Những mốc phát triển chính
- Phát triển khả năng kiểm soát đầu (nâng và giữ đầu thẳng)
- Bắt đầu biết cười
- Mất dần các phản xạ nguyên thủy
- Nằm ngửa thay vì tư thế co ro như lúc còn trong bào thai
- Biết dõi mắt nhìn theo những vật đang di chuyển
- Biết quay đầu nhìn về phía phát ra âm thanh
Những điểm cần quan tâm
Ba tháng đầu đời là khoảng thời gian thú vị giúp bé khám phá thế giới xung quanh. Lúc mới sinh, thị giác của bé chưa trưởng thành và bé cũng chưa thể tự xoay trở cơ thể được. Lúc này, bé không thể nói cho ta biết bé muốn gì ngoài việc khóc ré lên.
Thay đổi về thể chất
Dáng vẻ của bé thay đổi rất nhiều trong 3 tháng đầu đời. Bé sẽ dài ra và nặng hơn so với lúc mới sinh rất nhiều. Ngoài ra, còn có nhiều đặc điểm phát triển khác, chẳng hạn như lúc gần 12 tuần tuổi, da bé ít đỏ hơn, và ở những bé có mắt màu xanh lúc mới sinh có thể chuyển sang màu hơi nâu. Thân mình bé dần dần duỗi ra thay cho tư thế nằm co ro như lúc còn là bào thai. Đầu của bé ít nghiêng sang một bên hơn.
Các phản xạ nguyên thủy của bé sơ sinh dần dần biến mất, các cử động đã có chủ đích hơn, vì lúc này hệ thần kinh của bé đã trưởng thành hơn và các cơ của bé cũng bắt đầu khỏe hơn. Bé thường xuyên đá chân, vung tay khi nằm một mình trên giường. Ngoài ra, bé cũng luôn cố gắng với lấy mọi đồ vật mà bé nhìn thấy, dù không phải lúc nào bé cũng với tới được. Thử làm và thất bại, rồi cố gắng làm lại, đó chính là quá trình rèn luyện các kỹ năng của bé.
Chẳng bao lâu sau, bé sẽ có khả năng kiểm soát đầu, cơ vùng đầu có thể nâng và giữ cho đầu bé thăng bằng. Lúc được 12 tuần tuổi, bé có thể giữ đầu thẳng và sẵn sàng khám phá những chân trời mới.
Bé và môi trường xung quanh
Không phải lúc nào bạn cũng nhận thấy điều này một cách rõ ràng, song có thể khẳng định rằng bé lúc nào cũng bận rộn trong việc học tập các kỹ năng mới. Vì vậy mà mỗi giây phút bạn ở bên cạnh bé đều có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của bé.
Mới đầu, bé tập trung vào những gì ở gần bé nhất, đó chính là bạn. Sự quấn quýt, quyến luyến bẩm sinh của bé đối với bạn ngày càng sâu sắc hơn khi bé được nhìn ngắm bạn hàng giờ, hoặc được ngửi mùi da thịt của bạn trong mỗi lần cho bé bú. Bé cảm nhận được hơi ấm của bạn, cảm nhận được mọi sắc thái tinh tế trong giọng nói của bạn. Đây là một bản năng hoàn hảo giúp bé tồn tại và phát triển.
Trong phạm vi thị giác có thể nhìn được của mình, bé sẵn sàng học bất cứ điều gì có thể học, chẳng hạn, thành cũi (hay nôi) của bé, các đồ chơi treo trên đầu giường, ánh sáng từ bên ngoài chiếu qua cửa sổ. Bé quan sát khuôn mặt của từng người, nhất là khi khuôn mặt của người đó áp sát vào mặt bé. Một thời gian sau, bé sẽ biết cách đáp ứng lại bằng rất nhiều kiểu biểu cảm khác nhau. Khi bé bắt đầu biết mỉm cười thật sự (lúc được khoảng 6 tuần tuổi), nếu bạn bày tỏ sự vui mừng với bé thì bé lại càng thích chí, và lại tiếp tục cười nữa.
Khả năng giao tiếp
Bé có thể định vị âm thanh rất tốt, và biết chú ý lắng nghe khi bạn nói chuyện với bé. Tuy không phải lúc nào bé cũng đáp ứng lại được, nhưng có một điều chắc chắn rằng bé đã tiếp thu tất cả những âm thanh đó. Những gì mà bé nghe được sẽ góp phần rất lớn trong việc hình thành các âm thanh bé phát ra sau này. Nhiều tuần trôi qua, “bộ sưu tập” âm thanh của bé ngày càng nhiều thêm. Mặt khác, giờ đây ngoài việc khóc, có thể bé đã biết thở dài, biết gừ gừ hoặc ê a, cũng như phát âm được hầu hết các nguyên âm.
Nếu khi bé phát ra các âm, bạn đều cổ vũ một cách thích thú, bé sẽ đáp ứng lại bằng cách tiếp tục phát ra các âm thanh đó nhiều hơn nữa. Không bao lâu sau, bạn sẽ nhận thấy rằng mình đang “đàm thoại” với bé, chính điều này đã khiến cho mối quan hệ giữa bạn với bé ngày càng gắn kết hơn và đó cũng chính là cách bạn đang khuyến khích bé phát triển.
Không có trẻ nhỏ nào giống trẻ nhỏ nào, có trẻ khóc nhiều, có trẻ khóc ít. Tuy nhiên, từ tháng thứ hai trở đi hầu như các bé sẽ ít khóc hơn so với lúc mới sinh; khi đó bạn sẽ được nghỉ ngơi nhiều hơn nhưng vẫn chưa thể ngủ thẳng giấc vào buổi tối. Khi được 6 tuần tuổi, bé có vẻ như đã ổn định hơn. Và bạn cũng đã hiểu hơn về nếp sinh hoạt của bé.
Đây cũng là lúc bé bắt đầu biết biểu lộ những cảm xúc của mình. Trong những ngày đầu sau khi chào đời, bé chỉ biết khóc để biểu lộ những gì bé cảm nhận được mà thôi. Tuy nhiên, qua nhiều tuần bé đã biết dùng cách tiếp xúc bằng ánh mắt nhiều hơn, và sử dụng nét mặt để diễn tả sự ngạc nhiên, vui thích, khó chịu hoặc các cảm giác khác.
Làm cha mẹ
Giai đoạn này là một hành trình khám phá thú vị cho cả hai mẹ con. Nếu đây là lần đầu tiên bạn làm cha mẹ, có thể sẽ cần thêm một thời gian nữa để thích nghi với vai trò mới này, mặc dù bạn cũng vui sướng tột cùng khi đón nhận đứa con đầu lòng của mình.
Những thành viên còn lại trong gia đình (kể cả người bạn đời của bạn) cũng cần được quan tâm. Nếu đây là đứa con thứ hai trở đi, bạn cũng nên điều chỉnh cách chăm sóc bé sao cho phù hợp với nếp nghĩ, cách chăm sóc đã được định hình sẵn trong gia đình.
BẢNG TÓM TẮT CỘT MỐC PHÁT TRIỂN
TĂNG TRƯỞNG VÀ SỨC KHỎE
Khi mới làm cha mẹ lần đầu tiên, thường bạn không biết phải trông đợi điều gì ở bé. Có thể bạn chưa bao giờ nhìn vào một bé sơ sinh ở khoảng cách thật gần, chứ đừng nói gì đến việc bế con của chính mình trong tay, cho nên chắc chắn dáng vẻ bên ngoài của bé sẽ khiến bạn ngạc nhiên rất nhiều.
Đầu, tóc và mắt
Đầu của bé sơ sinh thường khá to so với thân mình, do bộ não của loài người to hơn nhiều so với bộ não của những loài khác. Các xương sọ của bé vẫn còn tương đối mềm, đồng thời các xương này có thể dịch chuyển tại những chỗ khớp với nhau. Nếu không có điều này, chắc chắn các bà mẹ sẽ không thể sinh em bé qua ngã âm đạo được.
Hộp sọ của bé sơ sinh còn hở 2 chỗ, gọi là thóp trước và thóp sau. Thóp sau nằm gần xương chẩm, và thường “đóng” (liền lại) sớm hơn, thường vào khoảng 6 tuần là đã kín lại. Thóp trước, gần xương trán, vẫn còn mở rộng đến khoảng 18 tháng mới đóng lại hoàn toàn.
Một số bé có nhiều tóc và thường bị dựng đứng lên. Có bé thì tóc lại rất ít, hoặc tóc mảnh và mịn. Cả hai trường hợp này đều là hiện tượng bình thường. Lúc được khoảng 8 - 10 tuần tuổi, bé thường thay đổi kiểu tóc, cho nên kiểu tóc lúc mới sinh không phản ánh đúng kiểu tóc sau này của bé.
Trong vài tháng đầu sau khi sinh, mắt của bé có thể có màu xanh. Tuy nhiên, đây chưa phải là màu mắt lúc trưởng thành của bé, do đồng tử (mống mắt) của bé còn có sự thay đổi trong thời gian từ 12 - 18 tuần tiếp theo.
