Bây giờ, bạn đã sẵn sàng bắt tay vào chiến dịch đầu tiên chưa? Chiến dịch đầu tiên bao giờ cũng quan trọng, nó là tiền đề cho những chiến dịch tiếp theo của bạn. Vậy bạn cần chuẩn bị những gì, phải thực hiện ra sao? Chương này sẽ giúp bạn tối ưu hóa dữ liệu sản phẩm và cấu trúc chiến dịch để mang lại cho bạn sự thành công.
Đầu tiên, bạn cần phải đáp ứng đầy đủ ba yêu cầu để thực hiện một chiến dịch mua sắm dưới dây:
- Tài khoản Google: Bạn cần có đồng thời cả hai tài khoản Google Ads và Google Merchant Center, sau đó liên kết chúng lại với nhau.
- Chính sách: Những nội dung bạn sử dụng trong chiến dịch quảng cáo phải tuân thủ các chính sách quảng cáo (đã được đề cập tại chương 1 của phần trước).
- Dữ liệu sản phẩm: Những dữ liệu cho sản phẩm quảng cáo của bạn cần được kiểm soát định kỳ bởi Google (ít nhất 30 ngày/ lần).
Các dữ liệu đã được kiểm duyệt sẽ giúp cho việc chạy quảng cáo của bạn đạt hiệu quả hơn.
Sau khi đảm bảo được các yêu cầu trên, bạn có thể bắt đầu thực hiện một chiến dịch mua sắm.
1. Tạo chiến dịch mua sắm
Để tạo một chiến dịch mua sắm, bạn có thể thực hiện các bước như dưới đây:
- Đầu tiên, hãy đăng nhập tài khoản Google Ads của bạn.
- Trên giao diện chính, hãy nhấn vào ô Chiến dịch bên trái màn hình.
- Tiếp theo, bạn nhấn vào biểu tượng dấu (+), sau đó chọn Chiến dịch mới.
- Ở mục Loại chiến dịch, lần lượt nhấn chọn mục tiêu là Sale/đơn hàng, sau đó chọn Shopping/ Mua sắm.
- Lựa chọn tài khoản Merchant Center nơi chứa dữ liệu sản phẩm của bạn, kế đến bạn chọn mục tiêu theo khu vực địa lý (lưu ý: chỉ chọn theo quốc gia).
- Thiết lập kiểu chiến dịch Google Shopping.
Ở đây bạn có 2 lựa chọn:
• Smart Shopping campaign: đây là định dạng giúp quảng cáo Google Shopping của bạn xuất hiện ở nhiều nơi hơn, và có thể mang lại nhiều chuyển đổi hơn. Tuy nhiên, bạn phải cài đặt conversion tracking, giá trị mỗi chuyển đổi và đạt được ít nhất 20 chuyển đổi trong 45 ngày vừa qua thì mới có thể lựa chọn tùy chọn này.
• Standard Shopping campaign: là định dạng mặc định, quảng cáo mua sắm của bạn sẽ chỉ hiển thị trên Google Search và các Search Partner của Google mà thôi.
- Sau khi hoàn tất, bạn chọn Continue/ Tiếp theo để chuyển sang bước thiết lập tiếp theo.
- Đến bước này, bạn cần cung cấp đầy đủ các thông tin sau để hoàn thành bước này:
• Campaign name/ Tên chiến dịch: Tên chiến dịch là tùy chọn, tuy nhiên nên tuân theo một quy tắc nào đó giúp bạn dễ dàng quản lý hơn theo cách của bạn, đương nhiên rồi!
• Bidding/ Đấu thầu: lựa chọn chiến lược đấu thầu phù hợp với mục tiêu của bạn, như đã đề cập ở 1 và 2 của chương này.
• Budget/ Ngân sách: là ngân sách bạn dành cho chiến dịch trung bình mỗi ngày.
• Campaign priority/ Chiến dịch ưu tiên: là tùy chọn bạn cần quan tâm khi bạn có nhiều chiến dịch quảng cáo mua sắm dành cho 1 nhóm sản phẩm. Bạn muốn sản phẩm sẽ được hiển thị từ chiến dịch nào đó, lúc này bạn sẽ lựa chọn mức độ ưu tiên phù hợp với ý đồ của bạn. Nếu bạn chỉ có chiến dịch Google Shopping, bạn hãy lựa chọn mức ưu tiên là Low/ Thấp.
