Mối quan hệ không thể tách rời giữa sự phá phách và tinh thần tích cực hành động
Phá phách chính là hoạt động nghiên cứu của trẻ nhỏ
Hơn một tuổi, lúc trẻ mới biết đi, trẻ thích vào bếp lôi xoong nồi trong tủ chén đem ra ngoài chơi, có khi còn chui vào ngồi trong tủ chén. Đó là lúc trẻ đang khám phá xem xoong nồi lớn đến mức nào và có cấu tạo ra sao. Trẻ còn muốn kiểm tra thử xem mình có chui lọt vào trong tủ chén hay không nữa.
Bên cạnh đó, trẻ còn thích dùng ngón tay chọc thủng các ô cửa giấy shouji(*), rồi lại còn dùng nguyên bàn tay chọc vào lỗ thủng khiến cánh cửa càng rách thêm. Đó là lúc trẻ đang nghiên cứu tính chất của giấy dán cửa. Có khi tay trẻ chọc đến đâu, giấy dán cửa rách bươm đến đó. Thậm chí, tại nhà một người quen của tôi, đứa trẻ còn chọc thủng cả cửa lùa fusuma(**), làm cánh cửa rách toạc từ trên xuống tận dưới chân đến nỗi người lớn cũng có thể chui vừa. Người quen ấy cũng cùng chung quan điểm với tôi nên đã để cho con thỏa sức khám phá.
(*) Shouji: loại cửa lùa gồm khung bên ngoài, các nan gỗ đan thành các ô bên trong cánh cửa và dán giấy.
(**) Fusuma: loại cửa lùa chỉ có khung bên ngoài và dán giấy, không có các nan gỗ đan thành ô bên trong cánh cửa.
Thứ nhất, những trò phá phách là biểu hiện của một tâm hồn thích nghiên cứu, tuyệt đối không phải là những hành động ác ý. Bởi vì trẻ con không hề có tâm lý muốn làm người lớn khổ sở. Thứ hai, đối với những trò phá phách như thế, chỉ tầm một, hai tháng là trẻ sẽ “tốt nghiệp”. Đó không phải là những điều trẻ sẽ làm suốt đời.
Mối quan hệ giữa sự phá phách và việc nuôi dạy trẻ
Ắt hẳn có những người mẹ sẽ thắc mắc rằng nói như thế thì không cần dạy dỗ trẻ cũng được sao. Đối với câu hỏi ấy, câu trả lời của tôi là chỉ cần chờ đến khi trẻ “tốt nghiệp” trò phá phách đó là được.
Thế nhưng, có nhiều người mẹ không chấp nhận câu trả lời này. Rất nhiều người mẹ cực kỳ khó tính trong việc dạy dỗ. Có người còn hỏi rằng không dạy cho con biết việc nào đúng việc nào sai cũng được hay sao. Đối với những người mẹ ấy, tôi muốn nói rằng phá phách không phải là việc xấu, điều quan trọng là mẹ cần hiểu rằng trẻ con không phải là những đối tượng làm điều xấu (thuyết tính thiện(***)).
(***) Thuyết tính thiện: là thuyết của Mạnh Tử, cho rằng “nhân chi sơ, tính bản thiện”.
Tuy nhiên, có những trò phá phách của con trẻ thường xuyên làm bố mẹ khổ sở, làm tổn thất nhiều đồ đạc của bố mẹ. Đối với những trường hợp như thế, cần phải nói cho con hiểu điều này. Nhưng sự khổ sở này cũng rất khác nhau ở từng bố mẹ.
Ví dụ, có những người mẹ rất khó chịu khi con giật đổ thùng rác làm rác đổ khắp phòng, nhưng cũng có những người mẹ hết sức bình thản. Nếu là một người mẹ coi trọng lễ tiết bình thường cho rằng làm đổ rác bừa bộn là điều không thể chấp nhận thì chắc chắn sẽ la mắng con.
Phòng khách nhà tôi từng bị đứa cháu làm hỏng nặng. Lần đầu tiên là lúc cháu được một tuổi rưỡi. Lúc ấy, thằng bé đang chơi ghép gỗ, nhưng rồi không biết nghĩ gì mà thằng bé vung tay ném một khối gỗ đi. Khối gỗ trúng vào cánh cửa lùa fusuma, làm cánh cửa bị rạn. Thấy thế, thằng bé liền đi về phía cánh cửa, chọc ngón tay vào chỗ rạn. Vậy là một lỗ thủng được tạo thành và thằng bé phát hiện bên trong cánh cửa là một khoảng không. Thằng bé cố đưa ngón tay lên làm cánh cửa lùa fusuma bị rách toạc.
Lúc đó, tôi đến bên cạnh, nhẹ nhàng nói với thằng bé: “Ông phải sửa cánh cửa này vất vả lắm đấy”. Tóm lại, tôi nói cho trẻ hiểu nỗi khổ sở của người lớn. Kết quả là từ đó về sau, thằng bé không bao giờ lặp lại trò phá phách đó nữa. Bởi vì thằng bé nghĩ rằng mình không nên làm điều gì khiến ông khổ sở nữa.
