Giới thiệu
Các cá nhân song ngữ xuất hiện ở mọi quốc gia, mọi tầng lớp và mọi lứa tuổi. Về số lượng, các cá nhân song ngữ và đa ngữ chiếm đa số trên thế giới: người ta ước tính rằng họ chiếm từ một nửa đến hai phần ba dân số toàn cầu (Grosjean, 2012). Như Romaine (2013) nhận xét:
Việc 6.900 ngôn ngữ trên thế giới tập trung trong khoảng 200 quốc gia có nghĩa là số ngôn ngữ lớn gấp hơn 30 lần số quốc gia, hay nói cách khác, trên thực tế song ngữ và đa ngữ có mặt ở mọi quốc gia trên thế giới, dù được chính thức công nhận hay không (trang 448).
Số lượng người song ngữ trên thế giới đang ngày một gia tăng khi chủ nghĩa quốc tế lan rộng trong thương mại và du lịch, thông tin liên lạc và truyền thông đại chúng, nhập cư và một nền kinh tế liên kết toàn cầu. Toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa văn hóa vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của song ngữ và đa ngữ.
Các cá nhân song ngữ không tồn tại như những hòn đảo cô lập. Thay vào đó, những người nói hai hoặc nhiều ngôn ngữ thường hình thành các mạng lưới xã hội, cộng đồng và đôi khi là các vùng. Những người nói một ngôn ngữ thiểu số trong bối cảnh ngôn ngữ đa số có thể thành lập nên một cộng đồng ngôn ngữ hoặc cộng đồng giao tiếp.
Song ngữ ở cấp độ cá nhân chỉ là một nửa câu chuyện. Một nửa quan trọng khác là phân tích cách những nhóm cá nhân song ngữ cư xử và thay đổi. Một cuộc kiểm tra như vậy sẽ tập trung đặc biệt vào sự dịch chuyển và phát triển trong quá trình sử dụng ngôn ngữ qua nhiều thập kỷ. Với một ngôn ngữ thiểu số, chiều hướng thay đổi thường là đi xuống. Một ngôn ngữ thiểu số hiếm khi ổn định được về quy mô, sức mạnh hoặc độ an toàn. Đó là lý do khiến việc xem xét tình hình chính trị và quyền lực của các ngôn ngữ thiểu số trở nên quan trọng (xem Chương 17 và 18).
Chương này tập trung vào ý tưởng rằng không có ngôn ngữ nào tồn tại mà không có cộng đồng ngôn ngữ. Vì các cộng đồng ngôn ngữ thường không tồn tại biệt lập nên điều quan trọng là phải kiểm tra mối liên hệ giữa các cộng đồng ngôn ngữ khác nhau. Tốc độ tiếp cận thông tin nhanh chóng (ví dụ như qua Internet) và du lịch toàn cầu khiến các cộng đồng ngôn ngữ hiếm khi ổn định. Một số ngôn ngữ phát triển mạnh hơn (ví dụ như tiếng Anh), còn một số ngôn ngữ khác lại suy yếu, thậm chí là diệt vong. Một số ngôn ngữ được cho là đã chết đôi khi có thể được hồi sinh (ví dụ như tiếng Manx Gaelic ở Đảo Man). Do đó, chương này sẽ xem xét các cộng đồng ngôn ngữ, sự tiếp xúc ngôn ngữ, sự thay đổi ngôn ngữ và xung đột ngôn ngữ. Chúng cho thấy các quyết định về giáo dục song ngữ chỉ là một phần của một tổng thể rộng lớn hơn nhiều. Nói cách khác, giáo dục song ngữ chỉ có thể được hiểu đúng khi xem xét bối cảnh của các cộng đồng ngôn ngữ nơi nó diễn ra.
Chương này đứng từ quan điểm xã hội học. Ngôn ngữ học xã hội là bộ môn nghiên cứu về ngôn ngữ trong mối quan hệ với các nhóm xã hội, giai cấp xã hội, dân tộc và các yếu tố liên cá nhân khác trong giao tiếp. Chương này xem xét các khái niệm ngôn ngữ học xã hội trọng tâm như song ngữ xã hội, giao thoa ngôn ngữ, dịch chuyển ngôn ngữ, duy trì ngôn ngữ, cái chết ngôn ngữ và sự phổ biến ngôn ngữ (bao gồm cả sự phát triển của tiếng Anh trong song ngữ và đa ngữ trên toàn thế giới).
Song ngữ xã hội và giao thoa ngôn ngữ
Thuật ngữ song ngữ thường được sử dụng để mô tả hai ngôn ngữ của một cá nhân. Khi trọng tâm chuyển sang hai ngôn ngữ trong xã hội, thuật ngữ thường được sử dụng là song ngữ xã hội (diglossia) (CA Ferguson, 1959). Các thuật ngữ như tam ngữ xã hội (triglossia), đa ngữ xã hội (multiglossia) hoặc đa thể ngữ xã hội (polyglossia) được sử dụng để mô tả bối cảnh xã hội với ba ngôn ngữ trở lên (Batibo, 2005; Kemp, 2009). Thuật ngữ song ngữ xã hội bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “hai ngôn ngữ”, nhưng hiện ý nghĩa của khái niệm này đã được mở rộng và tinh chỉnh. Trên thực tế, một cộng đồng ngôn ngữ có thể sử dụng một ngôn ngữ cho những tình huống và chức năng nhất định, còn một ngôn ngữ khác cho những hoàn cảnh và chức năng khác. Ví dụ, một cộng đồng ngôn ngữ có thể sử dụng một ngôn ngữ thiểu số trong gia đình, cho các mục đích tôn giáo và trong hoạt động xã hội, đồng thời sử dụng ngôn ngữ đa số tại nơi làm việc, trong trường học và trên các phương tiện thông tin đại chúng.
C.A. Ferguson (1959) lần đầu mô tả song ngữ xã hội dưới dạng hai biến thể (phương ngữ) của cùng một ngôn ngữ. Fishman (1980) mở rộng ý tưởng này sang hai ngôn ngữ tồn tại song song trong một khu vực địa lý. Mô tả ban đầu của Ferguson phân biệt giữa ngôn ngữ có vị thế cao hơn (gọi là H) và ngôn ngữ có vị thế thấp hơn (gọi là L). Sự phân biệt này có thể phản ánh sự khác biệt giữa ngôn ngữ đa số (H) và ngôn ngữ thiểu số (L) trong một quốc gia. Trong cả hai trường hợp, các ngôn ngữ hoặc biến thể ngôn ngữ khác nhau có thể được sử dụng cho những mục đích khác nhau, như được minh họa trong Bảng 4.1.
Bảng 4.1: Song ngữ xã hội
Bảng 4.1 cho thấy các ngôn ngữ thiểu số thường được sử dụng nhiều hơn trong các tình huống giao tiếp cá nhân không chính thức và ngôn ngữ đa số được sử dụng nhiều hơn trong những bối cảnh giao tiếp chính thức. Đôi khi, người nói cảm thấy xấu hổ hoặc bị coi thường khi sử dụng biến thể ngôn ngữ có “vị thế thấp” trong một tình huống mà biến thể ngôn ngữ có “vị thế cao” được coi là chuẩn mực. Ví dụ, trong lễ tốt nghiệp tại một trường trung học ở vùng nông thôn xa xôi ở miền nam Thái Lan, các học sinh cười khúc khích và giáo viên bối rối vì xấu hổ khi một học sinh bỗng nói nhịu từ tiếng Thái tiêu chuẩn (H) sang tiếng địa phương miền Nam Thái Lan (L).
Sự phân biệt giữa ngôn ngữ đa số và ngôn ngữ thiểu số có lẽ chủ yếu nhắm tới vị thế và quyền lực của các ngôn ngữ hơn là các biến thể khác nhau của ngôn ngữ. Bảng 4.1 gợi ý rằng một số tình huống có thể khiến một ngôn ngữ trở nên có uy tín hơn ngôn ngữ kia. Ngôn ngữ đa số thường được coi là ngôn ngữ quan trọng, thanh lịch và mang tính giáo dục cao hơn. Nó thường được coi là cánh cửa dẫn đến thành công cả về mặt giáo dục và kinh tế. Fishman (1991) đã lo ngại rằng các nhãn như H và L sẽ khiến người ta cho rằng các ngôn ngữ và phương ngữ được gán nhãn L là những thứ thấp kém và hạ đẳng, do đó ông đã điều chỉnh lại mô hình song ngữ xã hội của mình thành Xish và Yish, trong đó X đại diện cho ngôn ngữ bị đe dọa (thiểu số) và Y đại diện cho ngôn ngữ không hoặc ít bị đe dọa hơn (đa số).
Khái niệm song ngữ xã hội được nghiên cứu song song với khái niệm song ngữ cá nhân. Fishman (1980) đã kết hợp các thuật ngữ song ngữ cá nhân và song ngữ xã hội để mô tả bốn tình huống ngôn ngữ mà song ngữ cá nhân và song ngữ xã hội có thể tồn tại dù có hoặc không có nhau, được minh họa trong Bảng 4.2.
Bảng 4.2: Song ngữ trong xã hội và song ngữ cá nhân
Tình huống thứ nhất là một cộng đồng ngôn ngữ bao gồm cả song ngữ xã hội và song ngữ cá nhân. Trong một cộng đồng như vậy, hầu hết mọi người sẽ có thể sử dụng cả ngôn ngữ đa số và ngôn ngữ thiểu số. Ngôn ngữ đa số được sử dụng cho một nhóm chức năng, còn ngôn ngữ thiểu số cho một nhóm chức năng (ít nhiều) có sự khác biệt. Ví dụ, ở Paraguay, hầu hết mọi người đều nói cả tiếng Tây Ban Nha và tiếng Guaraní, nhưng chủ yếu sử dụng tiếng Tây Ban Nha cho các mục đích chính thức và tiếng Guaraní cho các chức năng cá nhân (identity) (O. García, 2009a).
Tình huống thứ hai là tồn tại song ngữ xã hội nhưng không có song ngữ cá nhân. Trong bối cảnh này sẽ có hai ngôn ngữ cùng tồn tại trong một khu vực địa lý cụ thể. Một nhóm dân cư sẽ nói thứ tiếng này, còn một nhóm khác nói thứ tiếng kia. Tình huống này thường chỉ mang tính lý thuyết và có rất ít ví dụ thực tế đủ mạnh. Nhìn từ góc độ lịch sử, trong hoàn cảnh thuộc địa, nhóm nắm quyền lực có thể nói ngôn ngữ “cao”, còn nhóm dân cư có số lượng lớn nhưng lại có quyền lực kém hơn thì chỉ nói ngôn ngữ “thấp”. Ví dụ, tiếng Anh (ở Ấn Độ) và tiếng Pháp (ở Haiti và Việt Nam) được nói bởi giới tinh hoa cầm quyền, còn (các) ngôn ngữ địa phương được quần chúng sử dụng.
Tình huống thứ ba là có các cá nhân song ngữ nhưng không có cộng đồng song ngữ. Trong tình huống này, hầu hết mọi người sẽ nói được hai thứ tiếng và không giới hạn một ngôn ngữ cho một nhóm mục đích cụ thể. Ngôn ngữ nào cũng có thể được sử dụng cho hầu hết mọi chức năng. Hoặc, như trường hợp của Hoa Kỳ, nhiều người nói được hai thứ tiếng do nhập cư, nhưng ít có sự hỗ trợ của xã hội để phát triển, duy trì, thúc đẩy hoặc bảo vệ các ngôn ngữ của họ (O. García, 2009a). Fishman cho rằng những cộng đồng như vậy không ổn định và dễ thay đổi. Ở những nơi cá nhân song ngữ tồn tại mà không có cộng đồng song ngữ, người ta dự đoán rằng ngôn ngữ đa số sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và phạm vi sử dụng của nó sẽ được mở rộng. Chức năng, vị thế và việc được sử dụng các ngôn ngữ khác có thể sẽ bị suy giảm. Fishman (2013) than thở về lịch sử phung phí, phá hủy và thờ ơ với các ngôn ngữ không phải tiếng Anh của Hoa Kỳ.
Tình huống thứ tư là không có cả song ngữ xã hội và song ngữ cá nhân. Nó xuất hiện ở nơi một xã hội đa dạng về ngôn ngữ đã bị buộc phải thay đổi thành một xã hội tương đối đơn ngữ. Ở Cuba và Cộng hòa Dominica, các ngôn ngữ bản địa đã và đang bị tiêu diệt. Tại Nhật Bản, những nỗ lực của chính phủ Minh Trị nhằm tạo ra một ngôn ngữ Nhật Bản chung đã dẫn đến việc các ngôn ngữ của người Ainu và Ryukyu bản địa gần như tuyệt chủng (Tomozawa & Majima, 2015). Một ví dụ khác sẽ là giả sử một cộng đồng ngôn ngữ nhỏ sử dụng ngôn ngữ thiểu số của họ cho tất cả các chức năng và khẳng định rằng mình không có mối quan hệ nào với cộng đồng ngôn ngữ đa số lân cận.
Fishman tin rằng để theo kịp vị thế và sức mạnh của một ngôn ngữ toàn cầu như tiếng Anh là không thể và không thực tế. Nếu một ngôn ngữ thiểu số cố gắng tiếp quản (hoặc chia sẻ) các chức năng của ngôn ngữ đa số, nó chắc chắn sẽ thất bại vì ngôn ngữ đa số quá mạnh mẽ, có vị thế quá cao và không thể bị đánh bại. Ông lập luận rằng để ngôn ngữ thiểu số tồn tại được thì mỗi ngôn ngữ phải có một bộ chức năng và không gian riêng biệt, không đe dọa đến ngôn ngữ kia. Nếu không, ngôn ngữ thiểu số sẽ bị chuyển dịch và cái chết ngôn ngữ có thể xảy ra. Đặc biệt, Fishman lập luận rằng việc cố gắng giành lại mọi chức năng cho ngôn ngữ thiểu số sẽ đặt ra mục tiêu sai lầm cho ngôn ngữ đó. Thay vào đó, việc trao truyền tiếng mẹ đẻ phải được bảo tồn trong gia đình và cộng đồng thông qua các hoạt động tự hỗ trợ, thay vì hoàn toàn dựa vào cộng đồng hoặc các nguồn lực bên ngoài khác. Như Fishman (2013) đã chỉ ra:
Nếu không có những khu vực biết tự hỗ trợ, tự bảo vệ và tự khởi sự việc trao truyền ngôn ngữ cũng như văn hóa địa phương, những ngôn ngữ mẹ đẻ không phải là tiếng Anh sẽ thiếu đi “ngôi nhà an toàn” hoặc “bến đỗ an toàn”, nơi trẻ có thể được hòa nhập vào xã hội theo ngôn ngữ, giá trị và truyền thống của các nền văn hóa bên lề, đặc biệt với sự lưu động xã hội, quá trình hiện đại hóa và tương tác đô thị hết sức điển hình cho cuộc sống Mỹ. Các ngôn ngữ này cũng ngày càng thiếu đi những không gian riêng tư đầy ấm cúng để người lớn và người già có thể sử dụng chúng sau giờ làm việc cũng như trong cuộc sống cá nhân (trang 475).
