Ở phần trên, bạn đã được giới thiệu để thiết lập các dữ liệu trong Google Merchant, tuy nhiên để một chiến dịch mua sắm đạt hiệu quả cao, bạn nên xem xét lại và tối ưu hóa dữ liệu sản phẩm của mình trên nguồn cấp.
Dữ liệu sản phẩm trong Google Merchant Center là yếu tố quan trọng nhất khiến chiến dịch của bạn thành công và trong Google Shopping, bước tối ưu chiến dịch quảng cáo phần lớn nằm ở bước tối ưu dữ liệu khi bạn tải lên nguồn cấp. Dưới đây là những thuộc tính bạn có thể tối ưu trong dữ liệu sản phẩm:
1. Hình ảnh sản phẩm (Image)
Một hình ảnh đẹp đáng giá bằng ngàn lời nói. Do vậy, những hình ảnh có chất lượng cao sẽ mang lại cho bạn một tỷ lệ nhấp chuột (CTR) tốt hơn rất nhiều. Nếu hình ảnh của bạn bị mờ, không rõ nét, kém chất lượng, mọi người sẽ không có hứng thú với sản phẩm của bạn và họ có xu hướng lướt qua ngay lập tức. Do đó, bạn cần tạo ra những hình ảnh chất lượng (tối thiểu là 800x800 pixel) phù hợp với sản phẩm bạn muốn quảng bá.
Định dạng hình ảnh cụ thể
- Loại dữ liệu: URL (bao gồm http hoặc https), chỉ sử dụng các ký tự ASCII và tuân thủ RFC 3986.
- Giới hạn: 1-2000 ký tự.
- Định dạng tệp được hỗ trợ: GIF (.gif), JPEG (.jpg/.jpeg), PNG (.png), BMP (.bmp) và TIFF (.tif/.tiff). Nếu có phần mở rộng, thì chúng cần phải tương ứng với định dạng tệp.
- Thuộc tính Schema.org: Product.image, Type: URL.
Yêu cầu tối thiểu
Đây là những yêu cầu mà URL hình ảnh phải đáp ứng để hiển thị quảng cáo cho sản phẩm của bạn. Nếu bạn không tuân thủ những yêu cầu này, Google có khả năng sẽ từ chối sản phẩm của bạn và thông báo cho bạn trong trang Chẩn đoán của tài khoản Merchant Center.
- Sử dụng URL chuyển hướng đến một hình ảnh có định dạng tệp được hỗ trợ.
- Bắt đầu bằng http hoặc https và tuân thủ RFC 3986. Ví dụ: http:// product.hstatic.net/1000245066/product/mockupweb2900x900_ master.png
- Thay thế bất kỳ ký hiệu hoặc dấu cách nào bằng các thực thể được mã hóa URL. Ví dụ: Nếu URL chứa ký hiệu và (&), hãy thay thế bằng %26. Nếu URL chứa dấu phẩy (,), hãy thay thế bằng %2C.
- Đảm bảo Google có thể thu thập URL của bạn. Ví dụ: Đảm bảo bạn đã định cấu hình đúng tệp robots.txt.
2. Tiêu đề sản phẩm (Title)
Tiêu đề giữ vai trò quan trọng để sản phẩm của bạn được hiển thị, bởi Google sẽ phân tích những truy vấn của khách hàng và tiêu đề bạn cung cấp, nếu đó là những nội dung có liên quan đến nhau, quảng cáo của bạn sẽ có khả năng cao được hiển thị trên kết quả tìm kiếm đó.
Tiêu đề được Google khuyến khích đặt theo công thức sau:
Thương hiệu + Loại sản phẩm + Thuộc tính
Ví dụ: Apple iPhone 6s Plus 64Gb New.
Hãy lưu ý, Google giới hạn cho việc đặt tiêu đề của bạn. Cụ thể, họ cho phép bạn viết tối đa 150 ký tự cho mỗi tiêu đề, tuy nhiên chỉ có 70 ký tự đầu tiên được hiển thị để người dùng có thể nhìn thấy. Do đó, hãy cố gắng tạo ra những tiêu đề ngắn gọn và chất lượng để sản phẩm của bạn có thể cải thiện hiển thị và bảng xếp hạng.
