Ai nói thím không biết ghen! Thím ghen suốt hai mươi năm qua rồi còn gì? Bây giờ thím vẫn ghen đó thôi, cái ghen của người đàn bà không hề yếu đuối.
***
Thím lại soi gương, khuôn mặt sao mà nhăn nheo quá thể. Không nhăn nheo sao được, tóc cũng bạc gần hết rồi còn gì. Nhưng thím đã già gì cho cam, mới ngót nghét năm mươi, cái tuổi thành công, sung túc, chín muồi của phụ nữ cơ mà.
Thím cứ mãi nhìn mình trong gương, quên bẵng đi trời chiều đã đổ. Cái thứ buổi chiều vẫn thế, không đổ thì thôi, khi đã đổ chẳng chờ người ta kịp vuốt lại mái tóc.
- Má ơi! Cơm chín chưa má, tối ni mình ăn chi rứa má?
Giọng con Mai véo von từ đầu cửa làm thím giật thót:
- Cá má kho hồi trưa rồi, khi mô muốn ăn thì thổi cơm thôi. Con qua coi thử dì Hai có đông khách không. Ừ mà thôi, để đó má qua rồi phụ dì luôn.
Thím rời cái gương, ngoài kia trời đã nhá nhem tối. Hai mươi năm trôi qua, khi nào cũng thế, hễ có thời gian rỗi là thím lại ngồi trước gương. Cái gương được thím lau sáng bóng, không một hạt bụi. Có lẽ vì thím sợ, thím sợ nếu mình không nhìn, không ngắm, không giữ kỹ, có lẽ cái vẻ căng mọng, tròn đầy của người phụ nữ hai mươi chín sẽ trôi đi mất.
Đó chính là ngày chú quyết định để mẹ con thím lại, một mình tha phương kiếm kế mưu sinh cho cả nhà. Thím còn nhớ như in cái ngày chú lên đường cùng mấy người bạn theo tiếng gọi của quế Trà My, trầm Trà Giác. Lúc đó con bé thứ hai mới chưa đầy ba tháng. Thím gọi con bé là Trà My.
- Em cố gắng chăm con, vài bữa anh về! Thím ngày ngày ôm con ngóng về hướng núi, phía đã mang theo lời nguyện trăm năm.
Hai tuần chú lại về thăm mấy mẹ con với chút quà xứ núi. Rồi thưa dần, một tháng chú về một lần. Bé Trà My dần lớn. Nó bi bô tập nói, rồi nó hỏi ba. Thím đau rát ruột.
- Ba đi làm kiếm “xiền”, rồi vài bữa ba mua bánh về cho con nghe!
Cuộc sống bắt đầu khấm khá, có cái nhà, cái xe, nhưng thím thấy sao càng ngày càng nhạt thếch.
Cái thứ trầm, thứ quế cay nồng, thơm ngút, nó hút hồn con người ta. Chú thưa về nhà hơn. Mỗi lần chú về lại vội vội vàng vàng. Thím khăn gói đi tìm. Hỡi ôi! Phía trên kia không giống như những gì chú nói, như những gì chú kể. Một mái nhà, một người đàn bà xinh đẹp trẻ trung hơn thím, một đứa con gái bi bô gọi chú là ba. Thím chết trân. Hai đứa con ngây ngô của thím chạy lại mừng ba. Trong kia, người đàn bà trẻ ấy cũng chỉ đứng nhìn ra.
- Anh xin lỗi! Ngàn lần xin lỗi em!
Cái ba lô con con trên tay chỉ chực rơi xuống đất, thím thấy trời đất như quay cuồng, chao đảo. Thím muốn thét lên, muốn đấm vào ngực chú, muốn xỉ vả: “Anh đã hứa với em mà? Anh hứa chỉ có má con em thôi mà? Anh là đồ tồi...”. Nhưng tất cả chỉ có nước mắt. Mà có lẽ bao nhiêu nước mắt đó đã cuốn theo hết thảy những hờn giận, những xỉ vả, oán trách trôi dài trên đôi gò má còn lem nhem chút phấn hồng của thím.
- Gió rừng độc lắm, anh xin em vào trong đi, em giận anh nhưng hãy nghĩ cho con...
Thím biết, biết tất cả, thím có muốn đứng đây đâu. Thím chỉ muốn chạy đi cho thật xa, thật nhanh để khỏi nhìn thấy chú, nhìn thấy cái mái ấm riêng của chú. Nhưng sao chân thím như bị chôn chặt, người thím như đeo ngàn tảng đá. Người ta đưa thím vào nhà. Có lý do gì thím lại để các con đứng ngoài này? Đây là nhà của ba nó, nhà của chồng thím cơ mà. Nhà của chồng thím, tức phải là nhà của thím. Vậy có lý do gì thím không được vào? Người phải đứng ngoài này là kẻ đang trong nhà nhìn ra kia kìa. Thím phải vào, thím phải là bà chủ.
Căn nhà gỗ khá rộng rãi, bàn ghế, tủ kệ đều được làm từ các loại gỗ quý. Phải rồi, ở ngay giữa núi rừng bạt ngàn này, có thiếu gì gỗ. Gian phòng mà chú bảo thím “hãy nghỉ tạm cho khỏe” có lẽ là phòng dành cho khách. Cũng đúng thôi, ở đây chú hay có khách lắm, toàn là dân buôn quế dưới xuôi lên. Gian phòng không rộng, không chật, đủ kê một cái sập gỗ, một tủ đồ con con với hai chiếc ghế và lối đi lại vừa đủ thoải mái cho hai người.
