Những mốc phát triển chính
- Biết tự múc thức ăn
- Biết đi (có thể tự đi mà không cần ai dìu)
- Có thể tự cầm nắm bất kỳ đồ vật nào
- Bắt đầu biết vẽ nguệch ngoạc
- Đã phát triển khả năng tập trung và có trí nhớ tốt
- Bắt đầu trở nên rất linh hoạt, có khả năng đáp ứng rất nhanh với mọi tình huống
- Biết sử dụng nhiều từ ngữ hơn trong khi trò chuyện
- Bắt đầu thể hiện tính độc lập
Những điểm cần quan tâm
Trong nửa năm này (từ 12 – 18 tháng tuổi), ở bé đã xuất hiện nhiều mốc phát triển chính cũng như những bước phát triển nhảy vọt về khả năng độc lập. Ngày thôi nôi (sinh nhật đầu tiên của bé) cũng là một bước ngoặt lớn đối với bé và cả gia đình. Sau đó không lâu, rất có thể bé sẽ có những bước đi chập chững đầu tiên, và người ta vẫn thường gọi đây là thời điểm bé chập chững biết đi.
Thay đổi về thể chất
Cơ thể bé đã tan bớt một phần lớp mỡ dưới da nên trông bé có vẻ thon và gầy hơn, ngoại trừ phần mông. Lúc được 18 tháng tuổi, có nhiều khả năng bé đã mọc gần đủ răng sữa, trừ 4 răng hàm. Điều này tạo cho hình dáng miệng và khuôn mặt của bé có vẻ giống với trẻ lớn hơn là khuôn mặt trẻ con lúc trước.
Thời gian bé biết đi thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau (vào khoảng 13 – 14 tháng tuổi). Mới đầu bé rất ngập ngừng, bàn chân vẫn còn đặt bẹt lên sàn nhà, và bé thường xuyên bị vấp ngã. Đến khi được gần 18 tháng tuổi, bé đã đi vững hơn và hiếm khi bị ngã. Nhìn bé tăng tốc khi tập đi, bạn có cảm giác bé giống như một người lúc nào cũng vội vã. Tuy nhiên, không phải lúc nào bé cũng đi đúng hướng cần đi.
Bé và môi trường xung quanh
Khi bé đã đi vững, bạn cần sắm cho bé một đôi giày vừa vặn – đây là một sự kiện khá quan trọng trong sự phát triển của bé.
Leo cầu thang là một thử thách mới đối với bé. Tuy nhiên, với sự quyết tâm lớn, bé sẽ vượt qua thử thách này bằng cách bò cả hai tay và hai chân lên cầu thang. Đến tuổi này, bé thích tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh, và đây chính là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của bé. Điều này có nghĩa rằng việc giữ an toàn cho bé (kể cả ở trong nhà và lúc đi dạo ngoài trời) trở nên rất quan trọng, nhất là khi bé di chuyển càng ngày càng nhanh.
Các kỹ năng mới rất quan trọng đối với bé lúc này gồm có “ném bóng” và “xây cất” các “công trình”, như xây tháp hay các tòa nhà bằng nhựa. Khả năng phối hợp các thao tác của bé ngày càng phát triển. Bé thích vẽ nguệch ngoạc lên bất cứ chất liệu nào mà bé có được và trở nên rất sáng tạo. Từ lúc 18 tháng tuổi trở đi, trí tưởng tượng của bé phát triển khá tốt. Bắt đầu từ tuổi này, các trò chơi sáng tạo hoặc trò chơi đóng vai giả sẽ chiếm nhiều thời gian của bé hơn so với trước đây.
Càng ngày bé càng trở nên tự lập hơn, bé đã học được cách múc thức ăn vững tay hơn, tuy đôi lúc vẫn còn làm vương vãi đồ ăn ra ngoài. Lúc được gần 18 tháng tuổi, bé thường không thích ăn bằng thìa (muỗng) như trước đây nữa, thậm chí nếu bạn ép bé, có thể bé sẽ bặm môi lại không chịu ăn.
Bé tiếp tục bắt chước các hoạt động của bạn. Tuy chưa thể tự mặc áo quần cho mình, song bé đã hiểu được công việc này. Bé đã biết hợp tác với bạn bằng cách dang tay hay co chân lên khi cần. Vào khoảng thời gian này, bé đã có thể tự cởi một số trang phục, như giày hay vớ.
Vào ban ngày hầu như bé lúc nào cũng có đủ thứ “công việc” bận rộn, chắc có lẽ vì thế mà vào buổi tối bé thường ngủ sâu hơn. Tuy nhiên, có nhiều khả năng là bé sẽ thức dậy rất sớm vào buổi sáng.
Khả năng giao tiếp
Giờ đây, bé đã có thể nói được khoảng 3 tiếng. Bé đã biết gọi tên nhiều bộ phận của cơ thể, cũng như đã biết tên gọi của mình. Thậm chí bé đã có thể nói được những câu ngắn mà khi nghe thì hầu hết mọi người đều có thể hiểu được – điều này cho phép bạn dành nhiều thời gian để đàm thoại với bé nhằm có được những giây phút vui vẻ bên bé. Bé có thể bập bẹ tập nói cả ngày, và đã bắt đầu nói thành từng tiếng rõ ràng. Có thể bé sẽ thích nói 1 hay 2 tiếng đặc biệt nào đó và vẫn tiếp tục nói thường xuyên những từ đó trong một thời gian nữa.
Cách ứng xử của bé
Có thể do bé hoạt động quá nhiều vào ban ngày nên đã gây ra tình trạng mệt mỏi quá mức, vì thế mà vào buổi tối bạn rất khó dỗ cho bé ngủ. Đôi khi bé còn hờn mát (giận lẫy) không chịu hợp tác với bất cứ việc gì mà bạn làm lúc đó nữa. Lúc gần được 18 tháng tuổi, ý chí của bé có thể rất cao, thậm chí còn tạo cho bạn có cảm giác là bướng bỉnh nữa. Có khi bé nhất định không chịu mang đôi vớ bạn đưa cho mà cứ đòi bằng được đôi vớ màu đỏ. Không những thế, vào bữa ăn bé chỉ chịu ăn thức ăn do bé tự chọn.
Thật ra tất cả những điều này chỉ là những khuyết điểm nho nhỏ mà bé mắc phải trong thời gian này thôi. Còn nhìn chung, trông bé rất hạnh phúc, luôn bận rộn và rất hấp dẫn, lúc nào cũng trong tinh thần học hỏi. Vào lứa tuổi này được chơi với bé là niềm vui lớn mà bạn có!
Bảng tóm tắt cột mốc phát triển
TĂNG TRƯỞNG VÀ SỨC KHỎE
Lúc 12 tháng tuổi, tốc độ tăng trưởng của bé đã chậm lại so với trước đây. Tuy nhiên, dáng vẻ bên ngoài có nhiều thay đổi do bé đã bắt đầu mọc răng và tập đi.
Mọc răng
Răng của bé có thể mọc không đúng như thời gian cố định song chúng thường mọc theo thứ tự đã định sẵn. Sau đây là các mốc thời gian mà bạn cần xác định rõ:
• Lúc 14 tháng tuổi: răng hàm phía trước của hàm dưới, lần lượt mỗi bên.
• Lúc 16 tháng tuổi: răng nanh hàm dưới, lần lượt mỗi bên.
• Lúc 18 tháng tuổi: răng nanh hàm trên, lần lượt mỗi bên.
Vì vậy vào lúc được khoảng 18 tháng tuổi, bé đã có khoảng 16 chiếc răng và khi cười đã thấy rõ hàm răng đầy đặn.
