Tâm quyết định đi tàu hỏa về Hải Phòng chứ không đi ô tô. Qua tìm hiểu Tâm biết tàu Hải Phòng mỗi ngày có bốn chuyến. Chuyến sớm nhất là sáu giờ sáng. Chuyến này thì Tâm không ra kịp rồi vì tối qua Oanh dặn chờ cô đến rồi mới đi. Vì thế Tâm quyết định đi chuyến thứ hai vào lúc mười giờ. Chỉ hơn một trăm cây số, tàu có chạy chậm lắm thì một giờ đã có mặt ở Hải Phòng, sau đó tìm cách về Kiến An sau.
Tâm tính về nhà trong vòng hai ngày nên chẳng cần mang ba lô làm gì. Mùa hè oi bức như thế này mỗi ngày chắc phải tắm ba, bốn lần. Tâm lôi trong ba lô cóc ra hai cái quần lót và hai cái áo lót cổ vuông để về thay khi tắm giặt là vừa. Chẳng có túi để đựng hai bộ đồ lót nên Tâm cuộn tròn lại thật chặt sau đó xuống nhà xin tờ báo cũ gói cẩn thận rồi kiếm dây buộc lại. Khi định quay lên tầng hai thì nghe tiếng lạch cạch của xe đạp, Tâm biết là Oanh đến nên quay lại đón.
Oanh dựng xe đạp vào tường rồi xách cái túi du lịch bằng vải bạt be bé đi lên phòng Tâm.
Oanh hỏi:
- Anh chuẩn bị các thứ xong chưa?
- Có gì mà chuẩn bị. Cầm vài bộ áo quần lót về thay khi tắm giặt là xong.
- Gói gì trong tay anh thế?
- Hai bộ áo quần lót. Chẳng có gì nên không phải mang ba lô cho kềnh càng nên gói lại cầm tay cho gọn. Có mượn được sắc phục ngành cho Tâm không?
- Có. Tìm được một bộ sắc phục vừa người anh còn khó hơn mò kim đáy bể. Lùng khắp cơ quan mới gặp được một người có chiều cao khiêm tốn mét rưỡi như anh để mượn.
- Chỉ giỏi xuyên tạc. Tâm một mét năm bảy chứ có phải một mét rưỡi đâu.
- Ừ, thì một mét năm bảy. Cao ghê!
Tâm mở túi du lịch lấy bộ sắc phục đưa cho Tâm.
- Anh mặc thử xem có vừa không.
Tâm cầm lấy bộ sắc phục mở ra xem. Thấy quân hàm thượng sĩ gắn trên ve áo, Tâm bảo:
- Tâm mới hạ sĩ mà mang quân hàm này nhỡ người ta nhìn thấy bảo Tâm gian dối thì sao?
- Tìm người có quân hàm hạ sĩ ở cơ quan Bộ còn khó hơn tìm sao giữa trưa. Thôi mặc tạm thế cũng được. Chỉ từ đây ra ga rồi về nhà, ai nhìn thấy mà sợ.
Tâm bỏ bộ thường phục đang mặc, thay vào đó là bộ sắc phục thượng sĩ công an.
Oanh ngắm đi ngắm lại rồi khen:
- Y như áo quần may đo vậy. Thượng sĩ trẻ như thế này gái Hải Phòng chết hàng loạt.
- Thế thì có người khóc hết nước mắt.
- Thèm vào khóc. Tưởng như mình có giá lắm. Để em lấy các thứ trong túi ra rồi anh cho mấy bộ đồ lót của anh vào cái túi này mà xách cho tiện.
- Có thứ gì ở trong túi thế?
- Em định gửi về biếu bố mẹ anh mấy lạng mì chính và mấy cái khăn mặt. Em biết những thứ này ở nông thôn quý lắm.
Tâm cảm động thực sự. Tâm không nghĩ Oanh lại chu đáo đến thế.
Tâm hỏi giọng run run:
- Đâu mà sẵn thế?
- Sáng nay em dậy thật sớm đạp xe xuống nhà cô của em vay tạm đấy.
- Cái cô Cửa hàng trưởng Cửa hàng Bách hóa số 5 Nam Bộ ấy à?
- Vâng. Nhà cô ấy chẳng khác gì cửa hàng cô ấy phụ trách. Thứ gì cũng có.
- Vì sao Oanh biết những thứ như mì chính, khăn mặt ở nông thôn rất quý?
- Dạo ở Bùi Thượng chúng mình ở trong nhà dân gần hai năm trời làm gì mà không biết.
- Đúng thế đấy. Nhà nông dân mà không có người nhà nằm trong biên chế nhà nước thì cả đời chẳng biết mì chính và đường là cái gì. Khăn mặt thì thỉnh thoảng cửa hàng mua bán hợp tác phân cho một cái, cả nhà dùng cả năm. Khi khăn mặt tơi ra không còn lau được nữa thì phải dùng áo quần rách khâu lại để thay thế khăn mặt.
Oanh ngồi xuống giường và mở nút thắt cái túi vải ra rồi bỏ luôn mấy bộ áo quần lót của Tâm vào đó.
- Anh định về thăm nhà mấy hôm?
- Có lẽ chỉ ở nhà vài hôm thôi, còn lên để ôn qua bài vở, nắm lại kiến thức đã học chứ cấp trên đã chiếu cố mình như vậy mà mình thi trượt thì phụ lòng tốt của cấp trên quá.
- Vội lên để học chứ không phải lên với em à?
Tâm cười:
- Cả hai.
- Hôm nay ở cơ quan nhiều việc nên em không tiễn anh ra ga đâu.
- Không quan trọng.
Nói xong Tâm đứng lên với tay cầm lấy cái túi vải định đi.
Oanh vội vàng cầm lấy tay Tâm:
- Em nói đùa thế mà đã dỗi.
Bất ngờ Tâm ôm lấy Oanh.
Oanh kêu lên:
- Buông ra kẻo em chết ngạt bây giờ.