Trước khi bắt tay vào chiến dịch quảng cáo sản phẩm với Google Shopping, bạn cần phải tạo được nguồn cấp dữ liệu và các chiến dịch liên quan. Cũng giống như việc khi bạn nấu một món ăn, nếu nguyên liệu ngay từ ban đầu không đầy đủ, bạn sẽ không thể tạo ra một món ăn hoàn chỉnh được. Hơn thế, nếu bạn muốn tạo ra một món ăn đặc biệt khiến mọi người chỉ vừa trông thấy đã muốn thưởng thức ngay lập tức thì ngoài nguyên liệu chính, bạn cần phải cho thêm vào đó những phụ liệu khác để món ăn của bạn vừa có mùi thơm hấp dẫn vừa có sự trình bày bắt mắt.
Google Shopping cũng như vậy, nếu bạn muốn quảng cáo của mình thu hút được đông đảo khách hàng thì bạn phải tạo ra được những dữ liệu hấp dẫn để hiển thị trên quảng cáo. Google Merchant Center chính là công cụ giúp bạn mang thông tin của sản phẩm đến gần hơn với cộng đồng của mình. Chương này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về công cụ Google Merchant Center cũng như là hướng dẫn bạn cách xây dựng cơ sở nền tảng cho những hoạt động quảng cáo sản phẩm sau này.
1. Nguồn cấp dữ liệu là gì?
Nguồn cấp dữ liệu chính là những nội dung đầu vào được lưu trữ trên Merchant Center để từ đó Google sử dụng thông tin để đưa ra kết quả hiển thị. Sau khi đăng ký nguồn cấp dữ liệu bạn có thể cập nhật nguồn cấp dữ liệu hiện có mà không cần phải đăng ký lại. Nguồn cấp dữ liệu được chia thành hai dạng: nguồn cấp dữ liệu chính và nguồn cấp dữ liệu bổ sung.
Nguồn cấp dữ liệu chính là những nguồn cấp dữ liệu bắt buộc mà Merchant Center sử dụng để hiển thị sản phẩm của bạn trên Google. Bạn có thể sử dụng nguồn cấp dữ liệu chính để thêm hoặc xóa dữ liệu sản phẩm, cài đặt ngôn ngữ hoặc nhắm các mục tiêu quốc gia. Nguồn cấp dữ liệu chính là loại nguồn cấp dữ liệu duy nhất có thể thêm hoặc xóa sản phẩm.
Nguồn cấp dữ liệu bổ sung là những thông tin mà bạn muốn bổ sung cho sản phẩm nhằm tăng cường hiệu suất quảng cáo cho sản phẩm, đó có thể là tên gọi khác của sản phẩm, ngôn ngữ hiển thị khác. Nguồn cấp dữ liệu bổ sung cung cấp thêm dữ liệu có kết nối với dữ liệu hiện có trong nguồn cấp dữ liệu chính. Nguồn cung cấp dữ liệu bổ sung không thể thêm xóa sản phẩm hoặc không thể sử dụng dưới dạng nguồn cấp dữ liệu độc lập. Nó chỉ dùng để cập nhật nguồn dữ liệu sản phẩm hiện có cho nhiều nguồn cấp dữ liệu chính.
Để sử dụng nguồn cấp dữ liệu bổ sung, hãy kết nối nguồn cấp này với nguồn cấp dữ liệu chính hiện có thông qua thuộc tính ID. Nguồn cấp dữ liệu bổ sung sẽ chỉ cập nhật dữ liệu sản phẩm của bạn khi nguồn cấp dữ liệu bổ sung chứa các ID đã có trong nguồn cấp dữ liệu chính. Hoặc nếu bạn muốn sử dụng nguồn cấp dữ liệu riêng và ghi đè dữ liệu hiện có thì bạn có thể tạo nguồn cấp dữ liệu bổ sung với quy tắc Take latest - quy tắc lấy giá trị mới nhất được áp dụng.
2. Thiết lập tài khoản Google Merchant Center
2.1 Google Merchant Center là gì?
Google Merchant Center là một công cụ giúp bạn tải và lưu trữ dữ liệu thông tin của sản phẩm, sau đó cung cấp những dữ liệu thông tin cho quảng cáo mua sắm và các dịch vụ khác của Google để đảm bảo việc tiếp cận những khách hàng tiềm năng của sản phẩm quảng cáo.
Mọi thông tin hiển thị cho sản phẩm của bạn đều phải thông qua công cụ Google Merchant Center. Sau khi bạn nhập dữ liệu sản phẩm lên Google sẽ cho phép nội dung về sản phẩm hiển thị trên kết quả tìm kiếm đối với những truy vấn có liên quan. Dữ liệu sản phẩm bạn cung cấp trên Google Merchant Center bao gồm tên của sản phẩm, giá bán, hình ảnh, mô tả sản phẩm, thương hiệu, link liên kết sản phẩm… Tại đây, bạn cũng có thể quản lý và kiểm soát số lượng sản phẩm, có thể thêm mới để làm đa dạng sản phẩm hoặc xóa đi những sản phẩm đã cũ mà bạn cho rằng chúng không thể tạo ra đơn hàng nữa.
