Ở chương 2 vừa qua, chúng ta đã tìm hiểu về các dữ liệu cơ bản mà bạn sẽ cung cấp cho Merchant Center về sản phẩm của mình. Ở chương này, chúng ta sẽ đi tìm lời giải cho việc làm thế nào để tối ưu hóa được các nội dung trong nguồn cấp và đó cũng là một trong những yếu tố tối quan trọng trong việc quyết định hiệu suất chiến dịch Google Shopping.
Với các chiến dịch quảng cáo trên công cụ tìm kiếm Google Search thông thường, bạn có thể nhắm chọn những từ khóa nào mà quảng cáo của bạn sẽ hiển thị và những từ khóa nào mà bạn không muốn từ khóa của bạn hiển thị (từ khóa phủ định).
Khác với chiến dịch quảng cáo thông thường, với Google Shopping, bạn sẽ không thể lựa chọn các từ khóa cụ thể để kích hoạt quảng cáo của mình hiển thị mà Google Ads sẽ tự xác định việc này thông qua dữ liệu mà bạn tải lên Google Merchant Center, bạn chỉ có thể chọn những từ khóa mà bạn không muốn sản phẩm của mình được hiển thị mà thôi (từ khóa phủ định).
Chính vì vậy, việc tối ưu dữ liệu mà bạn cung cấp cho Merchant Center là cực kỳ quan trọng giúp Google xác định được sản phẩm của bạn phù hợp với những từ khóa nào. Và công việc trong phần tối ưu này là: Làm thế nào sản phẩm của bạn có thể được hiển thị tới nhiều từ khóa về sản phẩm và ít bị hiển thị bởi những từ khóa không liên quan? Cùng tìm hiểu qua hai phần sau nhé!
1. Tối ưu từ khóa hiển thị quảng cáo
Như đã đề cập ở đầu chương, Google sẽ tự chọn từ khóa mà quảng cáo sản phẩm của bạn sẽ được hiển thị đến khách hàng mục tiêu, vậy dựa vào những yếu tố nào để Google có thể xác định được điều đó? Câu trả lời là những dữ liệu mà bạn tải lên Merchant Center, cụ thể là những trường dữ liệu sau:
- Tiêu đề sản phẩm
- Mô tả sản phẩm
- Trang đích (liên kết đến sản phẩm)
- Danh mục sản phẩm Google
Dựa vào các yếu tố trên, Google sẽ xác định những từ khóa về sản phẩm và có liên quan đến sản phẩm, từ đó quyết định việc quảng cáo của bạn được hiển thị hay không.
Vậy, chúng ta sẽ tối ưu các trường dữ liệu ở trên như thế nào? Hãy bắt đầu với các bước phía dưới đây:
Bước 1: Xác định từ khóa chính
Từ khóa chính là các từ khóa chính xác về sản phẩm hoặc có lượt tìm kiếm nhiều nhất về sản phẩm, để xác định được chúng ta nên nhắm vào từ khóa nào, bạn hãy sử dụng công cụ Keyword Planner trên Google Ads để xác định từ khóa chính.
Để sử dụng công cụ này, bạn truy cập vào thanh công cụ trên tài khoản Google Ads, tiếp đến lựa chọn Keyword Planner như hình bên dưới:
Sau khi vào công cụ, bạn hãy nhập những từ khóa liên quan đến sản phẩm của bạn để Google Ads đưa ra gợi ý về từ khóa như hình minh họa bên dưới:
Lúc này, Google sẽ gợi ý cho bạn các từ khóa có liên quan tới sản phẩm của bạn theo từng mức dung lượng tìm kiếm.
Bạn có thể tải danh sách từ khóa này về máy tính của mình để có thể thao tác và lọc ra những từ khóa về sản phẩm và có liên quan đến sản phẩm. Từ đó bạn xác định ra từ khóa chính theo các nguyên tắc sau:
- Từ khóa chính xác hoặc gần chính xác với sản phẩm
- Từ khóa có dung lượng tìm kiếm nhiều
- Từ khóa có thể phát sinh chuyển đổi cao (ví dụ: mua sách marketing)
Từ đó bạn sẽ lọc ra được một hoặc một số từ khóa chính, các từ khóa này có thể gần giống nhau hoặc chứa nhau, ví dụ: “sách marketing” và từ khóa “ mua sách marketing”.