Vàng da
Trẻ mới sinh được khoảng 2 - 3 ngày, da thường có màu vàng. Màu vàng này là do chất bilirubin (sắc tố trong mật) gây ra, mà gan của trẻ sơ sinh lại không thể chuyển hóa hết chất này được. Vàng da thường tự hết sau khoảng 1 tuần (vàng da sinh lý). Nếu bé bị vàng da sớm trong vòng 24 giờ sau khi sinh, hoặc nếu tình trạng vàng da của bé kéo dài trên 14 ngày, các bác sĩ sẽ làm thêm một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân chính xác cho tình trạng này.
Nhìn chung, da của bé có vẻ hơi sậm màu. Lý do là vì lúc mới sinh, hệ tuần hoàn của bé vẫn còn chưa trưởng thành, nên máu có xu hướng tập trung ở một phía của cơ thể do tác động của trọng lực. Khi bé nằm nghiêng sang bên trái, nửa bên phải của bé sẽ có vẻ hơi trắng hơn. Nếu ta đỡ bé ngồi dậy, biểu hiện cũng tương tự: máu dồn xuống chân bé, khiến chân bé đỏ hơn nửa thân trên và vùng đầu. Kiểu thay đổi màu sắc này là hoàn toàn bình thường, và bé sẽ ổn định sau 6 tuần, khi hệ tuần hoàn đã trưởng thành hơn.
Da
Lúc mới sinh, làn da bé mềm mại, mỏng manh, có khi còn được bao phủ bởi lớp chất gây nữa. Đó là lớp chất có màu trắng, nhờn như phô-mai, giúp bảo vệ bé trong môi trường nước ối của tử cung. Vài ngày sau khi sinh, lớp chất này sẽ tự bong, tróc hết. Nếu bé sinh già tháng, da của bé có thể bị mỏng và hơi bong, tróc. Tất cả những điều này đều là bình thường đối với một bé sơ sinh.
Khuôn mặt của bé có thể đỏ hồng và hơi nhăn nheo. Bé có thể có những bớt “con sò” trên da. Đó là những bớt màu xanh hơi tím, hình chữ V, nằm ở sau cổ hoặc gần mắt. Có thể bé còn có những mảng màu xanh xám ở mông hay ở lưng (còn gọi là vết xanh Mongolian). Những dấu hiệu này là bình thường và sẽ mờ dần khi bé lớn.
Vú và cơ quan sinh dục ngoài của bé
Trong vòng vài ngày sau khi sinh, tuyến vú của cả bé trai và bé gái đều có thể hơi bị căng. Điều này cũng bình thường, nguyên nhân là do các hormone của mẹ, biểu hiện rõ nhất vào ngày thứ 7 sau khi sinh. Thậm chí có bé còn tiết ra vài giọt sữa nữa. Tình trạng này sẽ nhanh chóng biến mất trong thời gian ngắn nhất.
Cũng với lý do tương tự, cơ quan sinh dục ngoài của bé sơ sinh có thể hơi sưng căng lên.
Thoạt nhìn, trông bé gái có vẻ hơi giống bé trai nữa. Khoảng 1 tuần sau đó, khi lượng hormone tụt giảm xuống, bé gái có thể có chảy máu ra ở cửa mình (giống như hiện tượng có kinh nguyệt ở người lớn). Đây là hiện tượng sinh lý bình thường, nhưng nếu cha mẹ bé không nắm được sẽ khiến họ giật mình và lo lắng.
Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
Trong tử cung, tất cả chất dinh dưỡng mà bé nhận được đều phải truyền từ mẹ sang bé thông qua dây rốn. Sau khi bé sinh, dây rốn này được cắt đi, chỉ còn chừa lại một đoạn ngắn chừng 1 cm và kẹp lại bằng cái kẹp rốn. Trong vòng một ngày, dây rốn đã bắt đầu teo lại; sau khoảng 3 ngày thì kẹp rốn rơi ra. Trong khi đó, cuống rốn thường vẫn còn cho đến khoảng 1 tuần mới rụng. Khi cuống rốn rụng, có thể có vài giọt máu bầm chảy từ dây rốn, song điều này là bình thường. Sau đó, cuống rốn sẽ nhanh chóng lành tạo nên lỗ rốn hơi lõm xuống như bạn vẫn thường thấy.
Hằng ngày bạn cần chăm sóc rốn cho bé một cách cẩn thận, bằng cách dùng bông thấm nước chín (nước đun sôi để nguội) hoặc dung dịch dành riêng cho việc chăm sóc rốn, lau nhẹ nhàng và băng lại. Nếu thấy không an tâm, bạn có thể nhờ sự trợ giúp của nữ hộ sinh, họ sẽ đến nhà để chăm sóc rốn cho bé.
LẦN THĂM KHÁM ĐẦU TIÊN CỦA BÉ
Nếu bé được sinh ở bệnh viện, các bác sĩ chuyên khoa nhi sơ sinh sẽ thăm khám tổng quát cho bé. Nếu bé sinh ở nhà, bạn nên nhờ bác sĩ gia đình hoặc nữ hộ sinh đến khám tổng quát cho bé. Đây chỉ là lần thăm khám đầu tiên (bé còn phải khám nhiều lần nữa), song đối với những người làm cha mẹ, thì đây là lần khám quan trọng nhất, vì qua đó họ mới an tâm rằng bé hoàn toàn khỏe mạnh.
Khám những gì trong lần đầu tiên này?
Trong lần thăm khám đầu tiên này, bác sĩ sẽ khám những bộ phận sau:
• Kích thước và hình dạng của đầu: nhằm đảm bảo là hình dạng đầu hoàn toàn bình thường và chiếm tỷ lệ phù hợp với thân mình của bé.
• Mắt: nhằm kiểm tra xem bé có bị đục thủy tinh thể hay các bệnh khác về mắt không.
• Tim và phổi: bác sĩ dùng ống nghe để nghe tim và phổi, nhằm chắc chắn rằng nhịp đập của tim là bình thường và phổi không có bệnh lý.
• Họng, miệng: sờ vào bên trong miệng của bé, để loại trừ các tật như hở hàm ếch chẳng hạn.
• Bụng và cơ quan sinh dục ngoài: sờ quanh bụng của bé để kiểm tra xem bé có bị thoát vị bẹn hay không, cơ quan sinh dục ngoài có bình thường không. Nếu bé chưa tiêu ra phân su, lúc đó bác sĩ cần khám để kiểm tra xem bé có bị tật ở hậu môn không, chẳng hạn tật không có hậu môn.
Các chỉ số cân nặng - chiều cao - vòng đầu của bé
Lúc mới sinh
Cân nặng trung bình: 3,5 kg
Chiều dài: khoảng 51 cm
Chu vi vòng đầu: khoảng 35 cm
Lúc được 3 tháng tuổi
Cân nặng trung bình: 5,5 kg
Chiều dài: khoảng 60 cm
Chu vi vòng đầu: khoảng 40 cm
Các số đo nêu trên chỉ là số ước lượng và nó còn chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố khác như:
- Kích thước và trọng lượng còn tùy thuộc rất nhiều vào yếu tố gia đình và chủng tộc.
- Thông thường bé trai hơi nặng hơn so với bé gái.
- Những trẻ sinh non thường nhẹ cân hơn trẻ sinh đủ tháng.
Những trẻ sinh đôi, sinh ba trở lên thường nhẹ cân hơn so với những trẻ sinh một. Cân nặng lúc mới sinh của trẻ sinh đôi trung bình khoảng 2,5 kg, của trẻ sinh ba khoảng 1,8 kg.
• Cột sống và tứ chi: dùng tay sờ dọc các gai sống để xem có bất thường gì ở cột sống hay không. Quan sát tay và chân của bé xem có dị dạng nào không.
• Khớp hông: cho bé gập đùi (làm co vào) và duỗi đùi (kéo dãn ra) để xem các khớp hông có cử động bình thường không, đồng thời kiểm tra xem chỏm của xương đùi có nằm vững trong ổ khớp háng không. Lúc được khoảng 6 - 8 tuần tuổi, đa số các bé đều cần được bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ chuyên khoa nhi khám lại. Lần khám này cũng được thực hiện tương tự như lần thăm khám đầu tiên, bên cạnh đó bé còn được cho thực hành thêm các test về phản xạ, khả năng kiểm soát cơ và kỹ năng xã hội nữa.
Hình dáng đầu của bé
Đầu của bé lúc mới sinh ra thường có vẻ rất kỳ lạ. Điều này một phần là do nó chịu ảnh hưởng của cuộc chuyển dạ trong khi sinh, lúc đó các xương sọ của bé thường rất mềm.
Đầu của bé có thể còn gục về một bên trong nhiều tuần tiếp theo. Thậm chí, do bé nằm nghiêng về một bên trong một thời gian dài nên đầu của bé có thể bị phẳng lỳ về một bên. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng về điều này, mặc dù tình trạng đầu bé bị méo có thể còn tồn tại khá lâu, do bé còn nằm ngửa và ít xoay trở trong một thời gian nữa. Chính vì vậy mà bé có thể bị rụng một mảng tóc ở phía sau, mà dân gian vẫn thường hay gọi là bị “chiếu liếm”. Nên cho bé ngủ ở tư thế nằm ngửa, vì chỉ có cách này mới giảm được nguy cơ đột tử lúc ngủ. Bạn cũng không nên cố gắng dùng mọi cách để nắn sửa hình dạng đầu của bé, chẳng hạn như việc đặt bé ngủ trong tư thế nằm sấp. Khi bé đã được vài tháng tuổi, và đã cử động được nhiều hơn, đầu bé sẽ dần dần có hình dạng tròn đều trở lại.
xét nghiệm guthie
Trong vòng 10 ngày đầu sau khi sinh, bé sẽ được lấy máu ở gót chân để xét nghiệm Guthie. Xét nghiệm này nhằm xác định xem bé có bị suy giáp hoặc tiểu ra chất phenyltonuria không (một bệnh bẩm sinh). Nếu không được phát hiện để chữa trị kịp thời, các bệnh này có thể khiến bé chậm tăng trưởng hoặc bị rối loạn phát triển.
