“Khi người yêu ta sâu sắc, ta có thêm sức mạnh. Khi ta yêu người sâu sắc, ta có thêm dũng khí.”
– Lão Tử
“Khi người yêu ta sâu sắc, ta có thêm sức mạnh. Khi ta yêu người sâu sắc, ta có thêm dũng khí.”
– Lão Tử
Dạo gần đây, vợ chồng tôi bắt đầu thường xuyên cãi nhau. Tôi gần như luôn bị hụt hơi và đã thử tra cứu triệu chứng của chứng rối loạn hoảng sợ và hoảng loạn tâm lý trên các trang web sức khỏe. Những chẩn đoán mà tôi tự đúc kết có phần không đáng tin lắm, nhưng có lẽ những vấn đề tôi gặp phải đều bắt nguồn từ tình trạng thiếu ngủ. Cùng lúc đó, chồng tôi cũng ngày càng đãng trí hơn. Anh quên không thanh toán các hóa đơn cho đến tận lúc quá hạn, lỡ mất các cuộc hẹn với nha sĩ, cũng như hoàn toàn không nhớ gì về những ngày kỷ niệm và sinh nhật.
Tất cả là vì cô con gái ba tuổi của chúng tôi vừa được chẩn đoán mắc ung thư.
Đây là chuyện chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Chỉ trong bốn năm, vợ chồng tôi đã chào đón ba thiên thần nhỏ và cuộc sống của gia đình trẻ năm thành viên của chúng tôi đang dần đi vào nền nếp. Chúng tôi xây dựng lề thói sinh hoạt rõ ràng. Chúng tôi tìm được những ngôi trường phù hợp nằm gần nhà giữa những con phố đông đúc, phức tạp của Thành phố New York. Chúng tôi đã xây dựng được một gia đình khăng khít và hòa thuận, đúng như những gì chúng tôi từng mường tượng trước khi có con.
Lúc đó, chúng tôi đã không nhận ra rằng cuộc sống mình thảnh thơi đến mức nào... đơn giản đến mức nào... khỏe mạnh đến mức nào.
Vào một buổi tối tháng Chín ấm áp, chúng tôi bỗng bị ném vào một vòng xoáy khắc nghiệt kéo dài hơn ba tháng trời với những đêm dài phải ngủ lại bệnh viện. Hết ngày này đến đêm nọ, vợ chồng tôi phải thay phiên nhau, một người túc trực bên giường bệnh của con gái trong thời gian con bé trải qua quá trình hóa trị đau đớn, người còn lại trở về nhà để chăm sóc hai cậu con trai vẫn chưa hiểu tại sao gia đình chúng tôi lại mỗi người một nơi như thế. Vừa phải cố lèo lái con thuyền gia đình ra khỏi vùng biển tăm tối phía trước, vợ chồng tôi vừa phải tìm cách không khuấy động thế giới an toàn trước giờ của các con.
Chúng tôi đã dần quen với việc nhìn thấy con gái mình đau đớn, với việc ngủ trên chiếc ghế nhựa của bệnh viện, với việc cho con gái uống thuốc mỗi tiếng một lần và tiêm thuốc, với việc có thể lập tức thiếp ngủ khi cần và việc đột ngột thức giấc rồi bật khóc.
Tổng cộng, chúng tôi đã ngủ qua đêm hơn 100 lần trên chiếc ghế cứng được coi như chỗ nghỉ ngơi cho thân nhân bên cạnh giường bệnh của con gái. Suốt hơn 100 ngày đó, vợ chồng tôi phải đảm đương việc chăm sóc hai đứa con khỏe mạnh, lo cho một đứa con đau ốm, đảm nhận một công việc toàn thời gian hoàn toàn mới (ôi, thật đúng lúc làm sao!) và duy trì một công việc tự do bấp bênh. Chúng tôi bắt đầu trở nên căng thẳng đến mức mọi cảm giác gắn kết, thân mật giữa vợ chồng tôi gần như biến mất. Chúng tôi dần trở thành những người lính không hơn không kém, thỉnh thoảng chỉ lướt qua nhau với vẻ mặt căng thẳng và nói với nhau những câu ngắn gọn để trao đổi nhanh về bọn trẻ.
Giữa quá trình điều trị kéo dài hai năm của con gái – đợt điều trị được hy vọng là sẽ giúp con bé hoàn toàn thoát khỏi căn bệnh ung thư – vợ chồng tôi có được chút thời gian nghỉ ngơi và tôi nhận ra đã đến lúc tôi phải nghiêm túc chữa lành những vết rạn nứt trong cuộc hôn nhân của mình. Trong suốt quá trình chữa bệnh cho con gái, chồng tôi chính là điểm tựa vững chắc nhất của tôi, nhưng có lẽ cũng là người bị bỏ quên nhiều nhất.
Tôi quyết định hàn gắn lại mối quan hệ giữa mình và chồng bằng năm hành động tử tế bé nhỏ, đồng thời quyết định không nói với chồng về kế hoạch này của mình. Dù phải mất một thời gian để mọi việc phát huy hiệu quả, những hành động nhỏ bé ngẫu nhiên này đã mang đến những kết quả thật tuyệt vời. Mỗi ngày trong suốt một tháng, tôi sẽ dành cho chồng mình một trong những điều sau đây:
Sự quan tâm trọn vẹn: Suốt nhiều ngày qua, tôi thậm chí đã không dừng lại một phút nào để nhìn vào đôi mắt xanh tuyệt đẹp của chồng mình. Chúng tôi đang trải qua một biến cố lớn trong gia đình nhưng lại dành ra rất ít thời gian để toàn tâm toàn ý quan tâm đến đối phương hay để có một cuộc trò chuyện ý nghĩa. Khi tôi bắt đầu chú tâm quan sát và lắng nghe chồng mình, sự gắn kết giữa hai chúng tôi dần được khôi phục và chúng tôi lại bắt đầu thành thật và thoải mái với nhau hơn. Cảm giác gần gũi giữa hai chúng tôi lại bắt đầu được nuôi dưỡng.
