Giới thiệu
Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi là người cuối cùng nói ngôn ngữ của dân tộc mình? Marie Smith Jones, người cuối cùng nói tiếng Alaskan Eyak, đã trả lời như sau (Nettle & Romaine, 2000: 14), “Tôi không biết tại sao lại là tôi, tại sao tôi lại là người duy nhất. Để tôi nói bạn nghe này, nó rất đau. Nó thực sự rất đau.” Richard Littlebear (1999), một người Cheyenne, kể lại cuộc gặp gỡ với Marie Smith Jones, “Tôi cảm thấy mình đang ngồi trước cả một vũ trụ kiến thức có thể biến mất chỉ trong một hơi thở. Vũ trụ ngôn ngữ đó dường như quá mong manh.” Bà qua đời ở tuổi 89 vào ngày 21 tháng 1 năm 2008, tại nhà riêng ở Anchorage. Tên của bà trong tiếng Eyak là Udach’ Kuqax*a’a’ch’, có nghĩa là “tiếng gọi từ nơi xa”.
Việc được thông báo rằng một người thân yêu sắp hoặc đã qua đời là một trong những trải nghiệm khó chịu đựng nhất trong cuộc sống. Việc nói về một ngôn ngữ đã chết hoặc sắp mất đi nghe có vẻ hàn lâm và không có nhiều cảm xúc. Tuy nhiên, ngôn ngữ chẳng thể tồn tại nếu không có con người. Một ngôn ngữ thường mất đi cùng người nói cuối cùng của ngôn ngữ đó, hoặc nếu có thể thì nằm im chờ đợi sự hồi sinh trong tương lai (Hermes và cộng sự, 2012). Đó là một sự mất mát lớn với nhân loại. Nó giống như việc cuốn bách khoa toàn thư về ngôn ngữ và văn hóa đó đã bị chôn vùi. Ba ví dụ sau sẽ minh họa rõ hơn điều này.
• Tại Cameroon vào năm 1994/95, nhà nghiên cứu Bruce Connell đã đến thăm người cuối cùng nói tiếng Kasabe (hay Luo). Năm 1996, ông quay lại để nghiên cứu ngôn ngữ đang dần trở thành tử ngữ ấy. Lần này thì đã quá trễ. Người cuối cùng nói tiếng Kasabe đã qua đời vào ngày 5 tháng 11 năm 1995, mang theo cả ngôn ngữ và văn hóa Kasabe (Crystal, 2014). Nói một cách đơn giản, vào ngày 4 tháng 11 năm 1995, Kasabe vẫn tồn tại. Vào ngày 5 tháng 11, nó đã chết.
• Vào tháng 6 năm 2013, Grizelda Kristina, người cuối cùng nói tiếng Livonia, một ngôn ngữ Baltic cổ, đã qua đời ở tuổi 103. Grizelda sinh ra và lớn lên tại một làng chài dọc theo bờ biển phía bắc Latvia. Ngôi làng của bà và hàng chục ngôi làng của người Livonia khác đã bị Đức Quốc xã và sau đó là Liên Xô tàn phá. Bà rời bỏ Latvia vào năm 1944 để thoát khỏi chiến tranh và định cư ở Canada, nơi bà sống cho đến khi qua đời (Berlin, 2013).
• Vào ngày 4 tháng 2 năm 2014, Hazel M. Sampson qua đời ở tuổi 103 tại Port Angeles, Washington. Bà là người cuối cùng nói tiếng Klallam như tiếng mẹ đẻ, một ngôn ngữ mà từ những năm 1800 Chính phủ Hoa Kỳ đã muốn loại bỏ cùng tất cả các ngôn ngữ bản địa Mỹ khác. Sự đảo ngược trong chính sách liên bang theo Đạo luật ngôn ngữ của người Mỹ bản địa 1990/1992 đã tạo điều kiện để phục hưng tiếng Klallam (Kaminksy, 2014), nhưng khi đó đã quá trễ để cứu ngôn ngữ này thoát khỏi sự tuyệt chủng. Tuy nhiên, các bản ghi âm của Sampson và các già làng đã qua đời khác trong bộ tộc đang được sử dụng để phục vụ việc giảng dạy Klallam như ngôn ngữ thứ hai trong một số trường học địa phương, một nỗ lực để hồi sinh ngôn ngữ này.
Biểu đồ 3.1 thể hiện dòng chảy lịch sử về số lượng ngôn ngữ trên thế giới kể từ năm 1500, được sử dụng để ước đoán xem sẽ có bao nhiêu ngôn ngữ còn tồn tại trong tương lai.
Biểu đồ 3.1: Ước tính số lượng ngôn ngữ trên thế giới, giai đoạn 1500-2200 (Sau Graddol, 2006: 60).
Các ngôn ngữ nguy cấp
Sự chuyển dịch, nguy cơ tuyệt chủng và cái chết của ngôn ngữ luôn đi kèm với một ngôn ngữ. Tiếng Latin và tiếng Hy Lạp cổ đại là những ví dụ nổi bật về việc một ngôn ngữ từng có vị trí quan trọng trong lịch sử cũng có thể bị thoái trào. Tuy nhiên, giới học giả chỉ bắt đầu nghiêm túc chú ý tới các vấn đề liên quan tới nguy cơ tuyệt chủng ngôn ngữ từ thế kỷ XX. Các chuyên gia chưa đồng thuận được về số lượng ngôn ngữ còn tồn tại trên thế giới hiện nay. Nhiều ước tính đã đưa ra con số từ 6.000-7.000 ngôn ngữ (Austin & Sallabank, 2015). Ấn bản thứ 18 của tập san Ethnologue do SIL International phát hành đã liệt kê tổng cộng 7.102 ngôn ngữ đang được sử dụng trên toàn cầu, như được trình bày trong Bảng 3.1 (MP Lewis và cộng sự, 2015).
Bảng 3.1: Sự phân bổ các ngôn ngữ còn tồn tại trên thế giới
Nguồn: MP Lewis và các cộng sự (2015)
Thêm vào đó, vẫn chưa có sự thống nhất về số lượng chính xác các ngôn ngữ có khả năng trở thành tử ngữ, dù hầu hết các chuyên gia đều công nhận rằng có nhiều ngôn ngữ đang rơi vào tình trạng nguy hiểm. Bản đồ của UNESCO về các ngôn ngữ đang gặp nguy hiểm (Atlas of the World’s Languages in Danger) (Moseley, 2010) tuyên bố rằng 43% ngôn ngữ trên thế giới đang gặp nguy hiểm ở các mức độ khác nhau (xem Biểu đồ 3.2). Thomason (2015) cho rằng hầu hết các chuyên gia đều đồng ý về việc một nửa số ngôn ngữ trên thế giới sẽ tuyệt chủng vào cuối thế kỷ XXI.
Biểu đồ 3.2: Tổng quan về sức sống của các ngôn ngữ trên thế giới.
Nguồn: Moseley (2010)
Biểu đồ 3.2 dựa trên báo cáo Sức sống Ngôn ngữ (UNESCO’s Language Vitality) và Khung cấp độ Nguy hiểm gồm sáu cấp độ (Endangerment Framework of six categories) của UNESCO (Moseley, 2010), bao gồm:
• An toàn (Safe): Ngôn ngữ được sử dụng bởi tất cả các thế hệ, sự lưu truyền giữa các thế hệ (intergenerational transmission) không bị gián đoạn.
• Bị đe dọa (Vulnerable): Hầu hết trẻ em đều nói ngôn ngữ này, nhưng nó có thể bị hạn chế ở một số bối cảnh (domains) (ví dụ như ở nhà).
• Bị đe dọa ở mức cao (Definitely endangered): Trẻ em không còn tiếp nhận ngôn ngữ này như tiếng mẹ đẻ (mother tongue) ở nhà.
• Bị đe dọa nghiêm trọng (Severely endangered): Ngôn ngữ được nói bởi ông bà và các thế hệ lớn hơn, trong khi thế hệ cha mẹ có thể hiểu nhưng không dùng nó để giao tiếp với nhau và với các con của mình nữa.
• Cực kỳ nguy cấp (Critically endangered): Những người trẻ nhất nói ngôn ngữ này cũng đã ở độ tuổi ông bà, đồng thời họ cũng chỉ sử dụng nó không thường xuyên.
• Tuyệt chủng (Extinct): Không còn người nào nói cả.
Sự khác biệt trong các ước tính xuất phát từ việc ngôn ngữ có tính năng động, chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố và liên tục thay đổi (MP Lewis và cộng sự, 2015). Rất khó để tách bạch các ngôn ngữ với nhau, vì ranh giới giữa chúng thường nằm ở khía cạnh xã hội và chính trị nhiều hơn là về mặt ngôn từ (Makoni & Pennycook, 2007). Ranh giới giữa các ngôn ngữ, các biến thể ngôn ngữ và các phương ngữ cũng mập mờ và chồng chéo. Vấn đề còn nằm ở việc làm sao để thu thập được những thông tin đáng tin cậy, hợp lệ và toàn diện về ngôn ngữ ở các vùng rộng lớn như châu Phi, Nam Mỹ và châu Á. RE Moore và cộng sự (2010) đã chỉ ra những thách thức và cạm bẫy trong việc liệt kê ngôn ngữ, đồng thời ủng hộ một “tầm nhìn thay thế, không tập trung vào các ngôn ngữ riêng biệt, có tên gọi và thống kê được, mà vào người nói và vốn ngôn ngữ của họ, cũng như vào những tài nguyên thực tế mà người nói triển khai trong bối cảnh sử dụng thực tế” (trang 1).
Trong số khoảng 7.000 ngôn ngữ trên thế giới hiện nay, người ta dự đoán rằng phần lớn sẽ không sống sót. UNESCO ước tính có 596 ngôn ngữ đang bị đe dọa, 695 ngôn ngữ bị đe dọa ở mức cao, 529 ngôn ngữ bị đe dọa nghiêm trọng, 574 ngôn ngữ cực kỳ nguy cấp và 230 ngôn ngữ đã tuyệt chủng (Moseley, 2010). Thomason (2015) cho rằng cứ khoảng ba tháng lại có một ngôn ngữ chết đi (trở nên “không hoạt động”). Tác giả chỉ ra mức độ chênh lệch trong các ước tính về sự diệt vong của các sinh ngữ hiện tại, với những người lạc quan cho rằng 50% ngôn ngữ sẽ tuyệt chủng vào năm 2100, trong khi những người bi quan cho rằng con số đó sẽ là gần 90%. Do đó, chỉ có 700 ngôn ngữ (10%) có thể tiếp tục tồn tại. Những biện pháp bảo tồn ngôn ngữ cần được tiến hành khẩn trương. Nếu khoảng 90% ngôn ngữ trên thế giới rơi vào tình trạng bị đe dọa, các biện pháp hoạch định chính sách để duy trì sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa là cần thiết, ví dụ như hệ sinh thái ngôn ngữ (ecology of languages) (Vandenbusschem và cộng sự, 2014) – điều sẽ được bàn đến ở phần sau trong chương này.