Cách đọc biểu đồ tăng trưởng của bé
Những chỉ số về cân nặng, chiều cao và chu vi vòng đầu của bé có thể biểu diễn chung trên một biểu đồ gọi là biểu đồ tăng trưởng trung bình. Biểu đồ này được xác định bằng cách đo các số liệu từ một nhóm gồm rất nhiều trẻ nhỏ trong cộng đồng, sau đó xác định ra các mức độ bách phân vị trung bình. Bé trai và bé gái có biểu đồ tăng trưởng khác nhau, do các bé này thường phát triển không giống nhau.
Ví dụ, giả sử bé Mai có số đo, cân nặng nằm ngay ở mức bách phân vị thứ nhất (cột 25%) , có nghĩa là có 25% trẻ em trong cộng đồng sẽ có cân nặng thấp hơn bé Mai, còn 75% trẻ em trong cộng đồng sẽ có cân nặng cao hơn bé Mai.
Biểu đồ tăng trưởng có thể là phương tiện hữu ích để bạn theo dõi sự phát triển của bé, tuy nhiên có khi bạn sẽ cảm thấy lo lắng do không hiểu được biểu đồ này. Điều quan trọng nhất mà bạn cần nhớ là một số đo đơn lẻ thì không có ý nghĩa lắm. Vào giai đoạn này, bé tăng trưởng đều đều và bền vững là quan trọng nhất.
CHO BÉ BÚ VÀ DỖ BÉ NGỦ
Trong 3 tháng đầu này, bé tăng trưởng nhanh chóng và cần rất nhiều năng lượng. Không có gì đáng ngạc nhiên khi trong giai đoạn này, cuộc sống của bé chỉ có bú sữa và ngủ.
Cho bé bú
Sữa mẹ là thức ăn lý tưởng nhất đối với bé, song sữa pha theo công thức (sữa bột) cũng có thể dùng để thay thế.
Tập cho bé bú đúng cữ
Đối với bé sơ sinh, công việc cho bé bú có vẻ khiến bạn bận rộn suốt 24 tiếng trong ngày. Lúc này, bé đã biết cách tìm kiếm, bú và nuốt. Tuy nhiên, dạ dày của bé còn nhỏ và hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện nên giờ bú của bé thường xuyên thay đổi, nhất là khi bé chưa đủ 4 tuần tuổi. Lúc này, bạn cho bé bú theo nhu cầu là hợp lý nhất. Tuy nhiên, đối với bé sinh non thì bạn không thể áp dụng điều này được.
Cho bé bú không phải đơn giản như việc châm xăng vào bình xe. Mà đó là một công việc mà bạn sẽ phải làm với tất cả tình yêu thương, với những cử chỉ âu yếm, vỗ về. Mỗi lần cho bé bú là một dịp gần gũi thêm với bé, đồng thời giúp bạn thư giãn và thoải mái.
Bạn nên cố gắng tránh những yếu tố gây xao lãng, phân tâm, và luôn nhớ nhìn bé một cách âu yếm mỗi lúc cho bé bú. Dần dần, bạn sẽ biết cách sắp xếp để có được những dịp trò chuyện qua điện thoại, đọc sách hoặc ra mở cổng cho ai đó lúc bé bú. Tuy nhiên, trong những tuần đầu tiên sau khi sinh, tốt nhất bạn nên dành cho bé sự quan tâm tuyệt đối.
Các vấn đề khi cho bé bú
Nếu gặp khó khăn khi cho bé bú, bạn cần kiểm tra các khả năng sau:
- Có thể bé chưa đói. Và cũng có thể bé khóc do đói hoặc do bị đau ở đâu đó trên cơ thể.
- Có thể sữa mà bạn pha cho bé quá nóng hoặc quá lạnh. Nên kiểm tra nhiệt độ sữa bình trước khi cho bé bú bằng cách nhỏ vài giọt sữa lên mặt trong của cổ tay bạn.
- Nếu bé vừa bú sữa mẹ, vừa bú sữa bình, bé có thể bị “nhầm núm vú” và không chịu bú bằng núm vú giả. Nếu bạn dự định cho bé bú cả sữa mẹ lẫn sữa bình, thì nên cho bé bú sữa bình trước khi bé được 4 tuần tuổi.
- Có thể bé sẽ bị đau họng, nhất là khi trông bé có vẻ bị đói, nhưng sau đó lại đột ngột bỏ bú và khóc quấy. Bé bị đau và nổi nhiều đốm trong họng, đây là biểu hiện của bệnh đẹn (tưa miệng). Trong trường hợp này, bạn nên nhờ bác sĩ nhi hoặc nữ hộ sinh xem giúp.
Giấc ngủ của bé
Việc dỗ bé ngủ thường khiến cho những người mới làm cha mẹ gặp rắc rối nhiều hơn bất cứ vấn đề nào khác.
Nhu cầu ngủ của bé
Trẻ sơ sinh thường ngủ rất nhiều, tuy nhiên không phải bé nào cũng vậy. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn cần có cái nhìn linh hoạt hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, kinh nghiệm của nhiều người cho thấy rằng lúc còn ở trong bụng mẹ, nếu bé năng hoạt động (như thai máy nhiều), thì lúc chào đời bé cũng ngủ ít hơn những bé khác.
Trẻ sơ sinh thường sẽ ngủ thành từng chặp ngắn, chứ không ngủ được một giấc dài trong ngày. Trong thời gian đầu sau khi sinh, giờ thức của bé chủ yếu là để bú. Trước 6 tuần tuổi, bé có thể thức vì bất cứ lý do gì, tổng cộng khoảng từ 4 - 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Sau 6 tuần tuổi, bé sẽ thức nhiều hơn và sẽ bắt đầu biết phân biệt giữa giờ ngủ ban ngày và ban đêm.
Bạn đừng bận tâm nhiều về tiếng ồn. Trẻ con không cần phải thật yên tĩnh mới ngủ được. Tuy nhiên, khi bé đang ngủ, tiếng động mạnh có thể khiến bé thức giấc.
Tốt nhất là bạn nên để cho bé tự ngủ, không cần dỗ. Nếu dỗ bé ngủ bằng cách tập cho bé ngủ võng, có thể sau này bé sẽ gặp rắc rối về giấc ngủ.
Giấc ngủ an toàn
Buổi tối, trong vòng 6 tuần lễ đầu tiên, và tốt nhất là trong 6 tháng đầu tiên, bạn nên cho bé ngủ chung phòng với bạn. Bởi vì lúc này bé vẫn còn trong giai đoạn làm quen với cuộc sống bên ngoài cơ thể mẹ và còn cần có mẹ bên cạnh.
- Trẻ sơ sinh nên ngủ ở tư thế nằm ngửa, nhằm giảm nguy cơ bị đột tử lúc ngủ.
- Không được đắp hay quấn khăn lên đầu của bé. Khi bé ngủ, nên đặt bé nằm ngửa ở gần phía chân giường hơn (nếu không bé sẽ ngọ nguậy người và bị vùi vào trong khăn đắp).
- Đừng để bé bị ủ nóng quá.
NÂNG VÀ BẾ BÉ
Trước lúc được 6 - 8 tuần, bé vẫn chưa có khả năng kiểm soát được đầu, thế nên bé rất dễ bị tổn thương. Vì vậy khi nâng hay bế bé, bạn cần phải nâng đầu của bé. Có nhiều cách bế bé, cách tốt nhất có lẽ là cách mà bạn cảm thấy an toàn và thoải mái nhất.
Cách nâng bé
Nếu mới có đứa con đầu lòng, chắc là bạn sẽ chưa thể quen với việc bồng ẵm bé. Khi đó, để bế bé, bạn cần cố gắng vừa nâng giữ đầu vừa nâng phần thân của bé. Cách làm như sau:
• Luồn một tay vào dưới phần đầu và cổ, một tay dưới mông của bé.
• Nâng bé lên, luôn luôn giữ bé sát vào thân mình của bạn.
• Từ từ xoay bé hướng về phía ngực của bạn, nếu bạn gập người xuống (để nâng bé), nên giữ thân người thẳng.
Cách bế bé
Bạn có thể bế bé theo nhiều tư thế khác nhau. Nếu bé đang thức, có lẽ bé sẽ thích nhất khi được bế ở tư thế mà lúc nào bé cũng có thể nhìn thấy rõ khuôn mặt của bạn.
Các nghiên cứu cũng đã ghi nhận là trẻ con rất thích được cha mẹ bế bên tay trái. Nhiều người tình cờ thường bế bé bên tay trái, việc này có thuận lợi là nhờ vậy tay phải tương đối thoải mái, làm được nhiều việc. Bế bé bên trái có nghĩa là bé có thể nghe và cảm nhận được nhịp đập của tim mẹ, có lẽ đây là lý do khiến bé thích được bế bên trái hơn.
