn lại ngôi nhà hoặc chiếc xe mà bản thân vừa xếp được từ những khối gỗ, trẻ liền vỗ tay mừng rỡ reo lên: “Giỏi quá” một cách đầy tự hào và tất nhiên trẻ sẽ muốn được khen ngợi cho “chiến công” này của mình. Tưởng rằng trẻ sẽ xem trọng và nhớ kỹ, nhưng rồi trẻ cũng sẽ quên sau đó không lâu.
Nhiều phụ huynh lo lắng không biết có phải con mình hay quên không, không biết có phải khả năng tập trung của con mình kém không. Tuy nhiên, đó chỉ là một đặc điểm của giai đoạn này.
• Dẫu là việc trẻ không thể tự mình làm được, bố mẹ cũng đã giải thích rõ nhưng trẻ vẫn thích tự làm.
Điều này dễ bị hiểu rằng trẻ ngoan cố, nhưng ngược lại, bố mẹ cần phải xem đây là một bước phát triển suôn sẻ của tính tự chủ. Ngược lại, với khuynh hướng trên, trẻ lại thích nhờ bố mẹ làm giúp những việc mà mình có thể tự làm. Trẻ hay bảo: “Bố/mẹ làm đi”. Dù bố mẹ có bảo: “Việc này con tự làm được kia mà”, trẻ vẫn cứ chần chừ. Trẻ thường có khuynh hướng như thế với mẹ. Đó là vì ở trẻ đã hình thành mối liên hệ mật thiết về mặt tình cảm với mẹ. Những lúc như vậy, mẹ cần nhẹ nhàng khi ứng xử với con, đừng tỏ ra bực tức khi con trẻ cứ quấn mẹ hay bắt mẹ làm những việc mà trẻ có thể tự làm. Trong một số trường hợp, mẹ có thể cùng làm với trẻ vì suy cho cùng, trẻ cũng chỉ muốn nhõng nhẽo một tí với mẹ, muốn được gần gũi mẹ. Trẻ cũng thường có xu hướng này với mẹ nhất là khi gia đình có thêm một em bé nữa. Đây là cách trẻ thu hút sự quan tâm của mẹ.
(5) Thích mẹ hơn bố
• Khi được hỏi: “Con thích bố hơn hay thích mẹ hơn?”, nhiều bé lộ rõ vẻ lúng túng, nhưng nhìn chung các bé vẫn thích mẹ hơn. Bởi vì các hoạt động hằng ngày của trẻ thường có sự hiện diện của người mẹ nhiều hơn nên mối dây tình cảm cũng tốt hơn so với bố.
• Trẻ thường hợp tác với mẹ, giúp đỡ mẹ.
• Trẻ thường hay hỏi mẹ: “Lúc bé con như thế nào?” và rất thích thú khi được nghe mẹ kể lại.
Những lúc như vậy, mẹ nên kể những lúc trẻ rất ngoan khi còn nhỏ. Và trẻ sẽ ý thức được rằng mẹ rất vui khi trẻ ngoan và sẽ càng cố gắng ngoan hơn để vui lòng mẹ.
• Khi đi mua sắm, trẻ thích bám theo mẹ.
Đây là lúc người mẹ sẽ cảm thấy thích thú hơn bội phần, cảm thấy con mình ngày một đáng yêu. Đi mua sắm cũng là thời điểm có thể dạy con nhiều thứ và trẻ sẽ thường hay hỏi lung tung, chỉ trỏ đủ thứ mà trẻ thấy lạ mắt, tò mò. Những lúc ấy, mẹ cần kiên nhẫn giải thích và trả lời những câu hỏi của con, xem đó là một buổi học dã ngoại cho trẻ, mẹ nhé!
• Ban đêm, trẻ thường thích vào giường ngủ cùng bố mẹ.
Hãy để trẻ được ngủ cùng. Điều đó không sao cả, nhưng đừng để duy trì thành một thói quen khiến trẻ không có bố mẹ là không ngủ được. Vì ở độ tuổi này, bố mẹ đã có thể cho trẻ học cách ngủ riêng được rồi.
(6) Tích cực kết nối với anh chị em
• Trẻ có thể chơi đùa thân thiết với anh, chị trong khoảng thời gian ngắn. Và nếu được anh, chị cưng yêu, trẻ sẽ rất sung sướng, làm theo những gì được anh chị bảo.