Cơ sở của điều này chính là mối quan hệ giữa ông và cháu mỗi ngày đều gắn kết bởi tình yêu thương. Tôi và cháu của mình chơi đùa với nhau rất vui vẻ, cháu cũng mừng rỡ gọi: “Ông ơi, ông ơi” khi gặp ông. Tôi chưa bao giờ la mắng con và đã theo đuổi việc giáo dục không la mắng suốt gần bốn mươi năm. Vấn đề này sẽ được trình bày rõ hơn ở Chương 3.
Một trò phá phách lớn nữa là khi thằng bé được ba tuổi hai tháng. Khi tôi trở về nhà, bỗng thấy trên cửa ra vào và cửa lùa bị ai đó vẽ những dấu X thật lớn bằng mực đỏ. Tôi không khỏi giật mình. Khi vợ ra đón, tôi liền hỏi: “Dấu X này là sao vậy?”. Vợ của tôi liền trả lời như chẳng có gì to tát: “Mẹ Tabe bảo mới đọc cho thằng bé nghe cuốn Nghìn lẻ một đêm”.
Câu chuyện mà thằng bé được nghe là có tên cướp muốn vào ăn cướp nhà một người giàu có nên đã làm dấu căn nhà bằng cách đánh dấu X lên cửa ra vào. Một người thông minh đã nhận ra dấu X mà tên cướp để lại nên đã đánh dấu X lên tất cả những căn nhà khác. Thế là khi đồng bọn của tên cướp kéo đến, chúng chẳng biết phải vào căn nhà nào để cướp cả, đành phải bỏ đi(****). Như vậy, cháu của tôi hoặc là muốn bảo vệ nhà mình khỏi những tên cướp, hoặc là muốn trở thành người thông minh trong truyện, hoặc là cả hai.
(****) Câu chuyện Alibaba và 40 tên cướp.
Tuy nhiên, nếu việc này tiếp diễn, hoặc giả thằng bé vẽ lên những nhà bên cạnh thì đúng là gây phiền hà cho người khác. Khi gặp thằng bé, tôi đã nói thế này: “Để chùi rửa những vết vẽ này, ông phải tốn rất nhiều tiền đấy”.
Cảm nhận được sự khổ sở của ông qua giọng nói và biểu cảm nên từ đó về sau thằng bé tuyệt đối không lặp lại trò phá phách ấy thêm lần nào nữa.
Tôi đã để mặc cánh cửa lùa bị rách và dấu X trên cửa ra vào một thời gian dài. Bởi vì tôi biết rằng những đứa cháu sẽ lần lượt chào đời. Mỗi một đứa cháu lại có vô số những trò phá phách khác nhau. Nếu cứ mỗi chút mỗi sửa thì sẽ tốn rất nhiều tiền bạc. Thêm nữa, tôi cũng muốn dùng chúng làm tài liệu để giáo dục người lớn.
Và mỗi khi khách đến chơi nhà, tôi lại giới thiệu: “Đây là tác phẩm của cháu tôi đấy”. Tất nhiên, khách sẽ rất sửng sốt với tác phẩm ở chỗ nào kia, lúc đó, tôi sẽ nói về ý nghĩa của những trò phá phách. Trong đầu của tôi hoàn toàn không có ý nghĩ: “Đây là những trò không thể chấp nhận”.
Cảm tính của bố mẹ nuôi lớn tinh thần tích cực hành động
Nếu như quan sát kỹ những trò phá phách của con trẻ, chúng ta có thể cảm nhận được trong đó có những hạt mầm sáng tạo. Và đã có những người bố, người mẹ vô cùng cảm động vì điều đó. Có thể cảm động như vậy chính là vì bố, mẹ ấy nhạy về mặt cảm tính. Nếu bố mẹ nghĩ rằng phải phạt, phải làm sao để con cái không còn làm bố mẹ khó xử thì sẽ không bao giờ cảm nhận được tính sáng tạo của con cái.
Điều quan trọng ảnh hưởng đến sự hình thành cảm xúc nơi con trẻ chính là độ nhạy về mặt cảm tính của bố mẹ. Những người bố, người mẹ nhạy về mặt cảm tính có thể cảm động trước những việc làm của con trẻ, đặc biệt là trước những trò phá phách nên có thể nhìn nhận đầy đủ các mặt của sự phá phách, có thể thấy được trong sự phá phách ấy có cả sự tìm tòi, học hỏi, khám phá và cả niềm tin của con trẻ khi được khám phá thế giới. Những người bố, người mẹ nhạy về cảm tính ấy sẵn sàng cho con mặc sức chơi đùa mà không bận tâm một chút nào về những rắc rối con để lại sau mỗi trò đùa nghịch. Và những đứa trẻ được nhìn nhận đầy đủ các mặc của sự phá phách dần dần sẽ trở thành những đứa trẻ giàu óc sáng tạo. Tức là cá tính sẽ được phát huy.
