Rồi chị ta cười, tôi thấy rất rõ nếp nhăn nơi khóe mắt chị ta. Lập tức tôi ngước lên, để ánh đèn chiếu thẳng vào mặt tôi với làn da tươi trẻ. Đối với đàn ông, tuổi trẻ còn quan trọng hơn tư tưởng rất nhiều.
Bob 1
Lần đầu tiên tại một buổi họp mặt ở Đại sứ quán Pháp.
Trong buổi họp mặt cứ phát đi phát lại bản nhạc "Tình yêu màu xanh".
Cô ta đến hơi muộn, trang phục có phần kì quái, giữa mùa đông rét buốt chỉ mặc một chiếc áo cộc tay, không mặc áo ngoài, trên đầu hững hờ chiếc mũ đỏ. Cô nhìn mọi người, thoáng chút bối rối, tưởng chừng không liên quan gì đến buổi party này mà định vào phòng ngủ, nhưng vô tình đi vào đây. Về sau cô nói với Bob đấy là tiền vệ, tiền vệ không phải là mốt, ở một ý nghĩa nào đấy là phản mốt, tiền vệ là tiền vệ. Nói xong cô cười, đưa hai bàn tay lên che mặt, cái vẻ run rẩy cho anh cảm giác khác với những người dự họp mặt hôm ấy. Hôm ấy, ánh mắt cô rất trống trải, âm u. Anh cứ băn khoăn ánh mắt ấy có phải là mốt không.
Nhưng hôm ấy Bob không để ý đến mốt, trang phục của anh không có gì là sang trọng, trên người anh lúc nào cũng mặc bộ bò màu nâu. Trong phòng của anh đến cả cái gương cũng không có. Bob nghèo đến Đại sứ quán là để gặp Derrida(1), anh cũng muốn nói với ông ta về cuộc sống bấp bênh của mình. Anh cũng đã chuẩn bị tư tưởng, nếu không có cơ hội, chủ nhân của buổi họp mặt ít ra cũng mời ăn một bữa ngon lành.
Bob cầm ly rượu trên cái khay của chiêu đãi viên. Một ly rượu vang đỏ, tỏa ánh long lanh. Anh bước trên sàn nhà lát gỗ, bốn bức tường đều treo ảnh, rất nhiều ảnh. Những bức ảnh rất tối, mờ mịt, không trông rõ, nhưng anh biết trong ảnh có người, một phụ nữ. Anh cau mày chán ghét, nghĩ bụng: Cái gã thợ ảnh không biết ngượng, ảnh thế này mà cũng treo lên, nó định trưng cái gì ra đây?
Nhiếp ảnh gia cũng cầm một ly rượu đi đi lại lại, khẽ mỉm cười với mọi người, nom hơi đáng thương, giống như một kẻ nhát gan chỉ sợ không chu đáo, có kẻ đập địa bàn của anh trong khi anh không ngừng quan sát sắc mặt bạn gái. Anh ta nói tiếng nước ngoài với người nước ngoài, có lúc nói tiếng Anh, có lúc nói tiếng Pháp. Anh ta nói tiếng Hoa với người Trung Quốc, nhưng Bob hồi học thạc sĩ đã thi được tiếng Anh qua cấp 8, nên anh biết rõ trong ba thứ tiếng đó, anh chàng kia chẳng nói tốt được tiếng nào, kể cả tiếng Hoa. Vì anh ta là người Đông Bắc nhưng nói có phần giống như ca khúc của ca sĩ Tuyết Thôn vậy. Lúc này lại có một anh lùn đến. Anh này để tóc dài, vừa bước vào, mắt đã đảo điên nhìn ngó, cười với các quan chức người Pháp, nói thứ tiếng Pháp khiến Bob phải buồn nôn.
Đúng lúc đó, Mạch đi vào, chân cô rất dài. Dưới con mắt Bob, khuôn mặt dưới cái mũ đỏ và hai cánh tay trần đó đúng là mang nước da thiên thần. Cô đi giữa đám đông, dù là người ngoại quốc hay người Trung Quốc cũng đều phải ngắm nhìn. Cô cũng nhận thấy rõ mình đã đến đúng địa điểm. Nếu như đây là buổi trình diễn của sinh viên trường điện ảnh, hoặc cuộc thi người mẫu, chắc chắn cô không là gì cả, bởi cô sẽ không có đủ bất cứ tư cách nào trong số đó. Nhưng cô đến một đại sứ quán là nơi tụ tập của những người có văn hóa. Tuy mắt cô không đủ sáng, nhưng cặp mông và bộ ngực khiến mọi người phải chú ý. Sau đấy, Bob làm quen sát sàn sạt, khoảng cách giữa hai người là "số không", cùng cô bàn luận về chuyện ấy. Cô rất phản cảm, thấy Bob hết sức đê tiện.