Tuy nhiên, sự tái tạo ngôn ngữ gia đình không tồn tại biệt lập. Cha mẹ và con cái bị ảnh hưởng bởi vị thế và uy tín của một ngôn ngữ trong xã hội (ví dụ như việc sử dụng ngôn ngữ đó trong các tổ chức và chính phủ). Nếu ngôn ngữ đa số được sử dụng cho các chức năng có vị thế cao thì thông điệp gửi đến cha mẹ và con cái sẽ là về sức mạnh của ngôn ngữ đa số chứ không phải là ngôn ngữ thiểu số. Do đó, việc tăng cường các chức năng của một ngôn ngữ thiểu số cũng tương đương với việc gửi đi những tín hiệu đúng đắn cho phụ huynh và giáo viên.
Mô hình của Fishman về song ngữ xã hội và song ngữ cá nhân đã (và tiếp tục) hỗ trợ nhiều nghiên cứu có giá trị về khả năng song ngữ xã hội (societal bilingualism). Tuy nhiên, các học giả nhận thấy thực tế ngôn ngữ ở nhiều quốc gia thường không phù hợp với mô hình. Ví dụ, việc có song ngữ cá nhân nhưng lại không có song ngữ xã hội được dự đoán sẽ dẫn đến sự suy tàn của ngôn ngữ thiểu số. Tuy nhiên, ở Wales, tiếng Wales lại đang được sử dụng ngày một nhiều trong các lĩnh vực sử dụng tiếng Anh (ví dụ như trong giáo dục, truyền hình và nhạc pop), từ đó cho phép những người song ngữ có quyền được lựa chọn ngôn ngữ. Ở Wales, người ta tin rằng việc chỉ định các chức năng riêng biệt cho tiếng Wales sẽ hạ thấp ngôn ngữ này và khiến nó chỉ được dùng cho các chức năng cấp dưới. Với cộng đồng người Ấn Độ ở Singapore, Vaish (2007) nhận thấy sự dịch chuyển và duy trì ngôn ngữ thay đổi theo lĩnh vực, thậm chí có sự khác biệt trong cùng một lĩnh vực tùy thuộc vào các địa điểm và tình huống, vai trò trong các mối quan hệ và chủ đề hội thoại khác nhau. Song ngữ xã hội ổn định trong một thế giới toàn cầu hóa ngôn ngữ ngày càng hiếm gặp, điều này sẽ được minh họa bằng cuộc thảo luận về các ngôn ngữ Anh trên thế giới (World Englishes) ở phần sau của chương này. O. García (2009a) lưu ý những mối quan tâm khác: Song ngữ xã hội chấp nhận các tình huống thống trị là một điều bình thường, coi các thỏa thuận ngôn ngữ là sự đồng thuận và không xem xét đến các xung đột tiềm ẩn. Hơn nữa, thay vì phân tách các ngôn ngữ như được đề xuất trong các tình huống song ngữ xã hội, thực tế việc sử dụng các ngôn ngữ lại chồng chéo và đan xen với nhau. Một số học giả đã gọi những tình huống như vậy là “hiện tượng rò rỉ song ngữ xã hội”.
Với giả định rằng các ngôn ngữ cùng tồn tại và tác động qua lại lẫn nhau, O. García (2009a) đã gợi ý rằng “giao thoa ngôn ngữ (transglossic) có thể là một thuật ngữ tốt hơn để mô tả khả năng song ngữ xã hội trong một thế giới toàn cầu hóa: một mạng lưới giao tiếp ổn định nhưng vẫn năng động, với nhiều ngôn ngữ cùng tồn tại trong liên quan hệ mang tính chức năng, thay vì được gán cho các chức năng riêng biệt” (trang 79). Ví dụ, cộng đồng người Puerto Rico ở Đông Harlem tại Hoa Kỳ, nơi tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh được sử dụng đồng thời trong nhiều lĩnh vực, cho thấy việc sử dụng hai hoặc nhiều ngôn ngữ cùng lúc sẽ hiệu quả hơn.
Việc sử dụng liên ngôn ngữ của họ giúp tối đa hóa hiệu quả giao tiếp và phản ánh bản sắc cá nhân.
Song ngữ xã hội dù tồn tại song ngữ cá nhân hay không đều có xu hướng cung cấp một sự sắp xếp ngôn ngữ tương đối ổn định và lâu dài. Tuy nhiên, sự ổn định này càng lúc càng hiếm gặp. Khi việc đi lại và giao tiếp ngày càng trở nên dễ dàng, sự chuyển dịch trong xã hội và nghề nghiệp đều tăng lên, nền kinh tế trở nên toàn cầu hóa và đô thị hóa hơn, các cộng đồng ngôn ngữ sẽ tiếp xúc với nhau nhiều hơn, từ đó dẫn đến việc giao thoa ngôn ngữ nhiều hơn. Những thay đổi trong số phận và vận mệnh của một ngôn ngữ thiểu số xảy ra vì mục đích của hai ngôn ngữ đều có xu hướng thay đổi qua các thế hệ. Cả cộng đồng ngôn ngữ thiểu số và cách cộng đồng đó sử dụng ngôn ngữ thiểu số của họ đều không thể bị tách biệt vĩnh viễn. Ranh giới địa lý và biên giới cá nhân ngăn cách ngôn ngữ này với ngôn ngữ khác không bao giờ là vĩnh viễn. Những ranh giới này được khái niệm hóa như những nguyên tắc về lãnh thổ và cá nhân.
Nguyên tắc lãnh thổ xuất hiện khi các quyền hoặc luật lệ về ngôn ngữ được áp dụng cho một khu vực cụ thể. Việc duy trì ranh giới giữa các ngôn ngữ và chia tách việc sử dụng chúng trong xã hội được nhiều nhà hoạch định ngôn ngữ coi là điều quan trọng để giúp ngôn ngữ thiểu số tồn tại. Ví dụ, ở Bỉ có ba khu vực được chỉ định nơi người nói tiếng Flemish, tiếng Pháp và tiếng Đức có quyền ngôn ngữ trong khu vực của họ, nhưng không vượt ra khỏi các khu vực đó. Thụy Sĩ cũng là một ví dụ tương tự. Ngược lại, nguyên tắc cá nhân được áp dụng khi vị thế của ngôn ngữ được trao cho các cá nhân hoặc nhóm người ở bất cứ nơi nào họ đi tới trong một quốc gia (CH Williams, 2013). Ví dụ, ở Canada, người nói tiếng Pháp về lý có quyền sử dụng tiếng Pháp ở bất cứ nơi nào trên khắp cả nước (dù thực tế hầu hết các khu vực ngoài Québec không cung cấp các dịch vụ bằng tiếng Pháp).
Nỗ lực kết hợp các nguyên tắc lãnh thổ và nguyên tắc cá nhân khi được áp dụng cho quyền ngôn ngữ được gọi là “nguyên tắc bất đối xứng” hoặc “song ngữ bất đối xứng”. Theo quan niệm của những người Canada ủng hộ nguyên tắc này (ví dụ như ở Québec), nó trao đầy đủ quyền cho người nói ngôn ngữ thiểu số và ít quyền hơn cho người nói ngôn ngữ đa số. Đây là một hình thức phân biệt đối xử tích cực, tìm cách phân biệt đối xử để mang lại lợi thế cho những người thường bị phân biệt đối xử. Lý lẽ được đưa ra là ngôn ngữ thiểu số chỉ có thể tồn tại nếu nó được bảo vệ và đối xử ưu tiên. Một số chức năng của một ngôn ngữ thiểu số sẽ được điều chỉnh để bảo tồn ngôn ngữ đó. Điều này có thể dẫn đến việc ép buộc và “kiểm soát ngôn ngữ” thay vì (hoặc đồng thời) có được trái tim và khối óc của người nói ngôn ngữ thông qua giáo dục cũng như thuyết phục. Chúng ta sẽ quay lại với câu hỏi cơ bản về quyền ngôn ngữ của cá nhân và nhóm thiểu số trong Chương 17.
Một cuộc tranh luận cho việc bảo tồn và hồi sinh ngôn ngữ bản địa thường dựa trên lịch sử tồn tại của chúng trong một ranh giới địa lý xác định, ví dụ như tiếng Basque ở xứ Basque (Tây Ban Nha), Quechua ở Andes (Nam Mỹ) hoặc tiếng Động ở Quý Châu (Trung Quốc). Quyền ngôn ngữ với các ngôn ngữ bản địa có thể được ghi trong luật quốc gia. Nhưng các ngôn ngữ nhập cư có vị thế gì khi họ không thể đòi quyền dựa trên nguyên tắc lãnh thổ hoặc nguyên tắc cá nhân? Các tranh luận về địa lý cho một ngôn ngữ bản địa có thể tạo ra những tác động đáng tiếc với các nhóm ngôn ngữ thiểu số nhập cư. Phải chăng ngôn ngữ gắn liền với các khu vực và lãnh thổ, chứ không phải với những người nói các ngôn ngữ đó ở bất cứ đâu mà họ sống? Có phải ngôn ngữ nhập cư ở các quốc gia như Úc, Canada, Đức, Hàn Quốc, Thái Lan, Vương quốc Anh và Mỹ không thuộc về các quốc gia đó vì chúng không phải là ngôn ngữ bản địa? Phải chăng những ngôn ngữ nhập cư như vậy chỉ thuộc về quê hương của chúng (ví dụ như tiếng Hàn ở Hàn Quốc, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ ở Thổ Nhĩ Kỳ hoặc tiếng Somalia ở Somalia)? Cộng đồng ngôn ngữ thiểu số nhập cư nên hoặc nói ngôn ngữ của nước sở tại hay trở về quê quán hoặc khu vực của họ? Tại châu Âu, có nhiều ngôn ngữ quốc gia (hoặc ngôn ngữ bản địa) đang tìm kiếm vị thế bảo tồn trong Cộng đồng châu Âu, nhưng hầu như không có vị thế nào được dành cho các ngôn ngữ nhập cư (ví dụ như các ngôn ngữ châu Á như tiếng Punjab, tiếng Urdu, tiếng Bengal, tiếng Việt, tiếng Hàn, tiếng Hindi và tiếng Gujarat).
Trong các cộng đồng ngôn ngữ, chức năng và ranh giới của hai ngôn ngữ sẽ ảnh hưởng và được phản ánh trong chính sách cũng như biện pháp thực hành giáo dục song ngữ. Trong các tình huống song ngữ xã hội và giao thoa ngôn ngữ, ngôn ngữ đa số và ngôn ngữ thiểu số được sử dụng thế nào trong các giai đoạn khác nhau của giáo dục nhà trường, từ mẫu giáo đến đại học? Nếu ngôn ngữ thiểu số được sử dụng trong trường học thì nó sẽ đóng góp vào những lĩnh vực nào của chương trình giảng dạy? Liệu mục tiêu của chương trình học chỉ là nghe nói được ngôn ngữ thiểu số hay là thực sự thành thạo nó? Khoa học, công nghệ và tin học được dạy bằng ngôn ngữ đa số hay thiểu số? Có phải ngôn ngữ thiểu số chỉ được dạy trong một hoặc hai năm ở trường tiểu học, rồi sau đó ngôn ngữ đa số sẽ được sử dụng không? Ngôn ngữ thiểu số và ngôn ngữ đa số được tách biệt hoàn toàn trong chương trình giảng dạy, hay liên ngôn ngữ (translanguaging) được cho phép và sử dụng như một phương pháp sư phạm? Nhà trường có cố ý loại trừ việc sử dụng ngôn ngữ thiểu số như một phương tiện học tập trên lớp không? Mục đích và chức năng của mỗi ngôn ngữ trong các tình huống song ngữ xã hội hoặc giao thoa ngôn ngữ đều được biểu tượng hóa và thể hiện trong các tình huống ở trường học (xem Chương 10).
Từ song ngữ cộng tính, song ngữ triệt tiêu, tới song ngữ tái sinh và chủ động
Chương này đã chỉ ra tầm quan trọng tiềm tàng của các chức năng khác nhau với ngôn ngữ thiểu số và đa số. Có rất nhiều mô hình cố gắng mô tả các chức năng và mối quan hệ giữa các ngôn ngữ trong bối cảnh song ngữ. Trong thế kỷ XX, song ngữ được coi là phép cộng hoặc phép trừ (Lambert, 1974). Trong thế kỷ XXI, các mô hình mới mô tả song ngữ là tái sinh hoặc chủ động (O. García, 2009a).
Trong bối cảnh song ngữ cộng tính (additive bilingualism), việc thêm vào một ngôn ngữ và văn hóa thứ hai thường sẽ không thay thế hoặc loại bỏ ngôn ngữ và văn hóa thứ nhất. Ví dụ, học sinh Trung Quốc và Hàn Quốc học tiếng Anh vẫn sẽ thành thạo tiếng Trung và tiếng Hàn. Họ không đánh mất tiếng mẹ đẻ của mình, mà có được một ngôn ngữ khác cùng một số yếu tố văn hóa liên quan tới ngôn ngữ đó. Các lợi ích “giá trị gia tăng” có thể không chỉ bao gồm ngôn ngữ và văn hóa, mà còn là cả xã hội, kinh tế và nhận thức.
Khi ngôn ngữ và văn hóa thứ hai được tiếp thu với áp lực phải thay thế hoặc hạ cấp ngôn ngữ thứ nhất, song ngữ triệt tiêu (substractive bilingualism) có thể xảy ra. Sinh viên nhập cư đến các nước như Úc, Anh và Hoa Kỳ sẽ được yêu cầu học tiếng Anh và hòa nhập với nền văn hóa thống trị, cũng như những người nhập cư vào Nhật Bản phải chịu áp lực lớn buộc phải học ngôn ngữ và hòa nhập vào văn hóa Nhật Bản càng nhanh càng tốt. Điều này có thể dẫn đến ý niệm kém tích cực về bản thân, mất đi bản sắc văn hóa hoặc bản sắc dân tộc, cũng như có thể bị xa lánh hoặc gạt ra ngoài xã hội. Ví dụ, một người nhập cư có thể gặp áp lực phải sử dụng ngôn ngữ thống trị và cảm thấy lúng túng khi sử dụng tiếng mẹ đẻ. Khi ngôn ngữ thứ hai có uy tín và sức mạnh, được sử dụng trong giáo dục chính khóa và thị trường việc làm, còn ngôn ngữ thiểu số bị coi là có vị thế và giá trị thấp, các ngôn ngữ thiểu số có thể bị đe dọa.