Trong những trò chơi như trò nội trợ, trẻ có thể hóa thân tốt vào vai một em bé. Tuy nhiên, trẻ hay chơi xấu anh chị, phá hỏng những thứ mà anh chị đang có. Vì thế, giai đoạn này, trẻ thường chọc cho anh chị phát khóc.
Cách xử lý trong tình huống này là im lặng quan sát, hoặc cùng ôm cả hai và đặt trên đùi mình là được. Cho dù là anh em đánh nhau, nhưng sự thân thiết cũng sẽ theo đó mà lớn dần lên. Nếu bố mẹ đứng ra phân xử ai đúng ai sai thì ngược lại, chỉ làm tình cảm anh em thêm xấu đi mà thôi.
• Trẻ tỏ ra thích thú trước những em bé, bảo rằng ước gì nhà mình cũng có em bé.
• Khi có em bé, trẻ sẽ thể hiện rõ sự thích thú của mình, thường hay tới xem, chạm vào em bé. Trẻ tự hào bảo rằng: “Nhà mình có em bé”. Thế nhưng, trẻ chưa thực sự biết thương yêu em bé.
Khi được bảo: “Con đã làm anh rồi”, có trẻ tỏ ra tự hào nhưng cũng có trẻ cảm thấy phiền phức. Khi mẹ bỏ nhiều thời gian chăm sóc em bé hơn, nhiều trẻ thể hiện rõ sự ghen tỵ với em bé. Do đó, bố mẹ cần hết sức tế nhị để giải thích cho trẻ hiểu tại sao em bé cần phải được chăm sóc, như nói với con rằng: “Em bé mới sinh, chưa thể tự chăm sóc bản thân được con ạ. Lúc nhỏ, bố mẹ vẫn phải chăm sóc con như thế đấy thôi” và có thể kéo trẻ vào công việc chăm sóc em, để trẻ cảm thấy đây cũng là một việc thú vị.
(7) Có bạn thân
• Trẻ có bạn thân, bắt đầu đi chơi và về cùng nhau. Với người bạn thân này, trẻ có thể chơi cùng một cách hòa thuận trong khoảng ba mươi phút.
• Trẻ mượn đồ chơi của người bạn ấy và không chê món đồ chơi nào. Ngoài ra, trẻ biết chia sẻ đồ của mình với bạn, trẻ cũng biết trao đổi đồ chơi cho nhau. Tuy nhiên, trẻ không muốn cho bạn mượn quần áo của mình.
• Trẻ tuân theo trình tự, trẻ biết cách chơi kết hợp cầu tuột và những đồ chơi khác.
• Tất nhiên trẻ vẫn cãi nhau. Có khi trẻ giơ tay lên đánh, có khi lao vào xáp lá cà, nhưng đa phần vẫn là chửi nhau. Hoặc trong lúc tranh cãi, trẻ có thể tự giải quyết được mâu thuẫn.
Ta thấy mối quan hệ bạn bè của trẻ đột nhiên phát triển thêm một bước. Chính vì vậy, trong giai đoạn này, bố mẹ cần tạo điều kiện cho con kết bạn. Nhà trẻ là một nơi vô cùng thích hợp cho việc này. Khi cô giáo bảo, trẻ sẽ chăm sóc cho các em nhỏ hơn hoặc các bạn nhút nhát trong lớp.
Ở giai đoạn này, bố mẹ đừng thấy trẻ đánh nhau hay chửi nhau mà sốt ruột, lo sợ trẻ sẽ trở nên lỗ mãng, thích bạo lực, vì đó chỉ là cách trẻ giải quyết vấn đề bất đồng với bạn bè mà thôi. Sau khi đánh nhau, trẻ lại vẫn chơi với các bạn như trước. Việc của bố mẹ là im lặng quan sát và chỉ can thiệp trong những trường hợp có dấu hiệu nghiêm trọng, như gây thương tích cho bạn.
(8) Các trò chơi ngày càng phong phú
• Trẻ rất hay chơi các trò chơi đóng vai.
