TINH THẦN TÍCH CỰC HÀNH ĐỘNG SINH RA TỪ TÍNH HIẾU KỲ
Tinh thần tích cực hành động sinh ra từ tính hiếu kỳ
Mỗi khi nghe cụm từ “tích cực hành động”, bố mẹ hình dung ra điều gì? Con của bố mẹ tích cực hành động đối với hoạt động nào?
“Tinh thần tích cực hành động” còn được gọi là sự hăng hái và động lực. Vì thế, nếu ta chia nhân cách thành trí - tình - ý thì tinh thần tích cực hành động thuộc về ý và có thể gọi nó là sức mạnh ý chí. Đó là lý do đối với những người thiếu tinh thần tích cực hành động, người ta hay gọi là kẻ không có ý chí, trẻ con Nhật Bản ngày nay bị chỉ trích là “chủ nghĩa ba không”, “chủ nghĩa năm không”.
Đó chính là không có ý chí, không quan tâm, không có trách nhiệm. Ngoài ba không nêu trên còn có: không biết cảm động, không phản kháng, không phê phán, không có chủ kiến, không ý tưởng, không năng lực, không học lực, không giáo dục, không kiên định, tạo thành “chủ nghĩa mười hai không” mà nhiều người dùng để nói về giới trẻ Nhật Bản.
Có thể nói tất cả những cụm từ trên đều có liên quan đến tinh thần tích cực hành động. Trước khi nghĩ đến vấn đề của con trẻ, điều quan trọng là cả bố lẫn mẹ nên nghĩ về tinh thần tích cực hành động của bản thân mình. Bởi vì, trẻ con học theo bố mẹ mà lớn lên.
Tinh thần tích cực hành động, hay sự hăng hái, là kiểu vận động như thế nào của trái tim? Tôi đã nghiên cứu khoảng mười người bạn thân trong vòng năm, sáu năm nay. Cội rễ sâu xa nhất của tinh thần tích cực hành động chính là tính hiếu kỳ. Tính hiếu kỳ còn được gọi là sở thích, sự quan tâm. Từ điển Kojien (Nhà xuất bản Iwanami Shoten) giải thích tính hiếu kỳ là “sở thích đối với sự vật, sự việc hiếm có hoặc những điều chưa biết”. Ngoài ra, sở thích tức là “cảm thấy thú vị”. Trong tâm lý học, nó có nghĩa là “khuynh hướng hướng sự quan tâm đặc biệt về phía một đối tượng, sự việc nào đó”.
Tính hiếu kỳ được tâm lý học nhắc đến là thứ mà con người sẽ không thể có được nếu như người đó không làm gì cả. Đó là trạng thái muốn tự mình tiếp nhận kích thích, thông tin, muốn tiếp nhận sự căng thẳng và khó khăn ở một mức độ vừa phải. Tính hiếu kỳ ẩn bên trong được biểu hiện ra ngoài qua nhiều phương diện. Ở trẻ con, tính hiếu kỳ được biểu hiện qua sự phá phách (hành động tìm tòi). Một biểu hiện nữa chính là luôn hướng đến những hoạt động mang tính trí tuệ.
Sự phá phách bắt nguồn từ tính hiếu kỳ
Tính hiếu kỳ biểu hiện ngay cả ở những em bé mới một tuổi nên có thể nói đó là năng lực sẵn có trong mỗi con người. Đặc biệt, điều đó được thể hiện rõ qua những trò phá phách khi bé bắt đầu biết di chuyển, ví dụ như biết bò… Đối với một đứa trẻ, tất cả những thứ xung quanh cơ thể mình đều là những thứ mới mẻ, kỳ thú. Đó là những thứ lần đầu trẻ nhìn thấy kể từ khi chào đời. Và trẻ bắt đầu tìm hiểu xem những thứ ấy sẽ trở nên như thế nào.
