ĐÀO VĂN SỬ
Nhìn những cựu chiến binh quàng khăn rằn, đội mũ tai bèo hăm hở lội bộ vào khu rừng Mã Đà càng thấy tình cảm sâu nặng với thời lửa khói chiến tranh của những anh Bộ đội Cụ Hồ năm xưa: “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Đón tiếp Đoàn và là hướng dẫn viên tình nguyện cho Đoàn chính là những cựu chiến binh Bình Phước. Họ là cán bộ, công nhân viên, lực lượng giữ rừng của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ B.58 (Công ty trách nhiệm hữu hạn B-58).
Khu rừng quý, của chiến khu xưa
Trước khi đi sâu vào rừng, Đoàn thắp nhang tưởng niệm các liệt sĩ năm xưa đã nằm lại nơi đây và đứng dưới gốc cây kơ nia nghe lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn B.58 giới thiệu về tài nguyên rừng và những cựu chiến binh giữ rừng ở đây. Cây kơ nia cao hơn 30 mét, chu vi gốc khoảng hơn 5 mét. “Trong rừng có hơn 30 cây kơ nia, nhiều cây to cao hơn cây này” - Cựu chiến binh Phạm Công Trường - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn B.58 nói vậy.
Trong thoang thoảng mùi hương, Thiếu tướng Trần Đình Hạng - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh gợi ý với các cán bộ công ty và anh em trong đoàn: Nên xây một am thờ để các du khách khi thăm rừng, tưởng niệm các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ vùng đất này. Có thể huy động nhiều nguồn lực - xã hội hóa, dựng tấm văn bia lớn, ghi tên các liệt sĩ. Làm như vậy vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” vừa kết hợp giữa du lịch sinh thái với văn hóa tâm linh...
Chúng tôi đi theo lối mòn vào rừng. Cuối mùa khô, rừng miền Đông Nam Bộ không còn xanh mướt mát của các tầng lá. Lá khô rụng đầy, lạo xạo dưới chân. Càng vào sâu, càng thấy thảm thực vật tự nhiên được bảo tồn, sinh trưởng tốt. Qua mỗi khoảnh rừng, chúng tôi lại gặp những cây cổ thụ cao vài chục mét, chu vi gốc cỡ vài người ôm. Cựu chiến binh, thương binh Vũ Ngọc Thuần - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Tiến đi rừng rất thạo. Gặp ngã ba, sợ đoàn đi sau lạc lối, anh nhanh trí vác một cành cây gác qua lối mòn. Anh nói: “Đi rừng phải thế, người đi sau thấy có vật chắn, hiểu ngay”. Mới hay, hơn 40 năm trước, anh cùng đồng đội chiến đấu ở vùng đất này. Thời gian không cho phép Đoàn đi sâu hơn trong khu rừng tự nhiên hơn 512 héc-ta, song ai cũng cảm nhận đây là khu rừng quý hiếm và thầm cảm ơn những cựu chiến binh ngày đêm lo giữ rừng gần 20 năm qua.
Lãnh đạo công ty trách nhiệm hữu hạn B.58 - chủ rừng Mã Đà, Bình Phước gần 20 năm quyết chí khoanh nuôi, bảo vệ rừng...
Ai hiểu tâm tư của các cựu chiến binh giữ rừng?
Trong câu chuyện với Ban Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn B.58 - đơn vị đang quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ khu rừng này, chúng tôi càng hiểu thêm nỗi tâm tư, day dứt của các cựu chiến binh ở đây.