Thomason (2015: 19-35) xác định sáu nguyên nhân gây ra nguy cơ tuyệt chủng ngôn ngữ, bao gồm:
• Sự xâm lược: Ngôn ngữ của kẻ xâm lược thay thế (các) ngôn ngữ của người bị xâm lược.
• Áp lực kinh tế:Yêu cầu tuyển dụng đòi hỏi phải thông thạo một ngôn ngữ chiếm đa số.
• Nồi lẩu văn hóa: Một quốc gia có ý thức hệ (ideology) hướng tới sự đồng hóa (assimilation) ngôn ngữ và văn hóa mạnh mẽ gây ra áp lực buộc người nhập cư và các nhóm bản địa cùng thổ dân phải từ bỏ ngôn ngữ cũng như văn hóa mẹ đẻ của họ.
• Chính trị ngôn ngữ: Các quốc gia thiết lập chính sách ngôn ngữ (chính thức và không chính thức) với mục tiêu hạn chế hoặc ngăn chặn việc sử dụng các ngôn ngữ thiểu số.
• Thái độ: Cảm nhận của những người nói ngôn ngữ thiểu số về tiếng nói của họ, giá trị và tính hữu ích của ngôn ngữ thiểu số ấy (do áp lực xã hội bên trong và bên ngoài).
• Mất đa dạng ngôn ngữ thông qua sự chuẩn hóa: Hầu hết các ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng đều không được chuẩn hóa. Việc lựa chọn một phiên bản duy nhất làm chuẩn để sử dụng trong giao tiếp bằng văn bản và trong trường học có thể dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng lớn hơn, cuối cùng khiến các phiên bản khác của ngôn ngữ đó biến mất.
Những nguyên nhân này không nhất thiết phải độc lập với nhau. Chúng thường chồng chéo lên nhau và dẫn đến việc đánh mất ngôn ngữ (language loss), đặc biệt là với các ngôn ngữ có ít người nói của các nhóm có ít quyền lực hơn.
Crystal (2014) đưa ra năm lý do cơ bản giải thích tại sao chúng ta lại cần duy trì sự đa dạng và hoạch định chính sách ngôn ngữ:
(1) Sự đa dạng là điều thiết yếu: Khái niệm về hệ sinh thái bao gồm tất cả các sinh vật sống, thực vật, động vật, vi khuẩn và con người cùng tồn tại và phát triển thông qua một mạng lưới các mối quan hệ phức tạp và tinh vi. Việc làm hỏng một yếu tố trong hệ sinh thái sẽ dẫn đến những hậu quả không thể lường trước được cho cả hệ thống. Đa dạng văn hóa và đa dạng sinh học có mối liên hệ không thể tách rời. Ví dụ, nơi nào rừng bị tàn phá, quê hương của các nhóm dân tộc nói ngôn ngữ thiểu số sống ở đó cũng bị tàn phá. Nơi nào có sự đa dạng về sinh học và hệ sinh thái phong phú cũng có sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa.
Đa dạng sinh học là tiền đề của sự tiến hóa, khi các sinh vật tìm cách thích nghi và biến đổi về gen di truyền để tồn tại trong các môi trường khác nhau. Sự đa dạng tạo tiền đề cho sự thích ứng. Ngược lại, tính đồng nhất chứa đựng những nguy hiểm tiềm tàng cho khả năng tồn tại lâu dài của các loài. Tính đồng nhất có thể gây nguy hiểm bằng cách tạo ra sự thiếu linh hoạt và hạn chế khả năng thích ứng. Phạm vi sinh trưởng trở nên hẹp hơn khi các ngôn ngữ và nền văn hóa chết đi, kéo theo sự giảm sút của những bằng chứng về thành tựu trí tuệ của con người. Theo ngôn ngữ sinh thái học, những hệ sinh thái mạnh nhất là những hệ sinh thái đa dạng nhất. Sự đa dạng đó liên quan trực tiếp đến sự ổn định, một yếu tố quan trọng với sự sống còn lâu dài. Thành công của chúng ta trên hành tinh này đến từ khả năng thích ứng với nhiều loại môi trường khác nhau (khí quyển cũng như văn hóa) qua hàng nghìn năm lịch sử.
(2) Ngôn ngữ thể hiện bản sắc. Bản sắc liên quan đến các đặc điểm chung giữa các thành viên trong một nhóm, cộng đồng hoặc khu vực. Bản sắc giúp bảo đảm an ninh và vị thế cho sự tồn tại của cộng đồng. Dù có thể được bộc lộ qua trang phục, tôn giáo và nghi lễ, nhưng ngôn ngữ hầu như mới là yếu tố chủ đạo trong quá trình hình thành và thể hiện bản sắc. Ngôn ngữ là một chỉ mục, biểu tượng và dấu hiệu nhận biết của bản sắc (xem Chương 18).
(3) Ngôn ngữ là kho lưu trữ của lịch sử. Ngôn ngữ cung cấp một sự kết nối với quá khứ, một phương tiện để tiếp cận kho lưu trữ kiến thức, ý tưởng và niềm tin từ di sản của nhân loại. “Mỗi ngôn ngữ là một bảo tàng sống, một tượng đài cho nền văn hóa mà nó từng là phương tiện truyền tải” (Nettle & Romaine, 2000: 14). Sự đa dạng, phong phú và giàu có của các nền văn hóa, miền quê và lịch sử sẽ biến mất khi các ngôn ngữ chết đi. Nó giống như việc nhân loại mất đi một thư viện được xây dựng trong nhiều năm. Nhà thơ người Sicilia, Ignazio Buttitta (1972), đã trình bày về điều đó như sau:
Cùm tay một dân tộc, lột trần hay bịt miệng họ: họ vẫn tự do. Tước đoạt hết công việc, hộ chiếu, thức ăn và giấc ngủ của họ: họ vẫn giàu có. Một dân tộc trở nên nghèo đói và bị nô lệ khi bị cướp đi ngôn ngữ được thừa hưởng từ cha mẹ: đó là sự mất mát mãi mãi.
Batibo (2005), đã đưa ra ví dụ về y học khi thảo luận về khả năng sụp đổ của nhiều ngôn ngữ trong số 2.000 ngôn ngữ ở châu Phi. Nếu các ngôn ngữ châu Phi chết đi, hàng thế kỷ kiến thức về dược tính của các loại thuốc trong tự nhiên cũng sẽ biến mất theo, “một số loại thuốc truyền thống mà các cộng đồng này sử dụng đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều trị các chứng bệnh phức tạp như ung thư, hen suyễn, bệnh phong và bệnh lao, cũng như những ca bệnh STD, bilharzia và thiếu máu mãn tính” (trang 41). Kiến thức và sự hiểu biết được lưu trữ qua quá trình truyền miệng (không có chữ viết) có thể mất đi cùng cái chết của ngôn ngữ. Văn bản viết có thể lưu trữ các tri thức sau khi một ngôn ngữ chết đi, dù thường sẽ có một số sắc thái và nội dung bị thất thoát trong các văn bản dịch.
(4) Ngôn ngữ đóng góp vào tổng số tri thức của con người hiện nay. Bên trong mỗi ngôn ngữ là một góc nhìn về quá khứ, hiện tại và tương lai. Khi một ngôn ngữ chết đi, thế giới quan ẩn chứa trong ngôn ngữ ấy cũng biến mất theo. Ngôn ngữ không chỉ chứa đựng hình ảnh của quá khứ, mà còn cả các mối quan hệ, kiến thức cộng đồng, kinh nghiệm tổ chức đời sống, quy tắc xã hội cùng những ý tưởng về nghệ thuật, thủ công, khoa học, thơ ca, âm nhạc, sự sống, cái chết và cả chính bản thân ngôn ngữ. Một ngôn ngữ chứa đựng một lối suy nghĩ và tồn tại, xử sự và hành động. Các ngôn ngữ khác nhau hàm chứa những cách hiểu khác nhau về con người với tư cách cá nhân và cộng đồng, các giá trị và cách thể hiện mục đích sống khác nhau, những quan điểm khác biệt về nhân loại trong quá khứ, các ưu tiên hiện tại và sự tồn tại trong tương lai.
Ngôn ngữ là trái tim của giáo dục, văn hóa và bản sắc. Khi một ngôn ngữ chết đi, một lượng đáng kể văn hóa, bản sắc cùng kiến thức đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và được phản ánh trong chính ngôn ngữ đó cũng mất đi. Kiến thức bản địa về quản lý đất đai, đi biển, trồng trọt và chăn nuôi có thể mất đi cùng cái chết của ngôn ngữ. Mỗi ngôn ngữ đều bao hàm góc nhìn về vũ trụ, một sự hiểu biết riêng biệt về thế giới. Nếu có khoảng 7.000 ngôn ngữ thì có ít nhất 7.000 cách mô tả thế giới cùng tồn tại. Sự đa dạng đó tạo nên một bức tranh mosaic lộng lẫy.
(5) Bản thân ngôn ngữ cũng là một điều thú vị. Ngôn ngữ tự nó đã rất quan trọng. Mỗi ngôn ngữ đều có hệ thống âm vị, ngữ pháp và từ vựng khác biệt, thể hiện một điều gì đó khác biệt về tổ chức và cấu trúc ngôn ngữ. Càng có nhiều ngôn ngữ để học thì sự hiểu biết của chúng ta về vẻ đẹp của ngôn ngữ càng được gia tăng.
Khung 3.1: Tránh khỏi cái chết của ngôn ngữ
Crystal (2014) gợi ý một số giải pháp để tránh khỏi cái chết của ngôn ngữ. Dù giải pháp dành cho các ngôn ngữ ở các giai đoạn khác nhau sẽ khác nhau, ông gợi ý rằng một ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng sẽ có thể phát triển trở lại nếu người nói ngôn ngữ ấy:
• Gia tăng uy tín trong cộng đồng thống trị;
• Gia tăng sự giàu có so với cộng đồng thống trị;
• Có nền tảng kinh tế ổn định;
• Gia tăng quyền lực hợp pháp trong mắt cộng đồng thống trị;
• Tăng số lượng bối cảnh sử dụng ngôn ngữ ấy;
• Chiếm một số lượng đáng kể trong cộng đồng và khu vực;
• Có sự hiện diện mạnh mẽ trong hệ thống giáo dục;
• Có khả năng đọc viết bằng ngôn ngữ đó;
• Tận dụng công nghệ điện tử;
• Có bản sắc dân tộc mạnh mẽ;
• Có sự công nhận bên trong và bên ngoài như một nhóm thống nhất duy nhất, tự vệ được trước sự ảnh hưởng của nền văn hóa thống trị hoặc được bảo vệ và chính thức được công nhận bởi nền văn hóa thống trị đó.
Chính sách ngôn ngữ
Giải pháp để tránh khỏi cái chết của ngôn ngữ liên quan đến chính sách ngôn ngữ, với những biện pháp can thiệp để ngăn chặn hoặc đảo ngược sự suy giảm của một ngôn ngữ. Điều này cũng được gọi là sự hồi sinh ngôn ngữ (language revitalization) thiểu số. Một số ngôn ngữ đa số, đặc biệt là tiếng Anh, đã mở rộng đáng kể quy mô trong thế kỷ trước. Nhiều ngôn ngữ thiểu số đang có nguy cơ tuyệt chủng và do đó cần được gìn giữ cũng như bảo vệ nhiều hơn. Việc can thiệp bằng cách hoạch định chính sách ngôn ngữ là điều cần thiết để tránh được những nguy cơ như vậy.
