Trong năm giới cấm quan trọng của giới luật Phật giáo có giới “không vọng ngữ” ý là không được nói bất kì lời nào gây tổn thương đến người khác. Sở dĩ giới “bất vọng ngữ” được xem là một trong những giới trọng1 vì đây là lỗi thường mắc phải và có ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc người khác. Trong đời ít người biết khen ngợi, biết nói đúng nơi đúng lúc, thích nói lời ngon ngọt nịnh hót trước mặt, chê bai sau lưng. Thông thường một người hoặc là khen ngợi, ca tụng người khác vì mưu cầu lợi ích gì đó hoặc là đố kị, ghen tức, soi mói sau lưng chứ không nói đúng như thật để thỏa cơn căm hận. Một khi đã quen với thói ngồi lê đôi mách, soi mói người này kẻ nọ bạn sẽ cảm thấy khen ngợi người khác là sự xa xỉ còn không chê trách thì thấy như thiếu thiếu điều gì.
1 Trong luật chỉ dùng giới trọng và giới khinh, chưa thấy ai dùng giới nặng và giới nhẹ. Giới trọng chỉ các giới không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối. (ND)
Hiện tượng “thích quét dọn nhà người”2 đã trở thành phổ biến. Các phương tiện truyền thông, báo chí thích đăng tải chuyện gây sốc như “ca sĩ này có tình cảm với ông kia, cô ca sĩ nọ có con riêng với…”. Quả thực đấy là những câu chuyện gây sốc, ai cũng thích bàn luận, nhưng bạn thử nghĩ kĩ, đấy chỉ là chuyện vô bổ, chỉ dành để lấp khoảng trống cho người nhàn rỗi!
2 Thích phê bình chuyện riêng của người khác. (ND)
Tuy mọi người đều biết không nên nghe tin nhảm, lời đồn đại, nhưng lại rất thích nghe, thích loan tin nhảm đi. Ví dụ một người nói: “Đấy! tôi chỉ nghe phong thanh như thế chứ chẳng biết đúng sai thế nào, cậu không nên kể chuyện này cho người khác biết…” Người kia nghe xong gật đầu đồng ý nhưng lại âm thầm kể tiếp cho nhiều người khác rằng “tôi chỉ nghe thế, chưa biết có đúng không, cậu không nên kể cho người khác...” Cứ một truyền mười, mười truyền trăm, lời đồn nhảm cứ thế lan đi!
Có câu “chuyện hay thiên hạ chẳng màng, hung tin đồn nhảm khắp làng đều hay” chính là vì điều này. Nếu việc tốt truyền đi còn khích lệ, an ủi được lòng người, ngược lại chuyện xấu đồn đi đã không có gì hay lại còn ảnh hưởng xấu đến người nghe, trong khi đó chuyện được coi là xấu kia chưa hẳn đã là chuyện thực. Vì thế trước khi kể lại những tin đồn kia chúng ta cần nghĩ lại, thử đặt mình là người bị tin đồn xấu kia sẽ tưởng tượng được nỗi đau của người bị tai tiếng không đúng sự thực kia.
Khi chúng ta biết cách đặt mình vào vị trí của người bị hại bởi lời đồn nhảm chắc chắn sẽ không bao giờ thích mình trở thành một mắt xích trong việc loan tin kia. Tin nhảm sẽ không lọt tai người hiểu biết. Trước khi bình luận, đánh giá, chỉ trích, châm chọc bất kì ai bạn hãy nghĩ “mình kể thông tin này có ích gì cho mình, cho người, có ảnh hưởng gì tốt không”, chỉ cần bạn biết nghĩ thế tôi tin chắc rằng bạn sẽ không ăn nói bừa bãi nữa, như thế bạn sẽ tích được cái đức của lời nói.
Ngược lại, nếu bạn ăn nói bừa bãi, thích ngồi lê đôi mách thì nhất định sẽ có một ngày bạn sẽ gặp ác báo từ những việc làm của mình. Vì thế chúng ta chỉ nên nói lời hay, có lợi cho mình và người, không tin tự biến mình thành kẻ tuyên truyền tin nhảm, hại mình hại người.