• Có thể bế bé trong vòng tay bạn, để bé nhìn về khuôn mặt của bạn, khi đó hãy dùng khuỷu tay trái để nâng đầu của bé và dùng tay phải đỡ phần mông của bé.
• Có thể bế bé áp sát vào vai của bạn. Trong những tháng đầu, bạn cần dùng một tay để đỡ phần đầu và cổ của bé.
• Một số bé thích nằm úp mặt xuống trên cẳng tay của mẹ (hình bên). Dùng một tay nâng đỡ phần đầu và phần ngực của bé, còn tay kia giúp giữ chặt phần mông của bé. Trong tư thế này, bé không nhìn thấy khuôn mặt của bạn, song bé sẽ nhìn thấy mọi vật phía dưới sàn nhà. Có thể bé sẽ thích thú hơn nếu lúc bế bé bạn cứ đi tới đi lui quanh nhà. Tư thế này cũng sẽ tốt đối với những bé hay bị ọc sữa hoặc bị chứng đau quặn bụng.
Hãy tự tin
Bạn nên cố gắng thư giãn và giúp bé cảm thấy thoải mái bằng cách mỉm cười và trò chuyện với bé lúc bạn nâng bé lên và bế bé. Nên thực hiện các thao tác nhẹ nhàng và từ tốn. Bạn nên nhớ rằng các động tác vội vàng quá có thể khiến cho bé khóc.
Những người mới làm bố lần đầu tiên có thể bế bé rất vụng về, nhưng họ sẽ nhanh chóng tự tin hơn thôi. Điều quan trọng nhất là phải nâng đầu của bé và không được vội vàng trong tất cả mọi thao tác. Hướng dẫn cho bố biết cách chăm sóc bé là một điều rất tốt cho bé và cho cả gia đình nữa.
Các bạn sẽ nhanh chóng quen dần với cách vừa bế bé vừa làm một số việc vặt vãnh trong nhà. Tất nhiên, bạn không thể làm tốt tất cả mọi việc trong tư thế như vậy, cho nên cần phải chọn những việc ưu tiên nhất để làm. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải bỏ bớt một số việc, hãy đợi đến khi dỗ cho bé ngủ rồi hãy làm, hoặc cũng có thể bỏ qua một việc nào đó nếu thấy không thật cần thiết trong lúc này.
Dùng địu để địu bé
Địu có thể giúp hai tay của bạn được rảnh rang trong lúc vẫn giữ bé bên cạnh. Địu có nhiều kiểu dáng khác nhau, một số loại còn có nệm lót để nâng đỡ đầu của bé trong vài tuần đầu tiên. Về sau, bạn có thể gỡ miếng nệm này ra, để bé có thể nhìn ra xung quanh được dễ dàng hơn. Khi trọng lượng của bé đã nặng hơn, bạn không nên địu bé nữa vì có thể gây hại đến lưng của bạn, hoặc nếu có địu thì cũng chỉ nên địu trong một thời gian ngắn mà thôi.
Nhìn chung, địu bé bằng địu cũng là một chọn lựa đáng lưu ý. Bạn nên chọn loại địu có kiểu dáng thoải mái và dễ sử dụng.
Địu bé là một sự lựa chọn phù hợp, nhất là khi đưa bé đi dạo ngoài trời mà không cần đến xe đẩy hay ghế đẩy. Địu bé tốt hơn là bế bé. Chẳng hạn việc bế bé đi dạo dọc vỉa hè có thể khiến bé gặp nguy hiểm, đặc biệt là khi ở vỉa hè có đông người hoặc không có đủ ánh sáng.
Thông thường đứa trẻ nào cũng thích được địu đi chơi, song có thể bé không thích ở trong địu lâu quá. Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy mới đầu bé cứ cựa quậy không yên trong địu, tình trạng này có thể kéo dài nửa giờ, thậm chí hàng giờ hoặc hơn nữa.
PHÁT TRIỂN VẬN ĐỘNG
Mặc dù giờ đây bé đã có không gian rộng lớn hơn để cử động và co duỗi tay chân so với lúc còn ở trong tử cung, song phần lớn thời gian bé vẫn còn nằm cuốn người lên, lưng bé hơi cong lên, hai tay, hai chân gập lại, còn bàn tay thì luôn nắm chặt.
Thân mình
Mới đầu, cơ của bé còn rất yếu, song khi thức, bé thường cử động tay chân liên tục như đang tập thể dục. Khi bé đá chân, một chân của bé đưa lên cao, còn chân kia thì hạ xuống thấp, giống như đang đạp xe. Trong khoảng 10 - 12 tuần kế tiếp, cơ của bé đã khỏe hơn, cho phép bé hơi dãn người ra. Lúc bé gần 12 tuần tuổi, nếu bạn đặt bé nằm sấp, khung chậu của bé sẽ nằm ép sát mặt giường và hai chân xoay hướng ra ngoài trông bé cứ như con ếch vậy.
Đầu
Lúc bé mới sinh, cổ của bé rất ngắn và yếu, bé không thể tự nâng đầu lên được. Nếu bế bé nằm sấp, đầu của bé trông rất lỏng lẻo (cần nâng đầu lúc bế bé).
Sau đó vài tuần, bé đã hoàn toàn khác. Lúc được gần 12 tuần tuổi, khi nằm ngửa, bé có thể nhấc đầu lên, để nhìn về một sự việc nào đó đang xảy ra khiến bé chú ý và bé có thể giữ đầu ở tư thế này trong vài phút. Nếu ta thử đặt bé theo tư thế ngồi, sẽ thấy đầu của bé vẫn còn hơi lỏng lẻo.
Khi đã tự ngồi được, bé có thể giữ thăng bằng cho phần đầu, ngay cả khi chuyển động nữa. Thậm chí, bé có thể xoay đầu mặc dù bạn cũng còn phải nâng đầu của bé nữa, vì lúc này bé vẫn chưa thành thạo lắm trong việc kiểm soát các cơ ở nửa thân trên và cơ vùng cổ.
Khả năng phối hợp tay và mắt
Lúc mới sinh, hầu như bé không có khả năng phối hợp giữa tay và mắt, cứ như thể bé chưa hề biết hai tay dùng để làm gì cả. Có thể một thời gian sau bé biết bú tay, song tất cả khả năng của bé chỉ đến thế mà thôi!
Dần dần, tay bé không còn nắm chặt như lúc mới sinh nữa. Lúc được gần 12 tuần tuổi, tay bé đã xòe ra, sẵn sàng sờ vào bất cứ vật gì để khám phá thế giới chung quanh. Khi đặt một đồ vật vào lòng bàn tay bé, bé đã có khả năng nắm chặt lại bằng cả bàn tay. Tuy nhiên, vào giai đoạn này, việc bé nắm chặt tay để cầm một đồ vật nào đó thường không phải là do chủ ý của bé, vì chỉ sau vài giây là bé đã làm rơi vật này mà không hề hay biết. Bé không thể cử động bàn tay lúc đang cầm nắm đồ vật được, vì vậy ở tuổi này bé chưa thể chơi lục lạc được (lục lạc: một loại đồ chơi dành cho bé, khi lắc sẽ phát ra âm thanh). Phải sau 4 tháng tuổi thì bé có thể chơi được các loại đồ chơi này.
Lúc được khoảng 12 tuần tuổi, bé bắt đầu “khám phá” hai bàn tay của mình. Bé quan sát bàn tay lúc tay đang chuyển động, rồi vẫy vẫy tay trước mắt. Bé còn cho hai tay vào miệng nữa. Ở giai đoạn này, tay và miệng của bé như “đôi bạn” vậy. Việc khám phá mối liên hệ giữa tay và miệng là một giai đoạn quan trọng trong quá trình học tập của bé.
Khuyến khích bé phát triển vận động
Cần nhận ra rằng chính bạn sẽ là một “đồ chơi” đầu tiên và thú vị nhất đối với bé.
- Hãy cho bé khám phá khuôn mặt của bạn. Bé sẽ thích thú khi nhìn vào khuôn mặt này, rồi bé ngửi mùi da, mùi tóc của bạn, và sờ mó vào bạn. Nếu có đeo kính, bạn nên gỡ kính ra trước khi kề mặt sát vào bé.
- Nếu bé thích chơi núm vú giả, bạn nên hạn chế không cho bé bú núm vú giả càng nhiều càng tốt. Núm vú giả có thể giúp dỗ nín những bé bướng bỉnh, quấy khóc nhiều, song chính núm vú giả đã khiến bé không có cơ hội để khám phá ra mối liên hệ giữa bàn tay và miệng (bú tay).
- Cứ để bé nằm theo tư thế nào mà bé thích. Bé có thể nằm sấp lúc chơi, nhưng khi ngủ phải cho bé nằm ngửa. Đôi khi bé thích nằm trên ghế dài có nệm đàn hồi, song thường thì bé không chịu nằm ở một chỗ nhất định nào đó quá lâu. Vào giai đoạn này, việc cho bé thay đổi vị trí là do bạn quyết định, bạn có thể bế bé đi trước khi bé cảm thấy mệt hay chán.
- Nên cho bé nghe nhạc và các bài đồng dao.
