Mười giờ đêm, tám chiến sĩ chúng tôi và đại đội trưởng đã có mặt tại điểm xuất phát. Năm Thắng phổ biến phương án trinh sát, phân công từng tổ chịu trách nhiệm các hướng, thống nhất địa điểm tập kết. Giờ tập kết là bốn giờ sáng, dù hoàn thành công việc hay chưa cũng phải rút về điểm tập kết đúng giờ. Trong trường hợp bị lộ, nhất quyết không để rơi vào tay địch.
Thống nhất xong mọi phương án, chúng tôi nhanh chóng lẫn vào màn đêm.
Vượt qua những thửa ruộng bỏ hoang, những quả đồi thấp lúp xúp cây dại, tiến sát chân đồi Tử Thần. Tại đây, chúng tôi chia làm ba tổ. Tổ một gồm anh Năm Thắng, tôi và Trường. Tổ hai có Quân, Đoan, Học. Tổ ba là Nhâm, Quý, Hóa. Ba tổ lặng lẽ tiến theo ba hướng. Sau khoảng ba mươi phút, tổ của tôi do anh Năm Thắng dẫn đầu đã tiếp cận hàng rào kẽm gai đầu tiên. Đang thao tác khắc phục thì gặp một tốp lính địch đi tuần buộc phải lùi lại. Cùng lúc đó, tên lính phóng một quả pháo sáng soi rõ cả vùng và la lớn: “Việt cộng, Việt cộng. Đứng lại!”. Hắn kéo cò khẩu AR-15… tiếng đạn nổ chát chúa găm xuống ngay cạnh nơi chúng tôi ém mình. Cả tổ nín thở nằm im chờ đợi. Nếu bị lộ sẽ phải xử lý tình huống. Trước khi đi, mọi người đã đưa ra những tình huống có thể xảy ra nhưng không có phương án rút lui nửa chừng.
Mấy phút sau, bọn lính đi tuần cười hô hố rồi bỏ đi, mọi người thở phào vì biết chúng chỉ la bậy. Anh Năm Thắng tiếp tục khắc phục hàng rào. Vài phút sau chúng tôi đã vượt lớp đầu tiên và phải băng qua một khoảng đất trống. Mới qua được một nửa bãi trống gặp thêm một tốp lính tuần tra, lại phải ém mình chờ. Khi chúng vừa đi qua, mọi người lại vượt lên, tiếp cận và vượt êm hàng rào cao chừng một mét rưỡi. Tới lớp hàng rào thứ ba, anh Năm Thắng và Trường đã vượt sang bên kia đường, tôi vừa thò đầu ra lại gặp thêm một tốp lính đi tuần vội thụt lại, rúc vào bụi cỏ tranh cách mép đường chừng một mét. Tụi lính tuần quét đèn pha sáng trắng. Một tên bước tới ngay chỗ tôi nằm, bất chợt hắn dừng lại. Nghĩ nó phát hiện ra mình, tim tôi đập mạnh như muốn nhảy khỏi lồng ngực, trong đầu thoáng nghĩ: Tao sẽ liều chết với mày, tay cầm sẵn quả lựu đạn nín thở chờ đợi. Thời gian nặng nề trôi, không thấy thằng lính tuần có động thái tiếp theo, bỗng một dòng nước ồ ồ tương thẳng xuống ngay đầu. Thì ra thằng này đứng lại để giải quyết “nỗi buồn”, nó chưa phát hiện ra tôi. Khốn nạn, chắc thằng này ăn mặn lắm, nước đái của nó khai kinh khủng. Mùi nước đái xộc thẳng vào mũi làm tôi suýt sặc lại thêm lũ muỗi thi nhau chích nhoi nhói. Cố nín thở chịu đựng không dám nhúc nhích. Mẹ cha thằng chó, nó đái gì mà lâu như bò đái! Nhịn thở lâu, người tôi run lên, sắp không thể chịu nổi thì nó xong, bỏ đi. Thật hú vía! Nếu nó đứng lại nửa phút nữa thôi, tôi không chết vì tắc thở cũng chết sặc vì mùi nước đái của nó và không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Thằng địch chạy theo đồng bọn của nó, khi cách chỗ tôi nằm chừng hơn mười mét, thấy đủ an toàn, tôi vọt lẹ qua đường. Bò thêm vài mét thì bắt kịp Trường và Năm Thắng, chúng tôi tiếp tục tiến sâu vào phía trong.