- Sử dụng tiêu đề có mô tả sản phẩm rõ ràng.
- Tiêu đề giống với liên kết trên trang đích.
- Phân biệt giữa các kiểu mẫu mã sản phẩm: Thêm chi tiết phân biệt vào từng mẫu mã sản phẩm chẳng hạn như Màu sắc (Color ), Kích thước (Size)… tuy nhiên, nếu thêm những thuộc tính mới này, bạn đừng quên gửi các chi tiết thuộc tính này cho Google. Điều này sẽ giúp cho người dùng có thể xác định đúng sản phẩm mình cần mua ngay khi đọc tiêu đề của nó. Nếu các sản phẩm chứa chi tiết phân biệt không nằm trong thuộc tính tương ứng ví dụ như hương vị, bạn có thể thêm trực tiếp vào tiêu đề sản phẩm.
- Bạn hãy sử dụng các ngôn ngữ đúng chuyên môn và ngữ pháp. Tiêu đề của bạn không được chứa bất kỳ từ nào sai chính tả và bạn nên sử dụng ngôn ngữ chuyên môn để giúp người dùng có thể tiếp cận sản phẩm nhanh chóng.
- Không nên sử dụng ngoại ngữ, ngoại trừ tên các sản phẩm là tiếng nước ngoài chẳng hạn Versace Pour Homme là tên của sản phẩm.
- Không sử dụng chữ hoa để nhấn mạnh sản phẩm trừ trường hợp đó là chữ viết tắt quốc gia và đơn vị tiền tệ.
- Không bao gồm văn bản quảng cáo, không thêm các thông tin như giá gốc, giá ưu đãi, ngày ưu đãi, thông tin vận chuyển, ngày giao hàng… hay bất kỳ thông tin nào khác ngoài sản phẩm. Tất cả những thông tin này đều có các trường thuộc tính để bạn cung cấp.
- Không viết liền toàn bộ tiêu đề, bắt buộc phải sử dụng khoảng trắng.
3. Mô tả sản phẩm (Description)
Quảng cáo mua sắm cũng giống như bất kỳ hoạt động quảng bá sản phẩm khác, khi bạn tạo ra mô tả càng rõ ràng thì sự tin tưởng của khách hàng đối với sản phẩm càng cao. Do vậy, bạn nên tạo những đoạn mô tả sản phẩm của mình rõ ràng, chính xác, chân thực bằng những từ khóa thu hút. Hãy cố gắng cung cấp cho khách hàng những đặc điểm vượt trội của sản phẩm, để khi khách hàng tiềm năng đọc chúng, họ sẽ muốn sử dụng sản phẩm ngay lập tức.
Lưu ý: Mô tả chỉ bao gồm thông tin về sản phẩm, không bao gồm các liên kết đến cửa hàng, thông tin bán hàng, chi tiết về đối thủ cạnh tranh, các sản phẩm khác hoặc phụ kiện; không bao gồm nội dung quảng cáo như «Miễn phí vận chuyển», chữ in hoa hoặc ký tự lạ.
Nguyên tắc định dạng mô tả
- Loại: Chuỗi (ký tự Unicode, một số HTML thuần*, Đề xuất: Chỉ sử dụng ký tự ASCII)
- Giới hạn: 1-1000 ký tự.
- Thuộc tính Schema.org: Product.description, Type: Text.
Yêu cầu tối thiểu
Đây là những yêu cầu bạn cần đáp ứng để hiển thị quảng cáo cho sản phẩm. Nếu bạn không tuân thủ những yêu cầu này, Google sẽ từ chối sản phẩm của bạn và thông báo cho bạn trong trang Chẩn đoán của tài khoản Merchant Center.
Lưu ý: Nếu mô tả của bạn không nằm trong giới hạn ký tự, thì Google sẽ cắt bớt để vừa với giới hạn ký tự. Bạn sẽ nhận được cảnh báo cho biết rằng họ đã cắt bớt mô tả của bạn và hiển thị những gì cho mô tả đó.