Ngược lại, một nhà hoạch định chính sách ngôn ngữ chỉ quan tâm đến các ngôn ngữ đa số sẽ coi việc bảo vệ các ngôn ngữ ít người sử dụng là tốn kém và không cần thiết, đồng thời mong muốn tiêu chuẩn hóa nhiều loại ngôn ngữ trong một quốc gia. Ví dụ, ở Mỹ, nhiều nhà chính trị thích đơn ngữ hơn song ngữ, do đó họ sẽ ưu tiên việc đồng hóa các cộng đồng ngôn ngữ thiểu số vào một thế giới ngôn ngữ đơn sắc và được tiêu chuẩn hóa. Nhiều nhà hoạch định chính sách có thể nghĩ về ngôn ngữ theo quan điểm tiến hóa. Điều đó có nghĩa là – dựa trên học thuyết của Darwin về việc chỉ có những giống loài phù hợp nhất mới có thể sống sót – nếu một ngôn ngữ yếu hơn và không thể thích nghi với thế giới hiện đại thì nó xứng đáng bị đào thải. Nói cách khác, trên phương diện một nền kinh tế ngôn ngữ tự do phóng nhiệm (laissez-faire), các ngôn ngữ phải tự tồn tại mà không có sự hỗ trợ của việc hoạch định chính sách ngôn ngữ.
Có những lời chỉ trích về quan điểm tiến hóa hoặc tự do phóng nhiệm này:
(1) Chỉ kẻ mạnh mới sống sót là một quan điểm quá đơn giản về sự tiến hóa. Nó chỉ nhấn mạnh tới mặt tiêu cực của quá trình tiến hóa: giết chóc, bóc lột và đàn áp.
(2) Ngôn ngữ mất đi bởi các chính sách kinh tế và chính trị mà con người tạo ra. Chúng ta có thể phân tích và xác định nguyên nhân gây ra sự thay đổi ngôn ngữ thay vì chỉ đơn giản tin rằng sự chuyển dịch xảy ra một cách tình cờ. Các yếu tố xã hội và chính trị, chứ không chỉ “tiến hóa”, đang tác động đến sự đánh mất ngôn ngữ. Quyền lực, định kiến, sự phân biệt đối xử và lệ thuộc là một số nguyên nhân gây ra sự suy giảm và cái chết của ngôn ngữ (ví dụ như các ngôn ngữ thổ dân da đỏ ở Mỹ). Do đó, ngôn ngữ không mất đi do “tiến hóa”, mà phụ thuộc vào các chính trị gia, nhà hoạch định chính sách và người dân (tháng 5 năm 2011).
(3) Các nhà tiến hóa chỉ quan tâm đến lợi ích của kinh tế của ngôn ngữ, ủng hộ sự thống trị của một số ngôn ngữ đa số trong giao tiếp quốc tế là những người có một góc nhìn hạn hẹp về chức năng của ngôn ngữ. Ngôn ngữ không chỉ có chức năng giao tiếp liên quan tới kinh tế. Chúng còn liên quan đến văn hóa, di sản nhân loại, bản sắc và các mối quan hệ xã hội, đồng thời một khu vườn với đầy đủ các ngôn ngữ khác nhau sẽ tốt hơn là chỉ có duy nhất một loại.
(4) Những người ủng hộ chủ nghĩa đơn ngữ thường cảm thấy nền văn hóa và kiến văn riêng biệt của họ là những điều duy nhất tân tiến và có giá trị – còn những điều khác đều là thấp kém và không xứng đáng được gìn giữ. Thay vì cạnh tranh liên tục, một quan điểm tích cực và chính xác hơn về sự tiến hóa là quan điểm phụ thuộc lẫn nhau, tức là sự hợp tác để đạt được những kết quả cùng có lợi.
Khung 3.2: Hệ sinh thái của ngôn ngữ
Hornberger (2006) đã tóm tắt ba khía cạnh của quan điểm sinh thái về ngôn ngữ như sau, “Khía cạnh đầu tiên là việc các ngôn ngữ, giống như các sinh vật, cũng tiến hóa, phát triển, thay đổi, tồn tại và mất đi trong mối quan hệ với các ngôn ngữ khác – hay nói cách khác sự tiến hóa của ngôn ngữ. Thứ hai, ngôn ngữ tương tác với môi trường (chính trị xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, lịch sử, nhân khẩu học...) – hay nói cách khác khía cạnh môi trường ngôn ngữ. Khía cạnh thứ ba là quan điểm cho rằng một số ngôn ngữ, tương tự như một số loài vật và môi trường, có thể bị đe dọa, đồng thời phong trào sinh thái học không chỉ nghiên cứu và mô tả những tổn thất tiềm ẩn đó mà còn chống lại chúng, điều mà tôi gọi là chủ đề về nguy cơ đe dọa ngôn ngữ.” Hult (2013: 1) giải thích rằng hệ sinh thái ngôn ngữ là định hướng mang tính ý niệm cho tư duy phản biện về đa ngữ, kêu gọi các nhà nghiên cứu tập trung vào mối quan hệ giữa các ngôn ngữ, mối quan hệ giữa các ngữ cảnh xã hội của ngôn ngữ, mối quan hệ giữa người nói với ngôn ngữ của họ cũng như siêu quan hệ giữa ba phương diện trên.
Hoạch định chính sách ngôn ngữ (Language planning)
Nếu muốn bảo tồn các ngôn ngữ trên thế giới thì cần có những sự can thiệp chính sách và chiến lược mang lại tác động tức thì. Hoạch định chính sách ngôn ngữ, đôi khi được gọi là quản lý hoặc kiến thiết ngôn ngữ (language engineering), đề cập đến “những nỗ lực có chủ đích nhằm tạo ra ảnh hưởng đến hành vi của người khác liên quan đến việc thu nhận, cấu trúc hoặc phân bổ chức năng các mã ngôn ngữ của họ” (Cooper, 1989: 45). Wiley (2015) lưu ý rằng định nghĩa của Cooper đã tách việc hoạch định chính sách ngôn ngữ khỏi cái nhìn hạn hẹp chỉ xoay quanh việc giải quyết “các vấn đề” ngôn ngữ. Wiley nói thêm rằng việc Cooper sử dụng từ tạo ảnh hưởng (influence) “cho thấy việc hoạch định chính sách không phải lúc nào cũng chính thức hoặc thậm chí rõ ràng, vì sự ảnh hưởng thường hoạt động như một khía cạnh kiểm soát tư tưởng, trong đó sự tuân thủ có thể đạt được thông qua ‘sự đồng ý’ thay vì ép buộc” (2015: 166).
Theo truyền thống, hoạch định chính sách ngôn ngữ liên quan đến ba quá trình tích hợp và phụ thuộc lẫn nhau (Wiley, 2015), bao gồm: (a) Kế hoạch phổ biến ngôn ngữ thiểu số (acquisition planning) (giúp ngôn ngữ lan rộng bằng cách gia tăng số lượng người nói và sử dụng), (b) Xác lập vị thế ngôn ngữ (status planning) (ví dụ như nâng cao vị thế của một ngôn ngữ trong xã hội qua nhiều tổ chức nhất có thể), và (c) Lập kho ngữ liệu (corpus planning) (ví dụ như hiện đại hóa thuật ngữ, chuẩn hóa ngữ pháp và chính tả). Các quá trình này cụ thể bao gồm:
(1) Kế hoạch phổ biến ngôn ngữ thiểu số là nền tảng của việc hoạch định chính sách ngôn ngữ. Trong quá khứ, kế hoạch phổ biến ngôn ngữ thiểu số chủ yếu tập trung vào việc phổ biến ngôn ngữ trong trường học. Hiện nay, người ta còn quan tâm đến vấn đề tái tạo ngôn ngữ trong gia đình. Việc truyền tải ngôn ngữ giữa các thế hệ – cha mẹ truyền (các) ngôn ngữ cho con – và việc học ngôn ngữ trong giáo dục song ngữ là nền tảng cần thiết nhưng chưa đủ để ngôn ngữ tiếp tục tồn tại và duy trì. Trong mọi cộng đồng ngôn ngữ thiểu số đều có những gia đình sử dụng ngôn ngữ đa số (ví dụ như tiếng Anh) để giao tiếp với con, có lẽ là với niềm tin rằng điều này sẽ mang lại những lợi ích về kinh tế, việc làm hoặc giáo dục. Cũng có thể ngôn ngữ đa số có mức ảnh hưởng cao đến mức khiến các phụ huynh đánh đồng ngôn ngữ thiểu số với sự nghèo đói hoặc yếu thế. Những thái độ như vậy có thể lập tức ảnh hưởng đến số phận của một ngôn ngữ. Sự thiếu sót của việc tái tạo ngôn ngữ trong gia đình này là nguyên nhân chính và trực tiếp dẫn tới sự dịch chuyển ngôn ngữ. Trong trường hợp này, một ngôn ngữ thiểu số có thể chết trong vòng hai hoặc ba thế hệ, trừ khi giáo dục song ngữ có thể tạo ra những người nói có các mục đích để sử dụng ngôn ngữ đó hằng ngày (ví dụ như trong các hoạt động kinh tế, xã hội, tôn giáo).
Do đó, một phần của kế hoạch phổ biến ngôn ngữ thiểu số là khuyến khích cha mẹ nuôi dạy con cái họ theo hướng song ngữ. Morris và Jones (2008) đã chú ý tới những biện pháp can thiệp cơ bản để thuyết phục cha mẹ sử dụng ngôn ngữ thiểu số với con ở xứ Basque, Wales, Ireland và Thụy Điển. Kế hoạch đó bao gồm việc các nữ hộ sinh, y tá và nhân viên y tế cung cấp cho những người mới làm cha mẹ thông tin về các lợi ích của việc nói song ngữ. Sự can thiệp này cố gắng dẫn dắt phụ huynh đưa ra lựa chọn có suy xét và hợp lý về những ngôn ngữ sử dụng trong gia đình, về giáo dục mầm non và hệ thống giáo dục song ngữ sau này. Chúng cũng cho thấy các phương tiện thông tin đại chúng có tác động mạnh mẽ trong quá trình hòa nhập xã hội của trẻ. Barron-Hauwaert (2011) đã chỉ ra tác động mạnh mẽ của anh chị em ruột với sự phát triển ngôn ngữ thiểu số trong gia đình. Khi các gia đình thiếu đi khả năng duy trì ngôn ngữ (language maintainance), giáo dục trở thành phương tiện chính để gia tăng số lượng người sử dụng ngôn ngữ. L. Hinton (2015) xác định một số hướng tiếp cận phục hồi ngôn ngữ dựa trên trường học, chẳng hạn như các lớp học ngôn ngữ, chương trình giáo dục song ngữ (bao gồm các chương trình hòa nhập, trường học hòa nhập và các tổ chức ngôn ngữ) cũng như các chương trình giáo dục dành cho người lớn.