Lòng biết ơn: Chồng tôi xứng đáng nhận được một lời cảm ơn vì tất cả những việc anh ấy làm cho gia đình mỗi ngày. Chính vì vậy, tôi bắt đầu bày tỏ lòng biết ơn của mình, từ những công việc nhỏ nhất mà chồng tôi thầm lặng thực hiện mỗi ngày cho đến những đóng góp to lớn nhất của anh. Tôi quyết định cảm ơn anh bằng hành động thay vì lời nói, và khi làm thế, tôi bắt đầu nhận ra chồng mình đã thầm lặng làm bao nhiêu việc cho gia đình và thường xuyên đứng ra gánh vác mọi chuyện ra sao. Sự cảm kích của tôi vì tất cả những nỗ lực của anh càng trở nên sâu sắc hơn và lòng biết ơn tôi dành cho anh lại được nhân lên gấp nhiều lần.
Ngừng tranh cãi: Khi cảm giác căng thẳng tiếp tục leo thang, chúng tôi bắt đầu chỉ trích nhau và những cuộc tranh cãi nhỏ thường xuyên nổ ra. Mối quan hệ ấm áp giữa hai vợ chồng tôi dần trở nên nguội lạnh. Chính vì thế, tôi cố gắng hết sức không để bụng và tránh những cuộc tranh luận không cần thiết. Phải có hai người tham gia thì mới tạo thành một cuộc cãi vã. Thay vào đó, tôi chủ động lắng nghe nhiều hơn. Dần dần vợ chồng tôi lại về cùng một phe. Tổ ấm của chúng tôi trở nên bình yên hơn và tâm trạng của các con tôi cũng trở nên thoải mái hơn khi vợ chồng tôi gắn bó và giao tiếp với nhau tốt hơn.
Những “kỳ nghỉ” ngắn (giữa những bộn bề hằng ngày): Hiện tại, một kỳ nghỉ đúng nghĩa là chuyện bất khả thi với gia đình tôi, bởi con gái tôi phải thường xuyên đến bệnh viện để theo dõi và hệ miễn dịch của con bé còn rất yếu. Thế nhưng, tôi nhận ra mình có thể dễ dàng giúp chồng có một chút thời gian rời xa những lo toan, bộn bề hằng ngày. Một buổi sáng, tôi nói anh cứ nghỉ ngơi trên giường thêm chút nữa và đề nghị để tôi làm tất cả việc nhà cũng như chăm sóc bọn trẻ – nhiệm vụ buổi sáng mà vợ chồng tôi thường luân phiên đảm nhận. Tôi thậm chí còn hỏi anh có muốn ăn sáng ngay trên giường hay không. Hôm đó, tôi cũng đảm nhận luôn nhiệm vụ vứt rác. Những cử chỉ chăm sóc đầy yêu thương này đã cho chồng tôi một kỳ nghỉ tinh thần mà anh đang khao khát và giúp anh sạc lại năng lượng.
Những xúc chạm yêu thương: Có hôm, tôi đã nắm tay chồng khi chúng tôi bước vào bệnh viện. Hành động đơn giản đó đã thật sự tạo nên khác biệt. Chúng tôi đã không thường xuyên gần gũi nhau kể từ khi con gái lâm bệnh. Tôi kiệt sức và anh cũng kiệt sức. Nhưng hành động nắm tay đơn giản đó đã giúp chúng tôi bình tâm hơn. Tối hôm đó, tôi đã mát-xa chân cho anh theo kiểu ngày xưa chúng tôi vẫn làm. Và khi chúng tôi bắt đầu gần gũi với nhau hơn về phương diện thể chất, tâm trạng của chồng tôi dường như cũng được cải thiện và chúng tôi cũng cảm thấy khăng khít hơn về mặt tinh thần. Tôi nhận ra rằng khi đối mặt với một vấn đề, chúng tôi không cần phải phân tích quá sâu hay ngồi thảo luận với nhau hàng giờ liền, mà tôi chỉ cần có mặt và nắm lấy tay anh là đã giúp nâng đỡ tinh thần cho anh rất nhiều.
Ban đầu, việc thực hiện kế hoạch có đôi chút khó khăn nhưng tôi vẫn âm thầm kiên trì thực hiện. Sau một tháng, mọi việc dần trở nên dễ dàng hơn, một phần vì những hành động tử tế mà tôi dành cho chồng cuối cùng cũng phát huy tác dụng. Những hành động tưởng chừng nhỏ bé đó đã tác động đến mọi thành viên trong gia đình tôi theo những cách hết sức tích cực và vững vàng, không chỉ giúp củng cố mối quan hệ của những người làm cha làm mẹ như chúng tôi, mà còn trả lại cho bọn trẻ cảm giác an toàn, cho các con thấy những ví dụ dễ hình dung về tình yêu thương và sự tận tâm.
Nhờ chủ động thực hiện những hành động tử tế, bé nhỏ, cả gia đình chúng tôi đã vươn lên một cách mạnh mẽ hơn, giàu sức sống và năng lượng hơn. Thế rồi, chúng tôi bắt đầu truyền cảm hứng tốt đẹp này cho những người xung quanh mình.