Vấn đề này đã được nhấn mạnh trong “Đề cương giáo dục mầm non” được thực hiện từ tháng Tư năm Heisei thứ hai(*****) và trong “Định hướng nuôi dạy tại nhà trẻ” đang được đề xuất thực hiện. Cả hai văn kiện này đều đề xuất chuyển đổi việc nuôi dạy trẻ từ mô hình Người nuôi dạy chỉ đạo trong quá khứ sang mô hình Lấy trẻ làm trung tâm. Tóm lại, tôi mong rằng các bố mẹ hãy xem trọng những trò chơi tự phát của trẻ và thực hiện việc giáo dục hỗ trợ những trò chơi ấy. Làm như thế, sự hăng hái hay nói cách khác là tinh thần tích cực hành động của trẻ cũng dần lớn lên. Ẩn chứa bên trong những trò chơi tự phát ấy chính là hạt mầm sáng tạo.
(*****) Năm Heisei thứ hai: năm 1990.
Để trở thành một người chủ động hành động
Để nuôi dạy một đứa trẻ tự mình làm được mọi thứ
Tính tích cực hành động, hay còn gọi là sự hăng hái, nếu được sự hỗ trợ của tính chủ động thì sẽ càng phát triển mạnh. Ở trẻ nhỏ, tính chủ động được thể hiện ở những năng lực: tự nghĩ ra trò chơi (tự suy nghĩ), tự mình quyết định xem chơi trò nào thì sẽ cảm thấy vui (tự quyết định), triển khai trò chơi mà không cần nhờ người khác (tự thực hiện).
Một đứa trẻ có năng lực như trên, nếu được trao quyền tự do “Con có thể làm mọi thứ” thì từ khi được ba tuổi trở đi, đứa trẻ ấy sẽ hăng hái triển khai rất nhiều hoạt động. Đứa trẻ sẽ có thể tự mình chơi hoặc rủ bạn bè tổ chức hết trò chơi này đến trò chơi khác. Cho nên, sẽ không bao giờ có chuyện đứa trẻ ấy ủ dột hoặc lóng nga lóng ngóng suốt ngày. Ngoài ra, trẻ cũng không nhất nhất hỏi ý thầy cô giáo, hay bố mẹ rằng: “Con làm thế này được không”. Quan trọng là những trẻ chủ động luôn có chính kiến.
Những đứa trẻ được dạy dỗ trong trường mầm non hoặc nhà trẻ theo mô hình người nuôi dạy chỉ đạo, khi được trao tự do, có bé thì ủ dột, có bé thì lóng ngóng, có bé nhút nhát. Điểm chung là những đứa trẻ này rất thụ động và không có chính kiến. Bất cứ điều gì trẻ cũng hỏi: “Con làm thế này được không?”, nếu không có sự hướng dẫn của người nuôi dạy thì trẻ không thể tự mình hành động. Nếu người nuôi dạy có thói quen la rầy trẻ mỗi khi trẻ tự ý làm (đặc biệt là hành vi đó có gây hậu quả dù nhỏ), trẻ sẽ phát sinh tâm lý sợ sai, sợ bị la mắng, dần dần triệt tiêu tính chủ động, dám thử, dám làm ở trẻ.
Vì thế, nếu bố mẹ muốn tìm cho con một trường mầm non xem trọng tính chủ động của trẻ thì hãy chọn ngôi trường xem trọng những trò chơi mà trẻ tự nghĩ ra (tự do chơi đùa). Bên cạnh đó, bố mẹ cần tránh xa những ngôi trường mà giáo viên ra lệnh “Các con hãy…” và nuôi dạy toàn bộ các bé răm rắp y như nhau. Những trường mầm non như thế không theo quan điểm của “Đề cương giáo dục mầm non” cũng như “Định hướng nuôi dạy tại nhà trẻ”, ở đó, tinh thần tích cực hành động của trẻ sẽ bị đè nén.
Sự khác biệt giữa tự do và bỏ mặc
Tinh thần tích cực hành động của trẻ sẽ lớn lên cùng với sự phát triển của tính chủ động. Để tính chủ động lớn lên, điều quan trọng nhất chính là được trao tự do. Thế nhưng hiện thực của nước Nhật là rất ít người hiểu đúng về tự do. Rất nhiều người nhầm lẫn giữa việc trao quyền tự do cho trẻ với việc bỏ mặc trẻ. Bởi vì ngay cả một học giả giáo dục nổi tiếng cũng bảo rằng cách giáo dục sau chiến tranh bỏ mặc cho trẻ tự do đang làm hư hỏng trẻ em…
Tôi muốn nhấn mạnh rằng cần phải trao tự do cho trẻ nhưng tuyệt đối không được bỏ mặc trẻ. Bởi vì trao tự do cho trẻ, tính chủ động ở trẻ sẽ phát triển; nhưng nếu bỏ mặc trẻ thì rất có thể sẽ tạo ra một đứa trẻ phóng túng, không biết phân biệt đúng sai. Khi bỏ mặc trẻ, trẻ sẽ tự hiểu đúng sai theo ý mình, từ từ trẻ sẽ hình thành những thói quen xấu khó bỏ và nhân cách xấu cũng định hình. Cũng cần nói thêm, khi hành động của trẻ trở nên quá mức, người lớn chỉ cần thể hiện một cách nhẹ nhàng cho trẻ hiểu rằng hành động của trẻ đang gây khổ sở cho người khác, như tôi đã nói với cháu mình rằng: “Cháu phá cửa như thế làm ông tốn nhiều tiền để sửa lắm đấy”. Vì tâm tính trẻ vốn dĩ là tính thiện, không bao giờ cố tình gây đau khổ cho người khác.