Trẻ rất thích cùng nhau chơi trò đóng vai trên tàu điện, đóng vai ở nhà, đóng vai tại cửa hàng, bắt chước các con vật.
• Trẻ chăm chú xem người lớn làm các công việc liên quan đến nghề mộc, nghề sơn, rất thích xem người lớn sửa xe đạp, sửa ô tô. Khi về nhà, trẻ sẽ bắt chước chơi y như thế.
Trẻ bắt đầu thể hiện sự quan tâm đối với các sự việc trong xã hội. Bố mẹ hãy cứ để con thoải mái trải nghiệm. Thậm chí bố mẹ có thể mua về các bộ đồ chơi làm mộc, làm sơn, bộ đồ nghề lắp ráp ô tô… dành cho trẻ em để trẻ có công cụ trải nghiệm tốt hơn. Bố có thể tham gia cùng với con để nuôi dưỡng tình cảm giữa bố và con.
• Trẻ thích những nơi như nhà ga, vườn thú, thích nhìn ra ngoài khi ngồi xe điện, đặc biệt trẻ rất thích đến gần chỗ ngồi của tài xế trên xe buýt.
Trẻ có thể líu lo chỉ trỏ và đặt câu hỏi khi nhìn thấy những con vật ở vườn thú hay những thứ lạ mắt khi ngồi trên xe buýt, xe điện. Bố mẹ hãy kiên nhẫn trả lời những câu hỏi của con vì đây là cơ hội để gia tăng kiến thức, khơi dậy niềm ham thích học hỏi của trẻ. Trường hợp bố mẹ không trả lời được, có thể nói với trẻ rằng bố mẹ sẽ tìm hiểu và trả lời sau, hoặc có thể yêu cầu trẻ xem sách tranh để tự tìm câu trả lời cho mình nhằm khuyến khích thói quen đọc sách của trẻ.
Có một câu chuyện vui. Một đứa trẻ ngồi trên xe buýt cùng bố, sau khi nhìn ánh nắng chiếu chói chang ở bên ngoài khung cửa sổ, trẻ đã quay sang hỏi bố: “Buổi sáng sớm, mặt trời mọc ở hướng Đông, chiều về lặn ở hướng Tây. Thế buổi trưa, mặt trời đi đâu bố nhỉ?”. Ông bố ngớ người vì bản thân người bố này cũng chưa từng nghĩ đến. Những kiến thức này đôi khi người lớn chúng ta không để ý, nhưng trẻ con thì thường hay đặt những câu hỏi rất bất ngờ và thú vị.
Có những lúc trẻ đặt những câu hỏi mà người lớn cho rằng “vô duyên”, “lãng xẹt”, nhưng bố mẹ cũng đừng tỏ ra bực tức mà hãy nghiêm túc trả lời con vì khi đặt câu hỏi, trẻ không hề nghĩ chúng là “vô duyên” đâu, nhất là ở độ tuổi này. Trẻ đơn thuần chỉ là thỏa mãn óc tò mò đối với thế giới xung quanh. Nếu thường bị bố mẹ la mắng: “Hỏi gì vô duyên”, trẻ sẽ càng ngại hỏi. Điều đó sẽ không khuyến khích trẻ học hỏi. Do đó, hãy dùng thái độ cởi mở và trả lời nghiêm túc những câu hỏi “vô duyên” nhất của trẻ nhé!
(9) Đi nhà trẻ
• Trẻ thích đi nhà trẻ. Bên cạnh đó, trẻ cảm thấy rất vui khi được trò chuyện và giúp đỡ giáo viên.
• Dù đó là việc trẻ không thích làm, nhưng nếu giáo viên giải thích rõ lý do và nhờ vả thì trẻ cũng sẽ làm giúp.
Lúc đó, nếu giáo viên chỉ dẫn: “Con cần chú ý chỗ này, chỗ này nè” thì trẻ sẽ nghiêm túc nghe theo. Tuy nhiên, trẻ ít khi nhờ vả giáo viên. Chính vì vậy, đôi khi trẻ không vào nhà vệ sinh mà tè dầm.
• Nếu giáo viên nói: “Con không được như vậy” thì đa phần, từ đó về sau trẻ không làm như vậy nữa.