Vào thời gian này, bé còn phải mọc thêm 4 răng sữa nữa. Và các răng này có thể gây đau nhiều do phải mọc xuyên qua phần nướu răng. Một số bé bị đau nướu rất nhiều lúc mọc răng. Bạn có thể nghĩ rằng răng càng lớn thì sẽ càng gây đau, song thực tế không phải lúc nào cũng luôn như vậy. Đối với một bé luôn hoạt động thì sẽ ít khi cảm thấy khó chịu lúc mọc răng, thậm chí đó là chiếc răng lớn, như răng hàm chẳng hạn. Khi đó điểm duy nhất để nhận ra bé mọc răng là má hơi đỏ và thường chảy nước bọt liên tục.
Các chỉ số cân nặng - chiều cao - vòng đầu của bé
Lúc 12 tháng
Cân nặng trung bình: 9,7 kg
Chiều cao: khoảng 74 cm
Chu vi vòng đầu: khoảng 45,8 cm
Lúc 18 tháng
Cân nặng trung bình: 11,1 kg
Chiều cao: khoảng 80 cm
Chu vi vòng đầu: khoảng 47 cm
Bạn cần lưu ý rằng các số liệu trên chỉ là giá trị trung bình. Vì vậy, các số đo này có thể thay đổi trong phạm vi rất rộng (bé vẫn hoạt động bình thường).
Vóc dáng cơ thể
Sự thay đổi về tốc độ tăng trưởng của bé thường trùng hợp với sự thay đổi về vóc dáng. Lượng mỡ trong cơ thể bé tiếp tục giảm cho đến khi bé vào tuổi thôi nôi, chính điều này khiến cho cơ thể bé trở nên thon thả và trông có vẻ “gọn” hơn.
Chân và bàn chân
Trước thời điểm thôi nôi, hai chân của bé trông rất bụ bẫm nhưng giờ đây, khi bước sang giai đoạn tập đi, chúng có vẻ khẳng khiu, thậm chí còn hơi cong nữa. Tuy nhiên, bạn cũng không nên lo lắng nhiều về vấn đề này. Hai chân của bé vẫn còn hơi cong nhẹ mãi cho đến khi được khoảng 12 – 15 tháng tuổi. Điều này rất thường gặp và hoàn toàn bình thường.
Khi bé bắt đầu tập đi, lúc được khoảng 13 – 14 tháng tuổi, hai bàn chân bé thường đặt phẳng sát lên sàn nhà do lúc này lòng bàn chân bé còn tích tụ nhiều mỡ. Toàn bộ lòng bàn chân bé vẫn còn áp sát sàn nhà. Vì khi được khoảng 3 tuổi trở đi, tình trạng này của bé sẽ tự điều chỉnh lại dần dần.
Đôi khi hai bàn chân bé thường chụm vào nhau lúc tập đi. Trong thực tế, cả đầu gối và hai bàn chân bé còn hướng vào nhau cho đến khi bé được khoảng 12 – 18 tháng tuổi. Điều này là do toàn bộ xương đùi bị xoay hướng vào trong ở độ tuổi đó. Tình trạng này sẽ tự động được điều chỉnh vào lúc bé khoảng 5 – 6 tuổi. Tuy nhiên, nếu gặp trường hợp này bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ, vì đôi khi bé có vấn đề về khớp háng hoặc một bệnh lý khác cần phải điều trị kịp thời.
Hệ thần kinh
Bộ não bé phát triển nhanh chóng, khi được khoảng 12 tháng tuổi, trọng lượng não bé đạt khoảng 2/3 so với trọng lượng não của người lớn. Tuy nhiên, vào giai đoạn này não bé vẫn còn diễn ra rất nhiều giai đoạn phát triển khác nữa, chẳng hạn việc thiết lập đường liên kết giữa các tế bào não và cải tiến tốc độ truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh.
Đôi giày đầu tiên
Khi bắt đầu biết đi, bé mới cần mang giày. Trong khoảng thời gian trước khi bé biết đi, tốt nhất bạn nên cho bé đi chân trần trong nhà để bé có thể tiếp xúc và cảm nhận được ma sát của sàn nhà. Nếu trời quá lạnh bạn không nên cho bé để chân trần mà cần mang vớ dài, hoặc mang ủng. Và bạn cũng nên chọn những loại vớ có gót chống trượt. Vớ trơn trượt khiến cho bé chậm biết đứng và chậm biết đi.
Lúc bé biết đi được khoảng 1 tháng và có vẻ đã đứng vững cũng chính là lúc bé sẵn sàng mang đôi giày mới thật vừa vặn đầu tiên trong đời.
- Khi chọn mua giày cho bé, bạn không cần phải đo vừa vặn cả bàn chân của bé, nhưng nhất định giày cần được gài chặt.
- Nên chọn loại giày mềm, có độ đàn hồi tốt, có chỗ đeo chắc chắn.
- Nên mua cho bé mỗi lần một đôi giày thôi, vì chân bé sẽ lớn nhanh và không dùng kịp đâu.
- Sau khi mua đôi giày đầu tiên khoảng 6 – 8 tuần, bạn nên đo lại chân của bé để mua thêm giày mới cho bé.
BỮA ĂN VÀ GIẤC NGỦ CỦA BÉ
Trong giai đoạn này, tuy bé hoạt động rất tích cực về mặt thể chất, song thói quen ăn uống lại rất kỳ cục. Do ban ngày bé ngủ ít hơn so với thời gian trước nên vào buổi tối bé sẽ ngủ say hơn.
Cho bé ăn
Thông thường khẩu vị của bé sẽ giảm đôi chút vào lúc bé được khoảng 15 tháng tuổi. Một số bé ăn ngấu nghiến khi đến bữa ăn, nhưng cũng có một số bé lại cứ nhởn nhơ, hoặc mê chơi quá mà không hề bận tâm đến việc ăn uống.
Một vấn đề khác mà bạn cần quan tâm là bữa ăn không chỉ để cung cấp năng lượng cho cơ thể bé mà còn có ý nghĩa về mặt tình cảm và xã hội nữa. Đây là lý do giải thích tại sao nhiều bậc cha mẹ cảm thấy buồn lòng khi họ luôn cố gắng nấu cho con một chén bột thật ngon, chan chứa tình yêu thương, nhưng bé lại nhất định không chịu ăn! Đến khi được gần 18 tháng tuổi, bé ngày càng tỏ ra bướng bỉnh hơn, nên vào giờ ăn của bé có thể nổ ra những cuộc chiến tranh tâm lý và tình cảm!
Khuyến khích bé ăn uống lành mạnh
- Tập cho bé có một chế độ ăn đa dạng, cân đối, chỉ cần nêm một ít muối hoặc không cần nêm muối cũng được.
- Cho bé ăn thêm những đồ ăn vặt bổ dưỡng, như trái cây và phô mai, vì các thức ăn này không gây hại cho răng của bé.
- Mỗi ngày bạn nên ăn cùng với bé ít nhất một lần.
- Đừng hy vọng rằng bé sẽ ăn hết mọi thứ trong phần ăn.
Bạn không thể ép bé ăn trong giai đoạn này mà chỉ có thể khiến bé có cảm giác muốn ăn thôi!
Giúp bé tự ăn
Lúc được gần 12 tháng tuổi, có thể bé đã biết dùng tách để uống, nhưng chỉ mới biết dùng một tay để cầm tách mà thôi. Tuy nhiên điều này còn tùy thuộc vào kích thước và hình dạng của tách nữa. Lúc này, bé cũng thích ăn nhiều thức ăn lặt vặt (thức ăn cầm tay) khác.
Lúc được gần 15 tháng tuổi, bé đã có thể tự dùng muỗng để múc thức ăn rồi. Bé cầm muỗng bằng cả 4 ngón tay hợp lại thành một gọng kìm và nắm chặt muỗng trong lòng bàn tay, song bé đã có thể xoay cổ tay, thay vì xoay muỗng lúc đưa thức ăn vào miệng. Giờ đây, bé đã tự cho được phần lớn thức ăn vào miệng.