Tôi còn nhớ, khi học cấp ba đã được nghe mấy chú lớn tuổi kể chuyện: Một anh bộ đội đặc công nửa đêm đột nhập vào đồn địch, vừa bò vào tới bậc thềm phòng thằng đồn trưởng bất ngờ một tên lính mở cửa phòng đi ra, anh vội nằm ép mình sát vào bậc thềm. Thằng lính đứng trên thềm cửa vạch “chim” tương một bãi dài vào giữa lưng vậy mà nó không phát hiện ra anh. Đái xong nó quay vào, chưa kịp tới cửa liền bị anh đặc công vọt dậy kẹp cổ từ phía sau. Khi người nó mềm như sợi bún, nhẹ nhàng thả nó xuống, anh tung liền mấy trái thủ pháo vào phòng rồi vọt lẹ ra ngoài, lẩn nhanh vào bóng đêm bỏ lại sau lưng những tiếng nổ dữ dội cùng sự hoảng loạn và những loạt đạn bắn loạn xạ của tụi lính trong đồn. Sáng hôm sau các báo giật tít: Đặc công Việt cộng đột nhập vào đồn B đánh thủ pháo làm thiệt mạng đồn trưởng và mười lính…
Hồi đó nghe mấy chú kể chuyện tôi không tin lắm, nghĩ câu chuyện được thêu dệt, làm gì có chuyện đặc công nằm ngay dưới chân tên lính mà nó không phát hiện được. Nhưng hôm nay, chính tôi lại rơi vào trường hợp tương tự, chỉ khác là, tôi nằm trong bụi cỏ tranh um tùm, và dòng nước đái của thằng lính đi tuần còn cách đầu tôi chừng một gang tay. Thật hú vía!
Cả ba tiếp tục đột nhập vào sâu, mỗi người tỏa đi một hướng. Tôi tập trung quan sát tất cả những gì có thể thấy, cố gắng ghi nhớ trong đầu thật chính xác những boong ke, đường hào, ụ đại liên, trận địa pháo… Mặc dù địa hình rất phức tạp nhưng tôi đã vượt qua được các chướng ngại vật, quan sát và ghi nhớ những gì tôi thấy.
Nhìn đồng hồ đã đến giờ quay lại nơi tập kết, lặng lẽ trườn người thoát ra khỏi hàng rào ba chẽ, hàng rào bùng nhùng, tới hàng rào cuối cùng đã thấy anh Năm Thắng và Trường đang đợi. Anh Năm Thắng ra lệnh nhỏ gọn: “Rút!”.
Xuống tới chân đồi nằm đợi một chút, tổ hai, tổ ba cũng ra tới. Riêng Quân ra sau cùng, đụng tụi lính đi tuần phải ém mình nằm lại chờ chúng đi qua, đã quá giờ hẹn vẫn chưa thấy. Anh Năm Thắng lệnh cho tất cả rời khỏi chân đồi, một mình anh ém lại chờ Quân. Chúng tôi về tới nơi trú quân lúc hơn bốn giờ sáng, trong lòng thấp thỏm lo lắng, không biết thủ trưởng và Quân ra sao.
Tảng sáng, anh Năm Thắng về nhưng không có Quân. Nhìn nét mặt đăm chiêu của thủ trưởng tôi càng lo. Sau một hồi im lặng, anh Năm Thắng nói quả quyết:
- Các cậu tắm rửa nghỉ ngơi đi, đừng lo cho Quân. Tớ tin nó ém đâu đó thôi, nếu bị lộ đã có súng nổ. Chờ tới tối nay, Quân không về ta sẽ tính. Tớ rất tin vào khả năng ẩn mình của Quân.
Với lính trinh sát, thường thì đêm đi ngày nghỉ. Sau khi ăn uống qua quýt, tôi tập trung phác thảo những gì đã quan sát được đêm qua, lập thành bản đồ, đánh dấu những địa điểm công sự, khoanh tròn những ổ hỏa lực, boong ke, trận địa pháo... Khi vẽ xong, tôi phải mang báo cáo cho thủ trưởng. Anh Năm Thắng sẽ tổng hợp, điểm nào chưa rõ chúng tôi phải đi xác minh lại. Khi mọi thứ đã hoàn hảo, tấm bản đồ thực địa được giao lên cấp trên.