Cảm xúc muốn làm đứa trẻ ngoan ngày càng trở nên mạnh mẽ. Theo đó, chúng ta nên hạn chế những điều cấm đoán đối với trẻ mà nên để trẻ được khám phá quá trình trở thành trẻ ngoan. Vì trong quá trình đó, trẻ sẽ học hỏi được những điều thú vị, phát huy được tinh thần tích cực hành động và tính sáng tạo, chủ động của mình.
• Trẻ có vẻ rất thích hát, và chơi các trò chơi có nhịp điệu cùng với những đứa trẻ khác.
• Nếu là một bài hát dễ thì trẻ có thể hát từ đầu cho đến hết bài. Tuy nhiên, thường là trẻ hát không đúng cao độ bài hát.
Đây là độ tuổi mà trẻ rất thích hát, vì thế bố mẹ không nên quá xem trọng chuyện trẻ cứ “rống” lên vì âm nhạc làm nên những điều kỳ diệu cho sự phát triển của trẻ. Bên cạnh đó, tôi mong bố mẹ giúp trẻ thường xuyên nghe được cách hát đúng. Trẻ phát âm tốt cũng nhờ hát đấy!
(10) Quan tâm đến tiền bạc
• Trẻ biết đến sự tồn tại của tiền, và trẻ rất vui khi được cho tiền.
Tuy nhiên, không cho tiền thật, chỉ cho tiền đồ chơi thì trẻ cũng vui rồi. Trẻ hiểu rằng tiền là thứ được dùng khi đi mua đồ và trẻ muốn thử dùng tiền.
• Trẻ thích thú với việc nhận tiền thừa từ người bán hàng và việc lấy tiền ra để mua một món đồ gì đó. Ngoài ra, trẻ cũng rất thích bỏ tiền vào hộp tiết kiệm, hay ống heo/lợn đất.
Ở giai đoạn này, bố mẹ có thể dạy trẻ cách sử dụng tiền, tất nhiên cho những mục đích hợp lý và dạy trẻ hiểu rằng tiền không dễ kiếm, bố mẹ rất cực khổ khi làm ra đồng tiền. Có những trẻ biết được bố mẹ kiếm tiền rất cực nên tự giác không đòi hỏi bố mẹ mua những đồ chơi quá đắt tiền và biết bỏ ống heo để dành tiền mua những món đồ cần thiết.
(11) Bắt đầu nhận thức về sự khác biệt giới tính
• Khi được hỏi về giới tính của mình, trẻ sẽ trả lời khẳng định: “Cháu là con trai”.
• Một điều rõ ràng có thể nhận thấy là cách chọn lựa đồ chơi: bé trai muốn có đồ chơi con trai, bé gái muốn có đồ chơi con gái. Tuy nhiên, trong lúc chơi, đồ chơi nào trẻ cũng chơi.
• Có khi trẻ bảo lớn lên muốn kết hôn với bố hoặc mẹ, nhưng trẻ vẫn nghĩ là có thể kết hôn với người thuộc bất kỳ giới tính nào.
• Trẻ bắt đầu nêu câu hỏi: “Em bé từ đâu đến?”.
Dù bố mẹ có giải thích rằng em bé được sinh ra từ bụng mẹ thì trẻ cũng chưa thể hiểu được.
• Trẻ thích xem và sờ ti mẹ. Dù bị mẹ từ chối: “Con đã lớn rồi, không được như thế”, trẻ vẫn liên tục đòi.
(12) Thích thú với những điều hóm hỉnh đã thuộc làu
• Nếu bố hoặc mẹ biết các câu chuyện hóm hỉnh và áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, trẻ sẽ rất vui vẻ, cười thích thú và cứ muốn được nghe nhiều lần.
Vì vậy, sự hóm hỉnh rất cần thiết trong một gia đình. Về điểm này, phải nói rằng các gia đình Nhật Bản đang còn thiếu.
