1. Google Shopping là gì?
Với tư cách là một nhà kinh doanh, chắc hẳn ai cũng muốn sản phẩm mà mình cung cấp được nhiều người biết đến và sử dụng. Một trong những dịch vụ quảng cáo có thể giải quyết được điều này và cũng đang được nhiều nhà kinh doanh hướng đến sử dụng nhiều hơn chính là dịch vụ Google Shopping.
Vào năm 2002, Google Shopping được sáng lập bởi một nhà khoa học máy tính người New Zealand có tên là Craig Nevill- Manning, ông cũng là Giám đốc kỹ thuật đầu tiên của Google. Ban đầu, sản phẩm có tên là Froogle, tuy nhiên sau quá trình sửa đổi, bổ sung thì đến năm 2012, dịch vụ này mang tên chính thức là Google Shopping và được sử dụng đến hiện nay. Đây là một dịch vụ của Google cho phép người dùng tìm kiếm các sản phẩm trên trang web mua sắm trực tuyến với phần nội dung được hiển thị bao gồm hình ảnh, tên sản phẩm, giá và nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ. Quảng cáo mua sắm Google Shopping được ra mắt tại thị trường Việt Nam vào năm 2018 hứa hẹn sẽ là một dịch vụ quảng cáo sản phẩm mới mang lại những thành công nhất định trong tương lai cho những nhà quảng cáo.
Hiện nay, chúng ta có thể bắt gặp được các sản phẩm quảng cáo của Google Shopping trên kết quả tìm kiếm như sau:
Khi bạn gõ một cụm từ tìm kiếm sản phẩm trên Google, các sản phẩm sẽ được hiển thị tại hai vị trí, hoặc là ở đầu trang kết quả tìm kiếm như hình ảnh trên, cũng có thể được hiển thị ở phía bên phải so với các thông tin hiển thị của kết quả tìm kiếm như hình dưới đây:
Ngoài hiển thị trên công cụ tìm kiếm Google Search, quảng cáo sản phẩm của bạn còn có thể xuất hiện trên các trang đối tác tìm kiếm của Google và trong tương lai, có thể được hiển thị ở nhiều vị trí hơn nữa. Dù được hiển thị ở vị trí nào trên kết quả tìm kiếm, sản phẩm bạn nhìn thấy vẫn sẽ bao gồm đầy đủ thông tin như tên, giá bán, hình ảnh sản phẩm và nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ mà bạn có thể đặt mua tại đó.
Về cơ bản để triển khai được chiến dịch Google Shopping bạn cần có tài khoản Google Merchant Center và tài khoản Google Ads. Chiến dịch Google Shopping được triển khai không khác gì một chiến dịch quảng cáo Google Ads bình thường.
Tuy nhiên, đối với những loại hình quảng cáo trên Google Search khác thì chúng ta nhắm chọn khách hàng theo từ khóa, kết quả sẽ hiển thị cho bạn theo từ khóa mà bạn nhắm tới, còn đối với Google Shopping, Google sẽ xác định tính tương quan dựa trên các dữ liệu về sản phẩm mà bạn cung cấp trên Merchant Center, trên Website để quyết định việc hiển thị quảng cáo của bạn với những từ khóa nào sau khi kết hợp với dữ liệu về hành vi của từng người dùng hay nói cách khác, quảng cáo của bạn có thể không hiển thị đến tất cả mọi người tìm kiếm từ khóa liên quan đến sản phẩm.
2. Lợi ích của Google Shopping
Google Shopping đang là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều nhà quảng cáo hiện nay. Nó mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp vô cùng hấp dẫn mà dù doanh nghiệp của bạn quy mô có lớn hay nhỏ thế nào đi nữa cũng không thể phủ nhận được nó.
Tăng tỷ lệ nhấp chuột vào quảng cáo
Khi khách hàng muốn tìm kiếm một sản phẩm gì đó, chẳng hạn như tìm kiếm sách viết về Digital Marketing, cụ thể ở đây là từ khóa “sách content marketing” này trên thanh công cụ tìm kiếm của Google.
