Chiếc máy bay của hãng hàng không Việt Nam rời khỏi đường băng của sân bay quốc tế Nội Bài lao vào không trung. Duy tháo dây bảo hiểm, nhìn qua ô cửa kính. Mây bồng bềnh. Anh ngả lưng vào thành ghế thả mình trong suy nghĩ về Diệu Hương.
Từ cái buổi đầu gặp ở nhà hàng “Miền Quê” vào ngày đầu Thu cho đến giờ khi đối với anh, số phận Diệu Hương trở nên quan trọng hơn số phận bản thân. Nhưng từ khi nhận công tác với thiếu tá Mạnh, anh đặt công việc cao hơn. Còn bây giờ thì anh nghĩ, tình yêu với Diệu Hương cao hơn tất cả. Chính Diệu Hương đã cho anh thấy niềm khoái lạc mà trước đó anh chưa hề tưởng tượng nổi. Anh khát khao không bao giờ xa, không bao giờ mất cái mũi tẹt đáng yêu và búi tóc quấn như tháp chùa của Diệu Hương. Những ý nghĩ ấy như cắt bỏ đi mặc cảm về nghê “uống bia kiếm tiền” đã từng trĩu nặng trong anh để khấn nguyện trọn đời chung sống cùng Diệu Hương.
Máy bay đã chở những ý nghĩ ấy từ từ hạ xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Đó là một buổi chiều ngày 16 tháng cuối cùng của năm 1991.
Cả sân bay chan hòa ánh nắng, loang loáng chiếu xuống máy bay và chiếu xuống mái nhà ga. Từ những cửa kính xung quanh nhà ga, ánh sáng mặt trời sắc tím vàng đổ xuống lại hắt lên không trung như múa nhảy.
Duy tay xách va-li, tay xách cành đào đi ra cửa. Vẻ nặng nhọc không còn trên mặt anh nữa. Anh đảo mắt khắp sân ga kiếm tìm Diệu Hương, một lúc lâu không thấy, buồn chán ngồi xuống chiếc ghế phòng chờ. Ánh sáng từ phía ngoài chiếu vào khu vực phía trước mặt khiến anh có thể quan sát thoải mái hơn. Anh hy vọng khi bước qua cửa vào nhà ga sẽ nhìn thấy Diệu Hương đầu tiên với tiếng gọi thân thương: “Anh Duy!” Nhưng đó chỉ là ý nghĩ. Duy nhíu lông mày thất vọng và cảm nhận có việc gì xảy ra trong quan hệ giữa anh với Diệu Hương. Anh cúi đầu một cách tội nghiệp.
Cô gái mặc chiếc váy đen, mắt đẹp khá sắc sảo nhưng hoang thô và không sáng sủa ngồi đối diện nhìn anh một cách soi mới. Duy ngẩng đầu lên bắt gặp cô đang nhìn mình làm anh có cảm giác bực bội.
Thiếu tá Mạnh từ đâu không rõ bước đến bên Duy đặt nhẹ tay lên vai anh.
- Anh Duy!
Hai người vui mừng xiết chặt tay nhau, chào hỏi rồi đi xe hơi về nhà. Dọc đường, thiếu tá Mạnh nói hết chuyện này tới chuyện khác nhưng Duy hầu như không nghe chỉ hỏi về tình hình sức khỏe, công việc làm ăn của Diệu Hương và cật vấn thiếu tá vì sao Diệu Hương không ra đón. Thiếu tá không dám nói sự thực về thái độ của Diệu Hương, muốn cắt đứt quan hệ với anh.
Tôi đó, anh rủ Duy đi dạo để lựa lời nói chuyện. Họ đi dọc đường Nguyễn Đình Chiểu.
- Tôi muốn biết chính xác bây giờ Diệu Hương có khỏe không?
- Khỏe! - Thiếu tá trả lời một cách sắc gọn.
- Bây giờ cô ấy ở đâu?
- Anh cứ nghỉ đi đã, ngày mai tôi sẽ cho địa chỉ.
- Không. Tôi muốn ngay tối nay gặp Diệu Hương xem cô ấy thay đổi thế nào từ lần cuối cùng tôi chia tay để ra Bắc đến nay.
Thiếu tá im lặng như sợ phải nói sự thực lúc này. Duy bước chậm và mỗi khi ngang qua quán cà phê nào, anh lại đăm đăm nhìn. Thiếu tá không dám nhìn vẻ mặt, dáng điệu Duy lúc ấy.
