TRIỆU PHONG
Xuân được nhận về công tác tại tòa soạn một tờ báo của thành phố ngay sau khi tốt nghiệp. Được ít ngày, trưởng ban phân công cho cô công việc đầu tiên:
- Một đề tài dành riêng cho em đấy nhé. Đi Chiến khu Đ, viết chân dung về một người lính già…
Giọng trưởng ban cứ véo von như chim hót. Xuân reo lên thích thú. Tuổi trẻ, cô thích đi đây đó lên rừng xuống biển để viết, chứ không muốn chỉ bó chân ở tòa soạn. Cô háo hức lên đường ngay.
Bạn trai cô bảo:
- Để anh đưa em đi!
Cô lắc đầu:
- Thôi anh ạ. Mới đi làm mà đã đưa đưa đón đón kỳ lắm…
- Nhưng Mã Đà là vùng rừng núi, cách thành phố đến gần trăm cây số...
Cô quả quyết:
- Em biết mà. “Mã Đà sơn cước anh hùng tận”. Nhưng tự em đi được…
*
Chiếc xe đò chạy bằng than chở cô đi từ bến xe Miền Đông tới Vĩnh Cửu, rồi cô thuê tiếp một chiếc xe ôm chở tới lâm trường. Đến một bến sông, người lái xe nói với cô: “Lâm trường rồi đó, qua phà là tới”. Một vùng rừng già uy nghiêm trải ra trước mắt, với những hàng cây lớn, vòm lá rộng, chạy dài vào sâu thăm thẳm. Ở trong đó có một người lính già nay làm ăn kinh tế mà Xuân sẽ tìm hiểu và sẽ viết bài báo đầu đời của mình…
Khi bước vào căn phòng giám đốc lâm trường, Xuân thấy một người đàn ông có lẽ là già trước tuổi, gương mặt nhiều nếp nhăn, mặc bộ đồ lính tuềnh toàng, áo bỏ ngoài quần, và miệng ngậm một điếu thuốc rê. Khi cô chào và đưa giấy giới thiệu, ông đeo mục kỉnh vào đọc rất kỹ, rồi ra hiên gọi Thủy ơi. Một người phụ nữ tên là Thuỷ đi vào:
- Chú Tư cho gọi con à?
Ông chỉ tay sang Xuân:
- Có cô ký giả này từ Sài Gòn mới xuống để viết báo về lâm trường mình. Có giấy giới thiệu của anh Bảy Sanh - Trưởng ty đây. Cô sắp xếp phòng khách cho cô ấy nghỉ, rồi chiều đưa cô ấy lên dự cuộc họp chung của Ban Giám đốc lâm trường với các đội trưởng sản xuất nghe.
Xuân liền nói chen ngang:
- Chú cho con gặp riêng chú một buổi được không ạ?
- Điều ấy tính sau. Để xem tôi có thời gian không đã. Mà tôi tính rồi, cứ ngồi dự cuộc họp chiều nay là cô đã biết nhiều chuyện về sản xuất của lâm trường mà viết rồi…
Chiều ấy Xuân được ngồi “bên lề” một cuộc họp sản xuất của lâm trường. Nghĩa là chỉ ngồi nghe mà không tham gia, không được hỏi han gì. Nhân vật chính mà Xuân đeo đuổi - Người lính già của rừng xanh, giám đốc lâm trường trịnh trọng ngồi giữa bàn, đeo kính lão, nhưng mắt lại cứ bâng quơ nhìn ra khung cửa sổ, miệng cứ lẩm bẩm một điều gì không rõ. Ngồi bên cạnh cũng là một phó giám đốc, ông Dân, ăn mặc như một sĩ quan quân đội, mũ mềm luôn đội trên đầu (sau này Xuân mới biết nhiều năm ông là sĩ quan quân đội, đã quen ăn vận như thế). Và một phó giám đốc khác, ông Tư giới thiệu tên là An, phụ trách về kinh doanh và sản xuất của lâm trường. Đặc điểm nổi bật của Phó Giám đốc An là so với các thành viên khác, anh trẻ quá, chỉ đáng làm con cháu của họ… Khi vào cuộc họp, Xuân còn phát hiện thêm An còn bật ra một đặc điểm nữa, và Xuân cảm thấy khá âu lo cho anh ta, là anh ta vặn vẹo anh em ghê quá. Trong khi ông Tư và ông Dân chỉ lặng lẽ ngồi nghe, và liên tục gật gù khi các đội trưởng báo cáo, thì An chốc chốc lại đứng lên, ngắt quãng người nói, quay ngang quay dọc họ với hàng chục các câu hỏi dồn dập. Các vị đội trưởng các đội khai thác, trồng rừng… mướt cả mồ hôi vì ông phó giám đốc này. Nhưng xem ra có vẻ không ai giận, vì khi chất vấn tranh cãi thì cứ rầm rầm, nhưng ngay sau đó lại rổn rảng nói cười, xoè lửa châm thuốc cho nhau như những người bạn thân…