(2) Xác lập vị thế ngôn ngữ là một hoạt động có bản chất chính trị, cố gắng đạt được nhiều sự công nhận, tạo ra nhiều chức năng và khả năng cho một ngôn ngữ. Bằng cách duy trì việc sử dụng một ngôn ngữ trong các bối cảnh cụ thể và đôi khi lan sang các bối cảnh mới, ngôn ngữ đó có thể được an toàn và hồi sinh (ví dụ như sử dụng chính thức tại các tòa án, chính quyền địa phương và trung ương, giáo dục, phương tiện thông tin đại chúng cùng nhiều tổ chức công, tư và tình nguyện nhất có thể). Xác lập vị thế ngôn ngữ cố gắng bảo tồn, phục hồi hoặc truyền bá một ngôn ngữ thông qua luật pháp, quyền hạn (xem Chương 17) và Hiến pháp, cũng như bằng cách thuyết phục và tiền lệ. Ví dụ, tại xứ Basque (Tây Ban Nha), Canada, Catalan (Tây Ban Nha), Ireland, Scotland, Singapore, Nam Phi, Thụy Sĩ và Wales có nghị viện (cơ quan lập pháp) song ngữ hoặc đa ngữ. Các nghị viện như vậy giúp các ngôn ngữ thiểu số trở nên có uy tín và giá trị. Quá trình hiện đại hóa thường được đặc biệt chú trọng để đảm bảo các ngôn ngữ được sử dụng trong các lĩnh vực hiện đại, có ảnh hưởng như trên truyền hình, đài phát thanh, phim ảnh, quảng cáo, báo và tạp chí, máy vi tính, điện thoại thông minh và Internet, cũng như trong các khía cạnh văn hóa đại chúng như nhạc reggae và hiphop (Moriarty, 2015).
Xác lập vị thế ngôn ngữ xuất hiện trong nhiều chính sách khác nhau: các phong trào chính trị cố gắng tìm kiếm sự công nhận hoặc vị thế chính thức cho một ngôn ngữ (bao gồm cả các ngôn ngữ thiểu số như Māori và Wales, cùng các ngôn ngữ đa số như tiếng Anh ở Hoa Kỳ), cũng như các phong trào tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc tìm cách hồi sinh một ngôn ngữ, chẳng hạn như tiếng Hebrew ở Israel. Tuy nhiên, trong khi các cá nhân có thể bị ảnh hưởng bởi những thay đổi liên quan đến vị thế của một ngôn ngữ, những hành động như vậy lại không bảo đảm việc một ngôn ngữ sẽ được duy trì. Để tạo ra sự thay đổi với một ngôn ngữ, xác lập vị thế ngôn ngữ phải tác động đến việc sử dụng ngôn ngữ trong đời sống hằng ngày, ví dụ như trong nhà và trên phố, trong các mối quan hệ gia đình và công việc, chứ không chỉ trong các trường hợp giao tiếp chính thức. Do đó, việc tạo lập các cơ hội sử dụng ngôn ngữ thiểu số hằng ngày là điều cần thiết. Cầu phải có trước thì cung mới theo sau. Ngoài ra, lựa chọn về ngôn ngữ của mọi người có thể bị chi phối bởi nhận thức về “thị trường”, một điều không dễ bị ảnh hưởng và cũng không hợp lý (giống như những biện pháp can thiệp hợp lý trong việc hoạch định chính sách ngôn ngữ).
(3) Lập kho ngữ liệu là một phần quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách ngôn ngữ ở cả nơi ngôn ngữ còn bấp bênh và nơi chúng đang trỗi dậy. Nhiều ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng vẫn được nói nhưng lại thiếu hệ thống chữ viết và/hoặc theo truyền thống hầu như chỉ được truyền miệng. Do đó, việc lập kho ngữ liệu là cần thiết để có thể phát triển hệ thống chính tả, ghi lại âm thanh bằng các ký hiệu, từ đó tạo ra hệ thống chữ viết cho một ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng (Lüpke, 2015). Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm cung cấp một hệ thống chữ viết tiêu chuẩn để sử dụng cho giáo dục song ngữ và các chương trình giáo dục phục hồi ngôn ngữ khác thực sự có thể dẫn đến một hình thức lý tưởng hóa nhân tạo chỉ dựa trên một loại ngôn ngữ và có thể gây hại nhiều hơn tới các ngôn ngữ truyền thống đích thực. Weber và Horner (2012) cho rằng điều này đúng với những nỗ lực ghi lại ngôn ngữ Breton ở Pháp. Ở Campuchia, những cố gắng nhằm giải quyết vấn đề ưu tiên lựa chọn một phương ngữ hơn các phương ngữ khác trong quá trình xây dựng bộ quy tắc chính tả cho ngôn ngữ Tampuen bản địa đã phần nào được giải quyết nhờ sự ra đời của Ủy ban Ngôn ngữ Tampuen, với thành phần bao gồm những người nói đại diện cho các phương ngữ khác nhau. Ủy ban này cũng xem xét và phê duyệt sách vở và các tài liệu khác được sử dụng trong các chương trình giáo dục song ngữ.
Tất cả các ngôn ngữ, bao gồm cả đa số và thiểu số, đều phải trải qua quá trình hiện đại hóa vốn từ vựng. Khoa học cùng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là hai ví dụ về các lĩnh vực tạo ra và phổ biến các thuật ngữ chuẩn hóa. Một giải pháp thay thế là việc sử dụng ngày càng nhiều “từ mượn”. Trường học, sách báo, tạp chí, truyền hình, phim ảnh, radio, Internet và phương tiện truyền thông xã hội đều góp phần chuẩn hóa một ngôn ngữ, do đó các khái niệm mới cần có một thuật ngữ thống nhất. Tiếng Catalan, Basque, Wales và Ireland là các nhóm ngôn ngữ đã chính thức tham gia vào việc lập kho ngữ liệu thông qua các sáng kiến do trung ương tài trợ. Một ví dụ khác là Pháp, nơi mà kể từ khi thành lập trung tâm Pháp ngữ đã cố gắng duy trì sự thuần khiết của tiếng Pháp và ngăn chặn ảnh hưởng của tiếng Anh. Dù việc lập kho ngữ liệu hướng tới mục tiêu tiêu chuẩn hóa và bình thường hóa, vẫn tồn tại nguy cơ những người tuyên bố nói một phương ngữ tiêu chuẩn hơn sẽ có nhiều “quyền lực” hơn, còn những người nói các biến thể và phương ngữ không chuẩn sẽ được xem là có địa vị thấp kém hơn.
Thực tế tại Wales đã cho thấy lợi ích của việc xem xét tiêu chí thứ tư: việc sử dụng hoặc cơ hội lập kho ngữ liệu (xem Khung 3.3). Điều này đề cập đến các sáng kiến lập kho ngữ liệu từ trên xuống (top-down) và từ dưới lên (bottom-up) nhằm trực tiếp tăng cường việc tích hợp tiếng Wales và vốn văn hóa liên quan vào các lĩnh vực như giải trí, thể thao và kỹ thuật, từ đó thúc đẩy giao lưu và tương tác xã hội bằng tiếng Wales, cũng như tăng cường sử dụng tiếng Wales như một công cụ chức năng trong nền kinh tế, ví dụ như ở nơi làm việc, nghề nghiệp và giáo dục (C. Baker, 2008). McCarty (2013) chỉ ra rằng những nỗ lực nhằm hồi sinh các ngôn ngữ bản địa ở Hoa Kỳ có thể đạt được thành công trong việc hoạch định chính sách ngôn ngữ cho người dân thông qua sự tham gia của cộng đồng, những mối liên kết giữa phụ huynh và xã hội, xác nhận mối liên hệ giữa ngôn ngữ và mảnh đất của cha ông, thành lập mạng lưới tư vấn giữa “những người nói thành thạo” và người mới học ngôn ngữ, và cuối cùng là việc giáo dục ngôn ngữ di sản (heritage language).
Khung 3.3: Hoạch định chính sách ngôn ngữ: chiến lược ở Wales
KẾ HOẠCH PHỔ BIẾN NGÔN NGỮ THIỂU SỐ
1. Tái tạo ngôn ngữ gia đình
2. Giáo dục song ngữ – từ mầm non đến đại học
3. Học ngôn ngữ dành cho người lớn
XÁC LẬP VỊ THẾ XÃ HỘI
1. Thể chế hóa (ví dụ như sử dụng trong các tổ chức cùng cơ quan ở cả cấp địa phương và quốc gia)
2. Hiện đại hóa (ví dụ như sử dụng trên ti vi, Internet)
KHO NGỮ LIỆU
1. Chuẩn hóa ngôn ngữ (ví dụ như bằng từ điển, trường học, ti vi)
2. Ngôn ngữ đại chúng nguyên bản (rõ ràng hoặc thuần túy tiếng Wales)
SỬ DỤNG/CƠ HỘI – CÁ NHÂN
1. Kinh tế, nơi làm việc (công cụ)
2. Văn hóa, giải trí, thể thao, xã hội, tôn giáo, mạng xã hội (tích hợp)
Tuy nhiên, quá trình hoạch định chính sách như vậy mang tính liên kết. Những gì xảy ra trong gia đình đều bị ảnh hưởng bởi các chính sách của chính phủ và ngược lại. Việc phổ biến một ngôn ngữ sang những bối cảnh sử dụng có vị thế cao hơn vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của việc gia tăng khả năng truyền tải ngôn ngữ giữa các thế hệ (ví dụ như việc sử dụng một ngôn ngữ thiểu số trong công việc).
Chúng ta có thể xác lập vị thế ngôn ngữ, lập kho ngữ liệu và phổ biến ngôn ngữ thiểu số mà không gây ảnh hưởng đến việc sử dụng ngôn ngữ hằng ngày. Để đạt được mục tiêu này một cách hiệu quả, việc hoạch định chính sách ngôn ngữ phải tác động đến đời sống ngôn ngữ của cá nhân. Ngôn ngữ thoái trào khi số lượng người nói và mức độ sử dụng hằng ngày giảm đi. Do đó, quá trình hoạch định chính sách ngôn ngữ phải chú trọng đến đời sống hằng ngày, ví dụ như việc sử dụng ngôn ngữ trong gia đình, trên đường phố, ở trường học, giữa cộng đồng, tại nơi làm việc và trong các hoạt động giải trí. Ở Wales, việc hoạch định chính sách ngôn ngữ liên quan đến các giải pháp tác động vào nền kinh tế để những người nói ngôn ngữ thiểu số có thể sử dụng tiếng Wales trong công việc (C.H. Williams, 2014). Một người Wales tuyên bố, “Không có nền kinh tế địa phương, không có cộng đồng; không có cộng đồng, không có ngôn ngữ.” Việc hoạch định chính sách ngôn ngữ như vậy cũng bao gồm việc hướng đến các tổ chức văn hóa, giải trí, xã hội và cộng đồng chính của địa phương, nơi những người nói ngôn ngữ thiểu số sử dụng ngôn ngữ của họ, đồng thời hình thành các mối quan hệ và mạng lưới sử dụng ngôn ngữ đó. Việc hoạch định chính sách ngôn ngữ cũng cần trao quyền trực tiếp cho các cộng đồng địa phương, tạo điều kiện để đưa ngôn ngữ thiểu số vào quá trình giao tiếp hằng ngày. Việc tạo điều kiện cho thanh thiếu niên sử dụng ngôn ngữ thiểu số là đặc biệt quan trọng, vì các em sẽ là thế hệ cha mẹ tiếp theo, do đó số phận của ngôn ngữ thiểu số phần nào sẽ do các em gánh vác.