- Chỉ mô tả chính sản phẩm. Không mô tả các khía cạnh khác như chi tiết về sản phẩm tương thích, phụ kiện, sản phẩm tương tự khác có sẵn, không cung cấp lịch sử hoặc chính sách doanh nghiệp của bạn.
- Sử dụng ngôn ngữ chuyên môn và đúng ngữ pháp. Bạn hãy sử dụng các ngôn ngữ đúng chuyên môn và ngữ pháp. Mô tả của bạn không được chứa bất kỳ từ nào sai chính tả và bạn nên sử dụng ngôn ngữ chuyên môn để giúp người dùng có thể tiếp cận sản phẩm nhanh chóng.
- Không sử dụng ngoại ngữ, ngoại trừ tên các sản phẩm là tiếng nước ngoài chẳng hạn Nước hoa Chanel No.5 Parfum là tên của sản phẩm.
- Không bao gồm thông tin so sánh hoặc chi tiết về các sản phẩm khác. Chẳng hạn: “sản phẩm này tốt hơn rất nhiều so với…”.
- Không bao gồm tham chiếu đến hệ thống phân loại. Ví dụ: Không bao gồm "Apparel & Accessories > Jewelry > Watches [Hàng may mặc và phụ kiện > Đồ trang sức > Đồng hồ đeo tay]”. Hãy thể hiện những thông tin này bằng cách sử dụng thuộc tính Google_ product_category [Danh_mục_sản_phẩm_của_Google] hoặc Product_ type [Loại_sản_phẩm].
- Không bao gồm liên kết đến cửa hàng hoặc các trang web khác. Chỉ bao gồm một liên kết đến trang đích của sản phẩm có thuộc tính Link [Liên_kết].
- Không sử dụng chữ hoa để nhấn mạnh sản phẩm trừ trường hợp đó là chữ viết tắt quốc gia và đơn vị tiền tệ.
- Không bao gồm văn bản quảng cáo, không thêm các thông tin như giá, giá ưu đãi, ngày ưu đãi, thông tin vận chuyển, ngày giao hàng… hay bất kỳ thông tin nào khác ngoài sản phẩm. Tất cả những thông tin này đều có các trường thuộc tính để bạn cung cấp.
4. Trang đích (Landing Page)
Trang đích là link của sản phẩm trên Website, cũng là trang mà khách hàng sẽ truy cập vào khi nhấp chuột vào quảng cáo. Nếu trang đích của bạn không chứa sản phẩm quảng cáo đó, có nghĩa là bạn chỉ đang “Treo đầu dê, bán thịt chó” thì người dùng sẽ rời trang đích của bạn ngay lập tức mà không tìm hiểu thêm bất kỳ sản phẩm nào khác nữa.
Hiển thị sản phẩm rõ ràng
- Trang đích mà bạn sử dụng cho quảng cáo phải bao gồm sản phẩm quảng cáo và đảm bảo đó là những thông tin trùng khớp với thông tin bạn gửi trên Google Merchant Center. Trong đó, tiêu đề, mô tả, hình ảnh của sản phẩm không bắt buộc lúc nào cũng phải trùng khớp trên trang đích, tuy nhiên đó phải là nội dung của sản phẩm hoặc tham chiếu đến sản phẩm.
- Sản phẩm bạn cung cấp trong nguồn cấp phải là sản phẩm nổi bật nhất và được hiển thị trên trang đích được liên kết. Chẳng hạn, bạn đang cung cấp một chiếc áo, tuy nhiên nó có nhiều màu sắc và kích cỡ thì sản phẩm bạn gửi lên Google Merchant Center phải đảm bảo trùng khớp với sản phẩm hiển thị trên trang đích cả về kích cỡ và màu sắc của nó.
- Hiển thị rõ ràng giá sản phẩm trên trang đích. Giá sản phẩm phải được hiển thị ở vị trí dễ nhìn thấy và phải khớp với dữ liệu sản phẩm của bạn. Nếu trang đích của bạn có nhiều mức giá (chẳng hạn giá sale, giá chưa sale, giá ship… ), thì giá cuối cùng của sản phẩm được quảng cáo vẫn phải dễ nhìn thấy nhất.