Ví dụ, khi trẻ chạm đến thùng rác liền muốn biết bên trong thùng có những gì. Đây là một hành động bắt nguồn từ tính hiếu kỳ. Rồi trẻ sẽ lật đổ thùng rác, làm mọi thứ bên trong rơi vãi ra. Thậm chí, trẻ còn cho vào miệng những thứ trông có vẻ ăn được, đúng không nào? Bởi vì đó chính là thời kỳ mà đứa trẻ muốn dùng miệng để nếm thử mọi thứ. Tuy nhiên, chắc chắn trong thùng rác chẳng có gì có thể ăn được. Khi nhận ra điều đó, đứa trẻ liền bỏ mặc đống rơi vãi và bỏ đi tìm đối tượng thú vị tiếp theo.
Là một người mẹ, có lẽ bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu vì căn phòng đầy những thứ rơi vãi; nhưng nếu bạn bảo: “Không được” và cấm đoán trò phá phách này thì hạt mầm hiếu kỳ sẽ bị bóp nát. Và nếu bạn quát to: “Bỏ xuống” vì sợ trẻ đưa vào miệng những thứ không sạch sẽ thì trẻ sẽ không còn dám dùng miệng để nếm thử thứ gì nữa cả. Cho nên, dù trẻ có lật đổ thùng rác thì vẫn cứ im lặng quan sát. Khi nhận ra chẳng có gì ăn được, trẻ sẽ rời khỏi nơi đó. Sau đó, mẹ chỉ cần dọn dẹp là được.
Nếu mẹ vừa nhặt những thứ rơi vãi bỏ vào thùng rác vừa nói: “Vèo, vèo”, tỏ vẻ hào hứng thì chắc chắn trẻ sẽ tiến đến và bắt chước mẹ. Tuy nhiên, trẻ không hiểu như vậy là đang dọn dẹp đâu. Trẻ chỉ thấy đó là một việc làm thú vị mà thôi.
Kế đến, có lẽ trẻ sẽ khám phá tiếp hộp khăn giấy gần đó. Rút một tờ khăn giấy ra khỏi hộp, lập tức một tờ khăn giấy khác sẽ trồi lên. Đấy quả là điều vô cùng thú vị đối với đứa trẻ. Trẻ sẽ rút hết tờ này đến tờ khác, cuối cùng chỉ còn lại chiếc hộp rỗng, đúng không nào? Đứa cháu của tôi trong vòng một, hai tháng có thể rút sạch khoảng năm mươi hộp khăn giấy. Gia đình tôi trữ lại những tờ khăn giấy ấy trong một túi ni-lon to và dùng chúng mỗi khi hắt hơi, sổ mũi nên chẳng có gì tổn thất cả.
Những trò phá phách như vậy có thể kéo dài đến một, hai tháng nhưng ngay khi trẻ hiểu rõ về đồ vật đó, trẻ sẽ không làm như vậy nữa. Tôi gọi đó là “tốt nghiệp”. Bởi vì những đứa trẻ tự mình tốt nghiệp nên chúng ta chỉ cần nuôi dạy chúng với tâm thế chờ đợi đến khi chúng tốt nghiệp là được. Thế nên chẳng cần thiết phải la mắng quát tháo: “Không được” làm gì.
Nếu bị la mắng mãi, dần dần trẻ sẽ trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn không phá phách, và tính hiếu kỳ sẽ bị kìm hãm, lớn lên chắc chắn sẽ trở thành một đứa trẻ không có tinh thần tích cực hành động. Nghĩ đến điều này, tôi muốn truyền tải đến các bạn thông điệp: đừng la mắng những trò phá phách của con trẻ. Hơn nữa, tôi còn muốn kêu gọi mọi người hãy nuôi dưỡng những đứa con tinh nghịch để có một thế hệ trẻ giàu tinh thần tích cực hành động.
Đáng tiếc xu hướng chung là các bà mẹ hay cảm thấy phiền lòng khi con quá nghịch ngợm, không xem hành vi đó của con là đang khám khá thế giới xung quanh mà là sự phá phách, “làm khổ” mẹ, nhất là những lúc đi làm về quá mệt mỏi mà còn phải lăn ra dọn dẹp đồ chơi vương vãi khắp nhà. Đặc biệt, những bé trai có xu hướng nghịch ngợm hơn bé gái. Không những bày đồ chơi khắp nhà, chúng còn thích chơi trò “giải phẫu” các món đồ chơi lạ. Một chiếc xe đồ chơi mua về hôm nay có thể không còn ra hình dạng chỉ vài phút sau đó. Cha mẹ có thể vì bực mình mà quát mắng trẻ, xem đó là hành vi sai trái, cần phải la mắng để răn dạy.
