Tàu thời chiến khá vắng. Hai cái ghế gỗ ngồi dọc theo toa xe chưa đến hai chục khách. Tuy vậy vẫn chật vì gồng gánh, bao tải chồng lên nhau ngổn ngang.
Tàu chạy kiểu rùa bò và dừng gần chục lần mới đến ga Hải Phòng. Tâm nhìn đồng hồ ở nhà ga đã ba giờ chiều. Một đoạn đường chỉ hơn một trăm cây số mà chạy gần năm tiếng đồng hồ. Nỗi lo duy nhất bây giờ là không biết đi về Kiến An bằng cách nào đây. Không biết xe ngựa ở mấy xã cạnh làng Tâm còn chở rau ra thành phố như trước đây không? Gần hai năm kể từ ngày Tâm về phép thăm nhà trước khi đi qua Lào. Thời gian ấy chắc mọi thứ đã thay đổi nhiều rồi chứ đâu còn như xưa.
Ra khỏi ga, Tâm gặp một người bận bộ quần áo công nhân lấm lem dầu mỡ. Tâm hỏi:
- Anh ơi. Em đi xa lâu ngày nay về thăm nhà ở Kiến An, em không rõ đi bằng phương tiện gì hả anh?
- Bây giờ gặp ai đó đi xe đạp chú nhờ người ta đèo đến bến xe Cầu Rào. Ở đó có xe đi Kiến An.
Nghe lời chỉ dẫn của người đi đường vừa gặp, Tâm vẫy có đến năm chiếc xe đạp nhưng chẳng ai cho đi nhờ. Đi chừng một cây số có một anh mặc quần áo công nhân thấy Tâm vẫy dừng lại hỏi:
- Có chuyện gì thế anh?
- Tôi được nghỉ phép về thăm nhà muốn nhờ anh cho tôi đi nhờ đến bến xe Cầu Rào cho kịp chuyến xe cuối cùng trong ngày chạy tuyến Kiến An.
- Vậy anh lên xe tôi đèo đi.
Vừa vào đến cửa bến xe thì có một chiếc xe từ trong bến chạy ra. Chẳng biết có phải xe chạy tuyến Kiến An không nhưng Tâm vẫn nhảy xuống đưa tay vẫy rối rít. Người lái xe đưa tay ra hiệu xe hết chỗ không lên được. Tâm cám ơn anh công nhân đã chở mình đến tận bến xe rồi xách túi đi vào trong. Hỏi ra mới hay chiếc xe vừa ra khỏi bến là chuyến xe cuối cùng chạy tuyến Kiến An. Hơn hai năm trước, Tâm về thăm nhà trước khi đi Lào cũng bị trễ hơn cả tiếng đồng hồ chuyến xe cuối cùng trong ngày không nói làm gì. Giờ đây thấy nó vừa rời bến mà cũng đành đứng nhìn theo. Thôi, thế này chỉ còn đường cuốc bộ gần ba mươi cây số về quê thôi chứ chẳng còn cách nào khác.
Tâm ra khỏi bến xe, lòng buồn rười rượi và tự trách mình. Giá như cứ ra bến xe Bến Nứa nhảy xe đi Hải Phòng như ngày nào thì đâu đến nỗi. Tự nhiên lại muốn đi tàu để còn ngắm cảnh hai bên đường sắt, bởi hơn hai năm trước đã ngồi tàu hỏa từ ga Thượng Lý về Hà Nội, sau đó đi tiếp xuống ga Thường Tín. Tàu chạy ban đêm nên chẳng biết hai bên đường có những gì. Giờ Tâm muốn biết con đường sắt từ Hà Nội về Hải Phòng đi qua những đâu. Vậy là cái tính tò mò cái gì cũng muốn biết của Tâm được trả giá. Thôi, chẳng có gì mà vội vàng, đường nào cũng cuốc bộ cho nên tìm quán cơm nào đó chén một bụng thật no rồi lững thững đi đến đâu hay đó.
Đi loanh quanh rồi Tâm vẫn tìm được một quán cơm bình dân ở bên đường. Có lẽ giờ tan tầm nên quán chật ních. Thấy Tâm mặc quân hàm thượng sĩ công an, một người có lẽ đã ăn xong vẩy tay ra hiệu nhường chỗ cho Tâm. Thấy người đang ăn ngồi cạnh có một đĩa cá biển, một đĩa dưa và một bát canh rau cải nấu với tôm. Nhìn các món ăn khá hấp dẫn. Tâm vẫy người phục vụ đến và bảo cho mình các món ăn giống như của người này.
Thấy Tâm có cái túi du lịch bằng vải bạt để bên cạnh, người khách ngồi cùng bàn hỏi:
- Chú đi về đâu?
- Em về Duyên Nam.
- Về thăm quê à?
- Vâng. Từ nhỏ đến giờ chưa khi nào em lên Hải Phòng nên em chẳng rành đường sá.
