“Mỗi người bước vào cuộc sống của bạn đều có lý do. Hoặc là bạn cần họ để thay đổi cuộc sống của mình, hoặc là bạn sẽ trở thành người thay đổi cuộc sống của họ.”
– Angel Flonis Harefa
“Mỗi người bước vào cuộc sống của bạn đều có lý do. Hoặc là bạn cần họ để thay đổi cuộc sống của mình, hoặc là bạn sẽ trở thành người thay đổi cuộc sống của họ.”
– Angel Flonis Harefa
Nghe thấy tiếng gõ cửa vang lên liên hồi, tôi vội vàng rời khỏi bếp ra mở cửa. Ba đứa con nhỏ của tôi đang ngủ trưa và tôi không muốn các con bị đánh thức khi chưa ngủ đủ giấc.
Gia đình tôi vừa chuyển đến khu này, nên tôi không thể đoán được người đang gõ cửa là ai. Cánh cửa hé mở, và trước mặt tôi là một ông lão quần áo bẩn thỉu, mang đôi ủng cao su dính đầy bùn. Trên tay ông là một chiếc túi nilon rách rưới.
“Cháu giúp gì được cho bác ạ?”, tôi hỏi, hy vọng ông ấy chỉ đi nhầm địa chỉ.
“Cháu có muốn mua một ít rau củ nhà trồng không?”, giọng ông run run vì tuổi già, nhưng đôi mắt xanh mờ của ông thì ngập tràn hy vọng.
“Rau của bác tự trồng trong vườn ạ?” Tôi nhìn vào chiếc túi rách của ông và thấy toàn đất và đất, bên trong chỉ lộ ra một mảng cam be bé của mấy củ cà rốt.
“Đúng thế”, giọng ông nhẹ nhàng nhưng tha thiết. “Bác cũng có thể hái thêm mấy quả táo trong vườn. Cháu có muốn mua vài quả táo không?”
Trái tim tôi như mềm đi trước vẻ ngoài có phần luộm thuộm của ông. Có lẽ ông đang gặp khó khăn và đang cố bán ít nông sản của mình để kiếm về một khoản tiền ít ỏi. Sau một tiếng thở dài, tôi ra hiệu mời ông vào nhà: “Mời bác vào trong, cháu sẽ đi lấy ví”.
Ngày hôm sau, ông lại gõ cửa nhà chúng tôi. Lần này, cô con gái bốn tuổi hoạt bát của tôi chạy ra mở cửa: “Ồ, cháu chào ông. Ông có muốn vào dùng trà với cháu không ạ?”, giọng nói cao vút của Heidi nghe cứ như người lớn.
Không chút chần chừ, ông bước vào nhà và chìa ra một chiếc giỏ đã bị hư hỏng nhiều chỗ, bên trong đựng mấy quả táo hơi giập. “Táo từ vườn nhà bác đấy”, ông nói rồi cởi chiếc mũ sờn cũ ra. “Bác nghĩ là cả nhà cháu sẽ thích một chiếc bánh táo.”
Đôi mắt ông ánh lên một nỗi tiếc nuối, đăm chiêu khó tả.
Ba chúng tôi ngồi vào bàn bếp và nhâm nhi một tách trà, trà của Heidi được pha nhạt hơn nhiều so với trà của hai người lớn. Con bé hồ hởi đón chào vị khách đầu tiên đến chơi nhà bằng hàng loạt những câu hỏi. “Tên của ông là gì ạ? Nhà ông ở đâu? Sao quần áo của ông bẩn thế? Mẹ ông có mắng ông không?”
Người đàn ông có vẻ khắc khổ ấy cười khe khẽ và cố gắng trả lời từng câu hỏi của con bé. Ông ấy tên là Locket, hiện đang sống trong ngôi nhà ở khúc cua cuối đường. Vợ ông đã qua đời mấy năm trước, còn các con ông đều sống ở xa nên ông đang thấy rất cô đơn. Ông tha thiết muốn tìm một người bầu bạn đến mức quyết định đi gõ cửa từng nhà trong khu phố với lý do bán trái cây và rau củ. Chúng tôi là những người duy nhất mở cửa chào đón ông vào hôm trước.