Bước 2: Xác định các nhóm từ khóa liên quan
Bạn có thể sử dụng lại danh sách bạn tải về từ bước 1, sau khi lọc ra được những từ khóa chính, bạn sẽ cần lọc ra một danh sách từ khóa về sản phẩm hoặc có liên quan đến sản phẩm còn lại và phân loại thành từng nhóm, nguyên tắc phân nhóm như sau:
- Từ khóa gần giống nhau hoặc bao chứa nhau
- Dung lượng tìm kiếm gần tương đương nhau
Ví dụ: Từ khóa liên quan đến sách marketing, có thể có 2 nhóm, một nhóm giống nhau có lượng tìm kiếm lớn. Một nhóm còn lại có dung lượng tìm kiếm nhỏ.
Từ hai bước trên, chúng ta sẽ có các nhóm từ khóa:
- Nhóm từ khóa chính
- Các nhóm từ khóa liên quan
Bước 3: Phân bổ từ khóa một cách hợp lý vào từng trường dữ liệu
Đây là bước cuối cùng trong việc tối ưu để quảng cáo của bạn có thể hiển thị đến những từ khóa liên quan tốt. Vì vậy, bước này là bước khá quan trọng, bạn hãy cố gắng làm nó tốt nhất có thể theo các nguyên tắc phân bổ từ khóa như sau:
Với trường dữ liệu tiêu đề
Tiêu đề của sản phẩm trên Merchant Center hỗ trợ tối đa 150 ký tự, tuy nhiên chỉ có 70 ký tự đầu tiên được hiển thị, vì vậy, bạn cần tính toán thật kỹ việc tối ưu trường dữ liệu này và nó cũng là phần đặc biệt quan trọng.
Với tiêu đề, bạn nên lựa chọn một từ khóa có thể bao quát được tất cả các từ khóa chính vào một từ khóa và đưa nó vào tiêu để của sản phẩm.
Ví dụ: Iphone Xs Max chính hãng 256GB
Với trường dữ liệu mô tả
Mô tả của sản phẩm có giới hạn tối đa 1000 ký tự, tuy không được hiển thị lên quảng cáo tuy nhiên đây cũng được xem là một trong những trường dữ liệu cực kỳ quan trọng giúp Merchant Center hay Google Ads có thể xác định được các từ khóa về sản phẩm từ đó quyết định khi nào quảng cáo của bạn sẽ được hiển thị.
Sau khi phân bổ từ khóa chính vào tiêu đề sản phẩm, bạn có thể tiếp tục phân bổ từ khóa chính vào trong khoảng 50 ký tự đầu của dòng mô tả và các từ khóa liên quan trải dài trên dòng mô tả một cách tự nhiên và mạch lạc nhất có thể. Tuy nhiên, hãy tránh trường hợp mô tả chứa đầy từ khóa.
Với trang đích (liên kết đến sản phẩm)
Dữ liệu tiếp theo về sản phẩm mà Merchant Center sẽ thu thập đó là liên kết đến sản phẩm của bạn, nơi mà khách hàng tiềm năng sẽ truy cập và tìm kiếm các thông tin liên quan đến sản phẩm.
Bạn nên phân bổ từ khóa theo mức độ ưu tiên lên lần lượt các các vị trí:
- Tiêu để của trang sản phẩm (title)
- Mô tả của trang sản phẩm (description)
- Trong các thẻ <head> trên trang sản phẩm
- Trong nội dung mô tả của sản phẩm (thông tin sản phẩm/thông tin thêm…)
Về phần này, bạn sẽ thấy nó khá giống với công việc tối ưu Website cho nó thân thiện với công cụ tìm kiếm (SEO) vì vậy, quý độc giả có thể tham khảo các đầu sách tiếp theo của MZBook về SEO để có thể nhận hướng dẫn chi tiết hơn cũng như tối ưu hóa từ khóa trên trang một cách tốt nhất.
