“Cuộc sống này không có gì đáng quý hơn việc hạn chế làm tổn thương người khác và xoa dịu những tâm hồn khổ đau bằng tất cả khả năng của mình.”
– Olive Schreineray
“Cuộc sống này không có gì đáng quý hơn việc hạn chế làm tổn thương người khác và xoa dịu những tâm hồn khổ đau bằng tất cả khả năng của mình.”
– Olive Schreineray
Tôi có một người cô tên là Amelia, nhưng suốt một thời gian dài, mọi người xung quanh đều gọi cô ấy là “cô Amelia tội nghiệp”, đến nỗi “tội nghiệp” gần như đã trở thành tên của cô ấy. Hầu hết mọi người đều nghĩ cô ấy là một bà cô già ế chồng, nhưng thật ra vào năm mười chín tuổi, cô từng có một cuộc hôn nhân kéo dài chỉ một ngày. Chồng cô bị bắt vào ngay đêm tân hôn, vì tội cướp cửa hàng một ngày trước lễ cưới. Cô Amelia đã phải cầm cố ngôi nhà của mình để bảo lãnh cho chồng, nhưng khi vừa được ra ngoài, chồng cô đã bỏ đi biệt tích cho đến tận hôm nay. Cô Amelia mất chồng chỉ trong vài giờ và mất luôn cả ngôi nhà mà cô thừa kế từ cha mình. Với vóc người nhỏ nhắn và tính tình cực kỳ nhút nhát, cô luôn khiến mọi người liên tưởng đến một con chim sẻ nhỏ. Cô lúc nào cũng có vẻ như đang sợ hãi, như thể nếu bạn nói chuyện quá to thì cô sẽ bay đi mất.
Một dịp Giáng sinh nọ, tôi còn dư lại một tấm thiệp. Nếu vứt đi thì thấy lãng phí nên tôi quyết định gửi tấm thiệp này cho cô Amelia, mặc dù trước đó cô cháu tôi chưa bao giờ gửi thiệp Giáng sinh cho nhau. Một tuần sau lễ, tôi nhận được thư cảm ơn từ cô. Cô nói rằng nhiều năm rồi cô không nhận được thiệp Giáng sinh và cô đã dán tấm thiệp của tôi trên cửa tủ lạnh để có thể nhìn thấy nó mỗi ngày.
Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra cô mình đã cô đơn đến nhường nào trong suốt thời gian qua. Vì sống cách nhà cô hơn một trăm cây số nên tôi chưa bao giờ đến thăm cô, và tôi cũng không biết có ai khác trong gia đình mình đến thăm cô hay không.
Tôi biết cô không thích nói chuyện điện thoại. Cô nói việc này khiến cô thấy lo lắng và cô hầu như luôn tắt chuông điện thoại của mình. Vì vậy, sau khi nhận được thư cảm ơn của cô, tôi quyết định mỗi tuần sẽ gửi một lá thư hoặc một tấm thiệp cho cô.
Tôi luôn cố gắng khiến những bức thư của mình trở nên thú vị hơn bằng cách thêm vào đó mấy câu chuyện cười, các công thức nấu ăn, vài mẩu tin trên báo, các loại hoa khô, vài chiếc lá mùa thu hay bất kỳ thứ gì mà tôi nghĩ có thể giúp cô thấy vui. Khoảng một tháng một lần, cô sẽ viết thư cảm ơn tôi vì đã viết thư cho cô, đồng thời cô cũng kể cho tôi về vườn hoa của cô hoặc về quyển sách cô đang đọc.
Thời gian trôi qua, cô Amelia càng quanh quẩn trong nhà nhiều hơn, một phần là vì các vấn đề sức khỏe, nhưng phần lớn là vì cô ngày càng cảm thấy sợ hãi mọi thứ. May mắn thay, cô vẫn có thể đi bộ đến cửa hàng gần nhà để mua sắm và sử dụng một chiếc xe đẩy để chuyển đồ về. Cô có một thùng thư kiểu cũ bằng kim loại đặt ở cổng rào, và mỗi ngày, cô sẽ ngồi chờ xem người đưa thư có dừng lại trước cổng nhà mình hay không.
Mỗi lần định ngừng viết thư cho cô hoặc bỏ qua một tuần, tôi lại hình dung ra cảnh cô Amelia ngồi bên cửa sổ chờ đợi người đưa thư. Khi mới bắt đầu, tôi chỉ nghĩ sẽ gửi thư cho cô trong vài tháng, nhưng rốt cuộc hoạt động này lại trở thành một lời hứa trọn đời.
Một ngày, cô Amelia bỗng gọi cho tôi, nói rằng cô bị ngã cầu thang và bị gãy mắt cá chân. Cô nói mình cần có người chăm sóc trong vài ngày tới, nhưng nếu tôi quá bận thì cô hoàn toàn hiểu. Tôi trả lời rằng tôi sẽ đến nhà cô sau ba tiếng đồng hồ nữa và miễn cô còn cần tôi thì tôi sẽ luôn ở bên cạnh cô.