Bạn đừng lo lắng rằng bé còn quá nhỏ, không hiểu được âm nhạc. Bé cũng rất thích được nằm trong lòng của mẹ cha, và được rung nhịp nhàng. Bằng cách ngồi như vậy, bé vừa cảm thấy an toàn trong lòng cha mẹ, vừa có cơ hội được vận động cơ ở thân mình và cơ ở chân, đồng thời thưởng thức những âm thanh mới lạ. Lưu ý khi thực hiện những động tác này bạn cần nhẹ nhàng, vì bé chưa quen với những gì quá mạnh mẽ hoặc quá mới mẻ.
- Từ 2 tuần trở đi, bạn có thể massage (xoa bóp) cho bé vào bất cứ lúc nào. Đây là một cách thú vị để thể hiện tình yêu của bạn dành cho bé. Massage cũng có tác dụng vỗ về đồng thời có thể giúp phát triển trương lực cơ và tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể bé. Bạn nên massage từ đầu xuống chân bé, bắt đầu từ trán. Tập co duỗi và xoa bóp cánh tay và bàn tay của bé, nhẹ nhàng dùng các đầu ngón tay và ngón cái của bạn để nảy những ngón tay của bé. Vuốt hai chân của bé từ đùi xuống gối, từ gối xuống bàn chân, ngón chân. Chăm sóc nâng niu từng ngón chân của bé.
CÁC PHẢN XẠ NGUYÊN THỦY
Lúc mới chào đời, bé đã được “trang bị” rất nhiều phản xạ, gọi chung là các phản xạ nguyên thủy. Hầu hết các phản xạ này đều rất cần thiết đối với sự tồn tại và phát triển của bé. Một số phản xạ, chẳng hạn phản xạ cầm nắm tạo cho bạn có sự liên tưởng đến quá trình tiến hóa của loài người nguyên thủy. Các phản xạ này sẽ biến mất khi bộ não của bé phát triển, lúc đó bé đã điều khiển được những cử động khác của cơ thể.
Phản xạ bú
Đây là một trong những phản xạ cơ bản nhất, thậm chí bé đã có phản xạ này ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Lúc chào đời, bé thực hành phản xạ bú này với bất cứ vật gì có hình dạng như núm vú, chẳng hạn núm vú giả hoặc đầu ngón tay.
Phản xạ nuốt
Phản xạ này đã có từ lúc bé còn trong tử cung của người mẹ, khi đó bé đã nuốt nước ối rồi.
Phản xạ tìm kiếm
Khi bạn vuốt nhẹ vào một bên má của bé, bé sẽ quay đầu và miệng về phía má bị vuốt. Đây được gọi là phản xạ tìm kiếm. Nhờ phản xạ này mà khi núm vú của mẹ chạm vào má bé, bé sẽ quay đầu và há miệng ra để ngậm vú mẹ. Phản xạ này rất hữu ích, nó giúp bé tìm được vú mẹ và giúp cho việc bú được thuận lợi hơn.
Không giống như các phản xạ khá đơn giản khác, phản xạ tìm kiếm là một phản xạ tương đối phức tạp, vì có nhiều thành phần mới cấu tạo nên phản xạ này. Khi bạn sờ vào góc môi của bé, môi dưới ở phía bên bị kích thích sẽ hơi hạ xuống và lưỡi của bé sẽ được đưa sang góc môi này. Nếu bạn vuốt ngón tay ngang qua khuôn mặt bé, bé sẽ xoay đầu theo hướng bạn vừa vuốt. Tương tự, nếu bạn sờ vào giữa môi dưới của bé, bé sẽ nâng môi lên.
Hắt xì
Đây cũng là một phản xạ xuất hiện từ rất sớm. Điều này giải thích tại sao trẻ nhỏ lại thường hắt xì nhiều. Bé sẽ tự động hắt xì khi mũi chịu bất kỳ kích thích nào, hoặc thậm chí không phải mũi bị kích thích mà chỉ đơn giản là khi bé bị ánh sáng quá mức chiếu vào.
Nháy mắt
Khi bạn chiếu ánh sáng vào mặt bé, hoặc sờ vào đầu bé, dù bé đang ngủ hay thức thì bé cũng đều nháy mắt. Phản xạ này cùng với phản xạ hắt xì, có lẽ đều là các phản xạ bảo vệ của bé.
Phản xạ giật mình
Nếu có một tiếng động bất thình lình, hoặc một chuyển động nhanh đột ngột đều sẽ gây ra phản xạ giật mình đối với bé. Từ lúc bé mới sinh cho đến lúc được khoảng 8 tuần tuổi, khi giật mình, bé có thể phản ứng lại bằng cách vung tay, chân, sau đó rụt lại tư thế ban đầu.
Ứng dụng thực hành
Những phản xạ nguyên thủy sẽ dần dần biến mất khi hệ thần kinh của bé trưởng thành. Vì vậy, bất kỳ phản xạ nguyên thủy nào còn tồn tại thêm một thời gian nữa đều có thể ẩn chứa một ý nghĩa riêng nào đó. Đây là lý do tại sao bác sĩ thường xuyên thăm khám cho bé nhằm kiểm tra xem các phản xạ này có tồn tại khi bé đã lớn hơn 4 tuần tuổi hay không. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào một vài phản xạ nguyên thủy còn tồn tại vượt quá thời gian cho phép thì chưa hẳn đó đã là dấu hiệu nghiêm trọng thật sự đối với quá trình phát triển của bé. Chẳng hạn, không thể chẩn đoán tình trạng bại não của bé chỉ bằng cách dựa vào sự tồn tại của phản xạ nguyên thủy đơn thuần, trừ phi có các triệu chứng nghiêm trọng khác đi kèm.
Ngày nay, nhiều bác sĩ không còn bận tâm nhiều về các phản xạ nguyên thủy này nữa. Đối với các bậc cha mẹ, việc đánh giá các phản xạ này của bé cũng có thể gây mất thời gian vô ích, thậm chí còn khiến bé cảm thấy khó chịu nữa. Tuy nhiên, những kiến thức về các phản xạ này có thể giúp bạn hiểu được quá trình phát triển của bé.
Việc xuất hiện các phản xạ này ở loài người là một điều thú vị, vì nó đã phản ánh được quá trình tiến hóa giống loài của loài người. Một thực tế gây tò mò khác là một số phản xạ có thể xuất hiện trở lại khi trưởng thành, chẳng hạn ở những người bị suy nhược thần kinh lúc tuổi già, hoặc những người đang trong quá trình phục hồi sau khi bị đột quỵ. Trong cả hai trường hợp này, các cử động của cơ thể không nằm trong khả năng kiểm soát của ý chí, cũng giống như ở trẻ sơ sinh vậy.
Phản xạ dợm chân bước
Phản xạ này bao gồm một chuỗi những cử động khi bạn bế bé và cho bé chạm nhẹ lòng bàn chân xuống mặt phẳng cứng. Phản xạ này thường mất đi trong vòng 3 - 4 tuần, vì thế trong lần khám bé đầu tiên, bạn còn thấy phản xạ này, nhưng đến khi tái khám thì có thể phản xạ này đã biến mất.
Phản xạ cầm nắm
Đây là phản xạ biểu hiện rõ nhất ở trẻ sơ sinh. Nếu bạn đặt bất cứ đồ vật gì vào lòng bàn tay của bé, bé sẽ tự động cầm chặt món đồ ấy. Lúc bé được khoảng 4 tuần tuổi, phản xạ này sẽ dần dần biến mất. Trước thời điểm này, bạn cũng có thể thấy phản xạ này biểu hiện khá rõ rệt. Bé nắm chặt đến nỗi bạn có thể đặt ngón tay vào lòng bàn tay cho bé nắm chặt lại, sau đó kéo nhẹ bé lên khỏi mặt giường. Phản xạ này có thể có nguồn gốc tiến hóa từ loài linh trưởng. Con của linh trưởng nhờ có phản xạ này mới có thể bám chặt vào lông của linh trưởng mẹ để được an toàn. Thậm chí, bàn chân của bé cũng có “phản xạ cầm nắm” tương tự như ở tay. Phản xạ này ở chân cũng biến mất lúc bé được khoảng 8 tuần tuổi.
CÁC GIÁC QUAN VÀ KHẢ NĂNG HỌC TẬP
Lúc mới sinh, có vẻ như bé không biết làm gì cả. Tuy nhiên, bé đã có đủ 5 giác quan để có thể khám phá và học tập mọi điều diễn ra xung quanh mình. Các giác quan của bé phát triển nhanh chóng và chỉ trong một thời gian ngắn bé sẽ học được nhiều điều mới lạ.
Thị giác
Lúc mới sinh, thị giác của bé chỉ hoạt động tốt trong phạm vi từ 20 – 25 cm mà thôi. Khoảng cách này chỉ bằng khoảng cách từ mặt của bé (lúc đang bú) đến mặt của mẹ, vì thế đây là khoảng cách rất lý tưởng để bé làm quen với khuôn mặt của người mẹ.
Bộ não của bé lúc này đã biết được điều gì là quan trọng đối với bản thân bé. Phần sau của bộ não, ở vùng trên của vỏ não (thùy chẩm) có nhiệm vụ xử lý các thông tin do mắt (thị giác) thu nhận được. Nhờ đó, bé đã có khả năng nhận ra các kiểu dáng, nhất là khuôn mặt người. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng trẻ sơ sinh thích nhìn vào bức vẽ có hình khuôn mặt người hơn là nhìn vào hình các lá bài xuất hiện ngẫu nhiên. Bé cũng thích nhìn vào những khuôn mặt đang cười vui vẻ hơn là khuôn mặt cau có, quạu quọ.