Thế nên, trao tự do và bỏ mặc là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, có thể nói là đối lập nhau. Vậy thì sự khác biệt giữa hai khái niệm này nằm ở đâu? Bỏ mặc trẻ là thái độ nuôi dạy để trẻ muốn ra sao thì ra, bố mẹ rũ bỏ hoàn toàn trách nhiệm đối với việc dạy dỗ con. Cho nên tinh thần trách nhiệm sẽ không được vun đắp ở đứa trẻ. Và rồi những hành động ích kỷ của trẻ sẽ ngày càng nhiều thêm.
Ngược lại, trao tự do cho con là thái độ nuôi dạy luôn luôn dõi theo con, không góp ý, không giúp đỡ, và cần phải theo sát để xem con có rèn luyện được tinh thần trách nhiệm sau khi được trao tự do hay không.
Khi dõi theo con, bố mẹ sẽ thấy tất cả những hành động của con đều chưa thuần thục, lúc làm chậm, lúc làm sai nên liền góp ý hoặc ra tay giúp đỡ con. Không ít bố mẹ xem đó là giáo dục.
Đặc biệt, nhiều bố mẹ xem việc ra tay giúp đỡ là tốt bụng nhưng thực chất, làm như thế chính là bao bọc quá mức. Bao bọc quá mức là đặc trưng trong cách giáo dục của người lớn tuổi, vì nó mà ở nhiều đứa trẻ, tính chủ động phát triển rất muộn. Có thể nói sự tốt bụng chính là con dao hai lưỡi.
Tôi gọi việc “dõi theo con, không góp ý, không giúp đỡ” bằng cụm từ “giao việc” cho con. Và tôi đề xuất rằng: bố mẹ hãy giao việc cho con.
Nói đến đây, rất nhiều phụ huynh đã trả lời: “Thế thì cứ kệ con là được nhỉ!”.
Tôi nhắc lại rằng kệ con chính là rũ bỏ trách nhiệm, vì thế tuyệt đối không được làm như thế. Giao việc chính là cho con đảm đương nhiệm vụ. Mặc dù vụng về, nhưng con trẻ cũng muốn tự mình làm thử. Khi thất bại, con cũng cố gắng khắc phục đúng không nào? Nhờ những trải nghiệm như thế, tính chủ động của con mới được nuôi dưỡng, tinh thần trách nhiệm cũng lớn dần lên.
Cần lưu ý khi giao việc, cần cho trẻ hiểu rằng trẻ đang nhận một nhiệm vụ nghiêm túc và bố mẹ trân trọng khi giao việc cho trẻ. Khi trẻ làm tốt, bố mẹ cần khen ngợi trẻ như một cách tưởng thưởng cho sự cố gắng của trẻ. Việc tưởng thưởng sẽ càng khuyến khích trẻ chủ động hơn và có ý thức trách nhiệm hơn. Nếu trẻ làm thất bại, cũng không sao cả. Thay vì la mắng, chê bai, bố mẹ cần khuyến khích để trẻ làm tốt hơn trong lần sau.
Lời khuyên đối với phương pháp im lặng
Tôi thường xuyên nhận được những lời tâm sự của phụ huynh, rằng họ vô cùng khổ sở vì con cái không có tinh thần tích cực hành động. Và câu trả lời của tôi luôn là: “Quý vị hãy giao việc cho con”, và khuyên họ dùng phương pháp im lặng.
Nhiều trường hợp có liên quan đến việc học hành, và phương pháp im lặng chính là tuyệt đối không nói những câu như “học bài đi”, “làm bài tập cho đàng hoàng vào”,… tức là những câu mệnh lệnh.
Thực hiện phương pháp im lặng không phải là tuyệt đối không trao đổi với trẻ bất cứ vấn đề gì. Bố mẹ và con cái có thể nói với nhau những chuyện vui, bố mẹ cần phải lắng nghe những điều con cái tâm sự, nhưng cần phải tránh nói với con bằng giọng điệu ra lệnh. Cần đối xử với con như một người bạn với thái độ tôn trọng và luôn trao tự do cho con. Khi bắt đầu thực hiện phương pháp im lặng, nếu trẻ đã học tiểu học thì phụ huynh có thể nhờ con mình thế này: “Từ hôm nay, mẹ sẽ cố gắng không ra lệnh ‘Con hãy…’ nữa. Nếu mẹ lỡ nói ‘Con hãy…’ gì đó thì con nhớ nhắc mẹ rằng ‘Mẹ vừa nói đấy!’, có được không con?”.