Lưu ý: Nếu quốc gia mục tiêu yêu cầu bao gồm thuế trong giá sản phẩm, thì bạn hãy hiển thị mức giá bao gồm thuế trên trang đích và gửi cùng một mức giá trong dữ liệu sản phẩm.
- Trên trang đích của bạn, tránh bố trí ẩn các phần tử chính của trang. Ví dụ: Cửa sổ bật lên hoặc biểu ngữ tải xuống không nên che thông tin quan trọng khi hiển thị thông tin sản phẩm cho khách hàng của bạn.
- Sử dụng chuyển hướng theo luật định. Đối với một số sản phẩm nhất định, luật pháp địa phương có thể yêu cầu người dùng chuyển đến một trang riêng trước khi truy cập vào trang đích của bạn. Ví dụ: Bạn có thể cần xác minh tuổi của người dùng trước khi họ có thể truy cập trang web của bạn. Sau khi người dùng vượt qua trang này, hãy đảm bảo rằng trang đích của bạn đang đáp ứng tất cả những nội dung cần thiết về sản phẩm quảng cáo.
Cung cấp trải nghiệm người dùng nhất quán
Trang đích của bạn cần sự nhất quán tuyệt đối với sản phẩm quảng cáo, ngoại trừ các yếu tố như hình ảnh, tiêu đề, mô tả thì bạn có thể sử dụng những nội dung tham chiếu đến sản phẩm.
Trang đích của bạn đang hoạt động có nghĩa
- Đảm bảo trang đích của bạn đang hoạt động bình thường, sẽ không xảy ra tình trạng báo lỗi không tìm thấy trang (404) khi người dùng click vào quảng cáo.
- Bạn đang sử dụng trang đích chứ không phải tệp dữ liệu hay email, hãy tránh việc quảng cáo của bạn đang liên kết tới hình ảnh, tệp âm thanh, video, tài liệu hoặc PDF.
- Trang đích phải hoạt động tốt trên thiết bị di động, hoặc sử dụng trang đích dành riêng cho thiết bị di động. Không bao gồm các phần tử thiết kế có thể hoạt động không đúng cho tất cả các thiết bị di động như Flash, Silverlight hoặc ActiveX.
- Cho phép mọi người có thể sử dụng Nút quay lại trên trình duyệt để trở lại trang quảng cáo của bạn.
- Chỉ liên kết đến tên miền từ tài khoản Merchant Center của bạn. Không chuyển hướng người dùng đến một trang web khác bên ngoài tên miền bạn đã xác nhận trong tài khoản Merchant Center.
5. Link liên kết sản phẩm
Link liên kết sản phẩm là đường dẫn đến sản phẩm trên trang đích của bạn. Đây là một trong những yêu cầu bạn cần đáp ứng để quảng cáo của bạn được hiển thị. Nếu bạn không có Link liên kết của sản phẩm, Google sẽ từ chối sản phẩm của bạn và thông báo cho bạn trong trang Chẩn đoán của tài khoản Merchant Center.
- Liên kết trỏ đến sản phẩm mà bạn đã nhập lên Google Merchant Center, các nội dung mô tả, hình ảnh sản phẩm có thể không nhất thiết phải trùng khớp nhưng phải có mức độ liên quan cao với thông tin mà bạn đã nhập.
- Trang sản phẩm phải hoạt động tốt cả trên PC, Tablet và Mobile
- Sử dụng tên miền đã xác minh. Đảm bảo sử dụng tên miền bạn đã xác minh (trong quá trình thiết lập tài khoản hoặc thông qua tab Xác minh trang web).
- Đảm bảo Google có thể thu thập dữ liệu của bạn. Chẳng hạn: Bạn đã thực hiện định cấu hình đúng tệp robots.txt.
- Thay thế bất kỳ ký tự đặc biệt, dấu cách bằng các mã tương đương trong bảng mã. Ví dụ: nếu URL của bạn chứa ký hiệu &, hãy thay thế bằng %26.