Mang tấm sơ đồ đã hoàn chỉnh của mình đến hầm chỉ huy, Năm Thắng chăm chú xem, hỏi tỉ mỉ từng điểm rồi ghi chú cẩn thận. Xong xuôi, anh quay nhìn tôi cười rất tươi. Lần đầu tôi thấy anh cười. Trong ánh mắt của anh tôi nhận thấy sự tin tưởng. Anh vỗ vai tôi, giọng thân mật:
- Làm tốt lắm chàng trai. Lần đầu đi tuyến vẽ được như vậy là rất tốt, rất có khả năng quan sát, ghi nhớ. Lần sau cố gắng phát hiện những hướng di chuyển thuận lợi để bộ binh theo đó có thể phát triển hướng tiến công. Phải quan sát thật kỹ những điểm có thể tạo cửa mở thuận lợi. Chuyến đi vừa rồi ta mới điều nghiên được phía tây và phía bắc của đồi Tử Thần, còn phải đi một chuyến nữa, điều nghiên toàn bộ phía nam, bên đó có đường dẫn lên đồi, dưới chân là khu vực ẩn mình của xe tăng, thiết giáp của địch. Nhưng trước mắt phải chờ… chừng nào cậu Quân chưa trở về... Nếu Quân lọt vào tay địch, mọi phương án sẽ phải thay đổi. Giờ cậu về hầm nghỉ ngơi sẵn sàng đợi lệnh nghe.
Được một người dày dặn kinh nghiệm như Đại đội trưởng khen tôi cảm thấy tự tin vào khả năng của mình. Nếu tiếp tục được đi tuyến, tôi sẽ không cảm thấy lo và căng thẳng như lần đầu.
Về tới hầm, Trường nhận thấy tôi rất vui liền chọc:
- Chắc được thủ trưởng khen nên phổng mũi đúng không? Nhưng phải công nhận, lần đầu đi tuyến mà cậu không run, giỏi đấy. Tớ còn nhớ, lần đầu mò vào cứ điểm của địch, anh Năm Thắng bò ngay bên cạnh thi thoảng lại nhắc: Hít thật sâu lấy lại bình tĩnh đi, sao thở mạnh thế? Suốt chuyến đi, tớ bám sát thủ trưởng không rời nửa bước bởi sợ lạc giữa đồn địch không biết sẽ xoay xở ra sao. Khi về tới cứ bị ông quạt cho một trận: “Đi trinh sát mà cứ bám đít người khác sát sạt thì làm được cái gì!”. Thế đấy! Mất ba, bốn lần luồn vào cứ của địch tớ mới tự tin, độc lập tác chiến.
- Thú thật, lúc xuất phát tớ cũng hồi hộp lắm nhưng khi bò lên, có thủ trưởng bên cạnh tự nhiên hết sợ, nhưng cũng một lần đái ra quần. Cậu có nhớ lúc mình vượt qua con đường đi tuần của chúng không? Thấy cậu và thủ trưởng đã qua đường êm, tớ tính vọt lẹ để theo kịp nhưng vừa thò đầu ra thì mấy thằng lính đi tuần cũng vừa tới. Cậu có thấy lúc một thằng đứng lại khá lâu? Chính lúc ấy nó vạch “chim” tương một “bãi” ngay trước đầu tớ. Thằng lính tuần đi rồi, qua đường xong tớ vẫn còn run!
- Ha ha, vậy là lần đầu đi tuyến cậu được ngay thằng ngụy tặng nguyên một “chim” nước hoa xuất ngoại, hên thế còn gì. Cậu có biết, khi bọn lính đi tuần đứng lại, tớ và thủ trưởng nằm cách mép đường chừng ba, bốn mét gì đó. Thấy một thằng đứng ngay lối vào, tớ lo nó phát hiện ra cậu. Thủ trưởng bấm tớ ra dấu chuẩn bị sẵn sàng cho mấy thằng đó về chầu ông vải. Thằng đó đứng lại chừng một phút chứ nhiêu? Nó đứng thêm một phút nữa thì... Thằng đó quả cao số còn tụi mình thì cũng hên nên hoàn thành nhiệm vụ tuyệt vời.
- Nhắc tới cái chuyện nước đái giờ tớ mới thấy ghê, phải đi tắm cái đã…
Cầm bộ quần áo, tôi men theo giao thông hào ra sông. Tới bờ, tìm một điểm có những cây bụi lúp xúp, một cây gỗ lớn, tán lá chờm ra mép nước khá kín đáo liền tới đó. Thấy không một bóng người, tôi quyết định tắm tiên.
Cởi bỏ hết áo quần tôi trườn người xuống nước. Nước sông mát lạnh sảng khoái vô cùng. Ngồi thụp người chìm sâu trong nước, hai tay cào, vò mái tóc bết dính sau một đêm bò toài sương gió cùng mùi nước đái khai mù của thằng ngụy. Khi không nín thở được nữa, tôi trồi lên mặt nước khoan khoái kỳ cọ khắp người, mắt lơ đãng nhìn mặt sông gợn sóng.
Tiếng pháo bỗng rộ lên ùng oàng, đứng lặng nghe và phán đoán pháo bắn hướng nào. Tiếng nổ mỗi lúc một dày, đúng hướng chốt của đại đội tôi.
Chắc bọn địch lại bắt đầu tiến công, tôi đoán vậy, trong lòng thấy lo lắng vô cùng. Những đồng đội của tôi, những thằng bạn của tôi sẽ lại phải đương đầu trước sự hung hãn của bọn địch. Không biết sau trận đánh, ai còn... ai mất…
Đang miên man suy nghĩ chợt thấy viên sỏi nhảy cóc từng đoạn lướt đi trên mặt sông, ra cách bờ vài mét thì chìm nghỉm, rồi một viên nữa, lại một viên nữa. Những viên sỏi mỏng như chiếc bánh quy cứ đuổi nhau từ mép nước ra giữa sông, phát ra những tiếng lạch tạch liên tục khá vui tai, cùng với đó là tiếng cười khúc khích của con gái khiến tôi hoảng hồn.
Nép mình vào tán cây bụi sát mép nước, tôi căng mắt quan sát. Trời ơi... O Dung. O chỉ cách chỗ tôi chưa đầy hai chục mét, vẫn say sưa nghiêng người tiếp tục liệng những viên sỏi mỏng cho nhảy trên mặt nước như một trò vui. Tôi chết lặng không dám cục cựa. Thân phận tôi sẽ bại lộ nếu làm xao động mặt nước. Trong lòng mong o Dung sớm kết thúc cái trò chơi con trẻ của mình mà quay về hầm hoặc đi đâu đó nếu không, sớm muộn o cũng phát hiện ra tôi. Nhưng thôi rồi, trò chơi kết thúc, thay vì về hầm, o lại lững thững đi về phía tôi. Còn đi đâu nữa đây, tôi tự hỏi và vô cùng lo lắng. Nếu o phát hiện ra tôi đang tắm tiên, chỉ có nước độn thổ! Mỗi bước chân Dung bước tới, khoảng cách giữa o với đống áo quần của tôi lại ngắn dần, tim tôi lại đập nhanh hơn. Còn chừng mười mét… ôi đống quần áo của tôi! Cái quần đùi tôi vứt ngay trên cùng, nó sẽ là thủ phạm tố cáo tôi đang tắm truồng! Không thể giấu đống quần áo cũng không thể lên bờ, phải làm sao đây! Tôi chỉ còn biết ngồi im, nhô mỗi cái đầu lên mà chịu trận. Bỗng o Dung dừng lại, bước xuống sát mép sông nơi có tảng đá khá nhẵn, cúi xuống vốc nước rửa mặt. Rửa xong mặt mũi o ngồi xuống, lấy trong túi áo chiếc gương nhỏ và một chiếc lược cũng rất nhỏ vừa chải đầu vừa tủm tỉm cười. Cười cái gì không biết, có biết tôi đang khổ sở lắm không? Không biết o sẽ ngồi đó đến bao giờ, có trời mới biết. Lẽ ra giờ này các o đang ngủ vùi trong hầm bởi cả đêm phải xuôi ngược như con thoi từ các chốt về cơ sở, chăm sóc, đưa thương binh, dẫn quân về nơi tập kết, tải đạn hoặc nhu yếu phẩm cho các chốt, các cơ sở mật. Vậy mà... bữa nay o không ngủ lại ra đây làm dáng nữa chứ. Không thể hiểu được phụ nữ. Mệt thật!
Chải xong đầu tóc, cất gương lược vào túi o ngồi bó gối nét mặt đăm chiêu nhìn qua bên kia sông. O cứ ngồi im lìm như pho tượng.
Ngắm kỹ khuôn mặt của o dù chỉ qua kẽ lá, giờ tôi mới cảm nhận được hết vẻ đẹp. Một khuôn mặt trái xoan, làn da rám nắng rắn rỏi rất xinh trong bộ bà ba mềm mại. Mái tóc dày đen mượt thả ngang lưng thật dễ thương. Trong lòng tôi thầm ước - giá như tôi có thể đến với cô ấy, nhưng cũng ngay lập tức, tôi xua cái ý nghĩ lãng mạn ra khỏi đầu. Sống giữa bom đạn, sự sống cái chết chỉ trong gang tấc liệu mình có sống được đến ngày đất nước thống nhất…
Ngâm mình trong nước ước chừng hai mươi phút, người bắt đầu run vì lạnh không cả làm chủ được hàm răng, chúng bắt đầu va vào nhau lập cập, nếu Dung ngồi thêm nửa tiếng đồng hồ, chắc tôi sẽ chết cóng dưới nước mất. Thật là một ngày tồi tệ! Tôi thầm trách mình, chỉ tại thích thoải mái, tắm truồng mới ra nông nỗi này. Lạy Phật, o đã đứng dậy rời mép nước. Tôi mừng thầm trong bụng và chợt nghĩ, vậy là thoát rồi… Nhưng mẹ ơi! Gì nữa đây? O lên bờ, không về hầm mà hướng về phía tôi bước tiếp. Khoảng cách cứ ngắn dần, chắc chỉ còn chừng ba mét. “Chết con rồi mẹ ơi”. Tôi thầm kêu trong đầu. Bỗng nghe tiếng Dung thốt lên nho nhỏ: “Quần áo của bộ đội… lạ thiệt... người đi mô hè”. O bắt đầu ngó nghiêng tìm kiếm.
Nấp trong đám cây lúp xúp khá kín nhưng do cự ly quá gần, chỗ ẩn nấp đã bại lộ, o Dung đã phát hiện ra tôi, bụm miệng cười khúc khích rồi co giò chạy khỏi bờ sông.
Chờ o Dung khuất hẳn, tôi lên bờ mặc vội quần áo lập cập trở về. May quá, Trường không có trong hầm nếu không, thấy bộ dạng của tôi thế nào hắn cũng tra hỏi và khi ấy… tôi sẽ không biết phải giải thích với hắn thế nào.
Lôi trong ba lô bộ đồ mặc thêm cho ấm, tôi gieo mình xuống mấy tấm ván, cuộn thêm chiếc tăng kín đầu. Mặc hai bộ đồ, cuốn thêm chiếc tăng mà các thớ thịt trong người vẫn rung lên, răng vẫn gõ vào nhau lập cập. Nằm co như con sâu mong cái lạnh mau qua, tôi cứ nằm như vậy chừng nửa tiếng đồng hồ.
Nghe bước chân thậm thịch, tôi đoán Trường về. Quả nhiên, vừa tới cửa hầm hắn đã cằn nhằn: “Quái thật, cái thằng này đi tắm kiểu gì mà hai tiếng đồng hồ vẫn không thấy mò mặt về, hay đã xảy ra chuyện gì không biết!”.
Nghe Trường than, tôi giả đò rên hừ hừ để đánh tiếng cho nó biết vì sợ nó lo lại đi tìm. Phát hiện ra tôi, cậu ta ào tới, kéo phắt cái tăng khỏi người tôi, miệng rối rít:
- Cậu làm sao thế, sốt hả? Sao mặt tái mét, môi thâm sì vậy.
Tôi vẫn nằm co tròn, trả lời hắn:
- Tớ không sao, chỉ tại ngâm trong nước lâu thôi.
- Tại sao phải ngâm nước lâu - Thằng Trường tiếp tục tra hỏi - Tắm thì mười lăm hai mươi phút là đủ, cậu ngâm nước lâu làm gì? - Vừa nói, hắn vừa sờ khắp người tôi rồi sờ lên trán, giọng càng lúc càng lo lắng - Có lẽ cậu bị sốt rồi!
- Cũng tại o Dung đấy! - Tôi buột miệng.
- O Dung làm gì cậu? - Trường tra hỏi. Thấy tôi nằm im không trả lời, Trường hối - Nói đi, hai người đã có chuyện gì? Không nói cũng được, tớ đi tìm o Dung…
- Không không, đừng đi! Không có chuyện gì đâu. - Tôi cố ngăn Trường nhưng cậu ta không buồn nghe, chạy ào ra khỏi hầm, một lúc sau thì quay lại cùng với Dung. Tới chỗ tôi nằm, miệng hắn oang oang:
- O làm gì để cậu ấy ra nông nỗi này, lo giúp cậu ấy đi. Cậu ấy mà làm sao o phải chịu trách nhiệm đấy!
- Răng mà anh cứ sồn sồn như rứa, để anh Hùng mặc cho tui. - O ngồi xuống, đặt tay lên trán tôi, giọng hốt hoảng - Trời đất! Bị cảm lạnh rồi! Anh Hùng nằm im nghe, tui về hầm một lát sẽ qua liền. - Nói rồi o đi nhanh ra khỏi hầm, vài phút sau đã thấy quay lại, trên tay cầm một chén nước còn bốc hơi.
- Anh ngồi dậy uống chén nước gừng, một lát sẽ đỡ thôi.
Tôi cố ngồi dậy, đỡ chén nước từ tay Dung ngoan ngoãn uống một hơi cạn sạch. Bát nước gừng cay cay thơm thơm thật dễ chịu. Cầm chiếc chén không trên tay tôi, Dung nói nhỏ như người mắc lỗi:
- Xin lỗi anh Hùng, tại tui nên anh mới… Nhưng tui đâu biết anh dưới đó.
Miệng nói, mặt o quay đi cố giấu nụ cười bẽn lẽn khiến tôi càng ngượng. Lấy trong túi lọ dầu, vẫn với giọng nói dịu dàng:
- Anh nằm xuống, tui thoa chút dầu nóng, chừng tiếng đồng hồ anh sẽ ổn.
- Cảm ơn Dung - Tôi đổi cách xưng hô - Tôi không sao đâu, nằm một lát là hết ấy mà. - Nói vậy nhưng tôi vẫn nằm xuống như một đứa trẻ biết vâng lời.
- Đúng rứa, anh sẽ mau khỏe thôi - Vừa xoa dầu lên hai thái dương, cổ và ngực cho tôi, Dung vừa nói chuyện.
Là lần đầu tiên trong đời được một người con gái chăm sóc nên cảm xúc thật khó tả. Một thứ tình cảm rất lạ cứ len lỏi trào dâng trong tôi. Đôi bàn tay Dung vẫn nhẹ nhàng xoa dầu, miệng thủ thỉ kể chuyện:
- Anh Hùng biết không, khi còn nhỏ, tui cũng lý lắc nghịch ngợm dữ lắm, mạ thường nói tui như con trai. Mà mạ nói cũng đúng. Ngay từ nhỏ tui đã ưa chơi với các bạn trai hơn bạn gái. Tui không thích sự ủy mị, mít ướt. Những ngày mưa bão mọi người chạy vô nhà, tui lại theo tụi con trai chạy ra giữa sân tắm mưa, mà tắm truồng, còn chạy khắp xóm nữa chứ, anh Hùng thấy có ngộ không? Chừ nghĩ lại thấy cũng tức cười. Có bữa dầm mưa lâu bị cảm lạnh, mạ pha nước gừng cho uống, vậy là hết, từ đó thành thói quen cho tới chừ, dù đi mô cũng bọc theo mấy lát gừng phòng khi trời lạnh hoặc ai mắc cảm thì cho… Nghe anh Trường nói, anh Hùng đang học Đại học Sư phạm thì vô bộ đội đúng không? Tui chỉ học hết lớp đệ thất1, giặc về ấp bắn phá giết hiếp, dân trong ấp bỏ nhà cửa chạy lánh nạn, còn tui nhảy núi theo mấy chú tới chừ. Khi mô rảnh, anh Hùng dạy tui học với nghe. Tôi mong chiến tranh sớm kết thúc, khi nớ sẽ đi học tiếp rồi ra làm cô giáo. Khi đất nước giải phóng rồi, anh Hùng có tiếp tục học đại học nữa hông?
1. Lớp 6 ngày nay.
Đang kể chuyện về mình, Dung đột ngột quay qua hỏi tôi, tôi lắp bắp:
- Có… có chứ. Nếu có thể… trở về… tôi sẽ tiếp tục học cho xong chương trình đại học rồi về làm thầy giáo. Đó là ước mơ của tôi từ nhỏ mà.
- Vậy hả? Tui cũng còn một ước mơ, khi đất nước thống nhứt, tui sẽ theo bộ đội vô tới Sài Gòn, sau đó quay ra Hà Nội thăm Thủ đô, thăm miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vào Quốc Tử Giám và tới Hồ Gươm... cho thỏa ước mơ. Khi ấy anh Hùng giúp đưa tui đi nghe.
- Nhất định rồi, nếu ngày ấy...
- Sao khi nào anh cũng nếu thế - Dung cắt ngang câu nói của tôi - Nhất định chúng ta phải sống để chứng kiến ngày đất nước thống nhứt chứ.
Câu nói quả quyết của Dung khiến tôi cũng vững tin rằng mình sẽ trở về sau cuộc chiến nên trả lời như một lời khẳng định:
- Hãy tin tôi, tới ngày đó tôi sẽ đưa Dung đi hết năm cửa ô, ba mươi sáu phố phường của thủ đô Hà Nội. Đưa Dung tới đường Cổ Ngư nơi tôi sinh ra.
- Vậy là anh Hùng hứa rồi đó nghe, không được quên lời hứa đâu nha.
- Ha ha, hai anh chị hứa hẹn với nhau điều gì mà tình cảm thế, nói cho tôi nghe được không - Trường từ ngoài đột ngột bước vào chen ngang - Cứ đà này chắc bên trinh sát tụi tôi sắp có cô dâu du kích cũng nên. Có cần tôi báo cáo đại đội trưởng cho không?
- Anh Trường chỉ được cái đoán mò! Biết tui và anh Hùng hứa cái chi, răng mà cũng nói. Anh Hùng nghỉ nghe - Dung vừa nói vừa ngúng nguẩy bước nhanh ra khỏi hầm. Tôi cũng bực, quay qua trách Trường:
- Cậu rõ chán! Đúng là vô duyên quá! Người ta đang vui câu chuyện thì làm kỳ đà cản mũi.
- Hì hì, tớ xin lỗi, tớ không có ý phá đám, chỉ đùa một chút cho vui. Mà cậu cũng giỏi thật - Trường bỗng hạ thấp giọng - Hỏi thật nhé, cậu tán đổ o Dung rồi hả?
- Rõ chán cho cậu! Nghe câu chuyện phải hiểu hết đầu đuôi chứ, chưa gì đã phán bừa. Chỉ là tớ hứa sau giải phóng sẽ đưa cô ấy về thăm Hà Nội, vậy thôi.
- Ôi... thế không phải là hẹn hò sao? Bái phục sư phụ Hùng. Bái phục…
- Hai thằng đang huyên thuyên chuyện trò gì mà vui thế, có qua ăn cơm không thì bảo? - Cậu Đoan đột ngột qua gọi ăn cơm làm cắt ngang câu chuyện giữa tôi và Trường. Trường nhìn tôi cười cười rồi hắn hỏi đểu:
- Thế nào, đã đỡ chưa, có đi ăn cơm được hay để tớ mang qua đây?
Giờ tôi mới nhớ tới sức khỏe của mình. Lạ thật. Tôi hết sức ngạc nhiên bởi thấy người nhẹ tênh, khỏe mạnh bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra. Tôi trả lời thằng Trường:
- Tớ hết sốt khi nào không biết nữa. - Tôi vùng dậy, lúc này mới thấy bụng đói cồn cào liền hối hai thằng - Đi ăn thì đi, tớ đói lắm rồi. - Nghe tôi nói, Trường phá lên cười ha hả khiến Đoan ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì. Trường nói thật to:
- Đúng là tình yêu có khác, cứ như thuốc tiên vậy. Đi ăn thôi - Nói rồi hắn lại cười vang, nhảy chân sáo ra khỏi cửa hầm.