Lúc mới sinh, các cơ vận nhãn của bé chưa phối hợp tốt, vì thế bé rất khó tập trung hai mắt để nhìn vào một đồ vật ở gần. Thậm chí, bé có thể có biểu hiện lé (lác mắt) khi cố gắng nhìn như vậy. Do bé không thể nhìn thấy những vật ở xa, nên các đồ vật này ít khi gây được sự chú ý đối với bé. Trong vòng 12 tháng đầu, thế giới của bé chỉ là những gì xung quanh tầm mắt của bé mà thôi. Bé vẫn thường săm soi khuôn mặt của bố mẹ không chớp mắt.
Thị giác của bé phát triển dần dần. Lúc được gần 12 tuần tuổi, bé nhìn đồ vật ở gần tốt hơn và cũng ít khi bị lé hơn. Bé đã có thể nhìn xa hơn 25cm, nên bé dễ dàng dõi mắt theo một người đang đi. Giờ đây, bộ não của bé đã trưởng thành nhanh chóng với rất nhiều đường dẫn truyền giữa các tế bào thần kinh. Những gì mà bé nhìn thấy ngày càng trở nên có ý nghĩa hơn. Bé nhanh chóng nhận ra những gì ở phía trước mặt, hoặc dõi mắt nhìn theo một đồ vật nào đó đang đung đưa qua lại. Hình ảnh những khuôn mặt khác nhau rất có ý nghĩa đối với bé.
Thính giác
Lúc mới sinh, thính giác của bé cũng đã rất tốt. Bé có thể nhận ra những âm thanh mà bé đã được nghe lúc còn trong bụng mẹ. Bé nghe và hiểu được giọng nói của cha mẹ cũng như những âm nhạc mà mẹ đã cho bé nghe lúc mang thai. Ngay cả với bé sơ sinh thì giọng nói của con người vẫn được quan tâm nhiều hơn các âm thanh khác. Bé sẽ phản ứng lại những âm thanh lớn hoặc âm thanh phát ra đột ngột, đôi khi còn phản ứng rất mạnh mẽ nữa là khác. Điều này nhắc nhở bạn cần phải biết bảo vệ bé, vì bé chưa thể tự mình di chuyển để tránh hiểm nguy được.
Khi được 12 tuần tuổi, tai của bé đã thính hơn và bé có thể định vị được âm thanh. Lúc này, bé đã biết quay đầu về phía phát ra âm thanh.
Giúp bé sử dụng các giác quan
Ngay từ khi bé mới chào đời, bạn đã có thể giúp bé tận dụng tối đa các giác quan:
- Cho bé nhìn những gì xung quanh bé. Có thể bé sẽ rất thích khi được ngồi vào lòng bạn và nhìn ra xung quanh.
- Những xe đẩy có thành xe hai bên quá cao, dù an toàn nhưng bé sẽ không thích, nên rất dễ chán. Hãy thử dán thêm tranh ảnh hay cho vài món đồ chơi vào đó để bé chơi được lâu hơn.
- Khi địu bé, bạn hãy cố gắng đừng để địu che khuất tầm mắt của bé. Thông thường, bé sẽ rất thích được đặt đầu về một phía của địu, vì như thế bé có thể nhìn ra xung quanh một cách dễ dàng.
- Nên cho bé nghe nhạc, song đừng mở lớn quá. Âm thanh lớn quá có thể gây nên hiện tượng điếc vĩnh viễn đối với bé.
- Khi bé cau có, bướng bỉnh, giọng nói dịu ngọt của bạn sẽ có tác dụng dỗ nín rất hiệu quả. Âm thanh hơi rè rẹt, hơi ồn ào (âm thanh thu được từ những tiếng động có trong tử cung của người mẹ) cũng có thể có hiệu quả trong trường hợp này, song bé cần khoảng 2 tuần mới làm quen được các âm thanh này.
- Cho phép bé sờ mó để cảm nhận mọi vật xung quanh. Sử dụng bao tay em bé có thể giữ ấm cho bé khi trời quá lạnh, song sẽ khiến bé gặp khó khăn khi muốn sờ mó, khám phá một đồ vật nào đó.
Vị giác và khứu giác
Khi vừa mới sinh ra, bé đã thích mùi của mẹ mình hơn bất kỳ mùi vị nào khác. Bé không cần phải học mới có thể nhận ra mùi của mẹ, cũng như vị của sữa mẹ.
Theo thời gian, vị giác và khứu giác của bé sẽ phát triển ngày càng hoàn thiện hơn. Nhưng cần phải có thêm một khoảng thời gian nữa thì bạn mới có thể cho bé thử ăn các loại thức ăn khác nhau. Tuy nhiên, nếu bé bú sữa mẹ, bé đã có dịp làm quen với mùi và vị của thức ăn mà mẹ ăn hằng ngày, dù đó chỉ là một lượng rất nhỏ. Có lẽ điều này cũng đã giúp ích rất nhiều cho bé về sau, khi bé bắt đầu ăn chung bữa ăn với cả gia đình.
Xúc giác
Giác quan này cũng góp phần không nhỏ trong việc giúp bé tìm hiểu thế giới xung quanh. Nó cũng được bé sử dụng nhiều như các giác quan khác vậy. Phía trong làn da của bé, ẩn chứa rất nhiều các đầu tận cùng của dây thần kinh cảm giác, giúp bé cảm nhận được các cảm giác như cảm giác sờ mó, đè ép, đau, nóng, lạnh, nhột, rung,… Tất cả các cảm giác này đều rất cần thiết đối với việc sinh tồn trước mắt, cũng như quá trình học tập của bé sau này. Ngay từ lúc mới sinh, bé đã tỏ ra thích thú với những đồ vật mềm mại. Đến khi được khoảng 12 tuần tuổi, bàn tay của bé đã trở thành một công cụ tối quan trọng nhằm giúp bé khám phá thế giới xung quanh. Da của bé mỏng, nên rất nhạy cảm với việc sờ mó, và các ngón tay của bé rất hoàn hảo để trải nghiệm, tìm tòi nhằm phát hiện ra những gì bé thích hoặc không thích.
ĐỒ CHƠI CHO BÉ
Các cửa hàng bán đồ chơi cho trẻ em lúc nào cũng tràn ngập những đồ chơi hấp dẫn. Trong vài tuần đầu, những người mới làm cha mẹ thường rất thích sắm sửa nhiều loại đồ chơi xinh xắn, dễ thương cho bé yêu của mình. Khi có con, việc chọn lựa đồ chơi cho bé cũng là một niềm vui cho các bậc làm cha làm mẹ. Chơi là một phần quan trọng trong quá trình phát triển của bé. Đồ chơi có tác dụng kích thích các giác quan, giúp bé học tập và thực hành các kỹ năng mới.
Chọn đồ chơi
Có nhiều loại đồ chơi được thiết kế rất đẹp nên đã thu hút đa số các bậc làm cha mẹ, song chưa chắc đã tốt cho bé. Trong 12 tuần đầu sau khi sinh, tốt nhất bạn nên cho bé chơi các loại đồ chơi đơn giản. Theo thời gian, bạn có thể tích lũy cho bé đủ các loại đồ chơi, khiến cho bé luôn cảm thấy thích thú với những trò chơi đó và có khả năng khám phá thêm được nhiều trò chơi mới lạ khác nữa.
Đồ chơi mềm mại
Bé thường rất thích những loại đồ chơi mềm mại, chẳng hạn như gấu bông, hoặc những đồ chơi có lông xù mềm, mượt. Ngoài ra, bé còn thích nhìn những khuôn mặt mà bé được tiếp xúc hàng ngày, cũng như khám phá cấu trúc các vật thể khác nhau.
Đồ chơi phát ra âm thanh
Lục lạc, kèn bóp hoặc các loại đồ chơi phát ra tiếng kêu “chút chít” đều rất hấp dẫn đối với bé. Mới đầu, bé không thể thao tác để các đồ chơi này phát ra âm thanh, song bé sẽ tỏ ra thích thú khi bạn “chơi” giúp bé, như lắc lục lạc hoặc bóp kèn…
Đồ chơi di động
Bé cũng sẽ rất thích những loại đồ chơi di động được, hoặc những loại đồ chơi treo đong đưa, nhất là khi đồ vật có màu sắc sặc sỡ hoặc tương phản nhau. Bé sẽ rất tò mò khi các đồ vật đung đưa này có hình khuôn mặt, hình các con thú, hoặc búp bê.
Đồ chơi giúp bé phát triển vận động
Trong vài tuần đầu, khi bé chưa thể phối hợp tốt các động tác của tay chân, thì những bộ đồ chơi giúp “tập thể dục” vẫn chưa giúp ích được gì nhiều, nhưng có thể bé cũng thích chơi, vì các bộ đồ chơi này thường rất đẹp và lạ mắt.
Gương soi
Gương soi có lẽ là đồ chơi có sự tương tác qua lại với bé nhiều nhất. Người ta đã chế tạo những loại gương soi không vỡ dành cho em bé, chúng thường được gắn vào bên trong nôi hay xe đẩy.