• Networks/ Mạng: là mạng quảng cáo mà bạn muốn quảng cáo của bạn được hiển thị. Ví dụ: Bạn chỉ muốn quảng cáo của mình hiển thị trên trang Google Search và không muốn nó hiển thị trên mạng hiển thị và đối tác tìm kiếm, khi đó bạn bỏ lựa chọn của 2 mục đó ở đây.
• Locations/ Vị trí: lựa chọn việc quảng cáo của bạn sẽ hiển thị đến khách hàng tiềm năng ở những vị trí nào. Bạn có thể lựa chọn ở cấp độ tỉnh, thành phố ở lựa chọn này.
- Sau khi bạn đã thiết lập Tùy chọn cho chiến dịch quảng cáo, nhấn Save and Continue/ Lưu và Tiếp tục để hoàn tất bước này.
- Tiếp theo, chọn nhóm quảng cáo mà bạn muốn thiết lập, bạn có thể chọn một trong hai loại hình dưới đây:
• Quảng cáo mua sắm sản phẩm (loại quảng cáo này khuyến khích những người mới bắt đầu sử dụng): Đây là những quảng cáo sản phẩm riêng lẻ, các quảng cáo này được tạo tự động bằng cách sử dụng thông tin từ tài khoản Merchant Center của bạn.
• Quảng cáo trưng bày mặt hàng: Đây là chiến dịch quảng cáo nhằm quảng bá một nhóm sản phẩm có liên quan với nhau để chúng cùng nhau giới thiệu sản phẩm hoặc doanh nghiệp của bạn.
- Bước tiếp theo, hãy tạo Nhóm quảng cáo đầu tiên của bạn bằng cách nhập một vài thông tin như sau:
• Tên nhóm quảng cáo: Nhập tên cho nhóm quảng cáo của bạn, tên này dùng để tìm kiếm nhóm sau này, bạn có thể thay đổi sau khi tạo tên chiến dịch.
• Giá thầu: Hãy nhập giá thầu bạn cho là phù hợp với nhóm quảng cáo, giá thầu này sẽ được áp dụng cho nhóm sản phẩm đầu tiên trong nhóm quảng cáo “Tất cả sản phẩm”. Bạn có thể thay đổi giá thầu trên nhóm sản phẩm này sau khi tạo xong chiến dịch.
- Bước tiếp theo, nhấn vào Lưu để kết thúc.
- Bạn sẽ được chuyển tới trang Nhóm sản phẩm, tại đây bạn sẽ thấy một nhóm sản phẩm “Tất cả sản phẩm” chứa các sản phẩm trong chiến dịch.
2. Quản lý thuộc tính nhóm sản phẩm quảng cáo
Thực tế, khi bạn đưa sản phẩm quảng cáo của mình lên Google Merchant Center, mọi sản phẩm đều được đặt trong nhóm “Tất cả sản phẩm”. Nếu bạn không chia chúng ra thành từng nhóm nhỏ sẽ rất khó đạt hiệu quả trong việc điều chỉnh chiến lược giá thầu theo mục tiêu quảng cáo và mang lại hiệu quả cho chiến dịch. Dựa trên những thông tin bạn đã cung cấp trong nguồn cấp dữ liệu sản phẩm, hãy xem xét các thuộc tính dưới đây để xác định nhóm sản phẩm:
- ID mặt hàng: Đây là mã định danh của sản phẩm. Mỗi sản phẩm khi đưa lên quảng cáo sẽ được cấp một mã khác nhau, đảm bảo không có sự trùng lặp.
- Thương hiệu: Tên nhà sản xuất sản phẩm. Khi bạn đăng bán các sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng, Google sẽ ưu tiên hiển thị hơn so với những sản phẩm không có thương hiệu.
- Danh mục: Thuộc tính này dựa trên phép phân loại sản phẩm của Google. Chẳng hạn: Trang phục và Phụ kiện > Phụ kiện > Kính mắt. Trong mục danh mục, ký tự “>” sẽ xác định mức cấp bậc danh mục.
Hãy cố gắng tạo mục danh mục nếu bạn không muốn để Google tự tạo và sắp xếp danh mục cho các sản phẩm của mình. Nếu bạn không có sẵn mục Danh mục, Google sẽ làm việc đó thay cho bạn, tuy nhiên sẽ khó có thể đảm bảo là không xảy ra bất kỳ sai sót nào.