Google Shopping sẽ cho phép hiển thị các thông tin như trên bao gồm hình ảnh sản phẩm, tên sản phẩm, giá cả và nơi cung cấp sản phẩm dịch vụ. Thông qua đây, khi bạn click vào bất cứ cấu phần nào của nó, thì nó sẽ dẫn bạn đến trang đích với thông tin đặt hàng. Đồng thời họ cũng có thể so sánh trực tiếp giá cả sản phẩm của các nhà cung cấp khác nhau.
Cách xuất hiện của loại hình quảng cáo mua sắm này không có chỗ cho văn bản thuần túy. Nó xuất hiện với hình ảnh có chất lượng, thu hút người mua kèm theo thông tin chi tiết về sản phẩm và giá cả rõ ràng, nội dung trực quan. Điều này làm cho khách hàng có thiện cảm nhiều hơn với sản phẩm của bạn, kích thích khách hàng thực hiện chuyển đổi cuối cùng và cả việc giúp bạn móc hầu bao của khách hàng nhanh hơn.
Tăng khả năng tiếp cận khách hàng
Google để dành 1-3 vị trí đầu cho phép các tin nhắn quảng cáo trên kết quả tìm kiếm, đó chính là vị trí cho Google Ads. Tuy nhiên, quảng cáo Google Shopping lại cho phép 15 kết quả quảng cáo sẽ hiển thị theo dạng chuỗi băng chuyền như định dạng quảng cáo Carousel. Bạn sẽ không phải chật vật để tối ưu, để cạnh tranh cho những vị trí đầu này nữa mà những kết quả hiển thị của Google Shopping vẫn có gắn tag Sponsor và sẽ nằm ngay phía trên phần hiển thị kết quả tìm kiếm của Google Ads. Điều này có nghĩa là với Google Shopping, bạn có khả năng hiển thị nội dung mà mình cung cấp đến với một số lượng lớn người dùng.
Chưa hết, khả năng tiếp cận người dùng còn được đánh giá cao qua việc hiển thị được cả những sản phẩm có liên quan. Cùng một kết quả tìm kiếm có thể có nhiều sản phẩm liên quan của bạn được hiển thị cho khách hàng. Dưới đây là một minh họa.
Ngoài ra, bạn có thể hiển thị nội dung mà mình cung cấp đến với một lượng người dùng tiềm năng khi họ search từ khóa một cách miễn phí, bởi bạn chỉ bị Google tính phí khi người dùng quan tâm và click vào nội dung sản phẩm của bạn. Trường hợp này đủ tốt, nếu bạn đang muốn làm nhận diện thương hiệu.
Giải quyết được việc quảng cáo nhanh chóng
Nếu bạn có nhiều sản phẩm, để tạo được một chiến dịch Google Ads tốt thì bạn sẽ cần một quá trình dài khá mất thời gian từ việc tạo danh sách từ khóa, tạo chiến dịch, tạo nhóm quảng cáo và setup các chế độ có liên quan. Tuy nhiên, Google Shopping lại khác hoàn toàn, bạn có thể tạo quảng cáo khá nhanh và đơn giản, chỉ cần đảm bảo các tiêu đề, thuộc tính và mô tả sản phẩm của bạn là chính xác, phần còn lại sẽ được Google Shopping tối ưu giúp bạn.
Tự động cập nhật nội dung
Chiến dịch sẽ được chủ động cập nhật mỗi ngày, đảm bảo rằng bạn sẽ không sponsor cho những sản phẩm đã out of date. Hoặc sau này nếu sản phẩm của bạn được restock thì nó cũng được tự động thêm vào nguồn cấp dữ liệu của bạn trong thời gian gần nhất. Do đó bạn sẽ không phải tự động cập nhật dữ liệu mới - mỗi ngày.
Hiển thị báo cáo chi tiết và tăng cường sự cạnh tranh
Google Shopping cho phép bạn theo dõi hiệu suất quảng cáo các sản phẩm của mình theo tùy chỉnh của bạn. Ví dụ được đưa ra là bạn muốn biến sản phẩm A của mình được bao nhiêu click và tạo ra được bao nhiêu đơn hàng từ chiến dịch quảng cáo được thiết lập thì bạn chỉ cần sử dụng tính năng lọc sản phẩm để theo dõi việc đó.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng dữ liệu đo điểm tiêu chuẩn để xác định thông tin chi tiết về tình hình cạnh tranh của sản phẩm quảng cáo của mình. Qua đó, hãy xác định các cơ hội phát triển quảng cáo thông qua việc hiển thị dữ liệu và công cụ Trình mô phỏng đấu giá.