Vào lúc ấy, nhạc vang đến tận chín tầng mây. Một lần nữa bản nhạc "Tình yêu màu xanh" lại vang lên. Bob rất kích động, quên rằng mình bắt đầu thất vọng, dự cảm mình với cô gái kia sẽ xảy ra chuyện gì đó.
Mạch đi vào giữa đám đông, rất khéo léo chào những người quen biết. Xem ra cô quen biết khá nhiều người nước ngoài ở đây, tưởng chừng cô sắp sửa phỏng vấn họ. Cô chụp ảnh chung với nhà nhiếp ảnh, nhưng nụ cười của cô khiến bạn gái của nhà nhiếp ảnh không vui. Bob trông thấy khi cô cười với nhà nhiếp ảnh, người phụ nữ đứng bên phải nắm chặt lấy tay nhà nhiếp ảnh, giống như người nắm chặt cái ô trong cơn mưa. Bob như thể nghe thấy tiếng cãi nhau của đôi trai gái kia. Người phụ nữ mắng người đàn ông của mình, Trông thấy cái trò rẻ tiền ấy mà cũng rung động, lòng dạ anh thật độc ác. Anh kia nói lấy lòng, Chẳng qua đây là cuộc triển lãm tác phẩm của chúng ta, anh cần phải tạo quan hệ tốt với giới báo chí. Người phụ nữ nói, Anh làm em đau lòng!
Mạch đến gần Bob, như nói với người bên cạnh lại như nói cho Bob nghe, Thật buồn cười, nó làm như em cướp
mất chồng nó không bằng, thật buồn cười. Có người cười nhạt, nói, Biết đâu không phải là chồng, mà là một trai bao.
Tim Bob bỗng đập mạnh. Anh nhìn Mạch, mong cô chú ý đến mình.
Mạch không nhìn Bob, ánh mắt cô thật mê hoặc. Cô đứng với vẻ chán chường, cái mũ đỏ như che khuất tầm mắt. Cô nói, Hôm nay đến là thất vọng!
Bob do dự không biết có nên bắt chuyện với Mạch không. Đầu tiên anh nhìn cô bằng ánh mắt như những ngón tay vuốt ve cô, từ khuôn mặt đến đôi cánh tay trần. Nhưng cô không hề hay biết. Anh muốn nói với cô, Hôm nay tôi cũng thất vọng, tôi thất vọng bắt đầu từ "Tình yêu màu xanh".
Hai tay anh cho vào túi quần, từng bước đến gần Mạch, tưởng chừng nghe rõ nhịp tim của mình. Anh nghĩ, có thể mình chỉ cần lên tiếng, cô ta sẽ lập tức tan ra như một viên kẹo. Anh ngửi thấy mùi cơ thể của cô, thậm chí ngửi thấy mùi từ trong miệng cô tỏa ra.
Anh định nói với cô, một lý do khác làm tôi thất vọng nữa là, Derrida không đến. Nếu hôm nay ông ấy không đến, suốt đời tôi không nên tha thứ cho Pilison, chủ nhân của buổi họp mặt hôm nay. Cái thằng người Pháp khốn kiếp, rõ ràng sinh ở Paris, nhưng cứ khăng khăng bảo mình cùng với Derrida sinh tại Alger.
Sự thật thì cái anh chàng Pilison nhiễu sự bắt Derrida phải xem bằng được cuộc triển lãm ảnh này, đồng thời với danh nghĩa Derrida để chèo kéo những trí thức như Bob và Mạch đến.
Nhưng với một cô gái như Mạch có hứng thú đối với Derrida không? Hôm nay cô đến với tư cách gì? Đến với Derrida sao? Không, trông cô đội cái mũ đỏ thì rõ ràng cô không thể đọc và hiểu Derrida. Ngay như Bob tôi đây cũng thường xuyên bị ngôn ngữ của Derrida dìm sâu xuống cống, hỗn loạn và đen tối.
Mạch không thể là người quen biết Derrida, một nữ trí thức đối diện với lý luận và tư tưởng độc đáo của một người đàn ông, nhiều lắm cũng chỉ là học làm sang mà thôi. Mạch có ngoại lệ không? Phải chăng cô ta giản dị, chân thành hơn?
Anh ta vừa quay lại cười với Mạch, ngay lúc ấy có người gọi Mạch.
Mạch 1
Tôi quay lại, thì ra Kha, anh bạn đạo diễn của tôi. Qua đầu anh, tôi thấy chị kia đang nhìn tôi, khóe miệng như nở nụ cười chế giễu. Hình như chị ta vẫn nói, xem kìa, đứa con gái thấp hèn...