Một bà mẹ có thể cảm thấy mất mặt nếu trẻ phá phách ngay khi đang có khách và vì thế la rầy con, khiến trẻ cảm thấy sợ hãi trước cơn nóng giận của mẹ. Như một trang giấy trắng, trẻ tiếp thu sự dạy dỗ đó của mẹ, cho rằng hành động khám phá của chúng đang bị mẹ định danh là hành vi sai trái, là không được, là không đúng, là không được phép làm. Hơn nữa, trẻ sợ bị la rầy, không muốn mẹ không thương trẻ nữa.
Tất cả những điều đó vô tình bóp nát tính hiếu kỳ nơi trẻ, một yếu tố tối quan trọng trong quá trình học hỏi, khám phá thế giới của trẻ và quan trọng hơn là kích thích tinh thần học hỏi sau này của trẻ. Bạn có thể hình dung một đứa trẻ tiếp thu thụ động sự giáo dục của cha mẹ, người thân xung quanh từ khi còn nhỏ sẽ trở thành một người có tính cách như thế nào khi lớn lên? Anh ta/cô ta sẽ không có khả năng tốt về phân tích đúng sai, nhìn thấy đầy đủ mặt phải, mặt trái của một vấn đề vì ngay từ nhỏ anh ta/cô ta không được người lớn khuyến khích khám phá, tìm tòi và hình thành một thói quen thụ động như thế.
Có thể nói nuôi dạy trẻ là cả một quá trình dài hơi, tốn sức, tốn thời gian và đầy “cân não” đối với các ông bố bà mẹ. Nói như vậy là bởi quá trình đó đòi hỏi sự kiên nhẫn và dụng tâm từng chút một của bố mẹ, quan sát từng hành vi học hỏi của trẻ qua hành động nghiên cứu, phá phách, tìm tòi để thỏa mãn trí tò mò của chúng.
Lấy ví dụ, một đứa trẻ có thể vô tình thấy một chiếc hộp gồm những viên nhựa nhỏ nhiều màu rất xinh đẹp. Trẻ có thể lật ngược chiếc hộp để những viên nhựa đó rớt xuống sàn nhà, vương vãi khắp nơi và cười to đầy thích thú. Trẻ khám phá ra nhiều thứ từ hành động ấy, như một chiếc hộp có thể chứa được đồ và nếu dốc ngược thì đồ trong đó sẽ rơi ra... Sau vài lần chơi đùa thỏa thích bằng cách dốc ngược hộp như vậy, người mẹ có thể dạy cho trẻ một trải nghiệm khác cũng chính trên chiếc hộp đó.
Người mẹ đó có thể tác động vào quá trình học hỏi, khám phá của con bằng cách sau khi cất các viên nhựa vào hộp, người mẹ ấy đóng kín hộp bằng chốt khóa trên mặt hộp và đưa cho trẻ lần nữa. Trẻ có thể sẽ lại dốc ngược hộp lên như ban nãy đã làm, nghĩ rằng viên nhựa sẽ rơi ra. Nhưng lần này, vì hộp đã được khóa chốt nên những viên nhựa vẫn không rơi ra. Khi đó, trẻ sẽ cảm thấy rất tò mò, rồi phát hiện ra cái chốt và thích thú với trò mở chốt, rồi lại đóng chốt để cho những viên nhựa không rơi ra. Tất cả đều là những trải nghiệm thú vị đối với trẻ.
Vì thế, đừng xem hành vi khám phá của trẻ là phá phách, ngỗ nghịch mà cần hiểu rằng trẻ đang trong quá trình học hỏi, thỏa mãn tính hiếu kỳ. Bố mẹ cần nuôi dưỡng tinh thần tích cực hành động ấy của trẻ.