Lúc được 18 tháng tuổi, bé có thể tự ăn trọn một bữa ăn, nhưng với điều kiện bạn phải kiên nhẫn khi bé ăn và nhìn bé quậy phá.
Giấc ngủ
Lúc được khoảng 12 – 15 tháng tuổi, ban ngày bé sẽ ngủ ít hơn so với trước đây, chỉ còn ngủ một giấc thôi. Giờ giấc sinh hoạt của bé sẽ còn lộn xộn thêm một thời gian nữa. Nếu bé vẫn chưa chịu ngủ, bạn có thể dành cho bé một khoảng thời gian yên tĩnh để cùng xem sách, hoặc nằm trong cũi với vài món đồ chơi mà bé thích cũng đủ để dỗ bé ngủ rồi.
Dậy sớm
Từ khi được 12 tháng tuổi, vào buổi tối bé thường ngủ say, một phần là do ban ngày bé “bận rộn” hơn so với thời gian trước. Nhưng vì thế mà bé sẽ dậy sớm hơn vào buổi sáng và cũng thường khóc quấy để mong nhận được sự quan tâm săn sóc từ bạn. Khi thức dậy, có thể bé sẽ tự chơi tiếp nếu trong cũi của bé có sẵn một vài món đồ chơi an toàn.
Dỗ bé ngủ
Trong thời gian này, việc dỗ bé ngủ có thể gặp nhiều khó khăn hơn so với trước đây. Đối với bé từ 12 – 18 tháng tuổi có thể xảy ra hiện tượng mệt mỏi quá mức nếu bé hoạt động quá nhiều trong ngày. Lúc được gần 18 tháng tuổi, bé rất bướng bỉnh, không chịu chơi đồ chơi một mình nữa. Cách tốt nhất là trước khi cho bé ngủ, hãy duy trì thói quen sinh hoạt thật êm dịu, tránh các hoạt động kích thích quá mức.
Nếu bé vẫn duy trì thói quen đi ngủ trễ hơn giờ bạn mong muốn, hãy thử đặt bé vào cũi sớm hơn 5 phút cho đến khi đạt được giờ ngủ quy định.
Giữ an toàn cho bé
Lúc không chịu ngủ, bé sẽ đứng hoặc ngồi trong cũi của mình. Lúc được gần 18 tháng tuổi, nhiều bé có thể tự leo ra khỏi cũi. Mốc thời gian này thay đổi tùy vào từng bé, có thể sớm hoặc muộn hơn, song tốt nhất là bạn nên chuẩn bị trước những điều tốt nhất cho bé.
Tuy nhiên, trong trường hợp này để giữ an toàn cho bé, tốt nhất bạn nên chuyển cho bé sang giường người lớn trước khi tai nạn có thể xảy ra. Ngoài ra, bạn cũng nên gắn thêm cửa rào ở cầu thang để bé khỏi bị té nhào xuống cầu thang.
PHÁT TRIỂN VẬN ĐỘNG
Lúc được 12 tháng tuổi, bé có thể kiểm soát tốt cơ vùng thân mình. Tuy chưa biết đi, song bé đã có khả năng di chuyển quanh nhà và khám phá mọi thứ.
Tư thế và khả năng giữ thăng bằng
Từ khi được 12 tháng tuổi, khả năng giữ thăng bằng của bé khá tốt, ít ra là khi ngồi. Bé có thể vừa mê mải chơi đồ chơi, vừa vươn tay ra xung quanh để với lấy đồ vật ở tầm xa mà vẫn không hề bị lật nhào.
Lúc được gần 18 tháng tuổi, bé có thể ngồi theo nhiều kiểu khác nhau. Do hai chân dài hơn, nên bé có thể ngồi duỗi hai chân ra phía trước, hoặc gập chân và ngồi lên hai gót chân. Bây giờ nếu muốn lấy đồ vật ở tầm cao hơn, bé sẽ rướn người lên trong tư thế quỳ gối.
Chuyển từ tư thế ngồi sang đứng và ngược lại
Lúc được 12 tháng tuổi, bé sẽ chuyển từ tư thế ngồi sang tư thế đứng một cách dễ dàng nếu có chỗ tựa. Chẳng hạn với chiếc bàn thấp, nếu để ý bạn sẽ thấy là khi được khoảng 12 - 13 tháng tuổi, bé đã biết sử dụng bàn tay hoặc có khi chỉ dùng các đầu ngón tay để tỳ nhẹ vào bàn, chứ không dùng cả cánh tay như trước đó nữa. Điều này chứng tỏ khả năng giữ thăng bằng của bé đã tiến bộ một cách rõ rệt.
Từ 12 - 14 tháng tuổi, bé có thể đứng dậy vững vàng mà không cần chỗ tựa. Hầu hết các bé đều có thể đứng lên mà không cần ai nâng đỡ lúc được 16 tháng tuổi. Nếu bé chưa đứng vững được như vậy, bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ để có biện pháp chữa trị kịp thời.
Tuy biết đứng dậy nhưng khả năng giữ thăng bằng của bé trong thời gian đầu còn chưa tốt lắm. Lúc được 12 tháng tuổi, đa số các bé khi đứng lên đều phải lắc lư, nghiêng sang hai bên để giữ thăng bằng. Tuy nhiên, khả năng phối hợp các động tác của bé nhanh chóng được cải thiện. Lúc được 15 - 16 tháng tuổi, từ tư thế đứng bé có thể ngồi xổm xuống để lấy một món đồ chơi nào đó, hoặc quỳ gối xuống để lấy mà không cần một chỗ tựa nào cả. Lúc được 18 tháng tuổi, bé đứng khá vững.
Đi lại quanh nhà
Ngay cả trước khi có khả năng đi lại thì bé cũng đã biết di chuyển rồi. Cùng với sự phát triển của các cơ, tính tự lập của bé cũng phát triển ngày càng cao khiến cho bé ít khi chịu nằm yên một chỗ trong thời gian dài. Lúc được 12 tháng tuổi, bé có thể trườn tới trườn lui hoặc di chuyển theo kiểu lắc lư mông, với tốc độ nhanh khiến bạn cũng phải ngạc nhiên, thậm chí có lúc vừa di chuyển bé vừa cầm đồ chơi theo nữa. Nếu có chỗ nào để bé bám vào, chẳng hạn những đồ đạc trong nhà, thì cách di chuyển nhờ vào đồ đạc của bé ngày càng nhuần nhuyễn, giúp bé có thể chuyển trọng lượng cơ thể từ chân bên này sang chân bên kia một cách nhanh chóng, giúp cho bé di chuyển quanh nhà dễ dàng hơn.
Thay vì bước đi hoặc bò, một số bé có kiểu “đi” bằng cả hai tay và hai chân, giống như cách đi của gấu.
Các hoạt động khác
Trẻ ở lứa tuổi này thường rất năng động. Giờ đây, bé có thể di chuyển từ tư thế bò sang tư thế đứng hoặc tựa vào đồ đạc để di chuyển và ngồi xuống sàn nhà để lấy mẩu gạch hay chiếc xe, sau đó lại tiếp tục bò.
Không nhất thiết phải biết đi bé mới trở nên hoạt động về mặt thể chất, hoặc mới có khả năng kiểm soát thăng bằng hay khám phá thế giới xung quanh. Lúc được 12 - 15 tháng tuổi, bé không ngừng tìm hiểu cơ thể, nhằm khám phá xem cơ thể mình có thể làm được những gì.