Tối ấy nhân có trăng, ông Tư mới nói chị Thủy bày biện bàn ghế, ấm chén ra hiên nhà ông, để ông tiếp đón nữ ký giả. Khi Xuân đến, ông vào chuyện ngay, chẳng cần vòng vo thăm hỏi hay màu mè rằng cô đã ăn cơm chưa, rừng núi có đẹp không, vầng trăng trên đại ngàn này trông có thơ mộng không hả cô…
- Cô ạ, anh Bảy trưởng Ty nói tôi kể cho cô nghe về lâm trường, tôi xin chấp hành ý ảnh - Ông đã bắt đầu như thế - Ngày chống Mỹ, đây là Chiến khu Đ, tôi là Trưởng ban bảo vệ chiến khu. Hòa bình tôi lại được điều lên đây, góp phần thành lập lâm trường nầy - Ông quấn một điếu thuốc, xòe lửa, rít một hơi, rồi tiếp tục - Tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng khi tổ chức cần đến, là đi thôi. Tự tay tôi gỡ mìn, dỡ thép gai, mà nói thiệt với cô, có lần đi gỡ mìn, do tay mình có tuổi cứ run run, mìn động, nó nổ cho hút chết! Rồi đi hái lá chặt cây làm lán trại, trải làm chiếu làm giường mà nằm. Mà tôi nói thiệt, cái hơi đất vùng rừng này độc địa lắm, nhuốm nó một đêm là gân cốt mình nhão ra, nhức đến tận óc! Nguy hiểm gian nan như thế mình chẳng chối từ, cứ nghĩ thế là xong, ai dè đâu khi lâm trường dựng lên, bắt tay vô việc mới thấy hết gian nan, khổ cực. Sao mình trên cạn, mà cứ như người bị ngợp trong nước. Trăm thứ kế hoạch, trăm con số, trăm con người mỗi người mỗi nết, cả tôi, cả ông Dân - Phó Giám đốc cùng lúng túng chẳng biết xoay sở thế nào. Mà tôi nói cô hay ông Dân ấy không phải là tay vừa. Ông ấy người xứ Nghệ, tham gia bộ đội từ nhỏ, đánh hết chiến dịch này đến chiến dịch kia, từng hét ra lửa, đánh Pháp xong ông ấy đã là cán bộ cấp tiểu đoàn, rồi dẫn cả đơn vị đi lập lâm trường ở vùng rừng Tuyên Quang, rồi được điều vào làm giám đốc ở lâm trường nơi xứ Nghệ, ươm gieo, bảo vệ hàng chục ngàn héc-ta cây xanh trong đạn lửa… Lãnh đạo như tôi, như ông ấy đâu có xoàng, thế mà làm ăn lại cứ như gà mắc tóc, chuệch choạc, quân hồi vô phèng, ba năm liền không hoàn thành kế hoạch trên giao. Hòa bình mà đói khổ, hơn 300 đứa, có nhiều thằng từng kề vai với tôi thời kháng chiến ở đây, chúng nó bơi qua sông Đồng Nai kia bỏ về thành phố. Tình cảnh bi đát quá, tôi đã tính phải giải thể lâm trường, hoặc mình viết cái đơn xin chịu kỷ luật không hoàn thành nhiệm vụ, rồi về cuốc đất làm vườn cho vợ cho con…
May quá lúc này có ông Trưởng ty Lâm nghiệp mới, là ông Bảy Sanh, cũng người Vĩnh Cửu đây nhưng có thời gian đi tập kết, làm ở Tổng cục Lâm nghiệp ngoài Bắc. Anh Bảy sâu sát xuống tận lâm trường tìm hiểu và chỉ đạo chúng tôi tháo gỡ. Nhưng cô thử tính xem, cái đất Đồng Nai này bao nhiêu là rừng, cả ty có hàng chục lâm trường, mỗi lâm trường lại yếu kém khác nhau, làm sao bắt ông Trưởng ty chỉ ôm một mình lâm trường tôi được?