Trên đây là sự phát triển về mặt cảm xúc và tính xã hội của trẻ từ ba tuổi rưỡi trở xuống. Tôi nghĩ rằng bố mẹ đã hiểu được những điểm đặc sắc của trẻ ở từng độ tuổi. Chắc hẳn bố mẹ đã nhận ra rằng hiện nay có quá nhiều người lớn không hề chú ý đến sự phát triển của trẻ mà tùy tiện phán xét trẻ ngoan, trẻ hư rồi trách phạt. Tôi mong rằng mọi người, nhất là các bà mẹ, hãy chú ý điều đó. Đừng làm tổn thương tâm hồn trẻ nhỏ.
b) Thói quen sinh hoạt
(1) Ngủ
Ngủ trưa:
• Thời gian ngủ trưa ít đi, còn khoảng một - hai tiếng đồng hồ. Tất nhiên cũng có những trẻ không ngủ trưa, thời gian ngủ trưa khác biệt khá lớn ở từng đứa trẻ. Thỉnh thoảng, trẻ sẽ ngủ trưa giấc dài. Thường là trẻ ngủ rất ngon giấc.
• Thức dậy từ từ, thức dậy rồi cũng không còn hiện tượng cau có, khóc nhè nữa. Một số trẻ có vẻ mặt thẫn thờ cứ như vừa tỉnh dậy sau một giấc mơ.
Ngủ đêm:
• Khi ngủ, có khi trẻ mang theo món đồ chơi yêu thích (như búp bê, gấu bông, v.v…) vào giường ngủ, nhưng trẻ không còn quá xem trọng trình tự từng chi tiết nhỏ trước khi đi ngủ như giai đoạn trước kia. Vì thế, việc dỗ trẻ ngủ cũng đỡ phiền phức hơn lúc trước.
• Có một điều tôi cảm thấy thú vị là trẻ thường buồn ngủ nhanh hơn nếu người bên cạnh trẻ không phải là mẹ. Bên cạnh đó, một số trẻ nửa đêm lại chui vào giường của mẹ.
• Sau khi vào giường ngủ, một số trẻ thích tự nói chuyện một mình.
Nếu chú ý nghe kỹ, sẽ thấy đó là những lời đối thoại khi chơi với bạn hoặc là kế hoạch sắp xếp đồ chơi như thế nào, v.v…
• Có khi trẻ tỉnh giấc vào khoảng mười giờ tối, hoặc là trẻ thường nằm mơ, đột nhiên khóc, đột nhiên cười hoặc kêu lớn tiếng. Có trẻ còn đi vòng quanh khắp nhà.
Đó là hiện tượng mê ngủ. Nếu hiện tượng đi vòng quanh khắp nhà diễn ra liên tục trong thời gian dài thì mới cần phải đo sóng não, nhưng nếu chỉ diễn ra trong một - hai tháng thì cứ để yên quan sát trẻ là được.
Buổi sáng:
• Đa phần trẻ thức giấc vào khoảng sáu - bảy giờ sáng, nhưng tất nhiên điều này còn tùy thuộc vào nghề nghiệp của gia đình, hoặc giờ đi học mẫu giáo của trẻ, khoảng cách từ nhà đến trường mẫu giáo.
• Lúc vừa mở mắt tỉnh dậy, đa số trẻ khóc lóc, khó chịu. Và trẻ còn khóc đòi: “Đỡ con dậy”, “Ẵm con”.
Điều này không có nguyên nhân rõ ràng. Nếu bố mẹ dịu dàng dỗ dành trẻ thì hiện tượng này sẽ mất đi lúc nào không hay. Có những trẻ rất thích đi học mẫu giáo để được chơi cùng bạn, nên những đứa trẻ này sẽ không có hiện tượng quấy khóc mà còn hưng phấn tỉnh dậy ngay khi được mẹ bảo: “Dậy đi học nhé con”. Có một số trường hợp trẻ hay nhõng nhẽo, nhưng sau khi được mẹ cho đi học thì tình trạng nhõng nhẽo cũng vơi bớt vì trẻ cho rằng: “Đi học đã là người lớn rồi”. Tuy nhiên, cũng có trẻ vào mỗi sáng vẫn nhõng nhẽo, không muốn dậy đi học, bố mẹ cần tìm hiểu tại sao con như vậy vì có thể ở trường có những thứ làm trẻ không thích, hoặc môi trường giáo dục ở trường không phù hợp với trẻ như các cô giữ trẻ dạy theo kiểu huấn luyện, ra lệnh. Nếu vậy, cần đổi trường cho con.