Chị ta có khuôn mặt xinh đẹp và trang phục tinh tế, chừng bốn mươi, mặc cái áo len đen cổ thấp, mái tóc cắt ngắn bằng bặn phủ trước trán. Và rồi chị ta bất ngờ đến trước mặt tôi và nhà nhiếp ảnh, giọng nói tuy nhẹ nhàng nhưng nghiến răng nghiến lợi nhấn mạnh từng chữ, chỉ cần ai đó ngủ với chị ta một đêm nhất định sẽ hối hận.
Mặt tôi đỏ bừng, may mà cái mũ sụp thấp, bóng tối che khuất khuôn mặt. Trong lúc bối rối, tôi vội quay về hướng khác. Nhưng đấy là bức tường, trên tường treo ảnh chị ta. Tôi ngước nhìn, và lần đầu tiên phát hiện thấy trên tấm ảnh phủ đầy bóng tối cũng là chị ta. Miệng chị ta nở nụ cười trào lộng, tưởng như dùng cái trào lộng để tạo thành một dòng sông, một dòng sông có nước chảy róc rách.
Kha phanh tà áo len, để lộ yết hầu.
Tôi ôm anh. Cái mũ đỏ của tôi chạm vào khuôn mặt tươi cười trẻ trung của anh. Môi anh chạm vào má tôi, khiến tôi cảm thấy ươn ướt.
Anh nói, Mạch, tại sao em vẫn còn ở Đại học Bắc Kinh, vẫn không tốt nghiệp nổi? Có lẽ một ngày nào đấy anh sẽ mời em vào vai chính. Gần đây anh đọc một tiểu thuyết có tên "Phố Trường An".
"Phố Trường An", cái tên hay đấy.
Đáng tiếc em vẫn ở Đại học Bắc Kinh, nghe nói em đang học MBA, thật buồn cười, nếu không đến với đoàn làm phim của anh.
Tôi bật cười. Tôi biết chị kia đang nhìn tôi từ xa. Tôi nói với Kha, anh định mời em vào vai chính à? Nếu anh cho em vào vai chính, em có thể không học MBA nữa.
Em tha cho anh, anh còn trách nhiệm đối với khán giả. Anh có đồng ý thì khán giả cũng không đồng ý. Em vừa học vừa làm, được không?
Tôi đang định nói thì anh nói trước, Em chờ anh một lát. Anh trông thấy một người quen... Lát nữa anh sẽ gặp em...
Anh gọi to Bob, vừa gọi vừa đi tới. Tôi nhìn theo, nghĩ bụng, cái anh chàng Bob kia cũng phải năm mươi tuổi. Nhưng tôi không đeo kính, chỉ lờ mờ trông thấy một người đàn ông cao, có mái tóc dài.
Trong những cuộc gặp gỡ quan trọng như thế này, tôi luôn tạo cho mình khuôn mặt thanh thản. Tuy tôi không thể nhìn rõ từng người, nhưng họ cũng không cần phải nhìn rõ. Giống như một tòa nhà, tôi không cần phân biệt từng viên gạch, không cần biết các viên ngói khác nhau như thế nào. Trong đại sứ quán chỉ toàn những người để tóc dài như Bob, cổ áo sơ mi rất bẩn, đúng vậy, tôi còn trông thấy những mái tóc dài biết nói. Những người đàn ông tóc dài ánh mắt đều long lanh sáng, họ đang chờ đợi gì? Đang chờ đôla hay franc?
Lúc ấy có một người đàn ông đi về phía tôi: Pilison.
Anh ta quàng vai tôi, vừa nói vừa đi về phía trước. Tuy tên là Pilison, tuy anh ta cao lớn có mái tóc vàng, mũi cao, đôi mắt xanh trũng sâu chứng tỏ là một người nước ngoài, nhưng nói tiếng Hoa rất chuẩn. Hai năm trước, anh đến Đại học Bắc Kinh để giảng bài, rất nhiều nữ sinh viên ước ao được dựa vào đôi cánh tay đầy lông vàng, bước theo anh, đi đến một nơi rất xa, rất xa. Nhưng Pilison cứ đi vòng quanh một chỗ.
Đôi mắt Pilison tỏa ánh ướt át, giống như hai con nòng nọc đang bơi trong nước. Anh nói, Đừng buồn, cô Mạch. Có thể Derrida là một ông già người Pháp có phong độ nhất mà cô gặp, chả phải cô thích những người già như Hemingway(2) đó sao? Có thể cô không đọc sách của Derrida, có thể giải cấu trúc và tư tưởng của ông ấy không quan trọng đối với cô, nhưng nên gặp ông ấy, cô sẽ không giữ khoảng cách nào đối với ông, nhưng phải biết...