Sau cùng, đĩa bánh quy cũng hết veo, rồi ông Locket chật vật đứng dậy. Sau khi nặng nhọc đi ra cửa, ông quay lại vẫy tay chào tạm biệt chúng tôi với nụ cười trên môi.
Khi nhìn ông đau đớn đi từng bước khập khiễng về phía chiếc xe đạp kiểu cổ được dựng tựa vào vách tường nhà chúng tôi, trái tim tôi như mềm đi. Ông ngồi lên xe đạp và lảo đảo đạp xe về phía cuối đường, còn tôi hy vọng rằng ông đã cảm thấy bớt cô đơn hơn trước một chút. Ông hứa sẽ trở lại thăm chúng tôi vào ngày mai, và tôi đã biết mình nên làm gì để đón tiếp ông ấy.
Ngày hôm sau, lũ trẻ nhà tôi háo hức đợi ông đến. Bàn ăn trong bếp được bày biện với chén đĩa sành, thìa bạc và những chiếc khăn ăn lạ mắt được xếp ngay ngắn bên cạnh mỗi chiếc đĩa. Được đặt trang trọng ở giữa bàn là một bó hoa nhỏ do chính tay các con tôi hái về. Hương thơm đầy quyến rũ của quế và đường tràn ngập khắp ngôi nhà khi ổ bánh táo bốc khói mời gọi được mang từ lò nướng ra đặt lên bàn.
Vừa bước vào bếp, ông Locket đã nhận ra rằng chúng tôi đang cố gắng tổ chức một bữa tiệc trà trang trọng cho ông và ông lập tức rưng rưng nước mắt. Ông nhìn chăm chăm ổ bánh táo vàng ươm phủ đường đặt trên bàn rồi tiến đến kéo ghế ngồi xuống cạnh hai cô con gái nhỏ của tôi, với vẻ thả lỏng ngay tức thì. Trong bữa trà, chúng tôi kinh ngạc ngồi nhìn ông say sưa ăn hết nửa ổ bánh một cách cực kỳ ngon miệng.
Sau khi lau sạch miệng và râu, ông nói với chúng tôi: “Bánh cháu nướng ngon hơn bánh của bác nhiều!”.
Lời khen của ông đã khơi gợi sự tò mò trong tôi: “Bác làm món bánh táo như thế nào ạ?”.
“Bác cắt táo ra, bỏ táo vào khuôn, rồi cứ thế nướng lên thôi.”
Tôi bật cười sau đó chia sẻ với ông một vài mẹo đơn giản có thể giúp ông cải thiện món bánh táo của mình.
Ngày hôm sau, chúng tôi lại thấy một chiếc giỏ nằm trên bậc tam cấp nhà mình, bên trong có mấy quả táo hồng.
Tối hôm đó, tôi lại nướng thêm một ổ bánh táo.
Ngày tháng trôi qua, ông Locket đã trở thành vị khách quen thuộc, ghé thăm ngôi nhà nhộn nhịp của chúng tôi hầu như mỗi ngày. Một cách dịu dàng và lặng lẽ, ông đã khiến bọn trẻ nhà tôi yêu mến ông như một người thân trong gia đình. Tôi thích nhìn ra phòng khách từ đằng sau khung cửa bếp, quan sát cảnh ông ngồi trên một chiếc ghế lớn, với một hoặc hai đứa con nhỏ của tôi túm tụm ngồi trên đùi ông, chăm chú ngước nhìn ông một cách thích thú khi ông đọc sách hoặc kể cho chúng nghe một câu chuyện.