- Loại sản phẩm: Một thuộc tính do bạn chỉ định dựa trên sự phân loại sản phẩm. Ví dụ trong chuỗi loại sản phẩm: Thời trang > Trang phục và Phụ kiện > Phụ kiện > Kính mắt. Đây là những thuộc tính mà bạn sử dụng để phân mục cho sản phẩm Kính mắt.
- Nhãn tùy chỉnh: Sử dụng nhãn tùy chỉnh khi muốn chia nhỏ các sản phẩm trong chiến dịch bằng cách sử dụng các giá trị mà bạn chọn. Ví dụ: bạn có thể sử dụng nhãn tùy chỉnh để cho biết Sản phẩm theo mùa, Hàng thanh lý, Bán chạy nhất, theo thương hiệu…
- Tình trạng: Các lựa chọn để phân loại sản phẩm, chẳng hạn: Sản phẩm mới, Sản phẩm đã được tân trang lại, Sản phẩm đã qua sử dụng…
- Kênh: Nơi sản phẩm của bạn được đăng bán, có thể là cửa hàng thực tế (địa chỉ “Địa phương”) hoặc thông qua của hàng thương mại điện tử (địa chỉ “Trực tuyến”).
- Kênh độc quyền: Cung cấp thông tin cho biết sản phẩm của bạn được bán tại Địa phương hoặc Trực tuyến, hoặc kết hợp cả hai cửa hàng.
Lưu ý: Khi bạn thay đổi các thuộc tính cho sản phẩm trên nguồn cấp dữ liệu thì chúng sẽ không được thay đổi với nhóm sản phẩm đã được phân mục trong chiến dịch quảng cáo, bạn cần phải tự cập nhật những thay đổi đó trên các nhóm sản phẩm đó của mình.
3. Thiết lập quy tắc nguồn cấp dữ liệu
Như chúng ta đã biết, nếu dữ liệu của sản phẩm gửi lên Google Merchant Center không phù hợp thì sản phẩm đó sẽ không được chấp nhận. Để đảm bảo tất cả dữ liệu bạn đăng tải phù hợp với đặc tả dữ liệu sản phẩm của Google, bạn nên sử dụng Quy tắc nguồn cấp dữ liệu. Quy tắc nguồn cấp dữ liệu có thể khắc phục dữ liệu lỗi và giúp Google đọc đúng dữ liệu mà bạn gửi lên nguồn cấp. Dưới đây là cách giúp bạn thiết lập Quy tắc nguồn cấp dữ liệu.
Lưu ý: Bạn cần phải gửi dữ liệu lên trước nhằm có dữ liệu để tạo quy tắc.
Để tạo Quy tắc nguồn cấp dữ liệu, bạn có thể thực hiện theo các bước dưới đây:
- Đầu tiên, bạn đăng nhập tài khoản Google Merchant Center của mình.
- Sau đó, bạn di chuyển tới trang Feeds/ Nguồn cấp dữ liệu trong mục Product/ Sản phẩm.
- Click vào Feed/ Nguồn cấp dữ liệu bạn muốn thay đổi bằng Quy tắc nguồn cấp dữ liệu.
- Tại giao diện tiếp theo, bạn lựa chọn tab Rules/ Quy tắc.
- Nếu bạn có nhiều quốc gia bán và ngôn ngữ mục tiêu kết nối với nguồn cấp dữ liệu này, hãy đảm bảo chọn đúng quốc gia bạn muốn áp dụng quy tắc.
- Nhấp chọn mục Create Rule/Tạo quy tắc.
- Chọn thuộc tính mà bạn muốn thay đổi bằng Nguyên tắc nguồn cấp dữ liệu.
- Định cấu hình Nguồn dữ liệu của bạn. Ví dụ: Lựa chọn Display Ads Title để định quy tắc cho tiêu đề hiển thị trên quảng cáo.
- Ở đây bạn có 3 tùy chọn và ở ngay dưới sẽ là phần giải thích cho bạn nó có ý nghĩa như thế nào.
- Sau khi hoàn thành, bạn chọn Save as Draft/ Lưu dưới dạng bản nháp.
- Thay đổi được thực hiện đối với quy tắc của bạn ở chế độ bản nháp. Hãy nhấp vào Kiểm tra thay đổi để thực hiện kiểm tra các quy tắc nháp của bạn trước khi áp dụng vào dữ liệu sản phẩm.