Tuy nhiên, ngay cả những chính sách phát triển ngôn ngữ tiên tiến và năng động nhất cũng có thể là không đủ để cứu một ngôn ngữ thiểu số đang bị đe dọa (xem Khung 3.4). Quá trình hoạch định chính sách ngôn ngữ có thể cố gắng thuyết phục phụ huynh và người nói, nhưng nó không thể kiểm soát. Việc lập kế hoạch để suy giảm vị trí thống trị của tiếng Anh hoặc kiểm soát sự lan tỏa của nó trên các bối cảnh sử dụng và lãnh thổ khác là điều gần như không thể. Hoạch định chính sách ngôn ngữ cũng phải là một phần của các quá trình hoạch định chính sách kinh tế, xã hội và chính trị rộng lớn hơn, đồng thời nhạy cảm với những khác biệt và truyền thống mang tính khu vực.
Cooper (1989: 98) đã đề xuất một sơ đồ kinh điển để hiểu về quá trình hoạch định chính sách ngôn ngữ bằng cách đặt ra một chuỗi câu hỏi then chốt:
• ai là người hành động (which actors) (ví dụ như giới tinh hoa, những người có sức ảnh hưởng, những người đối lập với giới tinh hoa, những người thực hiện chính sách phi tinh hoa)
• cố gắng tác động đến những hành vi nào (attempt to influence which behaviors) (ví dụ như các mục đích hoặc chức năng mà ngôn ngữ sẽ được sử dụng)
• của những ai (of which people) (ví dụ như cá nhân hoặc tổ chức nào)
• vì những mục đích gì (for what ends) (ví dụ như công khai [hành vi liên quan đến ngôn ngữ] hoặc tiềm ẩn [các hành vi phi ngôn ngữ liên quan, sự thỏa mãn lợi ích])
• dưới những điều kiện nào (under what conditions) (ví dụ như chính trị, kinh tế, xã hội, nhân khẩu học, sinh thái, văn hóa)
• bằng phương tiện gì (by what means) (ví dụ như quyền lực, vũ lực, thăng tiến, thuyết phục)
• thông qua các quy trình và phương tiện ra quyết định nào (through what decision-making processes and means)
• với những tác động hoặc kết quả nào (with what effect or outcome)
Bộ câu hỏi này tương đối toàn diện và cho thấy quá trình hoạch định chính sách có thể được tạo ra bởi các nhóm khác nhau. Ví dụ, các nhà thơ, nhà ngôn ngữ học, nhà từ điển học, nhà truyền giáo, quân nhân cũng như các nhà điều hành, nhà lập pháp và chính trị gia đều có thể tham gia vào việc hoạch định chính sách ngôn ngữ. Tuy nhiên, như Cooper đã chỉ ra, việc hoạch định chính sách ngôn ngữ sẽ có khả năng thành công cao hơn khi nó được giới tinh hoa hoặc những nhóm đối lập đón nhận hoặc thúc đẩy. Giới tinh hoa thường chỉ hành động dựa trên lợi ích và mối quan tâm cá nhân. Do đó, quá trình hoạch định chính sách ngôn ngữ thường được thúc đẩy bởi những nỗ lực nhằm đảm bảo hoặc củng cố lợi ích của những đối tượng cụ thể. Sau khi xem xét những căng thẳng và xung đột nảy sinh giữa các viện nghiên cứu ngôn ngữ hoạt động trong lĩnh vực chính sách ở Nam Phi, Makoni và Makoni (2015) đã kết luận rằng đôi khi “quá nhiều đầu bếp sẽ làm hỏng nồi nước dùng” (trang 552). Tuy nhiên, quá trình hoạch định chính sách ngôn ngữ có thể ảnh hưởng tích cực đến quần chúng bằng cách bồi đắp thêm bản sắc cá nhân, lòng tự tôn và kết nối xã hội của họ, đồng thời mang lại thêm cơ hội việc làm và phát triển kinh tế.
Quá trình hoạch định chính sách ngôn ngữ có nguy cơ nhấn mạnh quá mức tầm quan trọng của nó trong việc hoạch định chính sách chính trị tổng thể. Hoạch định chính sách ngôn ngữ hiếm khi được chính phủ ưu tiên ở vị trí cao. Lý do thứ nhất là bởi nó thường thay đổi theo tình hình thực tế hơn là được lên kế hoạch từ đầu. Sự phục hưng của tiếng Hebrew thường được coi là một ví dụ cho sự chiến thắng và thành công về việc hoạch định chính sách ngôn ngữ. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của tiếng Hebrew ở Israel có vẻ là kết quả của sự ứng biến và những hoạt động có tính rủi ro cao hơn là quá trình hoạch định chính sách ngôn ngữ bài bản, hệ thống và theo trình tự cẩn thận (Weber & Horner, 2012).
Thứ hai, các quyết định mang tính chính trị và kinh tế thường chi phối các quyết định về ngôn ngữ. Các quyết định liên quan tới ngôn ngữ thường ít được chính phủ quan tâm, vì sự chú ý của họ thường dành cho các vấn đề quyền lực và ngân sách. Ngôn ngữ thường là kết quả của các quyết định khác chứ không phải là yếu tố quyết định đến các chính sách xã hội, chính trị hoặc kinh tế. Tuy nhiên, như Ủy ban châu Âu đã nhấn mạnh, nhu cầu về song ngữ và đa ngữ trong khu vực liên quan đến sự phát triển văn hóa và kinh tế châu Âu, cũng như sự ổn định và bình đẳng trong xã hội. Song ngữ là một phần của nền chính trị đa liên kết trên khắp thế giới. Thứ ba, quá trình hoạch định chính sách ngôn ngữ phụ thuộc vào việc chiếm được khối óc và trái tim của đối tượng (ví dụ như của các bậc phụ huynh). Việc hoạch định từ trên xuống của chính phủ không mang tính kiểm soát, mà chỉ cố gắng tạo ảnh hưởng. Đó là lý do chúng ta cũng cần hoạch định chính sách ngôn ngữ từ dưới lên. C.H. Williams (2014) đã nói về những cố gắng suốt nhiều năm để hồi sinh tiếng Wales như sau:
Nếu ví dụ về sự hồi sinh tiếng Wales có dạy chúng ta điều gì, thì đó là hành động ngoan cường của tập thể phải được khuyến khích trước khi chính sách ngôn ngữ của chính phủ phản hồi lại. Nhưng ngay cả khi có sự phản hồi từ chính phủ, sự tham gia của cộng đồng vẫn cần được duy trì, vì vẫn tồn tại nguy cơ đánh mất phương hướng và động lực lâu dài (trang 268).
Khung 3.4: Kinh nghiệm của Littlebear về sự thất bại trong việc hoạch định chính sách ngôn ngữ cho các ngôn ngữ bản địa tại Mỹ
Việc hoạch định chính sách ngôn ngữ thường được tiến hành bằng cách thử-sai, thay vì bằng những biện pháp ưu tiên đã được đánh giá kỹ lưỡng. Danh sách dài dằng dặc của Richard Littlebear (1996: 1) về những biện pháp thất bại trong việc hoạch định chính sách cho các ngôn ngữ thổ dân Mỹ sẽ giúp chúng ta thấy được điều này:
Việc liên tục thất bại có lẽ đã khiến chúng ta bám lấy bất cứ thứ gì có vẻ sẽ giúp bảo tồn tiếng nói của chúng ta. Kết quả là giờ chúng ta có một danh sách dài về điều từng được xem là thứ duy nhất sẽ lưu lại các ngôn ngữ đó. Thứ duy nhất ấy lại thường bị thay thế nhanh chóng bởi một thứ khác.
Ví dụ, một số người trong chúng ta đã nói, “Hãy biến ngôn ngữ thành dạng viết” và chúng ta đã làm vậy, thế rồi các ngôn ngữ bản địa Mỹ vẫn tiếp tục mất đi.
Sau đó, chúng ta nói, “Hãy làm từ điển ngôn ngữ” và chúng ta đã làm vậy, thế rồi các ngôn ngữ ấy vẫn tiếp tục mất đi.
Sau đó, chúng ta nói, “Hãy đào tạo các nhà ngôn ngữ học bằng ngôn ngữ này” và chúng ta đã làm vậy, thế rồi các ngôn ngữ ấy vẫn tiếp tục mất đi.
Sau đó, chúng ta nói, “Hãy đào tạo những người nói ngôn ngữ này trở thành nhà ngôn ngữ học” và chúng ta đã làm vậy, thế rồi các ngôn ngữ ấy vẫn tiếp tục mất đi.
Sau đó, chúng ta nói, “Hãy nộp đơn xin trợ cấp giáo dục song ngữ cho chính phủ” và chúng ta đã làm vậy rồi nhận được một khoản trợ cấp, thế rồi các ngôn ngữ ấy vẫn tiếp tục mất đi.
Sau đó, chúng ta nói, “Hãy để trường học dạy ngôn ngữ này” và chúng ta đã làm vậy, thế rồi các ngôn ngữ ấy vẫn tiếp tục mất đi.
Sau đó, chúng ta nói, “Hãy phát triển các tài liệu phù hợp với bối cảnh văn hóa” và chúng ta đã làm vậy, thế rồi các ngôn ngữ ấy vẫn tiếp tục mất đi.
Sau đó, chúng ta nói, “Hãy để các chuyên gia về ngôn ngữ giảng dạy tiếng nói của chúng ta” và chúng ta đã làm vậy, thế rồi các ngôn ngữ ấy vẫn tiếp tục mất đi.
Sau đó, chúng ta nói, “Hãy ghi âm lại lời nói của những bậc cao niên” và chúng ta đã làm vậy, thế rồi các ngôn ngữ ấy vẫn tiếp tục mất đi.
Sau đó, chúng ta nói, “Hãy ghi hình những người lớn tuổi nói và hành xử trong các hoạt động văn hóa” và chúng ta đã làm vậy, thế rồi các ngôn ngữ ấy vẫn tiếp tục mất đi.
Sau đó, chúng ta nói, “Hãy ghi lại tiếng mẹ đẻ của chúng ta vào CD-ROM” và chúng ta đã làm vậy, thế rồi các ngôn ngữ ấy vẫn tiếp tục mất đi.
Chúng ta đã nghĩ điều nào trong danh sách này cũng sẽ là thứ giúp cứu rỗi các ngôn ngữ của chúng ta – và chúng chẳng hề làm được điều đó.