Đây cũng chính là hoạt động đầu tiên mà bạn cần thực hiện trước khi bắt tay vào một chiến dịch quảng cáo.
2.2 Cách tạo tài khoản Merchant Center
Cách tạo tài khoản Merchant Center khá đơn giản. Đầu tiên bạn cần có một tài khoản Google, sau đó bạn liên kết tài khoản đó trên trang http://merchants.google.com/ và đăng nhập. Nếu bạn chưa có tài khoản Google, hãy truy cập vào accounts.google.com rồi nhấn vào mục Tạo tài khoản, sau đó hãy làm theo lời nhắc để tạo một Tài khoản Google mới.
Sau khi truy cập Merchant Center, bạn click vào “sign up” để bắt đầu đăng ký sử dụng Merchant Center. Sau đó bạn sẽ được chuyển qua giao diện như sau:
Để hoàn tất việc đăng ký tài khoản Google Merchant Center, bạn cần cung cấp các thông tin như:
- Vị trí cửa hàng của bạn ở đâu (chỉ chọn theo quốc gia).
- Tên thương hiệu/ cửa hàng của bạn.
- Trang web của bạn.
- Ngoài ra bạn có thể cung cấp thêm Email, số điện thoại (không bắt buộc).
- Đồng ý với Điều khoản dịch vụ.
- Xác minh trang web của bạn (Google cung cấp rất nhiều hình thức để có thể xác minh trang web của bạn, bạn lựa chọn một trong các hình thức phù hợp và hoàn tất).
Sau khi hoàn thành các bước trên, bạn đã có một tài khoản Merchant Center và có thể thao tác với nó ngay.
2.3 Thiết lập tài khoản của bạn
Sau khi đã tạo được tài khoản Merchant Center, hãy cung cấp những thông tin cơ bản về doanh nghiệp của bạn trong phần Thông tin doanh nghiệp trên Merchant Center.
Bạn có thể tìm mục Thông tin doanh nghiệp ở bảng điều hướng trong tài khoản Merchant Center của mình. Những thông tin này được sử dụng trong các chương trình khác nhau của Merchant Center, chẳng hạn như Quảng cáo mua sắm. Thông tin doanh nghiệp bao gồm:
- Tên hiển thị của doanh nghiệp: Đây là tên doanh nghiệp hoặc cửa hàng mà bạn muốn hiển thị trên quảng cáo. Bạn nên sử dụng tên thực tế, việc này sẽ giúp cho cộng đồng dễ dàng nhận diện thương hiệu của bạn hơn.
- Trang web: Bạn nhập miền lưu trữ các sản phẩm của bạn vào mục này. URL của bạn phải được bắt đầu bằng “http://” hoặc “https://” và bao gồm tên miền đầy đủ. Lưu ý: Liên kết với trang đích của sản phẩm phải khớp với tên miền mà bạn đã đăng ký trong Google Merchant Center.
- Địa chỉ doanh nghiệp: Địa điểm hoặc trụ sở doanh nghiệp của bạn, khi bạn có địa chỉ cụ thể, cộng đồng sẽ có thể tin tưởng vào bạn và những sản phẩm mà bạn cung cấp nhiều hơn.
- Người dùng chính: Là người sẽ sử dụng tài khoản Merchant Center của bạn hoặc nhận email về hoạt động của tài khoản. Bao gồm:
• Người dùng tiêu chuẩn: Là người có khả năng đăng nhập vào Google Merchant Center và truy cập vào mọi thứ trong tài khoản trừ các tab Người dùng, Chương trình Merchant Center cũng như tab Đơn đặt hàng và thanh toán.
• Quản trị viên: Là người có quyền truy cập vào tài khoản như Người dùng tiêu chuẩn, tuy nhiên quản trị viên có thể thêm xóa hoặc chỉnh sửa vai trò của người dùng và bật tắt các chương trình trong tab Chương trình Merchant Center.
• Người liên hệ qua email: Người dùng này không được cấp quyền truy cập vào tài khoản nhưng lại có thể nhận được một số thông báo nhất định qua email.
- Người dùng phụ:
• Người quản lý các đơn đặt hàng: Là người chịu trách nhiệm quản lý các đơn đặt hàng của bạn thông qua Google Shopping.
• Đánh giá của khách hàng qua Google: Bạn có thể thiết lập để người sử dụng vai trò Đánh giá của khách hàng qua Google sẽ chỉ có thể truy cập được vào mục Đánh giá của khách hàng qua Google mà không thể truy cập được phần khác trong Google Merchant Center. Và người dùng tiêu chuẩn và Quản trị viên có thể truy cập được vào mục này do mặc định của Google.
• Người quản lý thanh toán: Người dùng này có nhiệm vụ quản lý Cài đặt thanh toán (ví dụ: thông tin doanh nghiệp và thuế, tài khoản ngân hàng) và cấp quyền truy cập cho người có vai trò Phân tích thanh toán.
• Người phân tích thanh toán: Người dùng này có thể truy cập vào Bảng sao kê thanh toán của doanh nghiệp.