Ngày 22 tháng 4 năm 1996, Lâm trường Mã Đà giao khoán việc “khoanh nuôi, bảo vệ, kết hợp trồng cây gây rừng, trồng cây công nghiệp dài ngày với tổng diện tích 512 héc-ta... với thời hạn 50 năm” cho Ban Liên lạc cựu chiến binh khối Tình báo B.58 (thuộc sự quản lý của Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh). Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, tôn tạo di tích lịch sử kháng chiến, Công ty trách nhiệm hữu hạn B.58 được thành lập ngày 16 tháng 11 năm 2009. Nhưng ngày 4 tháng 5 năm 2012 Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ra quyết định thu hồi đất lâm nghiệp đã giao khoán cho Ban liên lạc khối Tình báo B.58 để giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Bình Phước. Việc Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi là do Ban liên lạc B.58 có những sai phạm và sau đó đã giải thể. Điều đáng nói là việc giải thể này không ảnh hưởng đến hoạt động giữ rừng của Công ty B.58 vì Công ty hoạt động theo luật Doanh nghiệp. Từ khi thành lập, Công ty luôn chấp hành nghiêm pháp luật và quy định của địa phương. Năm 2008, Công ty được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thực hiện du lịch sinh thái. Năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản cho Công ty tiếp tục thực hiện hợp đồng khoanh nuôi, bảo vệ rừng. Ngay sau đó, Công ty thực hiện chỉ đạo của tỉnh: đào rãnh bao quanh khu rừng chống cháy, lập 5 chốt bảo vệ, thường xuyên có 20 người thay nhau tuần tra. Lực lượng bảo vệ là những cựu chiến binh và con em gia đình có công với cách mạng. Đã nhiều lần bọn lâm tặc vào đốn cây, bị lực lượng bảo vệ phát hiện, truy đuổi. Có lần kẻ xấu định dùng tiền hòng mua chuộc anh em bảo vệ để khai thác rừng trái phép nhưng chúng đều thất bại. Các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước tổ chức nhiều cuộc kiểm tra đều đánh giá Công ty B.58 giữ rừng tốt. Kết quả là, đến nay khu rừng này còn hàng trăm cây cổ thụ. Trong đó 54 cây cổ thụ thuộc 13 loài được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Quần thể cây di sản (Theo Quyết định số 398/QĐ-HMTg ngày 18 tháng 9 năm 2014).
Tôi gặp cựu chiến binh Trần Ngọc Hoán - cựu học viên Trường Sĩ quan Lục quân 2, hiện là chốt trưởng chốt 3 của rừng. Anh tâm sự: “Chúng tôi thường xuyên tuần tra canh gác vừa là trách nhiệm và cũng là tình yêu với rừng. Khi trời mưa gió, việc tuần tra canh gác rất vất vả. Cái khó là khi các chòi gác bị hư hại, tốc mái, chúng tôi muốn sửa nhưng chính quyền địa phương không cho. Ngay cả việc muốn khoan giếng lấy nước sinh hoạt cũng không được”... Tôi hiểu những “cái gây khó” ấy là do trước đó tỉnh đã có quyết định thu hồi, nhưng chưa thực hiện được. Còn anh Phạm Văn Trí - nhân viên bảo vệ, có vợ cùng làm việc tại công ty, mới có con nhỏ đang ở tạm chốt bảo vệ thì nói rằng: “Tôi đã 7 năm làm bảo vệ ở đây, nhiều lần phát hiện lâm tặc vào phá rừng. Năm trước, chúng lẻn vào khoảnh 8, cưa đổ cây lim (cao gần 20 mét, đường kính 0,6 mét). Chúng tôi phát hiện, đuổi theo nhưng không bắt được. Hiện nay cây lim vẫn nằm đó. Nếu Nhà nước không tạo điều kiện thuận lợi cho công ty, tăng cường thêm lực lượng bảo vệ thì khó giữ được rừng”.
Hỏi chuyện cựu chiến binh Phạm Công Trường - Giám đốc Công ty về sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ rừng, ông cho biết:
- Từ khi được giao quản lý rừng đến nay, Công ty chưa được tỉnh cấp kinh phí và chưa thu nguồn lợi nào từ rừng. Các khoản chi bảo vệ, chăm nuôi rừng thường xuyên... đều huy động đóng góp của các cựu chiến binh và lãnh đạo Công ty.
- Tỉnh trả lời thế nào về việc này?
- Chúng tôi kiến nghị nhiều lần với tỉnh và đã có đơn khiếu nại lên Thủ tướng Chính phủ nhưng hiện nay vẫn còn chờ đợi.