Thỉnh thoảng, bé có thể bị chán hoặc quấy khóc cho dù xung quanh bé có vô số các loại đồ chơi. Vì lúc đó, bé cảm thấy tràn ngập giữa đống đồ chơi, nhìn đâu cũng thấy toàn đồ chơi, trong khi điều mà bé cần nhất là được cha mẹ vỗ về, âu yếm.
Trò chơi kích thích các giác quan
Dạy bé bắt chước những biểu hiện trên nét mặt của bạn cũng rất thú vị. Ngay cả đối với một bé còn rất nhỏ cũng có thể bắt chước hành động thè lưỡi ra và thụt lưỡi vào, nếu bạn đã từng làm mẫu cho bé xem.
Bạn cũng nên hát ru và hát đồng dao cho bé nghe, ngay cả khi bé còn rất nhỏ, chẳng hạn, những câu hát bắt đầu bằng “Ầu ơ…” hay “Ví dầu…”, hoặc đồng dao “Tập tầm vông…” hay “Rồng rắn lên mây…”. Bé sẽ rất thích khi bạn vừa vuốt ve bé vừa ê a những câu hát ru như thế, và chẳng bao lâu sau bé sẽ hiểu và đoán được bạn sắp hát câu gì tiếp theo câu vừa hát.
Khi tắm cho bé, bé sẽ rất thích nếu bạn tóe nước vào bụng hay vào chân bé. Nhưng bạn cần lưu ý là phải bế bé thật chắc chắn, và chỉ tóe nước khi nào bé thích tắm mà thôi. Một số bé chỉ tỏ ra thích tắm nước khi được một hay hai tháng tuổi.
An toàn là trên hết
Hãy giữ an toàn cho bé bằng cách tuân thủ những điều sau đây:
- Chỉ chọn những đồ chơi thích hợp với tuổi của bé và phải đảm bảo rằng không có bộ phận nào của đồ chơi bị long ra khiến cho bé bị chấn thương hoặc bị hóc vào đường thở gây ngạt.
- Cần kiểm tra kỹ các bộ phận như mắt, nút,… của đồ chơi trước khi cho bé dùng, nếu cần phải đính lại các bộ phận này vào các đồ chơi một cách chắc chắn.
- Nên tháo dây ra khỏi các con thú nhồi bông hay các đồ chơi mềm mại, để bé không nuốt phải các dây này.
- Đừng dùng dây buộc các đồ chơi vào nôi hay ghế đẩy, xe đẩy, hoặc nếu có dùng thì chỉ chừa ngắn thôi, vì nếu dùng dây dài quá, bé có thể bị dây quấn.
- Nên lau chùi đồ chơi sạch sẽ, tốt nhất là bằng dung dịch sát khuẩn. Các đồ chơi bằng nhựa nên được ngâm rửa cẩn thận. Nếu mua đồ chơi cũ cho bé, bạn cũng phải làm vệ sinh sạch sẽ như vậy trước khi sử dụng.
- Các đồ chơi phát ra âm thanh lớn quá, có thể gây hại cho thính giác của bé, và tác động này có tính tích lũy trong một thời gian dài. Vì vậy đừng bao giờ để các đồ chơi “ồn ào” này gần bé quá. Trong vài tháng đầu, bé chưa thể tự di chuyển khỏi chỗ “ồn ào” đó được. Thế nên, bạn cần ý thức được tác hại của các âm thanh này và nhiều tiếng ồn khác nữa.
- Nếu trong nhà có những bé lớn hơn, thường có nhiều loại đồ chơi nhưng có thể không thích hợp hoặc thậm chí gây nguy hiểm cho bé nhỏ nhất. Vì vậy, bạn nên dặn dò các bé lớn phải tránh không để cho bé nhỏ chơi các đồ chơi nguy hiểm này.
KHẢ NĂNG GIAO TIẾP
Ngay từ lúc mới sinh ra, bé đã biết cách giao tiếp, cho dù chưa thể nói ra thành lời. Bé đã “học lỏm” những lời nói dịu dàng, ngữ điệu, nét mặt, cử chỉ của cha mẹ, dần dần đoán biết được bạn đang nói gì. Để đáp lại những điều mà bé cảm nhận được từ thế giới xung quanh, bé sẽ sử dụng ngôn ngữ của cơ thể và những âm thanh cơ bản (tiếng khóc, cười…).
Thông qua tiếng khóc
Trong khoảng 6 tuần đầu sau khi sinh, khóc là cách chủ yếu giúp bé biểu lộ nhu cầu của mình. Những lần bé khóc triền miên có thể khiến bạn mệt mỏi, song tiếng khóc của bé tỏ ra rất có “hiệu quả”, vì cha mẹ nào cũng được thiên phú khả năng dỗ con, tìm mọi cách nhằm đáp ứng tốt tiếng khóc của con.
Lúc này, bé còn sử dụng ngôn ngữ của cơ thể nữa, chẳng hạn duỗi hay ưỡn người ra, vặn vẹo người. Ngoài ra còn có cách biểu lộ ở nét mặt, như chớp mắt, nhăn mặt và càng ngày bé “diễn” các điệu bộ này càng hấp dẫn, biểu cảm.
Trong vòng 4 tuần lễ sau khi sinh, bé thường dùng toàn bộ cơ thể để biểu hiện tối đa mục đích nhu cầu của mình khiến cho bạn phải đáp ứng lại một cách tương xứng – và bé đã rất thành công!
Thông qua nụ cười
Bé biết cười, một nụ cười thật sự, lúc được khoảng 6 tuần tuổi. Tuy rằng trước đó, bé đã có nhiều kiểu biểu hiện ở mặt tương tự như mỉm cười. Có khi bé biểu lộ “nụ cười” này quá nhanh, nên bạn có cảm giác như đó là động tác “ợ”. Tuy nhiên lúc được khoảng 6 tuần tuổi, bé sẽ biết cười thật sự vì đi cùng với nụ cười là sự rạng rỡ của ánh mắt. Nếu lúc này bạn cũng cười lại với bé, bé sẽ càng cười to hơn, và tỏ ra rất thích thú. Không ai biết được chắc chắn điều gì khiến bé bắt đầu cười. Bé sẽ cười khi thấy biểu hiện nét mặt của cha mẹ song không phải hoàn toàn như vậy, vì những bé bị mù bẩm sinh cũng biết cười cơ mà.
Bạn trò chuyện với bé
Theo bản năng, cha mẹ thường lên giọng khi trò chuyện với bé, đồng thời cũng cố gắng diễn tả ý thật đơn giản để bé có thể hiểu được một cách dễ dàng. Ngôn ngữ sẽ rất hữu ích trong giai đoạn này, do nó có thể giúp bé học được nhiều âm thanh khác nhau trong cách diễn đạt. Bé cũng rất thích những âm thanh gù gù êm ái hoặc các âm hơi nhấn giọng.
Bé trò chuyện với bạn
Bé cũng tròn miệng hay mấp máy môi để “trả lời” khi bạn nói chuyện với bé. Khi được gần 8 tuần tuổi, bé thật sự đã biết “hỏi và đáp” trong nhiều tình huống. Ngay từ khi mới chào đời, bé đã có thể học bằng cách bắt chước, và không bao lâu sau, bé có thể phát ra các âm thanh riêng biệt của mình để “trả lời” bạn.
Bé sẽ “sắp xếp” thời gian trả lời sau khi đã nghe thấy những lời êm ái, vỗ về của bạn. Nói cách khác, cả bé và bạn sẽ thay phiên nhau trò chuyện. Quá trình này đã diễn ra từ những ngày đầu khi bé mới sinh và ngày càng thể hiện rõ rệt. Khi bạn trò chuyện với bé, bé sẽ yên lặng và lắng nghe. Khi bạn ngưng nói, bé sẽ phát ra âm thanh “ư ử” và ngọ nguậy cơ thể. Trong tình huống đó nếu bạn không đáp ứng lại có thể sẽ khiến cho bé hơi bối rối, mất hứng, thậm chí còn khóc nữa.
Những kỹ năng chuẩn bị tập nói
Ngay cả khi bé chỉ mới được 12 tuần tuổi, bé đã có thể “học lỏm” để hiểu được ý nghĩa của những âm thanh. Khả năng bắt chước này là do thiên phú, bẩm sinh. Bé cũng có thể học bằng các ví dụ mẫu nữa, vì vậy trò chuyện với bé càng nhiều bao nhiêu thì khả năng phát triển ngôn ngữ của bé càng tốt bấy nhiêu. Cần có thêm một thời gian nữa thì bé mới biết cách trả lời chính xác lúc đàm thoại, song điều này không quan trọng; khả năng “cảm nhận” ngôn ngữ luôn luôn phát triển trước khả năng “diễn tả” ngôn ngữ. Nói cách khác bé sẽ hiểu trước khi biết nói.
Những âm thanh đầu tiên
Những âm thanh mà bé phát ra lần đầu tiên đều là nguyên âm, chẳng hạn “a”, “e”, “u” hay “o”. Từ khi được 7 tuần tuổi trở về sau, bé thật sự đã nói rõ các nguyên âm này.
Trò chuyện với bé
Bạn nên tận dụng mọi cơ hội để giao tiếp, trò chuyện với bé.
- Dành nhiều thời gian cho bé hơn. Tạm gác lại mọi chuyện lặt vặt trong nhà. Giao tiếp với bé sẽ giúp bé phát triển kỹ năng ngôn ngữ rất tốt, đồng thời chính bạn cũng thấy thích thú với việc này nữa.
- Khi chơi với bé, bạn phải luôn nhìn bé, giữ cho ánh mắt tiếp xúc với bé. Điều này rất quan trọng trong việc giúp bé học từ mới và ý nghĩa của từ.
- Những dịp thay tã, cho bú, tắm cho bé đều là cơ hội rất tốt để trò chuyện với bé, và cũng là dịp để bé trò chuyện qua lại với bạn nữa.
- Nên giảm những tiếng ồn xung quanh khi trò chuyện với bé.
- Nên đáp ứng lại những âm thanh mà bé phát ra.
- Nên gọi to tên của bé, để giúp bé dần dần hiểu được đó là tên của mình.
- Bạn nên hát cho bé nghe những bài đồng dao, hát ru... tất cả đều giúp bé học được nhiều dạng ngôn ngữ khác nhau. Bạn cứ yên tâm vì bé sẽ không bao giờ chê nếu bạn hát quá tệ đâu!
Tuy đã phát ra được nhiều âm thanh khác nhau, song bé thường chỉ thích một hay hai âm thôi, chẳng hạn âm “o” và âm “a”. Bé cũng thích “gừ gừ” để tỏ vẻ thích thú.
Lúc được gần 12 tuần tuổi, bé bắt đầu nói được một vài phụ âm. Khi hài lòng, bé thường phát các âm có phụ âm “g” hay “nh”, còn khi bực bội bé có thể phát ra các âm “b”, “p”.
CẢM XÚC
Lúc bé mới được 12 tuần tuổi, cảm xúc của bé thay đổi rất nhanh chóng. Đây là điều hoàn toàn bình thường và sẽ sớm qua đi, để định hình nên những cảm xúc sâu sắc hơn.
Mối liên hệ với mẹ hoặc cha
Rõ ràng mẹ hay cha là người đầu tiên quan trọng nhất trong đời sống của bé ở hiện tại và cả tương lai về sau.
Những mối liên hệ tình cảm giữa cha mẹ và con cái thật sự là “tình yêu thương, quấn quýt”. Quá trình mang tính tác động hai chiều này được hình thành khi con cái và cha mẹ có sự liên hệ ngày càng khắng khít không thể rời nhau. Thậm chí quá trình này đã diễn ra ngay cả trước khi bé chào đời nữa. Nhiều bà mẹ cho chúng tôi hay rằng họ đã xúc động thật sự khi thấy đứa con tương lai của mình qua hình ảnh siêu âm lần đầu, hoặc khi thai máy lần đầu tiên.
Ở một số bà mẹ khác, những cảm xúc yêu thương này có thể xuất hiện muộn hơn. Có người chỉ phát sinh tình cảm với bé sau khi bé đã chào đời. Thậm chí, nếu sinh khó, mẹ đau nhiều quá, có khi phải vài ngày sau thì mẹ mới cảm thấy thương bé.
Mối liên hệ với những người khác Nhiều tuần lễ trôi qua, bé đã biết cách chú ý đến xung quanh và có thể có tình cảm với những người khác ngoài cha mẹ của mình. Lúc được gần 12 tuần tuổi, bé có thể có phản ứng vui vẻ thích thú với những người chăm sóc mình. Bé còn mỉm cười khi gặp người lạ, miễn là người đó khiến bé cảm thấy thân thiện, thoải mái và dễ chịu.
Biểu hiện qua tiếng khóc
Khóc thường là cách giúp bé bày tỏ cảm xúc và tâm trạng của mình. Đôi khi bé khóc vì đói, lạnh, đau, hoặc khi cảm thấy buồn chán, cô đơn, mệt mỏi, lo sợ, quá căng thẳng, không thoải mái. Hoặc bé khóc vì muốn được vỗ về, âu yếm. Tuy nhiên, trước 12 tuần, ít khi bé khóc có nước mắt thật sự. Phải sau 12 tuần thì tuyến lệ và ống dẫn lệ của bé mới phát triển đầy đủ.
Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra những khác biệt nho nhỏ trong cách bé khóc. Khi đau bé thường khóc rất to và kêu ré lên. Khóc do đói thường lúc to lúc nhỏ. Rên ri rỉ thường là do bé mệt hoặc bị kích thích quá mức.
Có thể có người e ngại rằng nếu quá quan tâm chăm sóc, chiều chuộng bé thì bé sẽ hư hỏng. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng bé khóc bao giờ cũng có lý do, khi đó bé rất cần được chăm sóc. Sau vài tuần nữa, có thể bé sẽ học được kiểu khóc “vờ”, chẳng hạn khi bạn đặt bé vào nôi, bé sẽ khóc ré lên. Trường hợp này, bạn nên thử chờ một vài phút, có khi bé chỉ khóc thút thít, rên rỉ một chút xíu rồi nín ngay thôi. Tuy nhiên, cũng cần xem xét xem còn lý do nào khiến bé khóc nữa hay không.
Một số bé khóc rất nhiều và ít khi bạn ngăn ngừa trước được, hoặc ít khi tìm được nguyên nhân rõ ràng khiến bé khóc. Khi đó:
• Nếu bé khóc khi đã bú no và trong điều kiện thoải mái, có thể bé khóc do bị kích thích quá mức (quá no). Nên đặt bé vào nôi hay lên võng để bé thiu thiu dần rồi ngủ.
• Có thể bế bé ra khỏi xe đẩy hay ghế đẩy. Có thể bé còn tiếp tục khóc, song âm thanh dần dần nhỏ đi.
• Cứ để mặc bé ở với cha, hoặc nhờ một người lớn nào đó trông bé giúp, còn bạn cứ việc nghỉ ngơi trong chốc lát.
• Nếu bé cứ khóc dai dẳng mà bạn không thể nào dỗ được, nên nhờ nữ hộ sinh hay người thân giúp đỡ.
Biểu hiện qua ngôn ngữ hình thể Qua nhiều tuần lễ, bé sẽ hình thành rất nhiều kiểu biểu hiện nét mặt để diễn tả những điều bé cảm thấy. Bé cũng sẽ nhanh chóng biết cách dùng ngôn ngữ của cơ thể để diễn tả những điều bé muốn. Thông thường bạn có thể đoán đúng những điều khiến bé vui thích như quan tâm đến bé, vỗ về bé, cho bé chơi đồ chơi yêu thích. Khi bực bội, cáu gắt, bé có thể quăng hay đá đồ chơi ra xa. Khi đó, các cử động của bé trở nên rất mạnh mẽ, có khi bé còn có hành động lắc đầu nguầy nguậy nữa.
Làm thế nào để dỗ bé nín?
Có nhiều cách để dỗ bé, sau đây là một số cách dỗ bé khá hiệu quả:
- Chính bạn là người cần cố gắng thư giãn. Theo bản năng, bé sẽ hiểu được lúc nào cha mẹ của mình đang bị căng thẳng.
- Nên nhớ rằng chính bạn mới là (hoặc “sẽ là”) chuyên gia hiểu được tâm tính của con cái mình, là người dỗ bé tốt nhất.
- Nên tập cho bé thói quen sinh hoạt thoải mái hằng ngày. Bé thích đoán trước những hoạt động sắp diễn ra.
- Đừng bao giờ để bé khóc quá lâu rồi mới cho bé bú. Khi đó có thể làm cho bé bị ức chế và nuốt quá nhiều không khí trong lúc bú, nên sau khi bú xong bé càng khó chịu và sẽ khóc nhiều hơn.
Sự yêu thương, quấn quýt
Nhiều người hiểu lầm về cách bé hình thành tình cảm yêu thương, quấn quýt đối với cha mẹ. Từ sự hiểu lầm này khiến họ cảm thấy lo lắng nhiều hơn.
Hiểu lầm: Cần phải cho bé bú mẹ thì mới tạo được tình yêu thương, quấn quýt giữa hai mẹ con.
Thực tế: Không có nghiên cứu nào chứng minh được điều này. Thật là vô ích và bất hợp lý nếu ai đó nghĩ rằng mình có tội khi quyết định nuôi bé bằng sữa pha theo công thức chứ không phải là sữa mẹ. Trái lại, sự âu yếm, ôm ấp, vỗ về của bạn đối với bé mới là điều kiện tối cần thiết.
Hiểu lầm: Mẹ cần bế bé vào lòng ngay sau khi vừa sinh bé xong.
Thực tế: Việc bế bé vào lòng hoặc đặt bé lên ngực hay bụng của mẹ sau khi sinh là một điều đáng yêu, song không phải lúc nào bạn cũng có thể thực hiện được. Nên nhớ rằng không bắt buộc phải làm như thế thì bé mới yêu thương mẹ.
Hiểu lầm: Nếu sau khi chào đời, bé trông không dễ thương thì sau đó mẹ sẽ không yêu thương bé.
Thực tế: Hầu hết tất cả mọi người mẹ (và cả người cha) đều cảm thấy lòng yêu thương dâng trào khi bé chào đời. Dù vậy, tình cảm mẫu tử, phụ tử về sau còn được tiếp tục xây dựng nữa; thông thường cần phải có thời gian để bạn hiểu và thương yêu bé sâu sắc hơn.