Thế cho nên ổng mới phái các trợ lý tham mưu xuống. Thằng An là kỹ sư trên Ty, được phái xuống đợt ấy. Thực lòng với cô, buổi đầu tui không muốn tiếp. Không phải vì cái bản mặt non choẹt của nó. Mà cái chính tôi nói thực là tôi ghét cay ghét đắng mấy thằng cha cấp trên hay làm ăn lớt phớt. Họ xuống cơ sở mà như cha người ta, hạch sách đủ điều.
Khi thằng An xuống, tôi nói thẳng:
- Cậu xuống đây nắm tình hình thì về đi. Có bao nhiêu cái xấu ở đây tôi đã báo cáo Trưởng ty hết rồi. Tôi là đảng viên, tôi chẳng giấu Đảng chuyện gì đâu.
Nó cứ nhìn vào mắt tôi đăm đăm:
- Anh Tư ạ, anh Bảy Sanh đưa chúng em xuống, hy vọng có thể từ thực tiễn lâm trường đóng góp thêm chút gì với anh chăng?
Tôi vẫn thờ ơ:
- Thì làm đi…
Nó nằm đây liền hai tháng. Cùng anh em ăn bo bo, chịu mưa chịu nắng lặn lội trong rừng. Con vợ nó ở thành phố, nhìn cũng như cô, cũng trẻ đẹp lắm (Xuân đỏ mặt, cảm giác ngường ngượng), mà chủ nhật nó cũng không về thăm. Thế rồi một hôm, nó lên gặp tôi, trình bày phương án tổ chức lại sản xuất cho lâm trường. Nó giảng giải cho tôi kỹ lắm, nên sau một đêm coi như làm học trò của nó, mắt tôi đã sáng ra. Có cẩm nang trong tay, tôi mừng quá, siết chặt tay nó:
- Cám ơn mày lắm An ạ. Chúng tao đánh giặc hơn nửa đời người, cũng không được học hành gì mấy, cho nên dốt lắm. Nhưng cấp trên vì tin vào phẩm chất, quá khứ của mình mà đặt làm giám đốc, cho nên cứ phải mày mò như người đi trong đêm. Làm kinh tế trong cái dốt, cực chẳng đã. Nhất là trong điều kiện phức tạp này, biết bao kẻ xấu nó lợi dụng cái dốt của mình, nó làm bậy. Sản xuất trì trệ cũng từ đây, mà tiêu cực cũng nảy nở từ đây. Bây giờ có phương án của mày, tao sáng mắt ra rồi, tìm thấy lối đi rồi - Tôi nhìn quanh - Tao thì nghèo, nhưng cũng phải thưởng công cho mày, đã chịu cực chịu khổ ở đây giúp đỡ cho tao…
Tôi dẫn nó đi một vòng quanh lâm trường:
- Củi, gỗ đấy. Đóng tủ, đóng giường, đóng bàn, đóng ghế đều được. Mày thích bao nhiêu thì cho mày…
Nó cười:
- Em thì nghèo thôi anh Tư ạ. Nhưng xuống đây theo yêu cầu Trưởng ty là để giúp anh phương án sản xuất, chứ đâu phải để lấy đồ. Phương án thì em đã trình bày với anh, giờ xin phép anh em mang về báo cáo Trưởng ty.