- Anh Duy! Anh cứ để tâm đến các quán cà phê ôm đó làm gì?
- Nhưng chẳng phải ai cũng để tâm đến những quán cà phê này - Duy mệt mỏi, đau buồn trả lời rồi lại nhìn vào những ngọn đèn mờ, nơi mà anh đã gặp Diệu Hương - Hễ nhìn vào nơi đó tôi lại tương tượng Diệu Hương - Duy ngước mắt nhìn thiếu tá - Như cô ta đang bị người đàn ông nào đó ôm hôn.
Vài phút sau, Duy lại nói:
- Sao lời hát của cô ấy lại làm tôi rung cảm mà cả quãng đời tôi đã qua chưa bao giờ gặp phải.
- Tôi cho rằng ý lời ca hay nói đúng hơn cả công việc nặng nhọc, khổ tâm của người “uống bia kiếm tiền” đã cho Diệu Hương xúc cảm đó.
- Vâng đúng thế - Duy tiếp lời thiếu tá - Cứ mỗi khi bước qua cửa quán cà-phê nào lại nhớ đến kỷ niệm với Diệu Hương. Ngoài ý nghĩ lời ca, giọng hát còn một bí quyết khác nữa. Đó là cô ta không tự buông thả mình để cho những người đàn ông si tình thỏa mãn dục vọng. Tôi đã đi nhiều quán cà-phê ôm nhưng tôi chưa tìm ra cô gái nào lại giữ được nhân cách khi làm nghề này như Diệu Hương.
Hai người dừng bước.
- Cộng tác với anh mấy tháng nay mà tôi chưa bao giờ kể cho anh nghe về nỗi khổ tâm, dằn vặt của Diệu Hương khi nghĩ tôi đã đi yêu người khác.
Duy bắt đầu kể về giờ phút Diệu Hương hấp hối ở bệnh viện Chợ Rẫy, về cái tát ở nhà hàng “Miền Quê”...
- Tôi biết. Anh đã nói ra thì tôi cũng nói thật. Chính có mối tình với anh hay nói đúng hơn có anh mà cô ta đã không rơi vào tay mụ chủ quán tú bà, không trở thành món hàng cho khách làng chơi. Trong phút thành tâm, thư thái này tôi sẽ kể cho anh nghe - Thiếu tá quay nhìn Duy - Chính vì muốn bảo vệ cho Diệu Hương an toàn tính mạng, từ bỏ công việc “uống bia kiếm tiền”, tôi đã đến gặp ông Năm Tính, một cơ sở cũ của an ninh Miền thời chống Mỹ, thuyết phục ông cưu mang chị em Diệu Hương. Hiểu được ý nghĩa việc làm, ông Năm Tính đã về Gò Công gặp má Diệu Hương thuyết phục cho Diệu Hương học may. Công việc này giúp chúng tôi bảo vệ được tính mạng cho Diệu Hương trong thời gian anh ra Bắc, đồng thời cũng kiếm cho cô ấy ổn định công ăn việc làm. Đến giờ nhóm điệp viên “Liên minh vì một nước Việt Nam tự do" hoạt động ở nước ta đã bị bắt, anh có thể gặp Diệu Hương giải thích sự việc mà trước đây chưa nói hết được.
- Nhưng bây giờ cô ta đang ở đâu? - Duy quay sang phía thiếu tá hỏi.
- Tôi sẽ đưa cho anh địa chỉ.
Duy yên lặng cầm tờ giấy thiếu tá đưa, vừa có vẻ vội vã lại vừa có vẻ lạnh lùng nghĩ suy. Chợt anh kêu lên thảng thốt.
- Tôi sẽ đi ngay bây giờ.