Làm như thế, nếu lỡ ra lệnh cho con, mẹ sẽ được con nhắc nhở: “Đó, mẹ vừa nói!”. Khi đó, chỉ cần nói: “Mẹ xin lỗi nhé” là được. Lời xin lỗi ấy vô cùng hữu hiệu trong việc hàn gắn mối quan hệ tin tưởng giữa bố mẹ và con cái. Bởi vì lúc đó con cảm nhận được bố mẹ đang rất cố gắng để tin tưởng mình.
Tuy nhiên, khi được con nhắc nhở, những người bố, người mẹ có tính kiêu ngạo thường hậm hừ: “Nếu mày tử tế thì mẹ đã không phải nói nhiều như thế làm gì”, và đổ lỗi cho con. Đây là một nghịch lý, rõ ràng bố mẹ đã không nhận ra đầy đủ sự thật: chính vì bố mẹ ra lệnh quá nhiều nên đã đè bẹp tinh thần “tích cực hành động” của con cái.
Nếu mẹ nhận ra được sự thật đó thì sẽ có thể chân thành nói lời xin lỗi với con, nói được lời xin lỗi với con, dần dần con sẽ cảm nhận được thế nào là trách nhiệm và chắc chắn sẽ bắt đầu tự giác học hành. Cũng cần lưu ý rằng bản thân cha mẹ cũng cần hạn chế nói lời xin lỗi ở mức thấp nhất và cũng phải tự mình giữ kỷ luật. Đó cũng là thể hiện tinh thần trách nhiệm của bố mẹ đối với bất kỳ việc làm nào. Nên nhớ trẻ con hay lấy bố mẹ làm gương.
Khi giao việc cho con, bố mẹ cũng đừng kỳ vọng con sẽ tự giác ngay. Điều đó là không thể. Khi mới thử trao trách nhiệm cho con, sẽ mất một thời gian con chẳng tự mình học hành gì, kết quả học tập ngày càng xuống dốc. Đối với tình trạng đó, nếu bố mẹ vẫn thực hiện “phương pháp im lặng” đúng như đã tuyên bố thì con cái sẽ từng chút từng chút một biết tự giác học hành, tự con sẽ cho biết mình muốn đi học thêm môn học nào. Bố mẹ có thể quan sát xem những môn hoặc những việc mà con thích nhất để giao trách nhiệm cho con, từ đó dễ dàng khơi dậy sự hứng thú, đam mê trong công việc mà trẻ làm. Khi làm một việc mà mình thích thay vì một việc mình “bị” giao, lúc nào kết quả cũng sẽ tích cực hơn. Chẳng hạn như, trẻ thích xếp đũa vào khay. Bố mẹ có thể giao cho trẻ nhiệm vụ này sau mỗi bữa ăn. Sau khi trẻ làm tốt, cần khuyến khích và khen ngợi trẻ như một cách tưởng thưởng cho một nhiệm vụ được hoàn thành.
Tóm lại, bố mẹ có thể nhận thấy quá trình lớn lên từng chút một của tính chủ động. Bởi vì tính chủ động là một năng lực ẩn chứa ở mọi đứa trẻ kể từ khi mới chào đời. Việc của bố mẹ là trao cho trẻ tự do để trẻ phát huy tính chủ động ấy một cách tốt nhất.
Những đứa trẻ chủ động rất giỏi kết bạn
Hiệu quả của phương pháp im lặng không chỉ biểu hiện ở phương diện học tập mà còn biểu hiện ở năng lực kết bạn.
Những đứa trẻ thụ động không hề muốn kết bạn với ai, nhiều trường hợp không có một người bạn nào. Nhưng nếu tính chủ động bắt đầu phát triển thì trẻ dắt bạn về nhà, đến nhà bạn chơi, hiểu được niềm vui có bạn bè.
Trong cuộc sống, niềm vui được chơi với bạn bè mang một ý nghĩa rất quan trọng đối với sự hình thành tính xã hội của trẻ. Không có bạn bè đồng nghĩa với việc tính chủ động phát triển muộn và tính xã hội cũng phát triển muộn theo.
Rất nhiều đứa trẻ tuy không thích việc học hành nhưng vẫn đến trường vì được chơi với bạn bè. Giờ ra chơi mang ý nghĩa riêng của nó. Ở điểm này, phải nói rằng giờ ra chơi tại Nhật là quá ngắn.
Tại ngôi trường tiểu học ở Anh, nơi cháu của tôi đã từng học trong một năm, giờ ra chơi dài đến mức tôi phải kinh ngạc. Tại ngôi trường ấy, mối quan hệ bạn bè hình thành, cháu của tôi khi trở về nước vẫn còn nhắc mãi, đến mức vài năm sau khi về nước, cả nhà đã cùng nhau bay sang Anh trong kỳ nghỉ hè để cháu gặp lại bạn bè.
Thể chế giáo dục của đất nước Nhật đang làm đứa bé gái mới về nước phải khổ sở. Nếu không nhanh chóng thay đổi tầm nhìn hạn hẹp của người làm giáo dục, cũng như thể chế giáo dục bó buộc trẻ con bằng rất nhiều quy tắc, thì sẽ không bao giờ nuôi dạy được lớp trẻ với tư chất của những công dân quốc tế.