- Thôi, mày cứ để tao…
Tôi nói vậy là bởi trong bụng đã nảy ra một sáng kiến. Đêm ấy tôi liền châm đèn, ngồi viết một lá thư “Tư tôi xin kêu lên anh Bảy Sanh - Trưởng ty một việc như sau…”. Thư gửi đi hôm trước, đêm nằm vẫn chưa yên, tờ mờ sáng hôm sau lại phóng thẳng về Ty, gặp anh Bảy. Cô biết là để làm gì không? Là để xin đứt thằng An. Tôi xin nó về luôn, giúp tôi gánh vác lâm trường. Tôi còn dọa ông Bảy: “Nếu anh không cho nó về với tôi, thì anh cho tôi về hưu và giải thể lâm trường luôn…”.
Tôi cứ mặt đỏ tía tai như thằng say xỉn “quậy” ổng, còn ổng thì chỉ tủm tỉm cười.
Ít ngày sau tôi thấy thằng An xách túi lên lâm trường, mặt méo xệch:
- Anh xin em về mà chẳng nói với em một tiếng. Sáng nay vừa đến làm việc, Trưởng ty gọi vào phòng đưa cho quyết định, rồi lại xếp cho một chiếc xe đưa thẳng lên đây, đâm chẳng kịp nói với vợ con câu nào…
Tôi vỗ vai nó:
- Tao hơn 50 tuổi mới có lúc rảnh rang lấy vợ. Giờ tao ở rừng, vợ ở xuôi mà vẫn thấy hạnh phúc. Mày còn trẻ chán, lo gì. Mà muốn thì ít ngày nữa, tao lấy xe đón vợ mày lên đây…
Nó trợn mắt lên:
- Ơ hay, anh định giữ tôi lại đây suốt đời hay sao?
Tôi cười đắc ý:
- Chứ sao nữa, một hai năm nữa chúng tao về hưu hết rồi, giao lâm trường cho chúng mày. Chúng mày sẽ là chủ nhân của vùng rừng núi này…
Ông Tư dừng lời, chiêu một ngụm nước chè, vấn một điếu thuốc rít lấy rít để, rồi tiếp tục câu chuyện:
- Thế là nó bắt tay vào việc. Như có một cuộc “đại cách mạng” diễn ra ở đây, ồn ào và khí thế lắm. Anh Bảy - Trưởng ty ủng hộ. Tôi - Giám đốc lâm trường bật đèn xanh, rồi tình hình lâm trưởng chuyển biến thấy rõ nên anh em đã rất phục tùng nó. Thế mà rồi nó lại chịu nạn cô ạ…
- Chịu nạn? - Xuân ngạc nhiên hỏi lại.
- Ừ, chịu nạn. Cũng một đêm trăng sáng thế này, tôi đang rung đùi ngồi nghe ca vọng cổ thì thấy tiếng chân người chạy rầm rập về phía vườn ươm, tiếng anh em tự vệ í ới gọi nhau, người nào người nấy súng đạn lách cách. Sẵn máu “giang hồ”, tôi liền chạy theo. Ai ngờ đâu thấy chúng nó đang giương súng bắt thằng An và con bé Ngoan “giơ tay lên” trong khu vườn ươm. Tôi gạt cái nòng súng của thằng Bê đội trưởng ra, thằng này là đệ tử ruột của tôi từ hồi kháng chiến, nay là trưởng phòng tổ chức của lâm trường, ngày trước tôi cũng định bồi dưỡng nó làm kế cận của tôi, nay thấy thằng An về được tôi cưng chiều nên có vẻ không hài lòng. Tôi nghiêm mặt với nó:
- Chúng bay làm cái trò gì vậy?
Thằng Bê mới dập chân:
- Thưa anh Tư, chúng tôi được lệnh đi theo dõi và bắt quả tang đôi dâm phụ này, chúng nó “trai trên gái dưới” làm ô uế lâm trường chúng ta ngay trong vườn ươm này!
Con Ngoan uất ức thét lên:
- Nói láo! Đồ vu khống!
Tôi hỏi Bê:
- Ai ra lệnh? Ai trai trên gái dưới?
Thằng Bê xanh mắt mèo, ấp úng:
- Tôi... báo cáo sau!