Duy rảo bước nhanh hơn về nơi ở, lấy xe máy phóng thẳng đến nhà ông Năm Tính. Anh xả hết tốc độ cho chiếc xe Honda phóng trên những con đường người xe như mắc cửi. Các chàng trai đèo các cô gái với quần áo đủ màu sắc, những hàng cây sừng sững bên đường, đèn nhấp nháy từ các nhà hàng như sao sa hắt ánh sáng xuống lòng đường phơi ra với tất cả vẻ đẹp. Nhưng dù cảnh đẹp thành phố cuốn hút tới đâu cũng không thuyết phục được Duy. Trong đầu anh lúc đó chỉ nghĩ đến Diệu Hương. Chính Diệu Hương đem đến cho anh tình yêu. Ngày anh đang công tác ở Hà Nội, anh chỉ nghe bạn bè nói, tình yêu ở những quán bia Sài Gòn chỉ là những mới tình bơ vơ. Không. Không đúng. Trong hàng trăm mối tình bơ vơ cũng có tình yêu chân thật. Anh nghĩ như thế. Chỉ có qua thực tế nhà hàng “Miền Quê”, anh mới hiểu được nỗi đau của các cô tiếp viên đặc biệt. Cuộc đời là như vậy. Sự suy nghĩ đó của anh, lời ca của Diệu Hương chính là bước chuyển tiếp đế anh đến với tình yêu mà anh sẽ không bao giờ để nó tuột khỏi tay mình. Hãy phóng xe nhanh lên, mở hết ga, bắt xe làm việc quá công suất để được sớm về với Diệu Hương.
Rồi anh đến nhà ông Năm Tính. Anh tắt máy, dựa xe bước vào nhà. Vợ chồng con cái ông Năm hình như có ai bảo đều đã vắng nhà, chỉ còn một mình Diệu Hương đang ngồi máy.
Nhìn thấy Duy, Diệu Hương dừng chân không đạp.
- Diệu Hương! - Duy xúc động định gọi to lên, song sợ người khác nghe thấy nên anh thấp giọng. Chính cái âm thanh có cả âm điệu thét to và nhỏ ấy đã làm Diệu Hương lúng túng. Cô ngước mắt nhìn Duy.
- Em có khỏe không?
Giọng Duy hạ thấp, không giấu nổi niềm vui, xúc động. Diệu Hương lặng lẽ nhìn anh không nói, nỗi giận thương cứ va nhau trong đầu khiến cô không sao phát thành tiếng.
- Em học may đã thạo chưa?
- Dạ. Mới bắt đầu - Diệu Hương ngạc nhiên không rõ từ nguồn tin nào nói cho Duy. Lẽ nào anh cũng còn quan tâm đến mình ư? Cô nhìn anh rồi cúi xuống, thấp giọng - Anh làm thế nào tìm được em?
- Anh Mạnh chỉ cho anh địa chỉ, phần còn lại anh phải lo hỏi đường là tìm ra.
Hai người im lặng hồi lâu.
- Anh tương rằng sau tháng ngày xa cách gặp lại em, vui mừng. Thế mà sao em...
- Em không ngả đầu vào lòng anh như ở “Miền Quê” chứ gì? Anh thật trung thành với tình yêu nhưng anh lại thích đi ôm hôn người con gái khác.
Lời nói của Diệu Hương hàm ý chua cay, song giọng nói lại đáng ghét hơn, khác hẳn với những lần gặp trước, Duy hiểu điều đó. Trước mắt anh như có một màn đen phủ kín. Anh kêu thầm, chẳng lẽ Diệu Hương lại quên đi tất cả những kỷ niệm rồi sao?
- Lẽ nào em lại quên đi kỷ niệm nơi Vũng Tàu, Đầm Sen, Tân Cảng...
- Không. Em không quên mà còn nhớ hai con số 16.
Duy hết sức bàng hoàng. Phải rồi, cái đêm anh đến chia tay Diệu Hương để đi Hà Nội là 16 và hôm nay trở lại Sài Gòn gặp lại cô ta cũng là đêm 16. Như thế có nghĩa Diệu Hương đã tính từng ngày. Ôi, nếu vậy thì Diệu Hương đâu có thể quên mình. Anh sung sướng quay lại:
- Anh cũng tính từng ngày để được trở lại bên em.
- Nhưng anh ra đi để rồi thay áo cơ mà.
- Không. Anh van em, đừng nói thế. Chiếc áo cộc tay màu be em gửi anh Mạnh tặng, anh sẽ mặc trọn đời. Nếu sau này có thế sang thế giới bên kia, lời trăn trối cuối cùng cho người đi sau, hãy mặc chiếc áo xanh cho anh.
Diệu Hương và Duy đã ngồi xuống giường từ lúc nào, hai khuỷu tay anh chông lên bàn máy khâu. Diệu Hương hơi nhìn xuống, cô ghi lại trong ký ức cái buổi đầu gặp Duy. Đôi tay anh ta chống cằm sao mà đáng ghét lại đáng thương. Và bây giờ, trước mặt cô, đứng ngay trước mặt đôi tay ấy vẫn như thế, vẫn động tác như thế mà mình bảo anh ta sẽ thay đổi ư? Tự nhiên ý nghĩ dứt khỏi anh bị lung lay, làm sắc mặt Diệu Hương thay đổi. Cô quay mặt đi nơi khác để tránh cái nhìn của Duy cho tới khi cô thấy chủ động được giọng nói của mình.
- Anh Duy ạ. Em đã nghe theo anh từ bỏ nghề “uống bia kiếm tiền” để học may. Như thế là em đã phải trả giá rồi có phải không anh? Nhưng em vẫn chưa hiểu được anh. Trong anh có cái gì bí hiểm hơn cả tình yêu. Điều gì thì em chưa biết. Em chỉ biết rằng anh viện hết lý do này, lý do khác để ôm hôn người khác, để đi Hà Nội, bỏ em bơ vơ. Anh không dám từ bỏ tất cả để đến với em như em đã bỏ nghề “tiếp viên” hay sao?
- Chính vì điều đó, hôm nay anh mới đến tìm em. Em có thể cùng anh đi dạo chơi, anh sẽ nói để em hiểu. - Giọng Duy hết sức ôn tồn.
Trong những ngày khổ đau, Diệu Hương viết thư “vĩnh biệt” để bước vào công việc mới và cô cũng không hề có ý nghĩ trả thù. Trong tình yêu, nhiều người chia tay bằng sự trả đũa thậm chí tàn bạo. Còn Diệu Hương, cô nghĩ, có lẽ cũng nên đi dạo với Duy để rồi có chia tay thì “quan tòa thiện chí” sẽ là người giám sát. Song bây giờ cô cho ràng mình đã là người lớn. Cô thấp giọng:
- Trước đây vài tháng, em còn trẻ con lắm, thích làm “tiếp viên” là làm, không cần hỏi ý kiến ai. Bây giờ má em đã gửi em cho chú Năm Tính, em phải chờ ý kiến chú.
- Nghĩa là em không muốn đi chơi cùng anh?
- Dạ. Anh hãy tạm coi như thế. Mà đã là tạm thì không phải vĩnh viễn.
Đã bao ngày xa người yêu, Duy không được nghe những lời âu yếm, tối nay câu chuyện lại buồn tẻ, nặng nề làm anh bắt đầu không vui.
- Bằng giá nào thì có ngày anh sẽ về Gò Công thăm Vườn trầu, thăm má.
- Không. Nếu như anh đã đi với người khác thì anh còn về đó làm gì cho tâm hồn đau khổ? - Diệu Hương gằn từng tiếng đau xót.
- Nghĩa là em không yêu anh nữa?
Duy nhìn vào mặt Diệu Hương chờ đợi. Còn Diệu Hương buông thõng tay bặm môi trong vài phút, dáng vẻ đăm chiêu. Cô nhìn khắp gian nhà, đột nhiên thấy bộ ấm chén và những cái ly lúc bấy giờ cô mới biết mình đang quên chưa mời anh uống nước. Châm trà mời nước, đó là công việc phải làm ngay cho dù muộn màng còn hơn không. Cô bước đến bên bàn cầm bộ ấm chén mà cứ tưởng như lần đầu tiên, Duy nhìn tay Diệu Hương và nhớ lại sự đụng chạm của đôi tay ấy khi hai người đã hiểu nhau. Tại sao cuộc sống lại rắc rối thế này, thương nhau mà cứ phải nhìn nhau, dò xét.
Diệu Hương đặt bộ ấm chén xuống bên Duy, lạnh lùng:
- Cho đến giờ phút viết thư “vĩnh biệt”, em vẫn yêu anh.
- Còn bây giờ?
Tay Diệu Hương vẫn đặt trên bộ ấm chén.
- Em không yêu anh nữa!
Như một luồng gió mùa Đông Bắc lạnh ào tới, buốt tận tim, Duy lặng lẽ ra về.
Trên đường phố, người và xe thưa thớt hơn nhưng vẫn ồn ào như vốn nó đã có.
*
Một lúc sau, khoảng 10 giờ, vợ chồng ông Năm Tính và các con đi chơi về, chỉ nhìn thấy mình Diệu Hương, ông tưởng Duy không tới. Nhưng khi thấy chén còn nước trà mới pha, ông bỏ ngay ý nghĩ ấy.