Ông Locket đã trở thành một thành viên danh dự của gia đình chúng tôi. Khi bọn trẻ lên giường nghỉ trưa, ông cũng sẽ ngả đầu ra ghế và cùng bọn trẻ đi vào những giấc mơ. Ông thường về nhà khi mặt trời lặn, nhưng cũng có khi ông sẽ ở lại ăn tối, nếu hôm đó trong thực đơn có món bánh táo.
Những câu nói đùa bên bàn ăn ồn ào của gia đình chúng tôi luôn mang đến nụ cười rạng rỡ trên gương mặt đã hằn vết thời gian của ông. Sau bữa ăn, khi chồng tôi cho các con đi ngủ, tôi luôn đứng bên cửa nhìn theo người bạn già thân yêu của gia đình mình đạp xe về nhà trong bóng tối.
Một ngày nọ, ông tiết lộ với tôi sở thích của mình: “Cháu biết không, hồi trước bác hay đến thư viện mượn sách về đọc. Những quyển sách giúp bác lấp đầy những đêm dài tĩnh mịch. Nhưng dạo gần đây bác không đủ sức đi xa như thế nữa. Cháu có thể cho bác mượn một quyển sách được không?”.
“Thật là một ý tưởng tuyệt vời!” Tôi không thể tin nổi rằng chúng tôi chưa bao giờ nói về chuyện này trước đây. Tôi cũng rất thích đọc và chia sẻ những quyển sách hay. “Bác nghĩ sao nếu cháu xếp một chồng sách bên cạnh ghế để bác có thể đọc lúc sang chơi với bọn cháu, và sau đó, bác có thể mang mấy quyển sách về nhà đọc nốt nếu muốn ạ?” Nụ cười rạng rỡ trên môi ông đã nói thay câu trả lời.
Tôi thấy thích quan sát xem ông sẽ chọn đọc quyển sách nào và nhìn ông thả hồn mình vào từng trang sách. Ông vẫn dành thời gian để đọc sách cho bọn trẻ mỗi ngày và cái tên “Ông ngoại Locket” nhẹ nhàng đi vào những cuộc trò chuyện của chúng tôi. Ông bà nội ngoại của các con tôi đều sống ở xa, nên bọn trẻ không thể mời ông bà đến dự các buổi ca xướng ở Trường Dòng hoặc những buổi diễn kịch tại trường vào lễ Giáng sinh. Mặc dù tai đã nghễnh ngãng trầm trọng, ông Locket vẫn nhiệt tình đến xem mọi buổi diễn, hào hứng “Ồ” và “A” trước từng vai nhỏ của bọn trẻ.
“Ông có nghe thấy lúc cháu diễn không, ông Locket ơi?”, Heidi kêu lên.
“Chà, ông không nghe rõ cho lắm, nhưng ông biết là cháu diễn hay cực kỳ!”
Heidi tươi cười rạng rỡ, bàn tay nhỏ bé của con bé nắm lấy bàn tay gân guốc của ông. Hai ông cháu họ đã trở thành những người bạn thân thiết.
Ba năm sau lần đầu tiên gặp Ông ngoại Locket, chúng tôi nhận được tin mình sắp phải chuyển đến bang Ontario nằm ở phía bên kia đất nước. Đêm đó, tôi nằm trằn trọc không sao ngủ được và mặt trời đã bắt đầu ló dạng qua cửa sổ trước khi tôi kịp tìm ra một cách thật nhẹ nhàng để báo tin cho ông Locket.
Khi ông ghé thăm vào buổi sáng hôm đó, tôi đã hít một hơi thật sâu và thốt lên: “Bác Locket ơi, chúng cháu sắp phải chuyển đi nơi khác. Cả nhà cháu rất buồn. Bác đã trở thành một phần quý giá của gia đình cháu và bọn cháu… bọn cháu… bọn cháu sẽ luôn nhớ bác”, giọng tôi run lên.
Khuôn miệng già nua của ông Locket từ từ há hốc ra khi ông dần hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nước mắt long lanh nơi khóe mắt ông.