Menken và García (2010) cho rằng giáo viên đóng một vai trò quan trọng trong việc trở thành những người đề xuất và hoạch định chính sách ngôn ngữ trong lớp cũng như tại trường học. Giáo viên là những hình mẫu có đủ thẩm quyền, những người có thể tác động tới cả sự đồng hóa (ví dụ như khi họ chỉ sử dụng một ngôn ngữ đa số trong lớp học) lẫn tính bền vững của ngôn ngữ (ví dụ như khi họ sử dụng ngôn ngữ thiểu số trong lớp học). Khi kế hoạch và chính sách ngôn ngữ từ trên xuống được áp dụng vào lớp học, giáo viên phải thấu hiểu, thảo luận và thực thi chính sách. Do đó, giáo viên thường kiểm soát việc thế nào là ngôn ngữ chuẩn mực và phương pháp giao tiếp mang tính giáo dục, từ đó cho phép song ngữ hoặc đơn ngữ phát triển mạnh mẽ.
Phổ biến ngôn ngữ thiểu số, xác lập vị thế ngôn ngữ, lập kho ngữ liệu và hoạch định chính sách ngôn ngữ không thể chỉ tập trung vào các ngôn ngữ thiểu số, mà cũng cần hướng tới song ngữ. Chủ nghĩa đơn ngữ dân tộc thiểu số thường không khả thi và tạo ra sự bất lợi cho các cá nhân (ví dụ như trong việc tuyển dụng). Tại những khu vực nơi các ngôn ngữ thiểu số tồn tại, người ta thường cần đến song ngữ, nếu không muốn nói là đa ngữ. Việc áp dụng cách tiếp cận “chủ nghĩa đơn ngữ” với một ngôn ngữ và văn hóa thiểu số có thể tương đương với cái chết của ngôn ngữ. Do đó, hoạch định chính sách ngôn ngữ tập trung vào song ngữ có thể là chìa khóa cho sự tồn tại của một ngôn ngữ thiểu số.
Sự hồi sinh ngôn ngữ
Theo C.H. Williams (2014), sự hồi sinh ngôn ngữ là một nỗ lực để chống lại các yếu tố cũng như xu hướng dẫn đến sự suy giảm trong việc học và sử dụng một ngôn ngữ. Ông mô tả sự hồi sinh ngôn ngữ là “một quá trình đôi khi bí ẩn và thường có những nét đặc trưng, luôn bao gồm sự đấu tranh, hy sinh và căng thẳng”, và cuối cùng là “một nỗ lực có chủ ý để thay đổi suy nghĩ, giá trị, thái độ và hành vi” (trang 242). UNESCO đã xác định chín yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự hồi sinh ngôn ngữ (xem Khung 3.5).
Khung 3.5: Chín yếu tố ảnh hưởng đến sự hồi sinh ngôn ngữ của UNESCO
1. Sự trao truyền ngôn ngữ giữa các thế hệ
2. Số lượng người nói tuyệt đối
3. Tỷ lệ người nói trong tổng dân số
4. Sự chuyển dịch trong các bối cảnh sử dụng ngôn ngữ
5. Phản hồi với các bối cảnh và phương tiện sử dụng ngôn ngữ mới
6. Mức độ sẵn có của tài liệu để giáo dục ngôn ngữ và đọc viết
7. Thái độ cùng chính sách ngôn ngữ của chính phủ và thể chế, bao gồm cả vị thế và việc sử dụng chính thức
8. Thái độ của các thành viên trong cộng đồng với ngôn ngữ
9. Số lượng và chất lượng của tài liệu
Nguồn: http://www.unesco.org/new/en/culture/themes/endangered- languages/faq-on-endangered-languages/
Chúng ta cần xét đến yếu tố lịch sử và xã hội để hiểu được các mô hình tương tác liên quan đến sự hồi sinh ngôn ngữ. C.H. Williams (2000) gợi ý rằng việc hồi sinh ngôn ngữ thiểu số thường bao gồm năm giai đoạn: (a) ý tưởng – idealism (ví dụ như xây dựng tầm nhìn về sự phục hưng ngôn ngữ); (b) biểu tình – protest (ví dụ như vận động mọi người thay đổi việc sử dụng hoặc tình trạng của một ngôn ngữ thiểu số); (c) tính hợp pháp (ví dụ như giành được các quyền liên quan tới ngôn ngữ với một ngôn ngữ thiểu số, giúp đảm bảo sự tồn tại và nâng cao vị thế của ngôn ngữ đó); (d) thể chế hóa (ví dụ như đảm bảo sự hiện diện của ngôn ngữ đó trong các cơ quan quan trọng của nhà nước, chẳng hạn như trong bộ máy hành chính công, luật pháp, giáo dục, việc làm và hoạt động thương mại); và (e) song song đồng thời (ví dụ như mở rộng ngôn ngữ thiểu số tới nhiều lĩnh vực xã hội nhất có thể, chẳng hạn như thể thao, truyền thông, giải trí, dịch vụ công cộng, khu vực tư nhân). C.H. Williams (2014) cũng xác định bốn trụ cột của sự hồi sinh ngôn ngữ: (a) chính sách ngôn ngữ và phát triển luật pháp-xã hội; (b) giáo dục chính khóa; (c) gia đình; và (d) đời sống cộng đồng.
Hồi sinh ngôn ngữ có thể được áp dụng cả với những ngôn ngữ được coi là đã “chết” hoặc “tuyệt chủng” – những ngôn ngữ đã không được nói trong nhiều thế hệ (Hinton & Hale, 2001). Ví dụ về việc “bắt đầu lại”, “phục sinh” và “khôi phục” các ngôn ngữ của người bản địa ở Bắc Mỹ bao gồm Wôpanâak và Miami/Myaamia (Leonard, 2008; McCarty, 2013; xem Chương 4 để thấy ví dụ về Manx Gaelic ở Vương quốc Anh). Tiềm năng phục hưng đã khiến nhiều học giả và nhà phục hưng thường xuyên nói về ngôn ngữ ngủ đông hoặc “ngôn ngữ say ngủ”, điều mà Ghil’ad Zuckerman gọi là “người đẹp ngủ trong rừng” (Zuckerman & Monaghan, 2012).
Chúng ta cũng phải nhận ra rằng trong hệ sinh thái ngôn ngữ, sự hồi sinh của một ngôn ngữ có thể dẫn đến sự suy giảm của các ngôn ngữ khác trong khu vực. Ví dụ, Weber và Horner (2012) lưu ý rằng các nỗ lực phục hồi tiếng Hebrew ở Israel đã gây hại cho các ngôn ngữ khác, ví dụ như tiếng Ả Rập và các ngôn ngữ của người Do Thái như Yiddish và Ladino. Shohamy (2008) đã phân tích các tài liệu lịch sử về giai đoạn hồi sinh của tiếng Hebrew và nhận thấy hầu hết các chính sách đều không chỉ loại bỏ sự đa dạng ngôn ngữ, mà còn vi phạm các quyền cơ bản của con người. Trích lời Shohamy, “Mục tiêu hồi sinh tiếng Hebrew quan trọng đến mức mọi phương pháp đều hợp lý, không hỏi gì thêm nữa” (2008: 215). Tại Canada, châu Âu, Campuchia và các quốc gia khác, những nỗ lực nhằm khôi phục các ngôn ngữ bản địa đã không được được thực hiện do còn phải cân nhắc đến ngôn ngữ của người nhập cư.
Một lý thuyết về sự đảo ngược ngôn ngữ
Trong những năm đầu thập niên 1990, Joshua Fishman (2001) bắt đầu hoàn thiện các lý thuyết quan trọng của mình dựa trên nhiều năm nghiên cứu và suy ngẫm về sự đảo ngược của quá trình dịch chuyển ngôn ngữ (tìm hiểu thêm về tuyển tập tác phẩm của Fishman tại O. García, Peltz & Schiffman, 2006; Hornberger & Pütz, 2006). Fishman đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi, “Đâu là những ưu tiên trong việc hoạch định chính sách dịch chuyển ngôn ngữ?” Ví dụ, tại sao phải đổ tiền để các phương tiện thông tin đại chúng và bộ máy hành chính song ngữ sử dụng ngôn ngữ thiểu số, trong khi chính các gia đình, khu phố và cộng đồng lại hiếm khi sử dụng nó? Nó giống như việc thổi khí vào một quả bóng bị thủng vậy.
Triết lý cơ bản của Fishman là đạt được công bằng xã hội và ủng hộ sự đa nguyên cũng như quyền tự quyết về văn hóa. Sự phá hủy các ngôn ngữ thiểu số đồng nghĩa với sự phá hủy tình thân, gia đình và cộng đồng, thường liên quan đến sự áp bức của kẻ mạnh với kẻ yếu, sự khuất phục của cái độc đáo và truyền thống trước sự đồng nhất và tập trung. Vì vậy, Fishman đã lập luận về sự tự cường, tự giúp đỡ, tự điều chỉnh của văn hóa xã hội và sáng kiến giữa các cộng đồng ngôn ngữ.
Fishman cũng lập luận rằng sự đảo ngược ngôn ngữ không chỉ xuất phát từ các vấn đề xã hội, mà còn từ động cơ cá nhân. Có nhiều người tin rằng việc đảo ngược quá trình dịch chuyển ngôn ngữ chỉ thuần túy là sự tích lũy quyền lực và tiền bạc của một nhóm ngôn ngữ thiểu số. Quan điểm này là một sự đơn giản hóa và sai lầm. Fishman lập luận rằng các giá trị, tình cảm, lòng trung thành và triết lý sống cơ bản của con người đã góp phần hình thành những lý do phức tạp dẫn đến sự thay đổi ngôn ngữ. Các nhà hoạt động ngôn ngữ thường có lý tưởng, cam kết và thậm chí là cả lòng vị tha, khiến động cơ của họ không chỉ là quyền lực và tiền bạc. Để có thể tồn tại vững vàng, các ngôn ngữ và văn hóa thiểu số đôi khi có thể trở nên phi lý hoặc siêu hợp lý. Điều này tương tự như tôn giáo, tình yêu, nghệ thuật và âm nhạc, nơi những yếu tố cá nhân vượt lên trên lý trí chủ động, từ đó vượt ra ngoài tư lợi về quyền lực và tiền bạc.
Các bước đảo ngược sự dịch chuyển ngôn ngữ
Fishman bắt đầu xuất bản một cách có hệ thống Thang đo Vị trí giữa các Thế hệ được Phân loại (Graded Intergenerational Dislocation Scale – GIDS) vào đầu những năm 1990 để giúp mọi người hiểu về quá trình hoạch định chính sách ngôn ngữ và cố gắng đảo ngược ngôn ngữ từ quan điểm quốc tế với tất cả các ngôn ngữ thiểu số. Bảng 3.2 cung cấp phiên bản mới nhất, lần đầu xuất hiện trong Fishman (2001) và mới được tái bản trong bản Fishman (2013). Điều này cho thấy nó vẫn là một thang đo rất có sức ảnh hưởng. Tương tự như thang đo cường độ động đất Richter, thang đo của Fishman giúp chúng ta đánh giá được một ngôn ngữ thiểu số đang bị đe dọa và gián đoạn theo quy chuẩn quốc tế. Con số trên thang đo càng cao thì ngôn ngữ đó (được gọi là “Xish”) càng bị đe dọa bởi ngôn ngữ chiếm đa số (gọi là “Yish”). Việc cố gắng thực hiện các giai đoạn sau sẽ mang lại rất ít hiệu quả nếu các giai đoạn trước đó không đạt được ít nhất một phần mục tiêu đã định trước. Nền tảng cần được bồi đắp kỹ càng trước khi xây dựng lên các tầng cao hơn. Giá trị của thang đo nằm ở việc nó ưu tiên các hành động quan trọng để đảo ngược các ngôn ngữ đang suy thoái. Tám giai đoạn được tóm tắt ngắn gọn ở bảng 3.2.