Tính xã hội cực kỳ quan trọng trong các giai đoạn phát triển sau này của trẻ. Những năm đầu đời, trẻ có thể được bố mẹ chăm sóc ở nhà. Lúc đó, môi trường của trẻ hầu như chỉ gói gọn ở trong nhà, giao tiếp với ông bà, bố mẹ, anh chị em,… Trẻ chỉ được học hỏi những điều xảy ra trong mối quan hệ gia đình. Nhưng đến tuổi đi mẫu giáo, lúc lên tiểu học, trung học, đại học và sau đó là đi làm, đó là cả một quá trình rất dài trẻ phải chung đụng với những người khác – không chỉ là người thân của mình – trong một môi trường xã hội vô cùng rộng lớn với các mối quan hệ phức tạp. Vì thế, nếu không có tính xã hội thì trẻ sẽ chậm phát triển các kỹ năng giao tiếp xã hội. Đó sẽ là một bất lợi cho sự phát triển của trẻ sau này.
Hạnh phúc là khi trẻ được sống đúng như là một đứa trẻ
Những trò phá phách nuôi dưỡng tính hài hước và óc sáng tạo
Nhiệm vụ đầu tiên của giáo dục trong thế kỷ 21 chính là đào tạo ra lớp trẻ có tư chất của những công dân quốc tế. Vậy thế nào là tư chất của những công dân quốc tế?
Trước hết, cần phải có tính lạc quan. Lạc quan là luôn hành động với tâm thế hướng về phía trước. Lạc quan hành động có quan hệ mật thiết với sự hăng hái hay tinh thần tích cực hành động. Bởi vì sự hăng hái tăng lên cùng với đà phát triển của tính chủ động cho nên, khi nuôi dạy con, điều đầu tiên cần làm là suy nghĩ xem mình sẽ phải làm gì để giúp con tăng tính chủ động. Để được như thế, cần trao cho con sự tự do. Tôi sẽ trình bày cụ thể cần phải làm những gì trong Chương 6.
Ngoài ra, cần phải có tính hài hước. Để đạt được điều này, cần phải trân trọng những “trò đùa - phá bĩnh” của trẻ. Những trò đùa ấy sẽ đem đến nụ cười. Nụ cười vô cùng có ích cho trái tim cũng như sức khỏe con người, thực tế có rất nhiều bệnh nhân nhờ nụ cười mà vượt qua được bệnh tật. Nếu bố mẹ là những người hay cười thì không khí gia đình luôn tươi vui, rất hữu ích đối với sự bình ổn tâm tư, tình cảm của trẻ.
Đặc biệt, khi tiếp xúc với người phương Tây, cần phải có những câu chuyện đùa. Ở phương Tây, hài hước là một trong những phẩm chất được đòi hỏi ở người lãnh đạo. Ngoài ra, tính hài hước được gọi là con đường đi đến trái tim, gắn kết chặt chẽ với lòng thấu cảm.
Tư chất của những công dân quốc tế mà tôi đề cập trên đây chính là lạc quan kết bạn với người ngoại quốc, hiểu được những câu chuyện đùa và gu hài hước của họ, cũng như cần phải có lòng thấu cảm đối với dân tộc của họ. Như vậy sẽ tạo được mối dây tình cảm với họ.
Nhiệm vụ thứ hai của giáo dục trong thế kỷ 21 là tạo ra những con người giàu óc sáng tạo. Óc sáng tạo chính là năng lực đưa ra những suy nghĩ mới, làm ra những sản phẩm mới mà trước giờ chưa từng có.
Cuộc đời của một người có óc sáng tạo không phải chỉ có toàn niềm vui. Tất nhiên người đó phải trải qua nhiều nỗi vất vả mới sáng tạo ra được cái mới cho đời, nhưng họ sẽ có được niềm hạnh phúc khi khiến người khác cảm thấy vui vẻ. Người khác ở đây không chỉ là người Nhật mà còn có thể cống hiến sức mình cho toàn thể mọi người trên thế giới. Người có óc sáng tạo mỗi một ngày đều cảm thấy tràn đầy năng lượng, nguồn năng lượng ấy vẫn còn mãi dù tuổi già kéo đến.
Óc sáng tạo chính là năng lực tạo ra điều mới mẻ mà trước giờ chưa từng có. Vì thế, óc sáng tạo sẽ không thể phát huy nếu bị trói buộc bởi những khuôn khổ tồn tại từ trước đến giờ. Đáng tiếc là người lớn nhiều khi vô tình dập tắt mầm sống sáng tạo nơi trẻ bằng những mệnh lệnh, những câu la mắng mỗi khi trẻ làm ngược lại với những quy tắc mà không hề biết rằng trẻ đang trên đường mày mò sáng tạo những cái mới.