Trong thế kỷ XXI, cấu trúc của song ngữ cộng tính và triệt tiêu vẫn còn hữu ích, nhưng những hiểu biết mới về song ngữ đòi hỏi phải có những cấu trúc bổ sung. Ví dụ, trong trường hợp những nỗ lực hồi sinh ngôn ngữ nhằm đảo ngược tác động của việc phân biệt đối xử và đàn áp ngôn ngữ (ví dụ như tiếng Maori ở Aotearoa/New Zealand, tiếng Hawaii ở Hawaii, tiếng Navajo ở vùng Four Corners của Hoa Kỳ) hoặc trong các chương trình hướng đến những người nói ngôn ngữ di sản (ví dụ như tiếng Việt dành cho người Mỹ gốc Việt) vốn là những người nói tiếng Anh như ngôn ngữ chính do chủ yếu học bằng tiếng Anh ở trường, người học không bắt đầu quá trình thụ đắc ngôn ngữ để chỉ đơn giản “thêm một ngôn ngữ mới”. Những học sinh đó đã có một lượng kiến thức và sự thành thạo nhất định với các ngôn ngữ này nhờ quá trình tiếp xúc với nó trong gia đình và cộng đồng. O. García (2009a) đã giới thiệu thuật ngữ song ngữ tái sinh (recursive bilingualism) để mô tả quá trình “quay lại với các thành tố nhỏ hơn của ngôn ngữ cha ông khi nó được tái tạo lại với các chức năng mới và khi có đủ đà để tự đẩy mình hướng tới tương lai” (trang 53).
García cũng giới thiệu các cấu trúc song ngữ biến đổi để phản ánh năng lực song ngữ phức tạp mà quá trình giao tiếp trong thế kỷ XXI thường đòi hỏi do sự gia tăng của các luồng di cư, chủ nghĩa liên quốc gia và toàn cầu hóa. Bà bác bỏ tính chất tuyến tính đơn giản của các mô hình song ngữ cộng tính cũng như triệt tiêu ở trên và lập luận:
Với sự tương tác về ngôn ngữ diễn ra trên các bình diện khác nhau, bao gồm cả đa phương thức, nghĩa là các phương thức ngôn ngữ khác nhau (cả hình ảnh và bản in, âm thanh và văn bản...) và đa ngữ, các cá nhân có thể tham gia vào nhiều hành vi giao tiếp phức tạp không tương ứng với các mô hình song ngữ tuyến tính. (2009a: 54)
Sự tồn tại chủ động và đồng thời của các ngôn ngữ trong giao tiếp giúp tạo nên mối tương quan chặt chẽ giữa chúng, thay vì chỉ mang tính bổ sung. Song ngữ biến đổi phản ánh quá trình thực hành liên ngôn ngữ của những người song ngữ khi họ sử dụng tất cả các nguồn ngôn ngữ của mình để giao tiếp và học hỏi (O. García & Li Wei, 2014). Việc chủ động sử dụng các nguồn ngôn ngữ và đa phương thức như vậy thể hiện rõ trong cách nhiều người Campuchia ở Campuchia tương tác với nhau và với những người Campuchia sống ở các nước khác trên thế giới thông qua mạng xã hội. Ví dụ, một bài đăng trên Facebook có thể bao gồm một đoạn văn bản bằng tiếng Khmer hoặc tiếng Anh, hoặc kết hợp cả hai. Bài đăng có thể đính kèm ảnh, video, bài viết hoặc hình ảnh kết hợp với văn bản, có thể bằng một hoặc hòa trộn hai ngôn ngữ. Tương tự, bình luận từ bạn bè về bài đăng có thể được viết bằng tiếng Khmer, tiếng Anh hoặc cả hai, có thể được kết hợp với các biểu tượng cảm xúc, đồng thời có thể bao gồm hình ảnh, video, meme hoặc các đường dẫn bằng hai ngôn ngữ. Một số người Campuchia thậm chí sẽ sử dụng bảng chữ cái tiếng Anh để viết phiên âm tiếng Khmer bởi họ không có các phông chữ tiếng Khmer, không biết cách viết bằng chữ Khmer hoặc đơn giản là cảm thấy viết theo cách đó sẽ nhanh hơn. Nhiều cá nhân song ngữ biến đổi sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau trên các trang mạng xã hội để giúp việc giao tiếp đủ ý và hiệu quả hơn. Việc sử dụng năng động, kết hợp, chồng chéo và đồng thời các ngôn ngữ cũng như phương thức khác nhau phản ánh đặc điểm đa văn hóa và đa ngữ trong một thế giới giao tiếp ngày càng toàn cầu hóa. O. García và Li Wei (2015) lập luận rằng lăng kính của song ngữ biến đổi có tiềm năng chuyển đổi cấu trúc và phương pháp giáo dục song ngữ (xem Chương 10 và 11).
Dịch chuyển ngôn ngữ và duy trì ngôn ngữ
Đi cùng sự thay đổi theo mùa và thời tiết là những hiện tượng như sinh sôi và lụi tàn, bừng nở và suy yếu. Tương tự, các cộng đồng ngôn ngữ thiểu số cũng ở trong tình trạng thay đổi liên tục. Sự dịch chuyển ngôn ngữ như vậy có thể nhanh hoặc chậm, lên hoặc xuống, nhưng không bao giờ biến mất.
Dịch chuyển ngôn ngữ đề cập đến sự suy giảm số lượng người nói một ngôn ngữ, tỷ lệ người nói ngôn ngữ trong dân số, mức độ thông thạo ngôn ngữ hoặc tần suất sử dụng ngôn ngữ trong các lĩnh vực khác nhau. Kết quả cuối cùng của sự dịch chuyển ngôn ngữ là cái chết ngôn ngữ, dù một ngôn ngữ có thể được hồi sinh từ các bản ghi (bằng âm thanh và văn bản). Duy trì ngôn ngữ thường đề cập đến mức độ ổn định tương đối của ngôn ngữ về số lượng và sự phân bổ người nói, việc sử dụng thành thạo ngôn ngữ của trẻ em và người lớn cùng khả năng duy trì ngôn ngữ trong các địa hạt cụ thể (ví dụ như gia đình, trường học, tôn giáo). Sự phổ biến ngôn ngữ liên quan đến sự gia tăng – về mặt số lượng, địa lý hoặc chức năng – của người dùng, mạng lưới và mức độ sử dụng ngôn ngữ.
Tuy nhiên, việc sử dụng các thuật ngữ này cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ, vì chúng không rõ ràng và có thể đề cập đến số lượng của cộng đồng ngôn ngữ thiểu số, dân số của họ trong một khu vực, trình độ thông thạo ngôn ngữ hoặc việc sử dụng ngôn ngữ trong các lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, các thuật ngữ như “cái chết ngôn ngữ” và “tuyệt chủng ngôn ngữ” sẽ khiến người ta nghĩ tới một tình huống tiêu cực, bi quan và không thể đảo ngược. Thay vào đó, McCarty (2013) thích gọi chúng là các ngôn ngữ ngủ đông hoặc không hoạt động hơn, bởi nếu có một bản ghi về ngôn ngữ đó và một cộng đồng được tạo động lực để phục hồi nó thì việc đảo ngược ngôn ngữ là hoàn toàn khả thi. Đó là điều đã xảy ra với Klallam, một ngôn ngữ ngủ đông được một số sinh viên người Mỹ bản địa ở Washington học thông qua các bản ghi âm của tổ tiên đã khuất (Kaminksy, 2014). Zuckerman và Monaghan (2012) gọi những ngôn ngữ đã tuyệt chủng như vậy là “người đẹp ngủ trong rừng”.
Có nhiều yếu tố dẫn đến sự thay đổi về ngôn ngữ. Ví dụ, việc di cư ra khỏi một khu vực có thể là yếu tố quan trọng để đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập hoặc được thăng chức. Việc nhập cư có thể mang tính cưỡng ép (ví dụ như bắt nô lệ) hoặc tự nguyện (ví dụ như công nhân làm thuê). Đôi khi sự dịch chuyển này của các nhóm ngôn ngữ thiểu số xảy ra trong một khu vực địa lý cụ thể. Trong một quốc gia, hôn nhân cũng có thể gây ra sự dịch chuyển song ngữ. Ví dụ, một người song ngữ từ một cộng đồng ngôn ngữ thiểu số có thể kết hôn với một người đơn ngữ từ cộng đồng ngôn ngữ đa số. Kết quả có thể là việc con cái họ trở thành người đơn ngữ nói ngôn ngữ đa số. Sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và toàn cầu hóa dẫn đến sự dịch chuyển lao động ngày càng tăng. Với sự phát triển của truyền thông đại chúng, công nghệ thông tin, du lịch, mạng lưới đường bộ, đường biển và đường hàng không, các ngôn ngữ thiểu số dường như đang bị đe dọa nhiều hơn. Giáo dục song ngữ, hoặc sự vắng mặt của nó, cũng là một yếu tố trong sự thăng trầm và dòng chảy của các ngôn ngữ thiểu số và đa số.
Bảng 4.3 cung cấp một danh sách tương đối đầy đủ các yếu tố có thể khuyến khích việc duy trì hoặc đánh mất ngôn ngữ. Danh sách này về cơ bản đề cập đến những người nhập cư hơn là người thiểu số bản địa, nhưng nhiều yếu tố có thể được áp dụng cho cả hai nhóm. Điều còn thiếu trong danh sách này là yếu tố quyền lực.
Bảng 4.3: Duy trì ngôn ngữ và đánh mất ngôn ngữ
Nguồn: Conklin & Lourie (1983)
Việc xem xét sơ khởi về các yếu tố quan trọng trong dịch chuyển ngôn ngữ đã chỉ ra rằng những thay đổi đó có tác động lớn đến sự thay đổi kinh tế và xã hội, đến chính trị và quyền lực, đến sự sẵn có của mạng lưới giao tiếp xã hội địa phương giữa những người nói ngôn ngữ thiểu số, cũng như đến sự hỗ trợ về lập pháp và thể chế được cung cấp cho việc bảo tồn một ngôn ngữ thiểu số. Dù những yếu tố này giúp chỉ ra đâu là những điều tác động đến sự dịch chuyển ngôn ngữ, tầm quan trọng của chúng vẫn còn đang được tranh luận và chưa thực sự ngã ngũ.
Có nhiều cách tiếp cận khác nhau để xác định nguyên nhân của sự dịch chuyển ngôn ngữ, các cấp độ như chính trị, kinh tế, tâm lý (ở cấp độ cá nhân hoặc gia đình) và xã hội học. Một danh sách về tầm quan trọng tương đối của các yếu tố này sẽ quá thiếu chính xác, vì chúng tương tác và đan xen vào nhau trong một phương trình phức tạp. Một danh sách như vậy sẽ không chỉ ra được những yếu tố quan trọng, cũng như không tiết lộ các quá trình và cơ chế của sự dịch chuyển ngôn ngữ. Do đó, rất khó để dự đoán được ngôn ngữ thiểu số nào sẽ có khả năng suy giảm và ngôn ngữ nào có khả năng được hồi sinh.
Với những người nhập cư tới Mỹ, người ta thấy rằng sự dịch chuyển sang tiếng Anh thường diễn ra trong ba thế hệ. Thế hệ đầu tiên (ông bà) vẫn duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ của mình dù đã đạt được một trình độ thông thạo tiếng Anh nhất định. Thế hệ thứ hai (con) – sinh ra ở Mỹ nhưng lớn lên trong một gia đình không nói tiếng Anh – thường trở thành các cá nhân song ngữ, dù thường thì tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ chiếm ưu thế hơn. Thế hệ thứ ba (cháu) thường là những người đơn ngữ tiếng Anh.
Tuy nhiên, “sự dịch chuyển ba thế hệ” này không phải là trường hợp duy nhất có thể xảy ra. Một số nhóm, chẳng hạn như người Hà Lan ở Pennsylvania (Amish) đã tránh được sự dịch chuyển ba hoặc bốn thế hệ trong lịch sử bằng cách duy trì ranh giới giữa họ và thế giới bên ngoài. Các ví dụ khác về việc duy trì ngôn ngữ sau thế hệ thứ ba bao gồm người Do thái Chính thống bảo thủ nói tiếng Yiddish; cộng đồng Pháp ngữ ở bắc Vermont, New Hampshire và Maine; những người nói tiếng Tây Ban Nha trong các cộng đồng nông thôn nhỏ ở Arizona, New Mexico và Texas dọc theo biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico (Fishman, 2013). Tuy nhiên, trong các nhóm người nhập cư gần đây, sự dịch chuyển ngôn ngữ có thể xảy ra ở thế hệ thứ hai, đặc biệt là khi các thành viên ít tuổi hơn của thế hệ thứ nhất – hay còn được gọi là thế hệ 1.5 – bắt đầu đi học khi còn nhỏ và có ít cơ hội để phát triển hoặc duy trì ngôn ngữ mẹ đẻ của mình (Wright, 2014a).
Trong số các cộng đồng người Punjab, Ý, Gaelic và Wales ở Anh, có những cá nhân thuộc thế hệ thứ tư đôi khi mong muốn hồi sinh ngôn ngữ cội nguồn của mình. Với một số người, sự đồng hóa (assimilation) với ngôn ngữ và văn hóa đa số không mang lại sự thỏa mãn cá nhân. Thay vào đó, những người theo chủ nghĩa phục hưng tìm cách trở về nguồn cội bằng cách khôi phục ngôn ngữ và văn hóa di sản của dân tộc họ. Ở châu Âu, với áp lực ngày càng tăng về bản sắc châu Âu, các cộng đồng ngôn ngữ thiểu số dường như ngày càng nhận thức rõ về lợi ích của một căn tính địa phương khác biệt và thân thuộc hơn với mình. Áp lực trở thành một phần của tổng thể lớn hơn dường như đã dẫn đến nhu cầu cân bằng đối trọng để có một cội rễ an toàn trong một cộng đồng nhỏ và mang tính địa phương hơn. Ngôn ngữ địa phương giúp xác lập danh tính riêng biệt này. Giáo dục song ngữ cung cấp một phương tiện để trở nên vừa quốc tế vừa bản địa.