Bảng 3.2: Hướng tới lý thuyết đảo ngược sự dịch chuyển ngôn ngữ: các giai đoạn của sự đảo ngược sự dịch chuyển ngôn ngữ và mức độ nghiêm trọng của sự chênh lệch giữa các thế hệ (đọc từ dưới lên)
1. Bối cảnh giáo dục, việc làm, phương tiện thông tin đại chúng và (hầu hết) hoạt động của chính phủ nói Xish được khảo sát ở cấp độ cao nhất (trên toàn quốc). |
2. Các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương/vùng và (hầu hết) các dịch vụ chính phủ nói Xish. |
3. Bối cảnh làm việc tại địa phương/vùng (ví dụ như các khu vực lân cận), giữa cả người nói Xish và Yish. |
4b. Các trường công lập dành cho trẻ em nói Xish được khảo sát, cung cấp một số chỉ dẫn về Xish, nhưng về cơ bản được kiểm soát bởi giáo trình và nhân sự nói Yish. |
4a. Trường học thay thế cho giáo dục bắt buộc và về cơ bản nằm dưới sự kiểm soát về giáo trình và nhân sự của người nói Xish. |
B. Nỗ lực RLS để vượt qua giới hạn của song ngữ xã hội, sau khi đạt được nó? |
5. Các trường dạy Xish cho người cao tuổi và/hoặc thanh niên, và không thay thế cho giáo dục bắt buộc. |
6. Tổ chức các nỗ lực mang tính tập trung giữa gia đình-khu phố về mặt nhân khẩu và kết nối giữa các thế hệ: cơ sở việc trao truyền Xish như tiếng mẹ đẻ. |
7. Tương tác văn hóa ở Xish chủ yếu liên quan đến thế hệ người cao tuổi sống dựa vào cộng đồng (ngoài độ tuổi sinh nở). |
8. Quá trình tái tạo Xish và tri nhận XLS của người trưởng thành. |
A. RLS để đạt tới song ngữ xã hội (giả sử đã làm rõ ý thức hệ từ trước)? |
Nguồn: (Fishman, 2013)
Hạn chế và phản biện
Dù Fishman đã cẩn thận chỉ ra rằng một giai đoạn không nhất thiết phụ thuộc vào một giai đoạn trước đó, vẫn tồn tại những sự ưu tiên. Các giai đoạn nâng cao hơn thường không thể được bảo đảm trừ khi các giai đoạn cơ bản đã được xây dựng hoặc sửa chữa trước. Việc phát triển theo mọi hướng sẽ rất nguy hiểm. Cố gắng giành chiến thắng trong các trận chiến riêng lẻ mà không có chiến lược cho cả cuộc chiến sẽ không mang lại thành công. Cũng thật nguy hiểm khi chỉ làm việc vì những thắng lợi hữu hình, dễ được chú ý và dễ nhận ra. Thay đổi ngôn ngữ trên các biển chỉ đường, biểu mẫu thuế cũng như đưa ngôn ngữ thiểu số xuất hiện trên truyền hình là những cuộc chiến đã diễn ra và giành chiến thắng ở một số vùng nói ngôn ngữ thiểu số. Việc hỗ trợ cũng như khuyến khích ngôn ngữ thiểu số trở thành phương tiện giao tiếp hằng ngày của gia đình và cộng đồng là một nhiệm vụ khó khăn nhưng quan trọng hơn. Với Fishman, tiếng nói đời thường và thân thuộc được tái tạo qua nhiều thế hệ là trục xoay cuối cùng của sự dịch chuyển ngôn ngữ.
Fishman (2013) đặc biệt cẩn trọng khi nói về tác động của giáo dục song ngữ trong việc đảo ngược sự dịch chuyển ngôn ngữ. Có niềm tin cho rằng nếu ngôn ngữ thiểu số không thể được trao truyền trong gia đình, đã có nhà trường ở đó để thực hiện công việc này. Nếu phụ huynh không nuôi dạy con em mình bằng ngôn ngữ thiểu số, người ta kỳ vọng nhà trường sẽ làm thay điều này. Trường học có thể bắt đầu giảng dạy ngôn ngữ thiểu số như ngôn ngữ thứ hai. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng sẽ tiếp tục sử dụng ngôn ngữ đã học được ở trường trong suốt cuộc đời, kể cả trong việc nuôi dạy con cái của chính các em. Ngay cả khi một đứa trẻ học được các kỹ năng đọc và viết ngôn ngữ thiểu số ở trường, nếu không có sự hỗ trợ đáng kể của cộng đồng và nền kinh tế bên ngoài trường học, ngôn ngữ đó có thể dần trở nên khô kiệt. Ngôn ngữ thứ hai học được trên lớp có thể chỉ được sử dụng ở trường.
Để ngôn ngữ đó tiếp tục được duy trì, một người cần trở nên gắn bó với mạng lưới xã hội sử dụng ngôn ngữ thiểu số trong và đặc biệt là sau khi rời trường. Cần có một hệ thống hỗ trợ cũng như khen thưởng cho việc sử dụng ngôn ngữ thiểu số cả trước, trong và sau khi rời trường học. Ngôn ngữ thiểu số cần được đưa vào trải nghiệm gia đình-hàng xóm- cộng đồng và trong hoạt động kinh tế của gia đình. Nếu điều này không xảy ra, những đứa trẻ được giáo dục song ngữ rất có thể sẽ không truyền lại ngôn ngữ thiểu số cho thế hệ tiếp theo. Do đó, Fishman cho rằng mỗi giai đoạn cần được kiểm tra xem nó có thể được sử dụng thế nào để nuôi dưỡng tới Giai đoạn 6 – sự truyền tải ngôn ngữ thiểu số giữa các thế hệ.
Tám giai đoạn của Fishman cần được nhìn nhận như những sự tiếp nối và tương tác với nhau. Việc khôi phục ngôn ngữ không diễn ra theo từng bước hoặc từng giai đoạn. Quá trình đảo ngược ngôn ngữ có vô số yếu tố được liên kết với nhau theo các mô hình phức tạp. Một ngôn ngữ ở Giai đoạn 2 có thể vẫn đang gia cố các yếu tố của các giai đoạn trước. Một ngôn ngữ ở Giai đoạn 6 có thể tiến hành hoạch định chính sách ngôn ngữ dài hạn để đảm bảo sự thành công của các giai đoạn cao hơn.
Các bối cảnh ngôn ngữ có sự khác biệt rất lớn, do đó các thang đo không thể được áp dụng tùy tiện. Ví dụ, các cộng đồng và khu vực địa lý khác nhau có thể ở các giai đoạn khác nhau trong cùng một quốc gia. Ngoài ra, việc sử dụng ngôn ngữ thiểu số trong kinh doanh và kinh tế địa phương có thể có sự khác biệt đáng kể giữa nông thôn với thành thị, giữa các tầng lớp xã hội và mức độ thuận lợi trong việc tiếp cận với sân bay, đường bộ, đường sắt và đường biển. Một số nhóm ngôn ngữ thiểu số có thể chỉ muốn được truyền miệng thay vì được truyền tải bằng chữ viết cho các thế hệ kế tục. Với các nhóm ngôn ngữ thiểu số khác, việc đạt được mức điểm GIDS cao nhất có thể là một mục tiêu khó khăn và dài hạn hơn, ví dụ như ngôn ngữ được sử dụng trong giáo dục đại học. Có thể không có bất cứ cơ sở tài chính nào để phát triển khía cạnh truyền thông hoặc động lực chính trị nào cho giáo dục ngôn ngữ thiểu số ở bậc đại học.
Spolsky (2004: 215) gợi ý rằng sự nguy hiểm của thang đo Fishman nằm ở việc nó “tập trung quá nhiều vào ngôn ngữ và quản lý ngôn ngữ, do đó thiếu sự quan tâm dành cho các yếu tố xã hội và kinh tế có thể là nguồn gốc chính dẫn đến những thay đổi trong sự dịch chuyển ngôn ngữ”. Hornberger và King (2001) cũng cho rằng nó không thể hiện được các quá trình kinh tế và biện pháp can thiệp có vai trò vô cùng quan trọng với sự phục hưng ngôn ngữ. Những sự khích lệ cũng như lợi ích về kinh tế và việc làm để các bậc cha mẹ nuôi dạy con cái bằng ngôn ngữ thiểu số cũng như trường học có lý do chính đáng để giảng dạy bằng ngôn ngữ thiểu số đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phục hồi ngôn ngữ, nhưng chỉ vậy thôi thì chưa đủ. Chúng ta cần những đòn bẩy về kinh tế để tạo nên nền tảng lý luận mạnh mẽ cho việc truyền tải ngôn ngữ giữa các thế hệ. Động cơ tích hợp và tình cảm với văn hóa có thể là không đủ để thuyết phục phụ huynh, chuyên gia giáo dục và học sinh sử dụng ngôn ngữ thiểu số. Nền tảng kinh tế của cộng đồng ngôn ngữ có thể là một biện pháp bảo vệ quan trọng để duy trì một ngôn ngữ bị đe dọa. Do đó, vai trò của nhà nước, chứ không chỉ cộng đồng ngôn ngữ địa phương, là rất quan trọng (ví dụ như trong việc tái tạo kinh tế của một khu vực nói ngôn ngữ thiểu số). Các khía cạnh trọng yếu mang lại thành công (cả cá nhân và xã hội) và tiến bộ kinh tế đã trở nên quan trọng trong một xã hội tiêu dùng. Việc những khu vực này thường được kiểm soát bởi các nhóm ngôn ngữ đa số khiến một cuộc đấu tranh vì quyền lực trở thành điều cần thiết.