- Link liên kết của bạn không được phép yêu cầu người dùng đăng ký, đăng nhập hay thực hiện bất kỳ hoạt động nào để xem thông tin về sản phẩm. Hãy đảm bảo người dùng có thể thấy trang đích của bạn ngay lập tức sau khi click vào quảng cáo.
- Với mỗi mặt hàng, bạn chỉ nên gửi một link liên kết. Nếu bạn cung cấp nhiều link liên kết cho cùng một sản phẩm, thì chỉ có link đầu tiên được chấp nhận để hiển thị.
- Sử dụng chuyển hướng theo luật định. Đối với một số sản phẩm nhất định, luật pháp địa phương có thể yêu cầu người dùng chuyển đến một trang riêng trước khi truy cập vào trang đích của bạn.
Ví dụ: bạn có thể cần xác minh tuổi của người dùng trước khi họ có thể truy cập trang web của bạn. Sau khi người dùng vượt qua trang này, hãy đảm bảo trang đích của bạn đáp ứng tất cả các nguyên tắc được mô tả ở trên.
6. Giá sản phẩm (Price)
Giá cả sản phẩm là yêu cầu bắt buộc bạn phải cung cấp cho Merchant Center để sản phẩm của bạn được duyệt. Hơn nữa, với chiến lược giá thông minh, bạn có thể tạo ra nhiều click vào quảng cáo của mình hơn cũng như gia tăng được tỉ lệ chuyển đổi trên trang web của mình. Do đó, hãy cố gắng lựa chọn giá cả phù hợp để hiển thị cho quảng cáo của bạn.
Nếu có nhiều người đang quảng cáo cùng sản phẩm với bạn, hãy tham khảo cách đặt giá của họ. Chẳng hạn: Bạn thấy giá của sản phẩm là một chiếc áo phông được Website A bán với giá 200.000đ, tuy nhiên cũng cùng sản phẩm này trên Website B lại đăng bán với giá 180.000đ. Lý do có sự chênh lệch này là vì Website B chưa tính phí vận chuyển vào sản phẩm nếu bạn mua chúng, còn doanh nghiệp A đã tính tất cả tiền phí vận chuyển vào đó rồi và giá bạn nhìn thấy là số tiền cuối cùng mà bạn phải bỏ ra khi nhận hàng. Do vậy, nếu bạn đã tính tiền vận chuyển trong sản phẩm, bạn có thể sử dụng cụm từ “Miễn phí vận chuyển” trên trang đích và hãy đảm bảo mọi người có thể tiếp nhận được thông tin này.
Đảm bảo rằng giá trong dữ liệu sản phẩm của bạn trùng với giá sản phẩm trên trang đích bao gồm cả giá cả sản phẩm và đơn vị tiền tệ.
- Không gửi các sản phẩm có giá thay đổi liên tục như đấu giá và giá dựa trên trao đổi tiền tệ trực tiếp. Các sản phẩm mà bạn gửi phải được bán với giá cố định.
- Không bao gồm chi phí vận chuyển vào giá. Thay vào đó, hãy sử dụng thuộc tính Shipping [Thông_tin_vận_chuyển].
- Giá bạn đăng là giá của sản phẩm, nó sẽ không được bao gồm bất kỳ chi phí nào liên quan đến việc nhập khẩu và xuất khẩu. Nếu sản phẩm của bạn có bao gồm những thông số đó, hãy báo cáo các chi phí liên quan trên trang đích.
- Giá sản phẩm bắt buộc lớn hơn 0.
- Tuân thủ luật pháp địa phương khi gửi thông tin về giá sản phẩm.
7. Giá ưu đãi của sản phẩm (Sale Price)
Giá ưu đãi sản phẩm là mức giá bạn muốn bán cho khách hàng trong một khoảng thời gian do bạn thiết lập, giá này sẽ thấp hơn giá gốc của sản phẩm.