Tôi chỉ mặt Bê:
- Dù cậu không dám nói ra, thì tôi cũng thừa hiểu kẻ xấu nào ra lệnh này cho cậu! Mà cũng có thể chính cậu tự ra lệnh cho mình! Tôi nói cho cậu biết: Dù cậu An đây có “trai trên gái dưới” thì cậu cũng không được chĩa súng vào người ta thị uy, bắt bớ như vậy. Bao năm đi theo cách mạng, cậu không hiểu là súng đạn chỉ dùng bắn kẻ thù, sao lại dùng với đồng chí của mình? Đấy là tôi chưa nói cậu An đây còn là Phó Giám đốc lâm trường, là cấp trên của các cậu. Giải tán! - Tôi hét lên.
Sợ cái uy của tôi, chúng nó lặng lẽ giải tán. Con bé Ngoan thì cứ khóc như mưa, thanh minh với tôi là nhân đêm trăng sáng, chính nó rủ thằng An ra vườn ươm để đề xuất với thằng An phương án ươm mầm mới cho cây tràm bông vàng chóng vươn mầm hơn. Khi đang say sưa trình bày giữa đất trời thông thống thế này, thì bỗng thấy ông Bê dẫn cả toán tự vệ vào bắt cả hai giơ tay lên như kẻ phạm tội!
- Còn anh An thì lúc ấy thanh minh gì với chú? - Xuân hỏi.
- Nó không nói gì, chỉ im lặng. Nhưng sau về phòng tôi uống trà, thì mới ôm mặt thốt lên: “Anh Tư ơi, đúng là em còn trẻ quá, còn non nớt quá. Em không lường hết được những mặt trái của cuộc sống, những mưu mô thủ đoạn của chính các đồng chí của mình…”. Thật tình tôi thương nó. Tôi muốn nói với nó rằng: “An ơi, chẳng phải mày đâu, mà ngay bạc tóc như chúng tao đây, vào sinh ra tử đã nhiều, giáp mặt cũng với đủ loại kẻ thù, súng đạn không thể khuất phục, mà chúng tao còn chưa hiểu hết nữa là mày!”. Bây giờ người lính là tao mới hiểu, ngay thời bình có khi không cẩn thận cũng phải chết, chết vì chính những người được gọi là đồng chí của mình. Tôi cũng muốn nói với nó là, tao đã nghiệm ra rồi, tao cảm thấy lúc chiến tranh thì ít, gần như không có, nhưng sao nay thời bình này đồng chí mình lại hại nhau nhiều đến thế. Thương trường khốc liệt hơn chiến trường, dễ làm hỏng con người hay sao? Làm kinh tế còn ác liệt và dễ chết hơn khi chiến tranh bom rơi đạn nổ hay sao?
Ông Tư lại vấn một điếu thuốc, lại chiêu thêm một ngụm trà. Xem ra càng nói, ông càng hào hứng, xúc động. Vầng trăng đã tà tà. Ánh của nó trải một màu vàng ươm lên những cây rừng, như nhuốm vàng cả cánh rừng.
- Lúc ấy những cơn mưa cuối cùng cũng đã tạnh hạt, một mùa khai thác mới bắt đầu. Chỉ còn 45 ngày nữa là hết năm, mà kế hoạch khai thác vẫn còn ngồn ngộn. Thằng An nó mới chẻ kế hoạch ra, giao khoán cho các tổ, và động viên tất cả vào rừng. Chính nó cũng suốt ngày lặn lội trong rừng sâu, chỉ đạo các đội khai thác. Ngoài đội khai thác quốc doanh của lâm trường, nó ký hợp đồng cho cả tư nhân mang xe reo vào khai thác theo, miễn làm sao theo đúng lâm trường chỉ đạo. Nó trẻ, nhiệt tình, làm ăn mạnh dạn, có nhiều cái mới. Và cũng rất thẳng thắn, dám đấu tranh cả với cấp trên, cấp dưới. Sau cái sự kiện vườn ươm, nó không chùn thì chớ, một hôm họp lãnh đạo vì nói thật, lúc ấy là năm bè bảy phái mất đoàn kết quá rồi, nó dám chỉ thẳng mặt chúng tôi:
- Chúng ta không tôn trọng nhau, thì sao bắt anh em tôn trọng và nghe theo chúng ta được? Nhưng để có thể tôn trọng nhau, chúng ta phải biết tự nghiêm khắc với mình, phải sống trong sạch và làm việc hết mình chứ. Khi thì các anh xuê xoa dung túng cho nhau, khi thì các anh bày mưu hãm hại, nói xấu, tố cáo lẫn nhau. Là lãnh đạo mà cư xử với nhau như thế thì hỏi anh em sẽ học được gì ở các anh. Và rồi cũng sẽ cư xử với nhau như thế nào. Tôi đề nghị từ nay chúng ta phải cùng chấm dứt tất cả những hiện tượng trên. Không chỉ để tất cả tập trung tốt cho sản xuất, mà còn phải xây dựng được với nhau một mối quan hệ anh em đồng chí tốt đẹp, nghĩa tình. Những hàng cây sống ngay thẳng, liền kề bên nhau, tựa vào nhau làm nên rừng vững chãi kia, không gợi ý cho chúng ta điều gì về cách sống hay sao?…
Chúng tôi cứ ngây đơ nhìn nhau, cũng tự thấy ê chề lắm. Từ đấy thêm nhiều anh gờm cái thằng này. Phục cũng có, ủng hộ cũng có, mà ghét bỏ nói xấu cũng có. Vì nó làm được, nói được, dám nói thẳng và lại nói đúng. (Cũng có khi nó thẳng quá làm mình đau, nhưng có đau thì mới nhận ra lỗi mà sửa chứ!).