- Nhấp vào Áp dụng để lưu và áp dụng bất kỳ quy tắc mới hoặc cập nhật nào. Nhấp Hủy để xóa các quy tắc nháp.
Một số lưu ý:
- Tính năng Quy tắc nguồn cấp hoạt động theo cơ chế xếp tầng, có nghĩa là, nếu nguồn cấp của bạn có nhiều quy tắc thì quy tắc nào tạo trước sẽ áp dụng trước và lần lượt theo thứ tự cho tới quy tắc cuối cùng.
- Quy tắc mặc định là quy tắc mà Google chỉ định cho mỗi thuộc tính trong nguồn cấp dữ liệu của bạn bằng cách lấy giá trị từ nguồn cấp dữ liệu bổ sung hoặc nguồn cấp dữ liệu chính. Nếu muốn tùy chỉnh quy tắc, bạn có thể thay đổi cách xác định thuộc tính.
- Bạn có thể tham khảo thông tin tổng quan về các thuộc tính mục tiêu có trong Quy tắc được thể hiện trong bảng Thuộc tính trên trang Quy tắc nguồn cấp dữ liệu.
4. Thêm nguồn dữ liệu
Nguồn dữ liệu là những thuộc tính dữ liệu của sản phẩm bạn xác định để Google hiển thị trên quảng cáo. Có nghĩa là, nếu bạn đang muốn sử dụng quảng cáo mua sắm để hiển thị một sản phẩm nào đó, bạn cần nhập dữ liệu sản phẩm lên nguồn cấp dữ liệu trên Google Merchant Center (bao gồm tên, mô tả, đường link liên kết, giá sản phẩm chưa sale, giá sản phẩm sau khi đã sale, tình trạng tồn kho, thương hiệu sản phẩm…). Tuy nhiên, nếu bạn chỉ muốn Google hiển thị những thông tin như tên, mô tả, đường link liên kết, giá sản phẩm sau khi đã sale, thương hiệu sản phẩm thì bạn có thể sử dụng Nguồn dữ liệu để xác định những thuộc tính mà mình muốn hiển thị trên quảng cáo đó.
Để chỉ định cách lấy dữ liệu, bạn có thể sử dụng các thao tác (Set to, Extract, Take latest) như dưới đây, các thao tác này cho phép bạn xác định mục tiêu bằng cách sử dụng nguồn dữ liệu hiện có của bạn hoặc trích xuất từ một nguồn nhất định.
4.1 Sử dụng thao tác “Set to” (Đặt thành)
Bạn có thể sử dụng thao tác “Set to” khi bạn muốn kết hợp các cột dữ liệu đến từ bất kỳ nguồn cấp dữ liệu chính hoặc nguồn cấp dữ liệu bổ sung nào, và gắn các giá trị tĩnh vào một thuộc tính mục tiêu để Google hiển thị trên quảng cáo. Điều đó có nghĩa là với thao tác này, bạn có thể thêm dữ liệu vào sản phẩm hiện tại hoặc bổ sung thêm giá trị mới. Bạn có thể sử dụng nó theo ba cách như dưới đây:
- Đặt: Bạn có thể đặt giá trị của một thuộc tính theo các thuộc tính bổ sung hoặc các trường khác trong nguồn cấp dữ liệu.
Thao tác này cho phép bạn đặt tên của dữ liệu bằng tên một thuộc tính của Google khi tải dữ liệu lên, ví dụ: Đặt Tình trạng còn hàng thành: my_first_feed.stockstatus. Google sẽ căn cứ vào Tình trạng còn hàng của sản phẩm tại website của bạn và cập nhật dữ liệu ở cột này để hiển thị trên quảng cáo.
- Điền: Thuộc tính mục tiêu bằng một giá trị chuỗi tính duy nhất, cố định.
Với thao tác này, bạn có thể yêu cầu Google hiển thị một giá trị duy nhất mà bạn cung cấp cho thuộc tính sản phẩm mục tiêu. Chẳng hạn: Bạn đặt Condition (Tình trạng) thành New (Mới) thì khi hiển thị quảng cáo, cột Tình trạng sản phẩm luôn cho ra kết quả là New.
- Sử dụng kết hợp: Bạn sẽ cung cấp dữ liệu cho thuộc tính mục tiêu bằng sự kết hợp bất kỳ dữ liệu nào đến từ Cột đến, Giá trị tĩnh hoặc Giá trị đã xử lý.
