“Tình yêu thương và sự tử tế không bao giờ là lãng phí và luôn tạo nên sự khác biệt trong cuộc sống. Nó mang lại hạnh phúc cho cả người trao đi lẫn người nhận được tình yêu.”
- Barbara De Angelis
Hai mươi năm trước, tôi kiếm sống bằng nghề lái taxi. Có lần tôi đến đón khách tại một căn hộ tối om, chỉ có ánh đèn hắt ra từ cửa sổ của căn phòng ở tầng trệt.
Trong những tình huống thế này, các tài xế thường bóp còi một hai lần và đợi tầm một phút rồi bỏ đi. Nhưng tôi cũng gặp nhiều khách hàng mà taxi là phương tiện giao thông duy nhất của họ. Trừ khi cảm thấy có sự nguy hiểm, tôi luôn xuống xe và bước đến cửa nhà vì nghĩ có thể vị khách đó cần được giúp đỡ. Lần này cũng vậy, tôi bước đến và gõ cửa.
“Xin đợi một chút”, một giọng nói yếu ớt của người già đáp lại tiếng gõ cửa của tôi.
Tôi nghe thấy tiếng vật gì đó bị kéo lê dưới sàn. Một lúc sau, cánh cửa mở ra và một bà lão dáng người nhỏ bé, tuổi tầm tám mươi, đứng trước mặt tôi. Bà mặc chiếc đầm in hoa và đội chiếc mũ không vành có đính tấm mạng che mặt, trông bà cứ như bước ra từ bộ phim của những năm 1940. Bên cạnh bà là một chiếc vali nhỏ.
Căn hộ trông như bị bỏ hoang nhiều năm. Tất cả đồ nội thất đều được phủ màn. Trên tường không có đồng hồ, trong nhà cũng chẳng có đồ gia dụng, và tôi thoáng trông thấy một thùng giấy chất đầy những tấm ảnh và đồ thủy tinh nằm gọn trong một góc nhà.
“Cháu giúp bà mang hành lý ra xe được không?”, bà nói. Tôi xách vali ra xe trước, rồi quay lại đỡ bà cụ. Bà bám vào cánh tay tôi rồi chúng tôi chầm chậm bước ra xe. Bà cứ luôn miệng cảm ơn sự tử tế của tôi.
“Có gì đâu ạ”, tôi vui vẻ đáp lời bà lão. “Cháu chỉ cố gắng đối xử với người khác theo cách cháu muốn mọi người đối xử với mẹ mình thôi mà.”
“Ồ, cháu đúng là một đứa con ngoan”, bà khen tôi. Khi ngồi vào xe, bà đưa tôi địa chỉ và hỏi, “Cháu chở bà đi ngang qua khu trung tâm được không?”.
“Đó không phải là đường ngắn nhất đâu bà”, tôi mau mắn đáp.
“Không sao”, bà nói, “bà không vội gì đâu. Bà đang trên đường đến nhà an dưỡng cuối đời thôi.”
Tôi nhìn qua kính chiếu hậu và thấy mắt bà có vẻ ươn ướt.
“Bà chẳng có ai thân thích”, bà bộc bạch. “Bác sĩ nói bà không còn sống được lâu nữa.”
Tôi lặng lẽ đưa tay tắt đồng hồ ki-lô-mét trên xe. “Bà muốn cháu đi đường nào?”, tôi hỏi.
Trong hai giờ tiếp theo, tôi chở bà dạo quanh thành phố. Bà chỉ tôi tòa cao ốc nơi bà từng làm nhân viên điều khiển thang máy. Chúng tôi đi ngang qua khu phố nơi vợ chồng bà từng sống hồi mới kết hôn. Bà nói tôi dừng xe trước một căn nhà kho chứa nội thất, nơi từng là vũ trường mà bà thường đến vui chơi hồi còn con gái. Có lúc bà yêu cầu tôi đi chậm lại khi đi ngang qua một tòa nhà hoặc góc phố, rồi bà chỉ nhìn chăm chăm vào bóng tối và lặng thinh không nói gì.
Khi tia nắng đầu tiên của ngày chiếu qua tán cây, bà đột nhiên nói, “Bà mệt rồi. Chúng ta đi thôi.”
Tôi chở bà đến đúng địa chỉ ghi trên giấy. Trên suốt quãng đường đó, cả hai chúng tôi đều lặng im không nói lời nào.
Điểm đến của bà là một nhà an dưỡng nhỏ nằm ở ngoại ô. Hai cô hộ lý bước ra xe để đón bà ngay khi chúng tôi vừa dừng trước cửa. Hẳn là họ đang trông bà đến. Họ có vẻ quan tâm và chu đáo, dõi theo từng bước đi của bà. Tôi mở cốp xe và mang vali của bà đến cửa. Bà lão bây giờ đã được đặt ngồi trên chiếc xe lăn.
“Bà nợ cháu bao nhiêu tiền taxi nhỉ?”, bà lão vừa hỏi vừa với tay lấy cái ví.
“Cháu không lấy tiền đâu ạ”, tôi trả lời.
“Đâu có được, cháu còn phải kiếm sống chứ”, bà khăng khăng.
“Cháu còn nhiều khách hàng khác mà bà.”
Rồi gần như chẳng hề suy nghĩ, tôi cúi xuống ôm bà lão, và bà cũng vòng tay ôm tôi thật chặt.
“Cháu đã mang đến cho bà niềm vui nho nhỏ vào những ngày cuối đời”, bà xúc động nói. “Cảm ơn cháu nhiều lắm.”
Tôi siết chặt tay bà rồi ra về trong ánh bình minh của ngày mới. Tôi nghe tiếng cánh cửa sau lưng mình đóng lại, và dường như âm thanh đó cũng khép lại một đời người.
Cả ngày hôm đó tôi không đón thêm hành khách nào nữa mà chỉ lái xe trong vô định và chìm vào suy nghĩ của mình. Tôi cũng chẳng nói chuyện với ai trong suốt ngày hôm đó. “Lỡ như lúc đó bà lão này gặp phải người tài xế cộc cằn thì sao? Nếu như lúc đó tôi từ chối chở bà hoặc chỉ bóp còi một lần rồi bỏ đi thì bà sẽ thế nào?”, tôi miên man suy nghĩ.
Tôi nghĩ đây là việc quan trọng và ý nghĩa nhất mà tôi từng làm trong đời. Chúng ta thường mải mê tìm kiếm những khoảnh khắc tuyệt vời, nhưng khoảnh khắc tuyệt vời thường xảy đến với ta vào những lúc ta không ngờ đến nhất và nó thường ẩn trong những việc bị cho là nhỏ nhặt.