- Chú định đi bộ về ngay bây giờ à?
- Vâng. Xuống tàu em chỉ chậm mất mấy phút nên chuyến xe cuối cùng chạy tuyến Kiến An rời bến em không kịp lên. Em nghỉ phép chỉ được hai ngày nên tranh thủ được giờ nào hay giờ ấy. Không biết đường từ đây về đi đường nào gần nhất?
- Chú ra đường 5, đến Quán Toan hỏi tiếp người ta chỉ cho. Chỉ sợ giữa đêm chẳng có ai mà hỏi thôi.
Một người đàn ông chừng bốn lăm tuổi, có lẽ là cán bộ cơ quan nào đó nên ăn mặc khá đàng hoàng. Anh ta ngồi đối diện với bàn của Tâm, chăm chú nghe cuộc trao đổi giữa Tâm với người khách cùng bàn. Sau đó anh ta bước đến hỏi Tâm:
- Anh về Duyên Nam à?
- Vâng.
- Vậy thì anh cứ ăn cơm đàng hoàng, lát nữa tôi đưa anh về. Tôi là Cư, công tác ở huyện ủy lên thành phố có việc.
Tưởng anh cán bộ huyện ủy đèo mình bằng xe đạp hóa ra anh ta đi chiếc xe máy Simson màu đỏ đã cũ. Thế này thì chỉ năm rưỡi, sáu giờ là đến nhà. Tâm nghĩ bụng.
Khi Tâm ngồi lên xe, Cư hỏi:
- Anh vào ngành công an lâu chưa?
- Gần ba năm rồi anh ạ.
Cư ngạc nhiên:
- Tôi nghe mấy đồng chí công an ở huyện kêu ca quân hàm công an lên quá chậm. Vậy mà anh mới vào ngành ba năm đã lên thượng sĩ rồi thì quá nhanh chứ chậm gì nữa.
Tâm cười:
- Tôi tự phong quân hàm cho tôi đấy anh ạ.
Cư giật mình phanh xe lại hỏi:
- Anh đóng giả công an à?
- Không. Chuyện là thế này. Quân hàm hạ sĩ của tôi chẳng hiểu rơi đâu một bên tìm mãi không ra. Tôi muốn mặc sắc phục công an đi đường cho tiện nên phải mượn quân hàm người khác.
Tâm về đến nhà vào lúc mặt trời vừa lặn. Khi xe đi ngang qua địa phận xã Duyên Nam, Tâm bảo Cư dừng xe lại cho mình xuống.
Cư bảo:
- Tiện có xe để tôi đưa anh về tận nhà.
Tâm bảo:
- Xin cám ơn anh. Tôi công tác trên Tây Bắc hơn hai năm nay nên tôi muốn đi bộ để tận hưởng hương vị quê hương mà tôi xa cách bấy lâu nay.
- Vậy thì anh đi nhé.
- Cám ơn anh.
Người cho Tâm đi nhờ quay xe. Tiếng xe máy xa dần.
Tâm xách cái túi du lịch chỉ đựng mấy bộ đồ lót, hai gói mì chính và mấy chiếc khăn mặt nhẹ tênh tênh lững thững bước trên đường làng. Đang giữa hè nên mặt trời dù đã lặn nhưng từ hướng tây vẫn hắt lên trời một vầng sáng xuống phía cánh đồng trước mặt. Đó là cánh đồng của làng Tâm. Không biết bố mẹ và các chị của Tâm giờ này đi làm đồng đã về chưa? Tâm nhớ ngày còn ở nhà, mùa hè nắng nóng như thế này mọi người đi làm rất muộn để tránh cái nắng gay gắt đầu buổi chiều, vì thế bao giờ cũng làm việc đến tối nhọ mặt người mới ra về. Nghĩ vậy Tâm không đi về nhà mà rẽ theo con đường ra đồng. Một ngọn gió nhẹ lướt qua người mang theo mùi hương nồng nồng quen thuộc khiến Tâm ngất ngây. Tâm nhận ra đó là hương của đất. Mùa hè những ngày nắng nóng liên tục, người trồng rau chiều đến phải gánh nước tưới. Đất bị phơi nắng suốt ngày khô cóng, đến khi gặp nước rưới xuống bốc lên một mùi hương chỉ có đất mới có. Và cũng chỉ có người nông dân lăn lộn một nắng hai sương với đất mới cảm nhận được hết cái dư vị say nồng ngọt ngào. Ngày còn bé Tâm đã thích cái mùi hương này rồi. Những ngày nắng gắt liên tục lúc gặp cơn mưa rắc xuống lất phất mấy hạt nước, bao giờ từ mặt đất cũng bốc lên cái vị nồng nồng như thế này trong dân gian gọi đó là hơi đất. Người ta bảo hơi đất độc. Đi đường mà gặp phải thế nào cũng bị cảm. Nhưng riêng Tâm mỗi lần có mưa xuống và hơi đất bốc lên là đứng hít lấy hít để. Giờ đây sau mấy năm xa quê Tâm lại bắt gặp cái mùi hương thân thuộc ấy ngay trên cánh đồng làng.