Khi tôi đến nơi, cô Amelia đang ngồi trên xe lăn, trong tình trạng còn tồi tệ hơn những gì tôi nghĩ. Cô liên tục xin lỗi vì đã làm phiền tôi, còn tôi khẳng định với cô ấy rằng tôi không hề thấy phiền gì cả. Tôi có thời gian rảnh và đang rất mong chờ những ngày thú vị ở nhà cô.
Cô ấy nói tôi để đồ đạc của tôi trong phòng ngủ phía đông, vì nơi đó đón nhiều ánh nắng mặt trời nhất và là căn phòng sáng sủa nhất trong nhà.
Tôi xách hành lý lên lầu và bắt đầu treo quần áo vào chiếc tủ đứng. Tôi định đặt những bộ quần áo còn lại của mình vào một chiếc tủ cũ có ngăn kéo ở ngay cạnh, nhưng khi mở ngăn kéo trên cùng ra, tôi thấy bên trong đã được chất đầy những phong bì thư, xếp thành hàng ngay ngắn. Tôi đóng ngăn kéo trên cùng lại và mở tiếp ngăn bên dưới, rồi ngăn bên dưới nữa. Mọi ngăn kéo đều đầy ắp thư từ. Tôi lấy ra một phong thư và nhìn thấy nét chữ của chính mình. Tôi xem ngày tháng trên thư – đó là bức thư tôi gửi cho cô Amelia cách đây sáu năm kèm theo mấy chiếc lá phong đỏ giờ đã chuyển thành màu nâu. Tôi xem qua các ngăn kéo và tìm thấy tất cả thư cùng thiệp mà tôi đã gửi cho cô trong suốt chín năm qua. Cô Amelia đã giữ lại tất cả, tổng cộng có lẽ lên đến 450 lá thư. Hơn nữa, trong tủ cũng không có thư từ của bất kỳ người nào khác, chỉ có thư của mỗi tôi.
Tôi đẩy các ngăn kéo vào chỗ cũ và để số quần áo còn lại của mình trong vali. Sau đó, tôi ngồi xuống giường và bật khóc.
Tôi từng nghĩ bản thân thật tử tế vì đã dành thời gian viết thư cho cô Amelia mỗi tuần. Nhưng những gì cô dành cho tôi còn đáng trân trọng hơn thế. Cô đã nâng niu từng lá thư và gìn giữ chúng như thể đó là thứ quý giá nhất mà cô sở hữu. Bởi vì những bức thư này có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với cô, điều đó khiến tôi cũng trở nên đặc biệt. Tôi cảm thấy mình quan trọng, được yêu thương và quý mến. Tôi chưa bao giờ cảm thấy có người cần đến mình hay coi trọng mình đến như vậy. Nếu không đến thăm cô, tôi sẽ không bao giờ biết những bức thư của tôi có ý nghĩa với cô đến thế.
Tôi ở lại bên cô cho đến khi chân cô được tháo bột. Tôi dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng và chăm sóc cô. Cô cháu tôi đã cùng nhau chơi Cờ tỷ phú, giải ô chữ và xem những bộ phim cũ trên tivi.
Suốt thời gian tôi ở lại, cô chỉ nhắc đến chồng mình một lần duy nhất. Cô nói chú ấy rất đẹp – người đẹp trai nhất cô từng thấy. Cô nói lúc đó không ai hiểu nổi tại sao một anh chàng điển trai như vậy lại muốn ở cạnh cô, nhưng chú ấy đã từng thật sự muốn cùng cô xây dựng một gia đình, điều này đã khiến cô cảm thấy mình chính là cô gái may mắn nhất thế giới. Dù vô cùng đẹp trai và quyến rũ, chú ấy lại rất yếu đuối, không đủ can đảm để đối mặt với những vấn đề của bản thân, chính vì thế mà chú đã trốn chạy. Dù không hề nghe tin tức gì từ chú suốt hơn năm mươi năm qua, cô vẫn không tỏ ra cay cú hay tức giận, mà chỉ buồn vì chú đã rời bỏ cô. Tôi có cảm giác nếu chú ấy đến gõ cửa ngay lúc này, cô sẽ tha thứ và lập tức chào đón chú về nhà. Cô Amelia chưa bao giờ thù hận hay nổi giận với bất kỳ ai.
Trước lúc quay về nhà, tôi hứa sẽ đến thăm cô mỗi tháng một lần. Cô lo lắng hỏi có phải như vậy tức là tôi sẽ dừng viết thư cho cô hay không. Tôi lắc đầu, khẳng định rằng tôi vẫn sẽ viết thư cho cô hằng tuần.
“Luôn luôn là như vậy chứ?”, cô hỏi.
“Luôn luôn là như vậy, cháu hứa với cô”, tôi cam đoan.
Hiện tại, tôi vẫn viết thư cho cô Amelia và tôi biết cô vẫn luôn giữ gìn cẩn thận tất cả những lá thư của tôi.
Có lẽ, tôi đã làm một việc tử tế khi viết thư cho cô Amelia, nhưng lòng tốt của cô còn to lớn hơn thế rất nhiều. Cô đã biến những bức thư bình thường của tôi thành một kho báu vô giá và giúp cuộc sống bình thường của tôi trở nên thật ý nghĩa.