Pilison dừng lại, nhìn những người chung quanh, nói, Mỗi một trí thức Bắc Kinh đều chờ đợi, muốn nghe ông ấy nói gì.
Tôi cũng nhìn quanh, nhưng không cẩn thận lại nhìn vào chị kia. Chị ta đang cười như điên với mấy người đàn ông. Pilison nghe thấy tiếng cười, liền quay lại. Tôi hỏi, Tại sao trên bức tường của anh lại treo ảnh người phụ nữ kia, chỗ nào cũng treo, tại sao?
Pilison nói, Cô không biết à? Hôm nay có người xuất tiền, một nhà nhiếp ảnh tổ chức buổi hôm nay, trên tường treo ảnh của anh ta chụp. Anh ta muốn cho Derrida một ấn tượng, chủ yếu là chị kia. Đấy là một người phụ nữ rất giàu, rất nhiều tiền. Cô có nghe nói đến Thẩm Xán không?
Thẩm Xán?
Chỉ trông thấy ảnh chị ta nhiều như lá rụng treo trên tường, tỏa không khí ma quái, thối rữa... Tôi nhìn chị ta, nghĩ xem chị ta là ai. Pilison bỗng nắm lấy tay tôi, nói, Nào, tôi giới thiệu với cô.
Anh không giải thích gì, lôi tay tôi, rẽ đám đông. Thẩm Xán đang đi ra phía ngoài, anh gọi chị ta lại.
Chị ta quay lại nhìn tôi. Pilison đẩy tôi đến trước chị ta, nói, Bà Xán, đây là cô Mạch, phóng viên hàng đầu của "Tuần san Giải trí". Bài cô viết rất giàu tính tư tưởng, mọi người đều thích đọc, tuy nhiên xin lưu ý, nếu không cẩn thận cô ấy sẽ đưa cả bà vào bài viết. Tôi suýt chạm vào bộ ngực nhô cao của chị ta. Chị ta nhìn tôi, khẽ gật đầu, tôi cũng gật đầu đáp lại. Tôi do dự không biết có nên đưa tay ra bắt hay không, tôi để ý xem chị ta có bắt tay tôi không. Chị ta không, cứ đứng vươn thẳng người bất động. Chị ta đưa ánh mắt nhìn Pilison, nói, Giải trí? Giải trí làm thế nào để có tư tưởng?
Rồi chị ta cười, tôi thấy rất rõ những nếp nhăn nơi khóe mắt chị ta. Lập tức tôi ngước lên, để ánh đèn chiếu thẳng vào khuôn mặt tôi với làn da tươi trẻ. Đối với đàn ông, tuổi trẻ còn hơn tư tưởng rất nhiều.
Điện thoại của Pilison. Anh ta ra ngoài nghe điện.
Tôi và chị kia lại nhìn nhau. Chị ta không nói gì, tôi cũng không nói, chúng tôi mỗi người đi một phía, bất ngờ mông chạm mông. Tôi mặc quần, chị ta mặc váy ngắn, chân chị ta hơi ngắn, vậy là tôi cười thầm. Tôi nghĩ, vừa rồi tôi muốn bắt tay chị ta, thật nực cười, phụ nữ có thể bắt tay nhau được không?
Tôi đi theo hướng của tôi. Tôi có lối đi của tôi. Lần này tôi đến theo lời mời của Derrida. Pilison nói chuyện qua điện thoại như đọc thơ với tôi, anh ta nói ở Trung Quốc, tôi để Derrida đến với dân chúng, đến với mọi người.
Nhưng phụ nữ đi về phía trước, không bao giờ biết mình bị động, tôi không biết sau này sẽ xảy ra chuyện gì. Tôi nghĩ, tôi chỉ muốn gặp Derrida, với tư cách là một phóng viên nữ hiếu kì và thiếu hiểu biết nêu với Derrida mấy vấn đề, ví dụ, Thưa ông Derrida, ông đánh giá thế nào về tạp chí "Đọc sách" của người Trung Quốc? Ông có cảm thấy nó có thể là lương tâm của giới trí thức Trung Quốc không? Tôi nghĩ, hỏi xong là đi ngay, không có liên quan đến bất cứ ai, không liên quan đến Pilison, không liên quan đến nhà đạo diễn, mà cũng không liên quan đến chị kia. Tôi cũng chẳng quan tâm đến tạp chí "Đọc sách".
Trong bụng tôi đang mang thai.
Tôi phải sinh đứa bé này.