Cố nuốt xuống nỗi nghẹn ngào nơi cổ họng, tôi nắm lấy đôi bàn tay chai sạn của ông: “Cháu hứa sẽ luôn giữ liên lạc và viết thư cho bác thường xuyên. Bọn trẻ sẽ vẽ tranh cho bác và cháu sẽ gửi cho bác tất cả những quyển sách bác muốn đọc”. Giọng tôi nghẹn lại và tôi không thể nói thêm gì nữa.
Ông gật đầu và nhẹ nhàng đáp: “Cảm ơn các cháu vì đã luôn tử tế với một ông già như bác. Vào thời điểm bác vô cùng cô đơn, các cháu đã chào đón bác. Cuộc sống của bác đã thật sự trở nên hạnh phúc và tươi sáng hơn nhờ gia đình cháu”. Ông cúi xuống, đặt bàn tay còn lại lên tóc Heidi và nhìn con bé chăm chú như đang cố ghi nhớ từng đường nét trên gương mặt nhỏ bé ấy.
Trong lần cuối cùng bác ghé thăm, tất cả chúng tôi đã ôm Ông ngoại Locket thật chặt.
Khi ra về, ông khập khiễng bước ra khỏi cửa mà không hề ngoảnh lại, sau đó ông ngồi lên chiếc xe đạp gỉ sét rồi đạp về phía cuối đường.
Chúng tôi nhìn theo bóng hình quen thuộc đang khuất dần nơi góc phố một lần cuối mà lòng trĩu nặng. Khi cánh cửa đóng lại, chúng tôi biết một giai đoạn trong cuộc sống của chúng tôi sắp kết thúc và một chương mới đang mở ra, nhưng bất kể có ở đâu, chúng tôi cũng sẽ không bao giờ quên người bạn đáng quý ấy.
Tôi vẫn giữ lời hứa thường xuyên viết thư cho ông. Bọn trẻ vẽ tranh tặng ông, còn tôi thì đều đặn gửi sách cho ông qua đường bưu điện hằng tháng. Dù chưa nhận được một lá thư hồi đáp nào, nhưng chúng tôi biết rõ Ông ngoại Locket sẽ luôn hồi hộp kiểm tra hộp thư mỗi ngày để xem có nhận được gì từ chúng tôi không.
Khoảng một năm sau đó, một phong thư nhỏ được gửi đến nhà của chúng tôi, đó là thư từ con gái của Ông ngoại Locket. Cô thông báo với chúng tôi rằng người bạn cũ thân yêu của chúng tôi đã qua đời. Khi về nhà ông dọn dẹp, cô đã tìm thấy những bức thư, tranh vẽ và những món quà mà chúng tôi gửi, tất cả được cất cẩn thận trong ngăn kéo tủ đầu giường của cha cô. “Tôi rất biết ơn vì sự quan tâm tràn ngập yêu thương mà cô và gia đình cô đã dành cho cha tôi. Tôi có thể thấy gia đình cô có ý nghĩa với cha tôi đến nhường nào”, cô viết.
Với nỗi buồn vô hạn, tôi và chồng tôi báo tin dữ với bọn trẻ. Bên cạnh nỗi đau buồn trước sự ra đi của người ông thân thiết, chúng tôi cũng cảm nhận được cả sự biết ơn. Chỉ cần nhớ đến vẻ nhẹ nhàng và nụ cười tự nhiên của ông ấy là chúng tôi lại mỉm cười. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ không bao giờ quên tình yêu đặc biệt mà ông dành cho món bánh táo.
Chúng tôi vẫn luôn có cảm giác rằng hôm đó, người gõ cửa nhà chúng tôi không chỉ là một ông cụ bình thường, mà chính là một thiên thần trong lớp cải trang, người đã đến và trao cho chúng tôi tình yêu thương bất ngờ mà chúng tôi sẽ mãi luôn ghi nhớ.