Bé thực hiện khá nhiều “công việc” trong thời gian này, chẳng hạn bò dưới gầm bàn hoặc dưới ghế, đứng dậy và “cụng” đầu, sau đó lại leo lên những đồ đạc thấp khác. Nếu được bạn trông chừng, bé có thể leo lên ghế bành hoặc ghế dựa. Bé làm những việc này khi trong tay không cầm đồ chơi hoặc có cầm đồ chơi đều được cả. Nhưng đôi khi bé bị ngã nên có thể đè vào món đồ chơi đang cầm trong tay, hoặc đè vào món đồ chơi nào đó ở trên sàn nhà. Kết quả là bé bị chấn thương bởi một món đồ chơi nào đó mà bạn cứ nghĩ là thật sự an toàn, như viên gạch nhựa chẳng hạn.
Bé cũng có thể ngã đập vào cạnh bàn, gây sưng trán hoặc chấn thương miệng. Đối với bé từ 12 - 15 tháng tuổi rất dễ bị giập môi. Do vậy, bạn nên có những biện pháp để phòng ngừa cho bé. Tất nhiên không có biện pháp nào là an toàn tuyệt đối với bé cả, thế nên bạn cần giám sát bé cẩn thận khi bé di chuyển.
GIÚP BÉ TẬP ĐI
Có nhiều khả năng bé sẽ tập đi từ những ngày sau khi thôi nôi. Song cũng giống như nhiều đặc điểm phát triển khác ở trẻ, mốc thời gian này có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Đối với một em bé đang tập đi, khả năng di chuyển mới là vấn đề quan trọng, chứ không phải là cách thức di chuyển. Vì vậy, bạn không nên thúc giục bé tập đi khi bé chưa thực sự muốn. Bé sẽ sẵn sàng tập đi khi thấy cần thiết.
Những bước đi đầu đời
Từ tháng 12 trở đi, một số bé có thể đi được khi có người dìu một tay. Nhưng bạn không nên duy trì tư thế dìu như thế quá lâu nếu bé không thích, vì có thể gây trật khớp vai của bé. Ngược lại một số bé lại thích như thế ngay cả khi đã có thể tự đi.
Vào một ngày nào đó, thường là không có dấu hiệu gì báo hiệu trước, bé có thể tự đứng lên trong vài giây rồi nhấc chân bước hai ba bước ngập ngừng. Bé bước đi trong tư thế hai tay đưa lên cao, gấp khuỷu lại để giữ thăng bằng. Có thể trong vài ngày kế tiếp bé chưa dám đi lại theo kiểu này, song bé sẽ sớm tập đi thêm nhiều lần nữa. Mới đầu bé di chuyển rất ngập ngừng, hai chân thường dang rộng ra. Bé bước những bước lảo đảo, dài ngắn rất ngẫu nhiên và theo hướng đi bất kỳ. Có khi bé cố gắng lao về phía bạn một cách đầy phấn khích, nhưng rốt cuộc là bị té nhào.
Từng bước vững vàng hơn
Lúc được gần 15 tháng tuổi, bé đi vững hơn, bạn không cần phải dìu tay bé để giữ tư thế đứng thẳng cho bé nữa. Tuy nhiên, bé vẫn còn phải giạng hai chân rộng ra và đặt lòng bàn chân bẹt xuống đất – hai yếu tố này giúp bé giữ thăng bằng tốt hơn.
Khi đi được vài bước bé sẽ tập đi khắp nơi, có khi còn bị ngã lộn nhào. Lúc được 18 tháng tuổi, tư thế đứng của bé đã chắc chắn hơn, nên bé hiếm khi bị ngã. Lúc này, bé có thể bắt đầu tập chạy.
Leo cầu thang
Hầu hết các bé đều rất thích leo cầu thang. Từ lúc được khoảng 15 tháng tuổi, bé cố leo cầu thang bằng cả hai tay và hai chân rồi đi xuống bằng cách ngồi xuống theo từng nấc thang hoặc trượt xuống bằng bụng. Bé hầu như không ý thức về sự nguy hiểm trong trường hợp này.
Lúc gần 18 tháng tuổi, bé có thể đi xuống cầu thang gần giống như người lớn, nhưng bé thường đặt hai chân trên mỗi bậc thang. Đôi khi bé bò lên cầu thang, giống như kiểu bò của gấu.
Các cách đi khác nhau
Lúc mới tập đi, chắc chắn bé chưa thể đi vững được. Tuy nhiên, nếu sau vài tháng mà bé vẫn chưa đi vững, bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ.
Một số bé tập đi theo kiểu nhón gót. Nhưng nếu bé đi với lòng bàn chân đặt phẳng sát sàn nhà thì vẫn không sao. Tuy nhiên, nếu bé đi nhón gót, bạn cũng nên đưa bé đi khám bác sĩ, bởi tư thế đi này có thể là do gân gót của bé quá chặt.
Chậm biết đi
Thời điểm bé biết đi tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có liên quan đến tiền sử gia đình, cá tính, mức độ tự tin và sức khỏe chung của bé. Bé trai, tuy có óc phiêu lưu, say mê khám phá mọi thứ, nhưng lại thường chậm biết đi hơn so với bé gái.
Lúc được 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 3% trẻ biết đi. Hầu hết trẻ đều biết đi trễ hơn thời gian này. Đến 18 tháng tuổi, có đến 97% trẻ biết đi, cho nên nếu em bé của bạn vẫn chưa biết đi vào thời gian này thì tốt nhất bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ. Chậm biết đi thường không phải là do các bệnh lý của khớp háng (chẳng hạn trật khớp háng bẩm sinh hay còn gọi là loạn sản phát triển khớp háng). Vì đa số những trẻ bị trật khớp háng bẩm sinh vẫn biết đi bình thường đúng thời gian như những trẻ khác. Tuy nhiên, trật khớp háng bẩm sinh có thể gây chứng thọt (đi cà thọt), nhất là khi bệnh lý chỉ ảnh hưởng đến một bên. Các triệu chứng khác của trật khớp háng bẩm sinh bao gồm:
- Bé gặp khó khăn khi bò
- Kéo lê một chân
- Đau khi đi
- Thường ngã về một bên
- Khi bé đi, có thể nghe tiếng lộc cộc
- Chân ngắn chân dài
KHẢ NĂNG PHỐI HỢP TAY VÀ MẮT
Trong vòng 6 tháng này, bé tỏ ra rất năng động do khả năng phối hợp tay và mắt của bé phát triển hơn. Từ khoảng 12 - 18 tháng tuổi, đôi khi hai tay của bé còn hơi run run khi chơi, song điều này là hoàn toàn bình thường và dần dần sẽ ổn định.
Chộp lấy và giữ chặt
Lúc 12 tháng tuổi, bé có thể đuổi theo mọi thứ, dù lớn hay nhỏ, sau đó chộp lấy vật đó với độ chính xác gần giống như ở người lớn. Nếu vật nhỏ, bé dùng một tay, xòe các ngón thành hình gọng kềm để “kẹp” lại, còn đối với những vật lớn thì bé sẽ dùng cả hai tay. Tuy nhiên, trong thời gian này bé vẫn còn gặp một số khó khăn khi muốn buông đồ vật rời khỏi tay. Lúc gần được 13 tháng tuổi, “gọng kềm” của bé tinh tế hơn, vì thế mà bé có thể dùng một tay để cầm hai mẩu gạch nhựa hoặc hai khối lập phương. Bé còn có thể vừa bò vừa cầm đồ chơi ở hai tay nữa.
Lúc 14 tháng tuổi, bé thích lắp ghép đồ vật lại với nhau và dành nhiều thời gian để thử nghiệm, khám phá. Bạn có thể giúp bé phát triển khả năng tư duy bằng cách cho bé chơi nhiều loại đồ chơi khác nhau, từ vật liệu xây dựng đến các bộ xoong nồi làm bếp.