Ngoài ra, sự hăng hái – sức mạnh để phá vỡ khuôn khổ – cũng rất cần thiết. Đam mê, hăng hái làm một công việc mình thích sẽ kích thích óc sáng tạo của trẻ, giúp trẻ làm ra những cái mới vượt ra khỏi những khuôn khổ. Để đạt được điều đó, cần phải có chất xúc tác quan trọng: đó là sự dưỡng dục - giáo dục hỗ trợ sự phát triển tính chủ động và cần phải trao tự do cho con cái.
Những đứa trẻ luôn cố gắng sẽ lớn lên như thế nào?
Những đứa trẻ có tính chủ động phát triển tự nhiên thì bố mẹ không cần phải ra lệnh “Con phải thế này”, “Con phải thế kia”, mà trẻ cũng sẽ tự vui chơi hết mình và lớn lên. Những đứa trẻ một, hai tuổi trông có vẻ không được điềm tĩnh. Trẻ còn giàu tính hiếu kỳ nên sẽ bày đủ trò phá phách như những gì tôi đã trình bày ở trên. Thế nên thỉnh thoảng bố mẹ lại lâm vào thế khó xử.
Song, nếu nghĩ theo hướng nuôi dưỡng óc sáng tạo, bố mẹ đừng nên nghĩ phá phách là điều xấu mà la mắng trẻ. Tôi muốn nêu cao khẩu hiệu: Chúng ta hãy tạo ra những đứa trẻ tinh nghịch.
Tuy nhiên, phụ huynh cần dùng tình cảm để khuyên răn đối với những trò phá phách thực sự, tức những trò đùa làm người khác phải khó xử hoặc gây hậu quả tai hại, làm người khác tổn thương. Cần dùng tình cảm để diễn đạt cho trẻ hiểu đó là điều không nên vì sẽ làm người khác khổ sở. Làm như thế, tâm lý không muốn gây phiền hà, gây tổn thương cho người khác sẽ dần lớn lên trong trẻ. Đến một lúc nào đó, khi trẻ có thể nhận định trước rằng đùa như thế là làm phiền người khác thì cho dù “ngứa tay”, rất muốn phá phách, trẻ vẫn sẽ cố nhịn. Đây được gọi là năng lực điều khiển bản thân.
Năng lực trên không phải là một sự điều khiển từ bên ngoài, kiểu như vì bố mẹ la mắng nên trẻ mới không làm. Đứa trẻ nghĩ rằng vì bố mẹ la mắng nên không làm, thì khi đến chỗ không có ai la mắng, trẻ sẽ không biết làm sao mới là đúng. Đứa trẻ ấy sẽ chơi đùa không kiểm soát, đem lại phiền hà cho người khác, thậm chí gây thương tích cho bản thân.
Về vấn đề này, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm thông qua những học sinh tiểu học đã tham gia trại hè huấn luyện, một hoạt động diễn ra suốt ba mươi năm nay. Phương châm được đặt ra tại trại hè là trẻ con ở cùng với người lớn, không quy định công việc mỗi ngày, không có điều gì cấm cản, dù làm gì cũng không bị la mắng.
Tức là, trẻ được trao cho quyền tự do về mọi mặt. Kết quả là không ít đứa trẻ trước đây luôn nghe lời bố mẹ, thầy cô, được khen ngợi là những đứa trẻ ngoan, nhưng khi đến với trại hè thì bắt đầu có những hành vi không kiểm soát. Những ý muốn đè nén lâu ngày trong những đứa trẻ ấy được dịp bộc phát. Chúng nhiều lần dùng gậy đánh bạn bè hoặc người lớn rồi bỏ đi. Chúng thử trèo lên và đi trên nóc nhà mà không ai làm gì được.
Tóm lại, những đứa trẻ ngoan trước khi đến với trại hè chỉ giả vờ hành động ngoan ngoãn để được khen ngợi, để bố mẹ và thầy cô không trách phạt. Nếu như những đứa trẻ ấy mãi mang trên mình vỏ bọc ngoan ngoãn thì từ giai đoạn dậy thì trở đi, sẽ xảy ra rất nhiều vấn đề nguy hiểm.
Vấn đề tôi muốn nói đến ở đây là nạn bỏ học đột ngột đang bùng phát ở Nhật Bản, là bệnh thần kinh, bệnh tâm lý, là việc bản thân các cháu vô cùng khổ sở, là nỗi nhức nhối của bố mẹ khi không biết phải giúp đỡ các con như thế nào.
Một cách để trẻ không hoang mang là bố mẹ, thầy cô cần giải thích lý do mỗi khi yêu cầu trẻ không được làm điều trẻ đang làm, rằng hành vi đó đang gây tổn thương cho người khác và bản thân. Mỗi khi được giải thích, trẻ sẽ dần dần hình thành một bộ quy tắc đạo đức “như thế nào là hành vi tốt”, “như thế nào là người tốt” để làm cơ sở tham chiếu khi có những tình huống mới nảy sinh.