Sự suy giảm ngôn ngữ và cái chết ngôn ngữ
Một cách khác để xác định nguyên nhân của sự dịch chuyển ngôn ngữ là kiểm tra một ngôn ngữ đang hấp hối trong một khu vực cụ thể. Trong một nghiên cứu kinh điển, Gal (1979) đã nghiên cứu sự thay thế tiếng Hungary bằng tiếng Đức tại thị trấn Oberwart ở miền đông nước Áo. Sau 400 năm song ngữ Hungary-Đức tương đối ổn định, đời sống kinh tế, xã hội và gia đình đã trở nên phụ thuộc hơn vào tiếng Đức. Gal tập trung vào quá trình can thiệp và chỉ ra cách những thay đổi về mặt xã hội như công nghiệp hóa và đô thị hóa đã thay đổi mạng lưới xã hội, mối quan hệ giữa người với người và các mô thức sử dụng ngôn ngữ trong cộng đồng. Khi môi trường mới cùng những người nói mới xuất hiện, ngôn ngữ sẽ mang những hình thức và ý nghĩa mới, đồng thời tạo ra những kiểu tương tác xã hội mới. Điều này cho thấy mạng lưới xã hội có thể đóng vai trò quan trọng hơn cộng đồng trong việc dịch chuyển ngôn ngữ.
Một nghiên cứu nổi tiếng khác là công trình nghiên cứu trường hợp chi tiết của Dorian (1981) về sự suy giảm của tiếng Gaelic ở phía đông Sutherland, một khu vực ở cao nguyên phía đông bắc Scotland. Trong lịch sử, tiếng Anh và tiếng Gaelic đã cùng tồn tại, với tiếng Anh thường được coi là ngôn ngữ văn minh có vị thế cao, còn Gaelic là thứ tiếng “man rợ” của tầng lớp thấp hơn. Hai nhóm dân cư cuối cùng nói tiếng Gaelic trong khu vực này là các nông dân canh tác trên những mảnh đất nhỏ và các ngư dân. Họ sống giữa cộng đồng nói tiếng Anh và ban đầu chỉ nói tiếng Gaelic, sau đó dần trở thành người song ngữ tiếng Anh và tiếng Gaelic. Khi ngành công nghiệp đánh bắt cá bắt đầu suy thoái, ranh giới giữa những người nói tiếng Gaelic và tiếng Anh bắt đầu bị phá vỡ. Những người đánh cá bắt đầu tìm kiếm công việc khác, kết hôn với những người bên ngoài thay vì những người trong cùng cộng đồng và những “người ngoài” bắt đầu di cư đến khu vực phía đông Sutherland. Theo thời gian, cộng đồng ngư dân dần từ bỏ danh tính gắn liền với lĩnh vực đánh bắt cá và ngôn ngữ Gaelic cũng có xu hướng giảm theo. Trong thế kỷ XX, cộng đồng này chứng kiến sự chuyển dịch ba thế hệ rất rõ ràng, từ ông bà là những người đơn ngữ nói tiếng Gaelic tới các cháu là những người đơn ngữ nói tiếng Anh.
Các thuật ngữ mang tính ẩn dụ bạo lực như “kẻ giết chết ngôn ngữ”, “tự sát ngôn ngữ” và “thảm sát ngôn ngữ” thường được sử dụng để thu hút sự chú ý vào cách các ngôn ngữ thống trị đàn áp các ngôn ngữ thiểu số hoặc khiến một số nhóm dân số chủ động từ bỏ tiếng mẹ đẻ của mình. Tuy nhiên, Thomason (2015) khuyên chúng ta nên thận trọng:
Với tôi, có vẻ như những thuật ngữ này đã bị thổi phồng quá mức... Cái chết của bất cứ ngôn ngữ nào cũng là một sự kiện đáng buồn với một cộng đồng ngôn ngữ... Nhưng việc sử dụng các thuật ngữ bạo lực sẽ có xu hướng phân tán sự chú ý khỏi các vấn đề về ngôn ngữ mang tính thực tế và phức tạp trong xã hội xung quanh cái chết ngôn ngữ. Thuật ngữ như “tự sát” có vẻ như đang đổ lỗi cho nạn nhân, cho cộng đồng ngôn ngữ đang đánh mất đi ngôn ngữ di sản của mình; thuật ngữ “giết chết ngôn ngữ” gợi ý rằng những người nói ngôn ngữ thống trị đang chủ động tiêu diệt ngôn ngữ thay vì tạo ra – thường là một cách không có chủ đích – các điều kiện mà theo đó cộng đồng ngôn ngữ thiểu số không thể duy trì ngôn ngữ của mình (trang 68).
Dù quan điểm của Thomason rất được đón nhận, nhưng lịch sử các ngôn ngữ của người bản địa ở Canada và Hoa Kỳ, đặc biệt là lịch sử các ngôn ngữ châu Phi của những người bị bắt làm nô lệ, lại cung cấp bằng chứng mạnh mẽ về sự áp bức ngôn ngữ cực đoan được cố ý lên kế hoạch để xóa bỏ tiếng bản địa. Trong nhiều trường hợp, bạo lực thực tế đã được sử dụng với các cá nhân để thực thi các chính sách áp bức chống lại ngôn ngữ mẹ đẻ của họ (Wiley & Wright, 2004).
Khi những người nói ngôn ngữ thiểu số trở thành các cá nhân song ngữ và thích sử dụng ngôn ngữ đa số hơn, ngôn ngữ thiểu số có thể sẽ bị suy giảm, thậm chí là diệt vong. Tuy nhiên, khi mọi người quyết tâm giữ cho một ngôn ngữ tồn tại, việc phá hủy một ngôn ngữ sẽ là bất khả thi. Các nhà hoạt động ngôn ngữ, các nhóm gây áp lực, các hoạt động khẳng định và các nhà tư vấn ngôn ngữ có thể đấu tranh cho sự tồn tại của ngôn ngữ đang bị đe dọa. Tại Puerto Rico, chính sách chỉ sử dụng tiếng Anh để giảng dạy đã thất bại và được thay thế bởi các chính sách giảng dạy hướng tới mục đích giáo dục song ngữ cho hòn đảo. Tuy nhiên, các yếu tố như chủ nghĩa dân tộc, sự bất định về mặt chính trị cùng mối quan hệ giữa ngôn ngữ và bản sắc đã dẫn đến sự phản kháng, khiến phần lớn dân số trên đảo chủ yếu chỉ sử dụng tiếng Tây Ban Nha.
Với J. Edwards (2012), dịch chuyển ngôn ngữ thường phản ánh ước vọng thực tế về sự vận động xã hội và nghề nghiệp, về việc cải thiện mức sống và sự phân tích được mất cá nhân. Tuy nhiên, có thể có khoảng cách giữa lý luận về việc bảo tồn ngôn ngữ và thực tế đời sống khắc nghiệt. Điều này được minh họa trong một câu chuyện về giai đoạn đầu làm việc với người Mỹ bản địa của Spolsky (1989):
Một sinh viên Navajo của tôi từng tóm tắt vấn đề một cách khá gay gắt như sau: nếu tôi phải lựa chọn, cô ấy nói, giữa việc sống tại một chốn cách nguồn nước gần nhất một dặm, nơi con trai tôi sẽ nói tiếng Navajo khi lớn lên, hay việc chuyển đến một ngôi nhà trong thành phố có hệ thống ống nước trong nhà, nơi con tôi sẽ nói tiếng Anh với những người hàng xóm, tôi sẽ chọn tiếng Anh và một phòng tắm (trang 451)!
Tuy nhiên, ở những nơi người nói ngôn ngữ thiểu số bị áp bức và phải sống trong các nhóm tách biệt, thường có rất ít sự lựa chọn về nơi sinh sống và làm việc. Trong đoạn trích trên, người mẹ Navajo có thể đã có sự lựa chọn. Trên trực tế, nhiều người nói ngôn ngữ thiểu số có rất ít hoặc không hề có sự lựa chọn.
Dịch chuyển ngôn ngữ và sự xói mòn các ngôn ngữ thiểu số có liên quan đến sự phát triển mạnh mẽ của một số ngôn ngữ đa số như tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng Quan Thoại và tiếng Hindi/ Urdu. Với một số người, song ngữ xã hội đang bị đe dọa bởi sự phát triển của các ngôn ngữ đa số như vậy. Tuy nhiên, chương này sẽ tiếp tục với những tín hiệu tích cực và lạc quan hơn của việc phục sinh ngôn ngữ qua ví dụ về tiếng Manx Gaelic. Ví dụ này đặc biệt chỉ ra rằng giáo dục có thể đóng góp vào sự suy giảm nhanh chóng của một ngôn ngữ thiểu số và sự phục sinh chậm chạp của ngôn ngữ ấy.
Phục hồi ngôn ngữ
Manx Gaelic là một ngôn ngữ Celtic, có liên quan chặt chẽ với tiếng Gaelic được nói ở Scotland và tiếng Ireland ở Ireland. Nó được nói trên đảo Man, một hòn đảo nhỏ nằm giữa Ireland và Anh. Trong một cuộc khảo sát năm 1874, gần 50% dân số trên đảo nói tiếng Manx Gaelic, với số lượng khoảng 12.350 người. Tuy nhiên, Đạo luật Giáo dục năm 1872 đã cấm Manx Gaelic trong trường học. Nếu một đứa trẻ nói tiếng Manx trong trường, nó có thể phải chịu đòn roi. Dù đây không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự suy giảm ngôn ngữ, nhưng việc bị trục xuất khỏi trường học đã đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang tiếng Anh. Một ngôn ngữ bị trục xuất khỏi giáo dục sẽ gửi một thông điệp đến các bậc cha mẹ: ngôn ngữ này đang trở nên lỗi thời và không có giá trị việc làm hay kinh tế. Việc trao truyền ngôn ngữ Manx Gaelic ở nhà không còn giúp trẻ chuẩn bị cho việc đi học, có việc làm hay phục vụ đời sống xã hội.
Đến năm 1931, điều tra dân số trên Đảo Man cho biết chỉ còn lại 531 người nói tiếng Manx. Năm 1974, Edward (Ted) Maddrell, được coi là người bản ngữ cuối cùng nói tiếng Manx Gaelic, đã qua đời (Abley, 2005). Sau đó, các nhà ngôn ngữ học quốc tế cho rằng tiếng Manx đã chết. Trong cuộc điều tra dân số năm 1981, câu hỏi về ngôn ngữ đã hoàn toàn bị loại bỏ.
Tuy nhiên, vẫn còn một số người nói tiếng Manx như là ngôn ngữ thứ hai. Ngay cả ở thời điểm suy thoái nhất (điều tra dân số năm 1961), vẫn có 165 người được ghi nhận là những người nói Manx như ngôn ngữ thứ hai (0,3% dân số), do đó việc phục hồi tiếng Manx là hoàn toàn khả thi. Đến cuộc điều tra dân số năm 1991, số người nói đã tăng lên 643 người và vào cuộc điều tra dân số năm 2011, con số đó đã là 1.823 người trên tổng dân số 84.497 người (2,2%) (Văn phòng Kinh tế Cộng tác, 2012). Đáng chú ý, những người bản ngữ mới bắt đầu xuất hiện vào năm 2001, được ra đời trong môi trường tiếng Manx Gaelic với cha mẹ là những người thông thạo tiếng Manx Gaelic như ngôn ngữ thứ hai. Manx Gaelic đang dần hồi sinh.
Sự phục sinh của Manx Gaelic vẫn tiếp tục nhờ sự tận tâm của một số người đam mê phục sinh ngôn ngữ. Sự phục sinh này đặc biệt được thúc đẩy bởi khát vọng về một danh tính Đảo Man riêng rẽ và tách biệt với danh tính Anh quốc nói chung. Có một chương trình giáo dục hòa nhập tiếng Manx đang hoạt động thành công được gọi là “Bunscoill Ghaelgagh”. Các trường tiểu học và trung học trên Đảo Man có các lớp học tiếng Manx Gaelic như là ngôn ngữ thứ hai (Ó hIfearnáin, 2015).
Khía cạnh quan trọng nhất của ví dụ này là một ngôn ngữ có thể bị tàn sát rất nhanh nếu nó bị cấm sử dụng ở tất cả các trường học và không được trao truyền trong gia đình. Sự phục hồi của một ngôn ngữ thông qua trường học diễn ra rất chậm. Một ngôn ngữ có thể tàn lụi chỉ trong vài thập kỷ, nhưng lại cần rất nhiều thời gian để vun trồng những mầm non và còn cần nhiều thời gian hơn nữa để có thể phát triển. Sự hồi sinh ngôn ngữ trong giáo dục không chỉ bắt đầu với trẻ nhỏ, mà nó cần ưu tiên đào tạo và giúp các giáo viên có khả năng sử dụng ngôn ngữ đã được phục hồi. Do đó, giáo viên cần tham gia cùng phụ huynh, nhà hoạt động ngôn ngữ và nhà hoạch định chính sách ngôn ngữ để tạo ra nền tảng cho sự cứu vớt cũng như bảo vệ ngôn ngữ.
Trong việc phân tích sự dịch chuyển ngôn ngữ, ngoài những cấp độ về xã hội và cộng đồng ngôn ngữ, còn có cấp độ cá nhân trong sự phục sinh ngôn ngữ. Giáo viên và học sinh là những cá nhân quan trọng trong nỗ lực hồi sinh ngôn ngữ như vậy. Điểm này được McCarty (2013: xx) khẳng định mạnh mẽ, “Khi chúng ta nói đến việc đánh mất ngôn ngữ và sự hồi sinh ngôn ngữ, chúng ta nên lưu tâm đến những đứa trẻ, gia đình và cộng đồng đang sống, đang thở mà những thuật ngữ trừu tượng đó đề cập tới.”
Xung đột ngôn ngữ
Sự tiếp xúc giữa các nhóm dân tộc nói các ngôn ngữ khác nhau không phải lúc nào cũng diễn ra trong hợp tác và hòa bình. Đôi khi sẽ có những căng thẳng, ganh đua và tranh chấp. Những tranh chấp như vậy không phải lúc nào cũng dẫn đến xung đột, dù xung đột sắc tộc đã diễn ra trong các trường hợp của Indonesia, Ethiopia, Rwanda, Bosnia, Serbia và Trung Đông. Khi được đẩy tới cực đoan, sự “tẩy rửa ngôn ngữ” có thể sẽ diễn ra. Khi xung đột cực đoan giữa các sắc tộc và nội chiến bùng nổ, một nỗ lực ép buộc ngôn ngữ với nhóm con cháu có thể được thực hiện.