Với thao tác này, bạn có thể sử dụng tính năng nối hoặc kết hợp để tạo chuỗi giá trị hiển thị từ việc kết hợp nhiều cột hoặc giá trị. Ví dụ, tên sản phẩm của bạn là “Facebook Marketing 4.0” và thương hiệu sách là MZ Book. Tuy nhiên bạn muốn khi quảng cáo hiển thị phải là “MZ Book Facebook Marketing” thì thay vì việc bạn đổi tên sản phẩm trong dữ liệu tải lên, bạn có thể thực hiện bằng cách Điền giá trị vào thuộc tính mục tiêu như sau: đặt tiêu đề theo cấu trúc: my_first_feed.brand + “ “ + my_first_feed.title
Khi Google hiển thị, sẽ lấy dữ liệu từ Brand và Title bạn gửi lên kết hợp và hiển thị kết quả: “MZ Book Facebook Marketing 4.0”.
Lưu ý: Khi sử dụng thao tác Kết hợp dữ liệu để cho ra chuỗi nội dung kết hợp, chuỗi giá trị nối chỉ bị lỗi khi tất cả các tham chiếu đều bị lỗi, nếu có một tham chiếu bị lỗi thì giá trị sẽ được lấy từ những chuỗi giá trị không bị lỗi.
Ví dụ: Khi trường dữ liệu của bạn bị lỗi thương hiệu còn tiêu đề sản phẩm thì không, nếu bạn dùng phép kết hợp trên, kết quả trả về sẽ là “Facebook Marketing 4.0”.
4.2 Sử dụng thao tác “Extract” (Trích xuất)
Để áp dụng Tùy chọn Nâng cao, hãy nhấp vào biểu tượng mũi tên.
- Phân biệt chữ hoa chữ thường: Tại đây, bạn có thể đối chiếu từ và cụm từ chính xác theo chữ được nhập.
- Chỉ giữ giá trị trùng khớp đầu tiên: Nếu thuộc tính bạn muốn trích xuất trả lại hai hoặc nhiều kết quả phù hợp, thì chỉ giá trị đầu tiên mà bạn liệt kê được trích xuất. Ví dụ: Nếu bạn muốn trích xuất “Dropshipping”, “eBay”, “Amazon” từ tiêu đề “Dropshipping trên nền tảng eBay, Amazon và Bonanza” thì sẽ chỉ có “Dropshipping” được trích xuất.
- Tìm kiếm theo biểu thức chính quy: Đối sánh tất cả các giá trị theo mẫu tìm kiếm (hoặc “regex”). Bạn cần nhập biểu thức chính quy vào trường văn bản. Ví dụ: Để xóa tất cả những nội dung khác với sáu chữ số đầu tiên trong thuộc tính, hãy sử dụng: tìm kiếm: '^(.{6}).*$' thay thế: '\1'.
- Chỉ đối sánh toàn bộ từ: Chỉ đối sánh toàn bộ các từ đã nhập. Ví dụ: Không phát hiện từ “male” (nam) bên trong từ “female” (nữ).
4.3 Sử dụng “Take latest” (Lấy giá trị mới nhất)
Thao tác này cho phép bạn cập nhật các giá trị mới nhất từ trang đích của mình nếu có sự thay đổi các thuộc tính của sản phẩm, chẳng hạn Tình trạng còn hàng và Giá cả.
Ví dụ:
- Lấy giá trị mới nhất của: my_first_feed.price và my_supplemental_feed.price
- Lấy giá trị mới nhất của: my_first_feed.sale_price và my_supplemental_feed.sale_price
- Lấy giá trị mới nhất của: my_first_feed.sale_price_effective_date và my_supplemental_feed.sale_price_effective_date
Bên cạnh đó, nếu bạn muốn sử dụng một nguồn cấp dữ liệu riêng để cập nhật giá và tình trạng còn hàng, thì bạn có thể thực hiện bằng cách tạo Nguồn cấp dữ liệu cập nhật kiểm kê sản phẩm trực tuyến cũ trên nguồn cấp dữ liệu bổ sung và sử dụng quy tắc "Take latest" [Lấy_giá_trị_mới_nhất] để cập nhật nguồn cấp dữ liệu chính.