- Dịch vụ chăm sóc khách hàng: Ở mục này, bạn cần điền Email, URL và số điện thoại có thể hỗ trợ cho khách hàng những thắc mắc, phản hồi về dịch vụ mà trang web của bạn cung cấp.
3. Cung cấp dữ liệu cho sản phẩm quảng cáo
Nếu bạn muốn quảng cáo của bạn có tỷ lệ chuyển đổi cao thì một trong những yếu tố bạn cần phải tập trung chú ý là nội dung mà bạn sẽ cung cấp để hiển thị. Nội dung của bạn đủ sức lôi cuốn và thuyết phục người dùng, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì khả năng tạo ra chuyển đổi là rất lớn. Vậy nên đừng quên xử lý thật cẩn thận, tỉ mỉ những nội dung mà bạn muốn quảng bá và đưa chúng lên nguồn cấp dữ liệu của Google Merchant Center.
3.1 Dữ liệu sản phẩm
Thông thường, dữ liệu trong quảng cáo mua sắm bạn nhìn thấy chỉ bao gồm: tên sản phẩm, hình ảnh sản phẩm, giá sản phẩm, thông tin brand phát hành phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin cơ bản trên, dữ liệu của sản phẩm còn bao gồm một số thuộc tính khác, hãy xem xét kỹ hơn về những thông tin bạn cần cung cấp cho một chiến dịch quảng cáo mua sắm thông qua những thông tin dưới đây:
Địa chỉ web liên kết
Trước hết, nội dung quảng cáo của bạn cần phải bao gồm một liên kết đến trang web chứa sản phẩm được quảng cáo và cũng là đích đến khi khách hàng nhấp chuột vào quảng cáo của bạn. Các liên kết phải bắt đầu bằng http:// hoặc https://. Đây là thuộc tính bắt buộc bạn không thể thiếu trong chiến dịch quảng cáo Google Shopping.
Tên sản phẩm
Ở mục này, bạn sẽ cung cấp tên sản phẩm và cũng là tiêu đề của sản phẩm của bạn khi hiển thị trên quảng cáo. Ngoài tên nó có thể bao gồm các thuộc tính đặc biệt khác và thương hiệu sản phẩm. Khi một truy vấn tìm kiếm của khách hàng có liên quan đến tiêu đề này, sản phẩm của bạn có thể được hiển thị trên kết quả tìm kiếm của họ.
Lưu ý: Tiêu đề quảng cáo không được bao gồm những từ ngữ chứa nội dung quảng cáo như vận chuyển miễn phí, mua ngay hôm nay… Tất cả các nội dung không được in hoa, không được dùng các ký tự nước ngoài một cách bừa bãi và cả việc hạn chế sử dụng các ký tự đặc biệt.
Hình ảnh sản phẩm
Hình ảnh chính là một yếu tố tạo nên sự khác biệt trong hiển thị so với Google Ads ngoài về vị trí. Đây chính là thế mạnh của Google Shopping, là điều khiến khách hàng chú ý đến bạn. Nó là yếu tố quyết định để khách hàng tiềm năng click chuột vào liên kết và gia tăng tỷ lệ chuyển đổi. Hình ảnh bạn lựa chọn để đưa lên nguồn cấp dữ liệu cần chân thực, sắc nét, rõ ràng, không mờ, không được bao gồm nội dung quảng cáo bằng văn bản.
Google sẽ chỉ cho phép các hình ảnh có định dạng: GIF (.gif), JPEG (.jpg/.jpeg), PNG (.png), BMP (.bmp) và TIFF (.tif/.tiff).
Lưu ý: Google khuyến khích bạn sử dụng các hình ảnh sản phẩm trên nền trắng.
Trang đích
Trang đích là link của sản phẩm trên Website, cũng là trang mà khách hàng sẽ được chuyển đến sau khi họ nhấp chuột vào quảng cáo. Những nội dung trên trang đích của bạn cần phải mang thông tin rõ ràng, chính xác về sản phẩm quảng cáo.
Và nội dung trên trang đích cũng là một trong những yếu tố đầu vào để Google Shopping đưa ra quyết định hiển thị sản phẩm sponsor.
Giá cả sản phẩm
Giá cả sản phẩm là mức giá bạn muốn người mua hàng trả cho một sản phẩm. Bạn có thể sử dụng giá gốc hoặc giá ưu đãi cho quảng cáo của mình. Tuy nhiên, giá bạn gửi lên Merchant Center và giá trên trang đích của bạn phải trùng khớp với nhau.
Danh mục sản phẩm
Danh mục sản phẩm Google là những danh mục sản phẩm do Google định sẵn (Ví dụ: MediaZ > Books) giúp phân loại các sản phẩm quảng cáo để nhắm chọn đến khách hàng tiềm năng tốt hơn. Để lấy danh mục sản phẩm phù hợp với sản phẩm của bạn, bạn truy cập vào liên kết: http://go.sunbook.vn/Crkhd.