(2) Ăn
• Trẻ thèm ăn hơn. Điều này có liên quan đến mức độ vận động của trẻ. Trẻ càng vận động nhiều thì sức ăn cũng tốt hơn.
• Trẻ chống lại những điều mà mẹ ép buộc.
• Độ thèm ăn của trẻ trong ngày không có nhiều biến động. Tuy nhiên, đa số trẻ thèm ăn hơn vào bữa ăn sáng và bữa ăn tối.
• Trẻ thích uống sữa, trẻ uống lượng sữa nhiều nhất từ trước đến giờ.
• Khi mẹ làm đồ ăn, trẻ hay bảo mẹ: “Nấu món A đi!”, tức là món mà trẻ muốn ăn. Tuy nhiên, trẻ ít khi bảo trẻ thích hay ghét món nào.
Sự tăng trưởng vượt trội của cơ thể chính là một nguyên nhân của hiện tượng này. Thêm một nguyên nhân nữa chính là mức độ vận động của trẻ đã tăng lên. Vì thế, trẻ nào ít vận động thì cũng ít thèm ăn. Tôi mong bố mẹ hãy tạo cơ hội và nơi chốn để trẻ được vận động, được hoạt động thật nhiều. Đây là thời kỳ phù hợp để bố mẹ sửa chữa thói quen ăn uống thiếu cần bằng trước nay của trẻ. Dù chiều theo yêu cầu của trẻ thì cũng nên khuyến khích trẻ: “Không thích ăn nhưng con nếm thử một chút nhé”. Đôi khi trẻ thích ăn những món không bổ ích cho trẻ như mì gói chẳng hạn. Điều này cũng dễ hiểu vì những món không bổ dưỡng thì bố mẹ ít cho trẻ ăn nên sẽ khiến trẻ thèm, cứ muốn ăn hoài. Bố mẹ có thể lâu lâu cho trẻ ăn một chút nhưng cũng khuyến khích trẻ ăn thêm món mới. Quan trọng là đa dạng hóa thực đơn để trẻ không chán ăn và kích thích sự thèm ăn ở trẻ. Như đã nói ở phần trước, tạo không khí bữa ăn vui vẻ trong gia đình là một cách khuyến khích trẻ ăn ngon, nhất là khi trẻ được ngồi cùng bàn ăn với người lớn và tự mình xúc cơm.
• Độ khéo léo của bàn tay tăng lên đáng kể nên trẻ có thể tự ăn mà không rơi vãi.
• Trẻ cầm muỗng tốt hơn, thường kẹp muỗng ở giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ, hoặc là cầm muỗng trong cả lòng bàn tay.
Vì thế, trẻ có thể múc đồ ăn lên dễ dàng, kề cạnh muỗng hoặc đầu muỗng lên miệng và đưa thức ăn vào.
• Trẻ có thể cầm tách trà bằng một tay, có thể rót nước từ bình vào cốc.
• Trẻ rất vui khi được ăn bốc những món như cơm nắm…
Nói tóm lại, trẻ có thể tự mình ăn. Nếu đến thời điểm này mà có trẻ nào chưa thể tự mình ăn thì đó chính là kết quả của quá trình bảo bọc quá mức từ trước đến giờ.
Trẻ tự xúc ăn rất giỏi khi chỉ có một mình, nhưng khi ăn chung với cả nhà hoặc khi có người khác bên cạnh, trẻ lại làm rơi vãi thức ăn. Nói cách khác, nếu trẻ không tập trung chú ý thì dễ thất bại khi tự xúc ăn. Bên cạnh đó, có những trẻ tự ăn từ đầu đến cuối một cách chậm rãi. Chúng ta có thể nhận thấy những đứa trẻ như thế ở các trường mẫu giáo, nhà trẻ.
(3) Tiểu tiện - Đại tiện
Đại tiện:
• Đa số trẻ đại tiện một - hai lần mỗi ngày. Cũng có trẻ bị táo bón. Bố mẹ không cần quá lo lắng.
• Sau khi đại tiện xong, trẻ sẽ gọi người lớn đến giúp trẻ lau chùi.