5. Tự động cập nhật mặt hàng
Thông thường, nếu bạn cập nhật các sản phẩm mà thời gian chờ cập nhật quá lâu có thểảnh hưởng đến việc dữ liệu của sản phẩm không được chính xác hoặc đã không còn phù hợp nữa. Để đảm bảo dữ liệu của sản phẩm có thể được cập nhật liên tục, bạn có thể sử dụng tính năng Tự động cập nhật mặt hàng của Google. Tính năng này cho phép Google cập nhật danh sách trên Quảng cáo mua sắm bằng thông tin dữ liệu sản phẩm mới nhất từ trang web của bạn và trình Trích xuất dữ liệu nâng cao. Tuy nhiên cho đến hiện tại, tính năng này chỉ khả dụng với các thuộc tính về Giá cả sản phẩm và Tình trạng còn hàng.
Chẳng hạn: Nếu nguồn cấp dữ liệu gần đây của bạn chứa một mặt hàng có giá 500.000đ, tuy nhiên tại trang đích của bạn, sản phẩm có giá đã giảm là 380.000đ, thì tính năng Tựđộng cập nhật mặt hàng cho phép Google cập nhật giá sản phẩm đó là 380.000đ trong Quảng cáo mua sắm.
5.1 Vai trò của tính năng Tự động cập nhật mặt hàng
Như đã nói ở trên, tính năng này hiện tại chỉ khả dụng với các thuộc tính về Giá cả sản phẩm và Tình trạng còn hàng của sản phẩm, do đó tính năng này sẽ mang lại một số lợi ích nhất định:
- Giúp tăng trải nghiệm người dùng và lưu lượng truy cập vào quảng cáo dẫn đến tăng số lượng chuyển đổi
Việc tự động điều chỉnh các thuộc tính về Giá cả và Tình trạng còn hàng của sản phẩm giúp nâng cao được kết quả mà người dùng nhìn thấy. Có nghĩa là, kết quả của sản phẩm bạn nhìn thấy trên quảng cáo mua sắm đã chính xác về Giá so với trang đích của bạn. Hơn nữa sẽ không có tình trạng còn hàng trên quảng cáo nhưng nhấn chọn để mua hàng thì lại nhận được thông báo hết hàng trên trang đích của sản phẩm. Thông thường, khi người dùng tìm kiếm và nhấn vào đường link liên kết sản phẩm thì khả năng mua sản phẩm của họ là rất cao. Nếu mọi thông tin đều trùng khớp với trang đích thì rất có thể họ sẽ đặt mua sản phẩm của bạn ngay lập tức.
- Khi Google tự động cập nhật dữ liệu của bạn so với trang đích để hiển thị trên quảng cáo đồng nghĩa với việc nó sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ tạm ngưng tài khoản.
Với tính năng Tự động cập nhật mặt hàng, thuộc tính về Giá cả và Tình trạng còn hàng sẽ được cập nhật trùng khớp với trang đích, giảm thiểu thông tin không trùng khớp và thiếu nhất quán. Điều này sẽ hạn chế nguy cơ tạm ngưng tài khoản do dữ liệu sản phẩm sai lệch của bạn. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều thông tin không trùng khớp nhau, tính năng Tự động cập nhật mặt hàng sẽ tạm dừng hoạt động và tài khoản của bạn có nguy cơ bị Từ chối mặt hàng.
Tính năng này sẽ được bật mặc định trong tài khoản của bạn.
Tuy nhiên, nếu muốn bạn cũng có thể thay đổi nó trong phần Tự động cập nhật mặt hàng.
Một vài lưu ý:
- Nếu tài khoản Merchant Center của bạn được cấu hình là tài khoản nhiều khách hàng (Tài khoản nhiều khách hàng của Merchant Center cho phép một cá nhân hoặc công ty gửi nguồn cấp dữ liệu cho nhiều tên miền) thì theo mặc định, mỗi tài khoản phụ sẽ dùng các tùy chọn của tài khoản chính.
- Tính năng Tự động cập nhật mặt hàng không thay thế cho nguồn cấp dữ liệu hoặc thường xuyên cập nhật dữ liệu của bạn. Nó chỉ được thiết kế để điều chỉnh những thay đổi về giá và tình trạng còn hàng cho số ít sản phẩm của bạn. Bạn cần cập nhật thường xuyên để những thông tin được chính xác hơn.