Do đó, ngôn ngữ có thể là một phần trong xung đột xã hội dưới vai trò một công cụ kiểm soát. Ví dụ, một thể chế quan liêu tập trung và đơn ngữ có thể tin rằng xã hội đa ngữ giống như tòa tháp Babel: ở đâu có sự đa dạng ngôn ngữ, ở đó sẽ có sự hỗn loạn, dẫn tới các tác động lên luật pháp, trật tự xã hội, kinh tế và hiệu quả hoạt động. Đơn ngữ được coi là một điều kiện ổn định, trong khi đa ngữ là sự bất toàn về ngôn ngữ, kéo theo nhiều vấn đề và xung đột (xem Chương 17).
Khi các ngôn ngữ (ví dụ như ngôn ngữ chính thức, quốc gia, dân tộc, bản địa, nhập cư) bị cuốn vào xung đột sắc tộc giữa các nhóm, chúng có xu hướng trở thành dấu hiệu hoặc biểu tượng thay vì là nguồn gốc thực sự của xung đột, điều thường diễn ra do vấn đề chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo, kinh tế hoặc văn hóa. Khi các nhóm trong xã hội tranh giành quyền lực và sự thống trị, ngôn ngữ thường là đặc điểm bề nổi hoặc tâm điểm của những mâu thuẫn sâu xa hơn bên dưới. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, xung đột về vị trí dành cho ngôn ngữ nhập cư trong giáo dục song ngữ ẩn chứa những lo ngại sâu sắc hơn về sự thống trị chính trị, vị thế, sự bảo vệ về địa vị kinh tế và xã hội, cũng như lo ngại về hội nhập văn hóa, chủ nghĩa dân tộc và bản sắc Mỹ. Do đó, nếu chỉ đánh giá từ bề ngoài, các nhóm ngôn ngữ thiểu số có thể trở thành một mối đe dọa với sự thống nhất quốc gia, đóng vai trò như một biểu tượng của sự đe dọa. Sâu hơn, xung đột chủ yếu xuất phát từ lợi thế kinh tế và chính trị, quyền lực chính trị, tình đoàn kết dân tộc hoặc quốc gia, cũng như không kém phần quan trọng là về danh tính (xem Chương 18).
Nguồn gốc của xung đột thường bắt nguồn từ các cuộc tranh giành quyền lực chính trị, căng thẳng kinh tế cùng các vấn đề về quyền lợi và đặc quyền. Những bất lợi về kinh tế và xã hội thường ẩn dưới các xung đột về ngôn ngữ. Ngôn ngữ thường chỉ là dấu hiệu thứ cấp của các nguồn cơn sơ cấp hoặc nguyên nhân cơ bản dẫn tới xung đột. Tuy nhiên, các chính trị gia và nhà quản lý thường đánh giá ngôn ngữ như thể nó là nguyên nhân, đôi khi thậm chí có thể là cứu cánh. Điều đó khiến các nguyên nhân sâu xa bên dưới lại bị bỏ qua hoặc né tránh. Về bản chất, xung đột không thể xảy ra giữa các ngôn ngữ, mà là giữa những người nói các ngôn ngữ đó. Do đó, khái niệm xung đột ngôn ngữ có thể được xem là một sự nhầm lẫn.
Ngôn ngữ và chủ nghĩa dân tộc
Chủ nghĩa dân tộc bao gồm ý thức về một dân tộc của các cá nhân riêng lẻ, sống trên một lãnh thổ xác định, bị ràng buộc bởi niềm tin rằng những cá nhân riêng lẻ đó có một nền văn hóa và lịch sử chung, với các thể chế chung và mong muốn đạt được hoặc duy trì quyền tự chủ về chính trị. Ngôn ngữ giúp tạo ra ý thức đó và là một biểu tượng quan trọng của bản sắc dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc thường được cho là xuất hiện sau Cách mạng Pháp và trở thành nhân tố quyết định chính sách cũng như sự thay đổi về chính trị trong phần lớn thế kỷ XIX và XX.
Tuy nhiên, đặc biệt trong nửa sau thế kỷ XX, nhiều nhóm dân tộc thiểu số lại bắt đầu lo lắng về bản sắc riêng của họ, bao gồm cả mong muốn duy trì ngôn ngữ và văn hóa riêng, cũng như phần nào có được quyền tự quyết chính trị. Tuy nhiên, việc duy trì bản sắc dân tộc tại một khu vực thường bị nhiều người cho là đi ngược lại với sự thống nhất của quốc gia. Do đó, các chính phủ đã nỗ lực xóa bỏ các ngôn ngữ thiểu số và thượng tôn ngôn ngữ đa số bằng các phương tiện giáo dục, đồng thời bắt buộc sử dụng ngôn ngữ đa số ở nơi công cộng và trong đời sống chính thức. Trong những thập kỷ gần đây, sự trỗi dậy của các thành phố quốc tế đa ngữ đã đặt ra một thách thức với quan điểm về chủ nghĩa dân tộc này. Cư dân của các thành phố như Brussels, London, Montréal, New York và Phnom Penh thuộc các nhóm đa quốc gia và đang trong quá trình chuyển tiếp, với vô số ngôn ngữ, bản sắc và văn hóa khác nhau.
Khái niệm nhà nước siêu quốc gia tộc người (supra-ethnic nation state) được coi là một nhu cầu thiết yếu ở nhiều nước châu Phi và châu Á trong thời kỳ hậu thuộc địa. Ví dụ, các quốc gia như Indonesia, Kenya, Nigeria, Papua New Guinea và Tanzania bao gồm nhiều nhóm dân tộc địa phương, do đó việc duy trì sự thống nhất siêu dân tộc được coi là yếu tố quan trọng với sự phát triển kinh tế và công nghệ. Một hệ quả của việc này là nhu cầu về một ngôn ngữ đa số cho các mối quan hệ quốc tế, cho đời sống chính thức và giáo dục, với các ngôn ngữ địa phương được sử dụng trong gia đình và khối phố. Điều đó cho thấy một quốc gia không bắt buộc phải đồng hóa văn hóa và xóa bỏ các ngôn ngữ địa phương.
Chủ nghĩa dân tộc thường có nội hàm tiêu cực do mối liên hệ của nó với chủ nghĩa phát xít ở Đức, Ý và Tây Ban Nha vào thế kỷ XX. Các quan điểm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan đan xen chồng chéo vào các hình thức phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa đế quốc ngôn ngữ. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cho rằng một số “chủng tộc” và ngôn ngữ vượt trội hơn những “chủng tộc” và ngôn ngữ khác. Chủ nghĩa dân tộc Afrikaner ở Nam Phi dựa trên huyền thoại về sự ưu việt của người da trắng. Ý thức hệ phân biệt chủng tộc của Đức quốc xã và Tân Quốc xã đại diện cho hình thức chủ nghĩa dân tộc cực đoan dựa trên huyền thoại về sự thuần khiết chủng tộc. Điều này cũng được thể hiện rõ trong chủ nghĩa dân tộc đương đại của Anh, chẳng hạn như việc một số nhóm cánh hữu cực đoan bộc lộ chủ nghĩa dân tộc của họ bằng thái độ phân biệt chủng tộc cực đoan và căm thù các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh.
Chủ nghĩa dân tộc Hoa Kỳ có liên quan tới sự ủng hộ gần đây với sự thống trị ngày càng tăng của tiếng Anh với các ngôn ngữ nhập cư. Nó không thể dựa trên lãnh thổ lịch sử vì quốc gia này có rất nhiều người nhập cư. Hoa Kỳ không có lịch sử chung lâu dài và một tôn giáo bao trùm để gắn kết mọi người thành một quốc gia. Dù những quan điểm chính trị như chống cộng và chủ nghĩa khủng bố từng được sử dụng như một phương tiện để cố gắng tạo ra sự thống nhất dân tộc, chủ nghĩa dân tộc của Hoa Kỳ lại dựa trên các khía cạnh như tự do chính trị, giải phóng, sự lưu động về mặt xã hội và kinh tế, tự do cá nhân và những hình thức tự do khác, doanh nghiệp tư nhân, lợi ích về kinh tế và quân sự, tiếng Anh cũng như sự vượt trội về sức mạnh quân sự, chính trị và kinh tế. Do đó, chủ nghĩa dân tộc Hoa Kỳ dựa trên tính hiện đại hơn là lịch sử, dựa trên khát vọng kinh tế và chính trị chung hơn là quyền sở hữu lâu dài về lãnh thổ, cũng như dựa trên quyền tự quyết và lòng yêu nước mạnh mẽ. Những cơ sở của chủ nghĩa dân tộc Hoa Kỳ tạo ra tác động mạnh mẽ lên chính sách ngôn ngữ, bao gồm các chính sách ủng hộ việc thay thế ngôn ngữ nhập cư bằng tiếng Anh.
Ngôn ngữ thường được coi là biểu hiện của cảm giác rằng mình thuộc về một quốc gia (ví dụ như tiếng Anh ở Mỹ). Nó trở thành biểu tượng cho nền độc lập của một quốc gia và một dân tộc. Người Basque vạch ra ranh giới cho sự ly khai của họ ở việc một người có nói tiếng Basque hay không. Ngôn ngữ thể hiện thái độ với sự độc lập và tách biệt. Do đó, những người Québéc ở Canada coi tiếng Pháp như nguồn động lực để có được sự nhiều sự tự do hơn từ Canada.
Tuy nhiên, ngôn ngữ không phải là yếu tố bắt buộc với chủ nghĩa dân tộc hay sắc tộc. Mối quan tâm đến lòng trung thành, quyền tự quyết và độc lập chính trị không nhất thiết đòi hỏi phải có một ngôn ngữ riêng. Chủ nghĩa dân tộc châu Phi không dựa trên ngôn ngữ. Ở một nơi có nhiều ngôn ngữ và phương ngữ khác nhau như châu Phi, ngôn ngữ rõ ràng không phải là mẫu số chung cho quyền tự quyết, tư cách thành viên hay lòng trung thành của người châu Phi, cũng như mong muốn tự quyết và độc lập chính trị khỏi châu Âu. Ở các quốc gia như Pakistan, tôn giáo có xu hướng trở thành nền tảng và biểu tượng của lòng trung thành hơn là ngôn ngữ. Như vậy, ngôn ngữ là điều kiện quan trọng nhưng không mang tính bắt buộc để chủ nghĩa dân tộc tồn tại và phát triển.
Song ngữ thường được xem là trở ngại cho chủ nghĩa dân tộc. Việc một ngôn ngữ thiểu số luôn có nguy cơ bị ngôn ngữ đa số lấn át khiến song ngữ có thể bị xem là một trạng thái không ổn định, là ngôi nhà chung cho những người đang chuyển từ ngôn ngữ thiểu số sang ngôn ngữ đa số. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc có thể ủng hộ song ngữ, đặc biệt ở những khu vực có nhiều nhóm dân tộc khác nhau, cũng như ở những nơi có một nhóm dân tộc thiểu số nhưng lại sử dụng ngôn ngữ đa số như tiếng mẹ đẻ.
Những thay đổi chính trị trên khắp thế giới đang thay đổi khái niệm về quốc gia. Ở Trung Quốc, với 55 nhóm thiểu số bản địa được chính thức công nhận, Feng và Adamson (2015) lưu ý rằng “quá trình thúc đẩy việc đưa tiếng Anh vào các lớp học nơi những nhóm thiểu số chiếm ưu thế đã làm tăng thêm tính phức tạp” của tình hình ngôn ngữ cấp quốc gia (trang 488). Mong muốn tạo ra một môi trường tam ngữ gồm ngôn ngữ khu vực và tiếng Anh, đồng thời vẫn thượng tôn tiếng Quan Thoại như ngôn ngữ quốc gia đã gây nên nhiều sự căng thẳng. Như một nhà hoạch định chính sách có liên quan đã thúc giục, “Chúng ta phải đặt tiếng Trung Quốc vào trung tâm và tập trung chú ý vào việc thúc đẩy ý thức và bản sắc dân tộc Trung Quốc” (trang 489).
Ở châu Âu, với sự lớn mạnh của Liên minh châu Âu và xu hướng hướng tới châu Âu hóa, ý thức về một bản sắc châu Âu thay vì một bản sắc dân tộc thuần túy đã bắt đầu xuất hiện (ví dụ như tại Ireland hay Slovenia). Trong thế giới của Internet, nền kinh tế toàn cầu và giao thông vận tải dễ dàng giữa các quốc gia, sự phát triển về kinh tế và sự phụ thuộc lẫn nhau về chính trị trên thế giới, các hình thức mới của lòng trung thành và bản sắc đang bắt đầu xuất hiện. Do đó, chủ nghĩa siêu dân tộc đang bắt đầu có những ảnh hưởng đến ngôn ngữ.
Trong thế kỷ XXI, các mô thức nhập cư mới mang tính nhân khẩu học đã thay đổi bản chất của cộng đồng ngôn ngữ thiểu số ở các quốc gia châu Âu và hơn thế nữa. Các mô thức truyền thống liên quan đến một số lượng người lớn di chuyển từ một số lượng quốc gia tương đối nhỏ (ví dụ như các nước thuộc địa cũ, các quốc gia có chung biên giới, các quốc gia nghèo khó và những nơi có xung đột vũ trang). Tuy nhiên, ngày nay, sự đa dạng đang bùng nổ ở các quốc gia châu Âu thường xuất phát từ các nhóm nhỏ hơn tới từ nhiều quốc gia hơn. Nhà xã hội học Steven Vertovec (2007) đã đưa ra thuật ngữ siêu đa dạng (superdiversity) để mô tả những mô thức mới này. Vertovec lấy ví dụ với nước Anh và mô tả sự siêu đa dạng của đất nước này “đặc trưng bởi sự tác động lẫn nhau giữa các biến số của một lượng người nhập cư mới ngày càng tăng đã đến Anh trong một thập kỷ qua theo từng nhóm nhỏ và phân tán, những người có nguồn gốc đa dạng, kết nối xuyên quốc gia, có sự khác biệt về kinh tế xã hội và mức độ nhập cư hợp pháp” (trang 1024). Siêu đa dạng cũng mô tả sự đa dạng trong chính bản thân người nhập cư và các nhóm dân tộc thiểu số (sự đa dạng trong sự đa dạng). Blommaert (2013) chỉ ra rằng có hai yếu tố có liên quan tới nhau trong sự phát triển của siêu đa dạng – sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh mở ra những cơ hội di cư mới và Internet, đặc biệt là công nghệ Web 2.0 vào cuối những năm 1990, cung cấp “một sự bùng nổ vĩ đại và vô song của các phương tiện phục vụ trao đổi thông tin đường dài, cũng như để phát triển và duy trì các mối quan hệ xuyên quốc gia” (trang 5). Ngôn ngữ học xã hội đang bắt đầu khám phá cách mà sự đa dạng mới này “trở thành địa điểm đàm phán về các nguồn lực của ngôn ngữ”, không chỉ giữa những người mới đến mà còn giữa những cộng đồng dân tộc thiểu số đã hình thành (Creese & Blackledge, 2010a: 550) và cách nó đang thay đổi bối cảnh ngôn ngữ (Blommaert, 2013).