Có một câu chuyện như thế này. Trong một lần dự tiệc sinh nhật bạn, có một bà mẹ trẻ mang theo một bé gái khoảng hai tuổi. Buổi sinh nhật hôm đó, những người khác không mang theo con mình. Vì thế, bé gái đó chỉ có thể chơi một mình. Ngồi chơi khoảng hai mươi phút, đứa trẻ bắt đầu cảm thấy buồn vì không có bạn chơi chung. Thế là bé vòi vĩnh mẹ muốn về. Điều ngạc nhiên là thay vì la rầy trẻ kiểu như “Con không thấy mẹ đang nói chuyện với bạn sao mà đòi về?”, bà mẹ ấy lại đặt một tình huống để trẻ phải suy nghĩ.
Bà mẹ ấy bảo: “Con có nhớ hôm trước sinh nhật con, các bạn trong xóm đến vui chơi ở nhà ta. Con thấy bạn đến chơi với con, con có vui không?”. Đứa trẻ trả lời: “Có ạ, thưa mẹ”. Người mẹ ấy lại hỏi tiếp: “Thế nếu các bạn mới đến mà lại đòi về thì con nghĩ con có buồn không?”. Đứa bé ấy suy nghĩ, rồi lại trả lời: “Có ạ”. Người mẹ lại hỏi: “Vậy sao hôm nay khi bạn của mẹ đang làm sinh nhật, con nói mẹ đi về, chẳng phải là sẽ làm cho bạn mẹ buồn sao? Làm cho người khác buồn có phải là việc làm đúng không?”. Đứa bé lắc đầu: “Dạ, việc đó không đúng ạ. Cô ấy sẽ buồn”.
Người mẹ vui vẻ cười khi con nhỏ đã hiểu chuyện: “Vậy chúng ta sẽ chơi với cô thêm chút nữa để cô vui, rồi mình sẽ cùng về. Con thấy sao?”. Lần này, đứa trẻ không còn đòi về nữa mà nghĩ rằng việc mình cùng mẹ ở lại đang đem lại niềm vui cho người bạn của mẹ.
Có thể thấy những lời giải thích cực kỳ quan trọng trong việc giúp trẻ nhận biết hành vi nào đang gây tổn thương người khác, để trẻ học cách biết yêu thương. Khi trẻ hiểu được những hành vi mình đang làm gây phiền hà cho người khác, trẻ sẽ tự biết điều chỉnh các hành vi sau này. Luôn nhớ rằng trẻ con luôn có tính thiện.
Thế nào là một đứa trẻ ngoan thật sự?
Vậy thế nào là một đứa trẻ ngoan thật sự? Như tôi đã trình bày, một đứa trẻ ngoan thật sự là một đứa trẻ biết phá phách, vui thú với những trò bông đùa, phản kháng lại bố mẹ, thầy cô, gây gổ với bạn bè, sống đầy năng lượng đúng như một đứa trẻ. Những đứa trẻ như thế sẽ dần thay đổi theo độ tuổi, nhưng dễ khiến những người bố, người mẹ bị bó buộc bởi hình mẫu đứa con ngoan cảm thấy giận dữ hoặc bất an.
Ở điểm này, những người bố, người mẹ có cái nhìn rộng mở đều cảm thấy bình thản khi thấy những điều con làm. Nhưng những người bố, người mẹ theo chủ nghĩa phép tắc thì sẽ cảm thấy bực bội và thường sẽ la mắng con. Những trường hợp bố mẹ gấp gáp muốn rèn con thật sớm bèn buông lời la mắng xối xả, hậu quả là trái tim con trẻ trở nên u ám và bị tổn thương.
Những đứa trẻ hay bị la mắng thường có khuynh hướng tự thu mình, luôn cảm thấy bất cứ điều gì chúng làm đều không làm bố mẹ hài lòng. Chúng có thể đổ lỗi do bản thân, dần sinh tâm chán ghét chính mình. Khi tâm hồn bị tổn thương, trẻ có xu hướng suy nghĩ bi quan trước bất cứ việc gì, dễ dẫn đến những quyết định và hành vi tiêu cực, như tự gây tổn hại cơ thể. Một số trường hợp còn dẫn đến những căn bệnh về tâm lý như chứng tự kỷ, đa nghi. Có trẻ có khuynh hướng ngược lại, như trút giận, trút sự bực bội lên những đối tượng khác (như đồ chơi và thú nuôi trong nhà, hoặc những đứa trẻ khác trong xóm),…
Có những sinh viên tâm sự rằng vì bố là người dễ nổi nóng nên từ bé đến giờ, dù cùng ở nhà hay cùng ra ngoài đều không cảm thấy một chút vui vẻ nào. Một người kể rằng mình đã từng muốn tự tử. Một người khác bảo tính đa nghi của mình quá lớn nên hầu như không có một người bạn nào, mắc phải chứng lo lắng dù chỉ với một âm thanh nhỏ nên đã tìm gặp tôi. Họ đều bảo rằng gia đình mình hầu như không có tiếng cười.
Bố mẹ nào thường xuyên lo ngại về những hành động của con thì nên đọc những cuốn sách nói về quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Đặc biệt, tôi khuyến khích các bố mẹ nên đọc những quyển sách trình bày theo độ tuổi.