Lúc được gần 15 tháng tuổi, bé biết xây “tháp” bằng cách chất hai viên gạch nhựa lên với nhau. Đến 18 tháng tuổi, bé có thể xây tháp cao bằng 3 viên gạch. Nhiều bé thích xô ngã tháp do bạn xây. Hành động này của bé khiến bạn nghĩ rằng bé có tính phá hoại. Nhưng thật sự lại không phải như vậy, việc xô ngã tháp khiến bé hiểu rõ hơn về thế giới vật chất, về cách thức xây tháp.
Ném và bắt
Gần 12 tháng tuổi, bé vẫn còn thích trò ném hoặc buông rơi đồ chơi xuống sàn nhà để bạn nhặt và đưa lại cho bé. Tuy nhiên, đến 18 tháng tuổi, bé không còn thích kiểu chơi này nữa. Mỗi lần bé ném đồ vật đều nhằm một mục đích nào đó. Từ 15 tháng tuổi trở đi, bé đã biết ném đồ vật theo một hướng được xác định trước, dù mới đầu bé làm việc này rất khó khăn. Lúc được 15 tháng tuổi, bé có thể ném quả bóng đi được một quãng ngắn, điều này khiến cho bé rất thích chí. Tuy nhiên, lòng nhiệt thành của bé có vẻ nhiều quá so với sức mạnh cũng như độ chính xác lúc bé ném. Khi bạn bắt quả bóng và ném lại cho bé, thì cách bé bắt bóng còn vụng về hơn nữa. Mặc dù vậy, điều quan trọng nhất là bạn nên hào hứng chơi cùng với bé, nhằm giúp bé cải thiện sức ném bóng và độ chính xác.
Cứ để bé thử ném quả bóng về phía bạn. Mới đầu, có thể bạn cần ngồi thật gần với bé. Khi kỹ năng của bé đã khá hơn, bé chuyển sang ném ra xa dần. Chỉ với một quả bóng nhưng bạn và bé có thể ném qua ném lại để tạo nên những giây phút thật hạnh phúc bên nhau…
Những đồ chơi lý tưởng
Bé thường rất thích chơi đủ thứ đồ chơi, nhưng bạn có thể chọn ra những món đồ chơi thích hợp nhằm giúp bé tăng cường khả năng phối hợp tay và mắt. Chẳng hạn:
- Lắp ráp các loại hộp và bình tích vừa vặn với nhau
- Xây cất khối nhà hay khối gạch
- Xâu các hạt thành chuỗi và chồng các vòng lên trụ
- Xếp hình theo các hình dạng giống nhau
- Chơi với quả bóng mềm
- Các dụng cụ âm nhạc, đồ chơi đơn giản
- Các mẩu xếp hình đơn giản (bạn có thể giúp bé nếu cần)
- Giấy và bút chì màu sáp. Có thể cần thêm cục tẩy
- Màu sơn nước (nhúng tay vào là vẽ được).
Cần đeo tạp dề cho bé để hạn chế việc vấy bẩn lên quần áo
- Những đồ chơi lúc đi tắm, có thể là thau, bình tích, các loại bình có thể chế nước được, hoặc các loại đồ chơi có lên dây cót (thả xuống nước chạy được)
- Các loại sách làm bằng giấy bồi dày, đóng chắc chắn, nội dung đơn giản, có thể cho bé tự lật xem một mình
- Các loại truyện tranh mà bạn sẽ đọc (hay kể) cho bé nghe
- Các loại đồ đạc gia dụng cũng có thể là đồ chơi tốt cho bé. Những lúc bé khóc quấy, thùng đồ chơi với đủ thứ đồ chơi an toàn sẽ là phương pháp dỗ bé hiệu quả nhất.
Để giúp bé không có cảm giác chán khi chơi, bạn nên cất một số đồ chơi ở đâu đó thay vì đem tất cả ra cho bé chơi trong một lúc. Nhờ vậy, đồ chơi cũng sẽ ít hư hỏng hơn. Khi chơi xong, bạn nên dạy cho bé cách cất đồ chơi vào thùng hay vào tủ kính thật ngăn nắp. Dần dần bé sẽ hiểu được tại sao phải xếp đồ đạc ngăn nắp như vậy.
Phát triển không ngừng
Bé ở vào lứa tuổi này lúc nào cũng bận rộn giống như con ong phải hút mật mỗi ngày. Lúc được 15 tháng tuổi, bé không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ. Lúc này, nếu bé không chơi đồ chơi thì cũng sẽ tháo giày. Gần đến 18 tháng tuổi, bé đã biết cởi giày và vớ. Bé còn có thể mang nhiều đồ vật khác nhau đi khắp phòng, rồi đặt lên bất kỳ chỗ nào mà bé muốn. Bạn cũng đừng ngạc nhiên, nếu đôi khi tìm mãi mới thấy đồ chơi hay quần áo của bé, mọi thứ có thể ở những vị trí mà bạn không thể ngờ tới. Đây là thời gian bé đang học hỏi, nên việc bé thử nghiệm mọi thứ là một phần quan trọng không thể thiếu được.
Từ 18 tháng tuổi trở đi, bé thường vẽ những nét nguệch ngoạc, những vòng ngoằn ngoèo lên bất cứ vật liệu nào. Những đường nét này tất nhiên là chưa thể hiện được năng khiếu nghệ thuật nào cả, song bạn nên động viên bé bằng “những lời có cánh”, chẳng hạn: “Ôi! Con yêu của mẹ vẽ đẹp quá!”.
Trong thời gian này, bé đã có thể lật các trang sách. Thông thường, bé sẽ lật một lúc 2 - 3 trang, khi đó bạn nên giúp bé tập lật lần lượt từng trang thôi.
CÁC GIÁC QUAN VÀ KHẢ NĂNG HỌC TẬP
Từ 12 tháng tuổi trở đi, thị giác của bé rất tinh. Lúc này, bé bắt đầu quan tâm đến mọi thứ và hiếm khi bỏ qua điều gì. Kết quả là bé học rất nhanh, và trong vòng 6 tháng kế tiếp này, bé khám phá được rất nhiều thứ. Một dấu hiệu có thể nhận thấy trong quá trình chuyển tiếp từ trẻ con sang trẻ lớn là bé ít khi cho đồ vật vào trong miệng hơn.
Thị giác và thính giác
Lúc gần 12 tháng tuổi, mắt bé rất tinh. Bé có thể nhìn theo cả những vật đang di chuyển rất nhanh. Đồng thời, thính giác cũng phát triển, bé có thể định vị âm thanh rất chính xác. Điều này có nghĩa là bạn khó đùa với bé bằng cách giấu đồ vật rồi bảo bé đi tìm.
Những chi tiết nhỏ khác cũng không qua khỏi mắt bé! Những điểm tinh tế trên chiếc lá hay ở bức tranh in trong sách..., tất cả đều hấp dẫn bé. Lúc gần 18 tháng tuổi, bé thích thú khi xem tranh vẽ những vật tương đồng, sau đó chỉ ra những điểm giống nhau. Xem tranh kiểu này là cách giải trí thú vị đối với bé. Ngoài ra, bé còn tỏ vẻ thích thú với những hình ảnh đơn giản trong trò chơi lô tô nữa.
Khả năng đánh giá về khoảng cách của bé cũng tốt hơn. Lúc được 18 tháng tuổi, bé có thể ước lượng khoảng cách khá chính xác. Tuy nhiên, bé vẫn chưa có ý thức về sự nguy hiểm của độ cao, độ sâu...
Trong thời gian này, có một điều khiến bạn ngạc nhiên là khả năng định vị về không gian của bé vẫn chưa phát triển. Có những đồ vật nằm ở các độ cao khác nhau nhưng bé nghĩ chúng có vẻ như ngang bằng nhau. Lúc 18 tháng tuổi, bé còn xếp sai chiều một mẩu hình trong bảng ghép hình, đôi khi điều này xảy ra rất thường xuyên, nguyên nhân là do bé không thể hiểu được tại sao mẩu hình đó không thể xếp vừa. Bạn nên khéo léo giúp bé bằng cách xoay mẩu ghép này sang góc 180o.