5.2 Sử dụng tính năng Tự động cập nhật mặt hàng
Lưu ý rằng, mặc dù tính năng này có thể giúp bạn điều chỉnh một số thay đổi để dữ liệu của bạn trùng khớp ở quảng cáo và trang đích, nhưng như vậy không có nghĩa là bạn có thể tải lên quá nhiều những dữ liệu không chất lượng hoặc thiếu chính xác. Tính năng này chỉ hỗ trợ bạn điều chỉnh dữ liệu trên một số lượng nhỏ mặt hàng mà bạn quảng cáo. Do vậy, để tính năng Tự động cập nhật mặt hàng hoạt động tốt, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Triển khai dữ liệu có cấu trúc hợp lệ trên trang đích
Nếu muốn tính năng Tự động cập nhật mặt hàng hoạt động tốt, thì đầu tiên bạn cần phải đảm bảo dữ liệu trên trang đích chứa sản phẩm có cấu trúc Schema.org hợp lệ. Bởi vì, đánh dấu dữ liệu có cấu trúc là cách thể hiện dữ liệu sản phẩm mà máy có thể đọc được trực tiếp trên trang web của bạn.
Nếu trang đích của bạn không chứa bất kỳ dữ liệu nào có cấu trúc hợp lệ hoặc việc đánh dấu dữ liệu không đúng, không đầy đủ, Google sẽ sử dụng Trình xuất dữ liệu nâng cao để tính năng Tự động cập nhật mặt hàng có thể hoạt động. Tuy nhiên, nếu bạn đồng thời tắt tính năng Tự động cập nhật mặt hàng hoặc Trình xuất dữ liệu nâng cao thì Google sẽ không cập nhật được những tính năng đó. Và nếu bạn có sự sai lệch ở thuộc tính nào của nguồn cấp so với trang đích, mặt hàng đó của bạn sẽ bị từ chối tạm thời.
- Xem lại các mặt hàng đã được cập nhật
Nếu bạn đang không tắt tính năng Tự động cập nhật mặt hàng thì bạn có thể xem trạng thái hiện tại của các mặt hàng trên phần Tự động cập nhật mặt hàng trong tài khoản của mình. Và với những mặt hàng đã được tự động cập nhật trong thời gian gần đây, bạn cũng có thể xem báo cáo trong trang Chẩn đoán bên dưới mục Sản phẩm.
5.3 Giải quyết sự cố với tính năng Tự động cập nhật mặt hàng
Trong một số trường hợp vi phạm lỗi nhất định, tính năng Tự động cập nhật mặt hàng có thể tạm thời ngừng hoạt động để đảm bảo cho những cập nhật được thực hiện chính xác, cho đến khi nào những lỗi đó được khắc phục. Bạn có thể xem lại những lỗi này trên trang Chẩn đoán dưới mục Sản phẩm.
Lưu ý: Google cần thực hiện việc truy cập các trang đích của sản phẩm và trích xuất thành công thông tin đánh dấu dữ liệu có cấu trúc trước khi có thể giải quyết các vấn đề trong báo cáo. Quá trình này có thể kéo dài vài tuần.
Các trường hợp vi phạm lỗi có thể khiến cho tính năng Tự động cập nhật mặt hàng tạm thời ngừng hoạt động đó là:
- Dữ liệu có cấu trúc và dữ liệu sản phẩm không đạt mức khớp tối thiểu
Khi thực hiện việc tải dữ liệu sản phẩm lên Google, bạn phải xem xét kỹ lưỡng trước khi nhấn chọn tải lên để tránh việc xảy ra những sai sót không đáng có sau này. Bên cạnh đó, Google yêu cầu dữ liệu sản phẩm bạn gửi lên phải trùng khớp với thông tin đánh dấu dữ liệu có cấu trúc Schema.org trên trang đích, cũng như những thông tin cung cấp cho trình Trích xuất dữ liệu nâng cao ở mức tối thiểu.
Nếu những dữ liệu bạn tải lên có nội dung khác quá nhiều so với trang đích, Google sẽ tự động dừng tính năng Tự động cập nhật mặt hàng cho đến khi các dữ liệu đó đạt mức trùng khớp tối thiểu mà Google đã quy định. Để cải thiện tình trạng này, bạn cần cập nhật thường xuyên các dữ liệu sản phẩm cho quảng cáo mua sắm.
Lưu ý: Những thông tin dữ liệu không khớp có thể do cách bạn đặt chính sách giá sale cho sản phẩm của mình. Vì vậy, nếu bạn có những sản phẩm muốn quảng cáo với mức giá sale, bạn cần cung cấp trong dữ liệu có cấu trúc và dữ liệu sản phẩm.