Việc chấp nhận tính siêu đa dạng và hướng tới chủ nghĩa siêu dân tộc có thể có ảnh hưởng tích cực đến song ngữ. Động lực chia sẻ danh tính bao quát hơn (ví dụ như là người châu Âu hoặc là một cư dân toàn cầu) có thể tạo ra phản ứng giữa các cá nhân. Để trở thành thành viên một nhóm siêu quốc gia, ban đầu chúng ta có thể phải có lòng trung thành với địa phương, sự gắn kết với nền tảng của địa phương, nhấn mạnh tới cảm thức thuộc về một cộng đồng trước khi có khả năng đồng cảm về mặt tâm lý với các nhóm siêu quốc gia lớn. Do đó, song ngữ ở cộng đồng nói ngôn ngữ đa số và cộng đồng nói ngôn ngữ thiểu số có thể trở nên quan trọng trong việc đạt được cảm giác gắn kết với địa phương, cũng như hòa nhập vào một bản sắc ngày càng rộng lớn hơn.
Biến thể ngôn ngữ
Ngoài việc có nhiều ngôn ngữ khác nhau cùng tồn tại trong xã hội, mỗi ngôn ngữ cũng có nhiều biến thể riêng. Người nói một ngôn ngữ thường có thể chỉ ra một người nói khác tới từ quốc gia hoặc thậm chí là khu vực nào trong một quốc gia dựa trên cách họ nói chuyện. Nghiên cứu về biến thể ngôn ngữ xem xét các biến thể hoặc phương ngữ khác nhau của ngôn ngữ và sự ưu tiên mà một biến thể chuẩn nhận được so với các biến thể không chuẩn. Ví dụ, ở Mỹ, tranh cãi nổ ra khi Học khu Thống nhất Oakland (Oakland Unified School District) đề xuất một chương trình Ebonics được thiết kế để nhận diện và đánh giá các biến thể tiếng Anh mà nhiều sinh viên người Mỹ gốc Phi nói, đồng thời giúp các em thông thạo tiếng Anh Mỹ chuẩn (DJ Ramirez và cộng sự, 2005). Các sinh viên nhập cư được gộp chung lại thành những người “nói tiếng Ả Rập”, dù các em nói nhiều biến thể khác nhau của ngôn ngữ này, một số thậm chí không thể giao tiếp được với nhau. Nhiều chương trình song ngữ “tiếng mẹ đẻ” ở Hoa Kỳ và trên thế giới tập trung vào việc phát triển một biến thể ngôn ngữ tiêu chuẩn mà trên thực tế có thể rất khác so với những biến thể ngôn ngữ mà học sinh thực sự nói ở nhà (Sayer, 2013; Weber, 2014). Ví dụ, các sinh viên Puerto Rico có thể nhận thấy nhiều biến thể tiếng Tây Ban Nha mà các em sử dụng bị loại bỏ khỏi các chương trình song ngữ, nơi giáo viên và các sinh viên khác chủ yếu đến từ Mexico. Một số học khu có ý tốt khi tuyển dụng giáo viên song ngữ từ Tây Ban Nha, những người dạy tiếng Tây Ban Nha tiêu chuẩn khá xa lạ với các học sinh ở Mỹ, Mexico và Trung Mỹ. Những vấn đề này cho thấy các nhà giáo dục cần phát triển được nhận thức ngôn ngữ (Alim, 2010; Fairclough, 2013) hoặc nhận thức phương ngữ có tính phản biện, nghĩa là khả năng phân tích sự khác biệt ngôn ngữ một cách phản biện, nhận thức được lý do khiến các biến thể và phương ngữ không được coi trọng như nhau, hiểu được các khía cạnh của ngôn ngữ và quyền lực, đồng thời tạo lập và phát triển các chương trình phù hợp cùng các hướng dẫn thích hợp cho các chương trình đó. Các chương trình ngoại khóa cũng có thể được cung cấp để giúp học sinh phát triển được nhận thức ngôn ngữ có tính phản biện (Alim, 2005). Biến thể ngôn ngữ là trọng tâm trong việc cân nhắc quá trình sử dụng và phổ biến tiếng Anh trên toàn thế giới.
Tiếng Anh như một ngôn ngữ toàn cầu
Sự phổ biến của tiếng Anh trên khắp thế giới đôi khi được ưu ái coi như một đặc tính đồng nhất, tích cực của toàn cầu hóa. Cũng có những người không mấy ủng hộ sự phổ biến của tiếng Anh và coi nó là nguyên nhân dẫn tới sự mất mát các ngôn ngữ thiểu số, thuộc địa hóa và chủ nghĩa đế quốc ngôn ngữ (linguistic imperialism). Đây là những lập trường ý thức hệ giúp bổ sung quan điểm của những cá nhân nói các biến thể khác nhau của tiếng Anh bản địa và quốc tế, cộng với sự công nhận về tính đa dạng ngày càng tăng của các ngôn ngữ Anh trên thế giới (World Englishes). Như thuật ngữ này tiết lộ, tiếng Anh không phải là một ngôn ngữ duy nhất. Các dạng tiếng Anh tiêu chuẩn như Anh Mỹ tiêu chuẩn, Anh Anh tiêu chuẩn, Anh Úc tiêu chuẩn chỉ là ba trong nhiều biến thể tiếng Anh chuẩn và không chuẩn. Các ngôn ngữ Anh có các khía cạnh địa phương và quốc tế, phức tạp và luôn thay đổi. Chúng tương tác với di sản văn hóa và văn hóa đại chúng, công nghệ và du lịch, bản sắc và thuộc về các cộng đồng tưởng tượng[1]. Các ngôn ngữ Anh rất quyền lực và có sức lan tỏa, tuy nhiên nhiều biến thể lại có liên quan tới sự bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận và hòa nhập của người nhập cư, trao quyền cho một số người trong khi tước quyền của những người khác (Kirkpatrick, 2010).
Chú thích:
[1] Imagined community: Thuật ngữ do nhà chính trị học Benedict Anderson đề xuất vào năm 1983, theo đó ông cho rằng một quốc gia là một cộng đồng có nền tảng xã hội, gồm những người không quen biết nhau nhưng lại “tưởng tượng” rằng họ có.
Các ngôn ngữ Anh trên thế giới tiết lộ rằng tình trạng của tiếng Anh và mối quan hệ của nó với song ngữ không đồng nhất trên toàn thế giới mà thay đổi dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm tình hình chính trị địa phương, các ngôn ngữ khác được sử dụng trong nước, quan hệ giữa các nhóm dân tộc và thái độ văn hóa (Coupland, 2013). Tupas (2015) đã sử dụng thuật ngữ tiếng Anh không bình đẳng (unequal Englishes) để nhấn mạnh rằng các biến thể tiếng Anh không chuẩn hiếm khi được đối xử bình đẳng trong xã hội. Trong thập kỷ qua, người ta ngày càng chú trọng đến việc đưa nhiều biến thể tiếng Anh tiêu chuẩn vào chương trình giảng dạy ở nhiều quốc gia trên thế giới, một phần là bởi các tổ chức kinh tế, tài chính và chính trị nói tiếng Anh là các tổ chức đang giữ vai trò lãnh đạo trên toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn sự trỗi dậy đầy nghịch lý của chủ nghĩa địa phương và ngôn ngữ bản địa như một sự phản kháng ngầm ẩn với tiếng Anh (Tollefson & Tsui, 2014; Tupas & Rani, 2015).
Kachru (2005) đã khái niệm hóa các ngôn ngữ Anh trên thế giới thành ba vòng tròn đồng tâm: vòng tròn bên trong, vòng tròn bên ngoài và vòng tròn mở rộng (xem nội dung bài phê bình tại Dewey & Leung, 2010). Ở vòng trong là những quốc gia mà phần lớn dân số nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Vòng ngoài là các quốc gia nơi tiếng Anh được sử dụng rộng rãi như ngôn ngữ thứ hai và được hưởng vị thế chính thức. Vòng mở rộng là các quốc gia mà tiếng Anh không có địa vị chính thức nhưng có thể được sử dụng, ví dụ như trong kinh doanh và truyền thông đa quốc gia. Các vòng kết nối của Kachru phần lớn tương ứng với ENL (tiếng Anh như một ngôn ngữ bản địa), ESL (tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai) và EFL (tiếng Anh như một ngoại ngữ). Tính ưu việt của tiếng Anh nằm ở chỗ nó vừa là ngôn ngữ thứ nhất, thứ hai và ngoại ngữ, đồng thời tồn tại trên toàn thế giới ở cả ba mục trên. Ba mục này sẽ lần lượt được xem xét đầy đủ hơn bên dưới:
(1) Các quốc gia ở vòng trong: Nơi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất và thường là duy nhất của phần lớn dân số. Tại Hoa Kỳ, Úc, Canada, Anh, Ireland và New Zealand, phần lớn dân số là những người nói tiếng Anh đơn ngữ. Tuy nhiên, về mặt lịch sử, sự lan rộng của tiếng Anh nhờ sự bành trướng về kinh tế cũng như chính trị đã dẫn đến sự suy giảm và đôi khi là cái chết của các ngôn ngữ bản địa ở các quốc gia này. Ở Ireland, tiếng Anh dần thay thế tiếng Ireland vào thế kỷ XIX. Bất chấp việc tiếng Ireland được xem là ngôn ngữ chính thức của Ireland và có ý nghĩa biểu tượng to lớn, nó chỉ được một bộ phận nhỏ dân số sử dụng hằng ngày. Ở Mỹ, các ngôn ngữ của thổ dân da đỏ và ngôn ngữ nhập cư đã bị tiếng Anh, ngôn ngữ chung và là biểu tượng của sự gắn kết dân tộc, lấn át. Cư dân ở nhiều quốc gia, chẳng hạn như người Maori ở New Zealand và người nói tiếng Ireland ở Ireland, luôn đấu tranh để bảo tồn ngôn ngữ dân tộc của họ trước sự thống trị của tiếng Anh.
(2) Các quốc gia ở vòng ngoài: Nơi tiếng Anh tồn tại như một ngôn ngữ thứ hai trong những ngữ cảnh song ngữ hoặc đa ngữ. Ở các thuộc địa cũ của Anh, tiếng Anh thường vẫn là ngôn ngữ chính thức hoặc ít nhất là một trong các ngôn ngữ chính thức. Nó vẫn được sử dụng rộng rãi trong các ngữ cảnh chính thức và trong giáo dục (ví dụ như ở Nam Phi, Ấn Độ). Đa số dân chúng không nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất hoặc ngôn ngữ mẹ đẻ. Nó có thể chỉ được tầng lớp cấp cao trong xã hội nói và chỉ được sử dụng trong một số ngữ cảnh (ví dụ như những ngữ cảnh chính thức và trang trọng).
(3) Các quốc gia ở vòng mở rộng: Nơi tiếng Anh là một ngoại ngữ, có thể không có địa vị chính thức và không được đa số dân chúng nói (ví dụ như Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Mozambique, Thái Lan, Malaysia). Tuy nhiên, ở những quốc gia này, tiếng Anh được công nhận là một ngôn ngữ quan trọng và có uy tín, đồng thời mọi người có thể tiếp xúc với nó trong các lĩnh vực cụ thể. Người ta cũng rất chú trọng tới việc giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ trong trường học, cũng như trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp. Các bộ phim tiếng Anh có thể được chiếu với phụ đề trên truyền hình và trong các rạp chiếu phim, đồng thời các bản nhạc pop bằng tiếng Anh có thể được phổ biến rộng rãi. Nhiều từ tiếng Anh có thể đã được ngôn ngữ bản địa vay mượn sử dụng, đồng thời tiếng Anh có thể được dùng rộng rãi trong công nghiệp quảng cáo để gợi dẫn về quyền lực, sự phổ biến và uy tín. Ví dụ, ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, người dân từng nói tiếng địa phương của họ cùng tiếng Nga. Giờ đây, họ có xu hướng chuyển sang nói ngôn ngữ địa phương cùng tiếng Anh (Dilāns & Zepa, 2015). Ở các nước Đông Âu khác (ví dụ như Slovenia), tiếng Anh không có địa vị chính thức nhưng ngày càng được giới trẻ sử dụng nhiều hơn.
Tuy nhiên, việc cố gắng ép các quốc gia vào một trong những vòng tròn hoặc hạng mục này ngày càng khó và có thể thiếu nhạy bén trước những khác biệt (Kirkpatrick, 2010). Tupas và Rani (2015) lo ngại rằng mô hình vòng tròn đồng tâm này đang đưa ra tuyên bố ý thức hệ về quyền sở hữu của tiếng Anh:
Không ai sở hữu độc quyền với ngôn ngữ – bất cứ ai nói ngôn ngữ đều có quyền sở hữu nó. Các chuẩn mực về quá trình sử dụng là các chuẩn mực mang tính đa ngữ và các chiến lược giảng dạy tiếng Anh về bản chất cũng mang tính đa ngữ. Tiếng Anh đã ăn sâu vào đời sống đa ngữ và đa văn hóa của những người nói ngôn ngữ này – vậy ngày nay ai được xem là người bản ngữ nói tiếng Anh? Việc nhấn mạnh rằng những người có thể được gọi là người bản ngữ chỉ là những người đến từ các quốc gia thuộc vòng trong, đặc biệt là Hoa Kỳ và Vương quốc Anh (nơi người nói tiếng Anh thường được mô tả là “người bản ngữ”), đồng nghĩa với việc tước quyền của phần lớn người nói tiếng Anh hiện nay (trang 1).