Ngày 27 tháng 11 năm 2014, trong buổi làm việc với Công ty tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh, ông Nguyễn Văn Trăm - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kết luận: “Mặc dù các sở, ngành của tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện Đồng Phú đã có báo cáo về quá trình giao khoán và thanh lý hợp đồng giao khoán với Khối tình báo B.58... và việc thu hồi rừng và đất lâm nghiệp của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ B.58... nhưng Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ B.58 vẫn chưa đồng thuận với các quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương với mục đích được tiếp tục thực hiện dự án. Do đó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ghi nhận các kiến nghị của Công ty và sẽ tiếp tục làm việc với Công ty nhằm giải quyết dứt điểm các nội dung còn ý kiến khác nhau...”.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước ngày 20 tháng 12 năm 2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Việc thu hồi rừng và đất lâm nghiệp giao khoán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn B.58 và Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Rạng Đông: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ xem xét, hướng dẫn tỉnh giải quyết theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ”.
*
Như vậy là những người có thẩm quyền cao nhất của tỉnh và Chính phủ đã biết nỗi băn khoăn, day dứt và những mong mỏi của Công ty B.58. Vấn đề đặt ra là sau khi có kết luận thanh tra của các Bộ và báo cáo, đề xuất của các sở, ngành tỉnh Bình Phước thì những người có thẩm quyền cần đưa ra quyết định thấu tình, đạt lý. Về lý thì đã rõ trên các văn bản, trên cơ sở Luật Đất đai và các thông tư hướng dẫn. Còn về tình thì nên đặt những nguyên nhân chủ quan, khách quan của Khối B.58 sang một bên để thấy những nỗ lực và hiệu quả của Công ty giữ rừng gần 20 năm nay - giữ bằng tình yêu rừng chứ không phải bằng thù lao của Nhà nước. Hơn nữa đây là những cựu chiến binh - những người đã có ân nghĩa với rừng, luôn mong muốn được bảo vệ di tích lịch sử kháng chiến, di tích của đồng chí Nguyễn Văn Linh - nguyên Bí thư Trung ương Cục, nguyên Tổng Bí thư của Đảng một thời lãnh đạo kháng chiến. Và đặc biệt, Công ty đang ấp ủ việc giữ rừng, chăm nuôi rừng với làm dịch vụ du lịch sinh thái và văn hóa tâm linh. Khai thác văn hóa tâm linh ở đây còn là cách giáo dục truyền thống và thể hiện tri ân với những liệt sĩ quên mình vì nước.
Khi trao đổi với Đại tá Huỳnh Thiện Hùng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước, quan điểm chúng tôi rất giống nhau - nên xem xét cả tình và lý. Anh Hùng nói: “Khi họp Hội đồng nhân dân tỉnh, mình phân tích nên ủng hộ các cựu chiến binh của Công ty B.58 vì nhiều lý do. Sau đó mình có công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh, nêu rõ: ... “Công ty đã duy trì hoạt động có nền nếp, có hiệu quả và đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm về quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ đất giao khoán. Công ty có đủ năng lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này... Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh ưu tiên cho Công ty B.58 được tiếp tục ký hợp đồng thuê lại... tạo điều kiện cho Công ty thực hiện ý nguyện của mình”...
Viết ra những dòng ấy, không chỉ vì anh là người đứng đầu Hội cựu chiến binh tỉnh mà còn vì anh rất yêu rừng - từng dũng cảm chiến đấu trong những cánh rừng miền Đông; nhiều đêm nằm trong rừng Campuchia chỉ đạo Đoàn Công binh 476 mở đường giúp bạn từ Xa Mát đi Công-pông Chàm. Những đêm ấy, tôi đã trò chuyện cùng anh dưới mái tăng lộp bộp tiếng mưa. Hôm nay chúng tôi lại tin yêu những cựu chiến binh giữ rừng Bình Phước.
(Báo Cựu Chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh)