1. Các lỗi đối với trang web của bạn
Khi thực hiện quảng bá sản phẩm với Google Shopping, đôi lúc bạn sẽ nhận được thông báo sản phẩm không hợp lệ, bạn không thể tiếp tục đăng tải dữ liệu sản phẩm lên Merchant Center. Lý do dẫn đến tình trạng này đó là vì những lỗi đến từ trang web của bạn như dưới đây:
1.1 Lỗi robot
Lỗi robot là gì?
Lỗi robot là một lỗi có thể xuất hiện trong quá trình bạn xây dựng tệp robot.txt trên trang web của mình. Trong quá trình Googlebot thu thập dữ liệu trang web của bạn, Googlebot sẽ tự động tìm đến tệp robot.txt của bạn để xác định những trang không được phép thu thập dữ liệu. Nếu tệp robot.txt vẫn tồn tại nhưng lại không thể truy cập được hoặc không thể đọc được, Google sẽ hoãn thao tác thu thập dữ liệu thay vì mạo hiểm thu thập dữ liệu các URL mà bạn không muốn được thu thập dữ liệu. Khi máy chủ của bạn gặp phải tình trạng này, Googlebot sẽ tạm ngừng hoạt động cho đến khi Google có thể truy cập thành công vào tệp robots.txt của bạn.
Cách khắc phục lỗi tệp robot.txt
Không phải lúc nào bạn cũng cần đến tệp robot.txt để thu thập dữ liệu, bạn chỉ cần tệp robot.txt khi trang web của bạn có nội dung mà bạn không muốn công cụ tìm kiếm Lập chỉ mục. Có nghĩa là, nếu bạn đồng ý lập chỉ mục cho tất cả nội dung có trong trang web của mình thì bạn sẽ không cần quan tâm quá nhiều đến tệp robot. txt và khi ấy hoạt động thu thập vẫn diễn ra một cách bình thường.
Đảm bảo Google có thể truy cập tệp robot.txt của bạn: Đôi khi, bạn bắt gặp lỗi này chỉ vì lý do nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ của bạn đang chặn Googlebot. Lúc này, bạn hãy kiểm tra thật kỹ, nếu bạn có tường lửa, hãy chắc chắn nó đang không chặn Google.
1.2 Lỗi DNS
Lỗi DNS là gì?
Khi bạn gặp phải lỗi DNS, bạn sẽ không thể giao tiếp với máy chủ DNS do máy chủ trục trặc hoặc định tuyến DNS trên miền của bạn đang có vấn đề. Tuy nhiên, nếu bạn gặp lỗi này, khả năng truy cập trang web của Googlebot sẽ không bị ảnh hưởng, nó chỉ làm kéo dài thời gian chờ và điều đó có thể tác động tiêu cực đến hành động của người dùng khi họ truy cập trang web của bạn.
Các lỗi DNS thường gặp
Hết thời gian chờ DNS: Khi bạn gặp phải lỗi này, Google sẽ không thể truy cập trang web của bạn vì chính máy chủ DNS của bạn không phản hồi trong khoảng thời gian quy định.
Tra cứu DNS: Nếu Google không thể truy cập trang web của bạn bởi vì máy chủ DNS của bạn không nhận ra tên máy chủ, có nghĩa là bạn đã bị lỗi tra cứu DNS.
Cách khắc phục lỗi DNS
Hãy kiểm tra khả năng Google có thể thu thập trang web của bạn.
Bạn có thể sử dụng công cụ Tìm nạp như Google - công cụ giúp bạn kiểm tra cách Google thu thập dữ liệu hay hiển thị URL trên trang web của mình - trên một trang web quan trọng (chẳng hạn trang chủ của bạn). Nếu nó trả về nội dung thông báo mọi hoạt động bình thường, có nghĩa là Google hoàn toàn thực hiện được hành động thu thập trên trang web của bạn.
- Đối với các lỗi DNS tái diễn, bạn hãy kiểm tra với nhà cung cấp DNS của mình. Thông thường, nhà cung cấp DNS và dịch vụ lưu trữ web của bạn là một.
- Định cấu hình máy chủ của bạn để phản hồi tên máy chủ không tồn tại với mã lỗi HTTP như 404 hoặc 500.
1.3 Lỗi máy chủ
Lỗi máy chủ là gì?
Nếu bạn gặp bất kỳ lỗi nào trong các lỗi như không thể truy cập đến URL, yêu cầu đã hết thời gian chờ hoặc trang web của bạn đang bận khiến bạn phải hủy bỏ đi thao tác, thì vấn đề là bạn đã bị lỗi máy chủ.
Các lỗi máy chủ thường gặp
- Hết thời gian chờ: Khi mắc phải lỗi này, bạn sẽ nhận được phản hồi: Máy chủ đã hết thời gian chờ.
- Tiêu đề bị cắt ngắn: Google có thể kết nối với máy chủ của bạn nhưng máy chủ đã ngắt kết nối trước khi toàn bộ tiêu đề được gửi đi.
- Đặt lại kết nối: Máy chủ của bạn đã xử lý thành công yêu cầu của Google nhưng không phản hồi bất kỳ nội dung nào bởi vì kết nối với máy chủ đã được reload (tải lại).
- Phản hồi được rút ngắn: Máy chủ của bạn đã được ngắt kết nối trước khi Google nhận được phản hồi đầy đủ, do vậy nội dung của phản hồi có thể không đầy đủ và đã bị cắt ngắn.
- Kết nối bị từ chối: Google không thể truy cập trang web của bạn bởi vì máy chủ đã từ chối kết nối. Lý do có thể là vì nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ của bạn đã chặn Googlebot hoặc có thể cấu hình tường lửa của họ có sự cố.
- Kết nối không thành công: Google không thể kết nối với máy chủ của bạn do mạng không thể kết nối được hoặc bị ngắt.
- Hết thời gian kết nối: Google không thể kết nối với máy chủ của bạn.
- Không có phản hồi: Google có thể kết nối với máy chủ của bạn nhưng kết nối đã bị đóng trước khi máy chủ gửi bất kỳ dữ liệu nào.
Cách khắc phục
- Giảm tải tối đa đối với các yêu cầu trang động.
Trang động là một trang web cung cấp cùng một nội dung từ nhiều máy chủ khác hoặc nhiều trang web khác (những nội dung được nhúng từ website hoặc dịch vụ bên thứ 3), chẳng hạn trang web bao gồm nội dung như ảnh động, hiệu ứng flash… Các trang động cũng có thể dẫn đến các vấn đề hết thời gian chờ bởi vì nó mất quá nhiều thời gian để phản hồi. Khi trang web của bạn chứa nhiều nội dung động, Googlebot sẽ mất nhiều thời gian để thu thập dữ liệu. Do đó, Google khuyến khích bạn hạn chế sử dụng nội dung động trên các trang web. Thực tế hiện nay, mọi người có xu hướng thiết kế các trang web phẳng, nội dung thông tin được cắt giảm tối đa các hiệu ứng, tối ưu các nút và trải nghiệm cho người dùng.
- Đảm bảo máy chủ lưu trữ trang web của bạn không bị trục trặc, quá tải hay bị định cấu hình sai cách.
Nếu bạn gặp vấn đề kết nối, hết thời gian chờ hoặc phản hồi chậm, hãy kiểm tra với máy chủ lưu trữ web (server/ hosting) của bạn và cân nhắc khả năng đáp ứng và xử lý lưu lượng truy cập tới trang web của bạn.
- Kiểm tra để chắc chắn bạn đang trong trạng thái không chặn Google.
Rất có thể, bạn đang chặn Google do một vấn đề nào đó liên quan đến hệ thống, hay cấu hình mà bạn không biết. Hãy kiểm tra lại để chắc chắn điều này không xảy ra đối với máy chủ của mình.
- Kiểm soát thu thập dữ liệu và lập chỉ mục trang web cho công cụ tìm kiếm một cách hợp lý.
Nếu bạn đang sở hữu một trang web có nhiều nội dung và bạn không muốn Googlebot có thể thu thập tất cả những thông tin đó, hãy sử dụng tường lửa hoặc cấu hình file robot.txt. Tường lửa trong trường hợp này không phải để chặn mà chỉ để kiểm soát những nội dung mà Googlebot có thể thu thập được.
2. Các lỗi thường gặp phải trong quá trình thu thập dữ liệu
Một nguyên nhân nữa khiến bạn có thể sẽ gặp phải trường hợp bị Từ chối sản phẩm là đến từ việc thu thập và xử lý các dữ liệu khi tải lên Nguồn cấp. Dưới đây là một số trường hợp từ chối sản phẩm phổ biến trên Google Shopping mà bạn có thể gặp:
2.1 Thiếu các thuộc tính cần có
Các thuộc tính cần có của một sản phẩm bao gồm:
- ID sản phẩm
- Tiêu đề
- Mô tả
- Link liên kết sản phẩm
- Link liên kết hình ảnh
- Tình trạng còn hàng
- Tình trạng sản phẩm (Old/New)*
- Giá cả
- GTIN*:
+ GTIN (Mã số sản phẩm thương mại toàn cầu)
+ MPN (Mã số linh kiện của nhà sản xuất)
+ Thương hiệu
- Thương hiệu
Lưu ý: (*) là những thuộc tính bạn có thể thêm cho sản phẩm hoặc không. Nếu bạn thiếu một trong các thuộc tính này, bạn sẽ không bị từ chối sản phẩm. Tuy nhiên, đối với từng sản phẩm liên quan đến thiết bị máy móc, có mã số linh kiện sản xuất thì Google bắt buộc bạn phải có hai trong ba yếu tố của GTIN*. Còn lại, với các sản phẩm thuộc về các danh mục không liên quan đến các thiết bị máy móc chẳng hạn như sách, trang phục bạn chỉ cần có thương hiệu là đã đủ điều kiện để sản phẩm được chấp nhận. Tuy nhiên, Google khuyến khích bạn sử dụng mã GTIN đầy đủ vì theo phân tích và thống kê của họ, khi dữ liệu của bạn bao gồm GTIN thì số lượt nhấp chuột vào quảng cáo có khả năng tăng thêm 40% và số lượt chuyển đổi cũng tăng lên 20% so với thông thường.
2.2 Giá cả sản phẩm và Tình trạng còn hàng không khớp
Giá cả sản phẩm và Tình trạng còn hàng cũng là một trong các thuộc tính rất dễ gây ra trường hợp bị Từ chối mặt hàng trong quảng cáo mua sắm. Với thuộc tính Giá cả, đôi khi Google sẽ nhầm lẫn giữa giá gốc và giá sale của mỗi sản phẩm của bạn, do đó bạn cần thể hiện rõ ràng các trường thuộc tính khác nhau để tránh tình trạng này.
Khi hàng hóa sản phẩm của bạn trên trang đích đã hết, tuy nhiên bạn chưa cập nhật trên dữ liệu, điều này sẽ gây ra trạng thái đối lập nhau của sản phẩm trên trang đích và quảng cáo khiến cho mặt hàng của bạn bị Từ chối.
Bạn có thể sử dụng Quy tắc nguồn cấp dữ liệu hoặc Tự động cập nhật mặt hàng để hạn chế xảy ra những trường hợp không đáng có này.
2.3 Các vấn đề liên quan đến hình ảnh sản phẩm
Một số vấn đề liên quan đến hình ảnh có thể khiến cho sản phẩm của bạn bị từ chối:
- Hình ảnh quá nhỏ.
- Hình ảnh chung chung, không xác định rõ ràng sản phẩm quảng bá.
- Hình ảnh không hợp lệ.
- Chất lượng hình ảnh thấp.
- Hình ảnh có chứa văn bản quảng cáo.
2.4 Tình trạng trang đích chung chung
Các vấn đề về trang đích cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho sản phẩm của bạn gặp phải nguy cơ bị Từ chối mặt hàng. Dưới đây là một số nguyên nhân liên quan đến trang đích khiến bạn bị Từ chối mặt hàng:
- Tất cả các sản phẩm của bạn đều hiển thị trên trang đích và người dùng có thể không xác định được vị trí sản phẩm mà họ muốn quan tâm ở đâu.
- URL chuyển hướng hoặc chuyển tiếp đến một trang bên ngoài khi khách hàng click vào quảng cáo trên Google Shopping.
- Trang đích của sản phẩm không truy cập được qua hệ thống tự động của Google.
- Trang đích không có giao diện hỗ trợ cho Mobile
- Không có giao diện dành cho PC, Tablet
3. Khắc phục các sự cố không hợp lệ trong quá trình thu thập dữ liệu
Giả sử, bạn đang muốn tải dữ liệu lên Google Merchant Center để thực hiện hoạt động quảng bá cho sản phẩm của mình, tuy nhiên bạn lại gặp phải phản hồi không hợp lệ khiến bạn không thể thực hiện các bước tiếp theo của mình. Hãy tham khảo cách khắc phục dưới đây:
- Đầu tiên, hãy mở tài khoản Merchant Center của bạn, sau đó nhấn chọn Chẩn đoán nằm ở dưới mục Sản phẩm. Hãy nhấn vào Tài khoản, Nguồn cấp dữ liệu hoặc Mục tổng quan về thẻ nếu bạn muốn xem chi tiết các vấn đề này. Nếu đó là một vấn đề liên quan đến chất lượng dữ liệu, hãy chọn Mục vấn đề.
- Bước tiếp theo đó, hãy bấm vào Số lượng các mặt hàng bị ảnh hưởng. Lúc này, bạn có thể xem tối đa 50 sản phẩm có vấn đề và tải về báo cáo có chứa tất cả những mặt hàng đó.
- Nếu bạn nhận được đó là một lỗi “Không tìm thấy trang (404)” trong nhiều URL gửi đi. Có thể, URL bạn gửi đi đã mắc phải một số lỗi như chứa các ký tự đặc biệt hoặc định dạng liên kết không hợp lệ. Hãy tìm và khắc phục chúng.
- Sau khi sửa chữa lại, bạn hãy gửi yêu cầu xem xét nguồn cấp dữ liệu. Nếu tất cả lỗi của bạn đã được khắc phục hoàn toàn thì sản phẩm sẽ được hiển thị đối với người tìm kiếm nội dung có liên quan.
TỔNG KẾT CHƯƠNG 4
Khi thực hiện quảng bá sản phẩm với Google Shopping, đôi lúc bạn sẽ nhận được thông báo sản phẩm không hợp lệ, bạn không thể tiếp tục đăng tải dữ liệu sản phẩm lên Merchant Center. Lý do dẫn đến tình trạng này đó là:
- Vì những lỗi đến từ trang web của bạn:
+ Lỗi robot
+ Lỗi DNS
+ Lỗi máy chủ
- Vì những lỗi trong khi thu thập và xử lý dữ liệu để tải lên
Nguồn cấp:
+ Thiếu các thuộc tính cần có
+ Giá cả sản phẩm và Tình trạng còn hàng không khớp
+ Vấn đề hình ảnh
+ Các vấn đề về trang đích
Tuy nhiên, bạn có thể trực tiếp khắc phục các lỗi này.
Ngoài các lỗi đến từ trang web, bạn vẫn có thể có nguy cơ gặp phải tình trạng này vì các dữ liệu bạn tải lên có thể không trùng khớp với trang đích hoặc không phù hợp với quy định về dữ liệu của Google Merchant Center. Khi gặp các vấn đề này, bạn có thể xử lý trực tiếp trên trang Merchant Center của mình.