Hơn nữa, mô hình các vòng tròn đồng tâm gợi ý về dòng chảy một chiều từ vòng trong ra vòng ngoài và vòng mở rộng. Tuy nhiên, như Pennycook (2013) lập luận, dòng chảy văn hóa và tri thức toàn cầu, bao gồm cả ngôn ngữ, rất phức tạp và “những công nghệ và phương pháp liên lạc mới đang tạo điều kiện cho một lượng lớn các cá nhân, tín hiệu, âm thanh và hình ảnh phức tạp vượt qua nhiều biên giới theo rất nhiều hướng” (trang 593). Ví dụ, phong trào hip hop trên toàn cầu có thể bắt nguồn từ nhạc rap của người Mỹ gốc Phi, nhưng đã lan sang nhiều quốc gia để rồi bị ảnh hưởng và lai tạp với những ngôn ngữ cũng như văn hóa địa phương khác (ví dụ, xem Lin, 2015).
Sự phổ biến của tiếng Anh
Sự phổ biến của tiếng Anh, giống như các ngôn ngữ có uy tín khác trong suốt thời gian qua, xuất hiện theo nhiều cách khác nhau, bao gồm sự thống trị về mặt chính trị, sự phụ thuộc của các ngôn ngữ bản địa, thương mại, thuộc địa, di cư, giáo dục, tôn giáo, truyền thông đại chúng, công nghệ và truyền thông xã hội. Thông qua các kênh như vậy, tiếng Anh đã thâm nhập tới tận những vùng xa xôi nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh cãi về ảnh hưởng của từng yếu tố và mức độ chủ đích trong việc thống trị hay dẫn dắt thị trường (ví dụ, xem Phillipson & Skutnabb Kangas, 2013; Vaish, 2008).
Theo trang Ethnologue của tổ chức SIL quốc tế (www.ethnologue.com), có khoảng 335 triệu người trên thế giới nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất và có đến hơn 505 triệu người sử dụng nó như ngôn ngữ thứ hai (MP Lewis và cộng sự, 2015). Tuy nhiên, những ước tính này cùng nhiều ước tính khác thường gây tranh cãi. Nhiều quốc gia chỉ đưa ra số liệu phỏng đoán hoặc ước chừng, hơn nữa các tiêu chí để coi một người là người nói ngôn ngữ thứ hai (xem Chương 1) cũng rất khác nhau (xem Crystal, 2012). Số lượng người học tiếng Anh như ngoại ngữ cũng biến thiên đáng kể, với ước tính dao động từ 100 triệu đến 1,1 tỷ, tùy thuộc vào mức độ kiến thức mà họ đã học được. Graddol (2006) cho rằng số người học tiếng Anh sẽ sớm đạt đến mức đỉnh là khoảng 2 tỷ người. Crystal (2012) đưa ra một dự đoán “lưng chừng”, với tổng số khoảng 1,2 tỷ đến 1,5 tỷ người nói tiếng Anh trên toàn thế giới.
Khi đánh giá mức độ phổ biến của tiếng Anh, số lượng người nói không quan trọng bằng số lượng lĩnh vực và chức năng nổi bật mà tiếng Anh đã bành trướng và thường chiếm ưu thế. Uy tín quốc tế của tiếng Anh và các quốc gia nói ngôn ngữ này cùng sự phổ biến của văn hóa Anh-Mỹ đã mang lại cho các hiệp hội ngôn ngữ Anh vị thế, quyền lực và sự thịnh vượng. Tiếp cận tiếng Anh có nghĩa là tiếp cận với những nguồn kiến thức có giá trị, vị thế cao trong xã hội cũng như các công việc có địa vị và thu nhập cao.
Là một ngôn ngữ toàn cầu, tiếng Anh đã thống trị trong nhiều lĩnh vực và chức năng có uy tín: giao tiếp quốc tế, khoa học, công nghệ, y học, máy tính, nghiên cứu, sách, tạp chí, thương mại đa quốc gia, du lịch, kinh tế, hàng hải, hàng không, quảng cáo, ngoại giao, tổ chức quốc tế, truyền thông đại chúng, giải trí, thông tấn, Internet, chính trị, văn hóa của người trẻ và thể thao.
Vào cuối những năm 1990, người ta ước tính rằng 80% thông tin trên Internet được lưu trữ bằng tiếng Anh, dù khi nhìn nhận sâu hơn thì ước tính đó có thể đã được phóng đại (Crystal, 2006). Trong khi tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến nhất trên mạng, một nghiên cứu kéo dài 12 năm của UNESCO đã ước tính rằng lượng nội dung bằng tiếng Anh đã giảm xuống còn khoảng 45% vào năm 2005 (Pimienta và cộng sự, 2009). UNESCO nhận thấy có một sự gia tăng lớn về số lượng trang web bằng các ngôn ngữ như tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Trung... cũng như nhiều ngôn ngữ khác. Ngay cả các ngôn ngữ ít được sử dụng cũng đang nở rộ trên mạng (Graddol, 2006). Dù các trang mạng xã hội như Youtube và Facebook có thể có nền tảng tiếng Anh, nội dung đa phương tiện do người dùng trên khắp thế giới đăng tải lại hoàn toàn mang tính đa ngữ. Tuy nhiên, UNESCO cũng phát hiện ra rằng người nói tiếng Anh (cả ngôn ngữ thứ nhất và thứ hai) chiếm đến hơn một nửa (55%) số người sử dụng Internet, đồng thời các nội dung viết bằng tiếng Anh vẫn chiếm một số lượng rất đáng kể.
Việc sử dụng tiếng Anh rộng rãi như vậy khiến văn hóa, thể chế cùng cách suy nghĩ và giao tiếp của người Anh tiếp tục được lan rộng. Tiếng Anh đã thay thế một số chức năng của các ngôn ngữ khác, thậm chí có thể thay thế hoàn toàn các ngôn ngữ này.
Tương lai của tiếng Anh
Biểu đồ 4.1 cung cấp các ước tính của Graddol (2006) về số lượng người bản ngữ (L1) nói tiếng Anh và các ngôn ngữ lớn khác trong quá khứ và tương lai. Dù thừa nhận việc ước tính những con số này “khó một cách đáng ngạc nhiên”, song Graddol vẫn kết luận rằng vị trí thứ hai của tiếng Anh trong bảng xếp hạng số lượng người bản ngữ đang bị đe dọa vì sự xuất hiện của số lượng lớn những người bản ngữ nói tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hindi/Urdu và tiếng Ả Rập.
Biểu đồ 4.1: Xu hướng thay đổi của số lượng người bản ngữ với những ngôn ngữ có số lượng người nói lớn nhất trên thế giới, được thể hiện bằng đơn vị phần trăm trên tổng dân số toàn cầu.
Dữ liệu gần đây từ Ethnologue cho thấy dự đoán của Graddol là chính xác. Như được thể hiện trong Bảng 4.4, tiếng Tây Ban Nha đã chiếm vị trí thứ hai về số lượng người nói L1. Tuy nhiên, khi xem xét số lượng người nói ngôn ngữ thứ hai (L2), tiếng Anh vẫn giữ vững vị trí ngôn ngữ được sử dụng phổ biến thứ hai trên thế giới.
Cũng cần lưu ý rằng khi tính số lượng người nói L2 thì khoảng cách về số lượng người nói giữa tiếng Anh và tiếng Quan Thoại đã được thu hẹp đáng kể.
Bảng 4.4: Số lượng người nói L1, L2 và tổng số người dùng các ngôn ngữ chính trên thế giới
Ghi chú: Dữ liệu từ Ethnologue (MP Lewis và cộng sự, 2015).
*Người dùng L1 trên toàn thế giới.
**Người dùng L2 trên toàn thế giới trừ tiếng Quan Thoại, tiếng Hindi, tiếng Bengal và tiếng Urdu.
Các lợi thế và bất lợi của tiếng Anh vẫn là chủ đề được các học giả thường xuyên tranh luận (ví dụ như Crystal, 2012; Phillipson & Skutnabb Kangas, 2013; Vaish, 2008). Một bên là những người coi tiếng Anh là một phương tiện có giá trị trong giao tiếp quốc tế và liên văn hóa, là ngôn ngữ toàn cầu trên thực tế, một phương tiện tương đối trung lập để giao tiếp và tạo tiền đề tiếp cận với nền giáo dục đại học có chất lượng. Việc một quốc gia đang phát triển khuyến khích việc học và sử dụng tiếng Anh trong thương mại cũng như kinh doanh có thể tạo điều kiện để mở ra các cơ hội về kinh tế và việc làm. Tuy nhiên, tiếng Anh không phải ngôn ngữ duy nhất làm được điều này, mà các ngôn ngữ khác như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Quan Thoại và tiếng Ả Rập cũng có các hiệp hội về kinh tế và việc làm đang ngày một phát triển.
Có rất nhiều người trên tất cả các châu lục sẵn sàng học và chấp nhận tiếng Anh như một ngôn ngữ thực dụng toàn cầu. Những người học này sẵn sàng tiếp nhận tiếng Anh, không phải để tiếp thu văn hóa Anh-Mỹ, mà là để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và giao thương, cũng như giao tiếp quốc tế và giao tiếp đa quốc gia. Những người học như vậy coi tiếng Anh như một phương tiện giao tiếp với mục đích kinh tế hoặc chính trị (chứ không phải là văn hóa hoặc xã hội). Trong những tình huống như vậy, sự kỳ thị về sự thuộc địa hóa của tiếng Anh đang được thay thế bằng thái độ tích cực về chức năng đa quốc gia của nó trong bối cảnh toàn cầu hóa (Bhatia & Ritchie, 2013). Tuy nhiên, bóng đen bất bình đẳng, chia rẽ, phân chia giai cấp và phụ thuộc vẫn còn đó (Tupas, 2015).
Sự phát triển của tiếng Anh ở Trung Quốc là một ví dụ về sự phổ biến nhanh chóng của tiếng Anh như một ngôn ngữ phổ thông (Feng, 2011). Feng và Adamson (2015) cho rằng sự tăng trưởng này là do chính sách mở cửa của Trung Quốc, coi tiếng Anh là chìa khóa để hiện đại hóa, cùng các yếu tố quan trọng khác như tư cách thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, Thế vận hội Olympic 2008 ở Bắc Kinh và Hội chợ Thế giới năm 2010 ở Thượng Hải, tất cả đều giúp đẩy mạnh tinh thần rèn luyện tiếng Anh. Ước tính có khoảng 440 đến 650 triệu người ở Trung Quốc học tiếng Anh – một con số lớn hơn nhiều so với tổng dân số Hoa Kỳ (Hong & Pawan, 2014). Kể từ năm 2001, tiếng Anh đã trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3 trở lên ở các trường học trên toàn Trung Quốc, đồng thời các trường đại học dự kiến sẽ dành 5% đến 10% chương trình giảng dạy ở bậc đại học bằng tiếng Anh hoặc một ngoại ngữ khác.
Ở chiều ngược lại, quan điểm chỉ trích cho rằng tiếng Anh là một phần của chủ nghĩa đế quốc ngôn ngữ; đại diện cho sự thống trị của Hoa Kỳ và các nước nói tiếng Anh khác; là một phương tiện tái tạo sự bất bình đẳng về cơ cấu, văn hóa, giáo dục và kinh tế, từ đó giúp duy trì lợi thế và sự kiểm soát của kinh tế tư bản để đàn áp các ngôn ngữ thiểu số yếu thế cùng các dân tộc nói ngôn ngữ đó (Phillipson & Skutnabb Kangas, 2013). Ví dụ, Gandhi (1927) đã cáo buộc tiếng Anh là một ngôn ngữ trụy lạc, phi quốc gia hóa một quốc gia như Ấn Độ, đồng thời thúc đẩy sự nô dịch về mặt tinh thần vào các hình thức tư duy và văn hóa Anh. Ông lập luận rằng tiếng Anh đã được sử dụng trong một số xã hội đa ngữ để tiến hành thực dân hóa từ bên trong và duy trì quyền lực của giới tinh hoa cầm quyền. Tiếng Anh đã áp đặt sự đồng nhất về ngôn ngữ, nghĩa là đặt ra những giới hạn về mặt văn hóa, trí tuệ, tinh thần và cảm xúc. Các ngôn ngữ khác sau đó sẽ được mô tả là hạn chế, vị chủng, chia rẽ, tách biệt và phản tinh thần dân tộc. Khẳng định sự thống trị của tiếng Anh có thể trở thành một phương tiện mà giới tinh hoa biện minh cho sự loại trừ và duy trì sự bất bình đẳng.
Mối quan hệ giữa Hồi giáo và tiếng Anh là một chủ đề đang được quan tâm do hậu quả của các vấn đề như sự kiện 11/9 và cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu (Karmani & Pennycook, 2005). Rahman (2005) tuyên bố rằng thế giới Hồi giáo có ba phản ứng với tiếng Anh: chấp nhận và đồng hóa vào văn hóa Anh; từ chối và phản kháng dựa trên tôn giáo và bản sắc cũng như giá trị được ưu tiên; sử dụng mang tính thực dụng để chia sẻ quyền lực và kiến thức, nâng cao sự giàu có và vị thế xã hội, cũng như “học ngôn ngữ của kẻ thù”. Dù đôi khi có thể xảy ra mâu thuẫn về các giá trị văn hóa và xung đột phân cực giữa văn hóa Hồi giáo và văn hóa phương Tây, song đây không phải là vị thế được Hồi giáo ưu tiên. Mohd-Asraf (2005) gợi ý rằng kinh Qur’an thu hút được nhiều tín đồ bằng cách học tập từ các ngôn ngữ khác và tiếp thu trí tuệ từ nhiều nền văn hóa thông qua ngôn ngữ của họ. Tác giả lập luận rằng việc học tiếng Anh không xung đột với các giá trị của Hồi giáo, miễn là một đứa trẻ được hòa nhập hoàn toàn vào xã hội Hồi giáo về tôn giáo, bản sắc, văn hóa và lối sống, khi đó song ngữ và đa văn hóa sẽ mang tính hỗ trợ hơn là xung đột.
Tuy nhiên, sự thống trị không nằm ở bản thân ngôn ngữ, mà là ở những người sử dụng ngôn ngữ đó. Về bản chất, một ngôn ngữ như tiếng Anh không hề thống trị. Không có ngôn ngữ nào mang tính đàn áp, thống trị, phương Tây hóa, phi tôn giáo hóa hoặc đế quốc hóa hơn ngôn ngữ khác. Chính những người nói ngôn ngữ đó mới là những kẻ áp bức và thống trị. Nếu tiếng Anh có trao quyền hay gây chia rẽ, chính những người ban hành luật, dạy, học và sử dụng tiếng Anh đã khiến nó trở nên như vậy. Điều nguy hiểm là ngôn ngữ đang được coi như vật tế thần mang tính biểu tượng cho sự thống trị về mặt chính trị và kinh tế, dù trên thực tế sự thống trị ấy là kết quả của con người và chính trị.
