“Khi bạn mang đến những giây phút tuyệt vời cho người khác thì chính bản thân bạn cũng sẽ được tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt vời.”
- E. H. Kinney
Khi nhìn lại cuộc sống của mình, tôi cảm thấy may mắn vì mình đã có thật nhiều khoảnh khắc đáng nhớ.
Năm lên tám tuổi, tôi bị chẩn đoán mắc bệnh bại liệt và phải nằm chung phòng bệnh với ba mươi lăm bệnh nhân khác, ai cũng phải thở bằng máy. Tôi khóc rất nhiều vì không ai, kể cả cha và mẹ, được tới thăm tôi. Mắc bệnh bại liệt và có nguy cơ lây cho người khác là một nỗi sợ thường trực. Đến cả các y tá cũng tránh tiếp xúc với chúng tôi. Có lúc tôi nằm một chỗ mà nôn mửa cả đêm, vì tôi quá yếu nên không thể tự đi vào phòng vệ sinh cũng như quá sợ nên không dám nhờ người khác giúp đỡ.
Sáng hôm sau, một vị bác sĩ tới khám cho tôi. Ông đỡ tôi ngồi dậy rồi lau người cho tôi. Ông ôm tôi vào lòng và rơi nước mắt khi nhìn thấy tôi như thế, và thế là tôi cũng khóc theo. Với một đứa bé luôn sợ hãi, cái ôm ấm áp đó là một trong những khoảnh khắc tuyệt vời hiếm hoi mà tôi có được trong suốt thời gian nằm viện.
Cuối cùng thì tôi cũng được xuất viện về nhà. Nhưng chỉ được vài ngày thì cha mẹ tôi nhận được kết quả xét nghiệm cho thấy tôi đã nhiễm lao. Tôi có thể chọn trở lại bệnh viện hoặc cách ly tại nhà, và tôi chọn điều trị tại nhà. Tôi thà bị cách ly trong phòng còn hơn là phải gắn mình với máy thở nhân tạo, song việc sống tách biệt với bạn bè và người thân vẫn vô cùng khó khăn đối với tôi. Vào lễ Giáng sinh, cha tôi gõ cửa sổ phòng tôi và khi nhìn ra ngoài sân tuyết phủ trắng xóa, tôi thấy những dấu chân của cha viết thành dòng chữ, “Cha yêu con, Tommy”. Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời mà tôi đang rất cần.
Vài năm sau, tôi trở lại trường học và đã quên rất nhiều kiến thức cũ. Dù vậy, tôi vẫn rất phấn khởi khi được đi học lại. Nhưng ngày đầu tiên đến lớp, thầy giáo nói với tôi rằng, “Tommy, em lên bàn đầu ngồi đi”. Người tôi to quá khổ so với chiếc bàn nhỏ xíu, tôi xấu hổ co người lại để trốn ánh mắt của mọi người xung quanh đang đổ dồn vào mình. Thầy nói tiếp, “Để tôi kiểm tra xem kiến thức của em còn được bao nhiêu”. Rồi thầy yêu cầu tôi lên bảng viết từ “con mèo” nhưng lúc đó tôi run đến mức quên cả cách đánh vần cái từ đơn giản đó. Tôi cố giải thích cho thầy hiểu hoàn cảnh của mình, nhưng thầy không chỉ không chịu lắng nghe mà còn thét lên giận dữ, “Em đùa với tôi đấy à? Ra khỏi lớp ngay”.
Sau ngày ấy, tôi không bao giờ trở lại trường học nữa. Việc mù chữ khiến tôi phải chịu nhiều thiệt thòi trong nhiều năm. Một ngày nọ, tôi tình cờ được một người bạn đọc cho nghe quyển hồi ký của một triệu phú từng bị mù chữ. Ông ấy cũng từng có một tuổi thơ bệnh tật và nghèo khổ, nhưng nhờ nghị lực và ý chí phi thường mà ông quyết tâm học tập và có được thành công như ngày hôm nay. Câu chuyện đó đã tiếp thêm cho tôi động lực tìm lại con chữ.
