“Hãy nhớ rằng dù có mất hết tất cả, bạn vẫn còn tương lai phía trước.”
– Bob Goddard
“Hãy nhớ rằng dù có mất hết tất cả, bạn vẫn còn tương lai phía trước.”
– Bob Goddard
Vào một ngày mùa xuân năm 1968, tôi đứng bên lề một con đường không mấy sầm uất ngoài ngoại ô hạt Cortland, bang New York, cố bắt xe để quay lại trường đại học nằm cách đó 120 ki-lô-mét. Lúc ấy, tôi đang học năm hai đại học và đang chìm trong hố sâu tuyệt vọng. Đã hai tuần rồi tôi không đến lớp và thậm chí, tôi còn đang có ý định bỏ học.
Khi nhìn thấy một chiếc xe hơi đang hướng về phía mình, tôi lập tức giơ cao tấm bìa các-tông có ghi chữ “Oneonta”. Khi chiếc xe đến gần, người lái xe có quay sang nhìn tôi một lúc nhưng rồi lại quay mặt đi và cho xe chạy luôn. Tôi không trách anh ấy và cũng không trách những người đã chạy ngang tôi mà không dừng lại suốt hai giờ qua. Không có lý do gì để họ phải dừng lại và cho tôi – một kẻ lạ mặt râu tóc bờm xờm trong chiếc quần soóc ngắn và chiếc áo tay dài mặc ngược – đi nhờ xe cả. Tôi hạ tấm bìa xuống và quyết định sẽ thu dọn đồ đạc quay về nhà ngay khi về đến ký túc xá. Trường đại học chỉ toàn dạy những lý thuyết xa vời, không có chút liên quan gì đến con người và đời sống thực tế ngoài kia.
“Chào anh bạn”, bỗng có ai đó hét lên và ở làn đường đối diện, một chiếc xe hơi hiệu Rambler màu nâu cũ kỹ từ từ tấp vào lề. “Em đang học đại học ở Oneonta à?”
“Dạ đúng”, tôi đáp. “Đại học Bang Oneonta. Sao vậy ạ?”
“Chờ chút nhé”, người lái xe nói. Sau đó, anh đánh vô-lăng quay đầu xe và tấp vào lề đường trước mặt tôi. Tôi bước đến gần cửa sổ cạnh ghế phụ lái và thấy có một phụ nữ đang ẵm một đứa bé ngồi bên trong.
“Em đứng đây lâu chưa?”, người lái xe hỏi. Anh có một bộ râu rậm rạp và đeo một cặp kính gọng đen.
Nhìn chiếc nón lưỡi trai và áo sơ mi sọc ca-rô xỉn màu của anh, tôi biết anh vừa đi làm về.
“Được vài tiếng rồi ạ”, tôi nói.
Anh nói: “Cũng trễ rồi. Xe cộ trên đường thì đang thưa thớt dần”. Anh nhìn đồng hồ và quay sang người phụ nữ bên cạnh. Họ trao nhau một cái nhìn hiểu ý.
“Em lên xe đi”, anh nói tiếp. “Tụi anh sẽ chở em đi.”
“Anh chắc chứ ạ?”, tôi ngần ngại hỏi. “Anh đang đi hướng ngược lại mà.”
“Tụi anh chỉ đang lái xe dạo vòng vòng thôi”, người đàn ông nói. “Tụi anh không ngại đưa em đến Oneonta đâu.”
Băng ghế sau chật kín đồ đạc – một chiếc ghế ngồi xe hơi dành cho trẻ em, một chiếc xe đẩy em bé cùng rất nhiều túi đồ dùng cho trẻ em. Tôi đi về phía cuối xe và mở cửa bước lên xe. Lọt thỏm giữa hai chân tôi là một chiếc hộp đựng thức ăn bằng kim loại màu đen và một bình đựng nước bằng thép. Tôi vẫn không thể tin được. Người đàn ông này đã quyết định lái xe một tiếng rưỡi đồng hồ theo hướng ngược lại với lộ trình của mình để đưa tôi đến Oneonta, rồi sau đó quay về.