Có nhiều người hết sức bận tâm về việc tiếng Anh là ngôn ngữ của các cường quốc thuộc địa cũ, đi kèm với đó là những nỗ lực để thúc đẩy ngôn ngữ quốc gia và khu vực (Phillipson & Skutnabb Kangas, 2013). Những người khác nhấn mạnh rằng điều này không nên ngăn cản chúng ta thừa nhận rằng tiếng Anh sẽ giúp chúng ta đạt được vị thế cá nhân, quá trình hiện đại hóa (ví dụ như công nghệ, khoa học), nền kinh tế toàn cầu và giao tiếp quốc tế. Ví dụ, Dörnyei, Csizér và Németh (2006) cho rằng tiếng Anh là ngôn ngữ cầu nối (lingua franca) trong một thế giới ngày càng thu hẹp, cung cấp phương tiện giao tiếp trực tiếp (ví dụ như mặt đối mặt, qua điện thoại, tin nhắn, email, hội thảo trực tuyến, mạng xã hội) giữa những người thuộc các ngôn ngữ, văn hóa và kinh tế khác nhau. Do đó, học sinh thường rất có động lực học tiếng Anh. Tuy nhiên, những lợi thế mà tiếng Anh mang tới cho các cá nhân trong quá trình toàn cầu hóa cần được giải thích theo hướng đối nghịch chủ nghĩa tinh hoa và bá quyền thường gắn liền với tiếng Anh (Pennycook, 2013). Ví dụ, Bhatia và Ritchie (2013) đã trích dẫn một tài liệu giáo dục thuộc địa năm 1835 của Nam tước Macaulay ở Ấn Độ đưa ra tầm nhìn của ông về nền giáo dục tiếng Anh ưu tú nhằm tạo ra “một lớp người, mang dòng máu và màu da Ấn Độ, nhưng lại thuần Anh về khẩu vị, quan điểm, đạo đức và trí tuệ”.
Với một số người, sự phổ biến của tiếng Anh có liên quan đến sự suy giảm và cái chết của nhiều ngôn ngữ bản địa (ví dụ như Phillipson & Skutnabb Kangas, 2013). Sự phổ biến của văn hóa Anh-Mỹ được cho là nguyên nhân gây ra sự suy yếu và xóa sổ các nền văn hóa địa phương. Việc sử dụng tiếng Anh rộng rãi có nghĩa là văn hóa, thể chế, cách suy nghĩ và giao tiếp Anh đều được lan truyền. Tiếng Anh sau đó có xu hướng thay thế các chức năng và thậm chí là thay thế luôn ngôn ngữ kia. Ví dụ, trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và giải trí, tiếng Anh đôi khi đã trở thành ngôn ngữ thống trị ở một quốc gia. Nó có thể đảm nhận một số chức năng nội bộ của các ngôn ngữ khác trong một quốc gia (ví dụ như trong kinh doanh, truyền thông đại chúng) và trở thành phương tiện liên kết bên ngoài, ví dụ như chính trị, thương mại, khoa học, du lịch và giải trí.
Ở những nơi tiếng Anh đang được phổ biến với tốc độ ngày một tăng cao, có nguy cơ nó sẽ không khuyến khích song ngữ mà là sự chuyển hướng sang tiếng Anh như là ngôn ngữ ưa thích, đặc biệt là trong các trường học. Tiếng Anh đôi khi đã trở thành một ngôn ngữ chính thức hoặc một ngôn ngữ quốc gia (ví dụ như ở Singapore, Ấn Độ, Kenya) và những tiếng nói địa phương có thể bị coi là dưới tiêu chuẩn. Ví dụ, giáo dục trường học nâng cao ở Kenya thường yêu cầu sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong lớp học. Khi đó, việc sử dụng tiếng địa phương trong lớp sẽ bị xem là có vị thế thấp hơn, dành cho người nghèo hoặc những người ít inh động hơn về mặt xã hội và kinh tế.
Có những ngoại lệ với sự phát triển của tiếng Anh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở một đất nước có “truyền thống vĩ đại”, các chức năng hiện đại và cụ thể của tiếng Anh có thể bị hạn chế. Ví dụ, ở các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo, cũng như ở một số quốc gia châu Á như Malaysia, sự thúc đẩy mạnh mẽ của tôn giáo hoặc chủ nghĩa dân tộc có thể giúp hạn chế việc tiếng Anh thâm nhập vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, ở các quốc gia như Singapore và Ấn Độ, tiếng Anh đã được chấp nhận như một sự liên kết giữa các vùng và như một ngôn ngữ chung. Ở Ấn Độ, có 15 ngôn ngữ có vị thế được bảo vệ về mặt Hiến pháp, với tiếng Anh và tiếng Hindi là hai ngôn ngữ chính để giao tiếp giữa các vùng.
Các lập luận chống lại tiếng Anh như một ngôn ngữ mang tính thuộc địa hóa có xu hướng nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau: rằng tiếng Anh tương phản với chủ nghĩa dân tộc và có khả năng phá hủy các nền văn hóa bản địa; rằng tiếng Anh sẽ đem theo chủ nghĩa thực dụng và các giá trị có thể tiêu diệt tôn giáo của người dân (ví dụ như Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo); rằng một người học tiếng Anh sẽ trở nên mất gốc, rơi vào trạng thái liên tục thay đổi và chuyển tiếp; rằng các giá trị suy đồi của phương Tây như buông thả tình dục, sử dụng ma túy và thiếu tôn trọng người lớn tuổi sẽ được truyền đi cùng ngôn ngữ; rằng tiếng Anh sẽ gây chia rẽ cả trong quốc gia, cộng đồng và gia đình, ngăn cách những người nói tiếng mẹ đẻ với những người thích chuyển sang tiếng Anh; rằng sẽ có sự xa lánh với văn hóa truyền thống, các giá trị di sản và tín ngưỡng, cộng thêm việc thiếu bản sắc độc đáo và mang tính cá nhân.
Các dự đoán trong Biểu đồ 4.2 cho thấy sự bùng nổ của tiếng Anh trên toàn cầu có thể đã đạt đến đỉnh điểm và lụi tàn dần trong tương lai. Với những thay đổi hiện tại trong chủ nghĩa quốc tế, nền kinh tế toàn cầu, các công ty đa quốc gia, công nghệ, viễn thông và tôn giáo, nền kinh tế tri thức và thông tin quốc tế có thể đưa thế giới thoát khỏi các hoạt động đơn ngữ tiếng Anh để tới vị thế mà các ngôn ngữ như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập và tiếng Quan Thoại có thể được sử dụng nhiều hơn. Các nền kinh tế lớn đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil và Nga đã chỉ ra rằng các biến thể của tiếng Anh sẽ có uy tín hơn trong tương lai so với tiếng Anh “bản địa”. Trên thế giới, song ngữ và đa ngữ sẽ có nhiều giá trị kinh tế hơn đơn ngữ.
Kết luận
Chương này đã tập trung vào các ngôn ngữ ở cấp độ nhóm, xã hội và cộng đồng. Các ngôn ngữ đa số và thiểu số thường xuyên tiếp xúc, đôi khi là xung đột với nhau. Mối quan hệ giữa hai ngôn ngữ có xu hướng liên tục thay đổi do một loạt các yếu tố có khả năng biến động như văn hóa, kinh tế, ngôn ngữ, xã hội, nhân khẩu và chính trị.
Các ngôn ngữ bản địa tồn tại trong một lãnh thổ xác định và sẽ tuyên bố các nguyên tắc lãnh thổ để bảo tồn chúng. Các nhóm ngôn ngữ thiểu số nhập cư có thể tuyên bố nguyên tắc cá nhân: nhóm ngôn ngữ của họ có đặc điểm và bản sắc dân tộc thống nhất. Song tương lai của ngôn ngữ ngày càng phát triển xa hơn cả về bề rộng và bề sâu. Lịch sử của chủ nghĩa dân tộc và vai trò hiện đại của tiếng Anh toàn cầu cho thấy số phận của các ngôn ngữ liên quan nhiều hơn đến các vấn đề về xã hội, kinh tế và chính trị. Tương lai của các ngôn ngữ trên thế giới, cũng như tương lai của tiếng Anh như một ngôn ngữ quốc tế, không chỉ phụ thuộc vào hành vi của các cá nhân, mà còn vào các giá trị kinh tế, xã hội và biểu tượng gắn liền với các ngôn ngữ khác nhau, vào sự hỗ trợ về mặt thể chế và đặc biệt là vào tình hình chính trị khu vực cũng như toàn cầu.
Những luận điểm chính trong chương này
Theo truyền thống, song ngữ xã hội được sử dụng để mô tả và phân tích hai ngôn ngữ cùng tồn tại trong một xã hội dưới một khuôn khổ tương đối ổn định, thông qua các cách sử dụng khác nhau gắn liền với mỗi ngôn ngữ.
Giao thoa ngôn ngữ thách thức quan điểm truyền thống về song ngữ xã hội trong việc đánh giá sự tồn tại đồng thời và tác động lẫn nhau giữa các ngôn ngữ khi các cá nhân song ngữ thực hành liên ngôn ngữ.
Nguyên tắc lãnh thổ là một tuyên bố về quyền sử dụng một ngôn ngữ trong một khu vực địa lý, trong khi nguyên tắc cá nhân là một tuyên bố về quyền sử dụng ngôn ngữ dựa trên quyền sở hữu của một cá nhân với ngôn ngữ của họ ở bất cứ nơi nào họ tới trong phạm vi quốc gia của họ.
Có nhiều yếu tố có thể góp phần vào việc duy trì ngôn ngữ hoặc mất đi ngôn ngữ.
Ngôn ngữ thiểu số có thể suy giảm do sự thay đổi của ba thế hệ: ông bà là người đơn ngữ L1, bố mẹ (con cái) song ngữ, cháu đơn ngữ L2. Ngôn ngữ có thể suy giảm nhanh hơn trong một số cộng đồng nhập cư gần đây.
Quá trình phục hồi ngôn ngữ diễn ra chậm và đầy thách thức, nhưng vẫn hoàn toàn khả thi và thường bắt đầu từ một số cá nhân tâm huyết.
Ngôn ngữ là biểu tượng chính của bản sắc dân tộc và được coi như một chỉ dấu của lòng trung thành.
Tiếng Anh không phải là một ngôn ngữ đơn nhất, thay vào đó có rất nhiều ngôn ngữ Anh trên thế giới.
Tiếng Anh từng lan rộng rất nhanh, chủ yếu như ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ.
Có nhiều người nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai hơn là người bản ngữ.
Những lợi thế và bất lợi của tiếng Anh như một ngôn ngữ quốc tế cũng như ảnh hưởng của nó với tương lai của các ngôn ngữ bản địa và thiểu số vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi.
Song ngữ và đa ngữ trong tiếng Anh cùng một hoặc nhiều ngôn ngữ khác đang gia tăng trên toàn cầu.
Gợi ý đọc thêm
Blommaert, J. (2013). Ethnography, superdiversity and linguistic landscape: Chronicles of complexity. Bristol, UK: Multilingual Matters.
Coupland, N. (2013). The handbook of language and globalization. Malden, MA: Wiley- Blackwell.
Weber, J.-J., & Horner, K. (2012). Introducing multilingualism: A social approach. New York, NY: Routledge.
McCarty, T. (Ed.). (2017). Language policy and political issues in education (Vol. 1 of the Encyclopedia of Language and Education, 3rd ed., S. May, Editor). New York, NY: Springer.
Tài liệu trực tuyến
Một ngày của Bunscoill Ghaelgagh (Video về sự hồi sinh tiếng Manx trong trường học)
https://youtu.be/6rUEZ8A-678
25 bản đồ giúp giải thích về tiếng Anh
http://www.vox.com/2015/3/3/8053521/25-maps-that-explain-english
David Crystal: Các ngôn ngữ Anh trên thế giới (Video)
https://youtu.be/2_q9b9YqGRY
Câu hỏi thảo luận
(1) Sử dụng Bảng 4.2, thảo luận xem thuật ngữ nào mô tả chính xác nhất mối quan hệ giữa song ngữ cá nhân và song ngữ xã hội trong cộng đồng hoặc xã hội mà bạn sống. Có phải thuật ngữ giao thoa ngôn ngữ (transglossia) sẽ là một sự mô tả chính xác hơn không? Tại sao?
(2) Đọc và nghe câu chuyện “Sống ở hai thế giới, nhưng chỉ với một ngôn ngữ” của Đài Phát thanh Công cộng Hoa Kỳ: http://tinyurl.com/o74s9rt. Kinh nghiệm của O’Brien liên quan thế nào đến sự thay đổi của ba thế hệ? Những yếu tố nào đã dẫn đến sự thay đổi này? Sự thay đổi này đã tác động thế nào đến O’Brien?
(3) Bạn đánh giá thế nào về tương lai của tiếng Anh như một ngôn ngữ? Bạn có đồng ý với những dự đoán trong Biểu đồ 4.2 không? Tại sao việc nghĩ về tiếng Anh như những ngôn ngữ Anh lại quan trọng, đặc biệt là khi hiện nay số lượng người nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai đã nhiều hơn số người bản ngữ?
Hoạt động học tập
(1) Sử dụng danh sách các yếu tố trong Bảng 4.3 để tiến hành nghiên cứu về một ngôn ngữ thiểu số trong cộng đồng của bạn, từ đó xác định xem ngôn ngữ này có khả năng duy trì hoặc mất đi trong mười năm tới hay không.
(2) Khám phá các nền tảng truyền thông xã hội trực tuyến (ví dụ như Facebook, Youtube, Instagram...) để tìm và phân tích các ví dụ về song ngữ biến đổi.
(3) Phỏng vấn các cá nhân đến từ những gia đình nói ngôn ngữ thiểu số nhập cư trong cộng đồng của bạn. Mô hình “thay đổi qua ba thế hệ” có được thể hiện rõ trong một số hoặc hầu hết các gia đình đó không? Những thay đổi trong việc sử dụng và vị thế ngôn ngữ trong những gia đình đó kể từ khi nhập cư là gì? Những gia đình này đưa ra những lý do gì cho sự thay đổi ngôn ngữ? Những yếu tố nào có vẻ đang hỗ trợ việc bảo tồn ngôn ngữ?