(QR code: http://go.sunbook.vn/Crkhd)
Thông tin chi tiết
Những thông tin cuối cùng bạn cần cung cấp cho một sản phẩm quảng cáo bao gồm Tình trạng của sản phẩm (mới/ cũ), Tính khả dụng (còn hàng/ hết hàng), các thông tin vận chuyển chi tiết. Riêng phần vận chuyển, bạn có thể sử dụng các cài đặt vận chuyển trong Merchant Center hoặc các thông tin vận chuyển trên nguồn cấp dữ liệu bằng cách sử dụng các thuộc tính Shipping-Label.
3.2 Quy định trong thiết lập dữ liệu sản phẩm
Khi cung cấp những thông tin dữ liệu lên nguồn cấp dữ liệu, bạn nên cung cấp những thông tin chính xác và trùng khớp với trang đích của sản phẩm đó. Đặc biệt, hãy kiểm soát một cách kỹ càng để đảm bảo việc tuân thủ những quy tắc, chính sách của quảng cáo mua sắm dưới đây:
Sử dụng đúng định dạng dữ liệu
Nguồn cấp dữ liệu của quảng cáo mua sắm chỉ được hỗ trợ trong hai định dạng: văn bản (.txt) và XML (.xml) để phân tích các dữ liệu, do đó bạn hãy lựa chọn một trong hai định dạng này. Đối với hầu hết các doanh nghiệp, họ thường sử dụng định dạng .txt bởi vì nó không yêu cầu kiến thức kỹ thuật quá cao. Nếu bạn sử dụng Google Sheets, bạn có thể tự tạo một mẫu để điền các dữ liệu hoặc có thể tải lên bảng tính hiện có. Dù bạn sử dụng định dạng nào, bạn vẫn có thể tạo ra một tập dữ liệu để thử nghiệm, kiểm tra và sửa chữa các dữ liệu đó.
Các thuộc tính cần thiết
Các thuộc tính cần thiết và thuộc tính liên quan của sản phẩm cần được cung cấp để hiển thị cho khách hàng như tên sản phẩm, mô tả, hình ảnh, thương hiệu, giá cả, tình trạng tồn kho. Đây là những thông tin cần thiết mà bạn không thể không cung cấp.
Tuân thủ các chính sách của quảng cáo mua sắm
Định hướng hoạt động của Google Shopping là mang đến một dịch vụ tìm kiếm có trải nghiệm an toàn và tích cực cho cộng đồng. Họ luôn luôn lắng nghe những đánh giá, phản hồi của khách hàng để ngày càng cải thiện hơn chất lượng dịch vụ. Do đó, Google sẽ thường xuyên kiểm tra chất lượng dịch vụ mà bạn cung cấp để đảm bảo việc tuân thủ các chính sách và quy tắc mà họ đã đặt ra, đặc biệt là về nội dung sản phẩm.
Khi bạn làm trái quy định về nội dung, bạn có thể bị chặn hoạt động quảng cáo mua sắm của mình ngay lập tức.
Tuân thủ các yêu cầu từ trang đích
Bạn cần phải tuân thủ các yêu cầu về dữ liệu sản phẩm cho từng quốc gia, từng khu vực, từng nhóm ngôn ngữ cũng như các thuộc tính cần đảm bảo trên trang đích phải đồng nhất với nội dung quảng cáo. Điển hình trong trường hợp này là ngôn ngữ, là đồng sử dụng để đo lường giá cả.
3.3 Tạo nguồn cấp dữ liệu (Feeds)
Nếu bạn đã sẵn sàng, hãy tham khảo cách tạo một nguồn cấp dữ liệu dưới đây:
Bước 1: Chuẩn bị nguồn cấp dữ liệu
Đầu tiên, bạn phải chuẩn bị một nguồn dữ liệu để có thể nhập lên Merchant Center, theo một trong các định dạng sau:
• Google Sheets: Bạn có thể tạo một file Google Sheet theo template của Google và nhập thông tin sản phẩm của mình vào đó.
• Scheduled fetch: Bạn sẽ tự tạo cho mình một Feeds trên Website của mình và nhập đường dẫn của file đó vào mục này, hàng ngày Merchant Center sẽ truy cập và kiểm tra các update, bạn có thể setup được lịch update này.
• Upload: Bạn có một file trên máy tính của mình, bạn có thể tải trực tiếp lên hoặc tải nó lên thông qua nhiều giao thức như: SFTP, FTP, Google Cloud Storage…
• Content API: Với hình thức này, bạn sẽ sử dụng các API Shopping của Merchant Center để gửi dữ liệu sản phẩm trực tiếp lên, mỗi khi có update hay thêm, xóa sản phẩm, dữ liệu sẽ tự động được đồng bộ.
Thông thường, nếu không có quá nhiều sản phẩm, sử dụng Google Sheets sẽ là phương pháp nhanh chóng, đơn giản và hiệu quả nhất. Bạn cũng có thể lựa chọn cách nhập sản phẩm khác nếu phù hợp và tiện dụng với bạn hơn.
Bước 2: Bắt đầu tạo nguồn cấp trên Merchant Center
- Hãy đi đến trang chủ Merchant Center, chọn mục Sản phẩm, chọn Nguồn cấp. Sau đó, nhấn vào biểu tượng dấu (+) để bắt đầu.