3. Cách thức Google Shopping hoạt động
Như đã nói ở trên, cơ chế hoạt động của các chiến dịch quảng cáo Google Shopping cũng giống như các chiến dịch quảng cáo khác của Google, có nghĩa là mỗi lần khách hàng nhấp chuột vào xem sản phẩm bạn vẫn sẽ phải trả phí cho những lần đó. Tuy nhiên, sự khác nhau ở đây chính là nguồn cấp dữ liệu. Với Google Ads, dữ liệu đầu vào được lấy để hiển thị ra kết quả tìm kiếm là những gì bạn cung cấp, đặc biệt là từ khóa mà bạn đã lựa chọn. Với Google Shopping lại ngược lại, dữ liệu đầu vào sẽ được nhập vào là những thông tin cơ bản về sản phẩm, tất cả được lưu tại Merchant Center và sẽ được Google lựa chọn để hiển thị.
Google sẽ xem xét nguồn cấp dữ liệu, website và giá thầu của bạn để quyết định về việc quảng cáo sẽ được hiển thị với từ khóa nào. Do đó, việc thiết lập Google Shopping cũng có một số điểm tương đồng với SEO.
● Có thể bạn chưa biết?
Google Shopping mới ra mắt tại Việt Nam vào năm 2018, hiện tại Google vẫn đang trong quá trình cập nhật, hoàn thiện sản phẩm dịch vụ này để mang lại trải nghiệm và kết quả tốt hơn cho các nhà quảng cáo. Bên cạnh những thông tin về hình ảnh, tên sản phẩm, giá, nơi cung cấp thì trong tương lai một số tính năng hiển thị khác sẽ được bổ sung điển hình như thuộc tính Đánh giá sản phẩm và Chú thích giao hàng. Các tính năng này đã được thử nghiệm tại thị trường nước ngoài.
- Đánh giá sản phẩm: Các trang thương mại điện tử luôn có mục đánh giá sản phẩm đi kèm. Khi người dùng tìm kiếm một sản phẩm bất kỳ họ có thể thấy được trung bình đánh giá đến từ các khách hàng khác về sản phẩm đó. Điều này có thể kích thích hành động mua hàng của khách hàng khi tìm kiếm sản phẩm nếu chất lượng và được người đã mua hàng đánh giá tốt.
- Chú thích giao hàng là tính năng được bổ sung vào Google Merchant Center để thực hiện các chức năng như các thuộc tính khác. Chúng sẽ được hiển thị ngay phía dưới tên nhà cung cấp.
TỔNG KẾT CHƯƠNG 1
1. Google Shopping (Quảng cáo mua sắm) là công cụ quảng bá sản phẩm trên Google để hiển thị cho người dùng ảnh sản phẩm của bạn cùng với tiêu đề, giá, tên cửa hàng và nhiều thông tin khác. Những quảng cáo này cung cấp cho người dùng cảm nhận mạnh mẽ về sản phẩm bạn đang bán trước khi họ nhấp vào quảng cáo, điều này giúp bạn tiếp cận khách hàng tốt hơn cũng như gia tăng tỷ lệ chuyển đổi trên Website khi người dùng truy cập Website của mình.
2. Lợi ích của Google Shopping
- Tăng tỷ lệ nhấp chuột vào quảng cáo
- Tăng khả năng tiếp cận khách hàng
- Giải quyết được việc quảng cáo nhanh chóng
- Tự động cập nhật nội dung
- Hiển thị báo cáo chi tiết và tăng cường sự cạnh tranh
3. Giới thiệu cách thức hoạt động của dịch vụ Google Shopping
Dữ liệu đầu vào của Google Shopping sẽ được nhập vào là những thông tin cơ bản về sản phẩm, tất cả được lưu tại Merchant Center và sẽ được Google lựa chọn để hiển thị.