Kích thích các giác quan của bé
Các kỹ năng của bé có mối liên hệ với nhau khá chặt chẽ. Giờ đây bé tự di chuyển được nên bạn có thể tận dụng tối đa thuận lợi này để dạy bé. Chẳng hạn việc dắt bé đi dạo sẽ giúp mở rộng tầm hiểu biết của bé và bé cũng rất thích khi được tung tăng khám phá thể giới xung quanh.
- Đi dạo trong công viên là hoạt động được bé yêu thích nhất. Bạn nên cho bé xem những sự vật mà bé thích. Có thể đó là một chiếc xe buýt đang vào bến, hoặc một cơn mưa rào xuống sân nhà.
- Giai đoạn này bé rất thích nước. Nhiều bé tỏ ra thích thú khi được chèo thuyền dạo trong hồ, hay đi dạo dọc bãi biển, hoặc vọc nước trong những vũng nước nhỏ, …
- Khi đưa bé đi dạo, bạn nên mang theo xe đẩy, vì khi bé mệt bạn sẽ cho bé ngồi vào đó để khỏi phải ẵm bé.
- Nên sắm cho bé bộ yên cương, sẽ rất hữu ích vì nó giúp bé an toàn và hai tay được tự do nên bé có thể khám phá mọi vật.
Trí nhớ và khả năng tập trung
Khoảng 12 - 18 tháng tuổi, bé đã có một trí nhớ tốt. Bé có thể nhớ được nhiều loại đồ vật khác nhau, cũng như trình tự những công việc thường lệ diễn ra trong ngày. Bé còn có khả năng tập trung vào những điều bé thích, nhờ vậy bé sẽ nghĩ ra rất nhiều trò chơi. Thế cho nên, sẽ có những lúc khi bạn gọi nhưng bé không trả lời, do lúc đó bé đang mải mê săm soi một món đồ chơi yêu thích nào đó. Có thể bạn sẽ lo lắng về thính giác của bé nhưng thực tế thính giác của bé không có vấn đề gì cả. Miễn là vào những lúc khác, khi bạn gọi thì bé sẽ đáp ứng lại và vẫn luôn chơi đùa vui vẻ.
Óc sáng tạo và trí tưởng tượng
Lúc được 15 tháng tuổi, bé là người rất “giỏi” bắt chước. Bé thường bắt chước bạn đánh răng, rửa xe, nấu ăn, thậm chí cả việc gõ bàn phím máy vi tính nữa. Đây cũng chính là thời điểm mà bé có thể tham gia vào các trò chơi đóng vai. Những hoạt động này của bé còn kéo dài thêm nhiều năm sau đó. Lúc 18 tháng tuổi, bé tỏ ra vui vẻ và rất nhiệt tình khi thực hiện một việc gì đó cùng bạn, chẳng hạn trong lúc bạn lau nhà thì bé cũng tham gia phụ giúp “lau dọn” cùng, miễn là bạn đưa cho bé một mảnh khăn lau, hoặc chổi và đồ hốt rác...
Lúc 18 tháng tuổi, bé bước sang một giai đoạn mới tràn đầy tính sáng tạo và giàu trí tưởng tượng. Bạn cần tạo cho bé thật nhiều cơ hội để phát triển trí tưởng tượng. Tốt nhất là những loại đồ chơi đơn giản, vì bé sẽ tự sáng tạo ra nhiều cách riêng để chơi với những loại đồ chơi này.
Tìm hiểu khái niệm và ý nghĩa
Tính tò mò vô hạn và khả năng hoạt động ngày càng gia tăng giúp bé nhanh chóng “gặt hái” được nhiều kiến thức. Khả năng suy luận cũng phát triển hơn, cho dù những thay đổi này diễn ra từ từ, hoặc hàng ngày bạn cũng sẽ khó lòng nhận ra. Lúc gần 12 tháng tuổi, bé hiểu được một số khái niệm và ý nghĩa về các nhóm đồ vật. Lúc 18 tháng tuổi, bé hiểu được ý niệm về thời gian. Lúc này, tuy bé chưa thể hiểu được khái niệm về giờ, phút, giây, song bé đã hiểu rõ thế nào là “trước đây”, “sau này”, “không phải bây giờ”... Bé cũng đã học được các khái niệm tương phản, điều này có ý nghĩa rất lớn đối với việc học tập của bé trong tương lai.
TỰ Ý THỨC VỀ BẢN THÂN
Dù bé quan tâm thích thú thế giới xung quanh nhiều đến mức nào đi nữa, thì lúc được 12 - 18 tháng tuổi, càng ngày bé càng tự cho mình là trung tâm. Lúc này, bé đã biết cảm nhận mọi thứ theo quan điểm của riêng mình. Điều này không có gì là bất thường cả, vì đây cũng chỉ là một giai đoạn trong quá trình phát triển bình thường của bé mà thôi.
Cảm giác tự chủ
Lúc được 12 tháng tuổi, bé nhận thức được rằng bản thân bé là một cá thể riêng, không liên quan gì đến bạn. Tuy nhiên, bé lại không liên hệ điều này vào cuộc sống hàng ngày. Lúc 12 tháng tuổi, khi nhìn vào gương, bé đã nhận ra được hình ảnh trong gương, nhưng thật sự bé chưa thể nhận ra đó chính là bóng của bé. Còn khi bước sang giai đoạn này, khả năng hiểu biết của bé đã tăng lên, lúc được 15 tháng tuổi, khi thấy bóng trong gương bé đã dần nhận ra đó chính là bóng của mình. Lúc 18 tháng tuổi, hầu hết các bé đều đã hiểu rằng bóng trong gương là hình ảnh của chính mình.
Ý chí ngày càng mạnh mẽ
Từ 12 - 15 tháng tuổi trở đi, bé ngày càng khẳng định được ý chí của mình. Bé biết diễn tả mong muốn của mình, và không phải lúc nào những mong muốn này cũng giống với ý kiến của cha mẹ. Đây là một phần trong khả năng tự lập ngày càng tăng của bé, đồng thời cũng là một phần của quá trình phát triển tự nhiên nhằm giúp bé trở thành một cá thể riêng biệt.
Có một điều chắc chắn rằng không đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào. Từ 18 tháng tuổi trở đi, bạn sẽ nhận ra những kiểu bướng bỉnh không thể lầm lẫn vào đâu được của bé. Có lúc bé tỏ ra ngoan ngoãn, nhưng đôi khi lại nhất định không chịu hợp tác với bạn! Chẳng hạn, khi đang đưa bé đi dạo, bạn muốn về, nhưng bé nhất quyết không chịu về cùng bạn! Vào dịp khác, bạn chọn cho bé một đôi vớ để mang, song bé lại thích đôi vớ khác, và bé cứ nằng nặc đòi tìm cho bằng được đôi vớ đó!
Bạn nên nhớ rằng việc ép bé nhất nhất tuân lệnh vào giai đoạn này là vô ích. Tốt hơn hết là bạn cứ để cho bé tự chọn và quyết định những vấn đề quan trọng của chính bé. Từ 18 tháng tuổi, bạn có thể giúp bé bằng cách đưa ra cho bé nhiều lựa chọn, chẳng hạn gợi ý rằng “Bữa nay con muốn mang đôi vớ màu đỏ hay màu xanh?”. Tương tự, bạn cũng có thể cho phép bé chọn một cuốn sách nào đó trước khi đi ngủ. Đây là một việc làm cần thiết giúp bé có được kỹ năng ra quyết định, ảnh hưởng lớn đến nhân cách của bé sau này.