- Đến bước tiếp theo, bạn lựa chọn nguồn cấp dữ liệu mà bạn đã chuẩn bị ở hướng dẫn trên sau đó nhấn Tiếp tục:
- Sau đó, bạn hãy hoàn tất phần còn lại thông qua các bước hướng dẫn tiếp theo và nhấn Hoàn thành là bạn đã tạo thành công Nguồn cấp dữ liệu của mình. Trong trường hợp sau khi tạo, bạn bắt đầu nhập sản phẩm của mình vào và thấy xuất hiện thông báo lỗi, hãy kiểm tra lại xem nguồn cấp của bạn đã làm đúng hướng dẫn về dữ liệu trong nguồn cấp hoặc theo dõi các lỗi được báo lại để có hướng dẫn khắc phục vấn đề.
- Nếu màn hình hiển thị như hình bên dưới, tức là bạn đã hoàn tất việc đó:
4. Hướng dẫn nhập thông tin sản phẩm
Như đã đề cập ở phần trên, chúng ta có rất nhiều cách để cung cấp dữ liệu cho Merchant Center, phù hợp trong nhiều trường hợp và đa dạng đối tượng sử dụng. Tuy nhiên, với những đơn vị doanh nghiệp nhỏ, số lượng sản phẩm không quá lớn và ít có cập nhập, Google Sheets sẽ là một phương án tiện dụng nhất mà bạn nên dùng vì sự đơn giản và nhanh chóng của nó.
Sau khi bạn đã tạo và đăng ký nguồn cấp dữ liệu của mình hãy sử dụng nguồn cấp đó để tải dữ liệu lên. Nếu bạn gửi các mặt hàng cần quảng cáo của mình lần đầu tiên đến một quốc gia mục tiêu cụ thể cho Google Shopping thì cần tối đa 3 ngày làm việc để các mặt hàng của bạn được xem xét. Để tránh chậm trễ, hãy đảm bảo nguồn cấp dữ liệu của bạn tuân thủ các đặc điểm nguồn cấp dữ liệu sản phẩm và chính sách của Google Shopping.
Nếu bạn mới tham gia Merchant Center thì tải lên một cách thủ công là cách đơn giản giúp bạn bắt đầu. Tệp tải lên của bạn phải dưới 4GB, nếu lớn hơn hãy tách tệp đó thành nhiều tệp nhỏ trước khi tải lên. Bạn có 4 tùy chọn tải lên khi nguồn cấp dữ liệu của mình trên Google Merchant Center:
- Tải lên trực tiếp với tệp có kích thước dưới 4GB
- Tải lên qua FTP
- Tải lên qua SFTP
- Tải lên theo lịch
- Tải lên qua Google Cloud Storage
Nguồn cấp dữ liệu phải được gửi đầy đủ ít nhất 30 ngày một lần, nếu dữ liệu của bạn có sự thay đổi thường xuyên thì bạn có thể tải lên nguồn cấp dữ liệu tối đa 4 lần mỗi ngày. Nếu bạn gửi nhiều nguồn cấp dữ liệu thì mỗi lần hãy gửi từng mặt hàng trong cùng một nguồn cấp dữ liệu để tránh chuyển các mặt hàng của bạn đến nguồn cấp dữ liệu khác.
Google cho phép người bán gửi toàn bộ kho sản phẩm của họ. Tuy nhiên tất cả các tài khoản đều có giới hạn mặc định về mặt hàng có thể gửi. Nếu bạn đang gửi số lượng lớn mặt hàng thì bạn sẽ nhận được thông báo trong tài khoản khi gần đạt đến hoặc đã đạt đến giới hạn hiện tại.
Và khi tải lên, có ít nhất 2 thời điểm bạn nên kiểm tra nguồn cấp dữ liệu được tải lên đó là khi bạn tạo nguồn cấp dữ liệu lần đầu hoặc sau khi nguồn cấp dữ liệu của bạn đã được đăng ký.
Ở phần này sẽ hướng dẫn bạn một vài phương pháp nhập nguồn cấp dữ liệu.
Phương pháp 1: Nhập thông tin sản phẩm thông qua Google Sheets
Ở trong phần này, bạn sẽ được hướng dẫn các bước để nhập thông tin sản phẩm trên Google Sheets:
Bước 1: Lựa chọn nguồn cấp dữ liệu là Google Sheets.
Bước 2: Lựa chọn một trong các tùy chọn sau:
Ở bước 2, nếu chọn tạo mới file, Merchant Center sẽ tạo ra cho bạn một một file Google Sheets theo mẫu mà Merchant Center có thể thu thập được dữ liệu.
Chúng ta sẽ có một file như dưới đây:
File Google Sheets mà Google Merchant Center tạo ra cho bạn sẽ bao gồm những cột sau:
• ID: là ID sản phẩm do bạn định nghĩa, bạn hoàn toàn có thể nhập theo ý muốn của mình nhưng lưu ý, ID chỉ nhận giá trị là số, không nhận chữ cái và ký tự đặc biệt.