Thấy thằng An hăng quá, lại được tôi ủng hộ, nên cũng có anh em rỉ rả vào tai tôi:
- Ừ, tay ấy nó còn trẻ, nó nhiệt tình, nó có tài xoay chuyển được tình thế của lâm trường. Nhưng chú Tư nuông chiều nó quá, lại giao hết quyền hành cho nó, có ngày nó hất cẳng chú Tư đấy…
Thoạt đầu tôi mắng lại chúng nó:
- Này, Tư Lợt này đi làm cách mạng, chưa một lần màng tới chức tước ông này bà kia đâu nhé! Cũng không phải để kiếm chác lợi lộc gì. Hỏi cả cái Chiến khu Đ này, Tư Lợt này là ai, sống ra sao, có còn ai không biết không? Từ những năm đen tối, những năm đầu mới giải phóng, ai đã từng tuyên bố với anh em về khí tiết người cách mạng, là trong chiến tranh thì không sợ mất đầu, trong hòa bình thì không sợ mất ghế. Ai?
… Nhưng rồi chúng nó cứ rỉ rả mãi, cứ lời ra lời vào suốt, nhiều đêm nằm vắt tay lên trán cũng thấy thao thức. Lẽ nào thằng An nó lại tệ bạc thế. Mình đã vun đắp, bảo vệ, chắp cánh cho nó hết lòng, lẽ nào nó lại bạc bẽo với mình? Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì cơ sở nào mà trách cứ nó, ấm ức với nó? Không lẽ chỉ dựa vào mấy lời đưa chuyện, mấy lời bàn ra tán vào?
Đang phân vân, thì bỗng đánh đùng một cái, có quyết định từ trên đưa xuống thuyên chuyển tôi đi nơi khác, với lý do ở đấy thích hợp với tôi hơn. Trời ơi, đã bạc cả mái đầu rồi, giờ lại chống gậy ra đi làm lại từ đầu, thì hỏi sẽ làm sao đây? Còn sức lực nào mà làm không? Hay là do chính thằng An, nó đã tìm cách “bứng” tôi đi như dư luận đồn thổi để rộng đường vượt lên?
