Mùa đông năm ngoái, tôi có mua một chiếc bát nuôi cá và đến tận bây giờ nó vẫn được đặt bên cạnh tôi, trên bàn làm việc. Chiếc bát này không lớn hơn bao nhiêu so với chiếc tô bạn vẫn dùng để ăn ngũ cốc vào mỗi buổi sáng. Được làm hoàn toàn bằng tay với nguyên liệu là đất sét đào từ một hẻm núi ở New Mexico. Sau khi tạo hình và hong khô, chiếc bát được trang trí những hoa văn đơn giản, sau đó được đặt dưới một cái hố ở ngoài trời để nung, chất đốt dùng để nung chính là phân ngựa khô và một ít phân bò. Sau cùng, chiếc bát được đánh bóng bằng một mẩu xương để đạt được độ sáng bóng hoàn hảo. Chiếc bát này có bốn màu, màu nâu đất, trắng, đen và đỏ. Kỹ thuật và thiết kế làm nên nét nổi bật không lẫn vào đâu được của nghệ thuật gốm sứ của thổ dân Bắc Mỹ so với người Pueblo ở Nam Mỹ. Chiếc bát này là một món đồ yêu thích để sờ, ngắm. Nó cũng thích hợp để sử dụng hàng ngày. Người tạo ra nó
nói với tôi rằng chỉ một nửa số bát đầu tiên được nung và đánh bóng. Và chúng sẽ không thể tồn tại mãi mãi, không sớm thì muộn những chiếc bát này cũng sẽ vỡ. Độ bền của chiếc bát phụ thuộc vào sự biến đổi khôn lường của đất, nước, lửa, của trí tưởng tượng, sự may mắn. Và vào cả cách người ta sử dụng chúng. Dù sao thì cô ấy cũng sẽ cố gắng để mỗi chiếc bát được tạo ra đều là tốt nhất có thể trong cả hai vai trò đựng thức ăn và là vật trang trí. Chiếc bát bằng gốm của tôi đã khẳng định điều đó. Tôi thích những giá trị mà nó hiện thân.
Nếu bạn nhìn kỹ vào phần trang trí theo vòng tròn quanh miệng bát, bạn sẽ phát hiện ra những nét gián đoạn khác thường. Một sự gián đoạn kiểu cách. Người thợ gốm gọi đó là "con đường nhỏ". Đoạn ngắt này đã xuất hiện trên các sản phẩm gốm Pueblo suốt hàng ngàn năm qua. Ngụ ý rằng thời gian dành cho món đồ gốm này đã hết, nhưng thời gian dành cho cuộc đời người thợ gốm thì chưa. Đây là biểu trưng của sự tiếp tục tồn tại.
Với cùng một lý do và tinh thần như thế, quyển sách này là chiếc bát chứa đựng tư duy, kết thúc bằng một dấu chấm phẩy;