• Title - Tiêu đề: là tên của sản phẩm và cũng là dòng tiêu đề sẽ hiển thị lên quảng cáo Google Shopping, vì vậy, bạn nên cân nhắc sử dụng tiêu đề này hợp lý và thu hút nhất.
• Description - Mô tả: là mô tả ngắn dành cho sản phẩm (giới hạn 1000 ký tự) nhằm mô tả chi tiết hơn về sản phẩm, dòng mô tả này sẽ xuất hiện ở mục xem nhanh của sản phẩm khi quảng cáo của bạn được hiển thị.
• Link - Liên kết: là liên kết dẫn tới sản phẩm trên Website của bạn, khi người dùng phát sinh hành vi nhấp chuột vào quảng cáo, họ sẽ được dẫn về đường dẫn này.
• Condition - Tình trạng: là tình trạng sản phẩm, Merchant Center sẽ chỉ nhận hai giá trị là “new” hoặc “old” với ngôn ngữ bạn lựa chọn là tiếng Anh, và “mới” hoặc “cũ” nếu bạn chọn ngôn ngữ là tiếng Việt.
• Price - Giá: là giá của sản phẩm mà khách hàng phải trả cho bạn khi hoàn tất đơn hàng. Giá này có thể thấp hơn giá thực tế khi khách hàng hoàn tất đơn hàng bởi vì có thể bao gồm phí ship, VAT hoặc phụ phí. Tuy nhiên, giá này không được khác so với giá mà bạn niêm yết trên Website. Về đơn vị tiền tệ, bạn có 2 phương thức nhập:
+ Nhập trực tiếp vào kèm theo giá (Ví dụ ở cột Price bạn nhập giá trị là 25 USD).
+ Lựa chọn đơn vị tiền tệ mặc định trong cài đặt của feeds, để làm điều này, bạn truy cập tab Setting trong Feeds để cài đặt đơn vị tiền tệ mặc định. Khi cài đặt xong, giá trị bạn nhập chỉ bao gồm số.
• Availability - Trạng thái: là tình trạng tồn kho của sản phẩm, thông báo về sự khả dụng của sản phẩm, những sản phẩm đã hết hàng sẽ tự động bị loại khỏi chiến dịch Google Shopping.
Ở cột này, Merchant Center chấp nhận 2 giá trị là “in stock” hoặc “out stock” với lựa chọn ngôn ngữ là tiếng Anh và “còn hàng” hoặc “hết hàng” với ngôn ngữ là tiếng Việt.
• Image link: là liên kết tới hình ảnh xem trước của sản phẩm.
• Brand - Thương hiệu: là thương hiệu của sản phẩm hoặc nhà phân phối.
• Google product category - Danh mục sản phẩm Google: là danh mục sản phẩm theo phân loại của Google, xem lại mục f phần 2 của chương này.
Bước 3: Hoàn tất.
Sau khi nhập đầy đủ thông tin sản phẩm, bạn sẽ nhận được thông báo rằng file Google Sheets sẵn sàng để nhập lên Merchant Center.
Công việc tiếp theo của bạn là quay trở lại Merchant Center, tại mục Feeds chọn Fetch now để tiến hành việc nhập sản phẩm. Bạn cũng có thể cài đặt tự động cập nhập theo lịch biểu hàng ngày trong tab Setting.
Như vậy là bạn đã hoàn tất việc nhập sản phẩm của mình lên Merchant Center với phương thức nhập là Google Sheets.
Phương pháp 2: Nhập thông tin sản phẩm thông qua Schedule Fetch
Đây là phương pháp gửi nguồn cấp dữ liệu thông qua việc tìm và nạp theo lịch. Để tạo và chỉnh sửa lịch gửi nguồn cấp dữ liệu bạn có thể làm các bước sau:
Bước 1: Đăng nhập vào tài khoản Google Merchant Center
Bước 2: Từ bảng điều hướng hãy nhấp vào sản phẩm
Bước 3: Từ menu trang hãy nhấp vào nguồn cấp dữ liệu để mở trang nguồn cấp dữ liệu.
Bước 4: Nhấp vào tên của nguồn cấp dữ liệu mà bạn muốn lên lịch
Bước 5: Nhấp vào lịch trên trang tải và chỉnh sửa lịch ở cuối trang.
Bước 6: Lên lịch tần suất, thời gian và vị trí mong muốn của nguồn cấp dữ liệu. Đảm bảo các URL vị trí tệp của bạn phải bắt đầu bằng http://, https://, ftp:// hoặc sftp://
Nếu tệp của bạn yêu cầu tên người dùng và mật khẩu để truy cập hãy đăng nhập bằng thông tin phù hợp của bạn.
Click vào cập nhật lịch để lưu thay đổi và hoàn tất quy trình tải lên.
Lưu ý: Dung lượng tệp bạn tải lên lịch phải dưới 4GB.
Google Merchant Center hỗ trợ tìm nạp theo lịch bằng cách sử dụng các giao thức http, https, ftp, hoặc sftp.
- Nếu bạn gửi thông qua các giao thức ftp, http hoặc https, hãy nhớ rằng tên người dùng và mật khẩu là các trường tùy chọn và nên để trống nếu không bắt buộc điền tên người dùng hoặc mật khẩu.