Tôi chưa kịp về hỏi anh Bảy - Trưởng ty thì mấy hôm sau, lại bất ngờ có một quyết định mới thu hồi lại quyết định trên. Ông “Ty” này lạ thật, tay phải ra quyết định, tay trái lại đòi hủy, hai bàn tay mà cứ chọi nhau thế thì còn làm ăn gì? Nhưng sau tôi mới biết chính thằng An nó chạy về Ty, gặp anh Bảy, nó xin cho tôi ở lại, nó thuyết phục anh Bảy là phải để tôi ở lại, do tôi đã quá gắn bó với lâm trường, là linh hồn không thể thiếu của lâm trường. Lúc bấy giờ, tôi mới thiệt hiểu nó. Không chỉ hiểu về năng lực, tài năng, mà còn hiểu về đạo lý, về nghĩa tình của lớp trẻ hôm nay…
Chuyện tôi là vậy thôi cô ạ, cô muốn viết gì thì viết. Lâm trường tôi là như vậy. Người lính già như tôi là như vậy. Và lớp quản lý trẻ như thằng An là như vậy. Cô viết sao cho mọi người hiểu rằng, nơi những cánh rừng già này, lớp già thì vẫn gắng, nhưng phải có những lớp trẻ như thế…
Thôi cô về ngủ đi, đêm cũng đã khuya rồi…
*
Về căn phòng mình, suốt đêm Xuân không ngủ. Rừng già thâm nghiêm, gió thổi dạt dào. Trăng đã lặn, nhưng hình như những ánh vàng của nó vẫn còn vương bàng bạc trên những vòm cây. Thật tình cô rất thích ông Tư Lợt. Viết về một thế hệ cha anh cầm súng như ông thật tuyệt vời. Nhưng hình ảnh của An cũng lại ám ảnh cô. Cô tự mỉm cười - May thay ngồi trò chuyện với cô hôm nay là ông Tư chứ không phải là An. Những người như An với trái tim nóng bỏng, những nghĩ suy táo bạo, những hành động quyết liệt… rất dễ hấp dẫn những cô gái trẻ đang giàu háo hức như cô. Trước họ, kìm hãm được trái tim mình cũng không phải là dễ dàng… Nhưng dù vậy, cô cũng tự hứa sẽ đặt hết tình cảm của mình để viết một phóng sự thật hay về lâm trường này, mà bài viết ấy, ngoài hình ảnh rất đẹp của ông Tư, sẽ có cả hình ảnh rất trẻ trung, năng động của An. Cô hy vọng một ngày không xa, cô sẽ trở lại lâm trường, sẽ mang theo những tờ báo thơm phức mực in để tặng ông Tư và tặng An bài viết đầu đời của cô. Chắc anh ấy sẽ rất thú vị và ngạc nhiên vì sao cô lại hiểu về anh đến như thế…
Nhưng Xuân không hay rằng, một thời gian ngắn sau, An đã không còn ở lâm trường này nữa. Tỉnh thành lập một lâm trường mới, xây dựng một vùng rừng nguyên liệu giấy, và An được điều đi làm giám đốc Lâm trường mới này.
Ngày đi, ông Tư ôm An và bảo:
- Mày bỏ tao, mày đi hả An? Mày lại bàn giao lại cho tao cái chức giám đốc lâm trường này à?
An cười:
- Không anh Tư, em là phó giám đốc của anh thôi mà…
- Không, thật sự mày đã là giám đốc của tao lâu rồi. Bây giờ mày ra đi, mày bàn giao lại tao cái cơ nghiệp này, tao biết làm ăn thế nào?
An siết chặt tay ông Tư đầy ấm áp:
- Anh Tư ạ, những gì làm được, thời gian qua em đã cùng các anh làm hết rồi. Có lẽ anh em mình cũng đã làm hết sức mình. Những gì đất nước cho em học trong những năm các anh cầm súng chiến đấu, em cũng đã trao lại hết cho các anh. Em đã làm cả những việc quá sức mình nữa. Người tốt hiểu em, nhưng cũng có những kẻ xấu bôi nhọ quan hệ anh em mình. Nhưng lâm trường vẫn đi lên. Anh vẫn thương em. Thế là em hạnh phúc lắm rồi. Còn bây giờ, nếu anh cần thêm một điều gì nữa, thì em chỉ biết nói rằng, những gì mình đã làm được, hãy giữ nó anh Tư ạ. Những phương án sản xuất của lâm trường, ngắn hạn và dài hạn, em cũng đều đã ghi lại trong hồ sơ đây, hôm nay xin trao lại cho anh, vì em đã linh cảm sẽ có lúc em phải xa anh, em phải ra đi. Bởi còn nhiều miền đất rừng khó khăn lắm anh ạ…
Nhìn những dòng nước mắt như chắt ra lăn trên gò má ông Tư, An thấy nhoi nhói trong lòng. Và rồi anh ra đi. Ông Tư cứ đứng bàng hoàng nhìn theo, vẫn không tin nổi có cuộc chia ly này…