Tâm đi đến ruộng rau của nhà mình nhưng chẳng thấy ai. Các ruộng rau bên cạnh cũng vậy. Có lẽ bố mẹ Tâm đã về rồi. Ngày Tâm còn ở nhà bố hay trồng mồng tơi, rau dền và cà chua. Tâm nhớ có một năm bố trồng đến hơn một sào xà lách. Rau đang lên xanh mơn mởn thì gặp luôn mấy ngày nắng như thiêu như đốt. Ruộng rau xà lách chẳng khác gì rau luộc. Từ đó Tâm không thấy bố quay lại trồng xà lách bao giờ mà chỉ trồng rau muống, rau dền và rau mồng tơi. Tâm định xuống ruộng xem trồng cây gì nhưng nghĩ ngày mai thế nào cũng giúp bố mẹ làm đồng để nhớ lại những năm tháng trước đây nên ra về.
Rời cánh đồng, Tâm đi vào làng. Mọi nhà đã lên đèn. Những bóng đèn leo lét càng làm cái nóng giữa hè thêm bức bối. Đến ngõ nhà mình Tâm dừng lại giây lát nhìn vào bên trong rồi xăm xăm đi vào. Muốn cả nhà bất ngờ, Tâm không lên tiếng mà cứ thế chui tọt vào trong nhà. Bóng cây đèn dầu leo lét nên chẳng ai nhận ra Tâm, chỉ thấy một người tự nhiên đi vào nhà chẳng chào hỏi ai nên cả nhà lấy làm lạ ngước lên nhìn. Em gái út của Tâm là người đầu tiên nhận ra Tâm. Thu reo lên một tiếng: “Anh Tâm!” rồi vùng đứng lên chạy lại ôm anh, bấy giờ Tâm mới lên tiếng chào bố mẹ”.
Sự xuất hiện đường đột của Tâm khiến cả nhà trở nên chộn rộn. Tâm bước đến ôm lấy mẹ. Mẹ Tâm đưa tay sờ hết đầu, hết mặt anh như hồi mới lên ba, lên bốn. Bàn tay thô ráp của mẹ truyền vào da thịt Tâm nỗi yêu thương khiến anh cảm động đến nghẹn ngào. Tâm cứ đứng yên để cảm nhận hết tình thương từ người mẹ dành cho anh. Bố anh ngồi im lặng nhìn hai mẹ con rồi cười. Vẫn nụ cười chỉ có bố mới có. Đó là nụ cười chỉ hé môi chứ không khi nào cất lên thành tiếng dù có vui mấy đi nữa. Nụ cười hàm chứa tính nhân hậu lẫn kín đáo của một con người dư thừa tình cảm.
Tâm thừa hưởng nụ cười ấy của bố từ ngày còn là cậu học sinh cấp một cho đến khi thành một Tổng Giám đốc có đến bốn, năm nhà máy và hàng ngàn công nhân trong tay vẫn không thay đổi nụ cười của bố để lại cho mình. Một lần các cô nhân viên hành chính thấy Tổng Giám đốc đi qua một cô lên tiếng: “Tổng Giám đốc cười to lên một tiếng để chúng em xem hàm răng của Tổng Giám đốc như thế nào nào”. Ông Tâm nhìn mấy cô nhân viên hành chính rồi cười với nụ cười quen thuộc hàng ngày chứ vẫn không chịu hé răng thế là các cô ôm nhau cười rũ rượi.
Chờ cho mọi người vui vẻ thăm hỏi lắng xuống bấy giờ ông Phúc mới thủng thỉnh hỏi:
- Con về nghỉ phép hay đi công tác rồi tranh thủ ghé thăm nhà?
Tâm đáp:
- Các thủ trưởng cho con về Hà Nội dự thi bố ạ.
- Thi thể thao thể dục hay văn nghệ?
- Con thi văn hóa.
- Sao lại thi văn hóa?
Tâm kể lại đầu đuôi cho bố nghe. Ông Phúc khen:
- Con có chí như vậy bố mẹ rất mừng. Bố mẹ chỉ có mình con là con trai đừng để khi nào thua kém bạn bè.
- Vâng. Con xin nghe lời bố.
- Chuyện vợ con giờ tính sao?
- Lúc nào con về nước rồi tính vẫn chưa muộn bố ạ.
- Bố mẹ rất thèm trong nhà có tiếng trẻ.
- Thế thì bố gả chồng cho chị Hồng và chị Bình trước đi. Chưa có cháu nội thì chơi với cháu ngoại vậy.
- Nói như con thì nói làm gì.
Đêm ấy hai bố con Tâm nói chuyện rì rầm cho đến khi con gà trống trong chuồng cất tiếng gáy đầu tiên.