Thông thường, khi bạn có một dịp tri ân nào đó, bạn sẽ thường muốn sử dụng giá này để tăng số lượng bán hàng của mình. Bạn có thể quy định thời gian áp dụng giá này cho từng sản phẩm và bạn nên sử dụng nó vào các ngày lễ, tết hoặc ngày cuối tuần - những ngày mà người dùng có nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm nhiều hơn.
8. Danh mục sản phẩm của Google
Phân loại các sản phẩm quảng cáo theo Danh mục cũng là một yếu tố giúp chiến dịch quảng cáo mua sắm của bạn đạt hiệu quả cao hơn. Sẽ thật khó chịu cho khách hàng khi họ tiếp cận những sản phẩm đặt sai danh mục của nó, chẳng hạn: sản phẩm bạn quảng bá là một cái Áo khoác, nhưng bạn lại đặt vào danh mục Trang phục mùa hè. Do đó, bạn cần phân loại chính xác danh mục các sản phẩm trước khi thực hiện chiến dịch quảng bá chúng.
Google sẽ cung cấp một danh sách các danh mục cố định cho các sản phẩm, khi tải dữ liệu lên, bạn cần tìm hiểu về chúng. Việc tìm và đặt đúng danh mục cho sản phẩm của Google sẽ giúp bạn tăng được khả năng hiển thị đối với các khách hàng tiềm năng. Bạn sẽ bắt buộc phải sử dụng các danh mục sản phẩm nếu bạn đang cung cấp những sản phẩm dưới đây:
• Apparel & Accessories > Clothing (1604) [Hàng may mặc và phụ kiện > Quần áo]
• Apparel & Accessories > Shoes (187) [Hàng may mặc và phụ kiện > Giày]
• Apparel & Accessories > Clothing Accessories > Sunglasses (178) [Hàng may mặc và phụ kiện > Phụ kiện quần áo > Kính mát]
• Apparel & Accessories > Handbags, Wallets & Cases > Handbags (3032) [Hàng may mặc và phụ kiện > Túi xách, ví và hộp đựng > Túi xách]
• Apparel & Accessories > Jewelry > Watches (201) [Hàng may mặc và phụ kiện > Đồ trang sức > Đồng hồ đeo tay]
• Media > Books (784) [Truyền thông > Sách]
• Media > DVDs & Videos (839) [Truyền thông > DVD & Video]
• Media > Music & Sound Recordings (855) [Truyền thông > Âm nhạc & Bản ghi âm]
• Software > Video Game Software (1279) [Phần mềm > Phần mềm trò chơi video] (bao gồm các trò chơi trên máy tính)
9. Các thuộc tính khác
- ID sản phẩm: Đây là mã định danh sản phẩm, mỗi sản phẩm quảng cáo trên Google đều sở hữu một mã định danh khác nhau, tránh trường hợp nhầm lẫn hoặc sai lệch trong quá trình kiểm soát sản phẩm. Bạn có thể đặt mã này theo một quy tắc nào đó miễn sao bạn có thể tự phân biệt được các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, mã này chỉ bao gồm các số và không chứa các ký tự đặc biệt.
- GTIN (viết tắt của Global Trade Item Numbering): Đây là mã số sản phẩm thương mại toàn cầu mà bạn không thể thiếu nếu bạn muốn quảng bá sản phẩm của mình.
- MPN (viết tắt của Manufacturer's Part Number ): Mã số linh kiện của nhà sản xuất.
TỔNG KẾT CHƯƠNG 2
Dữ liệu sản phẩm trong Google Merchant Center là yếu tố quan trọng nhất khiến chiến dịch của bạn thành công và trong Google Shopping, bước tối ưu chiến dịch quảng cáo phần lớn nằm ở bước tối ưu dữ liệu khi bạn tải lên nguồn cấp. Dưới đây là những thuộc tính bạn có thể tối ưu trong dữ liệu sản phẩm:
- Hình ảnh sản phẩm
- Tiêu đề sản phẩm
- Mô tả sản phẩm
- Trang đích
- Link liên kết
- Giá sản phẩm
- Giá ưu đãi của sản phẩm
- Danh mục sản phẩm
- Một số thuộc tính khác