Các công cụ kỹ thuật số để hồi sinh ngôn ngữ
Tiềm năng của Internet và các công cụ kỹ thuật số khác trong việc hỗ trợ những nỗ lực khôi phục ngôn ngữ đã được đề cập ngắn gọn trong những phần trên, nhưng vẫn cần được xem xét sâu hơn. Thomason (2015) lưu ý rằng những nỗ lực hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào mạng Internet. Đã có nhiều trang web phục hồi được tạo ra cho các ngôn ngữ có nguy cơ biến mất. Mạng xã hội, video trực tuyến, Twitter, Facebook, blog, wiki, điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị di động khác, từ điển kỹ thuật số có chức năng đọc và dịch máy hứa hẹn sẽ mở ra nhiều bối cảnh mới để sử dụng các ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng, đặc biệt với những người trẻ “thông thạo kỹ thuật số bẩm sinh” (digital native) – những người sử dụng các công cụ kỹ thuật số trong phần lớn các hoạt động giao tiếp bằng lời nói và văn bản của mình. Tuy nhiên, Thomason cũng nêu ra một số mối quan tâm và các vấn đề khác cần được xem xét về những nỗ lực phục hồi ngôn ngữ trong thời đại kỹ thuật số:
(1) Quyền cho phép: Sự dễ dàng trong việc phổ biến dữ liệu ngôn ngữ trực tuyến lại khiến việc đối xử với các thành viên trong cộng đồng ngôn ngữ (speech community) bằng sự tôn trọng cũng như việc nhận được sự cho phép từ họ trở nên phức tạp hơn. Một số thành viên trong cộng đồng có thể phản đối việc tiếng nói của họ hoặc của tổ tiên đã khuất của họ được đưa lên mạng và có sẵn cho công chúng.
(2) Quyền sở hữu trí tuệ: Các cộng đồng ngôn ngữ có quyền quyết định xem ngôn ngữ của họ có được sử dụng trong các phần mềm như sản phẩm của Microsoft hoặc Google Dịch hay không.
(3) Ranh giới kỹ thuật số: Phần lớn các ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng khó có thể vượt qua ranh giới kỹ thuật số, bởi hầu hết người nói không đủ khả năng truy cập vào các công cụ kỹ thuật số hoặc Internet đắt tiền. Những người đủ khả năng truy cập có thể thiếu kiến thức cần thiết để xây dựng trang web hoặc sử dụng ngôn ngữ của họ trên các trang web hiện có, từ đó dẫn tới việc sử dụng ngôn ngữ phổ biến trong xã hội.
(4) Các hình thức viết: Trong khi các trang web chính thức dành cho các ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng có thể cố gắng sử dụng biến thể ngôn ngữ được chuẩn hóa (và có lẽ là nhân tạo), việc sử dụng ngôn ngữ viết trên các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là ở người trẻ, lại có xu hướng rất đời thường. Tuy nhiên, việc sử dụng ngôn ngữ đời thường như vậy trên thực tế lại có thể thúc đẩy việc sử dụng ngôn ngữ trong giới trẻ.
Tuy nhiên, Thomason lưu ý rằng đã có nhiều sáng kiến thành công trong việc thiết lập sự hiện diện kỹ thuật số với các ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng. Ví dụ, những nỗ lực hồi sinh ngôn ngữ Northern Pomo của người Mỹ bản địa – được nói ở miền bắc California suốt hàng nghìn năm – bao gồm một trang web (http://Northernpomolanguagetools.com/) với một loạt công cụ ngôn ngữ kỹ thuật số cùng ứng dụng di động cho cả thiết bị iOS và Android. Có lẽ khi chi phí cho các công cụ kỹ thuật số giảm xuống, cũng như khi Internet trở nên miễn phí hoặc có giá cả phải chăng trên khắp thế giới và các trang web truyền thông xã hội giúp các ngôn ngữ ngày càng được sử dụng đa dạng hơn, các nhà vận động phục hồi ngôn ngữ và những người trẻ thông thạo kỹ thuật số bẩm sinh sẽ thấy việc sử dụng trực tuyến ngôn ngữ của mình vì những mục đích giao tiếp vui vẻ, đích thực và giàu ý nghĩa ngày càng trở nên dễ dàng và tự nhiên hơn.
Kết luận
Chương này bắt đầu với những lo ngại hiện tại về tương lai của hơn 7.000 ngôn ngữ, phần nhiều trong số đó đang mất đi. Các dự báo về sự suy giảm và đánh mất ngôn ngữ trên diện rộng đã được hồi đáp bằng những lời kêu gọi duy trì sự đa dạng ngôn ngữ. Việc bảo tồn các ngôn ngữ như vậy đòi hỏi sự can thiệp bằng cách hoạch định chính sách ngôn ngữ. Việc hoạch định chính sách ngôn ngữ như vậy bao gồm một chuỗi các hoạt động tái tạo và sử dụng ngôn ngữ trong giới trẻ, được tiến hành thông qua gia đình và nhà trường. Cần có lý do để phụ huynh và nhà trường có động lực trao truyền các ngôn ngữ thiểu số: tính hợp lý và tích hợp, lợi ích về kinh tế, việc làm, xã hội và văn hóa, đôi khi là cả tôn giáo. Số phận của các ngôn ngữ thiểu số liên quan tới sự hiểu biết về cách hai hoặc nhiều ngôn ngữ tương tác trong xã hội.
Hoạch định chính sách ngôn ngữ được hỗ trợ bởi các khung khái niệm liên quan đến sức sống của ngôn ngữ, sự hồi sinh và đảo ngược ngôn ngữ. Sự đảo ngược ngôn ngữ đôi khi có nghĩa là các nhóm ngôn ngữ trở nên không đáng kể, thậm chí là mất đi. Vào những lúc khác, các nhóm ngôn ngữ ấy cố gắng để không chỉ tồn tại mà còn trở nên phổ biến hơn. Có ý kiến cho rằng khi một ngôn ngữ chết đi, một phần của lịch sử và văn hóa nhân loại cũng mất đi cùng ngôn ngữ ấy. Tuy nhiên, các nỗ lực phục hồi ngôn ngữ có thể được thực hiện để đánh thức các ngôn ngữ bất động hoặc “say ngủ”. Lý thuyết về sự hồi sinh ngôn ngữ cũng bao hàm những thực tế xảy ra trong tương lai hằng ngày với trẻ.
Những luận điểm chính trong chương này
Các ngôn ngữ trên thế giới đang suy giảm nhanh chóng về số lượng, với các dự đoán cho thấy 50-90% sắp hoặc gần như sẽ biến mất trong thế kỷ tới. Do đó, sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa của thế giới đang bị đe dọa.
Hoạch định chính sách ngôn ngữ là hoạt động cần thiết để duy trì, phục hồi và đảo ngược sự dịch chuyển ngôn ngữ. Hoạch định chính sách ngôn ngữ bao gồm việc lập kế hoạch phổ biến ngôn ngữ thiểu số (ví dụ như thông qua gia đình và giáo dục), xác lập vị thế ngôn ngữ (ví dụ như trong các tổ chức quan trọng) và lập kho ngữ liệu (ví dụ như chuẩn hóa và hiện đại hóa).
Các nỗ lực phục hồi ngôn ngữ bị ảnh hưởng bởi một loạt các yếu tố, bao gồm sự trao truyền ngôn ngữ giữa các thế hệ, số lượng và tỷ lệ người nói, sự thay đổi trong các bối cảnh sử dụng ngôn ngữ, thái độ với ngôn ngữ, tính sẵn có và mức độ phản hồi với tài liệu, các bối cảnh mới và phương tiện truyền thông.
Mô hình Đảo ngược ngôn ngữ của Fisher có tám giai đoạn, phản ánh các điều kiện khác nhau về tình trạng và các bước cần thiết để khôi phục một ngôn ngữ.
Việc trao truyền một ngôn ngữ thiểu số trong gia đình là nền tảng thiết yếu để tái tạo ngôn ngữ đó.
Các ngôn ngữ được gọi là “tử ngữ” có thể không hoạt động hoặc ở trong tình trạng “người đẹp ngủ trong rừng” (sleeping beauties) có thể được hồi sinh hoặc “đánh thức”.
Công nghệ kỹ thuật số có nhiều tiềm năng, nhưng cũng mang lại những thách thức mới trong quá trình hồi sinh ngôn ngữ.
Gợi ý đọc thêm
Austin, P. K., & Sallabank, J. (Eds.). (2015). The Cambridge handbook of endangered languages. Cambridge, UK: Cambridge University Prssssess.
Coronel-Molina, S. M., & McCarty, T. L. (Eds.). (2016). Indigenous language revitalization in the Americas. New York, NY: Routledge.
Hirsch, D. (2014). Endangered languages, knowledge systems and belief systems. New York, NY: Peter Lang.
Jones, M. C. (Ed.) (2015). Policy and planning for endangered languages. Cambridge, UK: Cambridge University Press.
Thomason, S. G. (2015). Endangered languages: An introduction. Cambridge, UK: Cambridge University Press.
Tài liệu trực tuyến
Ethnologue: Ngôn ngữ trên thế giới
http://www.ethnologue.com/
Terralingua: Thống nhất trong đa văn hóa
http://www.terralingua.org/
Nền tảng cho các ngôn ngữ nguy cấp
http://www.ogmios.org/home.htm
Bản đồ của UNESCO về các ngôn ngữ đang gặp nguy hiểm
http://www.unesco.org/languages-atlas/en/atlasmap.html
Câu hỏi thảo luận
(1) Tại sao chúng ta nên lo ngại khi một ngôn ngữ mất đi? Trong số các lập luận về sự đa dạng ngôn ngữ của Crystal, bạn thấy đâu là luận điểm đáng chú ý nhất?
(2) Ba quá trình hoạch định chính sách ngôn ngữ chính là gì? Chúng được liên kết với nhau thế nào và tại sao mỗi loại lại cần thiết để bảo tồn hoặc phục hồi một ngôn ngữ bị đe dọa?
(3) (Xem video sau về Eliezer Ben-Yehuda, một nhà hoạt động quan trọng trong việc hồi sinh tiếng Hebrew: https://youtu.be/pgjq8uqQ79E. Thảo luận xem có những vấn đề nào về hoạch định chính sách và phục hồi ngôn ngữ (được mô tả trong chương này) xuất hiện trong những nỗ lực của Ben-Yehuda.
Hoạt động học tập
(1) Sử dụng trang web Ethnologue (http://www.ethnologue.com/) để xác định và lập bản đồ một ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng trong khu vực hoặc quốc gia của bạn. Từ các nguồn tài liệu trên thư viện, Internet và/hoặc những tài liệu gốc (tức là phỏng vấn người dân địa phương), hãy thiết kế bài thuyết trình đa phương tiện về ngôn ngữ, giai đoạn của ngôn ngữ đó trên thang GIDS (Bảng 3.2) và những nỗ lực phục hồi đang hoặc có thể diễn ra để bảo tồn ngôn ngữ.
(2) Tìm kiếm thông tin trên Internet về một ngôn ngữ đã được phục hồi (ví dụ như tiếng Manx Gaelic ở Đảo Man, tiếng Hebrew, tiếng Basque, tiếng Catalan, tiếng Wales). Số lượng người sử dụng và các bối cảnh sử dụng gần đây của ngôn ngữ đó thế nào? Những nỗ lực phục hồi nào đã được thực hiện? Những sự can thiệp nào đặc biệt mang lại thành công?
(3) Chọn một ngôn ngữ nhập cư trong cộng đồng của bạn. Sử dụng khung sáu yếu tố dẫn đến sự đe dọa ngôn ngữ của Thomason (2015) và các giải pháp của Crystal để tránh khỏi cái chết ngôn ngữ (Khung 3.1), phỏng vấn một số thanh niên trong cộng đồng để đánh giá mức độ đe dọa với ngôn ngữ nhập cư của họ.