Hai chữ “Oán trách” có mặt trong khắp mọi ngõ ngách xã hội, từ quan hệ gia đình bè bạn đến hầu hết các mối quan hệ xã hội. Có thể nói đây là hiện tượng phổ biến. Dù thân thiết như vợ chồng, cha mẹ, con cái cũng khó tránh được hai chữ “trách cứ” nhau. Ví dụ khi mẹ thấy con cái không vâng lời, có thể nói với con trước mặt chồng: “Con cái gì mà chẳng biết nghe lời gì cả, tính tình xấu xa dạy thế nào vẫn chứng nào tật nấy, bố mày chịu khó mà kèm nó cho tốt”. Đấy quả thực là những câu nói khiến người nghe khó chịu.
Người ta thường trách cứ nhau sau khi nổi giận, vì thế những lời “phát tiết” thường rất khó nghe, không những người nghe cảm thấy khó chịu mà bản thân người nói cũng chẳng vui vẻ gì.
Khi bạn bất mãn điều gì với người hoặc sự việc nào đó, bạn sẽ cảm thấy ấm ức, tức giận oán hờn trách móc, tuy nhiên bạn cần hiểu rằng, người sống trong đời mười việc hết tám, chín việc không như ý, nếu bạn chỉ biết oán hờn, trách móc thì chỉ làm cho sự việc thêm rối lên mà cũng chẳng giải quyết công việc êm đẹp.
Khi nghe lời oán trách, mọi người thường nghĩ “tôi đối xử tốt với nó thế mà chẳng hiểu sao nó thường không hài lòng về tôi. Vì tốt cho nó tôi mới làm thế, không những không được lời cám ơn ngược lại còn bị chê trách, thật là làm ơn mắc oán”. Cách nghĩ vấn đề như vậy chỉ làm bạn thêm bực tức! Nếu bạn xem oán hờn trách móc là hiện tượng phổ biến, bình thường thì người bị oán sẽ không thấy đau khổ, nếu không hễ cứ bị trách móc bạn liền nghĩ mình bị trách oan, đau khổ sẽ như quả cầu tuyết, càng lăn càng lớn.
Nếu bạn biết tiếp cận vấn đề ở góc độ khác, bạn hãy nghĩ “không phải hiền thánh, mấy ai tránh khỏi lỗi lầm”, bạn thấy người khác chỉ trích hợp lí, bạn nên rút kinh nghiệm, bạn phải cám ơn họ đã cho bạn cơ hội nhìn lại thiếu sót của bản thân.
Người bình thường mấy ai không phiền não, có phiền não nhất định sẽ có oán hờn, trách móc. Có thể bạn không phải là nguyên nhân làm cho người khác phiền não nhưng vẫn bị trách móc, bạn hãy nghĩ mình đang làm điều tốt, đang giúp họ trút giận, giúp họ xả bớt phiền muộn, căng thẳng. Khi cảm thấy bất mãn, có thể do người khác cũng có thể do mình tự gây ra, bạn nên nghĩ rằng do một người nào đó tung tin nhảm chứ không phải lỗi của mọi người. Khi gặp trường hợp này hãy đặt mình vào vị trí người khác để suy nghĩ. Cố gắng thực hiện: không oán trách người khác, chấp nhận người khác trách móc, và lắng nghe chỉ trích của người khác. Khổng Tử nói “bậc quân tử nghe lỗi lầm thì vui mừng”, không những không nên phiền não mà ngược lại nên vui vẻ đón nhận vì khi người khác còn biết trách nghĩa là bạn còn giá trị trong họ.
Có trường hợp khi nghe người khác oán trách liền nghĩ “người thanh cao sẽ tự thanh cao, người nhơ bẩn tự làm nhơ bẩn” thế là đóng cửa tuyệt giao, không thèm để ý đến người khác, như thế chỉ làm cho đối phương thêm giận, họ sẽ cho rằng bạn muốn cắt đứt mọi mối quan hệ với họ. Nếu đến mức này sẽ rất khó hòa giải. Khi nghe người khác trách mình bạn nên tìm biện pháp giải quyết hợp tình hợp lí, không nên đổ thêm dầu vào lửa.
Nếu là lời trách bình thường, bạn chỉ nên gật đầu tỏ ý cho đối phương rằng mình đã biết, vì có thể đối phương chỉ nhắc nhở chứ không có ý gì khác.
Nếu bạn bị người khác oán trách, chỉ trích thậm tệ bạn nên phản ứng lại. Trường hợp đối phương hiểu lầm, bạn nhất định phải tìm cách giải thích cho họ biết. Nếu đối phương trách vì bạn không làm như họ mong đợi thì hãy nói với họ rằng bạn sẽ cố gắng sửa sai trong lần sau. Nếu đối phương vẫn thấy không hài lòng, bạn cứ nói thật là mình đã cố hết sức để đối phương thông cảm.
Nếu ai cũng biết dùng thái độ bình thản để đón nhận những lời chỉ trích và tìm cách giải quyết thỏa đáng thì sẽ trưởng thành hơn sau những lời chỉ trích đó.