Người lái xe lên tiếng tự giới thiệu: “Anh tên là Aaron. Đây là vợ anh, Sylvia, và con trai anh, Zack”.
“Chào anh chị, em tên là Dave ạ.”
Tôi xoay xở để ổn định chỗ ngồi trong lúc anh Aaron và chị Sylvia bàn xem nên đi đường nào. Họ nhanh chóng thống nhất ý kiến, rồi chiếc xe bắt đầu lăn bánh.
Anh Aaron bắt chuyện: “À, thật ra hôm nay khi anh về đến nhà thì Zack đang quấy khóc còn Sylvia thì như sắp phát điên. Thế nên, anh quyết định đưa cả nhà đi hóng gió và giờ thì bọn anh đang trên đường đến Oneonta”.
“Nếu anh không phiền, em có thể hỏi là anh làm nghề gì không ạ?”, tôi hỏi.
“Anh làm việc tại một công ty lắp ráp xe tải, phụ trách bắt ốc cố định phần sàn của xe tải. Lương không cao nhưng được cái công việc cũng nặng nhọc lắm.” Vừa dứt câu nói đùa, anh bật cười to. Qua gương chiếu hậu, tôi có thể thấy vẻ phờ phạc và mệt mỏi trên gương mặt anh. Dường như anh lớn hơn tôi chỉ một hoặc hai tuổi.
Trong vài phút tiếp theo, tất cả chúng tôi đều im lặng. Với cảm giác nhẹ nhõm vì tìm được người cho quá giang, tôi nhìn ra cửa sổ, hướng mắt về phía những ngọn đồi trập trùng đằng sau các trang trại bò sữa. Những người nông dân đang ngồi trên máy cày, xới những luống cày sâu. Anh Aaron và chị Sylvia nhỏ giọng trò chuyện với nhau, chủ yếu là nói về bé Zack: khi nào cậu bé thức dậy, lần sau cùng cậu bé uống sữa là khi nào. Giọng nói của họ hòa vào tiếng ồn của động cơ và tiếng rì rầm của hệ thống truyền động.
“Em đang học chuyên ngành gì ở đại học thế?”, anh Aaron chợt hỏi tôi. Ánh mắt chúng tôi chạm nhau qua chiếc gương chiếu hậu. Câu hỏi tưởng chừng hết sức bình thường, nhưng tôi biết nó sẽ đưa đến nhiều câu hỏi khác nữa.
“Dạ là Ngôn ngữ Anh”, tôi trả lời. “Sư phạm Trung học cơ sở.”
“Em định trở thành một giáo viên à?”
“Dạ đúng vậy”. Tôi hơi ngạc nhiên khi mình trả lời một cách chắc nịch và nhanh nhảu như vậy.
“Tuyệt quá! Em có nghe thấy không, Sylvia? Dave muốn trở thành một giáo viên đấy.”
“Em nghe mà”, chị Sylvia lên tiếng đáp. Zack thức giấc và bắt đầu cựa quậy. Chị Sylvia nhẹ nhàng cởi chiếc khăn quấn quanh người Zack ra và đỡ cậu bé đứng trên đùi mình. Chị ngoái đầu nhìn về phía tôi rồi lập tức quay lại nói với Zack: “Chúng ta cần những giáo viên giỏi. Đúng không nào, Zack?”.
Tôi hơi ngạc nhiên trước thái độ nhiệt tình của họ khi nói về nghề nghiệp mà tôi vốn chỉ chọn bừa.
“Em có anh chị em gì không?”, anh Aaron lại hỏi.
“Em có hai anh trai và một em gái.”
“Họ có học đại học không?”
“Dạ không. Chỉ mình em thôi ạ.”
“Vậy em là người đầu tiên trong gia đình học lên đại học à?”