2. Hạn chế hiển thị không đúng từ khóa
So với phần tối ưu để Merchant Center có thể xác định chính xác từ khóa về sản phẩm của bạn, thì ở nhiệm vụ hạn chế việc hiển thị không đúng từ khóa cũng quan trọng không kém, những lượt hiển thị quảng cáo đến những từ khóa không liên quan đến sản phẩm hoặc thương hiệu của bạn (thường được gọi đó là những “bad impression”) đều không những không tạo ra giá trị mà còn tiêu tốn của bạn một phần ngân sách vô ích, làm giảm đáng kể hiệu suất quảng cáo.
Vậy làm thế nào để hạn chế được việc này? Rất may là Google Ads vẫn giữ lại tính năng “negative keywords” hay còn gọi là “từ khóa phủ định” để giúp bạn loại bỏ những từ khóa mà quảng cáo của bạn đang được hiển thị không chính xác.
Các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Truy cập tài khoản Google Ads của bạn và lựa chọn chiến dịch Google Shopping mà bạn đang triển khai.
Bước 2: Lựa chọn “keywords” sau đó chọn “search terms”
Bước 3: Bạn nên chọn khoảng thời gian dài (để có độ chính xác cao hơn), chẳng hạn tôi chọn khoảng thời gian xem dữ liệu là trong 30 ngày vừa qua. Sau khi lựa chọn khoảng thời gian để lấy dữ liệu, bạn hãy tải về danh sách từ khóa kèm các số liệu này. Sau khi tải về, công việc còn lại của bạn là tìm ra các từ khóa không liên quan đến sản phẩm của mình.
Bước 4: Công việc cuối cùng của bạn là quay trở lại tài khoản Google Ads, chọn chiến dịch Google Shopping của bạn, chọn “Keywords” và chọn “Negative keywords”, chọn thêm bằng cách nhấp vào dấu (+) và nhập danh sách từ khóa bạn muốn loại trừ này vào ô từ khóa theo cấu trúc sau:
- [từ khóa] - Chỉ loại trừ chính xác từ khóa trong ngoặc vuông.
- “từ khóa” - Loại trừ những từ khóa nào có chứa cụm từ bên trong dấu nháy.
- Từ+khóa - Loại từ những từ khóa nào có chứa các từ này, nhưng không nhất thiết phải đặt cạnh nhau.
Bước 5: Lưu lại để hoàn tất công việc.
Bạn nên làm điều này thường xuyên vào giai đoạn đầu hoặc khi bổ sung sản phẩm mới, để kịp thời loại bỏ các từ khóa không liên quan và không mang lại giá trị cho bạn.
TỔNG KẾT CHƯƠNG 3
Khác với chiến dịch quảng cáo thông thường, với Google Shopping, bạn sẽ không thể lựa chọn các từ khóa cụ thể để kích hoạt quảng cáo của mình hiển thị mà Google Ads sẽ tự xác định việc này thông qua dữ liệu mà bạn tải lên Google Merchant Center, bạn chỉ có thể chọn những từ khóa mà bạn không muốn sản phẩm của mình được hiển thị thông qua từ khóa phủ định.
1. Google sẽ tự chọn từ khóa mà quảng cáo sản phẩm của bạn sẽ được hiển thị đến khách hàng mục tiêu dựa vào những yếu tố:
Tiêu đề sản phẩm
Mô tả sản phẩm
Trang đích (liên kết đến sản phẩm) Danh mục sản phẩm Google
2. So với phần tối ưu để Merchant Center có thể xác định chính xác từ khóa về sản phẩm của bạn, thì ở nhiệm vụ hạn chế việc hiển thị không đúng từ khóa cũng quan trọng không kém, những lượt hiển thị quảng cáo đến những từ khóa không liên quan đến sản phẩm hoặc thương hiệu của bạn (thường được gọi đó là những “bad impression”) đều không những không tạo ra giá trị mà còn tiêu tốn của bạn một phần ngân sách vô ích, làm giảm đáng kể hiệu suất quảng cáo. Còn được gọi là Từ khóa phủ định.