“Phòng khách, răng mình phải ở phòng khách, mình là chủ, là chủ mới đúng!” Thím muốn lao ra khỏi phòng. Rồi thím nghe có tiếng thút thít khe khẽ phía bên kia.
“A! Phải rồi, bên kia mới là phòng ngủ, mà răng cô ta lại khóc, cô ta răng lại được ngồi bên đó mà khóc. Người khóc phải là mình chứ.” Mà sao thím không thể khóc thành tiếng như người ta. Vì sao nước mắt thím lại chảy mãi không thôi thế này. Thím lịm đi. Không lịm sao được. Đi hơn trăm cây số đường đèo, tay mang hai đứa nhỏ lên thăm chồng, có ngờ đâu gặp cảnh trớ trêu này, có là thánh chắc cũng không tỉnh nổi.
- Em ngủ hả Hằng? Dậy ăn miếng cơm đi em!
- Ăn cơm? - Thím choàng tỉnh. Chồng mình bảo mình ăn cơm...
- Anh Hoàng à! Anh...
Thím bỏ lửng câu nói, có lẽ thím muốn hỏi chú về khi nào. Nhưng không, thím đi thăm chú. Sao người ta vẫn thản nhiên mời thím ăn cơm vậy chứ. Cơm ư! Ăn cơm. Thật nực cười. Phía bên kia, giọng chú vẫn ngọt dịu không đổi:
- Ly ơi! Ra ăn cơm đi em!
Thím phải ra, thím là chủ nhà nên cần phải ra xem người ta nói gì, làm gì. Là chủ thì phải ra trước người ta chứ, đúng rồi, cần phải thế. Cần phải cho người ta biết, người ta phải trả chú lại cho thím, người ta phải dọn ra khỏi nhà ngay.
Nhưng sao thím vẫn không thể dời bước, vẫn chỉ đứng đó. Đáng lẽ thím phải khóc, phải làm ầm lên, phải tát vào mặt con đàn bà kia. Thế nhưng thím vẫn chỉ đứng đó để nước mắt tràn ra, gặm nhấm nỗi đau xé ruột.
Ngoài kia, tiếng mấy đứa trẻ vô tư tranh đồ chơi với nhau vẳng lên liên hồi.
***
Thím quay về mà không nói được lời nào cả. Người ta bảo thím đi đánh ghen đi, rạch mặt con đàn bà trâng tráo kia đi, tạt axit vào mặt nó đi cho nó chừa. Nhưng thím có bao giờ làm được thế đâu. Thím chỉ khóc.
Chú lại hứa chờ cho My Xuân lớn tý nữa:
- Anh không thể bỏ con bé khi nó còn nhỏ như thế, dù sao nó cũng là con anh.
Thím lại tin, mà không tin, thím cũng chẳng thể làm gì khác. Có lẽ thím còn yêu chú lắm, yêu cái gia đình nhỏ bé này, và hơn hết thím yêu hai con của mình lắm lắm. Chúng không thể thiếu ba. Thím còn trẻ, xinh đẹp, hiền thục, nết na, biết đâu rồi chú lại về. Thím mang thai, cái thai hình thành từ chính tình yêu son sắt của người đàn bà dành cho chồng, một tình yêu mà thím tin rằng sẽ mang chú quay về.
Hạnh Mai, tên đứa con gái thứ ba mang hy vọng về ngày mai tươi sáng cho gia đình.
Người ta bảo thím không biết ghen. Sao lại không ghen. Thím ghen đến bầm gan tím ruột, ghen đến gầy mòn. Nhưng thím không thể làm mất mặt chồng, không muốn bôi xấu mình, không muốn đánh đồng mình với những người đàn bà “chợ búa”. Thím yêu chú và muốn hình ảnh mình vẫn nguyên vẹn trong chú, trong mắt con thơ, trong họ hàng lối xóm.
Nhưng thím có ngờ đâu, lúc bé Hạnh Mai ra đời thì phía trên kia, Nhật Khanh, đứa con trai thứ hai với người đàn bà ấy đã tròn năm tháng tuổi.
Tiền chú gởi về cho mẹ con thím ít dần. Rồi mỗi năm chú mới về thăm nhà một lần. Thím mòn mỏi chờ đợi.
***
Hai mươi năm trôi qua, Hạnh Mai đã hai mươi tuổi. Bây giờ Mai đang là sinh viên. Mà trớ trêu thay, Hạnh Mai, Nhật Khanh lại học chung một trường, cùng một ngành, trong một lớp. Chúng gọi nhau mi tau.
Người ta lại bảo thím: - Sao vẫn còn chờ làm gì nữa?
Thím khẽ cười: - Em đã ly dị đâu, ảnh vẫn là chồng em cơ mà! Người ấy chắc cũng chẳng hạnh phúc hơn em.
Người ấy mà thím nói chính là người đàn bà đã cướp mất chú từ tay thím. Ở đằng này, thím là người vợ có hôn thú, có cưới hỏi, đón rước hẳn hoi. Ở phía ấy, người ta có chú.
- Thế đấy! - Thím bảo: - Cả hai đều là vợ hờ. Mình không chờ, chẳng lẽ mình chịu thua hay sao?
Ai nói thím không biết ghen! Thím ghen suốt hai mươi năm qua rồi còn gì? Bây giờ thím vẫn ghen đó thôi, cái ghen của người đàn bà không hề yếu đuối.
Xuân Võ