Tất nhiên, đối với các vấn đề quan trọng, trong đó có cả việc giữ an toàn cho bé, bạn không thể để cho bé tùy tiện chọn lựa được. Trẻ con cần phải biết rằng trong cuộc sống vẫn còn có những giới hạn, những điều cấm kỵ mà bé không thể vượt qua. Bạn cần phải nhất quán trong cách dạy dỗ bé, đây là chìa khóa quan trọng đem đến thành công! Vì vậy, một khi đã đưa ra những quyết định về một vấn đề quan trọng nào đó đối với bé, thì bạn đừng bao giờ thay đổi quyết định nhé. Nếu không, bạn sẽ khiến bé hiểu lầm và sẽ đánh mất niềm tin nơi bạn đó.
Những giới hạn đối với bé
Lúc 12 tháng tuổi, dù đã học được rất nhiều thứ, song bé vẫn chưa thể hiểu được điều gì có thể và không thể. Vì vậy mà nhiều khi bé làm điều gì đó khiến bạn ngạc nhiên thật sự. Bạn hãy cứ cho bé thử làm, tự học hỏi để có thể rút ra kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu xét thấy không an toàn hoặc không thích hợp đối với bé thì bạn cần giải thích cho bé bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu. Bé sẽ cảm thấy ít bực bội hơn khi hiểu rằng việc bé không được phép làm là có lý do của nó.
Học cách suy luận lô-gic
Lúc 18 tháng tuổi, bé đã là một nhà quan sát giỏi. Tuy nhiên, khả năng suy luận của bé còn rất non nớt. Bạn nên trò chuyện với bé nhiều hơn và giải thích cặn kẽ bất kỳ thắc mắc nào của bé. Chẳng hạn, khi chuông cửa reo, bạn giả vờ ngạc nhiên hỏi bé “Con đoán thử xem ai đang bấm chuông cửa nhà mình?”. Điều này giúp ích rất nhiều cho khả năng suy luận của bé. Khi đi đường, bạn cũng nên dành thời gian để giải thích cho bé hiểu tại sao xe phải dừng khi đèn đỏ, và vì sao lại có phần đường dành riêng cho người đi bộ...
Quan hệ xã hội
Vào độ tuổi này, bé luôn tự xem mình là trung tâm. Chính vì vậy, bé ít chịu chia sẻ bất cứ điều gì với ai, cũng như ít chịu nhường nhịn bất kỳ ai. Tuy nhiên, lúc được 12 tháng tuổi, bé lại thích tụ họp chơi với mọi người. Bạn nên khuyến khích bé chơi cùng với những trẻ khác. Bằng cách này, bé mới dần dần học được những nguyên tắc cơ bản về việc san sẻ đồ chơi. Dĩ nhiên, bạn cũng đừng hy vọng rằng bé sẽ chịu cho những trẻ khác chơi chung món đồ chơi mà bé yêu thích.
Ngoài ra, bạn cũng cần dạy cho bé những đức tính khác như dịu dàng và tốt bụng. Chẳng hạn, bạn có thể mua cho bé nhiều đồ chơi mềm mại để bé học được cách “đối xử” ân cần, vỗ về. Khi đó, hãy khuyến khích bé có cách đối xử với các đồ chơi khác cũng dịu dàng như vậy.
Nếu trong gia đình bạn có nuôi những con vật cưng (như chó, mèo,…), bạn nên thể hiện cho bé thấy hình ảnh bạn nâng niu, vuốt ve những con vật này như thế nào. Nếu trong nhà có nuôi cá cảnh, bạn cũng có thể dạy cho bé cách chăm sóc cá, và tập cho bé có tinh thần trách nhiệm. Lúc được 12 - 18 tháng tuổi, bé đã có thể học cách chăm sóc một con vật nuôi mà bé yêu thích. Tuy nhiên, bạn đừng trông đợi quá nhiều vào việc bé sẽ đảm nhận hoàn toàn trách nhiệm đối với công việc này!
KHẢ NĂNG GIAO TIẾP
Từ 12 tháng tuổi trở đi, kỹ năng giao tiếp của bé nhanh chóng được cải thiện. Nhưng cũng có những lúc bạn không hề thấy bé tiến bộ thêm chút nào. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy trong giai đoạn này là bé đã tích lũy được một vốn từ vựng phong phú và hiểu được cách vận dụng chúng.
Khả năng hiểu biết
Khi được 12 tháng tuổi, bé tỏ ra rất “nhạy” trong vấn đề giao tiếp với mọi người, luôn đáp ứng lại lúc giao tiếp. Bé hiểu bạn rất rõ, nhất là khi bạn nói chậm, đồng thời bé cũng biết cách giao tiếp bằng ánh mắt nữa. Lúc này, bé biết hỏi những câu như “Quả bóng đâu rồi?” hoặc có thể thực hiện những yêu cầu đơn giản như vỗ tay, chào tạm biệt.
Bé biết tên của nhiều đồ vật gia dụng. Lúc 18 tháng tuổi, bé hiểu rõ tên của mình, đồng thời có thể gọi tên nhiều bộ phận trong cơ thể.
Bập bẹ nói
Lúc 12 tháng tuổi, bé bắt đầu bập bẹ nói (chủ yếu là cho chính bé nghe!). Bé phát ra cả những tiếng thật sự lẫn các “biệt ngữ” (chắc chỉ có bé mới hiểu!). Ngoài ra, bé còn đàm thoại với bạn lâu hơn, biết sử dụng kết hợp các từ ngữ mà bé biết, các biệt ngữ, nụ cười và cả ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ nữa. Lúc 18 tháng tuổi, thậm chí bé còn biết hát nữa.
Phát âm và nói
Lúc 12 tháng tuổi, thông thường bé đã nói được những câu ngắn gồm 3 từ có nghĩa. Lúc 14 tháng tuổi, bé có thể lặp lại những từ mà bé nghe được.
Nếu bé không biết cách dùng từ ngữ
Khả năng phát triển của mỗi bé hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có một số mốc thời gian giúp bạn có thể tham khảo. Các dấu hiệu khiến bạn nghi ngờ việc bé không biết cách dùng từ ngữ bao gồm:
- Lúc 12 tháng tuổi, bé vẫn chưa bập bẹ nói hoặc không có biểu hiện đáp ứng khi bạn gọi tên hay trò chuyện với bé.
- Lúc 18 tháng tuổi, vốn từ của bé có ít hơn 6 từ.
- Bé chỉ nói được các từ bắt đầu bằng nguyên âm.
Nguyên nhân chính của các rối loạn về ngôn ngữ là do bé có bệnh lý về hệ thống nghe. Vì thế, khi bé bị rối loạn ngôn ngữ, bạn nên đưa bé đi khám ở bác sĩ gia đình hoặc tham khảo ý kiến của nhân viên y tế để có biện pháp chữa trị kịp thời.
Lúc 15 tháng tuổi, bé nói được câu dài 6 từ, trong đó gồm các từ có hai âm tiết, như: “bái bai!”. Lúc 16 tháng tuổi, vốn từ vựng của bé có thể gia tăng vài từ mới mỗi tuần.
Tuy nhiên, cách phát âm của bé vẫn còn non nớt lắm. Thường có một số âm bé dễ nói hơn, như: “p”, “b”, “m”. Chắc hẳn khi bé nói, bạn sẽ là người nghe hiểu nhiều nhất.
Khi bắt đầu, bé thường sử dụng một từ hoặc một đoản ngữ để diễn tả nhiều ý khác nhau. Chẳng hạn, bé nói “bình” để chỉ bình sữa đồng thời cũng để chỉ tách uống nước, còn “kẹo” thì vừa chỉ kẹo, vừa chỉ sô-cô-la. Người ta gọi đây là những cụm từ nhiều ý nghĩa (holophrase). Các cụm từ kiểu này thường khác nhau tùy vào mỗi bé, và thường thì chỉ có các thành viên trong gia đình mới có thể hiểu được thật sự bé đang muốn diễn tả điều gì.