Tiểu tiện:
• Trẻ có xu hướng nhịn tiểu, cố kéo dài thời gian, đến lúc sắp tiểu thì mới chạy vào nhà vệ sinh. Những lúc như thế, thỉnh thoảng trẻ bị tiểu són trong quần, nhưng khoảng cách giữa các lần đi tiểu vào ban ngày là khá lâu nên bố mẹ cũng không cần lo ngại trẻ sẽ tè dầm.
• Ban đêm, thường trẻ sẽ tự thức dậy, gọi bố mẹ, bảo: “Con mắc tiểu” và nhờ bố mẹ đưa vào nhà vệ sinh.
Như thế, đa phần trẻ không còn tè dầm vào ban đêm nữa, nhưng cũng có một số trẻ vẫn tiếp tục tè dầm như trước kia. Sau khi tè dầm, trẻ sẽ nhờ bố mẹ thay quần. Từ độ tuổi này trở đi, nếu trẻ tiểu tiện thất bại thì thường được xếp vào chứng bệnh đái dầm đêm. Tuy nhiên, độ tuổi chấm dứt tè dầm ở mỗi trẻ là khác nhau, nếu trẻ tè dầm một - hai lần trong tuần, hay một - hai lần trong tháng thì bố mẹ không cần lo lắng.
• Trẻ nhận ra sự khác biệt trong tư thế lúc đi tiểu giữa bé trai và bé gái, trẻ cảm thấy điều đó rất kỳ lạ và đặt câu hỏi với người lớn. Có những bé gái cố đứng khi đi tiểu và thất bại.
(4) Thay quần áo
• Trẻ cởi quần áo nhanh và thành thục hơn trước. Vì thế, có thể giao cho trẻ tự làm. Trẻ có thể tự mặc áo len và âu phục, và có thể cởi nút ở những vị trí mà tay có thể với tới.
• Trẻ có thể tự mình đeo tất, mặc quần. Tuy nhiên, trẻ vẫn nhầm lẫn mặt trước mặt sau của quần áo.
Trẻ có thể tự thay quần áo nhưng khi bảo trẻ: “Con thay quần áo đi” thì trẻ không muốn tự làm. Những lúc như thế, nên để trẻ tự làm hay là giúp trẻ một tay? Tôi cho rằng vừa dỗ dành trẻ vừa để trẻ tự làm là tốt hơn cả.
Chính những đứa trẻ không có tật xấu gì mới là có vấn đề
Khi lên ba, trẻ thay đổi rất nhiều so với lúc hai tuổi, dáng vẻ cũng điềm đạm hơn, bố mẹ cũng dạy bảo trẻ dễ dàng hơn. Có thể gọi đây là “trạng thái dao động về phía phải” mà nhà tâm lý học Gesell có đề cập. Cho nên, bố mẹ cần xác định là có lúc trẻ sẽ lại dao động về phía trái. Một số nhà nghiên cứu còn phải lên tiếng rằng chính những đứa trẻ luôn phát triển thẳng thớm không có tật xấu gì mới là có vấn đề.
Có những vị phụ huynh hiểu rõ về sự dao động trong quá trình phát triển của con trẻ và cảm thấy an tâm. Bên cạnh đó, cũng có những bậc cha mẹ không hiểu, đã mắng con, đánh con và cảm thấy vô cùng có lỗi.
Chỉ cần tìm hiểu đầy đủ đặc điểm các giai đoạn phát triển của trẻ, bố mẹ sẽ thấy không cần phải trách phạt con. Về điểm này, cả bố và mẹ đều là người giữ vai trò dưỡng dục con cái nên tôi mong cả hai cùng tìm hiểu đầy đủ những đặc điểm phát triển này của trẻ.
Nếu bố mẹ không tìm hiểu đặc điểm phát triển của trẻ, quy kết con mình là “trẻ hư” rồi trách mắng, đánh đập con thì sẽ gây ra tổn thương lớn trong tim con, khiến tâm hồn con chai sạn, làm biến dạng nhân cách của con sau này, khiến con trở thành những đứa trẻ có vấn đề trong xã hội. Đã xảy ra rất nhiều trường hợp như vậy trong thực tế.
Trong quyển sách này, tôi lấy ví dụ về đặc điểm phát triển của trẻ từ hai đến ba tuổi rưỡi, đặc điểm của trẻ ở những lứa tuổi khác cũng đã được Gesell viết rõ với độ dài tương tự.