- Nếu gửi thông qua giao thức sftp, bạn cần điền các trường tên người dùng và mật khẩu.
- Nếu đang thiết lập tìm nạp theo lịch trong Merchant Center, thì bạn không thể sử dụng máy chủ FTP hoặc SFTP của Google (ftp://uploads.google.com hoặc sftp: //partnerupload.google.com) làm URL nguồn cấp dữ liệu của bạn.
Với tìm nạp theo lịch, bạn lưu trữ tệp nguồn cấp dữ liệu trên máy chủ của mình. Nếu bạn lưu trữ tệp trên máy chủ SFTP hoặc FTP, thì các trường tên người dùng và mật khẩu trong phần Lịch tham chiếu thông tin đăng nhập cho máy chủ của bạn. Thông tin đăng nhập này khác với thông tin đăng nhập trong trang SFTP / FTP / GCS có chứa tên người dùng và mật khẩu bắt buộc để truy cập máy chủ tải lên SFTP hoặc FTP của Google.
Phương pháp 3: Nhập thông tin dữ liệu qua SFTP hoặc FTP
SFTP và FTP là từ viết tắt của SSH File Transfer Protocol và File Transfer Protocol là giao thức truyền tệp SSH hoặc giao thức truyền tệp thông thường. Đây là hai cách phổ biến để người dùng tải xuống hoặc tải tệp lên Internet. Với SFTP dữ liệu được chuyển an toàn bằng phương pháp mã hóa và không có dữ liệu nào về xóa văn bản trong tệp được chuyển đi.
Bước 1: Chọn menu thả xuống với biểu tượng dấu ba chấm. Chọn SFTP/FTP/GCS
Bước 2: Click SFTP/FTP
Bước 3: Lựa chọn giao thức truyền tệp mà bạn lựa chọn. Tên người dùng tài khoản sẽ được tạo tự động, bạn hãy nhấp vào tạo mật khẩu để tạo mật khẩu và kích hoạt tài khoản của bạn.
Khi đó sẽ xuất hiện một hộp thoại chứa mật khẩu của bạn.
Đừng quên ghi nhớ hoặc lưu nó lại bởi nó sẽ không được hiển thị lại vì lý do bảo mật.
Bước 4: Click vào đóng để quay lại trang cài đặt.
Lưu ý rằng, mật khẩu được tạo lần đầu tiên có thể sau vài giờ mới hoạt động, nếu bạn không đăng nhập được vào SFTP hoặc FTP ngay lập tức, vui lòng thử lại sau.
5. Liên kết tài khoản Merchant Center với tài khoản Google Ads
Sau khi đăng ký tài khoản Google Merchant Center và tiến hành nhập sản phẩm của mình lên, bạn sẽ cần liên kết tới tài khoản Google Ads để có thể tiến hành triển khai chiến dịch Google Shopping.
Khi liên kết 2 tài khoản này thì một số thông tin sẽ được chia sẻ giữa 2 tài khoản, thông tin sản phẩm của Merchant Center sẽ có sẵn trong Google Ads để tạo chiến dịch và ngược lại một số số liệu thống kê của Google Ads như số lần nhấp được hiển thị trong tài khoản Merchant Center được liên kết.
Chủ sở hữu tài khoản Google Ads và quản trị viên hoặc người dùng Merchant Center tiêu chuẩn có thể xóa liên kết được bất cứ lúc nào và không bên nào có thể thay đổi được nội dung của tài khoản liên kết kia. Nếu xóa đi sự liên kết này thì các chiến dịch Google Shopping đang chạy sẽ được dừng hoàn toàn sự hiển thị mẫu quảng cáo. Và bạn cũng sẽ không thể tạo chiến dịch mới trong Google Ads dựa vào dữ liệu sản phẩm từ tài khoản Merchant Center.
Bạn cần quyền truy cập quản trị viên vào tài khoản Google Ads của mình để liên kết tài khoản Google Ads với Merchant Center.
Nếu bạn đã cài đặt chiến dịch phù hợp và thành công trong việc đặt giá thầu thì quảng cáo của bạn sẽ có nhiều cơ hội được ưu tiên để hiển thị hơn giúp tăng số lượng sale cho bạn và đương nhiên lợi nhuận cũng từ đó mà sinh ra nhiều hơn.
Yêu cầu liên kết với tài khoản Google Ads của chính bạn
Bước 1: Đăng nhập Merchant Center, click vào biểu tượng dấu 3 chấm rồi chọn liên kết tài khoản
Bước 2: Click vào Google Ads
Bước 3: Trong tài khoản hãy tìm ID khách hàng của tài khoản mà bạn muốn liên kết. Và click vào Liên kết
Yêu cầu liên kết với các tài khoản Google Ads khác
Bước 1: Trong tài khoản Merchant Center của bạn hãy đi đến menu thả xuống biểu tượng dấu ba chấm rồi nhấp vào liên kết tài khoản.
Bước 2: Chọn Google Ads
Bước 3: Trong tài khoản Google Ads khác, hãy nhập ID khách hàng Google Ads của tài khoản mà bạn muốn liên kết.