Lúc 18 tháng tuổi, nguồn ngữ dụng của bé có khoảng 40 từ. Nhưng không phải từ nào bé cũng dùng đúng ý nghĩa của nó. Có thể bé cứ gọi “Ba! Ba!” đối với bất kỳ người đàn ông nào. Thế nhưng khi bé gọi chú đưa thư là “Ba! Ba!” thì bạn cần phải giải thích cho bé đấy!
Ghép các từ lại với nhau
Vào thời gian này, bé bắt đầu biết nói từng câu ngắn nhưng sớm hay muộn còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, lúc 18 tháng tuổi, nhiều bé đã biết ghép 2 hay 3 từ với nhau thành một cụm từ hoặc một câu, kiểu như “Đi rồi!”, “Ba đi rồi!”. Có một số bé còn tỏ ra rất thích một từ hay một câu nào đó và sẽ nói thường xuyên hơn. Lúc này, nhiều bé có xu hướng thích nói từ “Không!”.
Nếu bé nhắc đến bản thân mình, thông thường bé sẽ dùng tên. Vốn từ của bé chưa có các đại từ nhân xưng, mặc dù vậy khi trò chuyện bé vẫn có thể hiểu được các đại từ này.
CÁC BIỂU HIỆN TÌNH CẢM
Lúc 12 tháng tuổi, lúc nào bé cũng tỏ ra vui vẻ, hạnh phúc, tràn đầy sức sống. Bé rất dễ hòa đồng, thích ở cùng bạn và những người khác. Tuy nhiên, có một số ngày bé lại tỏ vẻ “khó chịu”.
Mối quan hệ với người thân
Lúc 12 tháng tuổi, bé thường rất quyến luyến với bạn và có lẽ cả với những người quan trọng khác trong sinh hoạt hàng ngày của bé nữa. Cho dù giờ đây bé ít khi để cho bạn ôm ấp, bồng ẵm hơn lúc trước, thì sự quyến luyến này vẫn không hề giảm ý nghĩa đối với sự an toàn và phát triển của bé với vai trò như một cá thể độc lập.
Nhiều bé lúc chơi tuy có vẻ như không để ý gì đến bạn, song bé vẫn biết là có bạn ở bên cạnh. Mãi đến 18 tháng tuổi, bé vẫn say mê chơi và nghĩ rằng bạn đang ở bên bé.
Mối quan hệ với mọi người
Lúc 12 tháng tuổi, có thể bé vẫn còn rụt rè khi gặp người lạ. Tuy nhiên bé bớt lo lắng hơn so với trước đây. Đối với các bé, tâm lý này không giống nhau.
Tuy nhiên, lúc 18 tháng tuổi, bé thường ít có biểu hiện đề phòng quá mức, mà có vẻ thích chơi và cởi mở hơn với tất cả mọi người. Bé thích chơi bên cạnh những trẻ khác, đôi khi còn cùng chơi với bạn nữa.
Hòa đồng, chan hòa với mọi người
Lúc 18 tháng tuổi, đa số các bé đều rất dễ hòa đồng, luôn chan hòa với mọi người. Tuy nhiên, đôi khi bé có những hành vi hung hăng, như cắn hay đánh những bé khác. Điều này xuất hiện tình cờ, nhưng bé nhanh chóng coi hành động này là một mánh khóe nhằm gây sự chú ý. Vì thế, để bé càng sớm từ bỏ những hành động này, bạn càng phải tỏ ra ít để ý đến những hành động này của bé.
Thậm chí, việc trừng mắt hay chửi mắng bé cũng là một kiểu quan tâm chú ý, dù tiêu cực. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên phớt lờ, không thèm quan tâm khi bé cắn bạn (hay đánh bạn), và nên dành thời gian để săn sóc cho “nạn nhân”. Tất cả những gì mà bạn cần nói với bé lúc này là “Cắn bạn là xấu! Con không được cắn bạn!”. Bạn cần tỏ ra cứng rắn hơn đối với bé trong tình huống này. Nếu cần có thể dùng các hình phạt đối với bé như không chơi chung với bé chẳng hạn. Chỉ có như vậy bé mới bỏ được tật xấu của mình.
Các cơn bùng nổ tính khí
Lúc 18 tháng tuổi, bé dần dần bước vào khoảng thời gian mà nhiều người gọi là “2 tuổi siêu quậy”. Khả năng tự lập của bé ngày càng tăng và do đó có thể dẫn đến các xung đột về ý chí, về những chuyện như ăn, ngủ, thay quần áo hoặc các hoạt động hằng ngày khác. Khi cảm thấy không vừa ý, bé tỏ ra bực bội, cau có, và có thể xảy ra những cơn “bùng nổ tính khí”. Bạn hãy cố gắng đừng để những cơn bùng nổ này ảnh hưởng đến thái độ của bạn đối với bé. Hãy luôn nhớ rằng chỉ có hành vi của bé mới xấu, chứ không phải bé xấu. Dần dần bé sẽ học được cách tự biểu lộ tốt hơn. Bé sẽ biết cách kiểm soát tính khí của mình. Tuy nhiên, vào thời gian này bé không thể tránh khỏi những đợt vỡ òa tình cảm, do bé chưa đủ sức để có thể đương đầu với những cảm xúc mạnh như thế.
Một cá tính đang được định hình
Mức độ phát triển của các bé hoàn toàn khác hẳn nhau. Một số bé rất vui vẻ, thân thiện, nên lúc nào cũng say mê chơi đùa huyên náo. Một số bé khác lại rụt rè, chậm chạp, luôn tránh các hoạt động ồn ào, nên thường bỏ chạy hoặc bám lấy bố mẹ.
Cá tính, khí chất của bé một phần chịu ảnh hưởng của các yếu tố di truyền, một phần do môi trường xung quanh. Vì vậy khi người lớn không kiên nhẫn hoặc hay đòi hỏi, thì con cái họ thường có một số đặc điểm tương tự. Ngược lại, những bậc cha mẹ trầm tĩnh hoặc ung dung thường sẽ sinh con có tính trầm tĩnh. Tuy nhiên, bạn không nên tiên đoán cá tính của bé khi biết cá tính cha mẹ chúng. Cá tính của bé đang hình thành và ngày càng bộc lộ rõ nét.
Sau tuổi thôi nôi, sự khác biệt về cá tính của các bé bộc lộ ngày càng rõ rệt hơn. Điều này là do hằng ngày bé có càng nhiều hoạt động hơn, nên cũng sẽ có nhiều tình huống giao tiếp, bày tỏ cảm xúc hơn. Dù cá tính của bé có ra sao, biểu hiện như thế nào, giống hay không giống cá tính của bạn, thì bạn cũng nên chấp nhận thực tế đó. Điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm cho bé là thương yêu bé thật nhiều, để bé cảm thấy được an toàn và nhờ đó nhanh chóng hoàn thiện các kỹ năng độc đáo của mình.
Trong phạm vị nào đó, bạn có thể ngăn ngừa những cơn bùng nổ này bằng cách tránh xa các xung đột không cần thiết. Bạn chỉ nên nói “Không!” khi đã quyết định chắc chắn và sau đó cần kiên định với quyết định của mình. Điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm lúc này là cần phải cương quyết. Nhiều bậc cha mẹ đã bị “xiêu lòng” và thay đổi quyết định khi bé bùng nổ tính khí. Điều này sẽ khiến cho bé hiểu lầm rằng bé muốn điều gì cũng được. Bạn cần dạy cho bé hiểu rằng việc nằm vạ, hay bùng nổ tính khí như thế chỉ vô ích mà thôi!