- Cháu có khách phải không?
- Dạ.
- Khách quen hay lạ?
- Cái anh ấy mà chú.
- Anh Hà Nội phải không?
- Dạ.
- Cháu kể cho chú nghe sự tình đã ra sao.
Ông Năm Tính chủ động xách hai chiếc ghế ra khoảng trống hẹp trước cửa ngồi nói chuyện. Ông chăm chú nghe Diệu Hương kể lại rồi phân tích vì sao má Diệu Hương lại cùng ông lo cho cô học may. Ông nói: Ba má sinh con đâu nỡ sinh lòng. Khi biết cháu hành nghề “uống bia kiếm tiền”, má con buồn, má khóc, má con không hề có ý nghĩ sinh ra một người con làm việc bán nhan sắc rồ dại đó. Nếu con đi con đường đó thì đấy không phải là mất mát của riêng người mà con thương yêu nhất mà còn là sự mất mát của má con, của cô bác, chú dì. Từ ngày con về đây học may, má biết chuyện con với anh Hà Nội, má mừng lắm... Má thương anh ấy đã cương quyết không cho con tự hành nghề “uống bia kiếm tiền”. Má con tự nguyền rủa mình đã có lúc chấp thuận cho con làm nghề đó. Khi con bỏ nghề “uống bia kiếm tiền” tức là con đã hy sinh đời con cho má. Má mừng và thương anh chàng Hà Nội đã hết lòng thương yêu con. Nếu con chưa hiểu được tấm lòng người mà con thương yêu nhất, thì con hãy suy nghĩ cho kỹ. Chú thấy con học may nhanh hiểu nhưng tình yêu với Duy, con lại chậm hiểu. Quả thật, đời con đã ngồi với hàng trăm khách, song chú tin chưa có một người khách nào lại có đức tính như Duy. Chẳng lẽ con không hiểu điều đó hay sao? Thế mà bây giờ con cự tuyệt tình yêu với anh ta ư? Thế thì đau đớn cho chú, cho má con và cho cả Duy. Tình yêu là sự hòa hợp giữa hai con tim nên chú không nói trước cho con biết việc tối nay Duy đến để con nói những gì mà con nghĩ. Nhưng buồn thay con chưa hiểu được việc làm của Duy như chú hiểu. Nhưng điều đó chú cũng không nói ra lúc này mà để Duy nói cho con rõ rồi tự con và Duy quyết định cuộc đời của mình. Con đã lớn rồi chứ còn bé bỏng gì nữa đâu, có phải không?
*
Diệu Hương xách ghế vào nhà với những ý nghĩ dằn vặt. Cô buông màn lên giường nằm nhưng không sao ngủ được, nghĩ miên man.
Những ngày đầu mới yêu - Diệu Hương tự nói với mình - Mỗi khi xa nhau gặp lại, cô muốn đâm bổ đến anh bằng cả thể xác và tâm hồn. Bây giờ muốn chống cự lại sự cuốn hút ấy, cô cảm thấy khổ sở làm sao. Nghe chú Năm nói, cô thấy thương Duy, muốn đi chơi cùng Duy. Song, trước mắt cô hiện lên hình ảnh Duy và Họa Mi ôm hôn nhau. Phải rồi, lạnh lùng và xa lánh anh ấy là đúng. Mặc chú Năm nói, mình tự đấu tranh với bản thân, vĩnh biệt mới tình, dập tắt đi ngọn lửa đầu tiên, tất cả ý nghĩ ấy tràn ngập làm cả tấm thân tê dại.
Nhưng nghe chú Năm Tính nói, cô lại có ý nghĩ thử gặp lại xem anh ấy nói gì, có yêu mình nữa không.
Gần hai tháng học may, Diệu Hương cố gắng quên hình ảnh con người vào nhà hàng hai tay chống cằm, còn khi xuất hiện trở lại thì chỉ là một hình ảnh người đàn ông bạc tình đáng ghét. Nhưng khi gặp Duy, mọi dự kiến định nói đều biến đi đâu hết và giờ đây, sau khi nghe chú Năm Tính nói, sự giận thương cân bằng, lòng bồn chồn. Ý nghĩ, hình như anh ấy vẫn yêu mình làm Diệu Hương dễ chịu. Cô tự nhủ: Cứ đi gặp Duy xem sao.