Trong khi nhiều người ở tuổi tôi bắt đầu nghỉ hưu thì tôi quyết định dành trọn quãng đời còn lại của mình để giúp những người lớn mù chữ được đi học. Tôi kể cho họ nghe những câu chuyện minh chứng rằng cuộc sống của nhiều người đã thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn sau khi họ biết đọc và biết viết. Chứng kiến cuộc sống của họ tốt đẹp lên từng ngày cũng là một trong những khoảnh khắc tuyệt vời của tôi.
Tôi biết rằng 80% tù nhân ở Mỹ không biết chữ và tôi cũng đã tìm đến và giúp họ xóa mù chữ. Trong một buổi lễ tốt nghiệp tại nhà tù, học viên tốt nghiệp hôm ấy là những tội phạm thọ án chung thân. Những tù nhân này đều bị cùm tay và đứng bên cạnh họ là các lính canh. Ông quản đốc nhà tù quay sang nói nhỏ với tôi, “Ông nhớ không được đưa micro cho tù nhân hay đứng gần bọn họ nhé”.
“Vâng, tôi biết rồi”, tôi đáp. Tôi nghĩ rằng ý ông ấy muốn nói là những tù nhân này rất nguy hiểm và chỉ cần họ tước được micro có kết nối với hệ thống phát thanh công cộng của nhà tù thì sẽ có bạo loạn xảy ra ngay.
Tôi chúc mừng các học viên rồi trao bằng chứng nhận cho họ. Những người này không bao giờ được ra tù, nhưng rõ ràng họ đã mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ đọc được những trang sách viết về những miền đất lành mà họ không bao giờ có thể đặt chân đến nữa.
Trong phần giải đáp thắc mắc, một tù nhân trẻ có vẻ ngoài dữ tợn xin phép được bước lên sân khấu. Tôi khẽ liếc nhìn ông quản đốc và ông ấy lắc đầu ra hiệu là không được. Tôi lại quay sang người tù nhân và thấy đôi mắt anh đang rưng rưng. Anh biết đây có thể là lần cuối cùng mình có cơ hội kết nối với thế giới bên ngoài. “Nhưng thưa ông Harken, tôi chỉ xin được nói vài lời với ông tôi thôi”, anh nói như van ơn.
Tôi lại nhìn ông quản đốc, và ông ấy vẫn lắc đầu. Nhưng khi quay sang và chạm phải ánh mắt cầu xin của người tù, tôi không thể kìm lòng được nữa. “Thôi được rồi, anh cứ lên đây”, tôi nói.
Ánh mắt anh lấp lánh niềm vui, lòng biết ơn, sự thành thật và cả một chút sợ hãi. Tôi tin chắc rằng anh sẽ không làm điều gì quá khích. Tay anh run run khi cầm lấy micro, anh lau nước mắt và hắng giọng.
“Tôi muốn tất cả mọi người ở đây biết ông tôi là ông cụ mặc bộ quần áo bạc màu đứng đằng kia. Ông ơi, cháu sẽ chẳng bao giờ được ra khỏi đây, tất cả cũng chỉ vì cháu đã không nghe theo lời ông”, anh nghẹn ngào. “Nhưng cháu đã cố gắng để lấy được tấm bằng này vì cháu muốn ông thấy rằng cháu luôn muốn thay đổi để tốt hơn. Cháu yêu ông và cháu xin lỗi…”
Khi giọng người tù lạc đi, tôi nhận lại micro và mời người ông bước lên bục và trao cho cháu mình một cái ôm. Tôi nhìn ông quản đốc trại giam, rồi nhìn những người lính canh. Mắt ai cũng rưng rưng.
Tôi lại có thêm một khoảnh khắc thiêng liêng nữa! Khoảnh khắc mà tôi sẽ không bao giờ quên.