Bước 4: Click vào thêm để hoàn tất.
Chấp thuận yêu cầu liên kết trong Google Ads
Khi tài khoản Merchant Center gửi cho bạn yêu cầu liên kết, lời mời sẽ xuất hiện trong bảng trên Tài khoản liên kết cho Merchant Center trong Google. Lúc này bạn nhấp vào biểu tượng công cụ cài đặt ở góc bên phải của tài khoản, trong phần này hãy chọn tài khoản liên kết. Trong Google Merchant Center hãy nhấp vào chi tiết và tìm đến tài khoản bạn muốn liên kết. Cột trạng thái sẽ ở dạng “Đang chờ xử lý” nhấp vào xem lại chi tiết yêu cầu và chấp thuận. Để từ chối liên kết này hãy click vào từ chối. Hoặc nếu muốn liên kết những tài khoản này vào một thời điểm khác thì bạn cần phải gửi một yêu cầu thiết kế mới từ Merchant Center.
Quản lý liên kết giữa các tài khoản
Nếu đã liên kết Merchant Center với tài khoản Google Ads thì bạn có thể hủy hoặc gửi lại yêu cầu liên kết từ Merchant Center hoặc hủy liên kết tài khoản bất cứ lúc nào.
● Để hủy liên kết, bạn làm theo các bước sau:
Bước 1: Đăng nhập vào tài khoản Merchant Center của bạn.
Bước 2: Nhấp vào biểu tượng menu với biểu tượng ba chấm, chọn liên kết tài khoản, chọn Tài khoản Google Ads cần hủy kết nối.
Bước 3: Click vào hủy kết nối.
● Để hủy liên kết tài khoản từ Google Ads
Bước 1: Đăng nhập vào tài khoản Google Ads.
Bước 2: Click vào biểu tượng công cụ Setting ở góc trên bên phản màn hình.
Bước 3: Lựa chọn thiết lập, hãy click vào tài khoản được liên kết.
Bước 4: Trong Google Merchant Center hãy click vào chi tiết.
Lựa chọn tài khoản bạn muốn hủy liên kết rồi click vào Hủy liên kết.
Theo dõi các trạng thái liên kết trong Google Ads
Sau đây là các trạng thái được hiển thị trong bảng tài khoản được liên kết với Google Merchant Center trong tài khoản Google Ads của bạn.
● Cần sự chấp thuận của bạn
Chủ sở hữu tài khoản từ tài khoản Merchant Center này đã yêu cầu liên kết với tài khoản Google Ads của bạn. Bạn có thể chấp thuận hoặc từ chối yêu cầu của họ.
● Đã liên kết
Tài khoản Google Ads của bạn đã được liên kết với tài khoản Merchant Center này và danh sách tiếp thị lại cho các ứng dụng trong tài khoản đã được kích hoạt.
Công việc của bạn còn lại chỉ là lựa chọn sản phẩm mình cung cấp sao cho phù hợp với nhu cầu của cộng đồng và đưa lên để quảng bá mà thôi.
TỔNG KẾT CHƯƠNG 2
Chương này sẽ giúp bạn thiết lập cơ sở nền trước khi bắt tay vào hoạt động quảng cáo cùng Google Shopping.
1. Nguồn cấp dữ liệu chính là những nội dung đầu vào được lưu trữ trên Merchant Center để từ đó Google sử dụng thông tin để đưa ra kết quả hiển thị. Nguồn cấp dữ liệu được chia thành hai dạng: nguồn cấp dữ liệu chính và nguồn cấp dữ liệu bổ sung.
2. Google Merchant Center là một công cụ giúp bạn tải dữ liệu của sản phẩm cũng như những thông tin liên quan lên Google và cung cấp những dữ liệu thông tin đó cho quảng cáo mua sắm và các dịch vụ khác của Google đảm bảo cho việc tiếp cận đến những khách hàng tiềm năng. Đây cũng chính là hoạt động đầu tiên mà bạn cần thực hiện trước khi bắt tay vào một chiến dịch quảng cáo.
Cách tạo tài khoản và hướng dẫn thiết lập Google Merchant Center.
3. Cung cấp dữ liệu cho sản phẩm quảng cáo bao gồm dữ liệu sản phẩm với các thông số về địa chỉ website liên kết, tên sản phẩm, hình ảnh sản phẩm, trang đích, giá cả sản phẩm, danh mục sản phẩm, thông tin chi tiết.
Đưa ra các quy định trong thiết lập dữ liệu sản phẩm như sử dụng đúng định dạng dữ liệu, các thuộc tính cần thiết, tuân thủ các chính sách của quảng cáo mua sắm, tuân thủ các yêu cầu trang đích.
Tạo các nguồn cấp dữ liệu với Google Sheet, Scheduled fetch, Upload, Content API.
4. Các phương pháp tạo nguồn cấp dữ liệu phổ biến.
Nhập thông tin sản phẩm thông qua Google Sheet
Nhập thông tin sản phẩm thông qua Schedule Fetch
Nhập thông tin dữ liệu qua SFTP hoặc FTP
5. Liên kết tài khoản Merchant Center với tài khoản Google Ads