“Sự tử tế là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe được và người mù có thể nhìn thấy.”
- Mark Twain
Chú Vijay Goel luôn đem đến cho tôi những bất ngờ thú vị. Tôi rất vui khi được đi chơi cũng như cưỡi ngựa trong rừng cùng chú. Tất nhiên là tôi rất thích sự quan tâm mà chú dành cho tôi. Chú là một người đầy nhiệt huyết và chú cháu tôi đã dành hàng giờ để thảo luận về ý nghĩa của cuộc sống. Chú quan niệm rằng cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều nếu chúng ta biết cho đi. Chú yêu những điều đơn giản và bình dị, nhưng đôi khi những việc chú làm thật phi thường.
Thời gian thấm thoát trôi qua, và tôi bước vào tuổi thiếu niên lúc nào không hay. Hè năm ấy, chú Goel rủ tôi tham gia một chuyến cắm trại đặc biệt. Ban đầu tôi hơi lưỡng lự vì các anh chị tôi đều không tham gia, nhưng sự nhiệt tình của chú đã thuyết phục tôi rằng đó là điều nên làm. Khi nhận lời đi cùng chú, tôi thật sự không biết điều gì đang chờ đợi mình phía trước.
Chú Goel là thành viên của một nhóm hoạt động hỗ trợ phát triển cộng đồng tại một ngôi làng hẻo lánh mang tên Bishunpur thuộc Ấn Độ, đây là nơi sinh sống của bộ lạc Adivasis. Chú và các thành viên trong nhóm là những chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y tế, nông nghiệp và tâm lý. Lúc ấy, tôi không nghĩ rằng chuyến đi dài đầy vất vả này sẽ để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc mãi về sau. Tôi đã chứng kiến nhóm công tác của chú vượt qua rào cản ngôn ngữ và biết bao khó khăn trở ngại để hỗ trợ cải thiện đời sống của bộ lạc Adivasis. Họ đối mặt với mọi phản ứng của người dân trong bộ lạc bằng lòng nhiệt tình và tận tâm trong công việc.
Chú Goel luôn tự tin rằng mình có thể vượt qua mọi thử thách. Trong những tình huống mà mọi người hầu như cảm thấy bế tắc thì chú luôn đưa ra những hướng đi mới hay những giải pháp đảo ngược tình thế.
Có lần chú đọc báo và tình cờ bắt gặp một mẩu tin tìm người hiến thận. Chú quyết định hiến một quả thận của mình cho bệnh nhân không may đó. Chú không cần tiền bồi dưỡng, chẳng cần được công nhận vì việc làm rộng lượng của mình và cũng không hỏi ý kiến của người khác để tránh bị phản đối. Chú âm thầm đặt vé máy bay và bay đến một bệnh viện ở Hyderabad, cách Delhi khoảng 2.000 km, để tiến hành phẫu thuật hiến thận. Chú Goel lặng lẽ đi mà không nói với ai trong gia đình. Trước khi lên bàn mổ, chú nhắn tin báo cho tôi biết rằng chú sắp hiến một quả thận của mình cho một người xa lạ, và chú bắt tôi hứa phải giữ kín chuyện đó. Mọi người trong nhà rất lo lắng và hỏi tôi rằng chú đã đi đâu. Tôi tôn trọng lời hứa với chú và quyết định im lặng không nói gì.
Ngày trở về, chú trông hơi xanh xao so với bình thường, có thể là do chú vẫn chưa bình phục hẳn sau cuộc phẫu thuật. Cả nhà đang đợi chú về để trả lời những câu hỏi cho sự biến mất của chú trong mấy ngày qua. Tôi đứng yên và dõi theo chú bước vào nhà. Tôi nhận thấy trong ánh mắt của chú là niềm vui vì mình vừa làm được một việc ý nghĩa. Tôi biết rằng chú đã chọn làm theo điều trái tim mách bảo.
Tinh thần cho đi vô vị lợi là một bài học quý giá mà tôi đã học được bài học đó từ chú Vijay Goel. Chú đã giúp tôi hiểu rằng cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều nếu chúng ta biết cho đi.