“Em nghĩ vậy.” Trước giờ tôi thật sự chưa từng nghĩ đến thực tế này.
“Ồ! Hẳn là cha mẹ em tự hào về em lắm.”
“Dạ chắc là vậy.”
“Chỉ ‘chắc’ thôi ư? Trở thành người đầu tiên trong gia đình học lên đại học là một việc rất trọng đại đấy.”
Tôi hơi bối rối vì giọng điệu hào hứng của anh Aaron và chỉ biết im lặng nhìn ra cửa sổ.
“Em đừng bận tâm đến Aaron”, chị Sylvia nói. “Ước mơ của Aaron là được trở thành người đầu tiên trong gia đình học lên đại học, nhưng điều kiện tài chính nhà anh ấy không cho phép.” Chị chỉ vào chiếc túi bên cạnh tôi: “Em lấy giúp chị một bình sữa trong cái túi đó được không, Dave?”.
Tôi mở chiếc túi ra và thấy bên trong có rất nhiều bình sữa. Tôi lấy một bình đưa cho chị Sylvia. Chị ôm Zack vào lòng và cẩn thận cho cậu bé uống sữa.
“Em đang có một cơ hội rất tốt đấy”, anh Aaron nói. “Một tương lai tươi sáng đang chờ đón em.”
Trên đường đi, anh Aaron tiếp tục hỏi tôi về cuộc sống đại học và tôi đã kể anh nghe về những trải nghiệm khi sống trong ký túc xá, về những bữa ăn ở căn-tin, về các giảng viên cũng như các sự kiện trong trường. Tôi rất ngạc nhiên khi nhận ra mình đang kể về những trải nghiệm của bản thân theo hướng rất tích cực. Khi xe sắp về đến trường đại học, tôi bắt đầu suy nghĩ lại về quyết định bỏ học của mình. Tôi đã nghĩ gì mà lại đưa ra một quyết định như vậy thế?
Mặt trời khuất dần khi chúng tôi đến nơi. Tôi chỉ đường cho anh Aaron, nhờ anh để tôi xuống ở cổng sau của trường để anh tiện đường lái xe về. Tôi vét sạch cả túi lẫn ví rồi đưa cho anh 5,83 đô-la, đủ để đổ xăng. Anh Aaron từ chối, nhưng tôi nhất quyết nài nỉ. Khi chúng tôi nói lời tạm biệt, anh đã bắt tay tôi. Tôi có thể cảm nhận những vết chai trên bàn tay anh, rồi anh siết chặt lấy tay tôi khi tôi nói cảm ơn anh một lần nữa.
“Nhưng thật ra nếu chúng ta không giúp đỡ người khác, thì ai sẽ giúp đỡ chúng ta đây?”, anh nói.
Khi chuẩn bị rời đi, anh Aaron bỗng hạ cửa sổ xe xuống và hét lớn: “Này anh bạn! Có thể một ngày nào đó Zack sẽ trở thành học sinh của em đấy”.
“Em rất mong chờ đến ngày đó ạ”, tôi đáp lời.
“Có thể sẽ hơi lâu đấy”, anh mỉm cười.
Tôi nhìn theo chiếc xe đang chầm chậm chạy lên đồi, đợi cho đến khi ánh đèn chiếu hậu dần khuất xa. Tôi đang lạnh cóng, rỗng túi và đã trễ hạn nộp bài tập hơn hai tuần, nhưng lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy được tương lai phía trước của bản thân, tâm hồn tôi ngập tràn cảm giác hào hứng khi cuối cùng tôi cũng tìm được mục đích sống. Tôi nhất định sẽ cố gắng vượt qua năm hai, tốt nghiệp đại học và thành công bước vào con đường giảng dạy. Ngày hôm đó, anh Aaron và chị Sylvia không chỉ đưa tôi trở lại trường mà còn trao tặng tôi một tấm vé đến tương lai, dù họ không hề hay biết điều đó.