Một vi phạm nữa cũng có thể liên quan đến việc dữ liệu không khớp đó là biến thể của sản phẩm có giá khác (màu sắc, cấu hình...). Nếu có nhiều biến thể hiển thị trên trang đích, bạn có thể sử dụng thuộc tính id hoặc gtin để chỉ định mức giá tương ứng với một biến thể nhất định.
- Dữ liệu trên trang đích không chính xác hoặc bị thiếu
Tính năng Tự động cập nhật mặt hàng sẽ dựa vào trang đích của bạn để điều chỉnh một vài thay đổi nhỏ dữ liệu trên mặt hàng của bạn sao cho trùng khớp với trang đích. Do vậy nếu những dữ liệu trên trang đích của bạn bị thiếu hoặc không chính xác thì tính năng này sẽ tạm thời ngừng hoạt động.
Google sẽso sánh thông tin người dùng nhìn thấy trên các trang đích sản phẩm với dữ liệu mà họ tìm thấy bằng thông tin đánh dấu dữ liệu có cấu trúc của bạn hoặc bằng trình Trích xuất nâng cao để tạo ra một mẫu đối soát. Nếu mẫu đối soát không khớp, họ sẽ ngừng hoạt động cập nhật mặt hàng. Lúc này, bạn hãy xem xét lại nội dung thông tin của mình trên trang đích để chỉnh sửa.
- Dữ liệu có cấu trúc không hợp lệ
Một lỗi nữa khiến tính năng Tự động cập nhật mặt hàng tạm ngừng hoạt động đó là do dữ liệu cấu trúc không hợp lệ. Nếu trang đích của sản phẩm có thông tin không hợp lệ về Giá và Tình trạng còn hàng trong phần đánh dấu dữ liệu có cấu trúc, thì Google sẽ không thể tự động cập nhật mặt hàng.
TỔNG KẾT CHƯƠNG 2
- Đầu tiên, bạn cần phải đáp ứng đầy đủ ba yêu cầu để thực hiện một chiến dịch mua sắm về Tài khoản Google, Chính sách quảng cáo, Dữ liệu sản phẩm.
- Cách tạo một chiến dịch mua sắm.
- Thực tế, khi bạn đưa sản phẩm quảng cáo của mình lên Google Merchant Center, mọi sản phẩm đều được đặt trong nhóm “Tất cả sản phẩm”, nếu bạn không chia chúng ra thành từng nhóm nhỏ sẽ rất khó đạt hiệu quả trong việc điều chỉnh chiến lược giá thầu theo mục tiêu quảng cáo và mang lại hiệu quả cho chiến dịch. Do vậy, bạn cần quản lý các sản phẩm theo thuộc tính có liên quan đến nhau để có thể sử dụng chiến dịch giá thầu hiệu quả.
- Để đảm bảo tất cả dữ liệu bạn đăng tải phù hợp với đặc tả dữ liệu sản phẩm của Google, bạn nên sử dụng Quy tắc nguồn cấp dữ liệu. Quy tắc nguồn cấp dữ liệu có thể khắc phục dữ liệu lỗi và giúp Google đọc đúng dữ liệu mà bạn cung cấp lên nguồn cấp dữ liệu.
- Nếu bạn đang muốn sử dụng quảng cáo mua sắm để hiển thị một sản phẩm nào đó, bạn hãy nhập dữ liệu sản phẩm lên nguồn cấp dữ liệu trên Google Merchant Center bao gồm tên, mô tả, đường link liên kết, giá sản phẩm chưa sale, giá sản phẩm sau khi đã sale, tình trạng tồn kho, thương hiệu sản phẩm… tuy nhiên, nếu bạn chỉ muốn Google hiển thị những thông tin như tên, mô tả, đường link liên kết, giá sản phẩm sau khi đã sale, thương hiệu sản phẩm thì bạn có thể sử dụng Nguồn dữ liệu để xác định những thuộc tính mà mình muốn hiển thị trên quảng cáo đó.
- Để đảm bảo dữ liệu của sản phẩm có thể được cập nhật liên tục, bạn có thể sử dụng tính năng Tự động cập nhật mặt hàng của Google. Tính năng này cho phép Google cập nhật danh sách trên Quảng cáo mua sắm theo bằng thông tin dữ liệu sản phẩm mới nhất từ trang web của bạn và trình Trích xuất dữ liệu nâng cao.